Chỉ mục bài viết |
---|
Chính đề Việt Nam (4) Tùng Phong - Lê Văn Đồng |
Công cuộc Tây phuong hóa tự ý |
Tất cả các trang |
Trang 1 trong tổng số 2 “…Tình thế đã chín muồi cho một cuộc cách mạng. Cách mạng sẽ bùng nổ, khi nào khối quần chúng được một lãnh tụ quy tụ bằng uy tín cá nhân, hay được một đảng phái quy tụ bằng một đường lối, hay nữa, khi nào có một cuộc ngoại xâm…” Phần II VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRONG KHUNG CẢNH THẾ GIỚI VỪA TRÌNH BÀY Thâu thập khá năng sáng tạo kỹ thuật Sự thâu thập càng ngày càng khó khăn này là một lý do khả dĩ giải thích một phần vì sao mà trong cuộc chiến đấu với Tây phương, Nga nhiều lần bị kỹ thuật của Tây phương lấn áp. Lý do thứ hai dưới đây, có tính cách trừu tượng hơn nhưng lại minh biện hơn. Trong việc thâu thập kỹ thuật, Nga vẫn theo các nếp cũ, cho nên vẫn tìm cách thâu thập các kỹ thuật, chớ không bao giờ tìm cách thâu thập khả năng của lý trí, khả dĩ sáng tạo được kỹ thuật. Do đó, một khi Nga vừa chế ngự được một mớ kỹ thuật, thì óc sáng tạo của Tây phương đã đẻ ra những kỹ thuật mới, tinh xảo hơn. Thành ra lối thâu thập cũ nếu có thể áp dụng ở thời kỳ tiền khoa học, thì vào thời kỳ khoa học chỉ vừa đủ để cho những người áp dụng chạy theo đuôi Tây phương. Nguyên do ở chỗ trước kia các phát minh kỹ thuật là một sự tình cờ, thỉnh thoảng mới nẩy ra lúc thì nơi này lúc thì nơi khác. Nhưng từ ngày xã hội Tây phương đã chế ngự được khoa học, phương pháp hoá sự nghiên cứu, quy củ hoá sự tìm tòi thì các cuộc phát minh trở thành liên tục và biến thành một thế độc quyền của những ai chế ngự được khả năng sáng tạo khoa học. Vì vậy mà vấn đề thâu thập kỹ thuật trước kia đơn sơ và ở vào trình độ bắt chước, sau khi khoa học đã phát triển, phải được đưa lên đến trình độ chế ngự khả năng sáng tạo khoa học. Phải như vậy, nếu những người thâu thập kỹ thuật Tây phương không muốn lúc nào cũng chỉ chạy theo đuôi Tây phương và lúc nào cũng bị kỹ thuật Tây phương chi phối. Nghĩa là công cuộc Tây phương hoá chỉ hữu hiệu khi nào được thực hiện đúng đến mức độ đủ cao. Đó là bài học mà nước Nga, sau nhiều thế kỷ kinh nghiệm và bằng một giá rất đắt, đã thâu thập được. Và đó là một bài học vô giá cho các nước ở trong tình trạng phải Tây phương hoá để bảo vệ sự sinh tồn của mình. Chính nước Nga đã áp dụng ngay bài học đó trong cuộc cách mạng 1917. Và chung quy cuộc cách mạng 1917 của Nga chỉ là một cuộc Tây phương hoá toàn diện và tự đặt cho mục đích phải đến mức độ đủ cao. Nghĩa là phải làm thế nào khắc phục được khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương. Cuộc Tây phương hoá ở Nga đã toàn diện, nhưng cuộc Tây phương hoá của Nga đã đến mức độ đủ cao chưa? Thời gian còn sớm quá nên chúng ta chưa có thể trả lời quả quyết được. Tuy nhiên, sự sáng tạo các hoả tiễn liên lục địa, các vệ tinh và hành tinh nhân tạo, các phi thuyền không gian, và nhiều phát minh khác trong mọi lĩnh vực, tuy không kích thích dư luận đại chúng, nhưng vẫn không kém phần quan trọng trên địa hạt khoa học, vượt hẳn khả năng sáng tạo của nhiều quốc gia Tây phương, là những triệu chứng cho chúng ta đoán rằng Nga đã thành công. Tuy nhiên, hãy còn sớm quá để chúng ta trả lời một cách dứt khoát. Ví dụ dưới đây lại thêm phần rõ rệt về tính cách tối quan trọng của mức độ đủ cao của công cuộc Tây phương hoá. Trường hợp của Nhật Cái hay phi thường của các nhà lãnh đạo Nhật thời Minh Trị lúc bị Tây phương tấn công, là, mặc dầu không có cái kinh nghiệm chiến đấu trong mấy thế kỷ chống Tây phương như Nga, lại nhìn thấy ngay sự cần thiết của một công cuộc Tây phương hoá toàn diện. Nhưng có lẽ quan niệm về cao độ của công cuộc Tây phương hoá không được rõ rệt lắm cho nên đến ngày nay, mặc dầu công cuộc Tây phương hoá của Nhật đã thành tựu một cách không ai phủ nhận được, sự chế ngự khả năng sáng tạo khoa học của Nhật chưa có dịp xuất lộ một cách rõ rệt như của Nga. Trái lại một vài trường hợp lịch sử chứng minh rằng người Nhật trong công cuộc Tây phương hoá toàn diện, chưa đạt đến mức độ đủ cao. Lúc khởi đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương giữa Nhật và Mỹ, các phi công Mỹ đều khiếp sợ thành tích, tốc độ tầm hoạt động, sự dễ lái, hoả lực và sức chịu đựng của loại phi cơ khu trục của Nhật gọi là Zéro. Và các cường quốc đều xem khu trục cơ của Nhật là một thực hiện bậc nhất trong thế giới của khoa học hàng không Nhật. Nhưng sau hai năm chiến tranh, trong khi Mỹ lần lần cho xuất hiện những loại phi cơ vượt hẳn loại phi cơ Zéro về mọi mặt; thì Tổng Tham Mưu Nhật và kỹ thuật hàng không Nhật vẫn không sáng chế được một loại phi cơ nào hơn loại Zéro được. Do đó sự làm chủ không phận lọt vào tay Mỹ và chiến thắng cuối cùng về Mỹ như chúng ta đều biết. Có thể nhiều yếu tố đã ảnh hưởng cùng một lúc để đưa đến sự kiện trên. Nhưng một điều chắc chắn là trong số các yếu tố đó, có sự kiện là cuộc Tây phương hoá của Nhật, mặc dù đã kết quả rất tốt đẹp, vẫn chưa đi đến chỗ chế ngự một cách đầy đủ khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương. Trong thời bình, mặc dầu những bí mật của quốc phòng vẫn được mỗi quốc gia giữ gìn kỹ lưỡng, các tin tức khoa học vẫn được trao đổi giữa các cường quốc tiến bộ, hoặc bằng lối trao đổi văn hoá thông thường, hoặc bằng lối tình báo bí mật. Do đó, sự chênh lệch giữa các nước về kỹ thuật không đến đỗi to tát lắm. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh, cố nhiên là những luồng giao hoán đều gián đoạn và mỗi nước phải sống với cái vốn sáng tạo riêng của mình. Lúc bấy giờ, nếu trình độ chế ngự khả năng sáng tạo khoa học của nước mình chưa đủ cao thì kỹ thuật sẽ sút kém và ảnh hưởng nặng nề đến chiến cuộc. Trường hợp trên đây của Nhật xác nhận hai điểm: Tây phương hoá đến mức độ đủ cao 1. Tính cách thiết yếu của sự đạt đến mức độ đủ cao của công cuộc Tây phương hoá. 2. Đạt đến mức độ đủ cao của công cuộc Tây phương hoá là một điều vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta không đạt đến mức độ đủ cao trong công cuộc Tây phương hoá thì chính là mục đích của công cuộc Tây phương hoá chúng ta không đạt được. Nghĩa là những kết quả của một công cuộc Tây phương hoá không đủ cao, sẽ không giúp cho chúng ta bảo vệ được sự tồn tại của dân tộc, lý do chính, vì đó mà chúng ta nhận định rằng công cuộc Tây phương hoá là cần thiết. Nước Nhật, trong công cuộc Tây phương hoá của họ, đã đạt được nhiều kết quả mà, chẳng những chúng ta và các nước cùng đang theo đuổi công cuộc Tây phương hoá, đều thán phục, mà đến các nước Âu Mỹ cũng ngợi khen. Thế mà, trong giờ phút quyết liệt của cuộc chiến đấu quyết định sự thắng bại của dân tộc, thì kỹ thuật của họ vẫn chưa sánh kịp với kỹ thuật Tây phương. Xem thế đủ biết rằng, việc chế ngự được khả năng sáng tạo khoa học không phải là việc dễ làm. Nếu chúng ta đã quan niệm rằng sự đạt đến mức độ đó là thiết yếu, thì việc đạt được vẫn còn là một việc vô cùng khó khăn. Nay nếu chúng ta không đặt vấn đề ấy là cần thiết, thì chắc chắn là không bao giờ chúng ta chế ngự được khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương. Và như thế là chúng ta đã đầu hàng trước khi ra trận.Tất cả các điều trình bày trên kia lại càng xác nhận quan điểm cho rằng, công cuộc Tây phương hoá toàn diện và việc đạt được đến mức độ đủ cao là thiết yếu cho sự sống còn của dân tộc chúng ta. Và bởi vì một công cuộc Tây phương hoá như vậy sẽ vô cùng khó khăn và đòi hỏi ở toàn dân những nỗ lực lớn lao và những hy sinh nặng nề, thì nếu không phải chính chúng ta chủ trương và lãnh đạo lấy, thì chắc chắn rằng không làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được công cuộc Tây phương hoá của chúng ta. Độc lập để Tây phương hoá Sau khi đã phân tích như vậy rồi, chúng ta mới nhận thấy rằng chủ trương của một số nhà cách mạng trước đây, đề nghị nên hợp tác với Pháp để duy tân Việt Nam, là một chủ trương sai lầm. Sai lầm vì những người ấy đã không phân tích vấn đề thấu đến tâm, nên tưởng rằng người ngoại quốc có thể trách nhiệm một công cuộc Tây phương hoá như chúng ta đã trình bày ở trên. Thật sự, trong thời kỳ người Pháp ở đây, chúng ta đã có một cuộc Tây phương hoá. Nhưng chính vì sự thống trị của người Pháp ở đây, nên cuộc Tây phương hoá đó không làm sao được hướng dẫn theo một chiều hướng có ích lợi cho đần tộc. Vì vậy cho nên đã mang đến những hậu quả vô cùng tai hại, mà chúng ta đều biết. Như thế, điều kiện tiên quyết và thiết yếu để thực hiện cho được công cuộc Tây phương hoá là phải độc lập. Có độc lập chúng ta mới chủ động được vận mạng của chúng ta và lãnh đạo được công cuộc Tây phương hoá, mà sự thành hay bại quyết định tương lai của chúng ta trong mấy thế kỷ sắp tới đây. Theo đó thì những nhà cách mạng đã chủ trương hợp tác với Pháp đã đi sai đường lối. Chủ trương của họ chỉ có thể dung nạp với tác dụng của một chiến thuật giai đoạn, để có thể đỡ khổ cho dân chúng. Chính chủ trương của những nhà cách mạng chống Pháp một cách cực đoan là một chủ trương đúng. Vì vậy mà như chúng ta đã biết, và như chúng ta sẽ phân tích chi tiết hơn sau này, các nhà lãnh đạo Việt Nam theo đường lối Cộng Sản, đã hành động đúng hoàn cảnh khi họ tự quy tụ dưới lá cờ Cộng Sản của Nga Xô trong giai đoạn chiến đấu giành độc lập. Nhưng độc lập không phải là mục đích, mà chỉ là một điều kiện khẩn thiết, như chúng ta vừa thấy trên đây, để có thể thực hiện được cuộc phát triển dân tộc. Và khi bước sang giai đoạn phát triển dân tộc, sự tự quy tụ dưới lá cờ Cộng Sản còn có phải là một hành động lợi ích cho dân tộc không? Sau này chúng ta sẽ trả lời với chi tiết câu hỏi đã nêu lên. Bây giờ ta chỉ nên biết rằng mặc dầu sự tự quy tụ dưới lá cờ Cộng Sản đã đưa đến nhiều kết quả trong công cuộc chiến đấu giành độc lập, nhưng không phải vì những thành tích ấy mà có thể quả quyết rằng nếu muốn đạt đến những thành tích khả quan tương tự trong giai đoạn phát triển, chúng ta lại cần phải quy tụ dưới lá cờ Cộng Sản như nhiều người đã nghĩ. Hoàn cảnh đã thay đổi và vấn đề đã thay đổi, thì giải pháp không thể giữ như cũ được. Tây phương hoá và bản chất dân tộc Trong phạm vi vấn đề Tây phương hoá, chúng ta còn phải trả lời một câu hỏi. Nếu chúng ta phải thực hiện cuộc Tây phương hoá toàn diện và đến mức độ đủ cao như trên đã nói thì liệu bản chất của dân tộc chúng ta có còn tồn tại nữa không? Và, nếu sau cuộc Tây phương hoá mà bản chất của dân tộc đã mất, thì công cuộc Tây phưỡn hoá có còn đáng để chúng ta theo đuổi để thực hiện với tất cả sự gian lao và hy sinh của toàn dân chăng? Và đã như vậy thì chúng ta thực hiện công cuộc Tây phương hoá để bảo vệ cái gì? Trước hết chúng ta nên nhận xét các sự kiện đã xảy ra nếu chúng ta không tự ý Tây phương hoá. Như chúng ta đã thấy, nếu chúng ta không tự ý Tây phương hoá, thì trước hết chúng ta sẽ mất độc lập và sẽ mất chủ quyền định đoạt vận mạng của dân tộc chúng ta. Sau đó, cuộc Tây phương hoá vẫn sẽ thực hiện đối với chúng ta, nhưng không phải chúng ta lãnh đạo và hường dẫn. Một cuộc Tây phương hoá không được hướng dẫn sẽ mang đến sự tan rã của xã hội chúng ta. Và nếu thật sự một cuộc Tây phương hoá tự ý và có lãnh đạo không làm tan rã xã hội, lại có thể làm mất bản chất của dân tộc, thì chúng ta có thề quả quyết rằng một cuộc Tây phương hoá bắt buộc và không hương dẫn, làm tan rã xã hội, chắc chắn sẽ làm mất mười lần hơn bản chất dân tộc của chúng ta. Như vậy giữa hai thái độ tự ý Tây phương hoá và bắt buộc Tây phương hoá, không còn có thể do dự nữa. Làm thế nào cũng phải lựa thái độ tự ý Tây phương hoá, dù mà, vì cuộc Tây phương hoá đó mà bản tính dân tộc của chúng ta có bị mất. Nếu thật sự có mất, ít ra chúng ta cũng còn bảo vệ được độc lập chủ quyền, sự toàn vẹn của xã hội. Nhưng chúng ta sẽ chứng minh dưới đây rằng, không có gì có thể cho chúng ta quả quyết là công cuộc Tây phương hoá, như chúng ta chủ trương, sẽ đưa đến sự mất bản chất dân tộc. Trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu một công cuộc Tây phương hoá toàn diện đòi hỏi ở chúng ta những thực hiện gì. Sau đó chúng ta cũng tìm hiểu một công cuộc Tây phương hoá đến mức độ đủ cao đòi hỏi ở chúng ta những thực hiện gì? Dựa trên đó chúng ta sẽ có đủ tài liệu để trả lời câu hỏi nêu lên ở đầu chương này. Như đã trình bày trên đây, nguồn gốc của một cuộc Tây phương hoá tự ý, trước tiên hết, là ý chí muốn thâu thập kỹ thuật tổ chức quân đội và kỹ thuật võ trang quân đội. Thường thường thì các nhà lãnh đạo, chủ trương thâu thập các kỹ thuật trên, đều có ý định muốn ngừng lại sau giai đoạn đó. Nhưng mà như thế là phủ nhận một định luật xã hội không làm sao tránh được: khi hai nền văn minh gặp nhau, liền tháo chốt cho một giòng sự kiện tuần tự diễn tiến theo một cơ thức nhất định. Và với tất cả nỗ lực và phương tiện có thể vận dụng được, thì ngay ở giai đoạn này, các nhà lãnh đạo, đã bắt đầu công cuộc Tây phương hoá cũng không còn có thể ngưng lại được nữa. Công cuộc Tây phương hoá sẽ thực hiện với họ hay là không có họ. Theo một cơ thức nhất định, sau lĩnh vực quân sự, làn sóng Tây phương hoá sẽ làm tràn đến lĩnh vực cơ cấu chính trị. Ít khi mà lĩnh vực cơ cấu chính trị được Tây phương hoá một cách êm ái, trừ ra khi nào chính các nhà lãnh đạo đã ý thức được rõ rệt vấn đề tự ý Tây phương hoá, như ở nước Nhật. Thường thường thì sau nhiều cuộc chánh biến, các cơ cấu chính trị của chế độ cũ, nhường chỗ cho những cơ cấu chính trị theo kiểu Tây phương. Ví dụ chế độ quân chủ chuyên chế nhường chỗ cho một chế độ quân chủ lập hiến theo kiểu Anh hay một chế độ cộng hoà theo kiểu Pháp, hoặc một chế độ Tổng Thống chế theo kiểu Mỹ. Bới vì lĩnh vực chính trị là một lĩnh vực chi phối tất cả đời sống của quốc gia, cho nên sức kháng cự lại làn sóng Tây phương hoá thường mạnh nhất ở lĩnh vực này, và công cuộc Tây phương hoá cũng đẫm máu nhiều nhất ở lĩnh vực này. Nhưng sau đó, từ lĩnh vực cơ cấu chính trị sang lĩnh vực giáo dục và sản xuất kinh tế thì công việc lại trở nên dễ dàng và như không còn gặp trở lực nữa. Bắt đầu từ đây, công cuộc Tây phương hoá lại bước sang một giai đoạn mới. Từ trước chủ trương Tây phương hoá chưa hoàn toàn thắng lợi và phải nhiều cam go lắm mới lọt vào được nội thành của xã hội bị tấn công. Nhưng từ đây, chủ trương đã chiếm được thành rồi, sang giai đoạn mới, công cuộc Tây phương hoá toàn diện sẽ không gặp những trở lực do chủ trương thủ cựu dựng lên nữa. Sự thành tựu hay không của công cuộc Tây phương hoá, từ lúc này, chỉ còn tuỳ thuộc ở quan niệm một công cuộc Tây phương hoá đến mức hay không đến mức của người lãnh đạo. Tây phương hoá sâu và rộng, hay là thất bại và sụp đổ Giai đoạn mới này lại còn có một đặc điểm khác. Từ trước tới đây chủ trương Tây phương hoá chỉ liên quan đến số người lãnh đạo. Chủ trương Tây phương hoá cũng họ mà chống đối cũng họ. Nhưng từ đây trở đi, vân đề Tây phương hoá, đã ngã ngũ ở trong giới của họ, mới bắt đầu lan ra đại chúng. Và cuối cùng thì sự thành công hay thất bại của công cuộc Tây phương hoá lại ở chỗ sự Tây phương hoá có thật sự lan rộng và ăn sâu đến đại chúng không? Nếu sự Tây phương hoá có lan rộng và ăn sâu đến đại chúng thì, trong một thời giai ngắn hay dài, tuỳ theo những biện pháp áp dụng để thực hiện công cuộc Tây phương hoá, sự Tây phương hoá sẽ ăn rễ ở quần chúng. Và ngược lại những sinh lực phát sinh từ quần chúng đã bắt đầu Tây phương hoá, lại hợp thành một hậu thuẫn vừa củng cố vừa thúc đẩy công cuộc Tây phương hoá. Trái lại, nếu sự Tây phương hoá không lan rộng và ăn sâu đến đại chúng thì, trong một thời gian ngắn, quần chúng sẽ ly khai với nhóm người lãnh đạo, và xã hội sẽ rơi vào một tình trạng phân ly rất là nguy hiểm cho sự tiến bộ của cộng đồng. Một bên, một thiểu số Tây phương hoá, một bên, khối đại đa số vẫn sống theo các giá trị tiêu chuẩn cũ. Sự cách biệt sẽ rất trầm trọng giữa hai bên, và công việc lãnh đạo không thể thi hành được, giữa hai khối người không sử dụng cùng một lối suy tưởng và không cùng tôn trọng những giá trị tiêu chuẩn chung. Trong trường hợp đó, sự nắm chính quyền của nhóm người, đã ly khai với đại chúng, là một hiện trạng bất thường chỉ duy trì được bằng những biện pháp cảnh sát cứng rắn. Tình thế đã chín muồi cho một cuộc cách mạng. Cách mạng sẽ bùng nổ, khi nào khối quần chúng được một lãnh tụ quy tụ bằng uy tín cá nhân, hay được một đảng phái quy tụ bằng một đường lối, hay nữa, khi nào có một cuộc ngoại xâm. Xem thế chúng ta nhận thấy rõ tất cả các nguy hại nếu công cuộc Tây phương hoá thất bại trong giai đoạn này và đồng thời cũng ý thức tính cách thiết yếu của một sự thành công. Tây phương hoá nửa chừng Bây giờ chúng ta trở lại các giai đoạn tiến triển của công cuộc Tây phương hoá. Những công cuộc Tây phương hoá, phân nửa thất bại, của các quốc gia ở Cận Đông giúp cho chúng ta một bản kê khai, khá đầy đủ, về sự tiến triển của công cuộc Tây phương hoá trong từng giai đoạn. Nhờ đó chúng ta được biết chắc chắn các sự kiện dưới đây. Từ lúc chủ trương Tây phương hoá đã lọt vào thành nội cơ cấu chính trị của một quốc gia rồi, thì từ đó sự lan tràn sang lĩnh vực giáo dục và kinh tế không gặp khó khăn nữa. Từ hai lĩnh vực này, công cuộc Tây phương hoá mới bắt đầu ăn sâu và lan rộng vào đại chúng. Ở nhiều quốc gia Cận Đông ý chí Tây phương hoá đến mức này là mãn hạn, vì sự kém khả năng huy động quần chúng của chính quyền Trung ương. Trong trường hợp đó, công cuộc Tây phương hoá sẽ bắt đầu thất bại và sẽ mang đến những hậu quả không tốt, như chúng ta đã thấy trên kia. Cũng nhờ ở những sự thất bại, nhận thấy ở trên, mà chúng ta được biết rằng trong các lĩnh vực của đời sống quốc gia, thì lĩnh vực đời sống thông thường, mà ngày nay chúng ta quen gọi là lĩnh vực xã hội và lĩnh vực văn hoá, là hai lĩnh vực có sức kháng cự nhiều nhất đối với sự Tây phương hoá, sau lĩnh vực tín ngưỡng mà chúng ta sẽ bàn đến, một cách riêng biệt, sau này. Sở dĩ như vậy, là vì hai lý do. Trước hết sự Tây phương hoá càng đi sâu vào những lĩnh vực liên quan đến số đông người, sức kháng cự càng mạnh, bắt nguồn ở sức thụ động của quần chúng. Lý do thứ hai là, sức kháng cự càng mạnh khi đụng đến các lĩnh vực liên quan đến những di sản tinh thần của dân tộc. Nếu hai lý do trên lại có cơ hội gặp nhau ở một lĩnh vực thì sức kháng cự lại còn mãnh liệt hơn nữa: Ví dụ như lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo. Cho đến ngày nay, chưa có một cuộc Tây phương hoá nào, kể cả hai cuộc Tây phương hoá thành công nhất của Nga Xô và của Nhật, đã vượt qua được lĩnh vực tôn giáo. Sự kiện này giải thích vì sao mà thế giới hiện nay, mặc dầu ở dưới sự chi phối hoàn toàn của kỹ thuật Tây phương, vẫn chia ra làm nhiều khu vực văn hoá và tôn giáo rõ rệt. Một ví dụ lịch sử Nếu có người nghĩ rằng, có lẽ thời gian chưa đủ dài, để cho các công cuộc Tây phương hoá nói trên, hoàn toàn xâm nhập vào các lĩnh vực tôn giáo, thì chúng ta có thể lấy trường hợp của đế quốc Hy Lạp La Mã khi xưa đối với các quốc gia ở trong khu vực ảnh hưởng của mình, để thêm một bằng cớ rằng công cuộc Tây phương hoá ngày nay không vượt qua được lĩnh vực tôn giáo. Xưa kia, các nước nằm trong đế quốc La Mã, hoàn toàn La Mã hoá trên mọi lĩnh vực, trừ ra lĩnh vực tôn giáo, mặc dù sự thống trị của đế quốc La Mã đã kéo dài gần một ngàn năm. Hơn thế nữa, sau đó, chính một tôn giáo Đông phương, Gia Tô giáo, đã thống trị ngược lại hết đế quốc La Mã Hy Lạp lúc bấy giờ. Nhưng đó là một vấn đề thuộc về một địa hạt lớn lao mà chúng ta không thể đề cập ở đây được. Nay chỉ cần ghi nhớ thêm một điểm: Công cuộc Tây phương hoá không vượt qua được lĩnh vực tôn giáo. Sau này chúng ta sẽ trở lại vấn đề này. Trên lĩnh vực văn hoá, tình trạng có hơi khác. Văn hoá dân tộc bắt nguồn từ di sản tinh thần thừa hưởng của dĩ vãng gồm, một mặt, các sáng tác văn hoá khẩu truyền hay thư loại, một mặt, đặc thức suy tưởng của dân tộc mà di sản đó đã hun đúc trong nhiều thế hệ. Nay, mở cửa tiếp văn minh Tây phương có nghĩa là thâu nhận thêm nhiều sáng tác văn hoá. Nhưng sự thâu nhận, dù có lên đến một mức độ quan trọng nào cũng không phủ nhận được di sản tinh thần của dĩ vãng. Do đó, đặc thức suy tưởng cổ truyền của dân tộc, nếu có bị ảnh hưởng ít nhiều, vẫn giữ nguyên bản chất. Như vậy ta nên chia lĩnh vực văn hoá làm hai phần: phần thứ nhất là phần văn hoá hấp thụ, và phần thứ hai là phần văn hoá sáng tạo. Phần hấp thụ sẽ thu nhận văn hoá Tây phương và chịu Tây phương hoá. Nhưng phần sáng tạo chắc chắn sẽ giữ đặc tính của dân tộc vì chịu ảnh hưởng đặc thức suy tưởng cổ truyền. Như vậy chúng ta có thể tin rằng công cuộc Tây phương hoá sẽ không làm mất tính chất dân tộc, nếu chúng ta, sau khi chế ngự được các kỹ thuật của Tây phương, lên đến mức độ sáng tạo với những phương tiện kỹ thuật đó. Những sự kiện dưới đây có thể xem như là những bằng cớ để xác nhận điều quả quyết trên đây. Các dân tộc ở Âu châu đều sống trong một nền văn minh kỹ thuật chung. Chẳng những tất cả các phương tiện kỹ thuật về sản xuất, về vận chuyển, về thông tin, vân vân..., đều như nhau, mà cho đến những chi tiết trong đời sống hằng ngày cũng giống nhau, mặc cùng một thứ quần áo, ăn cùng một thức ăn. Nhưng tất cả các sáng tác trong mỗi ngành của mỗi dân tộc đều khác. Ví dụ âm nhạc của một người Đức, không bao giờ giống âm nhạc của một người Anh. Nghĩa là, mặc dù sống trong một không khí văn minh kỹ thuật duy nhất, nhưng các di sản tinh thần của mỗi dân tộc vẫn cứ bộc lộ trong các sáng tạo của dân tộc đó. Sau hơn bốn mươi năm của một công cuộc Tây phương hoá triệt để, thâm nhập mọi lĩnh vực của đời sống, các sáng tạo văn hoá của Nga Xô vẫn mang đặc tính dân tộc người Nga. Sau hơn một trăm năm Tây phương hoá toàn diện, các sáng tạo văn hoá của Nhật vẫn mang đặc tính dân tộc Nhật. Có lẽ tới đây chúng ta không cần kéo dài cuộc biện luận nữa. Chúng ta có thể quả quyết rằng một công cuộc Tây phương hoá toàn diện không làm mất bản chất dân tộc, miễn là chúng ta phải vượt lên được đến mức sáng tạo. Dưới mức này, cố nhiên là dân tộc tính không bộc lộ được, và trong không khí ồ ạt của văn minh kỹ thuật Tây phương, dân tộc tính có vẻ như bị mất. Nay, nếu chúng ta phán đoán theo vẻ bên ngoài ấy thì chúng ta sẽ rụt rè như các cụ, xưa kia, sợ mất quốc hồn quốc tuý và công cuộc Tây phương hoá của chúng ta sẽ thất bại và mang đến tất cả các hậu quả tai hại, mà chúng ta biết. Ảnh hưởng tương phối giữa tôn giáo và sự kiện Tây phương hoá Trước khi sang vấn đề Tây phương hoá đến mức độ đủ cao, chúng ta trở lại một chút về vấn đề tôn giáo và công cuộc Tây phương hoá. Công cuộc Tây phương hoá không vượt qua được lĩnh vực tôn giáo và tín ngưỡng. Vấn đề này đã được đề cập đến nhân khi bàn đến giới hạn ảnh hưởng của công cuộc Tây phương hoá. Tuy nhiên tự nó vấn đề tôn giáo không quan hệ đối với một công cuộc Tây phương hoá. Trước đây xã hội Tây phương xây dựng trên căn bản tinh thần của đạo giáo Gia Tô. Nhưng sau đó nhiều sự mâu thuẫn nội bộ về giáo lý đã làm nguồn gốc cho những cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc làm suy giảm tín ngưỡng của đại chúng. Và kế đó, sau khi thoát khỏi sự gò bó tư tưởng của giáo hội La Mã, khoa học Tây phương mới phát triển được đến mức độ ngày nay và trang bị xã hội Tây phương với những phát minh hùng mạnh. Sự giảm tin tưởng vào một tôn giáo, đã có một thời chủ trương những tư tưởng chật hẹp về vũ trụ, đã làm lung lay đến tận nền tảng cơ sở tôn giáo của xã hội Tây phương. Nhưng vừa đúng lúc khi văn minh Tây phương chứng kiến sự suy giảm của đức tin vào sức mạnh tín ngưỡng mà Gia Tô giáo đã hun đúc trong nhiều thế kỷ, thì văn minh Tây phương lại được khoa học tạo cho mình một đức tin vào sức mạnh kỹ thuật, mà tính cách hữu hiệu trong công cuộc chinh phục thế giới còn hơn bội phần sức mạnh tín ngưỡng đã mất. Gần đây, sau khi khoa học đã tỏ ra không đủ khả năng để giải quyết một mình các vấn đề căn bản của nhân loại, thì tinh thần tôn giáo lại phục hưng. Nhưng cho đến ngày nay, sự phục hưng tinh thần tôn giáo trong xã hội Tây phương chưa lên đến một mức độ đủ cao để cho sự thâu thập văn minh Tây phương, mặc nhiên, bắt buộc sự thâu thập tôn giáo Tây phương. Do đó, trong thời kỳ hiện nay, có thể gọi là thời kỳ hậu tôn giáo của văn minh Tây phương, vấn đề tôn giáo không quan trọng đối với công cuộc Tây phương hoá. Nhưng vấn đề tôn giáo lại có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng cho công cuộc phát triển dân tộc như chúng ta sẽ thấy sau này. Công cuộc Tây phương hoá đến mức độ đủ cao Mấy trăm năm kinh nghiệm của Nga và gần một thế kỷ kinh nghiệm của Nhật chỉ cho chúng ta thấy hai điều: Trước hết là, một khi, để chống lại với sự tấn công của văn minh Tây phương, chúng ta đã lao mình vào công cuộc Tây phương hoá, và, nếu công cuộc Tây phương hoá của chúng ta không đạt đến một mức độ đủ cao thì, sự đe doạ nói trên vẫn còn mãi, và mục đích của cuộc Tây phương hoá sẽ không đạt được. Bởi vì, như chúng ta đã thấy trong trường hợp của hai nước kể trên đây, và nhất là trong thời kỳ đầu của trường hợp Nga, nếu chúng ta không Tây phương hoá đến mức độ đủ cao thì lúc nào chúng ta cũng chạy theo đuôi kỹ thuật Tây phương và do đó sự đe doạ không chấm dứt được. Điều thứ hai lại do điều thứ nhất mà ra. Muốn không chạy theo đuôi kỹ thuật Tây phương nữa thì chúng ta phải chế ngự cho được khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương. Lúc bấy giờ, như Nga Xô ngày nay, chúng ta sẽ có đủ khả năng để góp phần vào công cuộc sáng tạo kỹ thuật chung của nhân loại. Thực hiện được sự góp phần này đương nhiên chúng ta sẽ tự cung cấp hai thắng lợi: thứ nhất chúng ta sẽ trở thành ngang hàng với các nước trên thê giới trên phương diện đóng góp vào văn minh nhân loại, và thứ hai là sự ngang hàng đó, cũng như kỹ thuật đã tiến bộ của chúng ta, sẽ bảo đảm cho chúng ta thoát khỏi sự uy hiếp của các nước lớn, mối đe doạ truyền kiếp cho chúng ta đến ngày nay. Có một quan niệm sai lầm cho rằng công cuộc Tây phương hoá của một nước lên đến mức độ đủ cao khi nào nước đó có thể tự túc về các sản phẩm kỹ thuật và khoa học của Tây phương. Quan niệm đó sai lầm ở chỗ nó phản lại bản chất bao quát và nhân loại của khoa học. Và một khoa học cô lập là một khoa học không tiến bộ nữa. Nhưng vấn đề này lại thuộc một địa hạt rộng lớn khác. Trở lại vấn đề Tây phương hoá đến mức độ đủ cao, các đoạn trên này cho chúng ta thấy rằng Tây phương hoá đến mức độ đủ cao, có nghĩa là Tây phương hoá đến khi nào chúng ta chế ngự được khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương. Cho đến khi nào chúng ta chưa ra khỏi giai đoạn hấp thụ khoa học và kỹ thuật Tây phương, thì chúng ta vẫn chưa thoát lên đến mức độ đủ cao. Chỉ khi nào chúng ta sử dụng được, chẳng những là khoa học và kỹ thuật Tây phương, mà lại còn cả phương tiện sáng tạo khoa học và kỹ thuật, thì chúng ta mới đạt đến mức độ đủ cao trong công cuộc Tây phương hoá. Vì vậy cho nên, khi nào chúng ta còn thấy tự mãn sau khi đã hấp thụ được kỹ thuật và khoa học của Tây phương, thì công cuộc Tây phương hoá đã bắt đầu thất bại. Trong thực tế bao giờ mà các chuyên viên của chúng ta gởi đi du học ngoại quốc còn lấy làm tự mãn sau khi vừa hấp thụ xong các kỹ thuật và khoa học của ngành mình, thì công cuộc Tây phương hoá của chúng ta còn ở vào một mức độ thấp và lúc nào cũng bị sự thất bại đe doạ. Chỉ khi nào các chuyên viên của chúng ta, sau khi đã hấp thụ được các kỹ thuật và khoa học của ngành mình, lại ý thức rõ rệt rằng, chỉ vừa bước đi qua một giai đoạn sơ khởi, và còn cần phải nỗ lực để đạt đến chỗ chế ngự được khả năng sáng tạo trong ngành của mình, thì lúc bấy giờ cuộc Tây phương hoá của chúng ta mới đi đúng đường và có hy vọng thành công. Sự kiện trên đây giải thích cho chúng ta hiểu vì sao, trong thời kỳ Pháp thuộc khối người mới vừa Tây phương hoá được đến một mức độ rất thấp, chiếm được vài cái bằng cao cấp, đã lấy làm tự mãn, và từ đó sự tiến bộ đã ngừng hẳn. Sự kiện này chứng minh một cách rõ ràng rằng công cuộc Tây phương hoá của chúng ta ở thời kỳ Pháp thuộc, không được hướng dẫn, không có lãnh đạo cho nên những người “theo mới” không biết đi đến mức nào là đúng. Chưa chi đã lấy làm tự mãn thì làm sao còn có ý chí để thực hiện một công cuộc Tây phương hoá đến mức độ đủ cao, đòi hỏi nhiều nỗ lực và nhiều hy sinh. Một công cuộc Tây phương hoá đến mức độ đủ cao là một điều thiết yếu cho sự phát triển dân tộc, nhưng làm thế nào cho công cuộc Tây phương hoá đạt đến mức độ ấy? Sau khi đã phân tích như trên kia rồi thì chúng ta không còn lọt vào sự lầm lẫn thông thường cho rằng hấp thụ kỹ thuật và khoa học là đã đạt đến mức độ đủ cao. Và chúng ta biết rằng muốn đạt đến mức độ đó thì phải chế ngự cho được khả năng sáng tạo khoa học và kỹ thuật. Nghĩa là phải học cho được cái bí quyết của người Tây phương đã giúp cho họ đẻ ra khoa học và kỹ thuật. Đặc tính của văn minh Tây phương Sau khi hấp thụ khoa học và kỹ thuật Tây phương, thì mọi người đều công nhận khoa học và kỹ thuật Tây phương có những đặc tính sau đây: suy luận chính xác, tổ chức ngăn nắp và minh bạch. Và phần đông đều nghĩ rằng chính tinh thần khoa học Tây phương đã tạo những đặc tính ấy. Đó là một sự lầm lẫn thông thường rất tai hại và nếu đã nghĩ như vậy thì không làm sao tìm được bí quyết đã giúp cho Tây phương sáng tạo khoa học và kỹ thuật. Sự thật là những đặc tính: chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức là đặc tính của nền văn minh Tây phương. Và chính nhờ có những đặc tính này, mà nền văn minh Tây phương đã sáng tạo ra khoa học. Khoa học mang những đặc tính ấy như là những đặc tính bẩm sinh, chớ không phải khoa học tạo ra các đặc tính ấy. Vì vậy cho nên sự hấp thụ khoa học và kỹ thuật của Tây phương không, không đủ tạo cho người hấp thụ khả năng sáng tạo khoa học, tiêu chuẩn của một công cuộc Tây phương hoá thành công đến mức độ đủ cao. Trước khi khoa học phát minh và phát triển như ngày nay, tập quán của người Tây phương đã chính xác trong suy luận và ngăn nắp minh bạch trong tổ chức. Trái lại lối suy luận, ví dụ của người ở xã hội Đông Á là lối suy luận trực giác, hình ảnh, và do đó, mơ hồ. Nhưng chính người Tây phương đã thừa hưởng những đặc tính đó của văn minh Hy Lạp và La Mã. Chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức đã nằm sẵn trong lối kiến trúc câu văn của Hy Lạp cũng như của La Mã. Sau khi đế quốc La Mã phía Tây, đóng đô ở Roma đã sụp đổ, xã hội Tây phương trải qua một thời đại đen tối vì hai lý do. Trước hết sự xâm chiếm của các bộ lạc man rợ đã cắt đứt xã hội Tây phương với nguồn gốc Hy Lạp, La Mã. Lý do thứ hai là, vì sự tồn tại của xã hội Gia Tô giáo Tây phương, giáo hội La Mã, trong một thời kỳ vô cùng hỗn độn đã bắt buộc áp dụng một chủ trương đóng khung tư tưởng đến cực độ. Vì đó mà, nếu giáo hội với tư cách là người thụ thác của văn minh Hy Lạp La Mã khi xưa đã cứu vớt được tập quán ngăn nắp và minh bạch trong đời sống, đã không bảo vệ được, đặc tính chính xác về lý trí của văn minh Hy Lạp và La Mã. Sau đó, nhờ tình hình tương đối ổn định, sự nối lại với nguồn gốc văn minh Hy Lạp La Mã đã thực hiện được và xã hội Tây phương bước vào thời kỳ thường gọi là Phục Hưng, phục hưng tinh thần văn minh Hy Lạp và La Mã, đồng thời cởi bỏ được sự đóng khung tư tưởng của giáo hội. Và từ đó lần lần với sự củng cố chính trị của các quốc gia trong xã hội Tây phương, khoa học mới phát minh và nảy nở. Sở dĩ các sự kiện lịch sử trên đây được nhắc lại là để chứng minh rằng bí quyết đã giúp cho người Tây phương sáng tạo được khoa học và kỹ thuật là ba đức tính ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức và chính xác về lý trí. Họ đã dùng những đức tính ấy như những khí cụ giải phẫu sắc bén để tìm hiểu vũ trụ và tạo hoá. Nếu không có những khí cụ thám cứu đó, sự tìm hiểu vũ trụ và tạo hoá không thực hiện được. Và nếu sự tìm hiểu vũ trụ và tạo hoá không thực hiện được thì khoa học không phát minh và nảy nở được. Tưởng nên nhắc lại một lần nữa rằng người Tây phương không phải chỉ ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức và chính xác về lý trí riêng trong lĩnh vực khoa học mà thôi. Họ đã ngăn nắp, minh bạch tổ chức và chính xác về lý trí trong câu văn, lời nói, hành động và đời sống hàng ngày. Trải qua nhiều thế kỷ các đức tính ấy đã được hun đúc thành tinh thần kỹ thuật Tây phương. Trở lại việc tìm hiểu vũ trụ và tạo hoá trên kia, chúng ta nên thêm rằng một khi đã có trong tay những khí cụ thám cứu, việc tìm hiểu vũ trụ chưa chắc đã có kết quả được, nếu chúng ta có một quan niệm chấp nhận vũ trụ như Thượng Đế đã ban cho, và vì vậy, không cần tìm hiểu thêm nữa. Nhưng đây là một điểm đã lọt sang lĩnh vực “tôn giáo và công cuộc Tây phương hoá” dưới đây. Sự kiện đã như vậy thì, nếu chúng ta muốn chế ngự khả năng sáng tạo khoa học chúng ta cần tạo cho dân tộc các đức tính nói trên kia. Nói rõ hơn nữa đồng thời với vấn đề hấp thụ khoa học và kỹ thuật đương nhiên phải có, chúng ta phải gieo sâu vào trí não của mọi người tập quán ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức, và chính xác về lý trí. Chính đó mới là căn bản của một cuộc Tây phương hoá chính danh có đường hướng và có mục đích. Vấn đề đã đặt ra như vậy, chúng ta mới ý thức rõ rệt tính cách vĩ đại của công cuộc Tây phương hoá mà chúng ta cần phải thực hiện. Không phải Tây phương hoá một nhóm người, mà Tây phương hoá toàn thể dân tộc. Không phải Tây phương hoá trên mặt, chỉ bắt chước lối sống của người Tây phương mà phải Tây phương hoá cho đạt đến cái tinh tuý văn minh Tây phương. Công cuộc đã vĩ đại như vậy, thì, tuy chúng ta chưa bàn đến chi tiết thực hành, nhưng chúng ta cũng quan niệm được, ngay bây giờ, tính cách lớn lao của các phương tiện cần phải vận dụng, cũng như tính cách nặng nề của những hy sinh đòi hỏi và tính cách liên tục và trường kỳ của những nỗ lực phi thường cần thiết. Chúng ta phải ngăn nắp, minh bạch trong tô chức và chính xác về lý trí, không phải riêng cho lĩnh vực nào, mà trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, không phải riêng cho một trình độ trí thức nào, mà cho tất cả các trình độ trí thức. Nghĩa là ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức và chính xác về lý trí phải chi phối tất cả hoạt động của chúng ta, trong gia đình cũng như ngoài gia đình, từ phạm vì sinh hoạt thông thường đến những phát triển cao nhất của lý trí. Do đó, vai trò của mỗi người đều quan trọng, và do đó, vai trò của các người đàn bà trong gia đình vô cùng mật thiết với sự phát triển dân tộc. Xem như thế, chúng ta lại còn phân biệt rõ rệt đặc tính của hai cuộc Tây phương hoá. Cuộc Tây phương hoá bắt buộc, không đường hướng, không mục đích, dưới thời Pháp thuộc, chỉ là một cuộc Tây phương nông cạn, của một mớ người. Thậm chí, đến các người phụ nữ cũng bị gạt ra khỏi việc theo mới: trong khi các ông mặc âu phục, ăn theo Tây và nói tiếng Tây, thì các bà vẫn phải vận ta, ăn theo ta, nói tiếng ta, để mà bảo vệ phong tục Việt Nam. Trái lại, công cuộc Tây phương hoá tự ý, có lãnh đạo, có mục đích, như chúng ta quan niệm ngày nay, là một cuộc Tây phương hoá toàn diện cho mọi người và đến mức độ đủ cao để cho mục đích của công cuộc Tây phương hoá đạt được. Cố nhiên một công cuộc đại quy mô như vậy đòi hỏi ở toàn dân, những nỗ lực phi thường một cách liên tục và trường kỳ, những hy sinh lớn lao và nặng nề. Nhưng thực hiện công cuộc phát triển dân tộc to tát đến tầm mức ấy, là một hành động có mãnh lực hấp dẫn đến tột bậc, tất cả các phần tử của dân tộc. Một công cuộc phát triển dân tộc vĩ đại đến tầm mức ấy, hùng mạnh như nước hải triều đang lên, hấp dẫn và lôi cuốn mọi người, vì đó là lẽ sống của dân tộc. |
No comments:
Post a Comment