Sunday 29 January 2012

7 đứa con đẩy cha mẹ già ra đường ăn Tết với cỗ quan tài

Đó là bi kịch của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Quý (84 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Chén (82 tuổi), ngụ thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Tám năm bị con cái đẩy ra đường là tám cái Tết buồn của cặp vợ chồng bất hạnh.
Những đứa con “trời đánh” 
Tìm đến thôn Đồng Lư hỏi thăm vào ngôi chùa có vợ chồng cụ già phải tá túc, mọi người đều biết chính xác: “Chắc cô chú tìm ông bà Quý hả? Tội nghiệp ông bà ấy lắm cô chú ạ, hiền lành, chịu thương chịu khó nhưng về già mất phúc. Con cái thì đông đúc, giàu có mà có đứa nào chịu nuôi bố mẹ đâu”. Rồi không kịp để khách hỏi thêm câu nào, mọi người tranh nhau kể tội mấy đứa con bất nhân của hai cụ: “Mấy hôm trước chúng nó lại vừa hành hung bố mẹ”. 
Cụ bà Nguyễn Thị Chén đang cầm chổi quét sân chùa, tuổi già, mắt kém nên lẩy bẩy lia từng nhát chổi chậm chạp, cứ vài phút lại dừng tay đấm lưng. Trời Hà Nội những ngày cuối năm lạnh đến dưới 10 độ C nhưng bà cụ cho biết ông lão chồng mình từ sáng sớm đã ra đồng mò cua bắt ốc. 
Nghe có người muốn đến hỏi chuyện bi kịch của mình, khóe mắt nhăn nheo của bà cụ trào nước mắt: “Một đời chúng tôi vì con vì cái, nuôi nấng dựng vợ gả chồng cho chúng, không để nợ một đồng một cắc nào cho chúng. Vậy mà giờ chúng đối xử với vợ chồng tôi thế này đây”. 
Cách đây 60 năm, ông bà quen nhau trong một lần đi làm thuê ở miền sơn cước rồi nên duyên vợ chồng. Về sống với nhau, ông bà lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng trong hoàn cảnh khó khăn nghèo túng. Lúc vợ chồng ra ở riêng tài sản chỉ có duy nhất 20 cây tre để dựng căn nhà làm nơi tá túc tránh mưa tránh nắng.
Ông bà lần lượt sinh hạ được bảy người con, ba trai, bốn gái. 
Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, khi bảy đứa con lần lượt chào đời thì cuộc sống càng túng quẫn hơn. Để nuôi được bảy người con thành người, ông bà đã phải chịu trăm ngàn cực nhục. Ông đi làm thuê làm mướn hùng hục suốt ngày, còn bà thì tối ngày cắm mặt trên mấy thửa ruộng kiếm miếng cơm manh áo nuôi con. 
Căn nhà nhỏ cũ nát đêm mưa không có chỗ nằm, ông bà nhường cho các con chỗ khô ráo, còn mình thì chịu trận giữa mưa gió. Bữa no bữa đói, nồi cơm độn sắn ngô không đủ cho đàn con đông đúc, có bữa ông bà phải nhịn ăn nhường con. 
Xã hội ngày càng càng phát triển, cuộc sống rồi cũng bớt khó khăn. Rồi ông bà dựng vợ gả chồng cho mấy đứa con lớn, mấy đứa nhỏ thì do cuộc sống khó khăn quá nên ông bà dắt lên vùng kinh tế mới ở Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội). Đến vùng kinh tế mới, do chịu khó làm ăn nên cuộc sống gia đình đã thoát khỏi cảnh túng quẫn. Lúc này ông bà dựng vợ gả chồng nốt cho mấy đứa nhỏ. 
Tuy không bằng ai nhưng ông bà vẫn cố gắng lo lắng cho con cái chu đáo, 3 người con trai thì cho mỗi anh một dinh cơ khi lấy vợ, không để nợ một xu một đồng cho đứa con nào. Khi người con trai thứ ba của ông bà lấy vợ xây nhà, đứa con xui ông bà bán đất ở vùng kinh tế mới để lấy tiền xây nhà cho mình, ông bà cũng nghe theo vì cha mẹ nào chẳng “cá đuối đắm đuối vì con”. 
Những bữa cơm chan nước mắt 
Bà cụ giơ tay gạt dòng nước mắt rồi tiếp tục câu chuyện. Sau khi dồn hết tiền làm nhà cho anh con trai thứ ba, ông bà về ở với người con trai cả khi trong tay ông bà không còn tiền. Người con cả khi đó đã hậm hực hắt hủi ông bà với lý do: “Bao nhiêu tiền cho thằng thứ ba hết, tôi không được gì”, trong khi chính anh ta thừa hưởng mảnh đất trước đó cha mẹ cho. 
Sống với người con cả, vợ chồng cụ phải làm như người đi ở. Hàng ngày hai cụ phải lấy bèo nuôi bảy con lợn, cày cấy gặt hái, đi làm sớm về muộn mới được miếng cơm để ăn. Đến mùa vụ, có khi cụ bà đi gặt được mấy gánh lúa thì con dâu mới ra đồng. Cực nhục là vậy nhưng với bản tính hiền lành chịu thương chịu khó, ông bà cắn răng không kêu nửa lời cho vừa lòng vợ chồng con cả. Nhưng cũng chẳng được bao lâu thì anh con cả tuyên bố thẳng thừng: “Ông bà cút khỏi nhà này, đi đâu thì đi”
Vợ chồng cụ đành lẳng lặng ôm quần áo tìm đến nhờ vả anh con trai thứ ba. Những tưởng trước đây mình đã lo lắng bán nhà đi lấy tiền cho nó xây nhà thì con sẽ tốt với mình, thế nhưng trái lại người con này cũng không kém phần tệ bạc với cha mẹ và tỏ rõ “quan điểm”: “Ông cả không tử tế với ông bà thì tôi việc gì phải tử tế?”. 
Ở đây, cảnh khổ không kém gì con cả khi đã không những phải làm lụng vất vả, họ còn năm lần bảy lượt bị con đuổi đi. Nhục nhã nhất là những bữa cơm chan nước mắt. Bữa ăn nào cũng vậy, người con trai bắt bố mẹ phải cung kính mời… vợ chồng con cái mình ăn cơm bằng câu: “Mời ông bà ăn cơm, mời các cháu ăn cơm”. 
Có những người làng xóm thấy vậy thì bực mình thay và phẫn nộ: “Ông bà hiền quá để nó bắt nạt, mình là bố mẹ đến bữa thì sao phải mời chúng nó”. Thử một lần “phạm thượng”, tối đó hai cụ không mời thì bị con trừng mắt nạt nộ: “À, cái nhà này ăn cơm không ai mời ai à”. Sợ ông “trời con”, ông bà run rẩy “trở về nếp cũ”: “Mời ông bà…”. 
Nhẫn nhịn bao lâu những mong yên thân nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, đến một hôm gã con trai thứ ba giơ tay đấm vào mặt mẹ, vác dao kề cổ bố xua đuổi: “Bước mẹ chúng mày ra khỏi nhà, không tao cho nhát dao bây giờ” (nguyên văn lời của cụ Chén - PV). Thấy bố mẹ lủi thủi ôm mớ quần áo rách bước đi, gã còn thẳng thừng tuyên bố: “Còn quay về đây thì đập chết”. 
Vẫn còn một niềm hi vọng nữa là người con trai thứ. Biết bố mẹ phải lang thang ngoài đường, anh này đón ông bà lên ở cùng nhưng cũng được vài hôm. Phải sống trong cảnh những lời nói móc máy của cô con dâu ra rả trong nhà suốt cả ngày, ông bà cảm thấy sống còn khổ hơn chết. 
Nước mắt lưng tròng, không còn nơi nương tựa vợ chồng cụ lang thang đây đó, đến khi không còn chỗ nào nữa đành phải vào ở nhờ nhà chùa. 
Tám mươi năm cuộc đời vất vả làm lụng, gia tài các cụ có trong tay là bảy đứa con bất hiếu và bất lực, sau miếng ván dùng để đóng áo quan khi chết cùng 3 bao tải đựng lá khô dùng đun nấu. Người làng thấy vậy liền thương tình người cho cái bát, người cho manh chiếu, người cho cái giường cũ để các cụ dựng thành cái “tổ ấm” cuối đời. 
Rơi lệ nghe những kỷ niệm buồn 
3 người con trai thì vậy, những người con gái cũng không “khá khẩm” gì hơn. “Mấy đứa con gái thì một đứa lấy chồng ở Xuân Mai, một đứa lấy ở trại Bà Nhà, một đứa ở Cố Đụng (đều là những địa điểm gần nơi ông bà đang ở nhờ - PV), còn đứa út thì lấy chồng ở làng Đồng Lư này thôi”, bà lão nhẩm đếm. 3 đứa con gái của cụ theo lời kể của bà lão tội nghiệp thì kinh tế đều khá giả, chỉ có cô út lấy chồng ở làng thì nghèo “rớt mồng tơi”. 
Chẳng biết giàu sang cỡ nào nhưng mấy đứa con gái hàng năm không ngó ngàng tới bố mẹ, năm thì mười họa mới mua cho ông bà mấy viên thuốc, Tết nhất may ra cho được túi kẹo cái bánh. Riêng cô con út cùng làng thương cha mẹ già thì thỉnh thoảng ghé qua nhưng nghèo quá, nuôi còn chưa nổi nói gì lo cho cha mẹ già. 
Trở lại câu chuyện những người con trai. “Sòng phẳng” mà nói thì lúc ra nhà chùa ở, hai cụ vẫn chưa đến nỗi không còn “miếng đất cắm dùi” vì vẫn còn một sào ruộng để cấy lúa sinh nhai. Thế nhưng tài sản cuối cùng này cũng bị đứa con trai cả tranh cướp. Đã mấy lần cô út đi giúp bố mẹ già làm ruộng thì bị vợ chồng anh cả vác cuốc đuổi đánh, không cho làm hộ vì “đó là ruộng của tao, mày đừng có động vào”. 
Chưa hết, mấy năm trước hai cụ đến tuổi thượng thọ nên được hưởng chính sách của Nhà nước, theo quy định thì phải có sổ hộ khẩu, chính quyền mới có thể làm giấy tờ chúc mừng, làm chế độ. Vẫn đứng tên trong hộ khẩu gia đình con trai cả, ông bà lủi thủi về van vỉ con cho mượn cái sổ hộ khẩu để làm giấy tờ cũng bị đứa con từ chối thẳng thừng. 
Khi người cha về van vỉ: “Con cho bố mượn sổ hộ khẩu một lát, bố chỉ mang đi photocopy rồi trả ngay” thì đứa con nại ra lý do “Sổ đang ở nhà trưởng thôn”. Lóc cóc tìm đến nhà trưởng thôn thì được biết rằng con đã lừa mình, ông lão lại lộn trở lại nhịn nhục xin mượn lần nữa thì con trai – con dâu đùn đẩy nhau. Uất ức, người cha gạt nước mắt lủi thủi quay đi và thề “không bao giờ bước chân đến đây nữa”. 
Cũng có những lúc ông bà lão 80 này được những đứa con “đối xử tử tế” một cách bất thường. Đó là những lúc chúng cần các cụ làm “con ở”. Thằng con trai thứ ba của họ là một ví dụ, khi vợ sinh nở thì người này tới đón vợ chồng cụ vào. Đã “cảnh giác” sau nhiều lần bị lợi dụng nên cụ ông không đi vì nghĩ “nó chỉ đạo đức giả”, riêng cụ bà thương con thương cháu nên theo vào chăm sóc, giặt giũ, làm lụng “phục vụ” gia đình con. 
Lời ông cụ đã đúng khi đứa cháu đã cứng cáp, vợ chồng đứa con lại đuổi bà đi: “Bà đi làm lấy mà ăn, không được ở đây nữa”. Gần 10 năm nay thấy ông bà lão chui rúc trong căn lều rách, nhiều người hàng xóm khuyên: “Hai cụ đi ở nhờ đình chùa làm gì cho khổ, về làm một túp lều ở góc vườn nhà thằng con mà ở”. Phong phanh nghe thấy, đứa con ngang ngược nói bóng gió: “Về tao không cho làm, tao “băm” chết”
Với những “kinh nghiệm xương máu” từ những đứa con, bà cụ thành thật: “Chẳng biết rồi khi chúng tôi chết chúng có để ý đến bố mẹ không, hay lại phải nhờ cậy đến chính quyền, đến dân trong làng”. Những đứa con trai chưa từng một lần đến xem túp lều nơi cha mẹ trú thân, chưa từng một lần ngó ngàng để ý bố mẹ còn sống hay chết. 
Táng tận lương tâm hơn, chúng còn cấm tiệt các con không được chào hỏi, không được ra chơi với ông bà. Những đứa con dâu “rách giời rơi xuống” thì đã đành, nhưng những đứa cháu có lẽ đã được bố mẹ “huấn luyện” nên có gặp ông bà hay cô út ngoài đường chúng cũng “bơ” đi như người dưng nước lã. 
Chúng tôi hỏi tại sao hai cụ không nhờ chính quyền địa phương can thiệp sự việc, ít nhất nếu con cái không nuôi cha mẹ thì cũng phải trả các cụ mảnh ruộng cho các cụ kiếm gạo chứ? Cụ bà nghẹn ngào: “Chính quyền cũng không làm gì được mấy thằng con tôi. Ở đây chúng nó chửi nhau hết với họ hàng rồi đến hàng xóm, sống một mình mà không chơi với ai cả”. 
Chị út khi đó vừa đến thăm mẹ cũng gục đầu nức nở: “Trước kia khi anh tôi kề dao vào cổ bố dọa chém, chính quyền và dân quân có đến bắt anh ta viết giấy cam đoan không được hành hung bố mẹ nữa nhưng chỉ hôm trước hôm sau lại đâu vào đấy. Tôi thì cũng đau lòng lắm nhưng “lực bất tòng tâm” các anh chị ạ, muốn nuôi bố mẹ mà sức không nổi vì nghèo, lại lấy chồng nên phải lo nhà chồng”. 
Sống khổ hơn chết 
Góc nhà nơi ông bà lão “trời đày” này trú ngụ rộng khoảng dăm m2, chiếc giường xin được ở đâu nên hai chân còn, hai chân phải lấy gạch kê lên. Người già đã khó ngủ, đêm mùa đông càng khó ngủ hơn khi gió cứ len lỏi qua cửa sổ thốc vào nhà dù hai cụ đã cẩn thận nhét đầy ni lông, giẻ rách vào các khe hở. “Nghĩ cực lắm, chúng tôi có làm gì nên tội đâu mà lại bị đày đọa thế này. 
Nhưng vợ chồng tôi cũng kiên gan lắm đấy, nhiều khi cũng muốn phát điên hay cắn lưỡi mà chết, nhưng bây giờ mà chết thì chính quyền với làng xóm lại khổ nên sống được ngày nào cứ cố sống. Đêm nào cũng nước mắt chảy xuôi, cụ Chén nói. 
Đọc đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc ông bà lão sinh sống bằng gì. Bà cụ cho biết ngoài việc ông lão ngày ngày đi mò cua bắt ốc, người trong làng còn mỗi người giúp một chút, hôm thì cho lon gạo, hôm thì cho ít muối, mà người già ăn ít, chẳng có nhu cầu mua sắm gì nên ông bà vẫn cầm cự được. “Năm nay là cái Tết thứ tám vợ chồng tôi ở đây rồi, Tết nhất chẳng có gì, cứ nhìn nhà người ta con cái sum vầy thì mình lại khóc. Mình có đến bảy đứa con, hàng chục đứa cháu mà lại khốn khổ khốn nạn nhất cái làng này”, cụ Chén khóc. 
Rồi cụ bà ngóng ra ngoài xem cụ ông đã về đi mò cua bắt ốc về chưa, chép miệng thương chồng: “Khổ thân ông ấy, tôi thì ốm đau nên mọi việc đều phải ông ấy làm. Sáng nay tôi bảo trời vẫn rét lắm, đừng đi ra đồng lặn lội nữa mà ông ấy vẫn gạt đi, bảo là Tết đến nơi rồi phải kiếm mớ ốc con tép bán kiếm tiền mua nén nhang cúng tổ tiên. Trời rét thế này tôm tép cũng trốn sạch, có khi mình còn chết rét ấy chứ”. 
Cụ bà kể lại cụ ông ngày may mắn thì cũng kiếm được vài con ốc bán lấy dăm ngàn, có ngày đi từ sáng đến tối mới về mà tay không vì “tay đưa thìa cháo lên miệng còn run, mắt kèm nhèm thì làm sao bắt được tôm tép. Có ngày bắt được nửa giỏ ốc về nhưng đổ ra tôi mới thấy quá nửa toàn là… vỏ ốc". Những ngày không có gì ăn hay gần hết cái ăn, hai cụ phải nấu cháo húp dằn lòng, hoặc cố đi nhặt nhạnh rau dại ăn trừ bữa. Chùa cũng không có nước, hàng ngày cụ ông lọc cọc kéo xe bò từ giếng làng về để dùng sinh hoạt. 
Ấy là mấy hôm trước ông lão vừa đi viện về, vậy mà vừa xuất viện hôm trước hôm sau lại đã lọ mọ ra đồng tìm cái ăn. Nhắc đến chuyện này, bà cụ lại rưng rưng nước mắt nhớ “bạn”. “Bạn” của bà là một con chó gầy giơ xương, tám năm nay lủi thủi quanh quẩn cùng ông bà, lúc ông đi kiếm ăn thì bầu bạn với bà, cho bà vỗ về. 
Vậy nhưng hôm ông lão ốm, nhà làm gì có đồng nào xu nào nên bà chạy nháo nhác khắp làng hết vay rồi xin cũng chỉ được vài chục ngàn. Bà lão đành gọi lái chó đến bán “bạn” mình đi. Bà vỗ về “bạn” trước khi người lái chó thòng dây vào cổ con chó ốm: “Mày thông cảm, hoặc là chồng tao chết, hoặc là mày chết. Thôi “mày” đi thay ông ấy”. Không rõ con chó lẽ cũng hiểu tình cảm của bà lão, hay vì đói quá nên chẳng còn sức ăng ẳng kêu như những con chó khác khi bị bán, chỉ mắt long lanh nước nhìn bà chủ ngoảnh mặt đi. 
Trong cuộc đời này không nỗi buồn nào buồn bằng nỗi buồn con bất hiếu – cha mẹ bị hắt hủi. Ai cũng có mẹ có cha nên chạnh lòng trước thảm cảnh của hai cụ, chúng tôi cũng muốn khóc nhưng phải cố dằn lòng vì khóc không giúp được gì cho hai cuộc đời khổ sở cùng cực này, chỉ mong thông qua mặt báo chuyển tải đến hàng triệu bạn đọc trên cả nước lời khẩn cầu có một sự đóng góp nhỏ giúp đỡ hai cuộc đời này. 
Lẩn thẩn nghĩ lại thấy hai cụ ngày xưa đã nghèo, nay còn nghèo hơn nữa: 60 năm trước khi lấy nhau các cụ còn có mơ ước về những đứa con là “của để dành” và 20 cây tre làm nhà; nay cuối đời các cụ còn gì ngoài sự thất vọng về đạo lý làm người và 6 miếng gỗ mới chỉ đủ làm một chiếc áo quan, lại động chạm đến nỗi áy náy của bà cụ: “Hai người chết chung thì còn chôn một hòm được, nếu không chết cùng nhau thì chẳng lẽ một người lại… bó chiếu?” 
Theo Pháp luật Việt Nam

Friday 27 January 2012

Nhân chuyện ông Nguyễn Văn Mạc - một doanh nhân Việt kiều tại CHLB Đức đạo văn bài tùy bút “Đêm giao thừa nhớ Mẹ” của Trần Mạnh Hảo

Trần Mạnh Hảo (danlambao) - Trên website Đàn Chim Việt (http://danchimviet.info), nhà văn Đỗ Trường (CHLB ĐỨC) và trên website: http://vietinfo.eu đã công bố bài: “Chuyện đạo văn sáng mùng một tết” , “Lại một kiểu ăn cắp trắng trợn”, tố cáo ông Nguyễn Văn Mạc - giám đốc công ty ASIA MARKT thuộc thành phố Magdebug (CHLB ĐỨC), kiêm Tổng thư ký “Hội đồng hương Kinh Bắc tại CHLB Đức” đã đạo gần như nguyên vẹn tùy bút “Đêm giao thừa nhớ mẹ” của chúng tôi (TMH) làm văn của mình đưới đầu đề mới: “Đêm giao thừa và mẹ”. Ông Nguyễn Văn Mạc đã cho phổ biến bài đạo văn này trên các website: http://thoibao.de, http://tuanbao.de, http://tapchihuongviet.eu ...
Tùy bút “ Đêm giao thừa nhớ mẹ” của chúng tôi đã được in trên nhiều báo giấy trong nước từ dịp tết các năm trước. Năm nay chúng tôi đã gửi in bài này trên các báo mạng, không thể nói là chúng tôi đạo văn của ông Nguyễn Văn Mạc được và cần phải hiểu ngược lại. Xin quý vị đọc bài đạo văn của ông Nguyễn Văn Mạc:
Đêm giao thừa và mẹ - Nguyễn Văn Mạc
Cập nhật lúc 25-01-2012 01:13:40 (GMT+1)

Đêm giao thừa thương Mẹ! để ngày tết còn niềm nương tựa và an ủi lớn nhất trong đời. 

Mẹ ngồi đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu. Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ, vẫn còn nằm trong tã lót của tình mẹ thuở lọt lòng. Và đêm giao thừa, trước ngọn lửa, mẹ đồng nghĩa với tuổi thơ tôi. Ôi! những ngày thơ bé, những tết nghèo thơm nức ổ rơm, chiều ba mươi tết tôi được ngồi bên mẹ, cùng mấy đứa em xem mẹ làm bếp, ngồi chờ ăn tóp mỡ. Ngoài trời, mưa bụi bay như sương, thi thoảng gió xuân mang hơi lạnh mùa đông còn sót lại sột soạt ngoài đầu hè, tiếng lá chuối khô cọ vào nhau nghe như tiếng đồng tiếng sắt. Tôi mê những ngày tết có rét, có mưa bụi bay, có hoa cải vàng ngoài vườn và bướm trắng dẫn đường con trẻ con chạy. 

Có khi sáng ba mươi tết mẹ còn ra đồng cấy nốt đám ruộng xa để cho cây lúa cũng được ăn tết như người. Ngày ấy bố tôi là bộ đội ngoài mặt trận xa nhà. Tôi dẫn những đứa em, cuốn áo bông vào rụt rịt như những khúc giò vừa bó, thập thò như cua cáy ngoài ngõ chờ mẹ về chuẩn bị tết nhất. Tôi chạy ra bờ sông Đồng khởi đầu làng, sông trốn vào sương mà lưng lửng nước. Tôi chạy ra đồng, gió bấc tưởng tôi là lá khô, cứ thổi như thằng bé chín tuổi không còn trọng lượng. Tôi sợ, chạy về nhà, úp mặt vào ổ rơm mà gọi mẹ. Tiếng lợn bị chọc tiết hú như còi đâu đó trong làng làm mấy anh em càng sốt ruột. Mẹ vẫn còn khuất sau màn mưa phùn gió rét ngoài đồng, cấy vội đám lúa kịp mùa xuân. Thế rồi trưa ba mươi tết mẹ từ ngoài đồng về, vừa đi vừa chạy như gió bấc, môi tím ngắt, rét run cầm cập, chưa kịp rửa đôi chân lấm bùn đã chạy vội sang hàng xóm chia phần thịt lợn. Tôi chạy ra vườn lôi thanh củi ướt vào cho mẹ nhóm bếp. Bếp lửa là tâm điểm của ngày tết. Khói cuốn lấy mấy mẹ con như dây buộc. Lửa ấm làm mặt mẹ hồng hào rạng rỡ. Bếp lửa và niềm vui con cái trả lại tuổi trẻ cho mẹ. 
Ngoài vườn, trước bờ ao, hoa đào đang tự sưởi ấm mình bằng những chấm hoa vừa hé đỏ như than hồng. Bướm ong rét quá tìm đến đốm lửa hoa mà sưởi. Tôi ngồi bên mẹ canh nồi bánh chưng mà vơ vẩn thương gió bấc không có mẹ nên phải tha phương cầu thực đầu đường xó chợ. Tự nhiên ngủ gật, tôi mơ thấy mẹ bị gió bấc cuốn mất, hoảng hốt tỉnh dậy, dùng hai tay trẻ con ôm chặt lấy mẹ như hai sợi lạt buộc ghì bó lúa. Mẹ vẫn ngồi đó, lửa ấm làm má người đỏ hồng thì con gái, tóc buông phủ bờ vai như một miếng bóng đêm vừa đặc lại đen nhánh. Tôi rúc đầu vào nách mẹ như chú gà con, làm mẹ bị nhột bật cười. Các em tôi lăn ra ổ rơm bên cạnh ngủ như lợn con. Thỉnh thoảng, gió rét đập cửa như có ý xin vào sưởi ấm. 

Mẹ tôi mười bảy tuổi đã phải về làm dâu với muôn vàn cơ cực nhiều tục lệ phong kiến nho giáo của miền quê Lương Tài, Bắc Ninh. Mẹ bị mọi người sai khiến còn hơn con ở. Mỗi lần cực quá, mẹ chạy ra vườn, núp vào khóm chuối khóc thút thít, tự lấy nước mắt mình an ủi mình. Mẹ bảo vì khi có mang tôi, mẹ hay khóc, sợ con sau buồn nên lúc tủi thân, lúc đau khổ cứ phải tự mình đóng kịch, đóng vai người suốt ngày chỉ biết tươi như hoa, giả lả cười, giả lả nói, giả lả vui. mẹ cứ tưởng đời mình chưa hề buồn khổ, chưa hề bị hành hạ. Đến nỗi khi bụng mẹ chửa kềnh càng, còn bị mẹ chồng nọc ra sân dùng roi đánh, đau quắn mông nhưng vẫn phải lễ phép xin lỗi và cám ơn mẹ chồng vì mình được ăn roi. Rằng con xin ăn thêm năm đến mười roi nữa mới xứng tội ạ…Đời con gái mẹ qua đi với những trận đòn, với những lần chửa đẻ chẳng hề biết thế nào là hạnh phúc. 

Có những đêm khuya cả nhà ngủ cả, đoạn mẹ ôm lấy mấy đứa con còn bé dại hỏi: chúng mày có nhớ Bố thương mẹ không? Lũ lợn con chúng tôi cùng hét to: chúng con nhớ Bố thương Mẹ lắm ạ… mẹ sung sướng hôn chúng tôi rồi cười ứa nước mắt. Cả lũ tí teo thấy mẹ khóc, sợ quá cùng khóc theo. 

Tôi thấy mẹ khác nào mưa gió, suốt ngày cong như con tôm trên đồng cầy cấy, mò cá, vạt tép, bắt cua, mót lúa…Tối về lại xay thóc, giã gạo, có khi không dầu đèn, mẹ vừa đốt thanh củi nhặt thóc trong rá gạo vừa ru đứa em năm tháng tuổi ngủ. Tiếng mẹ ru buồn cả đêm mưa, buồn lây cả tiếng tàu chuối khuya ngoài vườn. Những đêm quê hương xưa nỗi buồn không ngủ. Nỗi buồn đi ngoài đường như mộng du. Nỗi buồn len lén như sương ngoài ngõ. Nỗi buồn trong trời đất sâu xa như lặn vào hết tâm hồn tôi qua lời ru của mẹ, qua tiếng thở dài của đêm tối ngoài vườn chuối mẹ thường ra núp thở than. 

Tôi lớn lên, đi học. Một gánh mồng tơi bầm tím vai mẹ ra chợ chưa đổi được thếp giấy. Tôi đòi cây bút máy. Mẹ phải đi mò cá hàng chục đêm tôi mới có cây bút máy Hồng Hà. Rồi tôi đi lính. Nửa đêm về sáng tiễn tôi ra bến xe lên đường đi ra trận, mẹ cố không khóc. Nhưng ra đầu ngõ, mẹ không bước được nữa. Mẹ ngã gục vào gốc cây bàng, ngoài kia tiếng súng nổ chát chúa đâu đó gần lắm.Tôi ngoái đầu nhìn thấy mẹ ôm chặt gốc bàng như thể muốn tôi thành một gốc cây đầu ngõ vậy. Tôi gạt nước mắt ra đi mà lòng luôn ở bên Mẹ. Tôi không dám đôn mẹ mình lên thành quê hương, thành đất nước. Mẹ chỉ là mẹ tôi thôi, như khoai lúa người cho tôi ăn, như nguồn sữa vật chất và tinh thần người nuôi tôi mãi mãi... 

Mẹ từng dạy con phải nén và giấu nỗi buồn riêng vào tâm hồn, để khoe niềm vui ra cho mọi người cùng hưởng như hoa đào ngày tết. Thế mà con lại giãi bày nỗi buồn xa quê nhớ mẹ núc phút đón giao thừa. Âu cũng là một cách giúp cho những ai còn có Mẹ trên đời biết rằng, Mẹ chính là mùa xuân, là ngày tết của tâm hồn chúng ta vậy. 

Mẹ ơi! Mẹ hiền Việt Nam ơi! mùa xuân nào con được trở về bên Mẹ... 

Nguyễn Văn Mạc Magdeburg, CHLB Đức 

Mobil:+ 49/ 01623346421 

*
Qúy vị hãy vào http://google.com tìm bài viết của chúng tôi với tiêu đề “Đêm giao thừa nhớ mẹ, tùy bút của Trần Mạnh Hảo” để tiện bề so sánh với bài đạo văn của ông Nguyễn Văn Mạc. Ngày 13-02-2010, tức trong dịp tết năm Mão (năm ngoái) tùy bút “ Đêm giao thừa nhớ mẹ” của chúng tôi đã được in trên mạng Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập:
Chuyện đạo văn (ăn cắp văn thơ của người khác làm văn thơ của mình) hiện nay đã thành quốc nạn, không còn là vấn đề cá biệt. Chúng tôi (TMH) trong suốt 30 năm qua, đã viết hàng chục bài chỉ ra sự đạo văn của các giáo sư, các vị tiến sĩ. Có những vị GS.TS. thó luôn công trình của người khác, hoặc thó từng mảnh của những người khác để làm luận án tiến sĩ hoặc để biến thành sách của mình. Có khá nhiều vị giáo sư đầu ngành văn học dịch bài của tác giả ngoại quốc rồi ký tên mình là tác giả. Ngay cả khi viết sách giáo khoa văn trung học, có vị giáo sư đầu ngành nọ cũng thó văn của người khác làm văn của mình.
Một xã hội mà sự ăn cắp (tham nhũng) trở thành đại quốc nạn, lấy cắp, làm thất thoát công qũy hàng nghìn tỷ đồng vẫn không bị ra tòa, vẫn cứ lên chức vù vù…thì xã hội ấy, quồc gia ấy, thể chế ấy là một xã hội suy đồi, một đất nước suy vong, một dân tộc thất đức, một thể chế đang trên đường tự sát.
Đến nỗi, ông phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phải thốt lên trên báo rằng nền giáo dục mà ông phụ trách là một nền giáo dục thiếu trung thực. Vâng, một nền giáo dục dối trá, thầy dối trá thầy, trò dối trá trò, người người nói dối, nhà nhà nói dối, ngành ngành nói dối, thi đua nói dối, nói dối có thưởng, nói dối được lên lương lên chức thì quốc gia này sẽ là một quốc gia yếu kém, hèn hạ, dễ làm mồi cho ngoại bang nuốt sống.
Cổ nhân dạy: thượng bất chính hạ tắc loạn. Trên chóp bu ngôi nhà mà dột nát thì phải phá đi làm lại, càng sửa càng dột, càng sửa càng mau sụp đổ mà thôi. Than ôi, trên đã lấy nói dối làm nền tảng thì dưới ai dám cả gan nói thật là phạm pháp, là bị tù đầy, đàn áp.
Mới thấy câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” của nhà thơ Thanh Tịnh; nay đã thấy câu nói này được các “ phương diện quốc gia” bảo là của cụ thượng, đành rụt lưỡi lại mà không dám thò ra đính chính. Mới thấy các câu cách ngôn của Nho giáo trong “Đại học”, “Trung dung”, “Mạnh tử”… chợt thấy các “ phương diện quốc gia” bảo những lời thánh hiền dạy trên là của cụ thượng, đành ngậm tăm mà xu thời kiếm lợi,hơn là đính chính, sẽ phải ra tòa vì dám gọi sự vật bằng tên của nó.
Chưa bao giờ, nạn ăn cắp của công, quốc nạn tham nhũng, quốc nạn đạo văn lại trở thành nhãn mác Việt Nam của cả hệ thống xã hội đang tha hóa tới tột cùng. Người ta hầu như không còn khả năng xấu hổ khi ăn cắp, kể cả ăn cắp thơ văn như ông doanh nhân Việt kiều yêu nước Nguyễn Văn Mạc đang sinh sống tại CHLB Đức. Mới đây thôi, chuyện một ông chủ tịch hội nhà văn từng đạo văn, ăn cắp thơ của một nữ thi sĩ Đức làm thơ của mình đã om sòm trên mạng; nhưng ông quan chức nhà thơ kia tuyệt nhiên không hề xin lỗi, cứ ngậm miệng ăn tiền với bài thơ đạo văn của mình được dạy trong sách giáo khoa. Mới đây thôi, một phóng viên, phát thanh viên đài truyền hình quốc gia thăm một nước Bắc Âu, cả gan vào siêu thị ăn cắp bị bắt…Nhờ cô ta là con một quan chức cao cấp nên sứ quán Việt Nam phải chạy chọt nước sở tại cho êm chuyện. Nay cô nhà báo mắc tội ăn cắp bị báo mạng biêu riếu bỗng trở thành người trưởng ban văn hóa, chuyên rao giảng văn hóa trên đài truyền hình, thì khái niệm văn hóa, khái niệm lương thiện xấu hổ quá mà trốn mất thôi! Làm gì có văn hóa trong cái quốc nạn ăn cắp?
Có lẽ hình ảnh này đã nói lên bản chất của một xã hội dối trá hiện thời, phi đạo đức tới tận cùng: một người chở bọc tiền đi trên đường phố Hà Nội bị kẻ cướp tấn công, tiền rơi ra đầy phố, lại bị nạn cướp nhân dân lao tới cướp tiền rơi vãi: hàng chục người đang lưu thông dừng xe, chen nhau cướp giật tiền của nạn nhân vừa bị cướp cạn. Có phải vì dân ta càng học tập đạo đức… càng mất đạo đức chăng?
Sài Gòn sáng mùng bốn tết Nhâm Thìn 25-02-2012

Tuesday 24 January 2012

Luận giải Kinh Chánh Tri Kiến



Mục lục

Lời nói đầu
Những chữ viết tắt

[01]
Phần I. Duyên khởi.

[02]
Phần II. Mười sáu tiêu đề.Tiêu đề 1. Trí biết rõ bất thiện và gốc rễ của bất thiện; Trí biết rõ thiện và gốc rễ của thiện.

[03]
Tiêu đề 2. Trí biết rõ về bốn loại vật thực.
Tiêu đề 3. Trí hiểu rõ Tứ đế.
Tiêu đề 4. Trí hiểu rõ về già - chết.
Tiêu đề 5- Trí hiểu rõ về sanh (jāti).
Tiêu đề 6 -Trí biết rõ về hữu (bhava).

[04]
Tiêu đề 7- Trí hiểu rõ về thủ (upādāna).
Tiêu đề 8- Trí hiểu rõ về ái.
Tiêu đề 9- Trí hiểu rõ về thọ.

[05]
Tiêu đề 10- Trí hiểu rõ về xúc.
Tiêu đề 11- Trí hiểu rõ về sáu xứ (saḷāyatana).
Tiêu đề 12- Trí hiểu rõ về danh sắc (nāmarūpa).
Tiêu đề 13- Trí hiểu rõ về thức (viññāṇa).
Tiêu đề 14- Trí hiểu rõ về hành (saṅkhāra).

[06]
Tiêu đề 15- Trí hiểu rõ về vô minh (avijjā).
Tiêu đề 16- Trí hiểu rõ về pháp ngâm tẩm (āsava).
Tài liệu tham khảo.

-ooOoo-
LỜI NÓI ĐẦU
Trong một lễ hội tại Thiền Viện Phước Sơn, cô Tu nữ Diệu Từ có thỉnh cầu tôi viết "Luận Giải Kinh Chánh Tri Kiến".
Trùng hợp thay, sư huynh Thiện Phúc vừa Việt dịch xong bản Sớ giải kinh Chánh Tri kiến từ Thái ngữ. Sư huynh trao bản Sớ giải cho tôi với mỹ ý "tùy nghi sử dụng", tôi có gởi bản Sớ giải này đến anh Bình An Sơn, để đăng vào trang web của anh ( http://www.budsas.org ).
Đó là nhân duyên ban đầu của soạn phẩm này.

Nhận thấy bản Sớ giải kinh Chánh Tri kiến do sư huynh Thiện Phúc Việt dịch rất súc tích nhưng cô đọng. Chúng tôi nương bản Siêu Lý cao học do Đức Tịnh Sự soạn dịch cùng bản Giáo Lý Duyên Khởi của Đức SaddhammaJotika Mahāthera, được Đại Đức Giác Nguyên Việt dịch.
Từ nền tảng này, chúng tôi tiến hành soạn phẩm "Luận Giải Kinh Chánh Tri kiến".
Trong quá trình soạn lập, chúng tôi nương vào Tạng Kinh được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Pāli ngữ sang Việt ngữ, nương vào Tạng Luật do Đại Đức Nguyệt Thiên, Đại Đức Giác Giới dịch, cùng những Sớ giải do chư huynh đệ dịch thuật nơi này, nơi nọ từ lâu, cùng một số tư liệu Phật học do các bậc cao giả dịch thuật.
Như vậy, soạn phẩm này là công trình tập thể, tôi chỉ đóng góp chút ít công sức "sưu tập và hệ thống lại", giúp đọc giả dễ nắm bắt ý chính của vấn đề đang luận bàn.
Kinh Chánh Tri Kiến là một trong những bài kinh quan trọng, được ghi vào Trung bộ.
Đức Sāriputta (XáLợiPhất) có nêu ra 16 tiêu đề để giảng dạy cho chư Tỳkhưu.
Trong 16 tiêu đề, có 12 tiêu đề giảng về Lý Duyên Sinh.

Có bốn cách giảng về Lý Duyên Sinh:

- Thuyết thuận: Là thuyết từ Vô minh đến Lão, Tử.
- Thuyết nghịch: Là thuyết từ Lão, Tử ngược đến Vô minh.
- Thuyết thuận ở giữa: Là thuyết từ Ái đến Lão, Tử.
- Thuyết nghịch ở giữa: Là thuyết từ Thọ đến Vô minh.

Thuyết thuận là đi từ nhân đến quả, thuyết nghịch là đi từ quả để truy tìm nhân.
Đức XáLợiPhất chọn phương án thuyết nghịch.

Trong 16 tiêu đề Kinh Chánh Tri Kiến.
- Tiêu đề thứ ba: Trí hiểu rõ về Tứ đế, phần này đã được Đức Piyadassī giải thích rõ qua tác phẩm "Pūrāṇa maggaṃ - Con đường cổ xưa".
- Tiêu đề thứ 16: Trí hiểu rõ về các lậu hoặc", Đức Buddha Rakkhita đã giải thích rõ qua tác phẩm "Mind- overcoming its cankers - Đoạn trừ lậu hoặc" , đó là bản luận giải bài kinh "Sabbāsava suttaṃ - Tất cả lậu hoặc", bài kinh số 2 trong Trung bộ I.

Hai tác phẩm trên đã được Đại Đức Pháp Thông Việt dịch từ Anh ngữ, do đó hai tiêu đề này chúng tôi xin phép độc giả được thông qua.
Trong soạn phẩm này, những danh từ Pāli được phiên âm, chúng tôi viết sát vào nhau, như Sāriputta âm là XáLợiPhất, Moggallāna âm là MụcKiềnLiên, Pasenadi âm là Batưnặc… để độc giả mới học Phật, phân biệt được từ nào là âm, từ nào là dịch.

Một điều giảm thú vị đối với những sinh - học viên Luận Atỳđàm là: "Chúng tôi không thể đề cập đến Duyên hệ đối với Lý Duyên Sinh, Duyên hệ bao gồm 24 duyên rất bác học chi li.
Trong khuôn khổ soạn phẩm này, nếu nêu ra mà không giải trình, e chư độc giả chưa tìm hiểu Luận Atỳđàm sẽ rối trí, còn nếu giải trình chi tiết thì không thuộc phạm vi của soạn phẩm. Âu cũng đành "lực bất tòng tâm", biết phải làm sao hơn, mong các bậc Trí minh mĩm cười độ lượng.

Tuy cố gắng sưu tập những bản Sớ giải có liên hệ đến 14 tiêu đề (trừ hai tiêu đề thứ 3 và thứ 16), nhưng chưa hẳn đầy đủ. Nếu trong soạn phẩm có đôi chỗ lý - nghĩa pháp không được rõ ràng minh bạch, hoặc còn sơ sót hoặc không chuẩn, đó là do khả năng hạn chế, trí năng hạn hẹp của tôi, mong các bậc Trí minh vui lòng chỉ điểm thêm để soạn phẩm được hoàn chỉnh.
Chúng tôi mong rằng soạn phẩm này, giúp ích phần nào trong tiến trình học Phật và hành pháp của chư phật tử, giúp ích phần nào cho những ai muốn tìm hiểu Giáo pháp căn bản của Đức Thế Tôn, cho những ai đang hành pháp của Đấng Như Lai chỉ dạy, để thoát ra khỏi sinh tử lộ.

Chúng tôi cũng không quên ghi nhận công hạnh của Phật tử Như Huệ, đã trợ giúp chúng tôi trong phần dịch thuật những ý nghĩa của từ ngữ Pāli qua quyển Pāli – English Dictionary.
Lành thay Giáo pháp cao minh
Lành thay hành pháp vượt dòng tử sinh.
Mong thay.
Tỳkhưu Chánh Minh cẩn bạch.
-ooOoo-
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
Theo mẫu tự Pāli

A. Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi bộ).
It. Itivuttaka ( kinh Phật thuyết như vậy).
Ud. Udāna (kinh Phật Tự thuyết).
Thera. Theragathā (Trưởng lão tăng kệ).
Therī. Therīgāthā (Trưởng lão ni kệ).
Dhp. Dhammapāda (kinh Pháp cú).
Dhs. Dhammasaṅgini (Pháp tụ).
DhpA. Dhammapāda – atthakathā (Chú giải kinh Pháp cú).
D. Dīgha Nikāya (Kinh Trường bộ).
DA. Dīgha Nikāya – atthakathā (Chú giải Trường bộ kinh).
Ps. Paṭisambhidāmagga (Vô ngại giải đạo).
Miln. Milindapañhā (Mi Tiên vấn đáp).
Vin. Vinaya Pitaka (Luật tạng).
Vsm. Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo).
Sn. Sutta nipāta (kinh Tập).
S. Saṃyutta Nikāya (Kinh Tương ưng bộ).
M. Majjhima Nikāya (Kinh Trung bộ).
Ja. Jākata – atthakathā (Chú giải kinh Bổn sanh).

-ooOoo-
Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06
http://www.budsas.org/uni/u-chanhminh/ctk00.htm 
_________________________________________________________

Phần I.
Duyên khởi
Chánh kinh:
“Như vầy tôi nghe. Một thời Đức Thế Tôn ở Sāvatthī (Xávệ), tại Jetavana (rừng Jeta), của ông Anāthapiṇḍika (Cấp cô độc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta (Xálợiphất) gọi các Tỳkhưu: “Này các Tỳkhưu”.
“Thưa Hiền giả”, các vị Tỳkhưu ấy vâng đáp Tôn giả Sāriputta.
Tôn giả Sāriputta nói như sau: “Chư Hiền, chánh tri kiến (sammādiṭṭhi), chánh tri kiến, được gọi là như vậy. Chư Hiền, phải như thế nào, một Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực (ujugatā’ssa diṭṭhi), có lòng tin pháp tuyệt đối (dhamme aveccappasādena), và thành tựu Diệu pháp này (āgato imaṃ saddhamman-ti)? ” [1].

Giải.
Đây là một trong những bài kinh quan trọng được ghi chép trong Trung bộ kinh.
Người thuyết giảng là vị đệ nhất Thượng thủ thinh văn: Sāriputta (Xálợiphất), địa điểm thuyết giảng là Jetavana (rừng Jeta), khu rừng nhỏ này có tên là Jeta vì đó là tài sản riêng của ông Hoàng Jeta (Kỳđà).
Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp cô độc) mua lại khu rừng này, bằng cách trải vàng trên mặt đất, với ý định kiến tạo một ngôi đại tự cúng dường đến chư Tăng có Đức Phật là tọa chủ, và ông đã thành tựu được ý nguyện. Ngôi đại tự này có tên là Jetavanavihāra.[2]

 Có năm cách hỏi:
- Hỏi để biết điều chưa biết (adiṭṭhajotanā pucchā).
- Hỏi để hiểu thêm điều đã biết (diṭṭhasaṃsandanā pucchā).
- Hỏi để dứt bỏ hoài nghi (vimaticchedanā pucchā).
- Hỏi để người trả lời xác nhận ý kiến của mình (anumati pucchā).
- Hỏi với ý nghĩ: “Nếu người được hỏi không biết, mình sẽ trả lời” (kathetukamyatā pucchā) .[3]
Đức Sāriputta hỏi chư Tỳkhưu từ xa đến, theo cách hỏi thứ năm.
Trong câu hỏi được Đức Sāriputta (Xálợiphất) nêu lên, có bốn tiêu đề: Chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp.

A-          Chánh tri kiến (sammādiṭṭhi).
Sammādiṭṭhi theo nghĩa của từ ngữ là “thấy đúng”, theo nghĩa mở rộng là “hiểu đúng”, nên sammādiṭṭhi được dịch là chánh tri kiến.
Nên lưu ý, chữ diṭṭhi khi đứng đơn độc thường hiểu là tà kiến (micchādiṭṭhi), nếu chỉ cho trí thì trước chữ diṭṭhi là chữ sammā (chánh).
Bản sớ giải kinh Chánh tri kiến [4] có giải thích chánh kiến là:
- Gọi là chánh tri kiến vì “hiểu đúng, thấy đúng.
- Gọi là chánh tri kiến vì là “cái biết, cái thấy cao quý.
Khi thành tựu được chánh kiến thì “diệt trừ được tà kiến”, “diệt trừ được vô minh”, trở thành bậc Thánh.

1- Chánh kiến là “hiểu đúng, thấy đúng”.

Vì sao phải “hiểu đúng, thấy đúng”?.
Vì rằng: Có khi “thấy đúng mà không hiểu”, có khi “hiểu đúng mà không thấy”.

a- Thấy đúng mà không hiểu.
Như Trưởng giả Subha Todeyya có bạch hỏi Đức Phật:
“Dissanti hi, bho Gotama, manussā appāyukā, dissanti dīghāyukā; dissanti bavhābādhā, dissanti dubbaṇṇā; dissanti appesakkhā, dissanti mahesakkhā; dissanti appabhogā, dissanti mahābhogā; dissanti nicākulinā, dissanti uccākulinā; dissanti duppaññā, dissanti paññavanto.
Ko nu kho, bho Gotama, hetu ko paccayo yena manussānaṃ yeva sataṃ manussabhūtānaṃ dissati hīnappaṇītatā ‘ti?
“Thưa Tôn giả Gotama, chúng ta thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; chúng ta thấy có người nhiều bịnh, có người ít bịnh; có người xấu sắc, có người đẹp sắc; có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn; có người trí tuệ yếu kém, có người đầy đủ trí tuệ.
Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài người với nhau, khi chúng là loài người, lại có người hạ liệt, có người ưu thắng? [5].

Lời bạch hỏi trên, minh chứng cho “thấy đúng nhưng không hiểu”. Điều này chưa hẵn là có lỗi, chỉ có lỗi khi hiểu sai.
Trong kinh Đại nghiệp phân biệt [6], Đức Phật có tuyên bố về “sự thấy đúng, nhưng hiểu sai” của các Samôn, Bàlamôn có thiên nhãn như sau:

- Có hạng Samôn, Bàlamôn có thiên nhãn thấy: “Người tạo ác nghiệp khi mệnh chung sanh vào khổ cảnh, người tạo thiện nghiệp khi mệnh chung sanh về nhàn cảnh”.
Vị ấy đi đến kết luận: “Chắc chắn quả báo của thiện nghiệp và ác nghiệp. Đức Phật chấp nhận. Đây là thấy đúng hiểu đúng (là chánh kiến – Ns).

Nhưng nếu vị ấy cho rằng: “Người tạo thiện nghiệp, sau khi mệnh chung chắc chắn sinh về nhàn cảnh, người tạo ác nghiệp, sau khi mệnh chung chắc chắn sinh vào khổ cảnh”. Đức Phật không chấp nhận và Ngài cho đó là “trí thuộc tà kiến”(sđd)[7]. Tức là thấy đúng hiểu sai.

- Có hạng Samôn, Bàlamôn có thiên nhãn thấy: “Người tạo ác  nghiệp, sau khi mệnh chung sanh về nhàn cảnh, người tạo thiện nghiệp, sau khi mệnh chung sanh vào khổ cảnh”.
Vị ấy đi đến kết luận: Chắc chắn không có quả báo của thiện hạnh, không có quả báo của ác hạnh. Đức Phật không chấp nhận và Ngài cho đó là “trí thuộc tà kiến”. Đây là thấy đúng hiểu sai”.

Và Đức Phật giải thích:
Một thiện nghiệp đã làm, hay một chánh kiến được nắm giữ, chúng hiện khởi vào lúc lâm chung, sẽ đưa chúng sanh này tái sinh về nhàn cảnh, cho dù trước đó chúng sanh này tạo nhiều ác nghiệp.
Một ác nghiệp đã làm, hay một tà kiến được nắm giữ, chúng hiện khởi vào lúc lâm chung, sẽ đưa chúng sanh này tái sinh về khổ cảnh, cho dù trước đó chúng sinh này tạo nhiều thiện nghiệp.”

b- Hiểu đúng nhưng không thấy.
Như hàng phật tử hiểu rõ lý vô thường, khổ, vô ngã, nhưng hiện tướng vô thường, hiện tướng khổ, hiện tướng vô ngã thì chưa thấy.
Khi người Phật tử thấy “vô thường”, thì cái vô thường ấy đã diệt, thấy “khổ” thì cái tướng khổ ấy đã diệt.
Một số hành giả khi thực hành pháp đã nhầm lẫn “khổ thọ” và “tướng khổ”. Tướng khổ không phải là khổ thọ, Đức Phật dạy:
“Yaṃ panāniccaṃ dukkhaṃ va taṃ sukhaṃ vā’ti?
- Dukkhaṃ, bhante.”
“Cái gì vô thường, cái ấy là khổ hay là lạc?
- Là khổ, bạch Thế Tôn”.
Thọ lạc cũng vô thường, thọ lạc cũng khổ. Rõ ràng tướng khổ khác với thọ lạc, tương tự như vậy “tướng khổ khác với thọ khổ”.
Hoặc tuy hiểu được trạng thái Nípbàn là “tịch lặng”, nhưng chưa thấy được Nípbàn ..v.v.
Trong Sớ giải kinh Pháp cú có câu chuyện tóm lược như sau:

Hai vị Tỳkhưu bạn.
Tương truyền trong thành Sāvatthī (Xávệ), có hai thiện gia nam tử là bạn thân, cùng xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật.
Một vị chuyên về Pháp học và thông suốt pháp học, vị kia chuyên về Pháp hành chứng đạt quả vị Alahán cùng những pháp thần thông.
Có nhóm Tỳkhưu được Đức Phật chỉ dạy thiền định, các vị ấy đến trú xứ vị Pháp hành. Nhờ tinh tấn tu tập dưới sự chỉ dạy của Ngài, tất cả đều thành tựu quả vị Alahán.

Mãn mùa an cư, các vị ấy xin thầy trở về yết kiến Đức Thế Tôn, vị Trưởng lão nói:
- Hãy đi, này chư Hiền, hãy nhân danh tôi đảnh lễ Đức Đạo sư cùng 80 vị Đại đệ tử, hãy cho tôi gởi lời thăm hỏi đến vị Đại đức Pháp sư là bạn của tôi.
Vâng theo lời dạy, chư Thánh tăng ấy đã làm đúng theo lời vị Thánh Alahán (thầy của các Ngài). Khi các Ngài chuyển lời thăm hỏi của vị Pháp hành đến vị Pháp sư, vị ấy hỏi:
- Thưa chư Hiền, thầy của chư Hiền là ai?
- Thưa Ngài, đó là vị Đại Đức bạn cũ của Ngài.
- Chư Hiền có học được tập kinh nào không?
- Thưa Ngài, không.
Vị Pháp sư lần lượt hỏi từ những bài kinh dài, kinh trung bình, những bài kinh ngắn, những vị Tỳkhưu đều trả lời “không biết”.
Vị Pháp sư suy nghĩ: “Ông này không thuộc nỗi bài kệ 4 câu, mà dám dạy người khác hành pháp, để khi gặp lại ta sẽ chất vấn ông vài câu xem sao”.

Thời gian sau vị trưởng lão Pháp hành trở về yết kiến Đức Thế Tôn và tìm đến thăm vị Trưởng lão Pháp sư.
Sau những lời thăm hỏi thân hữu, vị trưởng lão Pháp học toan vấn nạn vị Pháp hành.
Biết được ý của vị Trưởng lão Pháp học, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Nếu vị Tỳkhưu này xúc phạm đến con Như Lai, ông ấy phải rơi vào địa ngục”.
Để tế độ vị Pháp học, Đức Phật như vô tình ngự đến nơi ấy, ngồi lên Pháp tọa được soạn sẵn (chư Tăng thời ấy có lệ: Trước khi luận pháp thường dọn sẵn ngôi Pháp tọa, phòng khi Đức Thế Tôn bất ngờ ngự đến, Đức Thế Tôn sẽ ngồi vào nơi được soạn sẵn).
Khi an tọa rồi, Đức Thế Tôn hỏi vị Trưởng lão Pháp học một câu hỏi về trạng thái Sơ thiền, vị Pháp sư không trả lời được, lần lượt Đức Phật hỏi về trạng thái Nhị thiền cho đến thiền Vô sắc, rồi đến các tầng Thánh Quả, vị Trưởng lão Pháp học đều im lặng.
Tiếp đến, Đức Thế Tôn hỏi vị trưởng lão Pháp hành về trạng thái các tầng thiền cùng Thánh quả. Vị Trưởng lão Pháp hành trả lời thông suốt.

Đức Thế Tôn tán thán vị Trưởng lão Pháp hành, rồi Đức Phật dạy:
-“Bahum pice sahitaṃ bhāsamāno. Na takkaro hoti naro pamatto.
Gopo’va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ. Na bhāgavā sāmaññasssa hoti
“Nếu người nói nhiều kinh. Không hành trì, phóng dật.
Như kẻ chăn bò người. Không phần Samôn hạnh”.[8]
Câu truyện trên cho thấy vị Pháp học tuy hiểu thông Giáo lý, nhưng không thực hành nên không chứng được những pháp thượng nhân, tức là “hiểu đúng nhưng chưa thấy đúng.

Trong Trường bộ kinh, bài kinh Phạm Võng, Đức Phật giảng rộng “những tà kiến sinh lên” là do “thấy đúng nhưng hiểu sai”. Thế là từ đó dẫn đến những chủ thuyết tà kiến [9].
Như vậy được gọi là chánh tri kiến (sammādiṭṭhi) phải gồm đủ hai điều: Hiểu đúng và thấy đúng, trong đó hiểu đúng là chủ yếu, nên chi pháp của chánh kiến là tâm sở trí (ñāṇacetasika).
Hiểu đúng nhưng không thực hành pháp để thấy rõ điều đã hiểu, cũng không có kết quả thù diệu nào đáng kể.
Xét về khía cạnh “giải thoát trong tương lai”, thì hiểu đúng nhưng chưa thấy đúng vẫn tốt hơn so với “thấy đúng mà không hiểu”. Vì sao? Vì trí chủ yếu trong sự giải thoát, “thấy đúng mà không hiểu” là “vắng mặt trí”. “Hiểu đúng mà chưa thấy” là “có trí, nhưng trí chưa có sức mạnh”, khi trí được tu tập thành tựu được sức mạnh sẽ mang đến giải thoát, còn “không có trí” thì hoàn toàn thất bại trong việc “giải thoát khổ”. Đức Phật có dạy: “Đệ tử Như Lai dù có dễ duôi vẫn hơn ngoại đạo tinh tấn.” [10]

Nên ghi nhận sự thấy này, phải là thấy trực tiếp, không phải thấy qua ảnh phản chiếu, ví như người thấy rõ mặt trăng trên hư không, không phải thấy bóng trăng dưới đáy nước.
Sự thấy này ám chỉ “nhận thức của người đang (hay đã) thực hành pháp (là trí do tu tập phát sinh).

Thấy như thế nào, gọi là thấy đúng?
Gọi là thấy đúng là: Thấy sự sinh lên, sự diễn tiến và sự hoại diệt của pháp hữu vi.
Tīṇimāni, bhikkhave, saṅkhatassa saṅkhatalakkhaṇāni. Katamāni tīṇi?
Uppādo paññāyati, vayo paññāyati, ṭhitassa aññathattaṃ paññāyati..…
“Có ba tướng hữu vi này, này các Tỳkhưu cho các pháp hữu vi. Thế nào là ba?
Sinh được trình bày rõ (paññāyati), diệt được trình bày rõ, sự thay đổi khi đang trú (ṭhitassa aññathattaṃ) [11]  được trình bày rõ. [12]

Nói rõ hơn “thấy đúng” là thấy được tam tướng: Vô thường tướng, khổ tướng và vô ngã tướng của các pháp hữu vi. Như Phật ngôn:
“Yo ca vassasataṃ jīve. Apassaṃ udayavyayaṃ
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo. Passato udayavyayaṃ.
“Ai sống cả trăm năm. Không thấy pháp sinh diệt.
Tốt hơn sống một ngày. Thấy được pháp sinh diệt.[13]

Hiểu như thế  nào, gọi là hiểu đúng?
 Sự hiểu đúng này rất đa dạng, có thể tóm gọn vào mấy cách như sau:: 

*- Hiểu rõ về pháp lẫn nghĩa.
Như:
 “Yo dhammaṃ deseti so atthapaṭisaṃvedī ca hoti dhammappaṭisaṃvedī ca:
Ai thuyết pháp cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp” (sđd – A. i, 151).
Sự hiễu rõ pháp là biết rõđây là thiện, đây là bất thiện”, đây là pháp trắng, đây là pháp đen, pháp này có lỗi, pháp này không có lỗi …

*- Hiểu rõ nhân quả.
Như: “Hành sinh lên do duyên vô minh, thức sinh lên do duyên hành….”, hay đau khổ là quả của ác nghiệp, hạnh phúc là quả của thiện nghiệp…
Hiểu nhân quả, là hiểu “các pháp sinh lên do nhân”, nhân ấy không phải là Thượng đế [14], cũng không phải ngẫu nhiên pháp ấy sinh lên (tức là không phải vô nhân sinh). 

Đức Assaji có dạy đạo sĩ Upatissa (sau này là Đức Sāriputta).
“Ye dhammā hetuppabhavā. Ye saṃ hetuṃ Tathāgato…
“Các pháp sinh lên do nhân. Đức Như lai chỉ rõ nhân ấy…[15]

*- Hiểu chúng sinh có nghiệp riêng.
*-Hiểu rõ lý Tứ Diệu đế.

Như:
“Samādhiṃ bhikkhave, bhāvetha. Samāhito, bhikkhave, bhikkhu yathābhūtaṃ pajānāti. Kiñca yathābhūtaṃ pajānāti?
Idaṃ dukkhanti yathābhūtaṃ pajānāti,’ayaṃ dukkhasamudayo’ti yathābhūtaṃ pajānāti,’ayaṃ dukkhanirodho’ti yathābhūtaṃ pajānāti,’ayaṃ dukkhanirodhagāminī  paṭipadā’ti yathābhūtaṃ pajānāti.
 “Này chư Tỳkhưu, hãy tu tập tập định. Này các Tỳkhưu, Tỳkhưu có định, như thật rõ biết (pajānāti). Và như thật rõ biết cái gì?
Như thật rõ biết: “Đây là khổ”, như thật rõ biết “đây là khổ tập”, như thật rõ biết “đây là khổ diệt”, như thật rõ biết “đây là con đường đưa đến khổ diệt”.[16]
Ngoài ra, hiểu đúng thấy đúng là: “Hiểu đúng nghĩa, thấy đúng pháp” (xem bảng tâm lộ đắc đạo ở sau).

 Hiểu đúng nghĩa.
Là hiểu đúng ý nghĩa của pháp chế định (sammutidhamma) lẫn ý nghĩa của pháp chân đế (paramatthadhamma).
Có lần Tôn giả Godatta hỏi gia chủ Citta [17] đang ngồi xuống một bên rằng:
“Yā cāyaṃ, gahapati, appamāṇā cetovimutti, yā ca ākiñcaññā cetovimutti, yā ca suññatā cetovimutti, yā ca animittā cetovimutti.
Ime dhammā nānatthā nānābyañjanā, udāhu ekatthā byañjanameva nānan’ti?
“Này cư sĩ vô lượng tâm giải thoát (appamāṇā cetovimutti), vô sở hữu tâm giải thoát (akiñcaññā cetovimutti), không tâm giải thoát (suññatā cetovimutti), vô tướng tâm giải thoát (animittā cetovimutti).
Những pháp này khác nghĩa khác ngôn từ (nānattha nānābyañjanā), hay đồng nghĩa chỉ khác ngôn từ (ekatthā byañjanameva)?.
Gia chủ Citta đáp rằng:
“Atthi, bhante, pariyāyo yaṃ pariyāyaṃ āgamma ime dhammā nānattha nānābyañjanā ca.
Atthi pana, bhante pariyāyo yaṃ pariyāyaṃ āgamma ime dhammā ekattha byañjanameva nānan’ti.
 “Thưa Tôn giả, các pháp này, có pháp môn khác nghĩa, khác ngôn từ.
Thưa Tôn giả, các pháp này, có pháp môn đồng nghĩa, khác ngôn từ”.
Tiếp theo gia chủ Citta giải thích, đại ý như sau:
- Tâm vô lượng giải thoát (appamānā cetovimutti).
Tâm vô lượngTừ, bi, hỷ, xả được biến mãn khắp 10 phương không phân biệt chúng sinh (sabb’atthatāya: Không phân biệt chúng sinh).
Giải thoát, là ra khỏi “phân biệt tưởng”, không còn phân biệt chúng sinh này là người thân, chúng sinh này là người không thân, chúng sinh này là kẻ thù…
Tâm vô lượng giải thoát là: “Thành tựu thiền hữu sắc với một trong bốn đề mục: Từ, bi, hỷ và xả, đã thoát ra phân biệt tưởng”.
- Tâm vô sở hữu giải thoát (akiñcaññā cetovimutti).
Tâm vô sở hữu là vị thành đạt thiền Vô sắc với đề mục Vô sở hữu xứ, gọi là giải thoát vì ra khỏi “thức vô biên tưởng”.
- Không tâm giải thoát (suññatā cetovimutti).
Vị Tỳkhưu đi đến khu rừng, đi đến cội cây, đi đến nơi trống nhà, ngồi quán tưởng “cái này là trống không tự ngã, cái này là trống không ngã sở” (Không tâm là tâm an trú vào trống không).
Gọi là giải thoát vì ra khỏi ngã tưởng ngã sở tưởng.
Tức là vị Tỳkhưu an trú tâm trong tướng rỗng không, chứng và trú không tánh định (suññata samādhi).
- Vô tướng tâm giải thoát (animittā cetovimutti).
Vị Tỳkhưu không tác ý đến bất kỳ tướng nào cả, chứng và trú vô tướng định  (animitta samādhi) (gọi là tâm vô tướng).
Gọi là giải thoát vì ra khỏi “tưởng tướng”.

Các pháp môn này, với ý nghĩa như vậy thì “khác nghĩa, khác ngôn từ”.
- Nếu dùng tham luyến (rāga), sân (dosa) và ái (taṅhā) là những tiêu chỉ để so sánh thì:

*-Bốn đạo và 4 quả Siêu thế là vô lượng tâm giải thoát”, vì thoát ra tham, sân, si.
Bộ Pháp tụ (Dhammasaṅgani) có ghi:
Katame dhammā appamānā?
Ariyāpannā maggā ca, maggaphalāni ca, asaṅkhatā dhātu ca. Ime dhammā appamānāni (dhs.1028).

“Thế nào là các pháp vô lượng?
Các đạo Siêu thế, các quả của đạo và vô vi giới. Đây là các pháp vô lượng”. [18]
Trong bốn tâm Thánh quả Siêu thế, tâm Thánh quả Alahán còn gọi là “bất động tâm giải thoát (akuppa = arahattaphala cetovimutti), vì vị Thánh Alahán đã đoạn tận tham, sân, ái, chúng không thể sinh khởi trong tương lai, tâm không còn rung động bởi chúng.

Vô vi giới (asaṅkhatā dhātu) là một tên gọi khác chỉ cho Nípbàn.
*- Nếu tham, sân, ái là một sở hữu của phiền não luân hồi, thì tâm Thánh quả Alahán làtâm vô sở hữu giải thoát”.
*- Nếu tham, sân, ái là một chướng ngại (palibodha), thì tâm Thánh quả Alahán là vô chướng ngại“rỗng không” tham, sân, ái.
Tâm Thánh quả Alahán là không tâm giải thoátkhông có tham, sân, si và thoát ra tham, sân, ái.
Nếu tham luyến, sân, ái tác thành tướng trạng riêng của chúng, thì tâm Thánh quả Alahán là “tâm vô tướng giải thoát”.

Với ý nghĩa như thế, thì những pháp này là “đồng nghĩa, khác ngôn từ”. [19]
Như vậy:
- Danh từ tâm vô lượng giải thoát có hai ý nghĩa: chỉ cho từ, bi, hỷ xả và chỉ cho tám tâm Siêu thế.  Đây là cùng danh từ khác ý nghĩa.
- Danh từ tâm vô sở hữu giải thoát có 2 ý nghĩa:
*- Gọi là vô sở hữu thành tựu thiền Vô sắc với đề mục “Vô sở hữu xứ”.
*- Gọi là vô sở hữukhông có tham, sân, ái, (tham, sân, ái) là sở hữu của phiền não luân hồi”
Đây là cùng danh từ khác ý nghĩa

- Danh từ không tâm giải thoát có hai ý nghĩa:
*-  An trú trong định không tánh.
*- Trống rỗng tham sân si (tức là tâm Thánh quả Alahán dù không an trú trong định không tánh vẫn trống rỗng tham, sân, si).
Đây là cùng ngôn từ, khác ý nghĩa

- Danh từ vô tướng tâm giải thoát có hai ý nghĩa:
*- An trú trong định vô tướng.
*- Không có tướng của tham sân si (tức là tâm Thánh quả Alahán dù không an trú trong định vô tướng, vẫn không có tướng của tham, sân, si).
Đây là cùng ngôn từ khác ý nghĩa.

 Nếu cả bốn danh từ: Vô lượng tâm giải thoát, Vô sở hữu tâm giải thoát, Không tâm giải thoát, Vô tướng tâm giải thoát, đều mang ý nghĩa “chỉ cho tâm Thánh quả Alahán”. Đây là đồng nghĩa, khác danh từ.
Một số pháp khác, khác nghĩa, khác danh từ, như: Tham, sân, si, thiện, bất thiện… 

2- Chánh kiến làcái biết, cái thấy cao quý.”
Có thể hiểu “cái biết, cái thấy cao quý” qua hai khía cạnh:
- Là cái biết, cái thấy của bậc Thánh nhân.
Trước khi Đức Chánh giác hiện khởi trong thế gian, các Samôn, Bàlamôn tuy  tu tập đạt được thắng trí (abhiññāṇa), cũng không thể hiểu đúng để trở thành bậc Thánh nhân, như hai vị thầy của Bồtát Siddhattha hoặc đạo sĩ Atưđà. Tức là “cái biết, cái thấy” ấy còn nằm trong lãnh vực phàm nhân (dĩ nhiên là phàm nhân đặc biệt hơn các phàm nhân khác).

Ngoại trừ những bậc đại căn như Đức Chánh giác, Đức Độc giác tự mình giác ngộ, còn các bậc Thinh văn cho dù là Thượng thủ thinh văn, cũng phải “nhờ nghe pháp của bậc Chánh giác mới hiểu đúng”.
Nhờ hiểu đúng, rồi thực hành pháp dẫn đến thấy đúng [20].

Và “hiểu đúng, thấy đúng” này, được phổ hóa đến nhân thiên chỉ có trong thời Đức Chánh giác xuất hiện trong thế gian, nên chánh kiến là “cái biết, cái thấy của bậc cao quý” (bậc cao quý ở đây ám chỉ Đức Phật, Đức Độc Giác và các Bậc Thánh Thinh văn đệ tử Phật).

- Là “cái biết, cái thấy” cao tột, từ đó trở thành bậc Thánh nhân.
Tức là, cái biết, cái thấy  qua thực hành pháp, dẫn đến giải thoát, thành tựu địa vị Thánh nhân.
Nhưng thấy cái gì, hiểu cái gì, để trở thành bậc Thanh nhân? Thấy được Nípbàn và hiểu rõ ý nghĩa Nípbàn.
… Dhammassa hoti anudhammacāri
Rāgañ ca dosañ ca pahāya mohaṃ
Sammappajāno suvimuttacitto…
“… Hành pháp và tùy pháp.
Từ bỏ tham, sân, si.
Tỉnh giác, tâm giải thoát ..” [21].
Nên ghi nhận: Chánh kiến không phải là loại trí phát sinh do nghe (suttā mayā ñāṇa) hay trí phát sinh do suy tư (cintā mayā ñāṇa). Vì rằng:
- Trí do nghe còn “nương tựa vào người khác”, tức là chấp nhận một chủ thuyết hay một quan điểm nào đó do nương vào niềm tin.
- Trí do suy tư thì không (hay chưa) “thấy đúng sự thật”.
“… Aññatreva, āvuso Savittha saddhāya aññatra anussavā aññatra ākāraparivitakkā aññatra diṭṭhinijjhānakkhantiyā ahametaṃ jānāmi ahametaṃ passāmi - “bhavanirodho nibbānan” ’ti.
“Này hiền giả Savittha, ngoài lòng tin, ngoài lòng ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi biết như sau, tôi thấy như sau: “Do hữu diệt là Nípbàn” [22].
Đoạn kinh trên cho thấy “cái biết, cái thấy” của Ngài Musila là “biết, thấy qua sự chứng thực”, không do nghe, không do suy tư.
Một đoạn kinh khác ghi nhận rằng:
Có lần Tôn giả Kaccānagotta, sau khi đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, ngồi xuống một bên bạch hỏi Đức Thế Tôn:
“Sammādiṭṭhi, sammādiṭṭhī’ti, bhante vuccati. Kittāvatā nukho, bhante, sammādiṭṭhi hotī’ti?
Chánh kiến, chánh kiến, bạch Đức Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Đức Thế Tôn, cho đến như thế nào là chánh kiến?”.
Đức Thế Tôn trả lời rằng:
“… Lokassasamudayaṃ kho, Kaccāna , yathābhūtaṃ sammappaññāya passato yā loke natthitā sā na hoti.
 “… Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có.
Lokassanirodhanṃ kho, Kaccāna, yathābhūtaṃ sammappaññāya passato yā loke atthitā sā na hoti.
Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có.”
Và:
 “… na kaṅkhati na vicikicchati aparapaccayā ñāṇamevassa ettha hoti. Ettavatā ko, Kaccāna, sammādiṭṭhi.
… Vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy. Cho đến như vậy, này Kaccāyana là chánh tri kiến”.([23]
Rõ ràng, chánh kiến chỉ cho trí tu (bhavanā mayā paññā), đồng thời “không rơi vào chấp thường hay chấp đoạn", công năng của chánh kiến là đối trị với tà kiến (thấy sai, hiểu sai).
“Vajjañ ca vajjato ñatvā. Avajjañ ca avijjato.
Sammādiṭṭhi samādānā. Sattā gacchanti suggatiṃ.
Có lỗi, biết có lỗi. Không lỗi, biết là không.
Do chấp nhận chánh kiến. Chúng sinh sang cõi lành. [24]
Và:
“Avajje vajjadassino. Vajje cāvajjadassino
Micchādiṭṭhi samādānā. Sattā gacchanti duggatiṃ
“Không lỗi, lại thấy lỗi. Có lỗi, lại thấy không.
Do chấp nhận tà kiến. Chúng sinh đi cõi khổ”.[25]

Tóm lại: Những ý nghĩa của chánh kiến là:
- Do tu tập, trí thấy được tam tướng. 
- Hiểu rõ nhân duyên của pháp hữu vi.
- Đối trị với tà kiến.
- Thấy và hiểu rõ Nípbàn (sự diệt khổ).

Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) có giải thích những khía cạnh thực tính của chánh kiến là:
- Trạng thái: Thấy đúng (sammādassanalakkhaṇā).
- Phận sự: Hiểu biết rõ ràng (tathappakāsanarasā).
- Thành tựu: Diệt trừ bóng tối vô minh (avijjandhakaaraviddhaṃ sana paccupaṭṭhānā). [26]

3- Hai loại chánh kiến.
Chánh kiến có hai loại là: Chánh kiến hiệp thế và chánh kiến siêu thế.
Có Phật ngôn như sau:
“Atthi, bhikkhave, sammādiṭṭhi sāsavā puññābhāgiyā upadhivepakkā.
Atthi bhikkhave,  sammādiṭṭhi ariyā anāsavā lokuttarā maggaṅgā.
“Này các Tỳkhưu, có loại chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả chấp y (upadhivepakkā).
Này các Tỳkhưu, có loại chánh kiến, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi (maggaṅgā).”[27]
Chánh kiến hữu lậu là chánh kiến hiệp thế, chánh kiến vô lậu là chánh kiến Siêu thế, chánh kiến siêu thế  là trí trong tâm Đạo ( thuộc chi đạo).

a- Chánh kiến hiệp thế.
Là sự thấy đúng, hiểu đúng trong phạm vi thế gian, gọi là trí hiệp thế.
Loại chánh kiến này tuy hiểu đúng, thấy đúng, nhưng chưa thoát khỏi nghiệp, trái lại còn hưởng được quả lành của nghiệp thiện nên gọi là trí hữu lậu (ñāṇasāsava), còn tạo ra danh sắc mới nên gọi là chấp y (upadhivepakkā).
Trí hiệp thế có hai loại:
- Thấy và hiểu “chúng sinh có nghiệp (là tài sản) riêng – kammassakatā”.
- Thành tựu trí thuận thứ đế (saccānulomikañāṇa) trở về trước.
*- Thế nào là trí hiểu về “chúng sinh có nghiệp riêng”.
Trong thế gian, chúng sinh khác nhau về sinh loại, chư thiên tốt đẹp hơn nhân loại, Phạm thiên tốt đẹp hơn chư thiên, nhân loại tốt đẹp hơn súc sinh....
Ngay cả là người tuy có hình dáng giống nhau (là người nam hay người nữ) vẫn có sự khác biệt nhau, có người giàu, có người nghèo, có người cao sang, có người hạ liệt, có người đẹp, có người xấu... Tất cả là do nghiệp tạo, chúng sinh là kẻ tạo nghiệp để rồi nhận quả của nghiệp, nên nói “chúng sinh có nghiệp là tài sản riêng”. 
Đức Phật có dạy thanh niên Subha Todeyya rằng:
“Kammassakā, māṇava, sattā  kammadāyādā kammayoni kammabandhū kammapaṭisaraṇā.
Kammaṃ satte vibhajati yadidaṃ hīnappaṇītatāyāti.
“Này thanh niên, các loài hữu tình có nghiệp là chủ nhân, là thừa tự của nghiệp, có nghiệp là thai tạng, có nghiệp là quyến thuộc, có nghiệp là điểm tựa.
Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt, có ưu” [28].

Lời dạy trên của Đức Phật cho thấy: Trong thế gian, sở dĩ chúng sanh sai biệt nhau chính là do nghiệp tạo, không do thượng đế tác thành, cũng không phải ngẫu nhiên mà có.
Chúng sinh là “người thừa tự của nghiệp”, nghiệp thiện sẽ tạo ra một chúng sinh tốt đẹp, nghiệp ác tạo ra một chúng sanh thô xấu.
Trong thế gian, có những trường hợp người tạo ác nghiệp nhưng vẫn an lạc (như người bán rượu, đánh bắt cá lại giàu, kẻ cường hào ác bá lại vinh thân phú gia..), đó là do nghiệp thiện của họ đã tạo trong quá khứ đang trong thời trả quả. Khi quả thiện nghiệp bị hoại thì ác quả sinh lên, bấy giờ đau khổ đến cho họ, như: mang tù tội, tài sản bị tiêu hoại do nước, lửa hay bị vua quan tịch biên…
Có người làm thiện, nhưng vẫn chật vật, cơ khổ hay bị nhiều tai nạn, đây là do ác nghiệp đang thời trả quả, trong khi thiện nghiệp chưa thể trả quả. Khi ác quả muội lược thì thiện quả sinh lên, người này được nhiều sự an lạc.
Người làm thiện vẫn chật vật, khổ sở, ví như người nông dân trong thời nông vụ, họ phải cày, bừa, gieo lúa giống, gia công chăm bón phân, nước… thật khổ cực. Nhưng khi lúa trổ hạt trúng mùa thì họ thâu hoạch tài sản sung mãn.
Khi nhìn thấy “người làm ác có được an lạc, người làm thiện vẫn đau khổ”, không suy xét thấu đáo vội kết luận “không có nhân quả - không có nghiệp báo”, đó là tà kiến.
“Madhu’va maññatī bālo. Yāva pāpaṃ na paccati
Yadā ca paccatī pāpaṃ. Attha bālo dukkhaṃ nigacchati.
“Hành động xấu, ngọt ngào như mật. Kẻ điên cuồng nghĩ như vậy khi quả dữ chưa trổ. Nhưng lúc trổ quả, họ sẽ đau khổ.”[29]

Và:
“Bhadro’ pi passati pāpaṃ. Yāva bhadraṃ na paccati
Yadā ca paccati bhadraṃ. Attha bhadro bhadrāni passati.
“Người hành thiện có thể gặp dữ, ngày nào mà quả lành chưa trổ. Nhưng khi quả trổ, chừng ấy người hành thiện sẽ gặp quả phúc.”(sđd, Dhp câu 120, tr.128)
*- Thế nào là trí thuận thứ đế?.[30]
Trí Thuận thứ (anulomañāṇa) là loại trí làm xuất khởi Thánh đạo, trí này chỉ có một sátna trong tâm lộ đắc đạo, nhưng vì chưa nhận được cảnh Nípbàn nên liệt vào phàm tuệ.
Gọi là thuận thứ vì trí này chìu theo 8 trí quán phía trước, lại thuận theo 37 pháp trợ đạo sinh lên phía sau.
Gọi là đế (sacca), vì thấy rõ như thật “đâu là hữu vi, đâu là vô vi”. 

Ngài Buddhaghosa có cho ví dụ:
Như Đức vua ngồi nghe 8 vị chánh án luận nghị một vụ án, tám vị tuần tự thuật lại diễn tiến của vụ án và đưa ra nhận định riêng. Sau khi nghe, Đức vua đồng ý với những nhận định ấy (ám chỉ thuận theo 8 trí quán ở trước).

Tám trí quán là:
Hành giả thực hành pháp Tứ Niệm Xứ, thật sự đi vào pháp Quán (vipassanādhamma) khi thành tựu được:
- Trí sinh diệt (udayabbayañāṇa): Là trí thấy các pháp hành sinh diệt nhanh chóng.
Từ  giai đoạn này, hành giả tinh tấn làm cho trí quán tăng trưởng, lần lượt thành tựu 7 trí quán tiếp theo là:
- Hoại tuệ (bhaṅga ñāṇa): Là hành giả chỉ nhận biết “cái diệt” của cảnh hữu vi.
- Tuệ sợ (bhayatupaṭṭhāñāṇa): Là hành giả cảm thấy sợ sệt, nhưng chẳng biết sợ cái gì?.
- Tuệ thấy nguy hại (ādīnavañāṇa): Là hành giả thấy pháp hữu vi toàn là sự nguy hại.
-Tuệ chán nãn (nibbidāñāṇa): Là hành giả thấy chán nãn các pháp hữu vi, không còn ưa thích chúng.
- Tuệ muốn thoát ra (muñcitukamyatāñāṇa): Là hành giả muốn thoát ra khỏi các pháp hữu vi.
- Tuệ xem lại lần nữa (paṭisaṅkhāñāṇa): Là hành giả xem xét lại tam tướng của pháp hữu vi một lần nữa.
- Tuệ hành xả (saṅkhārupekkhāñāṇa): Là hành giả quân bình tâm trước các pháp hành.
Khi ngũ quyền đồng đẳng sung mãn, lộ đắc đạo hiện khởi, khi ấy trí thuận thứ xuất hiện.
Chúng ta dùng tâm lộ đắc Sơ Đạo để chỉ cho trí Thuận thứ.
 Lộ tâm đắc thánh đạo Dự lưu như sau:[31]
 
Ký hiệu:
Ký: Sátna Khai ý môn (manodvāravajjana - Hướng ý môn).
Ẩ: sátna chuẩn bị (parikamma).
Ậ: sátna cận hành (upacāra).
U: sátna thuận thứ (anuloma).
G: sátna chuyển tánh (gotrabhū).
A: sátna Đạo (magga).
Ả: sátna Thánh quả (phala).
Từ sátna Thuận thứ trở về trước, được xem là chánh kiến hiệp thế, vì lấy một trong ba tướng hữu vi làm cảnh.
Trí Thuận thứ chìu theo 8 trí quán trước đó như đã giải, lại chìu theo trí Gotrabhū và trí Đạo sanh lên sau đó, nên trí này gọi là trí Thuận thứ.
Nói cách khác: “Trí Thuận thứ như chiếc cầu nối bờ này sang bờ kia, vừa phù hợp với hữu vi (một trong tam tướng) trước đó, vừa phù hợp với Vô vi (Nípbàn) sau đó”.

b- Chánh kiến siêu thế.
Là tuệ hòa hợp với Thánh đạo hay Thánh quả khi nhận Nípbàn làm cảnh.
Loại trí này có công năng diệt nghiệp, không tạo ra danh sắc mới [32].
Ví như bình lọc nước lược bỏ những cặn bẩn trong nước khiến nước trong hơn, theo nghĩa đen thì không có loại nước khác hình thành, chỉ là loại nước cũ được tinh khiết hóa.
Chánh kiến siêu thế khác với chánh kiến hiệp thế, chánh kiến hiệp thế có thể tạo ra hai danh sắc hoàn toàn khác nhau trong tương lai.
Nói cách khác, chánh kiến hiệp thế là trí nhận pháp hữu vi hay pháp chế định (paññattidhammā) làm cảnh, loại trí này có thể dẫn đến tái sinh trong tương lai (ngoại trừ trí trong tâm Duy tác của vị Thánh Alahán hay trí trong tâm quả hiệp thế).
Trong bảng tâm lộ ở trên, trí trong tâm Đạo (maggacitta) và trí trong tâm Thánh quả là chánh kiến Siêu thế.
Có câu hỏi rằng: Trí trong tâm Gotrabhū (Chuyển tánh) là chánh kiến hiệp thế hay Siêu thế?
Đáp: Nói gọn: Trí siêu thế là trí nhận Nípbàn làm cảnh ĐANG hay ĐÃ sát trừ phiền não, trí hiệp thế thì không nhận được cảnh Nípbàn.
Có ví dụ như sau: Một nông dân lên kinh thành với mục đích yết kiến Đức vua để tấu trình một sự việc nào đó.
Trên đường đi, anh gặp được Đức vua từ xa, nhưng chưa trình bày lên Đức vua điều anh muốn trình bày. Và khi có người hỏi: “Anh gặp được Đức vua chưa?”, anh ta trả lời “chưa gặp”.
Cũng vậy, trí trong tâm Gotrabhū (Chuyển tánh) tuy nhận được cảnh Nípbàn, nhưng chưa sát trừ phiền não nên không liệt vào trí siêu thế, nhưng vì không nhận cảnh hữu vi (cảnh tam tướng) nên trí trong tâm Gotrabhū cũng không liệt vào trí hiệp thế. 

Trí trong tâm Gotrabhū ví như người đang lơ lững giữa bờ này và bờ kia, bờ này là hiệp thế, bờ kia là siêu thế, nên không thể gọi là hiệp hay siêu thế.
Lại có câu hỏi: Trí trong tâm phản khán Nípbàn (xem xét lại Nípbàn đã chứng ngộ) là trí siêu thế hay hiệp thế?.
Đáp: Là trí hiệp thế, vì tuy xem xét lại Nípbàn, nhưng đối tượng (ārammaṇa - cảnh) của tâm ở thời điểm này không là thực thể, chỉ là “ảnh” do tưởng (saññā) “vẽ lại”. 
Trong lộ tâm đắc đạo đã nêu rõ ý nghĩa:
- Thấy rõ một trong ba tướng, là chánh kiến hiệp thế (tức là từ sátna Khai ý môn cho đến sátna Thuận thứ).
- Thấy rõ Nípbàn (ĐANG hay ĐÃ sát trừ phiền não), là chánh kiến siêu thế (tức là sátna Đạo và hai sátna Quả Siêu thế).
- Sau sátna Thánh quả cuối cùng (trong tâm lộ), xem như vị ấy thành tựu chánh kiến, trở thành bậc Thánh nhân.

Lại nữa, thành đạt đạo - quả siêu thế và chứng đắc Nípbàn là pháp (dhamma).
Hiểu rõ “Đạo - quả siêu thế, cùng Nípbàn là nghĩa (attha)”.
Nói cách khác: Lộ tâm đắc Thánh Đạo là thấy đúng pháp, lộ tâm phản khán là hiểu đúng nghĩa.
Tóm lại: “Thấy đúng pháp, hiểu đúng nghĩa (của pháp), gọi là chánh kiến”
 
4- Ba hạng người có chánh kiến.
Có ba hạng người có chánh kiến là: Phàm phu, Thánh hữu học và Thánh vô học.

a- Chánh kiến của phàm phu. Có hai hạng phàm phu:
- Phàm phu ngoài Phật giáo.
Hạng phàm phu này vẫn là người có chánh kiến, nếu như hiểu: nhân quả, hiểu  “chúng sinh có nghiệp là tài sản riêng” (hiểu nghiệp báo).
Phàm phu ngoài Phật giáo, tuy có thể nhận thức ý nghĩa vô thường, khổ nhưng không thể có quan niệm về vô ngã.
Lý vô ngã chỉ có trong giáo pháp của Đức Chánh giác và chỉ hiển lộ trong thời Giáo pháp của Đức Chánh giác rực chiếu.
Cho dù có nhận thức được ý nghĩa vô thường, khổ nhưng phàm phu ngoài Phật giáo không thể đạt đến Thuận thứ trí, vì không biết phương cách tu tập đúng theo pháp quán (vipassanā dhamma).
Bồtát chúng ta, trong thời không có giáo pháp Đức Chánh giác, Ngài cũng nhận thức được vô thường, khổ nhưng không thể thành tựu pháp quán, chỉ có trong thời Đức Chánh giác quá khứ, Ngài tu tập pháp quán nhưng cũng chỉ thành tựu đến Hành xả trí (saṅkhārupekkhā ñāṇa) mà thôi,  vì Thuận thứ trí chỉ xuất hiện có một sátna rồi dẫn đến Thánh đạo ngay.

- Phàm phu trong phật giáo.
Tuy vẫn là phàm phu, nhưng nhờ nghe và hiểu được pháp của bậc Thánh, thực hành pháp của bậc Thánh nên thấy được hiện tướng của 3 pháp: Vô thường, khổ, vô ngã.
Trong Tăng chi kinh, chương pháp bốn chi, bài kinh Học hỏi ít (appassutasuttaṃ) [33], Đức Thế Tôn có nêu lên 4 hạng người:
- Nghe ít, điều đã được nghe không khởi lên (appassuto sutena anupapanno).
- Nghe ít, điều đã được nghe khởi lên (appassuto sutena upapanno).
- Nghe nhiều, điều đã được nghe không khởi lên (bahussuto sutena anupapanno).
- Nghe nhiều, điều đã được nghe khởi lên (bahussuto sutena upapanno).
Đức Thế Tôn dạy, đại ý như sau:
- Nghe ít, không biết nghĩa (na atthamaññāya), không biết pháp (na dhammamaññāya), không thực hành pháp, tùy pháp. Điều đã được nghe không khởi lên.
- Tuy nghe ít, nhưng biết nghĩa (atthamaññāya), biết pháp (dhammamaññāya), thực hành pháp, tùy pháp. Điều được nghe khởi lên.
- Nghe nhiều, không biết nghĩa, không biết pháp, không thực hành pháp, tùy pháp. Điều đã được nghe không khởi lên.
- Nghe nhiều, biết nghĩa, biết pháp, thực hành pháp tùy pháp. Điều được nghe khởi lên.
Chánh kiến của phàm phu trong phật giáo cao nhất là đạt đến trí Thuận thứ (anulomañāṇa) (đây là nói theo thời sátna, chứ thực ra, khi trí Thuận thứ sinh lên, tiếp theo vài sát na tâm thì vị ấy trở thành bậc Thánh nhân).

b- Chánh kiến của bậc Thánh Hữu học (sekkhā).
Bậc này được gọi là thành tựu chánh kiếnđã tỏ ngộ được tam tướng, đồng thời vượt ra khỏi tam tướng khi chứng đắc Nípbàn.

c- Chánh kiến của bậc Thánh Vô học (asekkhā).
Là bậc đã thành tựu trọn vẹn chánh kiến, vì đã làm xong việc cần làm, đã “diệt trừ trọn vẹn vô minh”.
Chánh kiến của bậc Thánh Hữu học ví như người thấy rõ đường đi trong đêm tối nhờ có ánh đèn (còn nương tựa vào pháp học lẫn Pháp hành). 

Chánh kiến của bậc Vô học ví như người thấy rõ ràng mọi vật vào lúc ban ngày (không còn phải học pháp hay hành pháp nữa. Tuy vậy, các Ngài vẫn học pháp, hành pháp để làm gương cho hậu thế).
Chánh tri kiến được đề cập trong kinh này là: Chánh tri kiến của phàm phu trong Phật giáo lẫn Thánh Hữu học.
Do vậy, Đức Xá Lợi Phất dạy tiếp rằng: “Có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này”.

B- Có tri kiến chánh trực.
Tri kiến chánh trực là một trong 10 ân đức của chư Thinh văn đệ tử Phật (ujupatipanno). Đó là sự hiễu rõ thấy rõ:
- Thân hành nầy là thiện, thân hành này là bất thiện, thân hành này là phạm tội, thân hành này không phạm tội.
- Ngữ hành này là thiện, ngữ hành này là bất thiện, ngữ hành này là phạm tội, ngữ hành này không phạm tội.
- Ý hành này là thiện, ý hành này là bất thiện, ý hành này phạm tội, ý hành này không phạm tội.
Với người không có tri kiến chánh trực, thân - ngữ - ý rơi vào bất thiện, y tìm cách biện hộ cho hành động tội lỗi, như: Giết một người cứu nhiều người là tốt, trộm của người giàu san sẽ cho người nghèo là tốt, nói dối làm lợi cho người là tốt (như vị lương y nói dối làm an tâm bịnh nhân) …
Nhưng nếu đặt y vào địa vị của nạn nhân, y sẽ nghĩ như thế nào? Y có từ chối “sự tốt” ấy không, có người giàu nào muốn mình bị cướp tài sản để san sẽ cho người nghèo không? Có bịnh nhân nào muốn vị lương y đánh lừa mình không?.
Với những cách luồn lách, biện minh như trên, Đức Phật gọi là “ý quanh co (samsappaniya - trườn bò mà đi, đi quanh co của loài bò sát)”.
Người có thân nghiệp quanh co, ngữ nghiệp quanh co, ý nghiệp quanh co, có một trong hai sinh thú sau đây:
“Ye vā ekantadukkhā nirayā yā vā saṃsappajātikā tiracchānayoni…
 “Các địa ngục nhất hướng đau khổ và các loài bàng sanh thuộc loại trườn bò: Loại rắn, bò cạp, rết…” [34].

Và Đức Phật có dạy:
“Yassa kassaci, bhikkhave, bhikhussa vā bhikkhuniyā vā kāyavaṅko pāhino kāyadoso kāyakasāvo.
Vacīvaṅko pāhino vacīdoso vacīkasāvo.
Manovaṅko pāhino manodoso manokasāvo.
Evaṃ patiṭṭhitā te, bhikkhave, imasmiṃ dhammavinaye….
“Đối với Tỳkhưu hay Tỳkhưu ni nào, thân cong được đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (được đoạn tận).
Lời nói cong được đoạn tận, lời hư hỏng, lời khuyết điểm (được đoạn tận).
Ý cong được đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm (được đoạn tận).
Như vậy này các Tỳkhưu, vị ấy vững an trú trong Pháp Luật này …”. [35]

a- Thế nào là tri kiến chánh trực thuộc về thân?.
Vị có tri kiến chánh trực về thân sẽ hiểu rõ rằng: “Thân hành này tuy không rơi vào ba ác- bất thiện nghiệp: Sát sanh, lấy của không cho, làm sái quấy trong dục lạc.
Nhưng không dùng thân này tạo lợi ích cho mình lẫn người khác, như: Không đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ, không cung kỉnh bậc đáng cung kỉnh, không giúp đở người đáng được giúp đở, không phục vụ người đáng phục vụ như cha mẹ … Đây là chỗ cong của thân.
Như người hủi Suppabuddha tuy chứng đạt quả vị Dự lưu sau khi nghe pháp của Đức Thế Tôn, nhưng Ngài là một người mang bịnh cùi, phải đi xin ăn.
Trong quá khứ Ngài là con một triệu phú, có lần gặp được Đức Phật Độc giác Tagarasikhi, vị triệu phú này nhổ nước bọt vào Đức Phật Độc giác rồi bỏ đi, do việc làm ấy nên bị cùi. [36] (dùng thân làm việc sái quấy, tuy không rơi vào 3 ác hạnh: Sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong dục, nhưng không cung kỉnh bậc đáng cung kỉnh).
Hoặc thân không rơi vào ba ác nghiệp, nhưng lại thực hành khổ hạnh, như hạnh con bò, hạnh con chó …[37]  là chỗ khuyết của thân.

Chúng ta nhận thấy rằng: Đức Thế Tôn tuy là bậc Đạo Sư chí thượng, nhưng Ngài cũng tự tay tắm rửa cho Trưởng lão Pūtigatta Tissa, sau đó thuyết lên câu kệ ngôn để tế độ Trưởng lão đắc quả Alahán:
“Aciraṃ vat’ayaṃ kāyo. Pathaviṃ adhisessati
Chuddho apetaviññāṇo. Niratthaṃ’va kaḷingaraṃ”.

“Không bao lâu thân này.  Sẽ nẳm dài mặt đất.

Bị vất bỏ vô thức. Như khúc cây vô dụng” [38].
Nghe xong kệ ngôn, Trưởng lão Pūtigatta Tissa phát triển tuệ quán, chứng quả Alahán rồi mệnh chung sau đó.
Trong Tương ưng kinh (Samyuttanikāya) có ghi nhận: Có nhiều vị Tỳkhưu bịnh nặng, Đức Thế Tôn đi đến ân cần thăm hỏi, sách tấn, khích lệ và giảng pháp đến vị Tỳkhưu bị bịnh.
Tiền thân Trưởng giả Ghosaka là một con chó, mỗi lần đến thỉnh Đức Độc Giác Phật thọ trai, con chó chạy phía trước sủa vào các bụi rậm để các độc vật bỏ chạy, giữ an toàn cho Đức Độc Giác, do quả lành này, khi mệnh chung con chó tái sinh về Thiên giới có tên là thiên tử Ghosaka (Lôi âm).
Đến thời Đức Phật hiện tại, thiên tử Ghosakatái sinh về nhân loại cũng có tên là Ghosaka.
Ghosaka thoát chết 7 lần, sau cùng trở thành vị đệ nhất trưởng giả trong thành Kosambi và chứng đạt quả Dự Lưu [39]. Đây là quả lành của phước báo “phục vụ bậc đáng phục vụ”. 

b- Thế nào là tri kiến chánh trực về lời?.
Tuy lánh xa bốn ngữ ác hạnh: Không nói dối, không nói đâm thọc, không nói ác, không nói nhãm nhí.
Nhưng bấy nhiêu chưa đủ, mà còn phài trung thực, không quanh co trong lời nói:

“Diṭṭhe diṭṭhavādī hoti, sutte suttavādī hoti, mutte muttavādī hoti, viññāte viññātavādī hoti.
 Có thấy nói thấy, có nghe nói nghe, có cảm giác nói cảm giác, có thức tri nói thức tri.
“Adiṭṭhe adiṭṭhavādī hoti, asutte asutavādī hoti, amutte amutavādī hoti, aviññate aviññatavādī.
Không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không cảm giác nói không cảm giác, không thức tri nói không thức tri” [40].

Lại nữa, tuy không rơi vào bốn ngữ ác, nhưng đối với các vấn đề cần nói lên lại im lặng, đó là chỗ khuyết của lời nói, hoặc tránh né một vấn đề đúng pháp là chỗ cong của lời nói.

Tiền nghiệp của hai Dạ xoa.
Tương truyền rằng: Trong thời giáo pháp của Đức Phật Kassapa, có hai vị Trưởng lão tinh thông tam tạng.
Bấy giờ, trong tự viện có hai vị Tỳkhưu tranh luận nhau một vấn đề về Pháp luật, không ai chấp nhận ai.
Cả hai quyết định sẽ tìm đến hai vị Đại Trưởng lão để nhở hai Ngài phân xử, nếu ai nói sai pháp luật phải lìa bỏ tự viện.
Một vị Tỳkhưu nhận thức được “mình là người nói sai pháp luật”, nên tìm đến hai vị Trưởng lão trước, dâng lễ vật và thỉnh cầu hai Ngài là thầy nương nhờ (nissayācariya) của mình.

Sau đó, vị ấy trình bày lại cuộc tranh luận của mình cùng vị Tỳkhưu bạn, rồi bạch hỏi rằng:
- Bạch Ngài! Giữa con và vị Tỳkhưu ấy, ai là người nói đúng pháp luật trong Giáo pháp này?.
- Này Tỳkhưu! Ngươi là người nói sai pháp - luật, vị Tỳkhưu kia nói đúng pháp - luật.
- Bạch hai Ngài! Nay con đã biết mình là người nói sai pháp luật. Bạch hai Ngài, xin hai Ngài ban cho con đặc ân là: Khi vị Tỳkhưu bạn của con đến hỏi “ai là người nói sai pháp luật?”, xin hai Ngài hãy im lặng.
Hai vị Trưởng lão đã rơi vào pháp tư vị vì thương nên nhận lời. Khi vị Tỳkhưu bạn tìm đến yết kiến hai vị Trưởng lão, bạch hỏi:
- Bạch hai Ngài! Giữa con và vị Tỳkhưu này ai là người nói đúng pháp đúng luật?.
Cả ba lần, hai vị Trưởng lão đều im lặng. Và vị Tỳkhưu (nói sai Pháp - Luật) đã nói với vị Tỳkhưu bạn rằng:
 “Này Hiền giả! Hai Ngài đã im lặng, vậy hiền giả nên hiểu biết câu trả lời là như thế nào đi?”.
Vị Tỳkhưu (nói đúng Pháp - Luật) buồn tủi, bạch với hai vị Trưởng lão rằng:
- Bạch hai Ngài! Con ngỡ hai Ngài vì pháp quên người, không ngờ hai Ngài vì người quên pháp.
Rúng động trước câu nói của vị Tỳkhưu trẻ, hai vị Trưởng lão ray rứt vì sự im lặng của mình.
Tuy tu hành tốt đẹp cả 10 ngàn năm, khi mệnh chung hai vị tái sinh làm hai Dạ xoa đại thần lực là Sātāgiri và Hemavata [41].
Trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy:
Na monena mayā hoti. Muḷharūpo aviddasu
Yo ca tulaṃ’va paggajha. Varaṃ ādāya paṇḍito

Im lặng nhưng ngu si. Đâu được gọi ẩn sĩ

Như người cầm cán cân. Bậc trí chọn điều lành [42].
Như vậy im lặng trước một vấn đề hợp pháp, không tỏ bày ý kiến do tư vị vì thương, tư vị vì ghét, tư vị vì sợ và tư vị vì si mê, là chỗ cong của lời nói.
Lại nữa, đối với một vấn đề đúng pháp lại tránh né, trả lời sang hướng khác cũng là chổ cong của lời nói.
Như Bàlamôn Saṅgārava đã tránh né câu hỏi đúng pháp của Trưởng lão Ānanda.
Bàlamôn Saṅgārava đi đến Đức Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên trình bày với đại ý:
Con đường làm lể tế đàn là con đường đưa đến lợi ích cho nhiều người. Con đường xuất gia chỉ nhiếp phục được tự ngã của mình, chỉ làm cho tự ngã chứng được Nípbàn, như vậy sự xuất gia chỉ đưa đến công đức có một mình”.
Đức Thế Tôn dạy, đại ý:
 “Đức Như Lai tuyên thuyết chánh đạo tám ngành, nhờ thực hành con đường này, hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn chúng sinh chứng đạt và thoát khỏi sinh tử luân hồi”.
Và Ngài hỏi Bàlamôn Saṅgārava rằng:
“Taṃ kiṃ maññasi, brahmaṇa, iccāyaṃ evaṃ sante ekasārīrikā vā puññappaṭipadā hoti anekasārīrikā vā, yadidaṃ pabbajjādhikaraṇan’ti?.
Này Bàlamôn, ngươi nghĩ thế nào, sự việc là như vậy, thời con đường đưa đến công đức này, ảnh hưởng chỉ một người hay ảnh hưởng đến nhiều người, tức là kết quả của sự xuất gia?
Bàlamôn Saṅgārava xác nhận:
“Iccāyampi, bho Gotama, evaṃ sante anekasārīrikā puññappaṭipadā hoti, yadidaṃ pabbajjādhikaraṇan’ti.
“-Thưa Tôn giả Gotama, sự việc là như vậy, con đường đưa đến công đức này là ảnh hưởng đến nhiều người, tức là kết quả của sự xuất gia.

Đức Ānanda được nghe Bàlamôn Saṅgārava xác nhận như vậy, Ngài hỏi:
“Imāsaṃ te, brahmaṇa, dvinnaṃ paṭipadānaṃ katamā paṭipadā khamati appatthatarā ca appasamārambhatarā ca mahapphalatarā ca mahānisaṃsatarā cā’ti?
“Này Bàlamôn, trong hai con đường này (làm lễ tế đàn và xuất gia), con đường nào, ngươi có thể kham nhẫn là giản dị hơn (appaṭṭhatarā), ít khó chịu hơn, kết quả lớn hơn và lợi ít hơn?”.

Cả ba lần Bàlamôn Saṅgārava đã tránh né câu hỏi đúng pháp của Đức Ānanda, đáp rằng:
“Seyyathāpi bhavaṃ Gotamo bhavaṃ c’Ānando. Ete me pujjā, ete me pasaṃsā’ti.
“Như Tôn giả Gotama, Tôn giả Ānanda, cả hai đối với tôi là đáng kính lễ và đáng tán thán” [43]

Câu truyện trên minh họa cho “chỗ cong của lời nói”.
Lại nữa, trong bài kinh “ngựa chưa điều phục” [44], có những đoạn kinh nói lên ý nghĩa “chỗ cong của lời nói”, như sau:
“Idha bhikkhave, bhikkūu bhikkhuṃ āpattiyā codenti. So bhikkhu bhikkhūhi āpattiyā codiyamāno’na saramī’ti asatiyā nibbeṭheti.
“Ở đây, này các Tỳkhưu, các Tỳkhưu buộc tội một Tỳkhưu phạm tội. Tỳkhưu ấy bị các Tỳkhưu buộc tội, tránh né (nibbeṭheti) (vấn đề) như là không nhớ, nói rằng: “Tôi không nhớ, tôi không nhớ”….

Lại nữa, tuy không nói dối trước những điều được thấy, được nghe, được nhận biết, vị có tri kiến chánh trực về lời sẽ không nói lên những điều ấy, nếu xét thấy “điều này làm cho bất thiện tăng trưởng, thiện pháp bị tổn giảm”. Nếu xét thấy “điều này làm cho bất thiện tổn giảm, thiện pháp tăng trưởng” vị ấy nói lên [45].

c-Thế nào là tri kiến chánh trực về ý?.
Là ý không rơi vào pháp điên đảo (vipallāsa dhammā), chính pháp điên đảo làm cho tâm nghiêng về một bên. Đó là: Pháp vô thường cho là thường, pháp khổ cho là lạc, pháp vô ngã cho là ngã, pháp không trong sạch cho là trong sạch.
“Anicce, bhikkhave, aniccanti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso.
Dukkhe, bhikkhave, sukhanti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso.
Anattani, bhikkhave, anattāti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso.
Asubhe, bhikkhave, subhanti  saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso.
- “Này các Tỳkhưu, trong vô thường nghĩ là thường, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Này các Tỳkhưu, trong khổ nghĩ là lạc, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Này các Tỳkhưu, trong vô ngã nghĩ là ngã,  đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Này các Tỳkhưu, trong không trong sạch nghĩ là trong sạch, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. [46].

Lại nữa, tri kiến chánh trực là xa lìa hai cực đoan lợi dưỡng và khổ hạnh.
Có hai loại lợi dưỡng: Lợi dưỡng thấp kém và lợi dưỡng thù thắng.
Có hai loại khổ hạnh: Khổ  hạnh dẫn xuống khổ cảnh và khổ hạnh dẫn tái sinh về thiên giới.

1’- Lợi dưỡng thấp kém là bốn pháp: Được lợi (yabhā), được danh (yasa), được khen ngợi (pasaṃsā) và an lạc (sukha).
“Lābho ca alābho ca yasāyaso ca.
Nindā pasaṃsā ca sukhaṃ dukkhañ ca.
Ete aniccā manujesu dhammā.
Asassatā vipariṇāmadhammā.
“Ete ca ñatvā satimā sumedho,
Avekkhati vipariṇāmadhamme,
Iṭṭhassa dhammā na mathenti cittaṃ
Aniṭṭhato no paṭighātameti.
“Tassānurodhā atha vā virodhā.
Vidhūpitā atthaṅgatā na santi.
Padañca ñatvā virajaṃ asokaṃ,
Sammappajānāti bhavassa pāragū’ti.
“Được lợi,  không được lợi. Danh vọng, không danh vọng

Chỉ trích và tán thán. An lạc và đau khổ.

Những pháp (manayesa) này vô thường.
Không thường hằng, biến diệt
Biết chúng, giữ chánh niệm.
Bậc trí quán biến diệt
Pháp khả ái, không động (na mattahenti).
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận (anurodhavirodhā) hay nghịch.
 Được tiêu tan (vidhūpitā) không còn
Sau khi biết con đường, không trần cấu, không sầu
Chân chánh biết sanh hữu, đi đến bờ bên kia. [47]
Tám pháp này làm lay chuyển thế gian (anuparivattanti). 

Với kẻ phàm phu không nghe pháp của bậc Thánh, của bậc Chân nhân, khi có lợi dưỡng, danh vọng, tán thán, an lạc khởi lên, kẻ ấy không suy nghĩ rằng: “Những pháp này là vô thường, khổ, biến hoại” nên tâm rơi vào đắm nhiễm, sanh khởi kiêu mạn.
Còn những pháp như: mất lợi, mất danh vọng, bị chỉ trích, đau khổ khởi lên, kẻ ấy rơi vào sầu khổ, tâm rơi vào phẩn uất.
Với vị Thánh đệ tử có nghe pháp của bậc Thánh, hiểu pháp bậc Thánh, khi một trong tám pháp ấy khởi lên, vị ấy suy nghĩ: “Các pháp này là vô thường, khổ, biến hoại”, do vậy tâm không bị ái hay sân chi phối như kẻ phàm phu thường tình.
Như vậy, cho dù là hạnh phúc hay đau khổ, bậc có ý chánh trực không rơi vào một trong hai cực đoan ấy, tâm hướng đến trung đạo [48].

Các vị Luận sư có giải thích:
Phẩn uất nương sinh từ sự mất lợi, mất danh tiếng, bị chỉ trích, đau khổ”, chúng được đoạn trừ bằng Thánh đạo Anahàm.
Tham ái nương sinh từ sự được lợi, được danh tiếng, được tán thán, được an lạc”, chúng được đoạn trừ bằng Thánh đạo Alahán.
Một số Giáo thọ sư cho rằng:
“Tham ái nương sinh từ được lợi, được an lạc”, chúng được đoạn trừ bằng Thánh đạo Anahàm.
“Tham ái nương sinh từ được danh tiếng, được tán thán”, chúng được đoạn trừ bằng Thánh đạo Alahán.[49]

2’- Lợi dưỡng thù thắng là: Thành tựu thiền Sắc giới hay thiền Vô sắc giới.
Cho dù có thành tựu được như thế, bậc có ý chánh trực cũng không thích thú ái luyến các tầng thiền này.
Về hai loại khổ hạnh.
Có loại khổ hạnh đưa xuống khổ cảnh, có loại khổ hạnh dẫn tái sinh lên nhàn cảnh, như Đức Thế Tôn có dạy cho lõa thể Kassapa:
“Idhāhaṃ, Kassapa ekacca tapassiṃ lūkhājīviṃ passāmi, dibbena cakkhunā visuddhena atikkanta mānusakena… kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ uppannaṃ.
“Này Kassapa, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta thấy một số người tu khổ hạnh, sống khắc khổ… Sau khi thân hoại mệnh chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Idhā panāhaṃ, Kassapa ekacca tapassiṃ lūkhājīviṃ passāmi, dibbena cakkhunā visuddhena atikkanta mānusakena… kāyassa bhedā paraṃ maraṇā sugatiṃ  saggaṃ lokaṃ uppannaṃ.
Này Kassapa, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta thấy một số người tu khổ hạnh, sống khắc khổ... Sau khi thân hoại mệnh chung được sinh vào cõi lành, thế giới chư thiên [50].
Cho dù là “khổ hạnh dẫn đến thiên giới”, vị có tri kiến chánh trực cũng không dính mắc vào chúng.
 “Sace vo bhikkhave, aññatitthiyā paribbājakā evaṃ puccheyyuṃ - devalokūpapattiyā, āvuso, samaṇe Gotame brahmacariyaṃ vussathā’ti.
Nanu tumhe, bhikkhave, evaṃ puṭṭhā aṭṭiyeyyātha harāyeyyātha jigiccheyyāthā’ti.
Evaṃ, bhante.  
“Này các Tỳkhưu, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ngươi như sau: “Chư hiền, có phải Samôn Gotama sống phạm hạnh để được sinh lên cõi trời?”
Này các Tỳkhưu, được hỏi như vậy, các ngươi có bực phiền (aṭṭiyeyyātha), tủi nhục (harāyeyyātha), chán ngấy (jiguccheyyātha) hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.[51]
 Ví như người phải băng qua sa mạc hoang vu để đến vùng đất an toàn, người ấy phải có hành trang, có lương thực, phải nương vào con đường, cho dù đi trên con đường bằng phẳng tốt đẹp, đầy kỳ hoa dị thảo, nhưng nếu dừng chân trên con đường, người này sẽ không thể đến nơi cần đến, cần phải đi mút con đường.
Cũng vậy, hành giả là người tầm cầu sự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, thiện nghiệp là việc cần phải làm (ví như hành trang, lương thực) nhưng không đắm nhiễm vào các quả an lạc hữu vi, cho dù những thiện nghiệp ấy cho tái sinh về Thiên giới, cho tái sinh về các tầng thiền Sắc hoặc Vô sắc.
Một khi đắm nhiễm, dính mắc vào những cảnh an lạc thù diệu này hành giả sẽ không thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Và con đường cần phải đi đó là Bát chánh đạo, con đường không nghiêng về hưởng thụ cũng không rơi vào khổ hạnh.
Ví như người bắn cung thiện xảo, chỉ nhắm vào mục tiêu để bắn tên, không ngắm nhìn chung quanh. Cũng vậy, tri kiến chánh trực là hướng tâm đến mục tiêu thoát khổ (là chứng đắc Nípbàn), không nghĩ đến các cảnh giới tái sinh, cho dù đó là những cảnh giới an lạc trong thế gian.
“Seyyathāpi, bhikkhave, sālisūkaṃ vā yavasūkaṃ vā sammāpaṇihitaṃ hatthena vā pādena vā akkantaṃ hatthaṃ vā pādaṃ vā bhindissati, lohitaṃ vā uppādessatīti - ṭhānametaṃ vijjati. Taṃ kissa hetu?
Sammāpaṇihitattā, bhikkhave sūkassa.
“Này các Tỳkhưu, ví như sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm cho đổ máu, sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao?
Này các Tỳkhưu, vì sợi râu được đặt đúng hướng.
“Evameva kho, bhikkhave, so vata bhikkhu sammāpaṇihitāya diṭṭhiyā sammāpaṇihitāya maggabhāvanāya avijjā bhindissati, vijjaṃ uppādessati, nibbānaṃ sacchikarissatīti - ṭhānametaṃ vijjati. Taṃ kissa hetu?
Sammāpaṇihitattā, bhikkhave , diṭṭhiyā.
Cũng vậy này các Tỳkhưu, kiến được đặt đúng hướng, con đường tu tập được đặt đúng hướng có thể xuyên thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Nípbàn, sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao?
Này các Tỳkhưu, vì kiến được đặt đúng hướng”  [52].

C- Có lòng tin pháp tuyệt đối.
Là thấy rõ, biết rõ các pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã nên có lòng tin pháp tuyệt đối.
Có câu hỏi rằng: “Phàm nhân chưa chứng đạt Nípbàn, chưa thấy được tam tướng, phải đặt niềm tin vào những pháp nào để thực hành? Những pháp nào là của Đấng Đạo sư thuyết giảng?”.
Đáp rằng: Bà di mẫu Gotamī có bạch hỏi Đức Thế Tôn về vấn đề này, Đức Phật dạy:
Này Gotamī, những pháp nào người biết rằng:
1- “Những pháp này đưa đến ly tham, không đưa đến tham dục.
2- Đưa đến ly hệ phược, không đưa đến hệ phược.
3- Đưa đến không tích tập, không đưa đến tích tập.
4- Đưa đến ít dục, không đưa đến nhiều dục.
5- Đưa đến biết đủ, không đưa đến không biết đủ.
6- Đưa đến tịnh cư, không đưa đến tụ hội.
7- Đưa đến tinh tấn, không đưa đến biếng nhác.
8- Đưa đến dễ nuôi, không đưa đến khó nuôi”.
Này Gotamī, hãy thọ trì nhất hướng rằng: “Đó là pháp, đó là luật, đó là lời dạy của bậc Đạo sư”  [53].
Lại nữa, có lần Đức Anuruddha sống ở giữa dân chúng Ceti, tại Pācineramsadāya, trong khi độc cư thiền tịnh, khởi lên ý nghĩ như sau:
1- Pháp này để cho người ít dục, không phải để cho người nhiều dục.
2- Pháp này để cho người biết đủ, không phải để cho người không biết đủ.
3- Pháp này để cho người sống thanh vắng, không phải để cho người ưa hội chúng.
4- Pháp này để cho người tinh cần, không phải để cho người biếng nhác.
5- Pháp này để cho người trú niệm, không phải để cho người thất niệm.
6- Pháp này để cho người thiền định, không phải để cho người không thiền định.
7- Pháp này để cho người trí tuệ, không phải để cho người ác tuệ.
Và Đức Thế Tôn với tâm mình hiểu được tâm tư của Đức Anuruddha, Ngài xuất hiện trước mặt Đức Anuruddha, ngồi vào chỗ đã được soạn sẵn.


Rồi Đức Thế Tôn dạy thêm điều thứ tám là:
8- Pháp này để cho người không ưa hý luận (nippapancārāma), không thích hý luận. Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận [54].
Lời dạy của Đức Thế Tôn về điều thứ tám rất có ý nghĩa, đó là “pháp cần phải thấy hiểu qua thực chứng” chẳng phải hiểu do suy luận, sự suy luận có thể nảy sinh những vấn đề không có thực, chúng trở thành những vấn đề thuộc về ảo kiến (papañca)”, để rồi bàn cải, tranh luận về những vấn đề không có thực, chẳng khác nào người bàn luận về “lông rùa, sừng thỏ”.
Với vị Thánh Hữu học, khi đã chứng đạt Nípbàn, có lòng tin pháp tuyệt đối, đó là điều dễ hiểu.
Riêng về phàm phu có chánh kiến, những tiêu đề trên là mẫu mực để đặt lòng tin vào, để tin chắc rằng: “Đây là Pháp, là Luật của Đức Thế Tôn thuyết giảng”.
Đồng thời những pháp như: ít ham muốn, biết đủ, sống nơi thanh vắng, tinh tấn, trú niệm, thiền định, là những pháp cơ bản cho trí thấy được tam tướng, giúp cho “lòng tin pháp tuyệt đối sinh lên và tăng trưởng”.

D- Thành tựu diệu pháp này.
Chữ  saddhamma = saṃ (tốt đẹp)+ dhamma,  saddhamma được dịch là diệu pháp.
Diệu pháp chỉ cho:
-  37 pháp dẫn đến chứng đạt Nípbàn, đó là: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.
- Chỉ cho Tạng Thắng pháp (Abhidhammapiṭaka). Ngoài ra:
“Sattime bikkhabe, saddhammā. Katame satta?
Saddho hoti, hirimā hoti, ottappi hoti, bahussutto hoti, āraddhaviriyo hoti, satimā hoti, paññavā hoti. Ime ko bhikkhave, satta saddhammā’ti.
   “Có bảy diệu pháp, này các Tỳkhưu. Thế nào là bảy?
- Tín, xấu hổ, sợ hãi, nghe nhiều, tinh tấn, chánh niệm, có trí tuệ. Này các Tỳkhưu, có bảy diệu pháp này”  [55].
Lại nữa, diệu pháp còn nói đến bảy lực (bala) như kinh văn sau:
“Imāni kho, bhikkhave, sattabalānīti.
Saddhābalaṃ viriyañca, hiri ottappapiyaṃ balaṃ
Satibalaṃ samādhi ca, paññā ve sattamaṃ balaṃ
Etehi balavā bhikkhu, sukhaṃ jīvati paṇḍito.
“Yoniso vicine dhammaṃ, paññāyatthaṃ vipassati;
Pajjotasseva nibbānaṃ, vimokkho hoti cetaso’ti.
“Này các Tỳkhưu, có bảy sức mạnh này:
Tín lực và tấn lực, tàm lực và quý lực
Niệm lực và định lực, tuệ lực là thứ bảy
Tỳkhưu với lực này, sống hiền trí an lạc
“Như lý suy tư pháp, quán rõ đích trí tuệ
Như ngọn lửa tàn diệt, với tâm được giải thoát”. [56]

Thành tựu bảy sức mạnh này tâm được giải thoát, nên bảy sức mạnh này được xem là diệu pháp.
Lại nữa, thành tựu diệu pháp là thành tựu được 7 loại tài sản của bậc Thánh, là: “tín tài sản, giới tài sản, tàm (hổ thẹn tội lỗi) tài sản, quý (ghê sợ tội lỗi) tài sản, văn (nghe nhiều) tài sản, thí (dứt bỏ - cāga) tài sản và tuệ tài sản”.
Dứt phần duyên khởi.
Tiếp theo Đức Sāriputta thuyết giảng 16 pháp môn, nhờ đó vị Thánh hữu học thành tựu diệu pháp này.


[1]- HT. Thích Minh Châu (dịch) (1973), M.i, Kinh Chánh tri kiến (sammādiṭṭhisutta), Sàigòn, Viện Đại Học Vạn Hạnh, tr. 46.
[2]- Jetavanavihāra thường được dịch là KỳViên tịnh xá. Có sách dịch là Bố Kim Tự, do lấy sự kiện “trải vàng lấy đất lập chùa”.
[3] – Đại Trưởng lão Bửu Chơn (dịch), (1961), Kho tàng Pháp Bảo, Sài Gòn, Nhà in Nguyên Ba, tr. 63.
[4]- Đại Đức Thiện Phúc (dịch) (kn), Sớ giải kinh Chánh tri kiến.
[5]- HT. Thích Minh Châu (dịch) (1975),  M.iii- Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt , Sài Gòn, Viện Đại Học Vạn Hạnh. ( Ai- 173, A.ii- 147).
[6]- M.iii- Mahākammavibhaṅgasutta.
[7]- Là trí có tà kiến làm cảnh- Ns.
[8]- HT. Thích Minh Châu (dịch), (1982), (Dhp, câu 19), Tp Hồ Chí Minh, Viện Phật Học Vạn Hạnh, tr. 300 .  
[9]- D.i, kinh Phạm Võng (brammajālasutta).
[10]- “Đệ tử Như Lai”,  ám chỉ bậc Thánh Hữu học- Ns.
[11]- Tập sớ giải thích là jarā-già
[12]- HT. Thích Minh Châu (dịch), (1987), Kinh bộ Tăng chi tập I (A.i.152), Tp Hồ Chí Minh, Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, tr.169.
[13]- HT. TMC (d), (1982), Tiểu bộ kinh (Dhp, câu 113), Tp Hồ Chí Minh, Viện Phật Học Vạn Hạnh.
[14]- Tức không phải do nhất nhân sinh, mỗi pháp sinh lên do nhiều nhân hội lại, trong đó có một nhân là chủ yếu, nhân chủ yếu này được gọi là nhân cần thiết hay nhân gần nhất- padaṭṭhāna- và mỗi pháp có một nhân chủ yếu riêng- Ns.
[15]- DhpA, câu 11-12 .
[16]- HT. TMC (d), (1982), Tương ưng Bộ kinh (S.v, 414), Tp Hồ Chí Minh, Tu Thư Phật Học Vạn Hạnh, tr. 417.
[17]- Gia chủ Citta là bậc Anahàm, có tuệ phân tích- Ns.
[18]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (d), (1990), Bộ Pháp tụ, Tp Hồ Chí Minh, Thành Hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh. tr.271.
[19]- Xem S.iv 295 (Godattasuttaṃ)
[20]- Chánh kiến được Đức Thế Tôn nêu lên trước tiên trong Thánh đạo tám chi, cũng là do ý nghĩa này.
[21]- HT. TMC (d), Dhp, kệ ngôn số 20.
[22]- HT, TMC (d), S.ii, 115.  
[23]-HT. TMC (d), S.ii, 16 (Kaccānagottasuttam.).
[24]- HT. TMC (d), Dhp , câu 319.
[25]- HT. TMC (d), Dhp, câu 318. 
[26]- Vsm. Chương XVI, xiển minh Quyền- Đế.
[27]- HT. TMC (d),  M.iii, kinh Đại thập tứ (mahācattārīsakasutta).
[28]- HT. TMC (d), M.iii. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt.
[29]- Phạm Kim Khánh (d), (1971), Kinh Pháp Cú (Dhp, câu 69), tr. 83.
[30]- Vấn đề này rất rộng, ở đây chỉ trình bày vắn tắt. Xin xem thêm  sách Thanh tịnh đạo.
[31]- Những lộ đắc Đạo cao, xin xem Quy Trình Tâm Pháp (TK Chánh Minh biên soạn).
[32]- Chánh kiến Siêu thế là trí trong tâm Đạo hay tâm quả Siêu thế, hai loại tâm này không làm việc tục sinh, nên không tạo ra danh sắc mới trong kiếp sau- Ns.
[33]- HT. TMC (d), A.ii, 6. 
[34]- HT. TMC (d), A.v, 288.
[35]- HT. TMC (d), A. i,110.
[36]- Ud. 48.
[37]- M.ii,  Kinh Cẩu hành giả (kukkuravatikasuttaṃ).
[38]- DhpA- kệ ngôn 41.
[39]- DhpA, kệ ngôn số 21. 
[40]- HT. TMC (d), A.ii, 229 (vohārapathasuttam.).
[41]- Sớ giải kinh Hemavata (Sn- 27).
[42]- HT. TMC,  Dhp- câu 268.
[43]- HT. TMC (d), A.i, 168.
[44]- HT. TMC (d), A.iv, 190 (phần 13, phần 16). (assakhaḷuṇkasuttaṃ).
[45]- HT. TMC (d), A.ii, 172
[46]- A.ii, 52.(vipallāsasuttaṃ).
[47]- HT.TMC (d), A.iv, 156.
[48]- Xem A.i, 295. Pháp ba chi, chương XVI, Paṭipāda suttaṃ (Kinh Đạo lộ). 
[49]- Đại Đức Khải Minh (dịch), SaddhammaJotika- mẩu đề tam (Mahāṭīkā)- .
[50]- D.ii, Kinh Kassapa (Kassapasīhamādasutta).
[51]- HT. TMC (d), A.i, 115. (Devalokasuttaṃ- Kinh Thiên giới).
[52]- HT. TMC (d), S.v, 10 (sūkasuttaṃ). Trong A.i,8. Phẩm đặt hướng và trong sáng (paṇihita- acchavaggo) thì ghi là “tâm đặt đúng hướng (sammāpaṇihitattā cittassā’ti).
[53]- A.iv, 280.
[54]- A.iv, 228.
[55]- HT. TMC (d), A.iv, 145.
[56]- HT. TMC (d), A.iv, 3 (Vitthatabalasuttaṃ- Các sức mạnh tóm tắt).

-ooOoo-
Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06
______________________________________________________________