Friday, 6 January 2012

Bộ phim Le Havre : kiếp nghèo mà vẫn vẹn toàn nhân cách

Thứ sáu 06 Tháng Giêng 2012


Cậu bé Idrissa (B.Miguel) và nhà văn Marcel (André Wilms) trong phim "Le Havre" của đạo diễn Aki Kaurismäki (Pyramide Distribution)
Cậu bé Idrissa (B.Miguel) và nhà văn Marcel (André Wilms) trong phim "Le Havre" của đạo diễn Aki Kaurismäki (Pyramide Distribution)

Tuấn Thảo
Sau khi được giới phê bình tán thưởng tại liên hoan Cannes tháng 5 năm 2011, bộ phim Le Havre của đạo diễn Aki Kaurismaki vừa đoạt giải thưởng Louis Delluc của làng điện ảnh Pháp. Hơn thế nữa, phim này được chọn để đại diện cho Phần Lan đi tranh giải tác phẩm nước ngoài xuất sắc nhất nhân kỳ trao giải Oscar năm 2012.
Tác phẩm Bến cảng Le Havre có thể được xem như một bộ phim tình cảm tâm lý, khai thác mạch phim xã hội khi dàn dựng câu chuyện của một ông lão đánh giầy tình cờ gặp một cậu bé người Gabon, trôi dạt vào đất Pháp. Chủ đề này từng được nhiều nhà đạo diễn Pháp dựng thành phim chẳng hạn như Welcome của Philippe Lioret hay Eden à L’Ouest của Costa Gavras. Đặt tựa như vậy là có dụng ý châm biếm mĩa mai, vì nước Pháp không có chính sách mở tiếp đón người nhập cư trái phép (Welcome). Khác xa với thực tế, phương Tây không phải là thiên đường đối với những ai không có giấy tờ hợp lệ (Eden à L’Ouest). Bộ phim Le Havre thiên về lối kể chuyện ngụ ngôn, thâm thúy trong lời thoại, tinh tế từng chi tiết.
Đó là câu chuyện của Marcel Marx, một nhà văn hết thời hay nói cho đúng hơn là một tác giả suốt đời chờ thời, nhưng chưa một lần đúng hẹn với thành công. Từ Malakoff, vùng ngoại ô Paris, ông trôi dạt về bến cảng Le Havre, miền bắc nước Pháp. Một cuộc sống coi như là đã an phận, không trách móc mà cũng chẳng phiền hà những người xung quanh mình : từ bà chủ quán rượu, cô bán bánh mì, ông già bán rau cho đến cậu Chang, anh thợ đánh giầy người Việt nhưng lại cầm giấy tờ tùy thân của một người Hoa. Cho đến cái ngày mà vợ của Marcel lâm bệnh nặng, buộc phải vào nhà thương. Một mặt phải xoay sở cho vợ mình, ông Marcel còn phải giúp Idrissa một cậu bé người Gabon, được gia đình cho đi vượt biên, nhưng rốt cuộc lại bị kẹt trên đất Pháp. Cũng như nhiều người nhập cư trái phép khác, thằng bé tìm đường sang Anh Quốc, để được đoàn tụ với mẹ ruột.
Tuy có vấn đề gia đình, nhưng ông lão vẫn giúp cho thằng nhỏ thoát khỏi sự truy lùng của cảnh sát. Nhưng cứ mỗi ngày đem thức ăn cho Idrissa, hay giúp cho thằng nhỏ tìm nơi ẩn trốn chỉ là một giải pháp tạm thời, không thể kéo dài được nữa. Marcel quyết định tìm cho ra 3 ngàn euros, huy động sự giúp đỡ của tất cả những người mà ông quen biết để có thể đưa thằng nhỏ lên tàu đánh cá vượt biên một lần nữa. Câu chuyện ngụ ngôn kết thúc một cách có hậu, không chỉ một lần mà lại có hậu đến hai lần : vợ của Marcel tuy lâm bệnh nặng mà vẫn thoát chết, cậu bé Idrissa rốt cuộc cũng được đoàn tụ với thân mẫu trên đất Anh.
Xem phim Le Havre, ta có thể liên tưởng đến cuộn phim It's a Wonderful Life (1946) của đạo diễn Mỹ Frank Capra. Ở chỗ cả hai tác phẩm khai thác hình tượng của một vị thiên thần bị đày làm kiếp người, nhờ cưu mang  đồng loại mà lấy lại được đôi cánh. Trong Le Havre, nhà văn Marcel kiếm sống nhờ nghề đánh giầy, ông chẳng khác gì một thiên thần hộ mệnh, nâng đỡ cậu bé Idrissa vì thương kẻ bất hạnh hơn mình. Bộ phim Le Havre thành công nhờ vào lối diễn xuất rất tự nhiên của dàn diễn viên nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp.
Lối quay phim của Kaurismaki cũng rất tinh tế đầy ẩn ý khôi hài : chẳng hạn như nhà văn Marcel chẳng thà kiếm sống bằng nghề đánh giầy còn hơn luồn cúi đi nịnh hót người khác (cirer les chausures trong nghĩa đen có nghĩa là đánh giầy, trong nghĩa bóng có nghĩa là nịnh hót). Màn ảnh bàng bạc chất thơ, tình người đầy ấp lời thoại, bộ phim Le Havre đoạn tuyệt với mạch phim dấn thân, không cần vạch trần thực tế, không dùng giọng điệu lên lớp dạy đời, mà vẫn thì thầm nhắc nhở chúng ta một điều : nơi mỗi con người, không có gì đáng quý bằng hai chữ nhân cách.

Tiễn năm cũ đón năm mới, ai ai cũng chúc cho nhau những điều tốt lành. Thời điểm cho ra mắt bộ phim Le Havre vào mùa này rất là thích hợp. Tâm lý của khán giả Pháp vào thời buổi khó khăn, thiên về những bộ phim xã hội giàu tính nhân bản : sau hiện tượng Les Intouchables với hơn 15 triệu lượt khán giả, có thể nói là bộ phim Le Havre, tuy không đại chúng, nhưng vẫn có nhiều cơ hội thành công. Bộ phim Le Havre là tác phẩm đầu tiên của Kaurismaki hoàn toàn được quay bằng tiếng Pháp. Trả lời phỏng vấn đài RFI ban Pháp ngữ, nam diễn viên André Wilms nói về sự hợp tác của ông với đạo diễn Phần Lan Aki Kaurismaki. Đây là lần thứ tư hai người làm việc với nhau, và theo đánh giá của nam diễn viên, Kaurismaki xứng đáng được xếp vào hàng các đạo diễn bậc thầy :
Đạo diễn Kaurismaki không giống ai cả. Các bộ phim của ông thường đậm đặc chất thơ, nội dung tác phẩm khó thể đoán trước. Kaurismaki không quay phim theo kiểu Mỹ với cốt truyện dựng sẵn, ngược lại ông để nhiều khoảng trống trong kịch bản để có thể nắm bắt những ngẫu hứng trong khoảnh khắc. Do vậy mà đối với các diễn viên, không dễ gì làm việc với ông : trước hết bởi vì ông lầm lì ít nói, trên phim trường ông cũng ít khi nào điều khiển diễn viên. Ông tạo nên một bầu không khí chung, mở ra bối cảnh câu chuyện và để cho diễn viên nhập vai tuỳ theo cảm tính. Tôi đã từng quay bộ 4 phim với đạo diễn Kaurismaki. Lần trước là cách đây đúng 20 năm (1992) với bộ phim La Vie de Bohème tạm dịch Kiếp sống phiêu lãng.
Trong phim này, tôi đóng vai nhà văn Marcel Marx đến Paris để lập nghiệp và cũng như bao nghệ sĩ chờ thời khác (ngoài nhà văn này còn có một họa sĩ người Albanie và một nhà soạn nhạc người Ai Len), nhân vật Marcel không thể kiếm sống nhờ vào các sáng tác của mình, cho nên phải tìm cách xoay sở để có thể sống sót từ ngày này qua ngày nọ. Còn trong bộ phim Le Havre (Bến cảng Le Havre), khán giả tìm lại nhà văn Marcel Marx đúng 20 năm sau : kiếp sống lãng tử phiêu bạt khiến ông trôi dạt về thành phố cảng ở miền bắc nước Pháp. Sự nghiệp cầm bút của Marcel coi như là đã thất bại, ông kiếm sống nhờ nghề đánh giầy. Ông không coi đó như là một sự đọa đày mà vẫn tìm thấy nhiều niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống.
Theo tôi, cách nhìn này phản ánh rất nhiều cá tính của đạo diễn Kaurismaki. Ông vào nghề làm phim không phải vì tiền tài danh vọng, mà chủ yếu để thỏa mãn đam mê nghệ thuật thứ 7. Đạo diễn này thành danh sau một giai đoạn dài gặp nhiều khó khăn. Đến khi nổi tiếng và được giới phê bình chuyên nghiệp công nhận, Kaurismaki vẫn giữ nguyên tính khiêm tốn. Ông không coi mình như là một ‘‘tác giả lớn’’ mà chỉ là một người thợ làm phim, trung thành với chính mình, tâm huyết với nghề nghiệp.
Trong bộ phim Le Havre, đạo diễn Kaurismaki nói về thân phận của những kẻ nhập cư trái phép vào nước Pháp, nhưng khác hẵn với nhiều tác phẩm trước đây nói về cùng một chủ đề của các đạo diễn khác, Le Havre không phải là một bộ phim hiện thực mà lại gần giống với một câu chuyện ngụ ngôn. Vì sao đạo diễn Phần Lan lại chọn cách quay phim như vậy, diễn viên André Wilms cho biết :
Bộ phim của đạo diễn Kaurismaki không thuộc về thể loại tài liệu mà lại là một tác phẩm hoàn toàn hư cấu : hoàn cảnh số phận của những người nhập cư bất hợp pháp chỉ là một phần của câu chuyện. Điều mà ông quan tâm là các nhân vật chính ở trong phim ứng xử như thế nào khi bản thân họ đứng trước một con người đang gặp hoạn nạn, liệu họ sẽ khoanh tay đứng nhìn hay sẽ giúp đỡ ‘‘kẻ lạ’’ này hay chăng ?
Theo tôi, không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Kaurismaki chọn thể loại ngụ ngôn, dùng tính chất hư cấu để soi rọi một thực tế, dùng chất thơ để phản ánh đời thường. Đạo diễn Kaurismaki quan niệm rằng : mạch phim hiện thực theo kiểu bám sát thực tế khó thể diễn tả điều mà ông muốn truyền đạt. Ông không muốn khán giả cảm thấy chua xót thương hại khi phải chứng kiến hoàn cảnh của những kẻ bất hạnh. Đó là cái cảm giác mà ta thường thấy khi xem phim tài liệu hay phóng sự điều tra truyền hình về chủ đề này. Khi tạo dựng trên màn ảnh lớn những nhân vật không có thật, nhà làm phim đặt một khoảng cách giữa hư cấu và thực tại, nhưng nhờ vậy mà nội dung tác phẩm đạt đến một tầm mức phổ quát hơn.
Nhân vật mà tôi đóng ở trong phim là Marcel Marx, một nhà văn quèn, với sự nghiệp cầm bút dỡ dang. Sự kiện Marcel chịu khó giúp đỡ Idriss để cho cậu bé da đen có thể đoàn tụ với gia đình, không biến nhà văn này thành một ‘‘nhân vật anh hùng’’. Điều đó chỉ có nghĩa là Marcel tuy nghèo khó nhưng vẫn biết đùm bọc những kẻ còn gặp nhiều khó khăn hơn mình. Đó là thông điệp chính yếu mà nhà đạo diễn muốn gửi gấm đến người xem. 

Trung thành với lối làm phim giàu tính nhân văn, cảnh phim hết sức bình thường nhưng lại đậm đặc chất thơ, đạo diễn Kaurismaki đã hoàn thành một tác phẩm có tầm vóc, ngang hàng với tác phẩm trước đây của ông là L’Homme sans Passé Người không có quá khứ, từng đoạt hai giải thưởng lớn của ban giám khảo liên hoan Cannes vào năm 2002, cách đây đúng 10 năm. Aki Kaurismaki được liệt vào hàng đạo diễn kỳ cựu vì ngôn ngữ điện ảnh của ông hết sức tinh tế.
Đạo diễn Kaurismaki không thích lối quay phim mà qua đó người xem có thể nhìn thấy cách di chuyển ống kính. Ngôn ngữ điện ảnh của ông thiên về lối quay nửa thân và cận ảnh, mỗi màn quay tựa như một bức tranh, nhưng lại là một bức tranh sinh động : cái khung cảnh không hề xê dịch, chỉ có nhân vật ở ‘‘trong tranh’’ mới di chuyển cử động. Nhà đạo diễn không yêu chuộng các hiệu ứng hình ảnh mà lại đặt ống kính khá gần sát để tạo ra sự gần gủi với các nhân vật. Ông thường dùng ánh sáng để minh họa nội tâm của nhân vật : chẳng hạn như cảnh u tối của một người đàn ông trung niên ngồi trong quán rượu, đến khi người tình đẩy cửa bước vào trong quán nước, thì đột nhiên ánh sáng luồn vào làm cho khung cảnh của quán nước cũng như nội tâm nhân vật bớt tối tăm buồn bã hơn.
Trong phim của Kaurismaki, ánh sáng được đặt ngang hàng với các nhân vật cũng như tất cả các chi tiết nhỏ nhặt. Theo quan niệm của nhà làm phim, nỗi buồn của nhân vật không chỉ thể hiện qua nét mặt hay ánh mắt mà còn hiện lên trong cách dùng ánh sáng chiếu vào ly rượu mà nhân vật này đang cầm. Tất cả những chi tiết này thoạt nhìn qua không thể thấy ngay được, chỉ có những khán giả nào tinh ý mới nhận thấy là ngoại cảnh thường phản ánh nội tâm. Sự tinh tế đó là dấu ấn riêng biệt trong ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn Kaurismaki.
Tuy nội dung của bộ phim Le Havre không nói rõ là bộ phim diễn ra tại Pháp vào thời điểm nào, nhưng về màu sắc cũng như lời thoại thì có thể nói là bộ phim gợi hứng rất nhiều cách làm phim của những năm 1950. Theo nam diễn viên André Wilms, không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Phần Lan Kaurismaki chọn một lối quay như vậy, bởi vì ông rất ngưỡng mộ các đạo diễn Pháp nổi tiếng vào thập niên này.
Đạo diễn Kaurismaki rất sành về điện ảnh Pháp, nhất là thế hệ thành danh vào những năm 1950. Cách làm phim giàu chất thơ nhưng không kém phần hiện thực của ông gợi hứng từ các bậc đàn anh như Becker, Bresson, Melville, Renoir… Nếu như ở Pháp, các đạo diễn như Chabrol hay Sautet chuyên kể những câu chuyện về những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, tiểu tư sản, thì ngược lại các đạo diễn Pháp mà Kaurismaki hằng ngưỡng mộ thường tạo dựng những nhân vật thuộc giai cấp thấp hơn trong xã hội.
Họ có thể là công nhân thợ thuyền, họ có thể xuất thân từ những gia đình nghèo, không được ăn học tới nơi tới chốn. Nói chung là họ không thuộc thành phần được xã hội ưu đãi. Ta có thể tìm thấy những yếu tố này trong phim Le Havre, nhà văn Marcel do hoàn cảnh đẩy đưa trở thành một ông lão đánh giầy, cậu thanh niên Chang, một người Việt nhập cư bất hợp pháp buộc phải mang giấy tờ của một người Hoa, cậu bé da đen Idrissa xuất thân từ một gia đình có học, thân phụ là giáo sư ở Gabon, nhưng khi cậu bé trôi dạt vào đất Pháp, thì coi như là không còn lý lịch nào cả.
Đối với xã hội người ngoài họ trở thành những kẻ vô hình, sống vất vưởng bên lề, không còn ai thật sự để ý đến. Khi trao tiếng nói cho những con người vô hình này, điều mà đạo diễn Kaurismaki cũng như các bậc đàn anh muốn gửi gấm là những kẻ xa lạ không cần đến sự thương hại của chúng ta. Điều mà họ coi trọng là cách đối xử giữa con người với nhau. Đạo diễn Kaurismaki gọi đó là phẩm giá của những kẻ bần cùng. Cho dù đã mất tất cả, nhưng những mảnh đời trôi dạt ấy vẫn còn ưu ái tình người, quý trọng nhân cách.

***





CINEMA LE HAVRE 2012 ® TUAN THAO
(14:50)









http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20120106-phim-le-havre-kiep-ngheo-ma-van-ven-toan-nhan-cach 

No comments:

Post a Comment