Tuesday 12 March 2013

1-“Nói với mình và các bạn”: Vẻ đẹp của chính trị

28 tháng hai năm 2013
Chỉ còn không đầy một tháng nữa, công cuộc “toàn dân góp ý sửa đổi hiến pháp” sẽ kết thúc. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tỏ rõ quan điểm rằng các đề nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp, đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập và phi chính trị hoá quân đội, đều là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức. Đây là một cách bác bỏ Kiến nghị 72 do một số nhân sĩ, trí thức khởi xướng. Một kiến nghị khác, của các sinh viên và cựu sinh viên luật, yêu cầu huỷ bỏ thời hạn góp ý và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết, chắc chắn sẽ chẳng hề được đếm xỉa.
Điều này đúng như một dự đoán phổ biến của dư luận, ngay từ đầu, rằng tất cả chỉ là một màn kịch. Từ quan điểm đó, đã có những tuyên bố sẽ không tham gia, không hưởng ứng, thậm chí không buồn theo dõi “trò hề”. Cũng có những ý kiến cho rằng người lên tiếng hoặc ký kết kiến nghị là ngây thơ về chính trị, ảo tưởng về Đảng, và là thiểu số giữa đại đa số người dân Việt Nam thờ ơ, xa lánh chính trị. 
Nhưng nếu bỏ qua những thứ gây bực mình và ức chế, như các phát biểu đầy lỗi nguỵ biện của người này kẻ kia, hay màn bút chiến của một số cơ quan truyền thông quốc doanh hàng đầu, liệu có thể nhìn vào một khía cạnh tích cực hơn, rằng đây là một dịp rất tốt để tất cả chúng ta cùng tìm hiểu về hiến pháp, về luật pháp, về tinh thần hợp hiến, về nhân quyền và dân quyền...? 
Người viết bài này còn mong muốn hơn thế nữa: Đây là một dịp khuyến khích tất cả chúng ta – những người dân Việt Nam, nhất là các bạn trẻ – thử quan tâm một chút đến chính trị xem sao?
Loạt bài sau đây, mang một tựa đề chung là “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”, nỗ lực để được là tập hợp một số bài viết có tính chất nhập môn cho độc giả, nhất là các bạn trẻ, về chính trị, về sự tham gia, về tự do ngôn luận và sự phân biệt giữa tự do ngôn luận với xúc phạm người khác, về hiến pháp, quyền lập hiến và quyền tẩy chay hiến pháp, bất phục tùng dân sự.

* * *
Kỳ 1:

CHÍNH TRỊ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TẤT CẢ CHÚNG TA
Điều đầu tiên cần khẳng định là trong một xã hội tôn trọng đa nguyên, thì mọi người đều được tự do thích, theo đuổi, hoặc không thích, không theo đuổi cái gì đó. Nghĩa là người có thể đi làm kinh doanh, kẻ thì dấn thân cho sự nghiệp khoa học, một số khác lại đam mê nghệ thuật. Không nhất thiết ai cũng phải lao vào các hoạt động “vì cộng đồng” hoặc phải hăng hái đọc báo, xem tivi, nghe đài, hăng hái bàn luận về những vấn đề vĩ mô… Không phải nhất định chỉ có xả thân và cống hiến, “là con của vạn nhà, là em của vạn kiếp phôi pha” thì mới được xem là có “thời thanh niên sôi nổi” và tươi đẹp. (Nhưng tất nhiên, cũng phải thừa nhận là giữa các ngành nghề, các nhóm công việc khác nhau, có những nghề mang lại sự thú vị cao hơn cho người thực hành chúng – mà chính trị là một trong số đó).
Song, có một khoảng cách giữa thái độ không thích, không quan tâm, không dây dưa (đó là quyền của bạn, và là điều được chấp nhận, trên tinh thần đa nguyên), và sự kém hiểu biết về chính trị (có thể dẫn đến sự vô cảm).
Chính trị là quá trình ra quyết định và thực thi quyết định đó trong một nhóm, một cộng đồng bất kỳ, có thể ở quy mô một xã hội, đất nước. Bạn sẽ thấy ngay rằng, mâu thuẫn, xung đột là một phần tất yếu của quá trình ấy; hay nói cách khác, một trong các đặc điểm của chính trị là sự mâu thuẫn, xung đột. Chẳng quyết định nào, chẳng chính sách nào có thể đạt được đồng thuận. Vấn đề của tất cả mọi người là làm thế nào để giảm bớt tác hại của mâu thuẫn, xung đột ấy, dù không phải là triệt tiêu nó; nhưng đấy là chủ đề của những bài viết khác. Ở đây, chúng ta biết rằng chính trị thì phải mâu thuẫn.
Một nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ, ông Austin Ranney (1920-2006), từng viết: “Chắc chắn, trong bất kỳ xã hội nào, cũng có rất nhiều mâu thuẫn trong những lĩnh vực ngoài chính trị, như kinh tế, học thuật, thể thao, và hôn nhân. Cái chính là không một xã hội nào – truyền thống hay hiện đại, tiến bộ nhiều hay ít, dân chủ hay độc tài – lại hoàn toàn không có mâu thuẫn chính trị cả. Và trong xã hội hiện đại, mọi mâu thuẫn xoay quanh vấn đề giá trị (cái gì tốt hay xấu, tốt nhiều hay tốt ít, xấu nhiều hay xấu ít, lợi hay hại, nên hay không nên… - ND) sớm muộn đều trở thành mâu thuẫn chính trị”. 
Mà cuộc sống của bạn thì lại luôn đầy những xung đột, mâu thuẫn phải giải quyết. Nói cách khác, bạn luôn phải đối diện và xử lý mâu thuẫn.
Thế nghĩa là dù làm gì, bạn cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của chính trị được đâu.
Ngay trong lớp bạn, trường bạn, Ban Giám hiệu thay toàn bộ giảng viên từng du học ở Liên Xô bằng giảng viên học ở Mỹ về, đã là một quyết định chính trị ảnh hưởng đến bạn rồi. Bạn vận động thầy cô, bạn bè, để nam và nữ sinh viên đều có thể bơi chung bể trong môn thể dục hoặc ngược lại, nhất định phải tách riêng họ ra, đã là làm chính trị rồi.
Trong cơ quan, bạn khen ngợi anh A, ném đá chị B, dìm cô C, nâng chú D, để cho sếp chú ý đến bạn hơn một chút, hoặc để các đồng nghiệp yêu quý bạn hơn, đều là làm chính trị cả. Kể cả bạn quyết định không tham gia bè phái, chỉ tập trung chuyên môn thôi, đó cũng là một quyết định có tính chất chính trị và ngay cả khi ấy thì bạn cũng vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ sếp, từ đồng nghiệp, từ các chính sách của cơ quan.
Chính trị bao trùm như thế. Vấn đề là điều ấy không xấu như bạn nghĩ. Nếu bạn vận động thành công để trường lớp, cơ quan, tổ dân phố, ra những chính sách có lợi cho bạn và những người bạn ưu ái, thì bạn sẽ thấy chính trị tốt quá, phải không? Và có một nghịch lý thú vị mà Austin Ranney chỉ ra, là trong khi người ta khinh ghét chính trị gia, coi chính trị là bẩn thỉu, thì người ta cũng lại ngưỡng mộ các vị lãnh đạo nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ, và luôn thấy họ đẹp, họ đúng, họ sáng suốt...
Vậy vì sao bạn không quan tâm đến chính trị, đến công cuộc sửa đổi hiến pháp – đạo luật “nguồn của mọi đạo luật”? Chúng ảnh hưởng đến bạn kia mà.
Kỳ sau: Nhưng đừng lên án người vô cảm!
 
**
 

"Nói với mình và các bạn": Đừng lên án người vô cảm


Trong xã hội và trong thế giới mạng lâu nay, có những ý kiến phê phán, trong đó nhiều quan điểm mang lời lẽ gay gắt, nhằm vào những người thờ ơ với chính trị, gọi họ là “vô cảm”, “ích kỷ”, “não nhẵn”. Một số ý kiến như vậy đi xa hơn để đạt đến một thái độ yếm thế, bất đắc chí, bất mãn và có phần cay nghiệt, khi coi toàn thể cộng đồng người Việt Nam là “vứt đi”, “không khá được”, “dân trí thấp kém”, “cái giống A-na-mít”, “xứ lừa”, v.v.
Dưới đây là bài viết thứ hai trong loạt bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị, về sự tham gia, về tự do ngôn luận và sự phân biệt giữa tự do ngôn luận với xúc phạm người khác, về hiến pháp, quyền lập hiến và quyền tẩy chay hiến pháp, bất phục tùng dân sự. Còn mục đích của bài thứ hai này là cùng bạn tìm hiểu về sự vô cảm, nguyên nhân của nó, và vì sao ta không nên công kích những người vô cảm.


* * *

Kỳ 2
ĐỪNG LÊN ÁN NGƯỜI VÔ CẢM!
Trong hệ thống đánh giá và biểu dương, khen thưởng thành tích của Đảng và Nhà nước, các bạn thường thấy có một tiêu chí là “ý thức chính trị cao”, “bản lĩnh chính trị vững vàng”, theo nghĩa là “hiểu rõ và hướng tới bảo vệ lợi ích của Đảng, trung thành với Đảng – lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Trên thực tế, khái niệm “ý thức/ bản lĩnh chính trị” có lẽ đơn giản hơn. Người có ý thức chính trị là người hiểu rằng “chính trị là quá trình ra quyết định và thực thi quyết định đó trong một nhóm, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia”, nó có ảnh hưởng tới tất cả mọi người và đấy là lý do để tất cả nên có sự quan tâm, tìm hiểu ở mức cần thiết đến chính trị, đến các vấn đề chung của nhóm, cộng đồng, xã hội hay quốc gia đó.
Bất cứ khi nào bạn đặt ra và/hoặc tìm cách trả lời chỉ một trong các câu hỏi sau đây, là khi đó bạn đã có ý thức chính trị:
  • Tại sao một số người bạn yêu quý, bạn nể phục, lại không ở vị trí lãnh đạo “cho thiên hạ nhờ”? (trong công ty, trong tổ chức của bạn, cũng như trong một ngành nghề nào đấy – ví dụ bạn có ông chú là một vị bác sĩ rất có tâm, có tài, chẳng nhẽ không thể để chú làm Bộ trưởng Y tế thay Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến?)
  • Nếu bạn muốn đưa những người đó lên vị trí lãnh đạo thì bạn cần làm gì?
  • Bạn không muốn học môn kinh tế chính trị Marx-Lenin, hoặc ngược lại, muốn học kỹ hơn, đầy đủ hơn, thì phải làm thế nào?
  • Các ý kiến, đề xuất của bạn ở lớp, ở trường, cơ quan, công ty, NGO của bạn… có kết quả gì không?
  • v.v.
Chỉ cần đặt ra một trong số câu hỏi như thế, là bạn đã có ý thức chính trị rồi. Ý thức chính trị sẽ là cao nhất khi bạn tự hỏi: Mình muốn sống trong một tập thể/ cộng đồng/ xã hội/ đất nước như thế nào, và mình sẽ làm gì để đạt được điều đó?
Sự vô cảm đến từ đâu?
Paulo Freire (1921-1997) – nhà giáo dục nổi tiếng người Brasil, tác giả của cuốn sách sư phạm rất có ảnh hưởng ở thế giới thứ ba “Pedagogy of the Oppressed” (tạm dịch: Giáo dục dành cho người bị áp bức, xuất bản lần đầu năm 1970) – cho rằng con người có những nhu cầu căn bản về vật chất và tâm lý-xã hội: Phàm là người thì ai cũng có nhu cầu ăn ngủ, có chỗ ở, được chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh, được an toàn, được bảo vệ bởi pháp luật và lực lượng công quyền đáng tin cậy, được sống với người mình yêu, được thuộc về một cộng đồng, được mang bản sắc của một dân tộc, được làm việc và chăm lo cho gia đình, được tôn trọng, được giáo dục và được có các cơ hội để phát triển năng lực của mình. Paulo Freire tin rằng, nếu các nhu cầu căn bản đó không được đáp ứng, thì kết cục tất yếu là những căn bệnh tập thể, bệnh của cộng đồng sẽ xuất hiện, mà phổ biến nhất là bạo lực, sự vô cảm, ma tuý và rượu.
Ông viết: “Không ai có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của mình. Chỉ khi nào ở trong một cộng đồng, được sự hỗ trợ của những người khác, chúng ta mới có thể thoả mãn các nhu cầu của chúng ta. Những tôn giáo tốt đẹp, những chính quyền tốt đẹp, thì đều chú tâm đến việc xây dựng một xã hội như thế”.
Ông khẳng định: “Vô cảm không phải là trạng thái tự nhiên của con người. Trạng thái tự nhiên luôn là hướng tới đáp ứng các nhu cầu của mọi người khác. Chỉ khi các nỗ lực đó liên tục bị ngăn trở, người ta mới rơi vào trạng thái vô cảm”.
Sự vô cảm được hình thành như vậy. Và Paulo Freire bảo rằng, nếu chính quyền thất bại trong việc tạo điều kiện cho người dân - ở bất kỳ bộ phận nào trong xã hội - thoả mãn được nhu cầu căn bản, thì điều đó sẽ tác động ngược trở lại cả xã hội, và gây thiệt hại về dài hạn. “Một xu chi ngày hôm nay vào nhu cầu của người dân, sẽ tiết kiệm được 10 USD phải chi ngày mai vào công an, cảnh sát, nhà tù, các chương trình phục hồi nhân phẩm”. 
Vô cảm là hệ quả tất yếu của một nền chính trị xấu, một nền chính trị đã bị mất đi vẻ đẹp của nó
Và cùng với sự vô cảm là…
Khi người dân của một quốc gia phải sống nhiều năm trong tình trạng bị một thiểu số kiểm soát, chi phối lâu dài về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, v.v., suy nghĩ của họ dần dần bị định hình, khiến họ tin tưởng vào sự ưu việt của thiểu số đó. Họ có xu hướng nghĩ rằng thiểu số ấy luôn đúng đắn, sáng suốt, ngoài ra thì không còn gương mặt nào sáng giá để lãnh đạo xã hội cả; các lực lượng khác đều dở tệ, không có khả năng thay thế đội ngũ lãnh đạo hiện nay. Nói chung, họ không được khuyến khích tư duy, trong khi lại luôn được khuyến khích (và bản thân họ cũng khuyên lẫn nhau) là nên sống đơn giản, vui vẻ, còn những vấn đề “vĩ mô” thì đã có một thiểu số lo – nhóm thiểu số này thay mặt toàn dân điều hành đất nước, ra các chính sách có ảnh hưởng đến cả nước, trong đó có cả phần lợi ích của chính những người đang sống đơn giản, vui vẻ.
Cùng trong quá trình ấy, bản thân nhóm thiểu số lãnh đạo cũng được định hình tư duy để tin rằng họ là giới tinh hoa, họ cao hơn các nhóm khác, họ cao hơn “dân” một bậc, và tóm lại, họ là lãnh đạo. Những việc mỗi cá nhân gọi là “dân” ấy làm chỉ ảnh hưởng tới cá nhân đó, nhiều hơn thì đến nồi cơm gia đình của ông/bà ta, cùng lắm là đến cơ quan, công sở của ông/bà thôi. Chứ còn những việc lớn, trọng đại, có ảnh hưởng tới toàn xã hội, đòi hỏi tầm vóc chiến lược, trí tuệ sáng suốt, phải là việc lãnh đạo đang làm đây này. Mà vì làm việc lớn, quan trọng, cho nên họ nghiễm nhiên cho rằng họ phải được “tạo điều kiện” hơn “dân”: Cái này trong tiếng Việt gọi là “có tiêu chuẩn”, ví dụ có tiêu chuẩn nhà riêng, xe riêng, thậm chí chuyên cơ.
Và như vậy, cùng với trạng thái vô cảm của dân, là sự tự kiêu ngày càng lớn của chính quyền.
Chữa bệnh vô cảm
Như Paulo Freire đã nói, thực chất vô cảm là một dạng bệnh của cộng đồng (cùng với bạo lực, ma tuý và rượu chè). Nhưng ông cũng nhấn mạnh với chúng ta rằng bệnh ấy có ở nhiều xã hội, và chúng ta không nên tiếp tục công kích những cá nhân vô cảm – vốn cũng chỉ là “nạn nhân của áp chế và bóc lột” – vì những biểu hiện đó của họ.
Ông khuyên những người có tinh thần cộng đồng, muốn đấu tranh với bệnh vô cảm thì phải tạo đủ sức mạnh và niềm tin để đi xuyên qua sự vô cảm và khuyến khích các động lực trong cộng đồng. “Hãy giúp mọi người tìm ra những niềm hy vọng mới, hãy tạo ra nguồn năng lượng mới, để cùng nhau vượt qua bệnh vô cảm”.
Còn bạn, nếu bạn vẫn quyết tâm “không quan tâm đến chính trị”, thì chỉ xin bạn nhớ: Bạn có quyền như thế, nhưng điều đó không tốt cho cả bạn lẫn cộng đồng.
Kỳ sau: “Tham gia chính trị” là làm gì?
 
**

"Nói với mình và các bạn": "Tham gia chính trị" là làm gì?


Dưới đây là bài viết thứ ba trong loạt bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị, về sự tham gia, về tự do ngôn luận và sự phân biệt giữa tự do ngôn luận với xúc phạm người khác, về hiến pháp, quyền lập hiến và quyền tẩy chay hiến pháp, bất phục tùng dân sự. Còn mục đích của bài thứ ba và thứ tư là làm rõ về khái niệm “làm chính trị”, “hoạt động chính trị”, nói ngắn gọn là “sự tham gia”.
* * *

Kỳ 3
“THAM GIA CHÍNH TRỊ” LÀ LÀM GÌ?
Chúng ta thường hay nghe, trong xã hội, có những người hay nói: “Tôi không làm chính trị”, “Tôi biết thế thôi chứ tôi không tham gia”… Nếu ta hỏi lại: “Làm chính trị là làm gì cơ?”, câu trả lời của họ sẽ là: “Thì tức là tham gia chính trường, đấu đá, leo cao, tranh giành quyền lực…”. 
Đó có lẽ cũng là cách hiểu của đại đa số người dân Việt Nam về hành động “làm chính trị”. Cách hiểu ấy cho thấy rằng, chúng ta gần như không biết gì về chính trị, và quan niệm của chúng ta về lĩnh vực bao trùm xã hội này đã bị bóp méo quá nhiều bởi một chính quyền, một nền giáo dục, một nền văn hóa chính trị hoàn toàn không khuyến khích người dân tư duy để “nâng cao nhận thức chính trị”.
Trên thực tế, nếu chúng ta hiểu chính trị là “quá trình ra quyết định và thực thi quyết định đó trong một nhóm, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia”, thì hoạt động chính trị hẳn phải rộng hơn rất nhiều so với việc “đấu đá, leo cao”, và nó càng không phải chỉ giới hạn trong một giới gọi là “lãnh đạo”. Hoạt động chính trị, theo nghĩa rộng, là tất cả những gì bạn làm để tạo áp lực lên một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức, nhằm thuyết phục họ hành động như ý bạn muốn.
Phong trào “trên 25 độ C”
Ta hãy lấy một ví dụ vui vui và đơn giản (dĩ nhiên là bịa) để cùng hiểu thế nào là “hoạt động chính trị” theo nghĩa rộng. Giả sử bạn làm việc ở TP.HCM, và bạn nhận thấy là các cơ quan, công sở nơi bạn đến đều để điều hòa nhiệt độ ở mức rất lạnh, có khi chỉ 17-18 độ C, vừa tốn năng lượng (điện), vừa hại môi trường, vừa hại sức khỏe - lần nào vào phòng họp, bạn cũng rét run cầm cập.
Bạn nghĩ là sẽ phải làm thế nào đó để tổ chức của bạn, hoặc các cơ quan, công sở mà bạn biết, hoặc nhiều hơn nữa, mọi cơ quan, công sở trên địa bàn thành phố đều đặt máy điều hoà nhiệt độ ở mức cao hơn, chẳng hạn trên 25 độ C. (Như vậy là bạn đã có ý thức chính trị).
Sau đấy thì bạn sẽ hành động. Đầu tiên là ngay trong tổ chức của bạn. Có nhiều cách để bạn thuyết phục cơ quan làm điều bạn đang muốn: Bạn có thể gặp riêng sếp, “bỏ nhỏ”, rỉ tai, nhờ sếp ra quy định yêu cầu toàn thể nhân viên “chỉ để điều hòa nhiệt độ từ 25 độ C trở lên”. Bạn có thể gửi thư chung cho cả cơ quan, kêu gọi, vận động “anh chị em tăng điều hòa nhiệt độ lên đê!”, rồi thủ thỉ “trên 25 độ C, vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo chênh lệnh nhiệt độ hợp lý so với bên ngoài, đỡ hại sức khỏe”. Để thuyết phục hơn, bạn thậm chí còn nghĩ ra một phong trào, mang cái tên chung, chẳng hạn, là “Trên 25 độ C”.
Nếu bạn muốn đi xa hơn, làm sao để tất cả các cơ quan, công sở, đều thực hiện “trên 25 độ C”, thì bạn sẽ phải tính toán thêm một chút, để người ta không bảo bạn là điên, dở hơi, rỗi việc. Trong những trường hợp như vậy, thường thì bạn nên “có tổ chức”. 
  • Bạn phải huy động thêm một số người cùng nghĩ như bạn vào việc thuyết phục;
  • Hoặc bạn phải lôi kéo được một tổ chức nào đó có liên quan, ví dụ một NGO, một cơ quan báo chí, một kênh truyền hình về môi trường, cùng tham gia ủng hộ, đứng sau lưng bạn
  • Hoặc bạn thành lập một tổ chức của riêng bạn. Việc này thì không đơn giản, bởi vì bạn sẽ phải tính đến các yếu tố như: thủ tục thành lập, nhân sự, vốn, mục đích (cái này các NGO thường hay gọi là “sứ mệnh”, còn ngôn ngữ hành chính nước ta hay gọi là “chức năng, nhiệm vụ”). Không lẽ lập một tổ chức chỉ để vận động các cơ quan, công sở tăng điều hoà nhiệt độ lên trên 25 độ C?
  • Hoặc, trong kỷ nguyên Web 2.0 hiện nay, cách đơn giản là bạn phát động một phong trào “25 độ C” trên mạng xã hội và được đông đảo người dùng Internet hưởng ứng.
  • v.v.
Nào, ta thử bảo vệ môi trường!
Nếu mối quan tâm của bạn vượt khỏi chuyện “để điều hòa nhiệt độ trên 25 độ C”, mà là bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng nói chung, thì bạn có thể thực hiện nhiều hành động chính trị hơn nữa, ví dụ:
- Bỏ phiếu cho đại biểu quốc hội nào thể hiện sự quan tâm đến vấn đề môi trường, đưa việc cải thiện môi trường vào chương trình hành động… Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn chọn được người mà bạn ủng hộ vào cương vị bạn cho là thích hợp.
- Tiếp xúc với các đại biểu quốc hội để nhờ vả, thuyết phục họ lưu tâm đến các vấn đề môi trường và đưa ra các đạo luật hay chính sách mà bạn cho là thích hợp. Cái này gọi là “vận động lập pháp”, “vận động chính sách”. Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn vận động một cách đàng hoàng, minh bạch, mà nó chỉ có nghĩa là “đi đêm”, “hối lộ”.  
- Tổ chức và tham dự các hội nghị, hội thảo, thảo luận bàn tròn v.v. về các chủ đề môi trường. Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn dễ dàng tổ chức hội nghị, hội thảo, thảo luận bàn tròn v.v. 
- Viết bài đăng báo. Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam là rất khó có diễn đàn nào để bạn lên tiếng. Cứ cho là bạn có khả năng và kỹ thuật viết, bạn viết một bài báo rất chuyên nghiệp, cũng không chắc là bài của bạn sẽ được đăng tải trên báo chí chính thống, có khi chỉ đơn giản vì ban biên tập không quan tâm đến vấn đề môi trường. Bạn muốn tìm một tờ báo về môi trường, thì lại không có, mà giả sử có thì cũng không được tới 1000 người đọc. Nếu bạn tự quay phóng sự truyền hình để gửi tới đài truyền hình (trung ương hoặc địa phương) thì lại càng khó khăn hơn nữa, gần như không có cơ may nào để tác phẩm của bạn được phát sóng.
- Thành lập một tổ chức về môi trường. Đến đây bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn dễ dàng lập hội.
- Tham gia một tổ chức về môi trường. Đến đây bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép các tổ chức dân sự dễ dàng hoạt động. Họ vấp phải đủ vấn đề: thủ tục, nền tảng luật pháp, nhân sự, tài chính, v.v.
- Làm đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Đến đây bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép các vụ việc của một cá nhân được giải quyết nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiện tụng của bạn sẽ bị chìm lấp trong hàng nghìn đơn thư khác, vụ việc của bạn rất có nguy cơ bị lãng quên.
- v.v.
Có thể còn nhiều hành động chính trị khác nữa, gồm cả những hành động mà bạn chắc hẳn chưa từng nghĩ tới và không biết đó chính là “làm chính trị”.
Nếu bạn quan tâm, chúng ta sẽ tìm hiểu về chúng trong bài sau, tức là phần tiếp theo của bài này, để trả lời một cách cụ thể: Tham gia chính trị là làm gì (lý thuyết và thực tế trên thế giới)? Chúng ta sẽ biết được rằng, những cuộc “đấu đá, tranh giành quyền lực nội bộ” chỉ là một trong những hình thức hoạt động chính trị mà thôi; khái niệm làm chính trị rộng hơn và có thể đẹp đẽ hơn thế rất nhiều.
Kỳ sau: Từ “tuyên truyền, vận động” đến… bạo động
 
**
 
 
 

No comments:

Post a Comment