Sau tuyên bố làm tiêu tan hy vọng về sự chuyển đổi cởi mở hơn, Nhà nước Bắc Triều Tiên nay còn nói sẽ cho bắn người dám vượt biên và trừng phạt ba đời thân nhân của ai bỏ trốn khỏi nước này, theo nguồn tin từ Hàn Quốc
Tuyên bố mới nhất của Bộ Chính trị đảng Lao Động Triều Tiên nhấn mạnh đến sự đoàn kết của 'toàn Đảng, toàn dân' dưới sự lãnh đạo của Tổng Tư lệnh Tối cao Kim Jong-un.Nhưng các nguồn tin từ Nam Hàn tin rằng một loạt biện pháp để củng cố quyền lực cho tân lãnh tụ, năm nay chưa tới 30 tuổi, cũng được công bố nhắm vào việc trừng phạt mọi biểu hiện chống đối và bất mãn.
Nguồn tin từ trang Daily NK của người Bắc Hàn tỵ nạn ở miền Nam nói Cục An ninh miền Bắc ra lệnh trừng phạt 'ba đời' thân nhân của người vượt biên.
Kiểm soát chặt hơn?
Lực lượng biên phòng Bắc Hàn ở biên giới Trung Quốc cũng được lệnh bắn thẳng ai dám vượt biên trên bộ.
Hải quân Bắc Hàn được ḷênh nổ súng vào tàu thuyền bị nghi tổ chức vượt biên bằng đường biển.
Báo Nam Hàn, tờ Chosun Ilbo cho rằng các biện pháp tàn khốc, gồm cả việc đưa các đội truy kích ra đường ở các tỉnh huyện giáp biên với Trung Quốc, là dấu hiệu Kim Jong-un bị 'Bè lũ Bảy Tên' (Gang of Seven) kiểm soát.
Đây là những nhân vật cao cấp nhất của ngành an ninh, tuyên truyền và quân đội Bắc Hàn mà thế giới được thấy mặt khi họ đi bên xe đưa linh cữu ông Kim Jong-il, lãnh tụ quá cố của Bắc Hàn qua đường phố Bình Nhưỡng hôm tang lễ.
Báo Anh, tờ Telegraph cho rằng chỉ bây giờ, bảy nhân vật nắm thực quyền 'đằng sau ngai vàng Kim Jong-un' mới bắt đầu bước ra khỏi bóng tối.
Trong mấy năm qua, dù bị kiểm soát chặt, đường biên giới trên bộ của Bắc Triều Tiên với Trung Quốc đã thành tuyến giao thông lén đưa người trốn khỏi quốc gia cộng sản 24 triệu dân.
"Quyền lực thực nằm trong tay Bè lũ Bảy Tên xung quanh Kim Jong-un"
Báo Chosun Ilbo
Người gốc Triều Tiên ở Đông Bắc Trung Quốc và một số nhà truyền đạo t̀ư Nam Hàn cũng dùng ngả này để xâm nhập Bắc Triều Tiên hoặc chuyển ít nhiều hàng hóa, điện thoại di động qua biên giới vào quốc gia bị đóng kín.
Nay, trong nỗ lực ngăn chặn mọi hoạt động ngoài luồng, chế độ của Kim Jong-un ra lệnh kiểm soát tối đa tuyến đường biên này.
Sau đại tang hai ngày 28-29/12 của ông Kim Jong-il, truyền thông Bắc Hàn tuyên bố thế giới đừng hy vọng gì về một sự thay đổi chính trị tại nước họ dưới thời Kim Jong-un.
Cái chết bất ngờ của ông Kim Jong-il năm 69 tuổi làm thay đổi cục diện chính trị Đông Bắc Á, và khiến nảy sinh nhiều suy đoán về tương lai quốc gia quân sự hóa và có vũ khí hạt nhân.
Nhưng cũng có những ý kiến, như của Bấm Michael O'Hanlon đăng trên trang web CNN hôm 19/12 thử bàn về khả năng khuyến khích Bắc Hàn cải tổ theo con đường Việt Nam.
Một số nhà quan sát cũng hy vọng Bắc Kinh có thể đóng vai trò thúc đẩy Bình Nhưỡng dưới thời Kim Jong-un, người có ba năm học ở Thụy Sĩ, chấp nhận thay đổi theo hướng thị trường.
Nhưng các dấu hiệu từ Bắc Hàn không làm người ta tin tưởng về một hướng đi như vậy.
Các lệnh mới của Bắc Hàn nói chính quyền sẽ trừng phạt ba đời ai dám vượt biên bằng cách đem họ ra đấu tố tập thể, cắt tem phiếu lương thực hoặc tống vào trại cải tạo.
Báo Anh, tờ Sunday Times trích lời các tổ chức nhân quyền bình luận rằng việc cắt khẩu phần thực phẩm là biện pháp để các gia đình 'chết đói dần dần'ở Bắc Hàn.
Tuy nhiên, có ý kiến nói các nhận xét từ bên ngoài về Bắc Triều Tiên là thiếu chính xác.
Trả lời BBC gần đây, phu nhân đại sứ Lê Quảng Ba của Việt Nam ở Bình Nhưỡng, bà Nguyễn Thị Lợi, cho rằng người dân Bắc Hàn "vô cùng yêu mến chủ tịch, yêu mến Đảng và nhà nước" của họ.
Bà nói, "ai đó bảo người dân phải chịu hà khắc vì chế độ gia đình trị, không có lý do gì để nói như thế".
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/01/120101_nkorea_more_repression.shtml
No comments:
Post a Comment