Friday 10 August 2012

Trung Quốc loan tin 'khám phá' nhiều đồ cổ ở Hoàng Sa

 
Thursday, August 09, 2012 7:05:04 PM

 

Hậu thuẫn chiến dịch bành trướng trên Biển Ðông

BẮC KINH (NV) - Ðài truyền hình Trung Quốc (CNTV) ngày Thứ Tư, 7 tháng 8, 2012 loan tin các nhà khảo cổ của họ tìm thấy 12 địa điểm mới ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, (mà họ cướp của Việt Nam từ 1974), có nhiều đồ gốm sứ cổ đại Trung Quốc, ngoài những điểm đã tìm thấy trước đây.
Ðồ gốm cổ Trung Quốc mà Tân Hoa Xã nói tìm thấy dưới lòng biển ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Tân Hoa Xã)
Bản tin này nói rằng phần lớn các địa điểm đã bị “cướp” và “phá hoại trầm trọng.” Dù vậy, “các nhà khảo cổ đã thu thập nhiều cổ vật mà họ tin là từ các tàu bị đắm suốt một chiều dài lịch sử cả ngàn năm từ đời nhà Ðường thời cổ tới đời nhà Thanh thời cận đại.”
Những cổ vật được tìm thấy dưới lòng biển gồm đồ gốm sứ và cả những mảnh tàu vỡ.
CNTV nói đoàn khảo cứu “tiếp tục bảo vệ các cổ vật” và “Trung Quốc đang có kế hoạch gia tăng nỗ lực bảo vệ vòng đai biển từ Bột Hải (phía Bắc, trong vịnh Hoàng Hải chung với Triều Tiên) với các vùng biển Tây Sa và Nam Sa ở phía Nam (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).
Thật ra bản tin của CNTV chỉ là lập lại bản tin của Tân Hoa Xã ngày 29 tháng 7, 2012 với cùng một nội dung trong chiến dịch đấu tranh giành chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng các vùng biển chung quanh với Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Sự lập đi lập lại thường xuyên có chủ ý những tin tức đủ mọi mặt liên quan đến khu vực Biển Ðông chứng tỏ Bắc Kinh vận dụng tất cả khả năng và phương tiện dồi dào mà họ có để đạt mục đích chiếm phần lớn diện tích nơi đây.
Có thể những “hiện trường đắm tàu” thời cổ của thương lái Âu Châu là tàu thật, cổ vật thật nhưng cũng có thể là “hiện trường giả” do Bắc Kinh dàn dựng để chứng tỏ dấu vết tàu và hiện vật Trung Quốc có từ xa xưa để xác định bằng chứng chủ quyền với những nước khác tranh chấp, trong trường hợp này là Việt Nam.
Ngày 13 tháng 4, 2012, Tân Hoa Xã loan tin một đoàn khảo cổ tìm thấy những hiện vật màu xanh và trắng là gốm sứ từ đời nhà Nguyên (thế kỷ thứ 13 và 14) tìm thấy lần đầu tiên tại 32 địa điểm dưới lòng biển gần quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam).
Cách đây gần 12 năm, Nhân Dân Nhật Báo của Bắc Kinh ngày 3 tháng 12, 2001 loan tin một đoàn khảo cổ Trung Quốc tìm thấy 5 chiếc tàu đắm với các đồ cổ thuộc thời đại nhà Thanh (1644-1911) ở khu vực Biển Ðông.
Một số các bản đồ mới khám phá mà Việt Nam chứng minh như bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1904 (đời nhà Thanh) không có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy cái “Lưỡi Bò” chỉ là sáng tác sau này.
Ngày 3 tháng 8, 2012, báo VNExpress báo động Bắc Kinh đưa ra nhiều “ngón võ” khác nhau để củng cố cho chủ trương chiếm cả Biển Ðông qua cái thành phố “Tam Sa” mới tuyên bố thành lập tháng 6 vừa qua.
Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự, tăng cường hoạt động kinh tế (đánh cá, dò tìm dầu, du lịch), xây nhà đưa di dân tới ở, nghiên cứu khoa học và môi trường.
Bắc Kinh khai thác tối đa các lãnh vực khảo cổ với sự hậu thuẫn của guồng máy truyền thông để đưa các tin tức này không những tới người dân Trung Quốc trong nước mà còn tới dư luận nước ngoài.
Việt Nam chỉ có những lời tuyên bố phản đối suông trong khi Bắc Kinh hành động thật về mọi mặt, kể cả chuẩn bị chiến tranh ráo riết.
Ngày 8 tháng 8, 2012, Tân Hoa Xã loan tin một số đơn vị Không Quân tập luyện chiến dịch hành động đường xa kéo dài 22 ngày và qua 28 tỉnh. Một số hình ảnh trưng dẫn cho người ta thấy các máy bay chiến đấu có bộ phận tiếp nhiên liệu trên không cho các phi vụ tác chiến ở xa căn cứ, có thể là Biển Ðông.

Một mặt chuẩn bị chiến tranh khi thành lập bộ chỉ huy quân sự tại “Tam Sa” nhưng về mặt tuyên truyền, ngày 31 tháng 7, 2012 phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cảnh cáo Bắc Kinh chống lại sự can thiệp quân sự của các nước bên ngoài (như Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Ấn, v.v...) vào cuộc tranh chấp Biển Ðông.
Ông Marty Natalegawa, ngoại trưởng Indonesia, hôm Thứ Tư cảnh cáo khi tham dự cuộc tiếp tân kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN rằng nếu các bên tranh chấp không đạt được bộ quy tắc ứng xử thì có nguy cơ căng thẳng gia tăng. (TN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=153179&zoneid=1

No comments:

Post a Comment