Saturday 18 August 2012

‘Chiến dịch Thác Lũ’: Tin đồn Israel tấn công Iran

Wednesday, August 15, 2012 3:39:55 PM

 


Giới thiệu:
Thời sự dồn dập hàng ngày trên cả địa cầu có thể giúp chúng ta biết được rằng chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao.... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ Người-Việt,” xuất hiện ngày Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả...



Hùng Tâm/Người Việt

Chính quyền Israel sẽ tấn công Iran trước khi có bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 11 tới đây?

Tin đồn về một chiến dịch có tên là “Operation Cascade” (Thác Lũ) đã xuất hiện từ đầu tháng nay và càng dồn dập trong tuần qua khiến cổ phiếu và đồng bạc shekel của Israel tụt giá mạnh và giá dầu thô lại bắt đầu tăng, đang mấp mé gần 95 đô la một thùng trên thị trường Hoa Kỳ.
Từ ba tháng nay, hầu như mỗi tháng lại có một đợt tin đồn như vậy. Nhưng lần này thì chuyện đồn đãi có vẻ xác thực hơn khi người dân Do Thái tại Israel đã được phân phát mặt nạ chống hơi độc, như một biện pháp phòng thủ dân sự trước khi có chiến tranh, hoặc trước khi lãnh thổ bị Iran trả đũa.
“Hồ Sơ Người-Việt” sẽ tìm hiểu về chuyện này.

Xuất xứ tin đồn

Trước hết, xin nói về khung cảnh của cục diện chung rồi về tin đồn.
Iran đã tăng cường sản xuất hỏa tiễn tầm xa, có xuất xứ từ Nga và được cải tiến với khả năng tấn công ngày càng rộng hơn và bao phủ lãnh thổ Israel.
Từ nhiều năm nay, họ còn xúc tiến việc chế tạo võ khí hạt nhân, hay hạch tâm, nuclear. Nếu hỏa tiễn của Iran lại có đầu đạn hạch tâm, có sức công phá mạnh hơn nguyên tử là atomic, thì Israel lâm nguy.

Người Do Thái của quốc gia Israel đánh giá rất cao mối nguy đó vì lãnh đạo Iran công khai nói đến nhu cầu đẩy dân Do Thái ra biển và xóa bản đồ Israel trong khu vực Trung Ðông. Israel trông chờ quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, phải có biện pháp trừng phạt để can gián lãnh đạo Tehran (xin xem lại “Hồ Sơ Người-Việt” ngày mùng 5 tháng 7). Nếu không, họ phải tự phòng thân.

Cho đến nay, vẫn Iran nói rằng họ chỉ muốn có năng lượng hạt nhân cho nhu cầu dân sự, nhưng việc thụ đắc võ khí hạch tâm là quyền của họ. Thực tế thì họ bị thiệt hại một phần vì quyết định phong tỏa của Hoa Kỳ cùng các nước Âu Châu và đành trông chờ vào sự hỗ trợ của Liên Bang Nga, Trung Quốc và nhiều nước độc tài chống Mỹ, như Venezuela để cản trở quốc tế.
Nhưng Israel vẫn e ngại là Iran chưa từ bỏ ý định này và muốn các nước phải tăng cường lệnh cấm vận, đặc biệt là muốn Hoa Kỳ phải có thái độ quyết liệt hơn.

Bây giờ đến chuyện tin đồn.
Hôm mùng 1 đầu tháng, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là Leon Panetta thăm viếng Israel và gặp vị tương nhiệm là Ehud Barak, một cựu thủ tướng, hiện là bộ trưởng Quốc Phòng trong Nội các bảo thủ của ông Benyamin Netenyahu. Dịp này, ông Panetta nói rằng “gần hết kỳ hạn cho một giải pháp ôn hòa về kế hoạch hạch tâm của Iran.” Nếu hết khả năng ngoại giao thì liệu người ta có nghĩ đến giải pháp quân sự không?

Ai sẽ tiến hành giải pháp đó? Hoa Kỳ hay Israel, hay cả hai?
Giữa khung cảnh hồi hộp ấy, hôm mùng 10, tờ Haasetz tại Israel tiết lộ rằng Thủ Tướng Netanyahu và Bộ Trưởng Barak đang lên khung kế hoạch tấn công các căn cứ hạch tâm của Iran trước ngày bầu cử tại Hoa Kỳ. (Hai năm một lần, ngày đó luôn luôn là Thứ Ba đầu tiên sau ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng 11, tức là xê dịch trong khoảng mùng 2 đến mùng 8, năm nay sẽ là mùng 6.)
Xưa nay, lãnh đạo Isarel không che giấu ý định và khả năng đồng loạt tấn công các căn cứ quân sự và hạch tâm của Iran, như họ đã làm với Iraq năm 1981 và với Syria năm 2007. Từ ba tháng qua, mỗi tháng người ta lại thấy báo chí tiết lộ loại tin đồn như vậy.

Nhưng lần này thì tình hình có vẻ căng thẳng hơn.

Cùng với những lời tuyên bố khá gay gắt của giới chức lãnh đạo, người ta còn thấy một số biện pháp phòng thủ. Israel vừa thiết lập mạng lưới thông tin bằng text massage để kịp thời báo động công chúng về mối nguy bị hỏa tiễn. Họ vừa tăng cường phân phối mặt nạ chống hơi độc để phòng ngừa võ khí hóa học, và vừa bổ nhiệm một bộ trưởng mới về phòng vệ hậu phương. Dân Do Thái đã tấp nập vào các trung tâm phân phối hay thương xá để nhận mặt nạ.
Khác với các lần trước, có thể do nhu cầu tác động vào các nước để gây thêm sức ép cho Iran, lần này, hình như sự thể lần này lại đặc biệt nghiêm trọng. Nhất là khi dư luận dân Do Thái cũng xoay chiều: thành phần phản đối việc tấn công đã giảm mạnh kể từ tháng 3 đến nay.

Nhưng vì sao trước bầu cử Hoa Kỳ?

“Hồ Sơ Người-Việt” xin nói về chuyện thực hư giữa Hoa Kỳ và Israel.
Chính quyền Barack Obama có thấy ra vấn đề Iran đối với cục diện tại Iraq khi Hoa Kỳ cần triệt thoái. Nói chung, với Hoa Kỳ thì Iran có liên hệ đến toàn khu vực từ Trung Ðông qua tới Afghanistan. Nhưng ông Obama vẫn phải tiếp tục chính sách cũ của chính quyền George W. Bush. Ðó là gây áp lực để lãnh đạo Tehran phải đàm phán hầu nước Mỹ khỏi phải dùng biện pháp quân sự.

Ưu tiên của Mỹ là rút khỏi Iraq và Afghanistan chứ không phải là bảo vệ Israel bằng mọi giá. Song song, ông Obama còn muốn gây sức ép với Israel về nhiều hồ sơ khác, như chuyện hòa giải với dân Palestine trong vùng kiểm soát của Israel, hay việc định cư người Do Thái trong khu vực sinh hoạt của dân Palestine. Mục đích là để lấy lòng dân Hồi Giáo và chứng minh tinh thần hiếu hòa của mình.
Vì vậy, quan hệ giữa hai chính quyền Israel và Hoa Kỳ đã có lúc căng thẳng và Thủ Tướng Netanyahu không che giấu sự thất vọng của ông về tổng thống Mỹ, ngay trước mặt tổng thống Mỹ. Ngược lại, ứng cử viên Mitt Romney bên đảng Cộng Hòa thì công khai ủng hộ việc bảo vệ Israel và hậu thuẫn lập trường của ông Netanyahu. Chuyện ấy có tác động vào cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ.
Xưa nay, cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái thường ngả theo và yểm trợ rất mạnh đảng Dân Chủ. Nhưng gần đây một số thành phần có ảnh hưởng trong cộng đồng này nghiêng dần về đảng Cộng Hòa vì mối lo cho cố quốc là Israel và vì hoài nghi tinh thần hòa giải của ông Obama. Tuy nhiên, đa số người Do Thái tại Mỹ vẫn nghĩ đến quyền lợi của họ trong xã hội Mỹ và một số đánh giá Thủ Tướng Netanyahu là quá khích.
Chuyện khác nữa là nếu nhìn vào lịch sử giữa Israel và Hoa Kỳ kể từ khi quốc gia này được thành lập năm 1948, chưa khi nào lãnh đạo Hoa Kỳ lại có quyết định nhằm bênh vực Israel mà gây thiệt hại cho quyền lợi của nước Mỹ.

Lập luận của nhiều người cho rằng tài phiệt Do Thái lũng đoạn Hoa Kỳ là không chính xác. Từ 1948 đến 1967, Hoa Kỳ còn có chủ trương chống Israel khi xứ này ngả theo Liên Xô và thi hành chính sách xã hội chủ nghĩa trong lãnh thổ. Năm 1957, cũng chính quyền Cộng Hòa của Tổng Thống Dwight Eisenhower đã trực diện đưa chiến hạm vào ngăn cản Israel, Anh và Pháp khi ba xứ này đòi phong tỏa kênh đào Suez.

Trở lại chuyện tin đồn, giới quan sát và các nhà bình luận cho là nếu có phải tấn công Iran trong tinh thần phòng thủ tích cực trước khi xứ này có được võ khí tuyệt đối thì lúc thuận tiện nhất là sau lễ Lao Ðộng Mỹ và trước kỳ bầu cử. Lý do thì có rất nhiều.

Hoa Kỳ ở vào lúc bất định vì lãnh đạo và dân chúng đang chú ý vào cuộc bầu cử nên khó có phản ứng khi Israel ra tay. Sau bầu cử và đến ngày nhậm chức tổng thống (luôn luôn là 20 Tháng Giêng), cả Hành pháp và Lập pháp Mỹ đều bận việc chuyển quyền giữa Quốc Hội khóa 112 và Quốc Hội khóa 113 được bầu lên vào mùng 6 tháng 11. Chính quyền mới sẽ mất vài tháng thành lập Nội các và bị đặt trước “sự đã rồi,” nên sẽ đành chấp nhận.
Một lý do khác là nếu Israel tấn công và Iran phản công bằng cách phong tỏa Eo biển Hormuz, dầu thô lập tức lên giá và xăng dầu sẽ trở thành vấn đề cho ông Obama đang tái tranh cử!
Thật ra, nếu có phải phân tích những chuyện thực hư của tin đồn, người ta nên ra khỏi nước Mỹ. Trong sáu tháng tới, tình hình Trung Ðông sẽ căng thẳng và Israel có cơ hội ra tay. Nhưng mà để làm gì?

Ðồn là không đánh - đánh thì không đồn

Thông thường về mặt tình báo thì nếu phải đánh, chẳng ai báo trước cả. Ðó là nguyên tắc “đồn thì không đánh mà đánh thì không đồn.
Israel không dại gì báo trước việc tấn công Iran, là điều thật ra không dễ nếu phải tiến hành một mình. Oanh tạc cơ chiến lược của Israel phải bay qua lãnh thổ Iraq thì mới tới Iran, nơi mà các căn cứ võ khí chiến lược đã được phân tán và yểm sâu trong núi. Tình báo Israel có thể định vị được các căn cứ ấy, nhưng muốn tiêu diệt trọn vẹn để tránh một đợt phản công chết người thì vẫn là nan giải.

Tuy nhiên, tung tin đồn thì cũng là một cách tấn công gián tiếp, qua dư luận, trong khi một trận chiến khác đã khai diễn về thực tế.

Iran đang bị nguy khốn về kinh tế ở bên trong với sản lượng dầu thô sụt mất một phần năm và lạm phát gia tăng hơn 12% kể từ 12 tháng nay. Các ngân hàng của Iran bị tê liệt và khó hoàn thành nghiệp vụ xuất nhập cảng hoặc kềm hãm vật giá. Người dân đang chuẩn bị viễn ảnh phá giá đồng bạc và tái phối trí hệ thống hối đoái đang cạn kiệt.

Ở bên ngoài, Iran còn thấy vị trí của mình bị suy yếu tại Syria. Chính quyền Bashar al-Assad là đồng minh của Tehran hiện đang lung lay và cánh tay nối dài của Iran là lực lượng Hezabollah tại Lebanon do Syria yểm trợ cũng bị tê liệt vì cả hai “hậu phương” đều điêu đứng. Trong khi ấy, hai nước đỡ đần Iran để gây khó cho Hoa Kỳ là Liên Bang Nga và Trung Quốc cũng đang lúng túng. Lãnh đạo Nga bị kết án vì yểm trợ chế độ độc tài sắt máu ở Syria và Bắc Kinh đang gây phẫn nộ cho nhiều nước vì hành xi xâm lược ngoài Ðông Hải.
Tại khu vực Trung Ðông, Iran đang bị cô lập dần. Tuần qua, khi họ tổ chức một hội nghị quốc tế về Syria sẽ kéo dài đến ngày 29 tháng này, chỉ thấy xuất hiện giới chức ngoại giao cấp thấp của Nga, Trung Quốc, Afghanistan, Benin và Maldives. Lebanon và Syria không có mặt, Saudi Arabia và xứ Qatar thì đả kích hội nghị là bênh vực Syria.

Trong khi ấy một trận chiến khác cũng bùng nổ trên không gian ảo của điện toán.
Hệ thống điện toán do Iran mua của Nga đã bị một loại vi khuẩn mới phá hoại và đánh cắp các dữ kiện tài chánh của Iran, Hezbollah và của các ngân hàng Lebanon có quan hệ với Iran hay Syria. Ngoài loại vi khuẩn Gauss này, Iran còn bị mạng lưới gián điệp điện tử Flame phá hoại kỹ nghệ xăng dầu và vi khuẩn Stuxnet đã tới tấp đánh vào các trung tâm hạt nhân. Nghĩa là chưa thấy chiến đấu cơ Israel cất cánh thì trận chiến điện tử đã diễn ra trong thực tế.
Chính là hoàn cảnh ngặt nghèo đó của Iran, hơn là chuyện bầu cử tại Hoa Kỳ, khiến báo chí và chính giới Israel nói đến “Chiến dịch Thác Lũ” và một kịch bản chiến tranh.

Nhưng tin đồn này cũng gây hốt hoảng cho Hoa Kỳ. Chính ông Panetta, hôm 14 vừa qua phải lên tiếng trấn an ngay trước bậc thềm của Ngũ Giác Ðài, rằng vẫn còn cơ hội đàm phán cho một giải pháp ngoại giao về Iran. Nhưng ông cho rằng Israel chưa quyết định tấn công “vào lúc này.”

Kết luận ở đây là cuộc chiến với Iran vẫn tiếp tục, nhưng không hẳn là dưới hình thái quân sự như người ta thường nghĩ.

Qua việc tung tin đồn, Israel không chỉ gây thêm khó khăn cho lãnh đạo Tehran để họ từ bỏ kế hoạch võ khí hạch tâm mà còn khiến Hoa Kỳ phải có thái độ cương quyết hơn. Ngược lại, thái độ của Mỹ là dùng Israel như con chó dữ để đe dọa Iran. Cho nên lãnh đạo quốc phòng Hoa Kỳ mới nói đến hy vọng đàm phán mà không loại bỏ giải pháp quân sự từ phía Israel.
Nhưng nếu Israel lại tương kế tựu kế mà chẳng cần nói trước với Hoa Kỳ lại ra tay thật thì sao?
Người ta không loại bỏ giả thuyết ấy vì biết đâu là lãnh đạo Israel cũng muốn Tehran hoài nghi và phân vân như vậy? Ðó là phần chìm của Chiến dịch Thác Lũ! Trong những ngày tới, người ta nên theo dõi phản ứng của Iran

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=153438&zoneid=403

No comments:

Post a Comment