Friday 17 August 2012

Nhường hết, nhường hết cho Tầu _ Nguyễn Đạt Thịnh.

16-8-12
Nguyễn đạt Thịnh
Đọc tin tức ngày 12 tháng Tám thấy anh Tầu Đài Loan tổ chức tập hải chiến bắn đạn thật vào tháng tới tại hòn đảo Ba Bình, vùng còn đang tranh chấp trên quần đảo Trường Sa, tôi giật mình tự hỏi: đảo Ba Bình là đảo nào mà anh Tài Oăn dám mò vào đó bắn đại bác trên một hải đảo Việt Nam?
Câu hỏi chỉ là chi tiết, từ lâu tôi vẫn bị ám ảnh bởi thái độ nhượng bộ người Tầu, nhượng bộ đến mức xụi lơ của chính phủ Việt Nam.
Một câu tình ca cũng ám ảnh tôi, câu "nhường hết, nhường hết cho Tầu; nhường luôn cá,tôm, mực, hào. Nhường xong mình còn chi không?"
Tôi chân thành tạ lỗi với tác giả bài tình ca này vì đã viết những lời chính trị ngây ngô thay vào chỗ những tiếng gào đau đớn của một người thất tình.
Trên điạ hạt chính trị, nêu lên câu hỏi "Ba Bình nằm ở đâu?" giữa cao trào HOÀNG SA: VIỆT NAM, TRƯỜNG SA: VIỆT NAM cũng không khỏi bị quở là thiếu thức thời; và tuy muốn tỏ ra mình cũng thức thời, nhưng tôi vẫn phải vào internet tìm tên ngoại quốc của đảo Ba Bình.
Ba Bình tên Tầu là Zhongye Dao; cái tên này giúp tôi tìm ra những hình ảnh trên đảo và nhiều  tin tức về Ba Bình
Cuộc tập trận sẽ diễn ra quanh đảo Ba Bình hiện do Đài loan chiếm đóng. Đây cũng là quần đảo đang tranh chấp giữa các nước Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Đài Loan chiếm phần ngon lành nhất trong mâm cỗ Trường Sa.
Đại diện lực lượng Coast Guard  Đài loan cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.
Tuần trước, bộ ngoại giao Việt Nam có lên tiếng phản đối việc Đài loan cho chuyển các vũ khí ra đảo này để chuẩn bị cho việc tập trận. Hành động lên tiếng yếu ớt như một việc làm tượng trưng, làm lấy có.
Hãng tin United Evening News của Đài Loan viết cuộc tập trận lần này sẽ sử dụng 2 loại đại bác cỡ  40 và 120 ly. Đại bác 40 ly thật ra là một loại "siêu liên thanh" do hãng Beaufort chế tạo với 2 loại đạn 20 và 40 ly, thường được trang bị cho những tiểu đĩnh, và đại bác 120, trên thực tế, cung chỉ là một loại súng cốí lớn.
United Evening News còn loan tin một số dân biểu, nghị sĩ Đài Loan sẽ có mặt để theo dõi cuộc tập trận.
Chẳng riêng gì giới lập pháp Đài Loan quan tâm đến đảo Ba Bình, tháng Bẩy năm ngoái một phái đoàn quốc hội Phi Luật Tân cũng bay ra Pagasa (tên Phi của đảo Ba Bình) để đánh dấu sự quan tâm của Phi Luật Tân. Diễn biến này khiến Trung Cộng phản đối.
Người phát ngôn ngoại giao Ma Zhaoxu khẳng định "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi về toàn bộ biển, đảo trên đảo Nam Hải (Biển Đông), và cực lực phản đối cuộc thăm viếng không được cho phép của phái đoàn quốc hội Phi.
Qua nhiều địa danh Tàipíng Dǎo (太平島), Itu Aba, Ligaw, Ligao, Đảo Ba Bình, Huángshānmǎ Jiāo (黃山馬礁), Huángshānmǎ Zhì (黃山馬峙), Nagashima (長島), đảo Ba Bình ngày nay chỉ còn rất ít sắc thái, chủ quyền Việt Nam; trước 1975 Nam Việt là quốc gia duy nhất có ngư dân và quân nhân sinh sống tại đây.
Đảo Ba Bình dài 1,400 thước, rộng 400 thước, có khoảng 40 gia đình ngư dân sinh sống và được một đại đội Địa Phương Quân Khánh Hoà bảo vệ.
Trên bản đồ thế giới Bảo Bình nói riêng và nguyên khối 2 quần đảo HoàngSa-TrườngSa nói chung thuộc Việt Nam từ năm 1887, nhưng sự tuỳ thuộc này chỉ có trên lý thuyết, trên thực tế ngư dân thuộc mọi quốc tịch Việt, Hoa, Phi, Mã Lai ... vẫn hài hoà sống chung trên ngư trường rất phong phú hải sản này.
Nhưng đến năm 1932, chính phủ Trung Quốc đòi chủ quyền 2 quần đảo này; để chống lại đòi hỏi của người Hoa, người Pháp gửi ra mỗi quần đảo một tiểu đoàn BIC (Bataillon Infantery Colonial).
Năm 1943, quân Nhật đánh chiếm cả 2 quần đảo này, rồi  thiết lập tại đây căn cứ tầu ngầm của họ, và vì năm đó quân Nhật đang chiếm Đài Loan nên họ đặt HoàngSa-TrườngSa dưới quyền quản lý của quân khu Đài Loan.
{#advanced_dlg.resize_image_alt}Việc năm nay chính phủ Việt Nam chỉ lên tiếng "lấy lệ" phản đối cuộc tập trận của Đài Loan phản ánh thái độ chấp nhận chủ quyền Trung Hoa Quốc Gia trên quần đảo này từ năm 2006, thời điểm Đài Loan công bố ý định xây dựng phi trường Ba Bình.
Công trình xây dựng hoàn thành ngày 12 tháng Chạp 2007, và ngày mùng 2 tháng Hai năm sau tổng thống Đài Loan Chen Shui Bian dùng một chiếc vận tải cơ quân sự C-130 đến khánh thành phi trường Ba Bình. Kể từ đó chiếc C-130 đều đặn đáp xuống Ba Bình mỗi 2 tháng một lần với nhiệm vụ tiếp tế cho Ba Bình trên cả 2 bình diện quân và dân sự.
Tuy nhiên trên 2 phương diện lịch sử và địa dư cả Ba Bình lẫn Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc Việt Nam, vì Việt Nam đã có mặt tại những địa điểm này lâu nhất (từ năm 1932) và cả 2 quần đảo đều gần Việt Nam hơn là gần Trung Quốc lục điạ hoặc Đài Loan
Việt Nam có nhiều lập luận vững chãi nhất, hợp lý nhất để giữ chủ quyền trên cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng lại có một nhược điểm không thể khắc phục là chính phủ Việt Nam không những chỉ "ngậm hột thị" mà còn nhận chỉ thị của kẻ thù Trung Quốc để đàn áp những ngườiViệt Nam chống chính sách bành trướng của Trung Quốc.
Tệ hại đến mức 71 nhà trí thức quốc nội phải làm đơn xin được biểu tình chống Trung Quốc và đơn của họ đã bị bác vì lý do "chính phủ không chủ trương chống Trung Quốc".
Như tôi đã nhìn nhận, điều vô lý là trong cái thất bại chính trị đau buồn của cả nước, tôi lại nghe tiếng gào đau khổ của kẻ thất tình "nhường hết, nhường hết cho Tầu; nhường luôn cá,tôm, mực, hào. Nhường xong mình còn chi không?"
Tôi nghĩ là thái độ chính trị của người Việt Nam bị chính phủ "tình phụ" trên Biển Đông sẽ chủ động hơn.

No comments:

Post a Comment