Monday 16 April 2012

1. Sự Suy Đồi Của Văn Hóa Ngôn Ngữ

Ảnh: Sưu tầm
Sự nghèo nàn về ngôn từ trong cách ăn nói của người trẻ hiện nay rất phổ biến và nạn mù chữ ngôn từ lành mạnh thì rất nhiều. Mù chữ ở đây không có nghĩa là mình không biết đọc hay biết viết, mà là không biết sử dụng từ ngữ đẹp, từ ngữ lịch sự hay từ ngữ trong sáng. Khi mình nói chuyện, không đơn giản là mình lắp ghép câu chữ mà mình đang thể hiện nhân cách, lối sống và tưới tẩm cho người nghe những hạt giống tốt lành. Đi ra ngoài đường, mình có thể chứng kiến những cách nói văng tục đầy thô thiển là biết ngay người này nghèo vốn từ hay có thể được cho là mù mờ về từ vựng. Một người thích văng tục hay nói năng lỗ mãng không thể nào được cho là nhân cách lớn được. Một số người nói chuyện rất loạn ngôn, bất cần đời và nhấn chìm mình trong thế giới ngôn ngữ đen đủi. Có những người đã là người lớn, 30 hay 40, thậm chí là lớn tuổi hơn nữa, nhưng cách hành xử như một đứa trẻ chỉ mới lên mười, bởi vì cách nói chuyện của người này chẳng khác nào một đứa trẻ con, không phải là ngây thơ hay khờ dại, mà là ngờ nghệch và vô minh. Có những người tự cho hay tự ban cho danh hiệu bậc vĩ nhân nhưng lời nói thiếu văn hóa, mặc dù không làm gì bạo động nhưng lời nói chứa đầy bạo động và hận thù. Lời nói nhiều khi còn đau đớn hơn cả hành động, một lời nói có thể giết chết cả một dân tộc, gây nên đổ máu và chiến tranh, lời nói nguy hiểm đến như vậy.

         Người trẻ thường hay ngụy biện cho mình về việc ăn nói bất cần đời hay ngang như con cua là cách nói thời thượng, có cá tính hay là có phong cách riêng. Ngôn ngữ trong sáng xuống cấp và thay vào đó là những ngôn ngữ mù mờ, thiếu trách nhiệm, thậm chí nhiều ngôn ngữ quá vô tư dẫn đến vô cảm. Thế giới ngôn ngữ này bị ảnh hưởng nhiều bởi các lối hành văn của điện ảnh, kịch trường, văn thơ châm biếm hay lối nói chuyện của tuổi teen. Văn hóa ngôn ngữ như vậy tạo ra một thái độ lầm tưởng rằng càng sáng tác nhiều lối nói như thế thì càng hay, càng sành điệu. Cái sai lầm này dẫn đến nhiều tai hại, lời nói do tâm ý mà ra, nếu nói không trong sáng thì đó là do ý không trong sáng và ngược lại.

         Người chiến binh ý thức được rằng trong thế giới ngôn ngữ chỉ có ái ngữ là có thể giúp hiểu nhau nhiều nhất. Mục đích của lời nói là để cho người nghe hiểu và thương. Mục đích của lời nói không phải là để thoả mãn cá tính hay tranh giành thắng trong việc tranh luận. Ái ngữ là lời nói đẹp, nói làm sao để từ miệng của mình có thể nở ra đoá sen, nở ra những lời châu ngọc, nở ra những lời gấm thêu, nở ra những lời có thể tạo nên sự hiểu biết và thương yêu. Còn những lời nói đem lại sự ganh ghét, hờn giận, thèm khát hay thù hận, những lời cóc nhái hay ểnh ương, chỉ làm cho con người xa nhau thì đó gọi là ác ngữ. Và dĩ nhiên không ai dại gì nói những lời ác ngữ, bởi vì chỉ có ái ngữ, mình mới có thể duy trì các mối quan hệ tốt đẹp và sự truyền thông của xã hội sẽ bền vững. Bi kịch của gia đình hay của xã hội đều xuất phát từ lời nói, một lời nói đẹp cả thế giới hòa bình, một lời nói không đẹp cả thế giới đầy chiến tranh. Nhiều trường hợp hiểu lầm, cãi vã hay những vấn nạn xảy ra như tự tử, li dị, trầm cảm đều do lời nói thiếu chánh niệm gây ra. Lời nói thiếu chánh niệm là người nói không biết mình đang nói gì, nói mà không biết người kia có nghe không, nói toàn lời rác rến, lời nói như con rắn độc mà nọc độc của nó không bao giờ cạn. Chính vì vậy tác dụng của lời nói có chánh niệm cực kỳ quan trọng như thế nào. Lời nói có chánh niệm là người nói biết mình đang nói cái gì, lời nói có tác dụng tưới tẩm những hạt giống lành, tạo nên sự thông cảm, xây dựng niềm tin và mang lại kết nối hòa hợp con người. Bố thì lời ái ngữ là một trong những phương thức bố thí rất vi diệu, làm cho người bố thí và người nhận bố thí đều đẹp, nhờ đó gia đình đẹp và xã hội cũng đẹp. Thử tưởng tượng hai quốc gia lúc nào cũng nói lời ái ngữ với nhau thì sẽ không bao giờ có chiến tranh, thiên hạ thái bình. Lời nói đẹp là lời nói của một vị Bồ Tát. Không cần phải trở thành Bồ Tát ngồi trên toà sen bay lên không trung mới nói được lời ái ngữ, chỉ cần đi đứng nằm ngồi trên mặt đất, mình đã có thể nói được lời ái ngữ. Lời ái ngữ được áp dụng cho tất cả mọi đối tượng ở mọi tình huống, cho cha, cho mẹ, cho chị, cho em, cho chồng, cho vợ, cho bạn bè, cho thủ tướng, cho tổng thống, cho sư anh, cho sư chị, cho đồng nghiệp, cho giám đốc. Người chiến binh vì muốn làm đẹp cho mình, anh chỉ nói lời ái ngữ, là lời nói chân thật, là lời nói nhân ái, là lời nói vì lợi ích của người khác, là lời nói về công đức trí tuệ làm cho tâm cởi mở, là lời nói với tâm không nhiễm ô, và là lời nói ôm lấy niềm đau chứ không phải là bạo động với niềm đau.
http://www.damlinhthat.net/nguoi-chien-binh-trong-the-gioi-ao/phan-3-van-hoa/1-su-suy-doi-cua-van-hoa-ngon-ngu 

No comments:

Post a Comment