Tuesday 21 August 2012

Thiên tai 'vạch mặt' công trình kém chất lượng

21-8-12
- “Hố tử thần” xuất hiện đột ngột trên đường Lê Văn Lương sau cơn bão số 5 đi qua, đập Sông Tranh 2 bị nứt bởi những rung chấn động đất…điều này đã khiến nhiều người thắc mắc hư hại của các công trình là do thiên tai hay chính thiên tai làm lộ chất lượng kém của các công trình này? TIN BÀI KHÁC

 
“Hố tử thần” đường Lê Văn Lương
 
Vào khoảng 7 giờ 30 ngày 19/8, đường Lê Văn Lương kéo dài - công trình kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã xuất hiện một "hố tử thần" khổng lồ. Trong khi nhiều người tham gia giao thông hoảng sợ thì cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức về hiện tượng này.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, mặt đường đoạn Lê Văn Lương có hiện tượng sụt lún là do tác động của ngoại cảnh.

 
"Hố tử thần" trên đường Lê Văn Lương (Ảnh: VietNamNet)

Lý giải cho việc xuất hiện hố tử thần chạy dọc trục đường, ông Giáp nhận định, công trình của tòa nhà của Tổng công ty Sông Đà làm sát ngay ven đường mới rút cọc chống mép vệ đường nên mặt đất phía dưới bị rỗng chân, đồng thời kết hợp với mưa to làm nước lún sâu vào nền đường đã tác động bẻ gãy đường ống cấp nước.

Đường Lê Văn Lương dài 2,7 km nối từ đường Khuất Duy Tiến đến đường 70 chạy qua địa phận P.Vạn Phúc (Q.Hà Đông). Đoạn đường được khởi công từ ngày 11/4/2009 với tổng mức đầu tư cho đoạn đường này khoảng 676 tỉ đồng.
 
Theo nguồn tin của Thông Tấn xã Việt Nam, dự án này vẫn đang trong thời gian bảo hành nhưng đã xảy ra sự cố lún sụt trên. Điều này, khiến dư luận đặt ra câu hỏi về chất lượng của công trình dù vẫn chưa có kết luật cuối cùng về hiện tượng này.
 
Trước đó, người dân Hà Nội cũng lo lắng về những vết nứt trên mặt cầu Thăng Long. Dù cho được sửa chữa, trám vá nhiều lần nhưng mặt cầu vẫn tiếp tục xuất hiện những vết nứt, trao đổi với VnMedia, PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trường Trường Đại học Xây dựng cho rằng, “việc mặt cầu Thăng Long tiếp tục nứt là do lớp nhựa bề mặt không tốt”.

Bản thân lực chịu kéo và lực đàn hồi của lớp trải nhựa mặt cầu thấp nên khi xe đi trên đường với tốc độ không đều, nhất là xe tải nặng có thể sẽ gây ra nứt.
Vỡ đập chính hồ Cửa Đạt

Một công trình nữa cũng bị hư hại trong mưa lớn là đập chính ở Cửa Đạt, Thanh Hóa vào tháng 10/2007. Vào 11h sáng 5/10/2007, mưa lớn ở thượng nguồn đã khiến lượng nước đổ về hồ Cửa Đạt dâng cao, khiến đập chính hồ Cửa Đạt bị vỡ, dài hơn 100 m. Có khoảng 600.000 m3 đá bị nước lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại gần 200 tỷ đồng.

Đập chính vỡ, nước sông Chu dâng cao, hàng nghìn nóc nhà của người dân huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) chìm trong biển nước.

Trên Dân trí, Ông Hoàng Văn Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Sự cố này bắt nguồn từ việc, trong quá trình thi công, đơn vị thực hiện hạng mục công trình này đã tiến hành bơm rút nước mà chưa xác định chính xác thông số kỹ thuật, dẫn đến sự cố đẩy nổi thân đập.

Hồ Cửa Đạt là hồ đầu tiên được xây dựng theo công nghệ mới đắp bản mặt. Giả thiết ban đầu, có thể đập bị biến dạng do đắp nhanh quá. Song khi vào khảo sát, các chuyên gia cho rút nước nhanh, nên đập không bị đẩy mà trở lại bình thường, vì bản mặt là một tấm rất mỏng”.

Nứt đập thủy điện Sông Tranh 2

Nếu như trời mưa lớn là yếu tố ngoại cảnh góp phần tạo nên hố tử thần ở đường Lê Văn Lương thì đập thủy điện Sông Tranh 2 lại bị nứt do các rung chấn đất kích thích.

Sau hàng chục vụ rung chấn do động đất kích thích tại vùng rừng núi Nam, Bắc Trà My trong hơn 1 năm qua đã khiến đập chính hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện nhiều vết nứt vào tháng 3/2012 vừa qua. Các vết nứt này đã khiến nước từ hồ chứa rò rỉ và tuôn chảy xối xả qua phần thân đập chính.

Theo kiểm tra của đoàn công tác UBND huyện Bắc Trà My, phần thân đập phía phải có một số mảng bêtông ở nửa thân dưới hướng về đáy có hiện tượng thấm nước.

 

Nước vẫn tuôn chảy từ thân đập chính ở bề mặt hạ lưu đập Sông Tranh 2 (Ảnh: VietNamNet)

Phần thân đập phía trái có đến bốn điểm nứt và rò rỉ nước chảy xối xả. Trong đó có một vết nứt khá lớn, khiến nước từ trên cao thấm xuống, chảy tuôn như khe suối.

Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, được xây dựng từ tháng 3/2006 gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW) và đến cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Dung tích hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh hơn 730 triệu m3.

Được biết, nguyên nhân nứt đập là do động đất kích thích và thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Sự việc này đã gây lo lắng, bất an cho rất nhiều những hộ dân xung quanh khu vực trên trong thời gian qua.

Nứt đốt hầm Thủ Thiêm

 
Trước đó, 4 đốt hầm Thủ Thiêm bị nứt cũng gây nên những luồng ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn nằm trong dự án đại lộ Đông - Tây (dài gần 22 km, tổng trị giá 9.800 tỉ đồng). Hầm có chiều dài 1.490m, đoạn hầm dìm dưới sông dài 370m chia làm 4 đốt hầm.
 
Thi công phần đáy của hầm dìm Thủ Thiêm (Ảnh: VietNamNet)

Đến tháng 6/2008, cả 4 đốt hầm đã được đúc xong tại bãi đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, các chuyên gia phát hiện: cả 4 đốt hầm dìm đều xuất hiện nhiều vết nứt trên tường và bản nắp.
 
Các chuyên gia xây dựng nhận định việc này không thể xuất phát từ nguyên nhân địa chất ở khu vực quá yếu mà có thể do trong quá trình đúc hầm đã làm không đúng kỹ thuật hoặc có thể việc lựa chọn công nghệ đúc hầm không phù hợp trong điều kiện thi công tại VN.

Như vậy, nhiều công trình lớn trong thời gian qua đã lộ rõ những “điểm yếu” trước các hiện tượng thiên nhiên như mưa lớn, động đất…tác động lên.

Bên cạnh yếu tố khách quan do thời tiết, thiên tai, nhiều người dân cũng đã hoài nghi về chất lượng của những công trình này. Thậm chí, như đường Lê Văn Lương vẫn đang trong thời gian bảo hành nhưng đã xảy ra sự cố lún sụt, hư hại nặng nề.

P. Lan (Tổng hợp)
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/85327/thien-tai--vach-mat--cong-trinh-kem-chat-luong.html 

No comments:

Post a Comment