Saturday 4 August 2012

Mỹ chuẩn bị kịch bản chiến tranh với Trung Quốc

5-8-12
Hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông đã làm Mỹ lo ngại.

Từ lâu Bộ Quốc phòng Mỹ đã âm thầm chuẩn bị kịch bản cho một cuộc chiến có thể xảy ra với Trung Quốc (TQ). Thông tin này vừa được báo Washington Post (Mỹ) ngày 2-8 (giờ địa phương) tiết lộ. 
Chiến lược “không-hải chiến”
Báo Washington Post cho biết tại Bộ Quốc phòng Mỹ có một văn phòng nhỏ gọi là Văn phòng Thẩm định mạng lưới phụ trách khảo sát các mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ. Giám đốc văn phòng này là chuyên gia dự báo Andrew Marshall 91 tuổi. 
Trong 20 năm qua, ông Andrew Marshall đã tập trung xây dựng một kịch bản chiến tranh chống lại TQ với chiến lược đáp trả mang tên “không-hải chiến” (phối hợp tác chiến giữa không quân và hải quân).
Theo chiến lược này, máy bay ném bom tàng hình tầm xa và tàu ngầm của Mỹ sẽ tấn công mở màn nhằm làm tê liệt hệ thống tên lửa định vị chính xác và radar tầm xa trong TQ. Sau đó, tàu chiến và máy bay Mỹ tiếp cận TQ để tiến hành tấn công tổng lực.


Máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ dễ dàng áp sát bờ biển Trung Quốc sau khi máy bay tàng hình và tàu ngầm vô hiệu hóa tên lửa và radar tầm xa. Ảnh: WAR NEWS UPDATE
Để bảo đảm kế hoạch thành công, các đồng minh của Mỹ sẽ tăng cường xây dựng nhiều hầm trú ẩn cho máy bay, trang bị đầy đủ trang thiết bị sửa chữa đường băng bị hư hại và sẵn sàng phân tán lực lượng bằng cách đưa máy bay di chuyển đến các đảo ở xa ngoài Thái Bình Dương để TQ khó xác định mục tiêu.
Chiến lược “không-hải chiến” được phát triển dựa vào thành tựu công nghệ mới về chiến tranh mà ông Andrew Marshall gọi là “cuộc cách mạng quân sự”. Theo ông, với công nghệ mới, quân đội chỉ tìm kiếm đối phương trong vài giây, bom định vị có thể đánh trúng mục tiêu gần như mọi lúc và bom quy ước sẽ có sức mạnh gần tương đương bom hạt nhân cỡ nhỏ. 
Nghiên cứu của ông về “cuộc cách mạng quân sự” được nhiều tướng lĩnh và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quan tâm. Tuy nhiên, sau đó các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ dồn hết tâm trí cho các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan nên lãng quên nghiên cứu của ông.

Những năm gần đây, khi TQ phát triển quân sự vượt xa dự báo của tình báo Mỹ và có hành động gây hấn ở biển Đông, chiến lược “không-hải chiến” được chú ý trở lại trong bối cảnh Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á.
Chiến lược mới gây tranh cãi 
Chi tiết về chiến lược “không-hải chiến” vẫn nằm trong vòng bí mật nhưng từ thông tin rò rỉ đã có nhiều ý kiến phản bác. 
Một số tướng ở Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng ông Andrew Marshall đã thổi phồng mối đe dọa TQ, chiến lược này đòi hỏi chi phí quá cao và chỉ tập trung hạ gục hệ thống tên lửa định vị chính xác của TQ thôi thì chưa đủ.
Các chuyên gia quốc phòng cảnh báo thiệt hại thảm khốc về kinh tế, con người sẽ xảy ra, tấn công TQ sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ thảm họa và có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Một số tướng ủng hộ ông Andrew Marshall nhận xét mục đích chính của chiến lược “không-hải chiến” là phản công, phá hủy hệ thống tên lửa và radar tinh nhuệ của TQ để tàu chiến Mỹ áp sát bờ biển TQ. Một quan chức hải quân Mỹ giấu tên nói “không-hải chiến” nhằm làm cho các nhà hoạch định quân sự TQ rối mù trước khả năng đáp trả của Mỹ. 
Về phía TQ, tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) tổ chức hồi năm ngoái, Đại tá Cao Việt Phiên cảnh báo nếu Mỹ phát triển “không-hải chiến” để đối phó với TQ, quân đội TQ buộc phải phát triển kế hoạch đối phó. 
Tướng Trần Chu ở Học viện Khoa học quân sự TQ, người soạn thảo chính của bốn Sách trắng quốc phòng gần đây của TQ, phát biểu mỉa mai: “Chúng tôi nghiên cứu thuyết “cuộc cách mạng quân sự” rất kỹ lưỡng. Người hùng vĩ đại của chúng tôi là Andrew Marshall ở Lầu Năm Góc. Chúng tôi dịch tất cả từ ông ấy viết ra”.

Ông Andrew Marshall sinh năm 1921 ở Detroit (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế ở ĐH Chicago, ông gia nhập tổ chức tư vấn chính sách quốc phòng Rand Corporation. Trong đội ngũ chuyên gia nòng cốt tại Rand Corporation có James Schlesinger sau này giữ chức bộ trưởng Quốc phòng và là người giám sát công tác thành lập Văn phòng Thẩm định mạng lưới. Andrew Marshall giữ chức giám đốc văn phòng này từ năm 1973 và được bổ nhiệm lại qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Ông cũng nổi tiếng về công lao đào tạo nhiều phụ tá giỏi sau này giữ nhiều vị trí quyền lực. Các nghiên cứu của ông trong 40 năm qua được xếp vào loại tài liệu mật. Ông chưa bao giờ nói chuyện trước công chúng.
LÊ LINH

No comments:

Post a Comment