Wednesday 15 August 2012

Nghĩ về hai chữ “ngu trung”

14-8-12
Hạ Đình Nguyên
 

Như đã thấy qua lịch sử, khi quốc gia suy thoái và bị ngoại xâm, hàng ngũ quan lại, là những người lãnh đạo đất nước, đều có dao động và biến động về lập trường tư tưởng, tựu trung theo hai xu thế : chiến hay hòa ? là chống giặc hay xuôi tay theo giặc ?. Trong suy thoái thì xu thế nào cũng có nhiều khó khăn và nhiều biện luận, làm phát sinh thêm các hệ quả khó lường, nó góp phần làm suy yếu nội lực của quốc gia, về sự lựa chọn, quật cường, hay hòa hoản, con đường nào để không bị nhận chìm trong lệ thuộc. Có một điều chắc chắn nhất là kẻ thù bao giờ cũng muốn tác động và ủng hộ phe “hòa” trong khi đó họ không ngừng “chiến” với ta. Thử hình dung, kẻ kia ôm ta, trong tư thế nhe răng với nụ cười đểu trên môi, mà mũi dao thì dí sát vào bụng ta! Thật đáng kinh tởm và hãi hùng ! Lịch sử cũng cho thấy, khi ta không chịu quỳ xuống mà đứng thẳng lên, thì tầm nhìn không còn ngang rốn của đối phương. Đứng hay quỳ là do tư tưởng trước hết.

Trong sự rối ren của quốc gia, làm bộc lộ rõ các loại quan sau đây:

- Nịnh Thần,loại quan không có lòng yêu nước, thiếu nhân cách, chỉ một lòng lo nịnh nọt kẻ bề trên, lợi dụng tình hình rối ren để tìm kiếm vật chất càng nhiều càng tốt cho thỏa lòng tham. Quan nầy xuất hiện ở nhiều cấp lớn nhỏ. Họ có thể nối giáo cho giặc để đoạt lợi lộc, hoặc vô tư với cái nội tâm không gắn gì với trách nhiệm họ đang nắm giữ. Nịnh thần không khác gì loại quan tham. Họ xuất thân từ cách mà nhà nước tuyển chọn họ vào hàng ngũ, theo cái cách không công bằng của một nhà nước kém tư cách ( thân thế, đút lót, mua bán chức, không căn cứ trên nền tảng văn hóa, như thi cử và tuyển chọn minh bạch…). Nhà nước càng thiếu tư cách, thì loại ngu thần nầy càng nhiều. Loại nầy càng nhiều, thì Nhà Nước càng thiếu năng lực và bệ rạc, lại đổ rằng nguồn nhân lực yếu kém, như con vịt tự than cái chân mình sao quá ngắn !. ..

- Gian Thần, là loại nịnh thần, nhưng giảo hoạt hơn, có nhiều tham vọng hơn về quyền lực, mánh khóe, thủ đoạn, coi khinh dân chúng, đẩy dân chúng về phía đối lập, trấn áp đối lập để lập công…họ có thể bán lợi ích của dân tộc, có thể liên kết với ngoại xâm, sẵn sàng làm quan bù nhìn để cai trị nhân dân theo sự điều khiển của kẻ thù, để hưởng được nhiều bổng lộc. 
Dĩ nhiên hai loại quan nầy, nịnh thần và gian thần, đều nguy hiểm cho quốc gia, làm cho quốc gia suy thoái theo tốc độ nhanh hơn, vì không thể có nổi một chính quyền văn minh, lại gây bất bình trong nhân dân, làm suy giảm sức đề kháng của dân tộc. Nịnh thần và gian thần có tâm lý sợ dân, là mặt trái của sự đàn áp dân. Loại nầy càng nhiều thì con đường dẫn đến thất bại và nô lệ càng nhanh hơn,

Tuy nhiên, trãi qua lịch sử cam go với nhiều minh chứng, cho phép ta lạc quan nghĩ rằng, hai loại quan trên thời nào cũng có, nhưng vẫn là số ít. Mặt khác, những người trung kiên và tai mắt của nhân dân, sẽ sớm phát hiện để loại trừ.
Vì thế, Việt Nam vẫn trường tồn.

- Trung thần. Đây mới là chủ đề đáng nói, vì là nơi đặt niềm tin của nhân dân. Trung thần chính là rường cột của quốc gia. Trung thần là những kẻ làm quan có phẩm chất tốt, hết lòng với vua, với triều đình ( thời Phong Kiến), và thời đại ngày nay, là hết lòng với lý tưởng về quốc gia dân tộc. Tuy nhiên qua mỗi nút thắt của lịch sử, là một chu kỳ của hưng thịnh và suy vong, vấn đề mới được đặt ra trong bối cảnh mới, nhất là thời đại ngày nay, không gian của một quốc gia bị tác động toàn cầu hóa, vận tốc thời gian dường như chạy nhanh hơn, cách tồn tại của nhân loại thay đổi nhiều mặt, tạo nên áp lực tư duy về lý tưởng của các Trung Thần, có chuyển hóa cho tương thích với thời đại hay một long bám giữ cái đã cũ, chung quy tạo thành hai dòng tư tưởng chính : bảo thủ và cấp tiến. Bảo thủ là trung thành với hệ thống giá trị cũ. Cấp tiến là tầm nhìn ra xu thế tất yếu của thời đại.

- Ngu Trung. Loại bảo thủ được gọi là tên là ngu trung, có thể cho là có phẩm chất tốt nhưng trí tuệ thì bất cập, không kịp thay đổi nhận thức theo tình hình mới, loại nầy bao giờ cũng đông hơn loại cấp tiến, có các đặc điểm sau đây :

1* Nhận thức (của họ) tồn tại lâu bền hơn đối với thực tiễn đã thay đổi. Sự thay đổi của thời đại thì đã rất hiển nhiên.

2*Nhận thức đã xơ cứng và trở thành giáo điều, các giáo điều luôn được xưng tụng, thờ cúng như một điều thiêng liêng, học viện trở thành giáo đường, cái mới trở thành điều cấm kỵ. Đó là niềm tin vào một ông vua xấu (hôn quân), vào một giòng tộc (trở thành gia đình trị, thí dụ như Bắc Triều Tiên), vào một học thuyết không còn phù hợp thời đại.

3*Nhận thức của ngu trung còn được bao bọc và che lấp bởi vai trò của quyền lực đang nắm và quyền lợi đang có, kể cả những toan tính của sự “tồn vong” bản thân và con cái kế thừa. Ở đây có thể gọi là ngụy ngu trung.

Đầu thề kỷ 20, phương Đông đã tiếp cận với nền văn minh phương Tây, kèm theo đó là chính sách thực dân, nhưng Minh Trị Thiên Hoàng, vua nước Nhật, một nước đất không rộng, người không đông, đã sớm ý thức, từ bỏ hệ tư tưởng phong kiến, chuyển hóa và hội nhập với trào lưu mới, dẫn dắt nước Nhật tránh được con đường lệ thuộc , trong vài thập niên đã nhanh chóng trở thành một quốc gia hùng cường, có cơ chế dân chủ lành mạnh, mà ngai vàng vẫn không mất trong sự uyển chuyển và thay đổi tương thích, nhờ tầm nhìn sáng suốt vì dân tộc của một đấng Minh Quân. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiếp cận với trào lưu mới rất sớm sủa, nhưng vua quan nhà Nguyễn không có tư duy độc lập, vẫn khư khư trung thành theo bóng dáng mô hình Trung Quốc, mãi ôm một thể chế với hệ tư tưởng của thời kỳ phong kiến suy tàn, khi nhận ra thì đã quá muộn, nước mất, ngai vàng mất và thân phận giòng tộc cũng chẳng ra gì, mà từ đó nhân dân phải lầm than để thực hiện cuộc một cuộc chiến đấu cả một trăm năm chưa xong.! Quá đúng và quá xứng đáng là một bài học lịch sử lớn lao cho các thế hệ hôm nay, về cách nhìn thời đại, để không vướng vào trọng tội đáng tiếc là ngu trung, hay ngụy ngu trung.

–Khi quân Nguyên Mông chuẩn bị lăm le bờ cỏi, tướng quân Trần Hưng Đạo đã làm trong sạch hậu phương, bằng cách đích thân đến tắm cho tướng quân Trần Quang Khải để xóa mối hiềm khích gia đình, và truyền “Hịch Tướng Sĩ”, nêu rõ : “Nếu giặc vào thì Thái Ấp của các ngươi cũng không còn…”. Mồ mã tổ tiên, biệt thự, nhà thờ hoành tráng mà các người đang xây, xe hơi BMW cũng không còn, các doanh nghiệp nghìn tỷ của các người cũng sẽ bị lấn ép và thôn tính., làm thân lưu vong chẳng vinh dự gì.. Mộng làm Thái Thú cũng không nên mơ màng tới, vì nhân dân sẽ chiến đấu. Vua Trần đã hiểu ý của nhân dân, biết khơi sức mạnh của nhân dân, thể hiện và tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân, nên đã triệu tập Hội Nghị Diên Hồng, nhằm cũng cố lòng dân bằng câu hỏi đanh thép ngắn gọn “hòa hay chiến ?” Đó là tấm gương dân chủ đầy nghệ thuật, rất độc đáo của tinh thần Việt Nam.

–Nhà Mạc, vì không hiểu sự suy vi nội bộ trầm trọng của nhà Minh, tưởng chúng mạnh, mà khấu đầu chịu trói tự nộp mình cho nhà Minh, gây nên nổi quốc nhục, nên sĩ phu và nhân dân chống đối. Cái nhìn của nhà Mạc không vượt qua được biên giới lãnh thổ, tạo thời cơ, mà không chê trách được, cho ngu trung nhà Lê nỗi lên chống lại.

–Trong hoàng cảnh lạc hậu và nhiểu nhương của thời Nam Bắc phân tranh, mà Nguyễn Huệ, với bản lĩnh và tinh thần bất khuất, nhìn thấu ruột gan kẻ địch, dám đánh và đã thổi bùng lên sức mạnh chiến đấu của nhân dân vì chính nghĩa, ngu trung không dám hé răng, chỉ còn biết thở than, mà đau lòng cho lắm,thì như đại thi hào Nguyễn Du là tột đỉnh. Truyện Thúy Kiểu, văn chương, tình ý tuy hay, nhưng đó là những trang kịch thơ bi thảm .

–Thời kỳ lệ thuộc Pháp, nhân dân lầm than đói khổ, nhưng Hồ Chí Minh với tư duy hợp thời đại lúc bấy giờ, nắm vững ngọn cờ dân tộc dân chủ, đã khơi dậy ý chí của toàn dân, đã đánh thắng các kẻ thù cướp nước, giành lại được độc lập, dù chưa được trọn vẹn, và thời gian cũng ngắn ngủi !…; 37 năm chưa hẳn gọi được là độc lập,vì đan xen chiến tranh (tự vệ), suy thoái và chập chờn đổi mới ; Đảng CSVN, tuy có công lao, nhưng chưa đủ để tự phong là “vĩ đại”, nên hạ nhiệt cái tầm cao “kiêu hãnh Cọng sản”, chuyển cái “dân chủ gấp triệu lần” biến vào lòng nhân dân để tạo nên sức mạnh chống ngoại xâm.

Cái ngu trung ngày nay là cuộc ăn nằm chung thủy với hệ thống tư duy lạc hậu, trong mớ chăn màn nhàu nát của hào quang cũ. Vượt qua cửa nhà, vượt qua “vinh thân phì gia”, vượt qua tư duy quen nếp, là vượt qua ngu trung để thấy thời đại.

Câu trả lời vĩnh viễn của dân tộc Việt là Quyết Chiến, là Đánh ! Đánh cho chúng không còn manh giáp, nếu không được, thì vẫn tiếp tục chiến đấu 10 năm, 50 hay cả trăm năm như cha ông đã từng làm, như lịch sử đã chứng minh. Nhưng đánh thế nào, đó là mưu lược, bản lãnh của người cầm quân, kẻ đang mang quân hàm, đeo lon tướng tá giữ phần quan trọng, cùng với trí tuệ và tinh thần dũng cảm của nhân dân. Nhân dân chỉ có một câu trả lời duy nhất : Chiến ! Nhân dân Việt Nam đã trường chinh 150 năm chưa nghỉ, đã từng nằm gai nếm mật, đã có nhiều cách đánh. Nhưng trước hết, không mắt mưu chúng về hướng “diễn biến hòa bình”, hướng đó chính là từ phương Bắc, không thể mơ hồ. Sự mơ hồ lúc nầy là tạo thời cơ cho giặc. Chủ đề lớn về tư tưởng của thế giới hiện nay: Kẻ thủ ác toàn cầu của thời đại ngày nay là chính Bắc Kinh , chúng đang đi trên con đường đẫm máu, khốc liệt hơn cả chủ nghĩa thực dân phát xít. Không có lý gì để kết thân với chúng. Thế mà…
 HĐN
Theo NLG, rút từ bài:SỰ “SUY THOÁI” TRONG LỊCH SỬ VÀ HAI CHỮ “NGU TRUNG”.
http://quechoa.vn/2012/08/14/nghi-ve-hai-chu-ngu-trung/ 

No comments:

Post a Comment