Tuesday 21 August 2012

‘Bão trên Biển Đông’

thứ ba, 21 tháng 8, 2012

'Thành phố Tam Sa' trên đảo Phú Lâm nay thuộc sự cai quản của Trung Quốc
Mỹ rất quan ngại trước các động thái của Trung Quốc xung quanh 'thành phố Tam Sa'
Jim Webb, thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Mỹ đại diện cho tiểu bang Virginia, hôm thứ Hai ngày 20/8 đã có bài bình luận về sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và thái độ của Mỹ trên nhật báo Wall Street Journal dưới tiêu đề ‘Bão đang nổi trên Biển Đông’. BBCVietnamese xin giới thiệu với quý vị.
Kể từ Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã chứng tỏ vai trò hết sức cần thiết trong việc gìn giữ ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương mặc dù đã có các cuộc chiến nhiều mất mát ở Triều Tiên và Việt Nam và bất chấp chu kỳ quyền lực đã luân chuyển từ Nhật Bản sang Liên Xô và bây giờ là Trung Quốc.
Sự can dự của chúng tôi đã đem lại lợi ích là những câu chuyện thành công trong lịch sử Mỹ và lịch sử châu Á, giúp cho những quốc gia được gọi là ‘hạng hai’ trong khu vực có cơ hội phát triển về kinh tế và trưởng thành về chính trị.

Nóng bỏng chủ quyền

Khi khu vực này ngày càng trở nên thịnh vượng, vấn đề chủ quyền lại càng trở nên nóng bỏng. Trong vòng hai năm qua Nhật và Trung đã có những lần va chạm công khai tại quần đảo Senkaku mà cộng đồng quốc tế thừa nhận là thuộc quyền quản lý của Nhật Bản.
"Giờ đây Trung Quốc lại bắt đầu mời thầu dầu khí tại những vùng biển mà cộng đồng quốc tế thừa nhận là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam."
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Jim Webb
Trung Quốc và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia đều tuyên bố có chủ quyền với quần đảo Trường Sa – nơi đã chứng kiến cuộc đối đầu tiếp diễn giữa Bắc Kinh và Manila.

Những tranh chấp như thế không chỉ là vấn đề tự hào lịch sử mà còn liên quan đến những vấn đề quan trọng khác như hàng hải, quyền đánh bắt và các tài nguyên giá trị tiềm tàng dưới lòng vùng biển rộng đến hàng ngàn dặm xung quanh các quần đảo tranh chấp. Không nơi nào mà căng thẳng gia tăng lại có thể nhìn thấy rõ ràng như trong vấn đề tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vốn ngày càng trở nên gay gắt.
Vào ngày 21/6, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập một đơn vị hành chính mới mà họ gọi là Tam Sa với trụ sở chính quyền đặt trên đảo Woody (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng còn Việt Nam gọi là Phú Lâm) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đảo Woody này không có dân bản địa và cũng không có nguồn nước ngọt tự nhiên nhưng lại có đường băng có thể hỗ trợ các máy bay quân sự, một bưu điện, một ngân hàng, một cửa hàng tạp hóa và một bệnh viện.

Quần đảo Hoàng Sa nằm về cách đảo Hải Nam, điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc, hơn 200 hải lý về phía đông nam nhưng nằm ngay phía đông bờ biển miền Trung Việt Nam.
TNS Jim  Webb trong chuyến thăm Việt Nam
Thượng nghị sỹ Jim Webb là người có mối liên hệ với Việt Nam

Việt Nam kiên quyết khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này – nơi đã diễn ra một trận chiến vào năm 1974 khi quân đội Trung Quốc tấn công để đẩy binh lính của chế độ miền Nam Việt Nam ra khỏi đảo.
Các cuộc xung đột tiềm tàng có thể bắt nguồn từ việc ra đời của đơn vị hành chính mới này của Trung Quốc vốn có phạm vi vượt xa quần đảo Hoàng Sa. Chỉ trong vòng 6 tuần lễ phía Trung Quốc đã tuyên bố thêm rằng phạm vi tài phán của Tam Sa không chỉ là Hoàng Sa mà còn là toàn bộ biển Nam Trung Hoa.
Theo hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã thì Tam Sa quản lý ‘hơn 200 hòn đảo’ và ‘vùng biển rộng 2 triệu km vuông’.

Để củng cố cho việc bành trướng này, Trung Quốc đã bầu ra 45 đại biểu lập pháp để quản lý khoảng 1.000 người dân sống trên các hòn đảo cùng với một Ủy ban thường trực gồm 15 thành viên, một chủ tịch và một phó chủ tịch thành phố.
Những động thái chính trị này đi cùng với việc mở rộng quân sự và kinh tế, và giờ đây Trung Quốc lại bắt đầu mời thầu dầu khí tại những vùng biển mà cộng đồng quốc tế thừa nhận là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc đã đơn phương quyết định sát nhập vào lãnh thổ một vùng biển trải rộng về phía Đông đến tận Philippines và về phía Nam gần đến eo biển Malacca.
Đơn vị hành chính mới của Trung Quốc có diện tích lớn gần gấp đôi diện tích lãnh thổ của Việt Nam, Nam Hàn, Nhật Bản và Philippines cộng lại.

‘Mỹ yếu ớt’

Phản ứng của Mỹ cho đến nay là rất yếu ớt. Mãi đến ngày 3/8 Bộ Ngoại giao mới bày tỏ quan ngại chính thức về việc Trung Quốc ‘nâng cấp đơn vị hành chính... và thành lập một lực lượng trú đóng’ trên quần đảo tranh chấp.
Tuyên bố này của Bộ Ngoại giao đã được soạn thảo rất cẩn trọng trong khuôn khổ chính sách lâu nay của Mỹ là kêu gọi giải quyết các vấn đề chủ quyền trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và không sử dụng sức mạnh quân sự.
"Với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, việc không đứng về phía nào cũng có nghĩa là Washington đã tạo điều kiện cho các hành động càng lúc càng hung hăng không có điểm dừng của Trung Quốc."
Jim Webb, thượng nghị sỹ Hoa Kỳ
Ngay cả như thế mà chính phủ Trung Quốc còn phản ứng giận dữ. Họ cảnh báo rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ‘làm lẫn lộn phải trái và gửi một thông điệp sai lầm nghiêm trọng’. Tờ Nhân dân nhật báo còn cáo buộc Mỹ là ‘thổi lửa và kích động chia rẽ và cố tình tạo ra sự thù địch với Trung Quốc’.
Ấn bản hải ngoại của họ cũng yêu cầu Mỹ phải ‘câm mồm’.

Thật sự là trong những năm qua sự dao động của Mỹ đã khiến Trung Quốc ngày càng mạnh bạo. Lập trường của Mỹ về tranh chấp chủ quyền ở vùng biển châu Á-Thái Bình Dương cho đến nay vẫn là không đứng về bên nào và các vấn đề phải được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan.
Các quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn đã nhiều lần kêu gọi sự can dự nhiều hơn từ phía quốc tế.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết song phương – có nghĩa là hoặc sẽ không bao giờ giải quyết được hoặc giải quyết theo ý của Trung Quốc.
Với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, việc không đứng về phía nào cũng có nghĩa là Washington đã tạo điều kiện cho các hành động càng lúc càng hung hăng không có điểm dừng của Trung Quốc.

Bài học lịch sử

Hoa Kỳ, Trung Quốc và toàn bộ khu vực Đông Á giờ đây đã đến khoảnh khắc sự thật không tránh khỏi. Các tranh chấp chủ quyền mà các bên phải tìm kiếm giải pháp hòa bình là một chuyện; còn các hành động hung bạo lại là chuyện khác.
Tàu hải giám Trung Quốc trong cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough
TNS Jim Webb tố cáo Trung Quốc ngày càng hung bạo trên Biển Đông

Thách thức này được giải quyết như thế nào không chỉ có tác động đối với Biển Đông mà còn đối với sự ổn định của khu vực Đông Á và tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung.
Lịch sử đã dạy chúng ta khi các hành động hung hăng từ một phía không được đáp trả, thì theo thời gian cái xấu chẳng bao giờ trở nên tốt hơn.
Không ở đâu mà quy luật này được thể hiện rõ như là với chu kỳ thay đổi quyền lực ở Đông Á.
Như sử gia Barbara Tuchman đã nhận thấy trong quyển tiểu sử mà bà viết về Tướng Joseph Stillwell của quân đội Mỹ thì lời khẩn cầu của Trung Quốc để Mỹ và Hội Quốc Liên giúp đỡ đã không được đáp ứng sau khi quân Nhật xâm lược Mãn Châu vào năm 1931 – một sự thờ ơ đã ‘tạo thành chất độc của sự dung dưỡng... vốn mở màn một thập kỷ chìm vào chiến tranh’ ở châu Á và các nơi khác.

Trong lúc nước Mỹ đang bận tâm vào cuộc bầu cử tổng thống thì toàn bộ khu vực Đông Á đang theo dõi Mỹ sẽ làm gì trước các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Khi họ thấy một hành động nào đó thì họ sẽ biết đấy là một phép thử. Họ đang chờ xem liệu Mỹ có xứng với vai trò không hề dễ chịu nhưng lại cần thiết là người bảo trợ đích thực cho sự ổn định của Đông Á hay không và liệu khu vực này một lần nữa có bị bao phủ bởi sự hung bạo và ức hiếp hay không.

Nước Trung Hoa của năm 1931 đã thấu hiểu mối nguy này và đã gánh chịu hậu quả trước sự bất lực của cộng đồng quốc tế. Vấn đề đặt ra là liệu Trung Quốc của năm 2012 có thật sự mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua các chuẩn mực quốc tế có thể chấp nhận được và liệu nước Mỹ của năm 2012 có ý chí và năng lực để khẳng định rằng cách xử lý như thế mới là con đường duy nhất đem đến ổn định hay không.
Toàn thể Đông Á đang chờ đợi xem Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào trước sự hung hăng của Trung Quốc.
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/08/120821_jameswebb_china_scs.shtml

***

21/08/2012

Bão nổi trên Biển Đông

TNS James Webb (*)
Hoàng Nguyễn dịch
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, bất chấp những vụ bùng nổ tốn kém ở Triều Tiên và Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn chứng tỏ là người bảo vệ chủ yếu cho sự ổn định của vùng Châu Á - Thái Bình Dương, ngay cả khi vòng xoay quyền lực đã chuyển từ Nhật Bản sang Liên Xô và gần đây nhất là sang Trung Quốc. Những lợi ích của sự dấn thân của chúng ta là một trong những câu chuyện thành công lớn trong lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử châu Á, cung cấp cho những quốc gia bị coi là hạng hai trong khu vực cơ hội tăng trưởng về kinh tế và trưởng thành về chính trị.
*
Khi khu vực này thịnh vượng hơn thì các vấn đề chủ quyền cũng trở nên căng thẳng hơn. Trong vòng hai năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc đã công khai tranh chấp quần đảo Senkaku ở phía đông Đài Loan và phía tây Okinawa, mà quốc tế đã công nhận là nằm dưới sự kiểm soát về hành chính của Nhật Bản. Nga và Nam Hàn cũng đã tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền chống lại Nhật Bản ở vùng biển phía Bắc. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Cả Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia đều tuyên bố chủ quyền quần đảo Trường Sa, nơi xảy ra những cuộc đối đầu liên miên giữa Trung Quốc và Philippines.
Những vụ xung đột như vậy không chỉ liên quan tới niềm tự hào lịch sử mà còn tới những vấn đề cốt tử như vận tải thương mại, quyền đánh bắt cá và tiềm năng khoáng sản béo bở dưới lòng biển bao quanh các quần đảo trải dài hàng ngàn dặm. Không ở đâu mà sự căng thẳng ngày càng tăng được thấy rõ ràng hơn là những cuộc tranh chấp ngày càng thù địch trong vùng biển Đông.
Hôm 21/6/2012 Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập một địa phận hành chính mới thuộc quốc gia gọi là Tam Sa, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm (tên quốc tế là Woody Island) trong quần đảo Hoàng Sa. Được Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng, đảo Phú Lâm không hề có dân cư bản địa, nhưng có một đường băng dùng cho máy bay quân sự, một nhà bưu điện, ngân hàng, một tiệm tạp hóa và một phòng khám bệnh.
Quần đảo Hoàng Sa cách 200 dặm phía đông nam đảo Hải Nam, lãnh thổ cực nam của Trung Hoa lục địa và cũng cách bờ biển phía đông Việt Nam một khoảng cách tương tự. Việt Nam đã mạnh mẽ đòi chủ quyền quần đảo này, nơi diễn ra trận chiến năm 1974, Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa để xua đuổi binh lính của chế độ miền Nam Việt Nam.
Những vụ xung đột tiềm tàng bắt nguồn từ việc thành lập địa phận hành chính mới của Trung Quốc còn vượt xa ra ngoài phạm vi Hoàng Sa. Trong sáu tuần qua, Trung Quốc đã tuyên bố thêm rằng, quyền quản lý và tài phán của Tam Sa bao gồm không chỉ quần đảo Hoàng Sa mà gần như toàn bộ biển Đông, nối kết một loạt những đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc dưới một cơ chế hành chính duy nhất. Theo hãng tin tức chính thống của Trung Quốc, Tân hoa xã, địa phận hành chính mới “điều hành hơn 200 hòn đảo” và “2 triệu ki-lô-mét vuông mặt biển”. Để củng cố sự thôn tính này, Bắc Kinh đã bổ nhiệm 45 “dân biểu” để cai trị khoảng 1.000 dân trên các hòn đảo, cộng với một ủy ban thường trực 15 thành viên, 1 thị trưởng và 1 phó thị trưởng.
Những động thái chính trị này đi kèm với sự bành trướng về kinh tế và quân sự. Ngày 22/7/2012, ủy ban quân sự trung ương Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ bố trí một lực lượng binh lính đồn trú để canh gác các hòn đảo trong khu vực. Ngày 31/7, họ công bố một chính sách mới: “tuần tra thường xuyên sẵn sàng chiến đấu” ở biển Đông. Và bây giờ Trung Quốc đã bắt đầu mời thầu quyền thăm dò dầu khí tại những địa điểm được cộng đồng quốc tế công nhận là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vì tất cả những mục tiêu thực tế đó, Trung Quốc đã đơn phương quyết định thôn tính một khu vực từ lục địa Đông Á trải rộng về phía đông xa tới Philippines và xa về phía nam gần tới Eo biển Malacca. “Thành phố” mới của Trung Quốc rộng gần gấp đôi tổng diện tích đất liền của Việt Nam, Nam Hàn, Nhật Bản và Philippines cộng lại. Các “dân biểu” của nó sẽ báo cáo trực tiếp với chính phủ trung ương.
*
Phản ứng của Hoa Kỳ đã bị câm lặng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải chờ tới ngày 3/8 mới bày tỏ mối quan tâm chính thức về việc Trung Quốc “nâng cấp địa vị hành chính... và thiết lập một đơn vị quân sự đồn trú” trong khu vực tranh chấp. Lời tuyên bố được diễn đạt một cách thận trọng trong bối cảnh những chính sách đã có từ lâu, kêu gọi giải quyết các vấn đề về chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế và không sử dụng sức mạnh quân sự.
Mới chỉ như vậy mà chính phủ Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ; họ cảnh cáo rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã “lẫn lộn đúng sai và phát ra một thông điệp sai lầm nghiêm trọng”. Nhân dân nhật báo - tờ báo gần chính thống, đã tố cáo Hoa Kỳ “đổ dầu vào lửa và kích động chia rẽ, cố ý tạo ra sự chống đối Trung Quốc”. Phiên bản hải ngoại của tờ báo này còn nói đã đến lúc Hoa Kỳ phải “câm mồm”.
Sự thật, những sự lừng khừng của Hoa Kỳ trong nhiều năm qua đã làm cho Trung Quốc trở nên liều lĩnh. Chính sách của Hoa Kỳ đối với các vấn đề chủ quyền trong vùng biển Châu Á - Thái Bình Dương là không đứng về bên nào, những vấn đề như vậy phải được dàn xếp hòa bình giữa các bên liên quan. Các nước nhỏ hơn, yếu hơn đã nhiều lần kêu gọi một sự can dự lớn lao hơn của quốc tế.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng, tất cả những vấn đề như vậy phải được giải quyết song phương, có nghĩa là sẽ không bao giờ giải quyết được hoặc phải giải quyết theo điều kiện của Trung Quốc. Do sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực này, bằng chính sách không đứng về bên nào, trong thực tế Washington đã trở thành kẻ khuyến khích Trung Quốc ngày càng có những hành động gây hấn.
Giờ đây Hoa Kỳ, Trung Quốc và toàn khu vực Đông Á đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật không thể tránh né được. Những cuộc tranh chấp chủ quyền trong đó các bên đi tìm giải pháp hòa bình là một chuyện, những hành động hiếu chiến trắng trợn lại là một chuyện khác. Giải quyết thách thức này như thế nào sẽ có tác động không chỉ đến vùng biển Đông mà cả sự ổn định của vùng Đông Á và tương lai mối quan hệ Mỹ - Trung.
Lịch sử dạy chúng ta rằng, khi những hành động xâm lược đơn phương cứ diễn ra mà không bị đáp lại thì tin xấu không bao giờ trở nên tốt cùng với thời gian. Không ở đâu mà vòng xoáy này lại rõ ràng hơn trong những cuộc chuyển dịch quyền lực luân phiên ở Đông Á. Như sử gia Barbara Tuchman đã lưu ý trong cuốn tiểu sử bà viết về tướng bộ binh Hoa Kỳ Joseph Stillwell, chính lời Trung Quốc khẩn cầu Hoa Kỳ và Hội Quốc liên ủng hộ đã không được hồi đáp sau vụ xâm lăng của Nhật Bản vào vùng Mãn Châu Lý (Manchuria) năm 1931; và sự phớt lờ này đã “kích hoạt những vụ nhân nhượng vô nguyên tắc... mở ra một thập niên lao xuống miệng hố chiến tranh” ở châu Á và rộng hơn nữa.
Trong khi sự quan tâm của Hoa Kỳ đang bị xao lãng vì cuộc bầu cử tổng thống, toàn vùng Đông Á đang dõi nhìn xem Hoa Kỳ sẽ làm gì đối với hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Họ biết một cuộc thử thách khi họ nhìn thấy nó. Họ đang chờ đợi để xem liệu Hoa Kỳ có làm trọn vai trò khó khăn nhưng cần thiết là người bảo đảm sự ổn định ở Đông Á hay không, liệu khu vực này có sẽ một lần nữa bị thống trị bởi sự hiếu chiến và hăm dọa hay không.
Người Trung Hoa năm 1931 hiểu rõ mối đe dọa này và họ đã sống qua những hậu quả của việc cộng đồng quốc tế thất bại trong việc xử lý nó. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc năm 2012 có thực sự mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận hay không, và liệu Hoa Kỳ năm 2012 có ý chí và khả năng để nhấn mạnh rằng, giải pháp này là con đường duy nhất đi tới ổn định hay không.
J.W.
(*) James Webb, tên đầy đủ là James Henry "Jim" Webb, Jr., sinh năm 1946, là Thượng nghị sĩ liên bang Hoa Kỳ, đại diện bang Virginia, thuộc đảng Dân chủ. Ông từng là Bộ trưởng Hải quân, là lính thủy quân lục chiến ở Việt Nam trong khoảng 1968-1972. Ông trở thành thượng nghị sĩ năm 2006 và không có ý định tái ứng cử trong cuộc bầu cử năm nay 2012. Tại Thượng viện Hoa Kỳ, ông làm Trưởng tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện.
Ngoài hoạt động chính trị, Jim Webb còn là một nhà văn, đã xuất bản khoảng 8 đầu sách, phần lớn là những cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Ông còn viết kịch bản và cùng với hãng Warner Bros sản xuất phim The Rules of Engagement (năm 2000). Jim Webb cũng là cây bút bình luận sắc sảo thường xuyên xuất hiện trên các tờ New York Times, USA Today, Washington Post Wall Street Journal.
Jim Webb đã đi thăm Việt Nam và Myanmar. Trong Thượng viện Hoa Kỳ ông là người ủng hộ việc Hoa Kỳ làm việc chặt chẽ với những thể chế chính trị thiếu dân chủ để thúc đẩy tiến bộ và cởi mở thay vì cô lập hoặc cấm vận (ND).
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

No comments:

Post a Comment