Monday 11 June 2012

"Thói dối trá" và câu trả lời ngoài đáp án - Phạm Phúc Thịnh

Phạm Phúc Thịnh

1. Từ một câu hỏi trong đề thi

Trong đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay (2012) có một câu hỏi như sau:
Câu 2. (3,0 điểm)
Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội.
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Có lẽ khi ra đề văn này, những người làm công tác thi của Bộ Giáo Dục muốn gửi một lời cảnh báo đến bạn trẻ bắt đầu chập chững vào đời về sự dối trá, và quả thực khi xem đáp án của Bộ Giáo Dục - Đào Tạo (Bộ GD-ĐT) chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong phần đáp án của môn văn
(Đáp án của Bộ GD-ĐT).
Có thể thấy, trong vài năm gần đây, đề thi văn tốt nghiệp phổ thông trung học đang cố gắng bám sát cuộc sống và mang tính mở giúp cho học sinh có cơ hội thể hiện lên những ý tưởng riêng của mình. Đó là một sự cố gắng lớn của người ra đề trong việc khuyến khích và đổi mới cách học văn trong trường PTTH

2. Đến thực tế có thể có trong bài làm của thí sinh

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận dưới một khía cạnh xã hội, liệu rằng khi làm câu hỏi này các em có đủ dũng cảm và trung thực để nói lên nhận thức về sự dối trá, hay lại tiếp tục dùng “sự dối trá” để nói về sự dối trá?
Liệu rằng các em có dám viết rằng trong phòng thi của em giám thị ngó lơ để các em hỏi bài nhau để rồi sau đó trong tất cả các báo cáo đều có một câu giống nhau “kỳ thi nghiêm túc” từ cấp thấp nhất là Hội Đồng Thi đến cấp cao nhất?

Liệu rằng các em có dám viết rằng, sau khi biết 6 môn thi tốt nghiệp thì ở trường của em đã cho qua tất cả những môn không thi mặc dù trong sổ đầu bài, trong báo cáo chuyên môn của nhà trường, thầy cô của chúng em vẫn báo cáo rằng “thực hiện giảng dạy đầy đủ, nghiêm túc đúng phân phối chương trình của bộ quy định”?
Không chỉ trong nhà trường, các em có thể mở rộng ra những vấn đề nóng bỏng của xã hội, của cuộc sống bình thường quanh các em hàng ngày.

Các em có quyền đặt câu hỏi thế này không khi viết về sự dối trá: “việc mới buổi sáng một quan chức nói rằng giá xăng không tăng, thì ngay tối hôm ấy, giá xăng tăng với một mức tăng ngoài sức tưởng tượng của mọi người có phải là một sự dối trá hay không?”
Các em có quyền hỏi những người ra đề rằng “người dân chỉ cần bắt đầu sửa một cái nhà trong hẻm nhỏ thì bộ phận quản lý của Phường ngày lập tức đến hỏi giấy phép v.v… nhưng người nước ngoài đến nuôi cá ngày tại một khu vực cảng quan trọng của đất nước hằng mấy năm thì tất cả những người có trách nhiệm đều tỏ ra ngạc nhiên không biết khi được hỏi đến có phải là sự dối trá hay không?”
Còn nhiều, còn nhiều nữa những câu hỏi về sự dối trá này với những người ra đề, với những người có trách nhiệm và với toàn xã hội.
Và với những câu hỏi như thế, thì chúng ta, những người yêu cầu các em nói về sự dối trá sẽ trả lời ra sao? trả lời các em đó là sự dối trá hay không phải? hay là im lặng, tệ hơn là cho các em điểm thấp vì “lạc đề”, không đúng yêu cầu v.v…?!

3. Chấp nhận đối mặt với thực tế

 http://www.youtube.com/watch?v=OrO0zeKMyCY

Có thể nói, câu hỏi trong đề thi văn năm nay – vô tình hoặc hữu ý – đã đặt tất cả xã hội đứng trước một vấn nạn đang nhức nhối hiện nay. Người ta thản nhiên dối trá khi chưa bị phát hiện, người ta nhân danh những điều tốt đẹp để dối trá có bài bản. Người ta biện minh cho việc dối trá trong những “kỳ thi nghiêm túc” đó là vì thương học sinh, người ta biện minh cho sự dối trá về những tuyên bố của mình là do “yếu tố khách quan” v.v… Chính vì thế cả xã hội bất ngờ khi có một ai đó trung thực, đã đưa lên một đoạn video chỉ 6 phút ngắn ngủi, nhưng có sức mạnh của quả bom tấn thể hiện cái thực chất của “một kỳ thi nghiêm túc”, ngay khi báo cáo của về kỳ thi tốt đẹp của Bộ GD-ĐT chưa kịp ráo mực. Một sự dũng cảm đáng nể, một câu trả lời hết sức đơn giản nhưng chính xác về việc phê phán sự dối trá, chỉ có điều câu trả lời đó đi ngược với số đông và đã đẩy số đông vào sự lúng túng về sự dối trá của mình.

Vâng, xin cảm ơn em học sinh đã quay lại đoạn video 6 phút trong phòng thi đó. Khi làm việc này, em đã xác định rằng có thể sẽ đi làm phụ xe, có thể sẽ bì trù dập v.v…nhưng đoạn video của em chắc chắn là một một câu trả lời chính xác nhất về quan điểm của bản thân đối với sự dối trá. Chỉ có điều lời giải này không hề có trong đáp án của người ra đề phải không em?!
Vậy đó, nói về sự dối trá thì quá dễ, nhưng thể hiện sự đấu tranh với nó thì không phải ai cũng làm được. Nên chăng, trong đề thi năm học tới cần có thêm một câu hỏi về lòng dũng cảm?
Phạm Phúc Thịnh
http://danluan.org/node/12890

 

No comments:

Post a Comment