Tuesday 21 February 2012

40 năm Tổng Thống Nixon đến thăm Trung Quốc

2012-02-20
Thưa quý vị, 40 năm về trước vào ngày 21 tháng 2 năm 1972, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon đến thăm Trung Quốc, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử và góp phần làm thay đổi cục diện thế giới.

AFP PHOTO
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon trong chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc đang nâng ly chúc mừng Chu Ân Lai trong cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh vào năm 1972.


Nhân dịp này, Việt Hà có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư môn quan hệ quốc tế thuộc Trường Đại Học George Mason, về chuyến đi này.

Chuyến thăm lịch sử

Việt Hà: Xin chào Giáo Sư.
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Chào cô.
Việt Hà: Thưa Giáo Sư, câu hỏi đầu tiên xin hỏi ông là xin ông cho biết chuyến thăm lịch sử của Tổng Thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc vào năm1972 có ý nghĩa thế nào đối với nước Mỹ và Trung Quốc nói riêng, và đối với thế giới nói chung ạ?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nói về Mỹ trước. Thì mình thấy vào giai đoạn đó Mỹ đã bị sa lầy trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam và Mỹ muốn rút ra. Lúc bấy giờ kẻ đối đầu quan trọng nhất của Mỹ là Nga Sô, thành ra Mỹ muốn rút ra khỏi Việt Nam nên dùng Trung Quốc làm đòn bẫy để chống lại Nga Sô, thì chuyện đó đã thực hiện được. Khi Việt Nam bành trướng sang Cam Bốt là lập tức Trung Quốc chận lại, và Trung Quốc với Mỹ là đồng minh với nhau để chận Việt Nam, vì ở Mỹ họ quan niệm Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nga Sô. Hồi đó Nga Sô có căn cứ hải quân Cam Ranh mà, thì khi hạm đội Mỹ đi ra, hạm đội Nga đi vào thì cái ảnh hưởng của Nga lúc bấy giờ ở Việt Nam là đang lên thì Mỹ muốn chận chuyện đó và Mỹ đã làm được.
Lúc bấy giờ kẻ đối đầu quan trọng nhất của Mỹ là Nga Sô, thành ra Mỹ muốn rút ra khỏi Việt Nam nên dùng Trung Quốc làm Nga Sô.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
Điểm thứ hai là sau khi làm được việc đó thì Mỹ rảnh tay làm những chuyện khác dưới thời ông Reagan, và đến thời Bush thì Nga Sô sụp đổ. Vậy đối với Mỹ cũng nhờ cái đó mà Mỹ rút được khỏi (Việt Nam) và Mỹ đã thắng trận Chiến Tranh Lạnh. Và từ đó Mỹ không gặp phải nguy hiểm nữa, tức là Mỹ không bị sợ một quốc gia khác tấn công nguyên tử nước Mỹ nữa, vì không còn quốc gia nào có khả năng tấn công nguyên tử Mỹ mà đưa đến chiến tranh tận diệt được cả. Đó là Mỹ được lợi cái đó.
Về phía Trung Quốc thì Trung Quốc được gì? Trung Quốc nhờ cái đó thì sau khi ông Mao Trạch Đông chết, Đặng Tiểu Bình mở cửa ra bên ngoài. Và qua chương trình “4 hiện đại” của ông mà nước Trung Quốc đã tiến từ một quốc gia rất là chậm tiến đến một cường quốc kinh tế ngày nay. Nếu mà nói về tổng sản lượng quốc gia (GDP) thì Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ hai rồi, nhưng nếu chia bình quân cho đầu người thì còn kém, tức là mức phát triển thì không được, so với nước Mỹ, nhưng mà mức lớn về kinh tế là hạng thứ hai trên thế giới rồi. Và nhiều người còn lạc quan tiên đoán trong vòng hai ba mươi năm nữa, một thời gian ngắn thôi, thì Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về tổng sản lượng quốc gia. Vậy thì nhờ cái đó mà Trung Quốc đã tiến lên đến đó.
Và từ một nước, ngay cả từ thời Mao Trạch Đông, trước khi có cuộc xung đột đẫm máu vào năm 1965, thì vẫn còn hoàn toàn dựa vào Nga Sô, tức là nó chỉ là cái bóng của Nga Sô, ngày nay Trung Quốc đứng hẳn ra là một cường quốc. Như vậy Trung Quốc cũng được cái lợi đó.
NixonMaoTrachDong250
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông gặp gỡ tại Bắc Kinh vào năm 1972. Photo courtesy National Archives & Records Administration.
Bây giờ nói về thế giới thì có cái gì? Tôi thấy có hai việc hiển hiện ngay lập tức. Thứ nhất là thế giới thoát được cái hiểm họa chiến tranh nguyên tử tận diệt. Ngày xưa trong thế Chiến Tranh Lạnh, thế lưỡng cực, thì chiến tranh nguyên tử luôn đè trên đầu mọi người, mà điển hình nguy hiểm nhất là cuộc khủng hoảng hỏa tiễn năm 1962. Và điểm thứ hai là thế giới có một tay chơi mới, một tác nhân mới, và nó đưa thế giới từ “lưỡng cực” đến ít nhất là “tam cực”, tức là có nhiều cực thì hệ thống chính trị tương đối uyển chuyển hơn và đỡ có chuyện lúc nào cũng đối đầu cả. Và dần dần thế giới với sự tham dự của Trung Quốc, một nước lớn như vậy, thì thế giới trong mối tương quan quốc tế trở thành toàn cầu hóa. Thành ra những cái đó là những biến đổi lớn trên thế giới cho tới nay là do cuộc viếng thăm đó.
Việt Hà: Dạ. Thưa ông, trong chuyến thăm này thì chúng ta cũng biết là ngoài chủ đề Đài Loan được bàn thảo giữa Tổng Thống Mỹ với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai thì người ta cũng có nói đến cuộc chiến Việt Nam, vậy thì cuộc chiến Việt Nam được tiếp cận ra sao, và quan điểm của Mỹ với Trung Quốc về cuộc chiến này lúc đó thế nào ạ?
Khi Nixon lên thì chỉ nới lỏng cái hạn chế về việc đi du lịch thôi, tức là cho người Mỹ được đi Trung Quốc mua nhiều đồ hơn xưa thôi, rồi giảm bớt sự tuần tiểu trong eo biển Đài Loan.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Với Việt Nam, một trong những mục tiêu của ông Nixon khi lên cầm quyền là ông muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã, mà muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam thì vừa có biện pháp áp lực quân sự, mà hiện diện là các cuộc tấn công vào Cam Bốt, tấn công sang Lào, rồi oanh tạc Bắc Việt, và Việt Nam hóa chiến tranh.
Thứ hai nữa là vấn đề ngoại giao, thì về ngoại giao ông Nixon nhân nhượng hơn với Bắc Việt. Trước đó Tổng Thống Johnson đòi Bắc Việt rút quân trước rồi quân Mỹ rút sau, thì cuối cùng ông Nixon nói là rút quân song hành nhưng rồi cuối cùng thì tự mình (Mỹ) rút lấy một mình. Thế là ngoại giao với Bắc Việt là Nixon đã nhân nhượng.
NixonMaoTrachDongbb250
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông gặp gỡ tại Bắc Kinh vào năm 1972. Photo courtesy National Archives & Records Administration.
Về ngoại giao quốc tế thì Mỹ đẩy mạnh cái gọi là “diplomatique offensive), tức là tấn công ngoại giao, tức là lập một thế tương quan tam hợp với Nga Sô và Trung Quốc. Với hai nước đó thì họ muốn hưởng lợi khi liên lạc với Mỹ thì họ dùng áp lực để bắt Bắc Việt phải nhượng bộ để đi tới điều đình, thì chuyến đi Trung Quốc (của Nixon) lồng trong khung cảnh một chiến lược lớn của Mỹ để chấm dứt chiến tranh Việt Nam, đồng thời cái vấn đề thứ hai nữa là muốn chơi lá bài Trung Quốc để chống lại Nga Sô, bởi vì lúc bấy giờ mình yếu thì phải mượn lực người khác. Đó là hai mục tiêu quan trọng của chuyến đi của ông Nixon.

TT Nixon bắt tay TQ?

Việt Hà: Như vậy là 40 năm đã trôi qua kể từ chuyến đi đó vậy thì những khác biệt lớn đáng chú ý nhất trong mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc vào thời điểm đó, trong chuyến viếng thăm đó, cho tới bây giờ là gì, thưa ông?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Khác rất nhiều vì thời đó hai bên không có liên lạc gì cả và Mỹ còn cấm vận Trung Quốc. Khi Nixon lên thì chỉ nới lỏng cái hạn chế về việc đi du lịch thôi, tức là cho người Mỹ được đi Trung Quốc mua nhiều đồ hơn xưa thôi, rồi giảm bớt sự tuần tiểu trong eo biển Đài Loan. Đó là một số hành động biểu tượng để chứng tỏ là ông Nixon muốn bắt tay với Trung Quốc. Như vậy là lúc đó không có gì cả mà bây giờ thì nền kinh tế hai bên đã phụ thuộc lẫn nhau, thành ra cái tiến bộ đã đạt được khá nhiều rồi, về đủ mọi phương diện. Về phương diện quân sự thì thăm viếng thường xuyên, về thương mại thì hai bên phát triển rất nhiều, thành ra nói tóm lại là hai hình ảnh rất là khác biệt. Ngày xưa Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù và là tay sai của Nga Sô, tức là đàn em của Nga Sô; ngày nay Mỹ coi Trung Quốc là đại cường quốc có hành động riêng của mình, và ngay cả Tổng Thống Obama cũng nói là rất quan tâm sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Việt Hà: Tổng thống Nixon từng nói rằng mối quan hệ hợp tác giữa các cường quốc , mà lúc đó có Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Tây Âu và Nhật Bản, thì sẽ có lợi cho tất cả các nước, và nó sẽ giúp tránh được những cuộc xung đột và chiến tranh ở thế giới thứ ba, bao gồm cuộc chiến Việt Nam, vậy thì liệu điều này còn có thể áp dụng cho hiện nay không ạ? Và nhất là khi cường quốc như Trung Quốc đang có tranh chấp với các nước trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, một số nước ASEAN trong đó có Việt Nam, thưa ông?
Tùy Việt Nam thôi, tại vì ở Biển Đông thì Việt Nam và Mỹ có sự đồng thuận về mối quan tâm chiến lược, về quyền lợi chiến lược của hai bên đến huề với nhau rồi.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nó tùy thuộc cái bản chất của cuộc tranh đấu đó, và tùy thuộc vào tầm quan trọng đối với mọi người. Trước hết là về cái mơ mộng của ông Nixon thì thực sự đó là ý kiến của ông Kissinger. Kissinger là người xuất thân từ bên Âu Châu và luôn luôn mơ hồ đến một cái thế là cái tương quan giữa một số các cường quốc, khoảng bốn hay năm cường quốc, nó tạo thế quân bình với nhau và nó thay đổi để giữ thế quân bình trên thế giới, thì lúc bấy giờ các nước nhỏ có thể thở được. Và đối với họ thì những nước nhỏ với quyền lợi nhỏ thì họ giải quyết lấy, còn họ chỉ cần bảo vệ quyền lợi của họ, giữ thế quân bình mà không gây nên chiến tranh và giải quyết vấn đề của các nước nhỏ.
Thì cái thời đó ông Kissinger mới nghĩ ra là nên đưa các nước Tây Âu và Nhật Bản vào, thì ngày nay chúng ta thấy nó là hoàn toàn sai, bởi mơ mộng Tây Âu mà Tây Âu giai đoạn đó chưa đi tới thống nhất, và ngay cả bây giờ đạt tới cái EU rồi mà chính sách ngoại giao cũng chưa thấy thống nhất gì cả. Thành ra nếu mà chưa thống nhất thì chưa có thể là một tác nhân gọi là thuần nhất trên thế giới. Còn Nhật Bản thì đương trong tình trạng thật sự bây giờ so với các nước khác thì cũng không phải là nước mạnh lắm. Vì thế ngày xưa trong giai đoạn đó tôi nghĩ là cái thế đó chỉ có một cái lợi là nó làm cho tình trạng thế giới, cái cán cân lực lượng được uyển chuyển hơn, không căng thẳng như thời lưỡng cực nữa. Cái đó là cái lợi của Mỹ thời đó thôi, thành ra cái mơ mộng đó là không thực hiện được và nó không thành công.
NixonChuAnLai
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh vào năm 1972. Photo courtesy Nixonfoundation.org
Và ngay cả trên thế giới bây giờ thì thực sự cũng không có cái thế như ngày xưa, tức là một cái phối hợp giữa các quốc gia lớn ở Châu Âu, thì bây giờ chúng ta cũng chưa thấy sự phối hợp đâu cả. Những nước gọi là BRICS (Brazil, Russia, India, China, South Africa) thì cũng còn chưa phải là tác nhân có thể so sánh với Mỹ được. Tôi nghĩ bây giờ so sánh với Mỹ có thế đối phó thì chỉ có Trung Quốc thôi, thành ra nó không phải như là lưỡng cực ngày xưa, nhưng mà về phương diện cả chính trị lẫn kinh tế thì chỉ có hai nước thôi. Nga Sô thì đối với Mỹ là cái người đã qua rồi. Thành ra tôi nghĩ là vì thế cho nên không thể áp dụng cái thế như ngày xưa được, và không thể nói chuyện các vấn đề ông Nixon được. Thành ra bây giờ đối với những nước nhỏ thì họ chỉ sợ sự mặc cả giữa những nước lớn có ảnh hưởng hại cho mình, tôi nghĩ cái đó thật sự là có, bởi vì các nước lớn họ vì quyền lợi của họ, và quyền lợi cốt lõi của họ thực hiện được thì họ không coi quyền lợi của mình (nước nhỏ) ra đâu cả.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng những nước nhỏ là hoàn toàn bất lực, bởi vì ngày xưa thời của Đài Loan năm 1979 ông Carter gần như bỏ Đài Loan rồi và mang quân đội Mỹ rút khỏi Đài Loan, chấm dứt hiệp định quân sự, nhưng mà Đài Loan nó thay đổi hoàn toàn, nó trở thành một cường quốc kinh tế, nó lại có dân chủ, thì lập tức nước Mỹ thay đổi, và vì thế nó ủng hộ Đài Loan cho đến ngày nay. Chúng ta thấy từ 1979 đến giờ là gần nửa thế kỷ rồi mà Đài Loan vẫn vững, thành ra nói như thế không có nghĩa là họ đổi chác ngay trên đầu mình được, nếu mình khá thì họ không có đổi. Nó tùy thuộc giống như hàng ế thì nó bán, còn nếu hàng tốt thì nó giữ.
Việt Hà: Như vậy là chúng ta có hy vọng đối với Việt Nam trong tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Cái đó là tùy Việt Nam thôi, tại vì ở Biển Đông thì Việt Nam và Mỹ có sự đồng thuận về mối quan tâm chiến lược, về quyền lợi chiến lược của hai bên đến huề với nhau rồi.
Việt Hà: Vâng. Xin cảm ơn Giáo Sư đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Vâng, không có gì.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/40-anniversary-nixon-visit-cn-vh-02202012193511.html

No comments:

Post a Comment