2/12/10 5:55 PM
Việc con cái giết cha mẹ, nhiều người trẻ sống ích kỷ, hung ác, trụy lạc, ma mãnh, thiếu đạo đức và nhân bản, trong đó có lỗi của cha mẹ, của người lớn, của thày cô, của các lãnh đạo tôn giáo, của chính quyền! Rau nào sâu nấy, xã hội nào con người nấy, không hề sai! Cuộc sống bất an, đảo lộn trật tự, không ai dám ra tay bệnh vực lẽ phải, người ngay, là do chúng ta đã tạo nên cho chúng ta, gieo nhân rồi gặt quả, một hậu qủa thật đắng cay chua xót!Vào đúng dịp lễ Hiến Chương Nhà Giáo 20 tháng 11 năm 2010, trên báo mạng, ngoài những tin về bạo lực, giết chóc thường có, còn có 2 tin gây chấn động: con trai dùng cây tọng mủ cao su vào miệng mẹ với lời mắng chửi thô bạo bất nhân, và con gái đâm chết người cha già vì ông thẳng thắn răn dạy đứa con mất nết!
Ngày 29 tháng 11, báo Thanh Niên lại loan một tin mới: Sát hại mẹ ruột để cướp tài sản! Gần đây, một vụ án giết người thật kinh hoàng rùng rợn: Nguyễn Đức Nghĩa, từng là sinh viên, tức là có được thụ hưởng một quá trình giáo dục căn bản, chứ không phải kẻ vô học, đã giết người yêu cũ, chặt đầu đem quăng một nơi, mình một nẻo, lại còn cắt từng ngón tay nạn nhân để không thể truy tìm ra tung tích người bị hại qua vân tay!
Trước những tin này, ai là người không rùng mình kinh hãi, và thoáng lo sợ cho…chính bản thân mình, những ai đang có người yêu, hay những bậc làm cha mẹ, trước những cái chết đến rất bất ngờ, do những hung thủ …không thể nào cảnh giác được?!
Cô gái giết cha ngụ ở Mỹ Tho. Hôm đó cha cô thấy con gái tắm xong tơn tơn ra khỏi nhà tắm mà không chịu mặc quần, đi tung tăng lên nhà! Người cha già quá kinh ngạc kêu con mặc quần vào, nhưng cô không nghe còn cự lại cha với lời vô lễ. Quá bức xúc, ông đã tát con gái. Lập tức cô này xuống bếp lấy con dao nhọn lên đâm cha hai phát trúng tim, và ông chết ngay tại chỗ!
Còn người con trai vừa nêu trên thì ở Bình Dương, được mẹ chia gia tài cho hai anh em, nhưng người anh này bài bạc tiêu tan hết tài sản, về xin thêm tiền thì mẹ không cho. Anh ta đánh chửi mẹ, và lấy mủ cao su nhét vào họng mẹ rồi dùng cây tọng vào, miệng buông lời đốn mạt: “Tao đánh để cho mày chừa!”. Còn cậu nhỏ mới 17 tuổi, tên Võ Văn Vũ ở Bến Tre, xin mẹ tiền không được bèn mua a-xit về tạt lên người mẹ, bị đau đớn bà mẹ hét lên thì con lấy dẻ nhét vào miệng và bóp cổ mẹ cho đến chết! Hỡi ôi! Có đời nào như thế này không? Nghĩ đến mà tôi toát mồ hôi và rùng mình vì khiếp sợ! Tôi thật sự bị sốc!
Chưa bao giờ như lúc này, mạng sống con người thật quá bèo bọt mong manh! Không phải vì mình gây điều mâu thuẫn, làm ác, khiến người ta phải tiêu diệt mình, mà đơn giản nguyên nhân có khi chỉ vì mình cần phải làm những điều mà lương tâm, trách nhiệm của mình buộc phải làm, (tạm thời tôi xin gác ngoài những nguyên nhân khác), ví dụ một cụ già thấy đám trẻ đánh lộn mà vào can ngăn, cũng bị chúng đâm chết, hay con cái bất tuân, hư hỏng mà cha mẹ phải lên tiếng răn dạy, nhưng không đúng ý của nó, là cha mẹ có thể “thọ nạn” do chính đứa con rứt ruột của mình! Trong nhà thì chồng, vợ giết nhau, con cháu giết cha mẹ, ông bà; ngoài đường thì người đàng hoàng, người làm phải cũng có thể dễ dàng mất mạng bởi kẻ hung ác, kẻ ngu si, thiếu giáo dục! Có phải xã hội đã loạn rồi không, mà mạng sống con người bị đe dọa khủng khiếp như vậy?!
Ta hãy phân định các giai đoạn HỌC LÀM NGƯỜI của một nhân thể, thì sẽ thấy ngay ai đảm trách việc tạo thành con người đó. Các nhà khoa học định nghĩa: “Con người được hình thành do gène di truyền, và do môi trường sống”, tức do di truyền từ cha mẹ, ảnh hưởng từ xã hội xung quanh, và nền giáo dục được thọ hưởng. Sự hình thành đó trải qua các giai đoạn:
I/- Giáo dục trong trứng nước:
Trước hết, về di truyền, thì chúng ta không thể bàn trên mấy trang giấy này được, vì nó là cả một bộ môn khoa học, nhưng mọi cha mẹ đều phải nắm vững một số nguyên tắc, khi chúng ta muốn có những đứa con tốt. Ông bà ta dạy rằng “lấy vợ chọn tông, lấy chồng chọn giống”, hay “nòi nào sinh giống ấy”, đó là kinh nghiệm của cổ nhân, gọn nhưng rõ và đủ như một khoa học về di truyền. Người sinh ra bởi một dòng tộc tốt, đạo đức, lương thiện, ít nhất cũng hơn kẻ được xuất thân từ một dòng dõi hung ác, sống thất đức. Nếu mình lấy vợ hay chồng là người hiền lành tử tế, có sức khỏe tốt, thì con cái chắc là được hưởng cái di truyền tốt từ cha mẹ về sức khỏe, về tâm tính. Khi con đang tượng thai trong lòng mẹ mà mẹ gặp âu lo khó khăn, con sinh ra cũng bị ảnh hưởng đến tính khí, sức khỏe của nó. Nếu gia đình vui hòa, người mẹ bình an thì con sẽ rất tốt về cả tinh thần và thể chất. Nếu đang cưu mang con, mà mẹ toan tính làm ác, làm gian, thì sau này con khó tốt. Cha nghiện, con cũng có khả năng nghiện khi ra đời! Đấy là giáo dục trong trứng nước, cho nên Napoléon, vị hoàng đế Pháp có nói: “muốn chuẩn bị cho một đứa trẻ ra đời, phải chuẩn bị từ khi mẹ nó chưa sinh ra!”. Cha mẹ hơn ai hết, là người có trách nhiệm chính trong giai đoạn “giáo dục từ trong trứng nước” này, ví như ta dùng đậu xanh để nặn bánh, thì ta sẽ có bánh đậu xanh, làm bằng bột dổm, ta sẽ có chiếc bánh dổm, đó là những gì ta di truyền cho con ta. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh!” là thế.
II/- Giáo dục gia đình:
Giai đoạn con còn thơ bé, cha mẹ cũng là người thày chính của con. Từ khi chào đời, trẻ con được cha mẹ hay những người trực tiếp nuôi nấng chăm sóc nó, giúp hình thành nên con người và tâm tính của nó. Từ sức khỏe, thói quen, tính nết, thậm chí cách ăn nết ở, suy nghĩ, ứng xử của con, phần chính là do từ cách sống, cách nói năng, suy nghĩ, những điều tập tành dạy dỗ từ những người thân cận này. Nếu sống trong một gia đình đạo hạnh, nề nếp, con cái khó sống buông thả, khó cư xử hỗn hào mất nết. Nếu sống trong một gia đình bạo loạn, hung ác, ích kỷ, con cái khó có thể hiền từ tử tế. Cha mẹ luôn ăn nói tục tằn, hung dữ thì con cũng sẽ giống cha mẹ. Ta không học mà có được bằng cấp cao, ta bỏ tiền mua chức vị, ta có thể dạy con ta phải chăm học, phải thật thà được không? Ta hối lộ, tham nhũng, mà dạy con phải liêm chính, công bằng được không? Thôi thì hãy chờ nó thể hiện những gì nó học được từ ta, đó là bài học sống động nhất cho con. Con cái đã được đúc uốn từ khuôn méo lệch, sau này nó khó thành vuông tròn! Không thấy ai chém giết, hung ác bao giờ, chắc cậu sinh viên Nghĩa khó mà biết và dám cắt cổ người yêu, cắt từng ngón tay, lạnh lùng đem từng mảnh xác người đi quăng dấu mà mặt cứ lạnh như tiền! Nếu có được giáo dục về nhân cách, về lương tâm, về công ơn sinh thành, chữ hiếu với cha mẹ, chắc cô gái kia không dám không mặc quần mà đi tơn tơn lên nhà, nhất là không thể lạnh lùng cầm dao đâm vào ngực bố mình, và cậu con nọ không thể đang tâm tạt a-xit vào mẹ mình rồi còn bóp cổ đến chết!
III/- Giáo dục học đường:
Chúng ta hãy cùng xem lại nội dung và hình thức giáo dục học đường ngày nay so với ngày xưa, xem nó khác nhau thế nào, mà đã tạo ra hai loại “sản phẩm”, là con người ngày xưa, và con người ngày nay quá khác biệt? Ngày xưa trẻ con trong gia đình biết kính trọng ông bà cha mẹ, biết lễ phép với người trên, nhường nhịn kẻ dưới, biết đi thưa về trình, nói năng lễ độ, chơi với bè bạn biết giữ sự công bằng, ra xã hội biết trên kính dưới nhường, ngoài đường phải đi đứng trang nghiêm, thấy đám tang biết ngả nón chào, thấy người già, thiếu phụ mang thai hay xách nặng phải nhường bước, phải giúp đỡ tận tình dù có vội đi, không được gây hấn ngoài đường phố…, nhất nhất đều tỏ ra con người có lễ giáo, có đạo đức. Đó là nhờ nền giáo dục, học sinh được dạy rất kỹ càng nằm lòng những bài đức dục ở bậc tiểu học, rồi công dân giáo dục ở bậc trung học. Các cháu được học làm người trước khi học chữ nghĩa: “tiên học lễ, hậu học văn”, nên biết cách sống trong gia đình, biết cách cư xử ngoài xã hội, và tuyệt nhiên không hề có bạo lực, bạo loạn.
Những chương trình đức dục và công dân giáo dục được đưa vào thời khóa biểu như môn học chính, và những bài học được lấy ra từ những sách học làm người như “Gia Huấn Ca” của Nguyễn Trãi, “Cổ Học Tinh Hoa”, “Nhị Thập Tứ Hiếu”, hay những đoản văn trích trong “Tâm Hồn Cao Thượng” của dịch giả Hà Mai Anh, có cả những truyện cổ tích mang tính răn dạy điều hay lẽ phải, làm lành lánh dữ trong kho tàng văn chương dân gian Việt Nam. Trong gia đình và học đường còn dạy cách đi đứng, cách ăn cách ngồi, cách cầm đũa cầm bát, cầm dao cầm kéo…, sao cho an toàn và lịch sự. Lấy một ví dụ nhỏ: dạy trẻ cầm dao đưa cho người khác,thì phải đưa cán dao cho người cầm,và mũi dao, lưỡi dao quay về phía mình hay xoay ngang ra. Tuy chuyện rất nhỏ nhặt, nhưng trong đó hàm nhụ cả một cách sống đạo đức, là tôn trọng người khác, và chọn sự an toàn nhất cho người kia, nếu có nguy hiểm thì về phần mình, chứ không đưa thẳng mũi dao cho họ: một sự vị tha trong cách ứng xử, mà ngày nay không có, hay ngược lại! Lên trung học các cháu được học các tác phẩm văn chương, nhưng đưa luân lý đạo đức vào soi rọi để phê bình, đánh giá từng nhân vật và cả tác phẩm, từ đó rút ra cách sống, cách ứng xử hợp đạo lý. (Đó là tôi nói theo giáo dục của miền Nam, còn miền Bắc tôi không rõ). Sách báo phim ảnh thì được chọn lọc kỹ càng cho cả người lớn lẫn trẻ em. Thày cô phải là những mẫu sống tốt lành, mô phạm, đạo đức và kỷ cương.
Còn ngày nay, hỡi ôi! Cả ngành giáo dục hầu như cơ bản là đi nghịch với giáo dục! Từ ban giám hiệu đến thày cô giáo cùng chạy theo thành tích mà quên trách nhiệm trồng người, quá lo lợi nhuận mà bỏ qua lương tâm đạo đức! (Tôi xin không xúc phạm đến các nhà giáo chân chính, vẫn còn sót lại thời nay, nhưng “một cánh én không tạo nổi mùa xuân!”, và nhiều người thày cảm thấy bất lực, đã tự rút ra khỏi ngành! Khách quan mà nhận định, thì thấy rằng nền giáo dục của ta bây giờ còn rất nhiều khiếm khuyết về nội dung, về nhân sự, và mang hai mặt: mặt thât có nhiều gương sống xấu xa, gian dối, trục lợi, thiếu trách nhiệm, và mặt giả là những lý thuyết suông, những lời nói không giống việc làm, những gương sống thiếu đạo đức (tôi không liệt kê vì báo chí đã nói quá nhiều!), những món chính trị gian giả khó nhá, mà cứ cố tọng, cố nhồi nhét cho học sinh, sinh viên ngay từ tấm bé, nhưng thiếu những điều cần thiết cho đứa trẻ nên người. Các đức tính như sự công bằng, lòng trung thực, nhân nghĩa tín trung đâu không thấy dậy, trong khi các cách sống gian dối, phản đạo đức thì bày ra quá nhiều! Tại sao ta không dạy cho các cháu tiểu học phải yêu mến kính trọng ông bà tổ tiên, hiếu lễ với cha mẹ, mà lại phải yêu bác Hồ? Bác hồ đối với trẻ nhỏ là ai, tại sao phải yêu bác, đố em học sinh tiểu học nào trả lời được chính xác! Phải chi yêu bác vì bác xưa là đứa con ngoan, là học sinh gương mẫu, là thanh niên đạo hạnh, thì đúng là gương mẫu, là bài học cho trẻ, chứ còn bác đi cứu nước, bác đem chủ thuyết Công Sản về áp dụng cho quê hương thì chẳng đứa trẻ nào hiểu nổi! Tại sao ta đẩy chúng vào chính trị sớm thế, trong khi đứa trẻ đang cần học làm người, một con người đơn sơ chân chính?
Việc tôn sùng lãnh đạo có cần dạy cho học sinh không, nhất là lại có những thông tin đầy dẫy trên internet về bất cứ điều gì, bất cứ vấn đề gì mà ta cần biết, nhiều khi lại hoàn toàn không như điều ta đem ra nói với trẻ! Một lần tôi đến nhà người bạn, chị có một đàn cháu 6 đứa, còn đang học tiểu học và trung học; một cháu học lớp 6, vừa cất cặp xong là đến ôm bà, chị bạn tôi cưng cháu nên hỏi xem cháu ở trường hôm nay học gì. Cháu ngần ngừ không trả lời, rồi bỗng cháu nói: “Bà ơi!, con không yêu bác Hồ đâu, bác Hồ có nhiều vợ nhiều con mà cô nói không có, cô chỉ xạo! Bác Hồ ác lắm, giết bao nhiêu là người!” Hai chúng tôi giật mình kinh sợ. Chị bạn la cháu: “Con bậy quá! Ai nói cho con vậy?”. Cháu nói rất hồn nhiên: “Ở trên internet ấy! Bạn con đọc được, nó chỉ cho con, bà muốn đọc không?”. Đấy là sự thật, chắc nhiều người chúng ta đã từng giật mình về kiến thức và khả năng sử dụng internet của trẻ con bây giờ! Đã đến lúc chúng ta không thể nói dối được trẻ con, nhất là trong giáo dục! Chúng ta cũng không thể dạy bừa bãi mà không lựa chọn, kẻo hậu quả sẽ đến ngay và phản lại chúng ta!
IV. Vai trò giáo dục của Tôn Giáo và của Chính Quyền:
- Tôn giáo nào cũng dạy con người làm lành lánh dữ. Đạo Thiên Chúa thì có phần tích cực hơn trong vai trò giáo dục con người, nhất là cho giới trẻ, về đức dục, về các đức tính ngay thẳng thật thà, công bằng, bác ái, cách cư xử tốt với mọi người. Nhưng trong xã hội XHCN ngày nay, vấn đề tôn giáo không bình thường, vì chủ trương đường lối của nhà nước, không nhiều thì ít đã “tục hóa” con người, kể cả nhà tu hành, rồi việc giới hạn hay ngăn cấm các tôn giáo truyền giảng, hay tham gia vào công tác giáo dục, trong khi ngành GD của nhà nước thì còn rất yếu kém, bất cập, cả về nội dung lẫn hình thức GD, nhất là mặt nhân sự, nên thường xảy ra những “tai nạn nghề nghiệp” về trình độ,tư cách đạo đức của người trong ngành như tin loan dẫy đầy!
Ở các nước tiên tiến, nhà nước và TG cùng quan tâm đến GD, thậm chí chính quyền còn nhờ TG đảm trách chính về GD, và để cho TG mọi dễ dành trong việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ, hoặc tổ chức những lớp sinh hoạt, huấn luyện giới trẻ theo tinh thần lành mạnh, đạo đức. Ở VN thì không cho, hoặc rất khó khăn, khiến giới trẻ dành nhiều thời giờ cho việc chơi bời giải trí thiếu lành mạnh hay sa đọa!
- Việc quốc doanh các tôn giáo gây một hậu quả vô cùng tiêu cực, ngoài việc mất tự do TG, còn có lối sống không phù hợp của những người đội lốt tu hành làm điều bất chính trong bộ áo nhà tu, mà không phải ai cũng biết phân biệt về gốc gác của họ, khiến giới trẻ ngộ nhận là TG cũng gian dối, lừa lọc, xằng bậy! Đó là những công an, cán bộ trong lốt tu, mà vẫn có cách sống rất “đời”, thiếu lành mạnh, hay theo dõi bắt bớ, sát hại người! Rồi sự lạm dụng những con người của TG để làm theo chỉ thị của chính quyền mà sai bổn phận, lương tâm của chức sắc TG, cũng gây hậu họa! Cũng phải nói đến những cá nhân nhà tu bị tha hóa, tục hóa, trở nên gương xấu, làm mất niềm tin của giới trẻ vào những vị lãnh đạo TG, và từ đó họ không còn chuẩn mực, không còn lý tưởng, không thể định hướng tốt cho họ trong cuộc đời, với lý do “những người như thế còn sống vô đạo huống chi mình”!
Một chủ trương chính trị không trong sáng, đã góp phần phá vỡ sự lành mạnh, kỷ cương của xã hội, đạp đổ tương lai của đất nước! Tiêu diệt hết các biểu tượng cao đẹp, và đề cao những sự giả trá, xấu xa, phi nghĩa, thì làm sao mà xã hội không băng hoại cho được?!
V – Ảnh hưởng của xã hội trong việc giáo dục con người:
Giáo dục có nhiều phương pháp, nhưng tựu trung có ba hình thức: văn giáo, thân giáo và pháp giáo. Chúng ta dùng phương thức một rất nhiều, đó là dạy bằng lời nói, đủ mọi điều hay lẽ đẹp (văn giáo), kế đến là chúng ta xử lý sai phạm bằng pháp giáo, hình phạt của cha mẹ, thày cô, hay pháp luật. Nhưng còn thân giáo thì chúng ta hầu như không biết, hoặc không quan tâm, đó là cách sống, cách hành xử của chúng ta, những cha mẹ, người lớn, thày cô giáo, các người chung quanh mà trẻ tiếp xúc. Từ bè bạn, lối xóm, ngoài đường, ngoài chợ, trong công, tư sở, những người lãnh đạo…, mọi người sống thế nào để cho đám trẻ noi gương, vì bản thân chúng ta chính là những bài học sống động nhất cho giới trẻ. Ta sống giả nhân nghĩa, sống hai mặt…, không thể nào mà gia đình tốt đẹp, xã hội lành mạnh! Tại sao trẻ con sớm dâm đãng đồi trụy, lanh ma? Tại sao chúng không biết làm việc nghĩa, không sống vị tha? Tại sao chúng hung ác, giết người, giết cha mẹ mà không sợ tội? Nhiều gia đình có cách ăn mặc trong nhà rất phản giáo dục, hầu như mọi người không mặc quần áo.
Nhiều cha mẹ coi phim đồi trụy mà không ngại con! Có những bà mẹ con đã lớn, nhưng khi ra đường ăn mặc cũn cỡn hở hang, cử chỉ lời nói thiếu đứng đắn! Nhiều ông bố thường say sỉn, dùng bạo lực với vợ con. Người buôn bán thường gian lận, các thầy cô thì nói hay làm dở, những người lo việc nước thì thường hối lộ tham nhũng, thậm chí người lãnh đạo tôn giáo giảng dạy thì hay, đời sống lại khác xa lời nói…, chúng ta tưởng bịt mắt trẻ được sao?Tôi nghĩ hầu hết người lớn chúng ta đều biết rõ nguyên nhân vì sao giới trẻ sa đọa, chỉ là chúng ta có chịu suy nghĩ hay không!
KẾT LUẬN:
Việc con cái giết cha mẹ, nhiều người trẻ sống ích kỷ, hung ác, trụy lạc, ma mãnh, thiếu đạo đức và nhân bản, trong đó có lỗi của cha mẹ, của người lớn, của thày cô, của các lãnh đạo tôn giáo, của chính quyền! Rau nào sâu nấy, xã hội nào con người nấy, không hề sai! Cuộc sống bất an, đảo lộn trật tự, không ai dám ra tay bệnh vực lẽ phải, người ngay, là do chúng ta đã tạo nên cho chúng ta, gieo nhân rồi gặt quả, một hậu qủa thật đắng cay chua xót!
Một nhà giáo không còn trong ngành
No comments:
Post a Comment