Tuesday 21 August 2012

Văn hóa "xuống cấp"- vì đâu (I)?

Nếu cho rằng đất nước ta hiện nay đang bị "loạn chuẩn" văn hóa thì sự "loạn chuẩn" này có 1 phần do sự trớ trêu của lịch sử để lại. Lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam nhìn từ phương diện này có thể nói đó là một bi kịch.
Hà Nội ư? Có riêng gì Hà Nội...?
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất của người dân nhìn chung được nâng lên so với thời kỳ "chưa mở cửa". Thế nhưng ở chiều ngược lại, đời sống văn hóa tinh thần lại có chiều hướng "đi xuống" đến mức "báo động đỏ".
Đây là nhận định chung của khá nhiều người, trong đó có những "chuyên gia văn hóa", những người đang giữ trọng trách "định hướng" và "tuyên truyền" văn hóa của đất nước đến mọi tầng lớp nhân dân.
Nhiều người còn thẳng thắn lên án và "định danh" những biểu hiện lệch lạc trong lối sống, lối sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người dân (nhất là lớp trẻ) hiện nay là: Suy đồi về đạo đức, hay xuống cấp về văn hóa, nói chung.
Và đỉnh điểm cho thực trạng đau lòng này, có lẽ là vấn đề đang được dư luận cả nước quan tâm, mổ xẻ, tạo thành một diễn đàn trao đổi sôi nổi trên báo điện tử VietNamNet gần đây: Vì sao có một bộ phận không nhỏ người Hà Nội- những người đang sống ngay tại Thủ đô "nghìn năm văn hiến" của cả nước lại có những biểu hiện "xuống cấp" về văn hóa đến mức "không thể tin dù đó là sự thật"? Thế thì nguyên nhân nào đưa đến thực trạng này? Và những ai phải chịu trách nhiệm chính?

Có riêng gì Thủ đô Hà Nội
Bị kịch do... lịch sử để lại?
Trước hết cần khẳng định, vấn đề "suy đồi về đạo đức" hay "xuống cấp về văn hóa" của một bộ phận người dân hiện nay không chỉ ở riêng Thủ đô Hà Nội mà còn khá phổ biến, như hiện trạng đau lòng của xã hội.
Có nhiều nguyên nhân đã được các "chuyên gia văn hóa" đưa ra. Tuy vậy với góc nhìn cá nhân, người viết xin mạo muội góp vào 1 ý kiến chia sẻ dưới đây.
Từ góc nhìn văn hóa- lịch sử, có thể nói, Việt Nam trước khi có mặt của người Pháp là một xã hội thuần nông nghiệp. Mọi vấn đề tổ chức thể chế chính trị, tổ chức đời sống, văn hóa có phần chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc từ  văn hóa Trung Hoa.

Điều này tất yếu dẫn đến mọi "chuẩn mực" văn hóa của người dân trong xã hội được xác lập dựa trên cơ sở nền tảng là những học thuyết, tư tưởng, văn hóa mà nổi bật nhất là học thuyết Nho giáo của Khổng Tử.
Khi người Pháp đặt chân lên và dần dần thiết lập sự thống trị trên toàn lãnh thổ (bởi "chủ nghĩa thực dân") thì như 1 lẽ tất yếu, nền tảng văn hóa chịu ảnh hưởng của người Trung Hoa trước đây bị phá vỡ.
Xã hội Việt Nam khi đó bị phân hóa thành 2 xu hướng. Xu hướng tiến bộ ra sức cổ vũ và ủng hộ văn hóa phương Tây (vừa du nhập vào). Xu hướng bảo thủ thì cho rằng cần phải lên án, đồng thời ra sức bảo vệ những giá trị văn hóa được xem là "truyền thống".
Đây có thể xem là "sự xáo trộn và mất ổn định" hay nói cách khác là "loạn chuẩn" văn hóa đầu tiên trong xã hội Việt Nam trong quá trình vận động và phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (lấy tư tưởng Mac-xit làm nền tảng trong mọi đường hướng) trong suốt 1 thời kì dài "đánh thực dân (sau này là "đánh đế quốc") - phong kiến" giành độc lập và thống nhất đất nước, gần như những vấn đề liên quan đến văn hóa phương Tây, văn hóa thời phong kiến bị lên án, xóa bỏ.
Dù muốn dù không, ở giai đoạn này chúng ta cũng đã thừa nhận có những sai lầm, vì đã đồng nhất giữa những giá trị văn hóa của nhân loại (phương Tây và phương Đông) với những gì ta cho là tàn tích phản động, phong kiến cần xóa bỏ.

Và đây chính là lần "loạn chuẩn văn hóa" lần thứ 2 của chúng ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ khi "mở cửa" cho đến nay, có thể nói tuy nhiều vấn đề của đất nước (trong đó có văn hóa) đã được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn.
Nhưng cơ bản nhìn chung, xã hội vẫn còn bị phân hóa bởi 2 xu hướng: Ủng hộ văn hóa phương Tây, phê phán lên án quyết liệt những vấn đề liên quan đến văn hóa Trung Hoa (coi đó là xiềng xích nguy hiểm) vốn đã ăn sâu vào tận xương tủy của rất nhiều người Việt Nam.
Ngược lại là xu hướng xem những giá trị văn hóa bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa là "tinh thần", là "bản sắc", là "truyền thống" văn hóa dân tộc cần phải giữ gìn, phát huy.
Khoan bàn đến chuyện ủng hộ xu hướng nào. Tuy nhiên có thể nói, đây cũng là biểu hiện rõ ràng cho thấy, chúng ta vẫn còn bị "xáo trộn và mất tính ổn định" ở việc xác lập những giá trị riêng mang tính cốt lõi, nền tảng trong xu hướng hội nhập phát triển của đất nước.
Với thế giới mở, sự bùng nổ thông tin của thời đại ngày nay thì sự xáo trộn và mất ổn định, thậm chí mất kiểm soát những giá trị văn hóa vốn góp phần làm nên "hồn cốt" của dân tộc đang ngày một trở nên đáng lo và bức thiết hơn bao giờ hết.

Thế nhưng điều đáng tiếc là vấn đề này chúng ta lại ít chú ý. Có lẽ do quá tập trung cho việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống vật chất mà quên việc chăm lo đời sống tinh thần, nuôi dưỡng tình cảm và tâm hồn Việt?
Dù muốn dù không, ở giai đoạn này chúng ta cũng đã thừa nhận có những sai lầm, vì đã đồng nhất giữa những giá trị văn hóa của nhân loại (phương Tây và phương Đông) với những gì ta cho là tàn tích phản động, phong kiến cần xóa bỏ.
Từ những vấn đề trên có thể nói, đây là sự trớ trêu của lịch sử, khi dân tộc bị đặt vào những "tình cảnh ngặt nghèo" trong quá trình vận động và phát triển. Ở góc nhìn văn hóa, hậu quả của những sự "loạn chuẩn" văn hóa kéo dài này, đã vô tình gây nên sự hoang mang đối với người dân.
Điều đáng nói, chỉ trong 1 thời gian ngắn nhưng có quá nhiều sự thay đổi và "xáo trộn" nên người dân thật sự không cách nào thích ứng cho kịp. Họ cảm thấy hoang mang, mơ hồ, thậm chí mất phương hướng trước những vấn đề của cuộc sống khi không "dựa vào đâu", "tin vào ai" để xác lập cho bản thân một thái độ ứng xử phù hợp, đúng đắn.
Đây chính là 1 trong những nguyên nhân căn bản và sâu xa nhất gây nên những sự "lệch lạc" hay "xuống cấp" và "suy đồi" văn hóa đạo đức trong xã hội ta hiện nay.
Vì vậy, đề cập đến những hiện tượng đó trong xã hội  mà không xem xét đến yếu tố này như 1 nguyên nhân căn bản, sẽ khó lý giải và tìm ra những giải pháp khắc phục có hiệu quả.
Ví như "suy đồi đạo đức" hay "xuống cấp văn hóa" không chỉ diễn ra ở Thủ đô Hà Nội mà là ở khắp nơi trên đất nước, nhưng tại sao Hà Nội lại là nơi bị dư luận "điểm danh" đâu tiên? Thật ra, cũng không khó để lý giải chuyện này.

Thứ nhất, do Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm, đầu não của đất nước- nơi hội tụ tinh hoa văn hóa một quốc gia mà còn như thế thì dù muốn dù không cũng phải chịu sự "phán xét" trước tiên.
Bên cạnh đó, so với các địa phương khác, phải chăng Hà Nội là nơi mà theo nhiều người thì sự "xuống cấp" và "suy đồi" đạo đức, văn hóa là trầm trọng nhất. [1].
Nói điều này, không phải nhằm mục đích chê bai người dân Thủ đô mà trước hết, nên xem đây là sự "phản tỉnh" cần thiết để mọi người dù đang sống ở bất kỳ nơi đâu cũng hiểu rằng, nguy cơ "suy đồi" văn hóa là có thật. Nguy cơ đó đang hàng ngày rình rập chúng ta.

Bởi Hà Nội với tư cách là Thủ đô, là thủ phủ của đất nước nên gần như tất cả những vấn đề liên quan đến chính sách văn hóa thì Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng và tác động 1 cách trực tiếp và mạnh mẽ nhất.
Điều đó cũng có nghĩa sự xáo trộn và mất ổn định trong việc xác lập những giá trị văn hóa của dân tộc xảy ra, qua các chặng đường lịch sử như đã phân tích ở trên thì Hà Nội là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nói cách khác, ở bất cứ thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, nếu những chính sách văn hóa của nhà cầm quyền ban hành mà đúng đắn, lành mạnh thì người dân Thủ đô khi ấy sẽ là người "hưởng lợi" nhiều và trước nhất.
Còn ngược lại nếu những chính sách văn hóa sai lầm hay tiêu cực thì cũng chính người Hà Nội chứ không phải người dân địa phương khác phải gánh lấy hậu quả.
Tóm lại, nếu cho rằng đất nước ta hiện nay đang bị "loạn chuẩn" văn hóa thì sự "loạn chuẩn" này có 1 phần  do sự trớ trêu của lịch sử để lại. Lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam nhìn từ phương diện này có thể nói đó là một bi kịch.
(còn nữa)
http://tuanvietnam.net/2012-08-17-van-hoa-xuong-cap-vi-dau-i-

No comments:

Post a Comment