LTS: Đảng cộng sản Việt Nam vừa kết thúc hội nghị Trung ương đảng lần thứ IV, khóa XI. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ nhiệm vụ quan trọng số một của kỳ đại hội này là: “Chỉnh đốn Đảng”. Với lời lẽ rất hùng hồn như: “Chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng…coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta”. Ông Trọng đề nghị ‘Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại’. “Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng”, “Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên”, “Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình”…
Nói chung toàn bộ bài phát biểu này không có gì mới, vẫn những tư duy cũ kỹ và xơ cứng qua đó cho chúng ta thấy được sự bảo thủ, duy ý chí và hoàn toàn bế tắc về lý luận của ĐCSVN. Một điều đáng chú ý trong bài phát biểu này là ông Nguyễn Phú Trọng lên án và bài xích mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân.
Để bạn đọc nhận chân thế nào là “chủ nghĩa cá nhân” và “chủ nghĩa vị kỷ”, và cũng để phản biện những lời tuyên bố của ông Trọng, chúng tôi đăng lại bài viết trước đây (tháng 8/2010) của ông Nguyễn Gia Kiểng về chủ đề này.
Đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng như mọi đảng cộng sản, coi chủ nghĩa cá nhân là thù địch; họ nhắc lại trong mọi văn kiện quan trọng của họ. Thái độ này dù đúng hay sai cũng phù hợp với chủ thuyết của họ. Điều đáng nói là rất nhiều trí thức Việt Nam, trong đó có những trí thức dân chủ mà tôi quí mến, cũng tỏ ra dị ứng với chủ nghĩa cá nhân. Nhiều người đồng hóa nó một cách tự nhiên với chủ nghĩa vị kỷ. Như vậy một số điểm cần được đả thông.
1. Trước hết chủ nghĩa cá nhân là gì? Một cách ngắn gọn, đó là trường phái tư tưởng dành cho cá nhân chỗ đứng trước hết và trên hết. Đối lập với nó là chủ nghĩa tập thể (collectivism, holism) coi tập thể (thông thường là xã hội, nhưng cũng có thể là giáo hội, đảng, tổ quốc) là cứu cánh; cá nhân chỉ có ý nghĩa nếu là thành phần của tập thể và do đó một mặt có nhiệm vụ đóng góp cho tập thể, mặt khác có thể bị hy sinh vì quyền lợi của tập thể.
Một minh định quan trọng: cá nhân không phải là bản thân mình. Những chống đối chủ nghĩa cá nhân chủ yếu là do sự lẫn lộn này. Thay vì hiểu rằng chủ nghĩa cá nhân đặt quyền lợi và hạnh phúc cá nhân lên trên hết, người ta hiểu chủ nghĩa cá nhân là đặt quyền lợi của mình lên trên hết, rồi đồng hóa nó với chủ nghĩa vị kỷ (egoism).
Nhưng cá nhân và bản thân mình là hai ý niệm rất khác nhau và không thể lẫn lộn. Cá nhân phải được hiểu là con người được nhìn một cách độc lập với tư cách thành viên của một tập thể nào đó. Con người này vừa trừu tượng vừa phổ cập, vì không là riêng ai cả nhưng lại hiện diện trong mọi người, nó được coi là giá trị cao nhất. Mỗi cá nhân là một thể hiện cụ thể của con người này và phải được tôn trọng. Sự khác biệt giữa cá nhân với bản thân mình cũng giống như sự khác biệt giữa số 1 và một con gà hay một con vịt. Chủ nghĩa cá nhân coi mục đích của tổ chức xã hội, trong đó quan trọng nhất là chính quyền, là tạo điều kiện để mỗi cá nhân xây dựng hạnh phúc của mình. Nói cách khác, cá nhân là cứu cánh, mọi tổ chức trong xã hội kể cả nhà nước chỉ là phương tiện.
Ngược lại, chủ nghĩa tập thể coi xã hội là cứu cánh, cá nhân là phương tiện. Một thí dụ của chủ nghĩa cá nhân là Hoa Kỳ trong đó những quyền cá nhân căn bản được coi là bất khả xâm phạm. Một thí dụ của chủ nghĩa tập thể là chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, trong đó việc xây dựng "xã hội xã hội chủ nghĩa" được coi là cứu cánh.
2. Loài người, từ khi biết sống có tổ chức cho đến thế kỷ 18 đã chỉ biết có chủ nghĩa tập thể mà thôi. Trong mọi tổ chức xã hội trên khắp thế giới cho đến lúc đó tập thể là tất cả, và tập thể thường thường thể hiện qua người cầm quyền tự phong cho mình vai trò đại diện, cá nhân không có vai trò nào cả ngoài vai trò của một bộ phận trong tập thể và có thể bị hy sinh vì quyền lợi của tập thể. (Xét cho cùng thì những bầy thú vật, như đàn ong, đàn kiến, đàn chim cũng tổ chức theo chủ nghĩa tập thể dù chỉ là một cách vô ý thức). Như vậy chủ nghĩa tập thể không có gì mới, nó chỉ là công thức tổ chức sống chung rất cổ xưa.
Điều thực sự mới là chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân đặt nền tảng trên khái niệm về con người phổ cập, được coi là giá trị cao quí nhất và phải được tôn trọng trong từng thể hiện cụ thể của nó, nghĩa là trong mỗi cá nhân. Khái niệm cá nhân đã được thai nghén trong suốt cuộc hành trình của loài người từ hoang dại tới văn minh và đã được chính thức khai sinh vào thế kỷ 18, thường được gọi là Thế Kỷ Ánh Sáng để đánh dấu một bước tiến vĩ đại của trí tuệ loài người. Trước đó không làm gì có con người nói chung hay phổ cập. Người ta là người Pháp hay người Ý, người Việt, người Trung Hoa hay người Chiêm Thành, là chủ hay là nô lệ, là vua, là quan hay là dân, là kẽ sĩ, hay nông dân, v.v., nghĩa là một thành phần hay một vai trò nào đó. Khái niệm con người là một khám phá thực sự mới và vĩ đại. Khám phá quan trọng nhất của loài người đã là sự khám phá ra chính mình!
3. Khái niệm công bình xã hội, nghĩa là lợi tức quốc gia phải được phân phối một cách tương đối đồng đều thay vì tập trung vào một thiểu số ngay cả nếu vì thế mà đà tiến chung của xã hội phần nào bị chậm lại, chỉ có ý nghĩa trong chủ nghĩa cá nhân. Nếu tập thể là tất cả, như các chủ nghĩa tập thể chủ trương, thì một mức độ tăng trưởng tổng sản lượng quốc gia (GDP) 10% như Trung Quốc, hay 7,5% như Việt Nam là tốt rồi. Sự kiện có những người nghèo khổ, hay bệnh tật mà không được chăm sóc, là đáng buồn nhưng không quan trọng. Chính sự tôn trọng từng con người, nền tảng của chủ nghĩa cá nhân, mới không cho phép chấp nhận tình trạng này. Đây không phải là một lý luận trừu tượng. Hãy nhìn vào tình trạng các nước cộng sản còn lại: Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên.
Cần nhấn mạnh rằng đây không phải là một tình trạng mới, người ta chỉ nhìn rõ hơn những gì đã xảy ra từ lâu nhờ những tiến bộ về truyền thông. Ngay từ lúc được thành lập, các chế độ này vẫn quan niệm rằng mọi cấp lãnh đạo đương nhiên cần và phải được cung cấp nhiều tiện nghi và thực phẩm hơn một người bình thường vì họ giữ vai trò quan trọng hơn trong xã hội.
4. Cũng thế, sự quí trọng con người là nền tảng của mọi hoạt động từ thiện. Chính niềm tin rằng có một con người phổ cập phải được kính trọng ở trong ta và ở trong mọi người mới khiến ta không thể chấp nhận tình trạng có những con người bị rơi vào cảnh cùng cực. Đây cũng không phải là một lý luận trừu tượng. Thực tế chứng tỏ rằng các hoạt động thiện nguyện mạnh nhất tại các quốc gia theo chủ nghĩa cá nhân như Hoa Kỳ và các nước Anglo-Saxon nói chung, và Tây Âu. Các hoạt động thiện nguyện tại các nước này vốn đã mạnh từ lâu rồi chứ không phải mới gần đây, do đời sống sung túc.
5. Con người phổ cập với những quyền bất khả xâm phạm đã được khẳng định trong bản tuyên ngôn lập quốc của Hoa Kỳ năm 1776, rồi trong bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp 1789, sau cùng được tổng hợp trong Bản Tuyên Ngôn Phổ Cập Về Quyền Con Người của Liên Hiệp Quốc năm 1948.
Các văn kiện này, rõ rệt nhất là bản tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc 1948, qui định những quyền cơ bản - những quyền "không bị" cũng như những quyền "được có" - của cá nhân mà mọi nhà nước phải tôn trọng, để mỗi người có thể sống một cách xứng đáng. Bản tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc 1948 chỉ qui định những bổn phận của nhà nước đối với cá nhân chứ không qui định một bổn phận nào của cá nhân đối với nhà nước. Tài liệu này mặc nhiên coi cá nhân là giá trị cao nhất; tổ chức xã hội, trong đó có nhà nước, có mục đích sau cùng là phục vụ cá nhân ; nó có thể được coi như là bản tuyên cáo của chủ nghĩa cá nhân và đem lại cho chủ nghĩa cá nhân một nội dung cụ thể.
6. Bản tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc năm 1948, và những văn kiện bổ túc sau đó, qui định những quyền căn bản của cá nhân phải được tôn trọng không điều kiện, trong đó có các quyền tự do thông tin và ngôn luận, tự do thành lập và tham gia các tổ chức kể cả chính đảng, tự do bầu cử và ứng cử. Các quyền này định nghĩa một chế độ dân chủ. Bản tuyên ngôn nhân quyền 1948 vì vậy cũng là bản tuyên ngôn dân chủ. Dân chủ và nhân quyền như vậy chỉ là cùng một khái niệm dưới hai góc nhìn khác nhau: dân chủ là nhân quyền dưới góc nhìn quốc gia, nhân quyền là dân chủ dưới góc nhìn cá nhân. Phân biệt đấu tranh cho dân chủ và đấu tranh cho nhân quyền là sai.
7. Nhiều người đặt câu hỏi: chế độ chính trị nào cũng đặt nền tảng trên một tín ngưỡng hay một chủ nghĩa, vậy nền tảng của dân chủ là gì? Hai điểm 5 và 6 trên đây trả lời dứt khoát. Nền tảng của dân chủ là chủ nghĩa cá nhân. Người ta không thể đấu tranh cho dân chủ trong khi vẫn dị ứng với chủ nghĩa cá nhân. Các chế độ độc tài - cộng sản, nazi, phát-xít, quân phiệt, v.v. - là sự ứng dụng chủ nghĩa tập thể dưới các dạng khác nhau; chúng đều có một đặc điểm chung là coi thường con người.
8. Sự lẫn lộn chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa vị kỷ là do ảnh hưởng của văn hóa Pháp mà người Việt Nam đã tiếp thu. Một trong những điểm đặc thù của nước Pháp là sự lấn cấn này. Nhiều trí thức Pháp rất lỗi lạc, có thể có những lý luận rất độc đáo và sáng tạo trên nhiều vấn đề, vẫn tỏ ra bối rối khi đề cập đến chủ nghĩa cá nhân, vẫn coi chủ nghĩa cá nhân như là con đường dẫn tới thái độ vị kỷ, với hậu quả là làm phai mờ ý thức quốc gia và cộng đồng.
Alexis de Tocqueville, nhà tư tưởng chính trị lỗi lạc nhất của Pháp đầu thế kỷ 19, trong tác phẩm để đời của ông về nền dân chủ Hoa Kỳ (De la démocratie en Amérique) tỏ ra rất ngưỡng mộ quốc gia mới thành lập này, nhưng vẫn băn khoăn tự hỏi chủ nghĩa cá nhân sẽ đưa nước Mỹ tới đâu? Câu trả lời đã quá hùng hồn: vào lúc De Tocqueville đặt câu hỏi này, Hoa Kỳ là một nước ít ai biết đến với không đầy mười triệu dân. Ngày nay, non hai thế kỷ sau, họ là siêu cường số 1, vượt rất xa phần còn lại của thế giới, với 300 triệu dân, tất cả đều hãnh diện là người Mỹ; hàng tỷ người trên thế giới mơ ước được như họ; thể chế dân chủ mà họ khởi xướng đã trở thành đồng thuận của loài người văn minh.
Mặc dầu vậy, trí thức Pháp vẫn tiếp tục dị ứng với chủ nghĩa cá nhân do trọng lượng của di sản lịch sử và văn hóa; đặc biệt là di sản của cuộc cách mạng đẫm máu 1789. Đoạn tuyệt với một văn hóa khó hơn nhiều so với thay đổi một chế độ chính trị. Nhưng hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày người Pháp ra đi, chúng ta cũng cần chứng tỏ sự độc lập về văn hóa. Vả lại chính người Pháp, từ ít nhất hai thập niên, cũng đã từ bỏ thành kiến xấu với chủ nghĩa cá nhân.
9. Như trên đã nói, trong suốt quá trình tiến hóa, từ cuộc sống tiền sử đến cận đại, tất cả mọi tổ chức xã hội trên thế giới đều đặt nền tảng trên chủ nghĩa tập thể. Chủ nghĩa cá nhân xuất hiện vào thế kỷ 18 như là một phản bác đối với tất cả các chủ thuyết, các chế độ chính trị và các thế lực cầm quyền. Không có gì ngạc nhiên nếu nó đã là đối tượng đánh phá từ mọi phía của các thế lực thủ cựu cố duy trì chủ nghĩa tập thể. Lý thuyết của Karl Marx là một trong vô số những phản ứng này, nó nhìn nhận quyền con người ở một mức độ nhưng lại dựa vào đó để ngụy biện cho chủ nghĩa tập thể. Đằng sau những biện luận có vẻ rất hùng hồn của Marx chỉ là một sự triệt thoái lúng túng, tương tự như chính sách "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
10. Hòa giải với dân chủ
Ngày nay có thể nói là mọi người Việt Nam đều muốn dân chủ, kể cả đa số đảng viên cộng sản. Một câu hỏi phải được đặt ra: vậy tại sao chúng ta vẫn chưa có dân chủ?
Câu trả lời có thể chỉ giản dị là tuy chúng ta muốn dân chủ nhưng dân chủ lại không muốn chúng ta. Đại bộ phận người Việt Nam, dù cộng sản hay chống cộng, dù ở miền Nam hay miền Bắc, trong một thời gian dài đã chỉ biết có chủ nghĩa tập thể, đã chỉ nhắm xây dựng những chế độ độc tài dưới các dạng khác nhau; không những thế còn ngưỡng mộ bạo lực. Tâm lý chúng ta thực ra chưa thay đổi bao nhiêu. Chúng ta thấy các nước dân chủ giàu mạnh và tự do cho nên cũng muốn được như họ. Nhưng thèm muốn không phải là tình yêu. Chúng ta không yêu dân chủ đến mức độ có thể phấn đấu cho nó. Không có gì ngạc nhiên nếu dân chủ không muốn chúng ta. Chúng ta cần hòa giải với dân chủ, trước hết với chủ nghĩa nền tảng của nó: chủ nghĩa cá nhân.
Nguyễn Gia Kiểng
No comments:
Post a Comment