Friday, 14 September 2012

Chính đề Việt Nam (8) (Tùng Phong)

“...Nhưng một sự tự kiểm soát trong nội bộ không bao giờ chu đáo được, bởi vì tự kiểm thảo trong nội bộ có đủ thành thật đi nữa thì họ vẫn có thể thành thật mà lầm lẫn...”


Phần IV
MỘT LẬP TRƯỜNG THÍCH HỢP VỚI CÁC NHẬN XÉT TRÊN
Trong một phần trên chúng ta đã phân tích các sự kiện lịch sử để tìm hiểu vấn đề mà dân tộc chúng ta cần giải quyết trong giai đoạn này. Trong một phần khác, chúng ta đã kiểm điểm những cái vốn mà chúng ta có thể sử dụng được cũng như những món nợ mà chúng ta phải mang khi chúng ta nỗ lực giải quyết vấn đề đã nhìn thấy.
Trong phần dưới đây, chúng ta sẽ làm một công việc hoàn toàn khác. Trong hai phần trên đây, chúng ta đã dựa trên những sự kiện lịch sử không ai phủ nhận được để phân tích các biến cố phức tạp hiện nay, mong soi thấu các đường canh và các sợi chỉ chính yếu đã dệt ra tình trạng hiện tại của dân tộc. Trong phần dưới đây, chúng ta lại điều hợp những tính chất mà chúng ta đã rút ra được từ trong khối sự kiện đã được phân tích, đối với mỗi lĩnh vực của dĩ vãng dân tộc, để tìm xây dựng một đường lối hành động và một phương pháp giải quyết vấn đề mà chúng ta đã nhìn thấy
Nhiều khía cạnh của đường lối hành động và nhiều yếu tố của phương pháp giải quyết đã được đề cập đến rải rác trong nhiều đoạn suy luận trên. Dưới đây chúng ta cũng sẽ nhắc trở lại trong một cái nhìn tổng hợp để làm thành một toàn bộ chủ trương trong các lĩnh vực của đời sống quốc gia.
Chúng ta đang ở trong trường hợp của một người vừa xem xong một cuốn phim tả một phần dĩ vãng của dân tộc trong đó những sự kiện bên ngoài và bên trong đều được phân tích với ít nhiều chi tiết. Vì thế cho nên khi phim ngừng lại ở hình chót, nghĩa là ở tình trạng hiện tại của quốc gia, chúng ta đã nhận thức được tất cả các nguyên nhân đã cấu tạo vấn đề hiện tại của dân tộc.
Chúng ta có thể nghĩ rằng, tìm được nguyên nhân cố nhiên là giải quyết được vấn đề, cũng như nhà Y học tìm được căn bệnh, là chữa được bệnh.
Nhưng bản chất của đời sống là phức tạp. Đời sống của quốc gia lại còn phức tạp hơn nữa, bởi vì quốc gia hay bất cứ một tập thể nào, là trường hoạt động không phải của một người, hay của một nhóm người, mà là của toàn dân, là của tất cả các phần tử của tập thể. Do đó phản ứng của tập thể khó mà đoán được. Vì vậy mà nhiều nhà lãnh đạo đã bị những biện pháp độc tài cám dỗ. Chúng ta không lựa con đường dễ đó bởi vì chúng ta tin tưởng ở hai điều mà không ai có thể phủ nhận được:
Sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề dân tộc đã được đặt trên căn bản vững chắc của sự kiện lịch sử.
Đời sống của một tập thể do định luật thăng bằng động tiến của vũ trụ chi phối. Thăng bằng động tiến giữa những yếu tố đối chọi nhau ngay trong nội bộ, thăng bằng động tiến giữa những quyền lợi của tập thể và quyền lợi của cá nhân, thăng bằng động tiến giữa những điều kiện bên trong và điều kiện bên ngoài.
Trên căn bản khách quan đó, chúng ta sẽ tìm minh định một thái độ mà chúng ta tin rằng thích nghi nhất với vấn đề hiện tại cần phải được giải quyết của dân tộc. Một thái độ đối với vấn đề của một dân tộc, đương nhiên bao gồm đủ các lĩnh vực. Chúng ta lần lượt xem qua các lĩnh vực lãnh đạo, quần chúng, kinh tế và quyền sở hữu, và văn hoá.
Vấn đề lãnh đạo
Bộ máy lãnh đạo của một quốc gia được ấn định bởi chính thể lựa chọn. Sự lựa chọn chính thể lại tuỳ thuộc ở quan niệm về vấn đề lãnh đạo. Khối Cộng Sản và khối Tự Do, ngày nay khác nhau, trên phương diện hình thức, ở chỗ một bên chủ trương chính thể Độc tài Đảng trị, một bên chính thể dân chủ Pháp trị. Nhưng, trong căn bản, sự khác nhau không phải về hình thức bên ngoài đó. Bởi vì hình thức đó chỉ là biểu lộ bên ngoài của một sự khác nhau về quan niệm lãnh đạo. Khối Tự Do quan niệm một sự lãnh đạo căn cứ trên sự thuyết phục để hướng dẫn quần chúng. Khối Cộng Sản quan niệm một sự lãnh đạo căn cứ trên sự cưỡng bách để hướng dẫn quần chúng. Khối thứ nhất chú trọng đến với trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi ngắn hạn của cá nhân trong tập thể và quyền lợi dài hạn của tập thể, bởi vì lý do của đời sống là một sự việc của cá nhânđiều kiện của đời sống là một điều kiện tập thể. Khối thứ nhì chỉ chú trọng đến quyền lợi dài hạn của tập thể bởi vì, trong một giai đoạn lịch sử, các nhà lãnh đạo tin rằng sự sống còn của tập thể bị đe doạ và đòi hỏi sự hoàn toàn hy sinh các quyền lợi cá nhân cho tập thể. Một điều mà chúng ta nên ghi nhớ là sự lựa chọn quan niệm lãnh đạo này hay quan niệm lãnh đạo kia đều do những sự kiện lịch sử thực tế quyết định chớ không phải do những quan điểm triết lý trừu tượng.
Trong một giai đoạn nào đó của lịch sử một dân tộc, sự thăng bằng động tiến giữa những quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể bị phá vỡ, bởi những yếu tố kích thích hoặc nội bộ hoặc bên ngoài đưa đến. Thăng bằng bị phá vỡ, đời sống của tập thể tiếp tục trên những căn bản giả tạo cho đến khi nào thăng bằng động tiến được tái lập.
Quan niệm lãnh đạo
Chúng ta đã biết là ngay trong những thời kỳ bình thường của cộng đồng, duy trì trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi ngắn hạn cá nhân của các phần tử của cộng đồng và quyền lợi dài hạn của cộng đồng đã là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi một sự lãnh đạo nhiều sáng suốt, nhiều khéo léo và thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng. Sự phát triển của cộng đồng sẽ được bảo đảm nếu những nỗ lực duy trì trạng thái thăng bằng động tiến thành công.
Trong những thời kỳ khủng hoảng của cộng đồng, trạng thái thăng bằng động tiến chẳng những ở vào một trạng thái bấp bênh gia tăng mà lại còn bị đe doạ phá vỡ bởi những yếu tố khuynh đảo do hoàn cảnh lịch sử tạo nên. Sự tiến hoá của cộng đồng bị ngưng trệ. Nếu chúng ta lại lấy hình ảnh của hệ thống người cỡi xe đạp và xe đạp trên kia, thì những thời kỳ khủng hoảng của cộng đồng tương đương với những lúc mà tốc độ của hệ thống giảm đi vì những lý do nội bộ của hệ thống: xe đạp bỗng ngừng hoặc người cỡi đã mệt mỏi, hay vì những lý do bên ngoài: tình trạng của con đường hoặc sự lưu thông trở nên khó khăn. Dầu sao, vì những lý do ngoài ý muốn của hệ thống, thăng bằng của hệ thống bị đe doạ và hệ thống sắp ngã.
Các yếu tố khuynh đảo trạng thái thăng bằng động tiến có thể phát sinh từ trong nội bộ, ví dụ những cuộc xáo trộn mà Tây phương phải đương đầu, khi chính mình vừa phát minh những kỹ thuật sản xuất kỹ nghệ. Các yếu tố khuynh đảo có thể từ bên ngoài đưa đến, ví dụ những cuộc ngoại xâm mà nước Tàu đã dành cho chúng ta trong tám thế kỷ liên tiếp. Nghĩa là từ ngày lập quốc, trạng thái thăng bằng động tiến của xã hội chúng ta lúc nào cũng bị sự đe doạ phá vỡ bởi một cuộc xâm lăng của nước Tàu. Do đó, sự tiến hoá trong lịch sử đã qua, của dân tộc chúng ta không hùng mạnh và chưa được vượt lên đến trình độ sáng tạo, góp phần vào văn minh nhân loại. Và tình trạng nặng nề ấy sẽ mãi mãi đè nặng và kìm hãm sự phát triển của dân tộc cho tới ngày nào mà chúng ta, như Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ đã nuôi ý chí, tiêu diệt được sự đe doạ xâm lăng của Trung Hoa.
Các yếu tố khuynh đảo có thể đồng thời vừa từ bên ngoài đưa đến, vừa phát sinh từ trong nội bộ, ví dụ như cuộc tấn công của Tây phương vào các quốc gia của xã hội Đông Á bắt buộc các quốc gia này phải vừa đương đầu với Tây phương, vừa Tây phương hoá các cơ cấu xã hội của mình. Đương nhiên là trường hợp thứ ba này là trình độ trầm trọng nhất mà các cuộc khủng hoảng của một cộng đồng có thể đạt tới. Trong hoàn cảnh đó, sự duy trì trạng thái thăng bằng động tiến, hoặc sự tái lập một trạng thái thăng bằng động tiến đã bị phá vỡ, đòi hỏi một sự lãnh đạo phi thường. Nếu một sự lãnh đạo tương tự không có, cộng đồng bất hạnh, sẽ bị ngưng trệ trong sự tiến hoá, hoặc miễn cưỡng tiếp tục một sự tiến hoá phiến diện, chỉ chú trọng đến một vài khía cạnh của toàn bộ vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng nhưng đòi hỏi một sự tiêu hao vô bờ bến đối với sinh lực của cộng đồng, và lưu lại những hậu quả tai hại nặng nề cho nhiều thế hệ trong tương lai. Tất cả các cuộc cách mạng đẫm máu, kể cả cuộc cách mạng của Pháp năm 1789 và của Nga năm 1917, đều thuộc vào trạng thái thăng bằng động tiến được tái lập. Sau cách mạng 1789, mãi cho đến sau chiến tranh Pháp-Đức năm 1870, nước Pháp mới tái lập được trạng thái thăng bằng động tiến đã mất. Sau cách mạng 1917, mãi đến ngày nay, nước Nga vẫn chưa tái lập lại được trạng thái thăng bằng động tiến đã mất.
Trong hình ảnh hệ thống người cỡi và xe đạp, sự trạng thái thăng bằng động tiến bị phá vỡ tương đương với sự mất thăng băng của người cỡi. Cộng đồng tiếp tục một sự tiến hoá miễn cưỡng trên những căn bản giả tạo, phí phạm nhiều sinh lực để thâu thập những thành quả phiến diện, cũng tương đương với người cỡi xe đạp gắng sức đẩy chiếc xe đạp không còn dùng được, để đưa toàn bộ hệ thống người và xe vượt một đoạn đường. Kết quả thâu thập được không tương đương với sự phí sức rất nhiều, bởi vì một trạng thái thăng bằng sống đã được thay thế bằng một trạng thái thăng bằng chết.
Nước Anh và nước Mỹ là những cộng đồng quốc gia điển hình, nhờ một sự lãnh đạo sáng suốt, đã chiến thắng được những yếu tố khuynh đảo phát sinh từ nội bộ cũng như bên ngoài đưa vào, nhưng trong những thời kỳ khác nhau, và duy trì trạng thái thăng bằng động tiến cho xã hội trong nhiều thế kỷ. Nguồn gốc chính yếu của sức mạnh hiện tại của hai cường quốc trên là sự kiện đó.
Nước Pháp và nước Đức là hai quốc gia khác, trong xã hội Tây phương, cũng đã phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng đồng loại với những cuộc khủng hoảng của hai quốc gia Anh và Mỹ. Cả hai nước Pháp và Đức đều thắng được các yếu tố nội bộ mà không thắng được các yếu tố ngoại lai. Trạng thái thăng bằng động tiến bị phá vỡ trong một thời gian ngắn nhưng đã được tái lập. Tuy nhiên sự lãnh đạo quốc gia vẫn còn chịu ảnh hưởng của một sự gián đoạn trầm trọng.
Nước Nhật là một quốc gia điển hình, nhờ một sự lãnh đạo phi thường, đã thắng được những yếu tố khuynh đảo vừa nội bộ vừa bên ngoài, cùng lúc tác động đồng thời, và duy trì trạng thái thăng bằng động tiến mặc dầu xã hội phải thay thế nhiều giá trị tiêu chuẩn.
Nước Nga là một quốc gia ngoài xã hội Tây phương, đã phải ứng phó với một cuộc khủng hoảng đồng loại với cuộc khủng hoảng của Nhật. Nhưng các nhà lãnh đạo Nga đã thắng được các yếu tố bên ngoài mà không thắng được các yếu tố nội bộ. Vì những biện pháp áp dụng để đương đầu với cuộc khủng hoảng đã phá vỡ trạng thái thăng bằng động tiến của xã hội, và đặt ra những căn bản giả tạo cho một sự tiến hoá phiến diện. Và ngày nay, sau gần nửa thế kỷ chính quyền độc tài đảng trị khủng khiếp của Cộng Sản, trạng thái thăng bằng động tiến của xã hội Nga vẫn chưa tái lập. Chúng ta đã thấy trong các giai đoạn trên, hai sự kiện chứng minh cho điều này. Trước hết là các nhà lãnh đạo Nga Xô đang lần lần và một cách dè dặt thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược giai đoạn, và đương nhiên giả tạo bằng những giá trị chiến lược khác thích nghi với di sản tinh thần của văn minh nhân loại, mục đích để tái lập trạng thái thăng bằng động tiến của xã hội, đã bị cách mạng phá vỡ. Sự kiện thứ hai là bộ máy lãnh đạo của Nga Xô, căn cứ trên những tiêu chuẩn giả tạo của chế độ độc tài đảng trị, đương nhiên bất lực trong sự chuyển quyền điều hoà mỗi khi cần phải thay đổi người lãnh đạo.
 
Như các đoạn trên đã trình bày, cộng đồng quốc gia Việt Nam đang ở trong một thời kỳ khủng hoảng đồng loại với những khủng hoảng trước đây của Nhật và của Nga. Cuộc khủng hoảng của Việt Nam lại còn trầm trọng hơn vì những yếu tố khuynh đảo nội bộ phát sinh từ thời gian gần một thế kỷ thuộc Pháp và những yếu tố khuynh đảo bên ngoài do cuộc tranh chấp giữa Tây phương và Cộng Sản đưa đến. Vì vậy cho nên, quan niệm lãnh đạo dẫn dắt đến hình thức chính thể, rất quan trọng cho sự bảo vệ trạng thái thăng bằng động tiến cho cộng đồng trong những thời kỳ bình thường, càng trở nên vô cùng thiết yếu trong một thời kỳ khủng hoảng như của chúng ta hiện nay.
Trong trường hợp Việt Nam, không thể đặt vấn đề quan niệm lãnh đạo và chính thể mà không đề cập đến vấn đề Cộng Sản được, vì chính là nhân danh quan niệm lãnh đạo Cộng Sản mà cuộc tương tàn đã diễn ra trên mảnh đất này từ hai mươi năm nay.
Vì những lý do nào mà có một số người lãnh đạo chủ trương rằng quan niệm lãnh đạo Cộng Sản thích nghi cho hoàn cảnh khủng hoảng của cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay?
Trước hết chúng ta sẽ nhắc lại, trong một cái nhìn bao quát, những điều đã được rải rác trình bày trong các phần trên, liên quan đến sự phát sinh của thuyết Cộng Sản ở Âu châu, đến các điều kiện đã biến một lý thuyết, do Tây phương tạo ra, thành một lợi khí của Nga Xô để chống lại Tây phương và đến hoàn cảnh lịch sử nhờ đó thuyết Cộng Sản được nhập cảng vào Á châu và vào Việt Nam. Sau đó, chúng ta sẽ nhắc lại những kết quả phân tích sự kiện lịch sử, cũng rải rác trong các phần trên, khả dĩ giúp cho chúng ta vượt trên các yếu tố phức tạp đã dệt thành hoàn cảnh hiện tại của Cộng đồng dân tộc, suy luận để nhìn thấy và tìm xem những lý do, đã khiến cho quan niệm lãnh đạo Cộng Sản xâm nhập chính trường Việt Nam, có một giá trị như thế nào, đối với quyền lợi của dân tộc, trong một giai đoạn quyết định như giai đoạn này.
Thuyết Cộng Sản phát sinh
Sau khi khoa học Tây phương đã phát minh những kỹ thuật sản xuất kỹ nghệ, thì những lực lượng mới này đã làm cho hệ thống phân phối tài sản quốc gia của xã hội Tây phương đương thời, tổ chức trên căn bản thủ công nghệ và nông nghiệp, không còn hiệu lực nữa. Vì vậy cho nên những cuộc xáo trộn chấn động liên tiếp đã làm lung lay đến tận nền tảng các cơ cấu xã hội Tây phương. Các yếu tố khuynh đảo nội bộ phá hoại cơ thể và gây cho xã hội Tây phương một cơn bệnh trầm trọng.
Nhiều giải pháp được đề nghị, trong đó giải pháp xây dựng trên một công trình nghiên cứu thực tế lịch sử chính xác và phong phú, và được quần chúng hưởng ứng vì đã phát sinh từ những căn bản quan sát thiết thực đối với tình trạng xã hội đương thời. Giải pháp này chủ trương thay đổi, bằng một cuộc cách mạng bạo động kiểu 1789 của Pháp, hoàn toàn các cơ cấu của xã hội cũ, tiếp nhận những giá trị tiêu chuẩn mới, để xây dựng một xã hội mới thích nghi với các lực lượng sản xuất kỹ nghệ, trong đó sự phân phối tài sản của cộng đồng sẽ được thực hiện một cách hợp lý. Những mục tiêu đề ra, đương nhiên có một mãnh lực hấp dẫn cao độ đối với quần chúng, vì hứa hẹn nhiều sự bảo đảm cho quyền lợi ngắn hạn của cá nhân.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Tây phương đã đủ sáng suốt để nhìn thấy rằng giải pháp Cộng Sản chỉ chú trọng đến các khuyết điểm cần chỉnh đốn của xã hội Tây phương lúc bấy giờ, và do đó đã phủ nhận các giá trị tiêu chuẩn đã trở thành di sản của văn minh nhân loại, và thay thế bằng những giá trị tiêu chuẩn giả tạo, kết quả của một công trình suy luận lý thuyết, tuy có phong phú nhưng vẫn là của con người trong một thế hệ. Vì nhược điểm đó cho nên phương thuốc đề nghị để chữa bệnh cho xã hội Tây phương, thay vì có hiệu lực của một linh dược, sẽ trở thành một độc dược chẳng những phá hoại nền tảng của xã hội còn hơn cả chứng bệnh lúc bấy giờ, mà lại còn có thể tiêu diệt tất cả di sản của văn minh nhân loại trong mấy nghìn năm.
Vì quyền lợi dài hạn của cộng đồng, các nhà lãnh đạo Tây phương đã từ chối một phương thuốc độc hại, và vừa nỗ lực tìm những phương thuốc khác cho xã hội Tây phương, vừa chiến đấu ác liệt để loại trừ một độc dược đã lợi dụng một thời kỳ khủng hoảng của cộng đồng, xâm nhập vào cơ thể xã hội. Và ngày nay, trong công cuộc này, sự thành công của Tây phương đã rõ rệt. Tây phương đã tìm được những phương pháp khả dĩ giúp cho xã hội thâu nhận được những lực lượng sản xuất mới mà vẫn duy trì được trạng thái thăng bằng động tiến. Và đương nhiên, khi xã hội đã lành mạnh, quần chúng Tây phương cũng không còn hưởng ứng thuyết Cộng Sản nữa, vì nhu cầu không còn nữa đối với một phương thuốc đã được đề nghị như là một linh dược để trị một chứng bệnh đã lành. Sự phát triển hùng mạnh của xã hội Tây phương ngày nay là một bằng cớ hiển nhiên và hùng biện.
Thuyết Cộng Sản biến thành lợi khí của nước Nga
Chúng ta còn nhớ rằng giữa Nga và Tây phương có một cuộc chiến đấu trường kỳ đã kéo dài từ nhiều thế kỷ. Và từ khi công cuộc Tây phương hoá nước Nga thành công, dưới thời Đại Đế Pierre cho đến phân nửa đầu của thế kỷ 19, thắng thế đã ngả về Nga. Và quân lực và ngoại giao của Nga đã nhiều lần đóng một vai trò quyết định trên chính trường Âu Châu. Nhưng cuộc cách mạng kỹ nghệ của Tây phương vào thời kỳ phân nửa sau của thế kỷ XIX, đã đưa kỹ thuật của Tây phương vượt hẳn kỹ thuật của Nga và làm nghiêng cán cân lực lượng về Tây phương một lần nữa. Sự thua kém Tây phương về kỹ thuật càng rõ rệt, sau khi quân lực của Nga, năm 1905 bị thảm bại trước quân lực của Nhật, một quốc gia ngoài xã hội Tây phương vừa thực hiện xong giai đoạn đầu của công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hoá.
Như thế, vào thời kỳ vài chục năm đầu của thế kỷ 20, vấn đề đặt ra cho các nhà lãnh đạo Nga rất minh bạch. Những sự kiện lịch sử nghiêm khắc đặt các nhà lãnh đạo này vào một tình thế bắt buộc họ phải tái bản công trình Tây phương hoá nước Nga của Đại Đế Pierre để bảo đảm tương lai của dân tộc. Tuy nhiên, những kinh nghiệm đã qua trong cuộc chiến đấu trường kỳ với Tây phương, cũng như trình độ phát triển đại quy mô của kỹ thuật Tây phương lúc bấy giờ, tất cả các yếu tố đó, đều đòi hỏi cho công cuộc Tây phương hoá kỳ này, ở các nhà lãnh đạo, một kế hoạch toàn diện, đại quy mô, tương xứng với hoàn cảnh lịch sử và vị trí quốc tế của nước Nga, cũng như những phương tiện vĩ đại, để huy động toàn lực của dân tộc. Như thế, vấn đề đã rõ rệt, cuộc cách mạng năm 1917 của Nga biểu lộ ý chí của các nhà lãnh đạo Nga, đạt một mục đích dân tộc: phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hoá.
Sở dĩ mục đích thật sự và dân tộc của cuộc Cách mạng Nga năm 1917 bị hoàn toàn che lấp dưới cái áo quốc tế của cuộc cách mạng xã hội thế giới, mà các nhà lãnh đạo Nga Xô tuyên bố chủ trương để đánh đổ Tư Bản Chủ Nghĩa, là vì, trong lần Tây phương hoá này, ngoài những kỹ thuật vật chất của Tây phương, nước Nga, với một thâm ý chiến lược vô cùng sắc bén, đã thâu nhận làm lợi khí tranh đấu một lý thuyết, sản phẩm tinh thần của Tây phương mà Tây phương đã từ bỏ: thuyết Cộng Sản. Ngày nay chúng ta cũng đang mục kích, Trung Cộng tái diễn tấn tuồng phất cờ cách mạng xã hội thế giới chống đế quốc để tạo hoàn cảnh thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển dân tộc riêng của nước Tàu.
Chúng ta đã nhận định, trong một đoạn trên, những sự kiện nào đã dẫn dắt các nhà lãnh đạo Nga Xô đến chỗ thâu nhận một chủ nghĩa, ngoại lai, như Chủ Nghĩa Cộng Sản, hoàn toàn chống lại truyền thống văn minh của dân tộc Nga.
Trước hết, các nhà lãnh đạo Nga Xô, ý thức hoàn cảnh nghiêm khắc của công cuộc phát triển của Nga. Công cuộc phát triển này, cũng như công cuộc phát triển của Trung Cộng ngày nay, đương nhiên sẽ gây ra nhiều phản ứng thù nghịch. Vì vậy cho nên sử dụng được những biện pháp huy động quần chúng đến mức tối đa, đối với họ là một nhu cầu thiết yếu. Quan niệm lãnh đạo Độc tài đảng trị của thuyết Cộng Sản đáp ứng vào nhu cầu nói trên.
Các cuộc xáo trộn xã hội, vào thời kỳ đó ở Tây phương, là những sự kiện tự nó hùng biện, chứng minh rằng xã hội Tây phương lúc bấy giờ, không thích nghi với các lực lượng sản xuất mới. Xã hội Nga, vào cùng một thời kỳ, lại còn lạc hậu hơn xã hội Tây phương, thì đương nhiên sẽ không thích nghi với các lực lượng sản xuất mới mà công cuộc phát triển dân tộc bắt buộc sẽ thâu nhận. Như thế thì, tổ chức xã hội Nga theo kiểu mẫu xã hội mà thuyết Cộng Sản đề nghị chẳng những là có tác dụng thích nghi hoá xã hội này với các lực lượng sản xuất mới, mà lại còn là, trong con mắt các nhà lãnh đạo Nga Xô, đi trước Tây phương một đoạn đường, nghĩa là đã thắng Tây phương trên phương diện tổ chức xã hội.
Điều bất ngờ cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản ngày nay là, Tây phương lấy đức tính chính xác của kỹ thuật khoa học, thám cứu các biểu lộ, thực tế của đời sống, đã tìm được và thực hiện được một hình thức xã hội thích nghi với các lực lượng sản xuất mới. Trong khi đó, xã hội Nga Xô tổ chức theo kiểu mẫu của xã hội Cộng Sản, chỉ căn cứ trên kết quả suy luận lý thuyết của những bộ óc, tuy là khác thường, nhưng vẫn là của con người còn đang mò mẫm tìm trạng thái thăng bằng cần thiết cho cộng đồng. Sự kiện Nga Xô đang lần lần thay đổi các giá trị tiêu chuẩn càng xác nhận căn bản lý thuyết và giả tạo của kiểu mẫu xã hội Cộng Sản.
Các cuộc xáo trộn xã hội ở Tây phương lúc bấy giờ còn bộc lộ ma lực hấp dẫn của thuyết Cộng Sản đối với quần chúng Tây phương. Các nhà lãnh đạo cuộc cách mạng Nga Xô năm 1917 đương nhiên nhìn thấy thực trạng chính trị đó. Và trong khuôn khổ cuộc chiến đấu ác liệt giữa Nga và Tây phương, sự Nga thâu nhận lý thuyết Cộng Sản làm lý thuyết tranh đấu, đương nhiên sẽ biến quần chúng Tây phương thành những đồng minh cho Nga, nội tuyến ngay trong lòng địch. Trong thực tể, các đảng Cộng Sản địa phương trong các quốc gia Tây phương, đều đã đóng, ít hay nhiều, vai trò đồng minh nội tuyến cho Nga Xô.
Chúng ta vừa nhận xét các sự kiện phát sinh từ tình trạng nội bộ của Tây phương và của Nga, đã biến lý thuyết Cộng Sản của Tây phương, thành trong tay Nga Xô một thứ khí giới tinh thần sắc bén, hơn cả bất cứ thứ khí giới kỹ thuật tối tân nào của Tây phương đã phát minh, khả dĩ giúp cho Nga Xô tấn công hiệu quả Tây phương, vừa từ bên ngoài vào, vừa trong nội bộ phát ra.
Thuyết Cộng Sản nhập cảng vào Á Châu và Việt Nam
Tuy nhiên, đối với nhà lãnh đạo Nga Xô, thuyết Cộng Sản còn là một lợi khí tranh đấu, có một tác dụng không kém hiệu lực trong một phạm vi khác của cuộc tranh đấu vĩ đại giữa Nga Xô và Tây phương.
Như chúng ta đã thấy trong một đoạn trên, khi giai đoạn hiện tại của cuộc tranh đấu giữa Nga Xô và Tây phương mở màn, vị trí của Tây phương rất là hùng mạnh. Tây phương đã chinh phục gần hết thế giới, thuộc địa của Tây phương nằm khắp các lục địa và các đại dương. Quân lực của Tây phương trấn cứ các yếu điểm chiến lược trên địa cầu, kỹ thuật của Tây phương đã vượt đến một cao độ đáng sợ và khắc phục được một cái đà phát triển vừa vững chắc vừa nhiều sinh lực. Trước một địch thủ, mà khả năng và uy thế đã bao trùm thế giới, vượt xa khỏi địch thủ thời Đại Đế Pierre, đương nhiên các nhà lãnh đạo Nga không thể mong chiến thắng bằng một chiến lược cổ truyền giới hạn trong phạm vi quốc gia. Nhu cầu chiến lược bắt buộc các nhà lãnh đạo Nga Xô đưa khuôn khổ của cuộc chiến đấu lên đến ranh giới hoàn cầu, nếu họ muốn tránh cho Nga một cuộc bao vây ác nghiệt và một thảm bại ngay lúc chưa ra quân.
Vì vậy cho nên, Nga Xô đã sử dụng lý thuyết Cộng Sản làm một tín hiệu tập hợp, khả dĩ quy tụ trong một mặt trận quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Nga Xô, tất cả các kẻ thù của Tây phương lúc bấy giờ trên thế giới, để làm hậu thuẫn cho Nga Xô. Trong cuộc chiến đấu vĩ đại chống Tây phương, mà mục đích vẫn là công cuộc phát triển cho dân tộc Nga. Chúng ta có thể so sánh những nỗ lực lúc bấy giờ của Nga Xô với những nỗ lực hiện tại của Trung Cộng, để thành lập một mặt trận quốc tế quy tụ các quốc gia chưa mở mang để hậu thuẫn cho công cuộc phát triển cho dân tộc Tàu.
Tuy nhiên, mưu toan của Nga Xô để quy tụ các kẻ thù lúc bấy giờ của Tây phương là một việc. Nhưng sự hưởng ứng của các quốc gia đã bị Tây phương tấn công và biến làm thuộc địa hay bán thuộc địa là một việc khác. Vậy, vì những lý do nào mà các nước này hưởng ứng lời kêu gọi và quy tụ dưới sự lãnh đạo của Nga Xô?
Lúc bấy giờ, đã từ hơn bốn trăm năm Tây phương đã tấn công hầu hết các quốc gia ngoài xã hội Tây phương và đã từ gần một trăm năm đã chinh phục hầu hết thế giới. Các quốc gia bị tấn công, sau khi đã hết sức mình kháng chiến trong nhiều thế hệ, lần lần đã đi đến chỗ phải nhìn nhận tính cách vô hiệu quả của cuộc chiến đấu giữa những lực lượng vô cùng chênh lệch. Vận dụng toàn diện khả năng nghênh chiến của một quốc gia để chống lại một ké thù đã bao vây thế giới là một chiến cuộc không có hy vọng thành công. Vì thế cho nên, đối với các nhà lãnh đạo của quốc gia đã bị chinh phục, lời kêu gọi đồng minh của Nga Xô có hiệu lực mở một lối đi cho một tình thế đã bế tắc. Đồng minh với Nga Xô là đưa cuộc chiến đấu giải thoát quốc gia lên cương vị một cuộc chiến đấu quốc tế có nhiều khả năng bảo đảm cho sự thành công.
Tác dụng của lý thuyết Cộng Sản
Như thế thì, chính là điều kiện gian lao của một cuộc chiến đấu giành độc lập đã đưa một số các nhà lãnh đạo các quốc gia Á châu bị Tây phương chinh phục, đến chỗ đồng minh với Cộng Sản. Và nhà lãnh đạo Cộng Sản của Việt Nam cũng ở vào trường hợp đó.
Tuy nhiên, có nhiều nhà lãnh đạo Á châu mà quốc gia cũng đã bị Tây phương chinh phục, đã sáng suốt nhìn thấy, vừa thâm ý chiến lược của Nga Xô, vận dụng một mặt trận quốc tế để hậu thuẫn cho công cuộc phát triển của dân tộc Nga, vừa những căn bản giả tạo của thuyết Cộng Sản, đã từ chối một sự đồng minh với Nga Xô trên nguyên tắc quy phục lý thuyết Cộng Sản. Cân nhắc lợi hại, các nhà lãnh đạo này, đã quyết định chọn một con đường khác hơn con đường Cộng Sản, trong công cuộc tranh giành độc lập và sau đó trong công cuộc phát triển dân tộc. Các biến cố lịch sử sau Đại Thế Chiến thứ hai, mà chúng ta đã có nhắc đến, xác nhận quan điểm sáng suốt của những nhà lãnh đạo như Gandhi và Nehru của Ấn Độ.
Ấn Độ và nhiều quốc gia khác ở Á châu, và ngoài Á châu đã khai thác mâu thuẫn giữa Nga Xô và Tây phương để thâu hồi độc lập hoàn toàn, một cách không tiêu hao cho sinh lực dân tộc. Và chúng ta đã thấy một đoạn trên, rằng chính là sự đồng minh với Cộng Sản của một số nhà lãnh đạo của chúng ta, đã làm cho công cuộc tranh giành độc lập của chúng ta trở thành vô cùng tiêu hao cho sinh lực của dân tộc. Những sự hy sinh cao cả của các phần tử của cộng đồng không bao giờ phủ nhận được, cũng như không phủ nhận được tính kiêu hùng của dân tộc trong các cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo lúc nào cũng phải tự đặt cho mình nghiêm luật không bao giờ có quyền phí phạm sinh lực của cộng đồng, mỗi khi quyền lợi của cộng đồng bắt buộc phải sử dụng đến.
Vả lại, độc lập vẫn chưa phải là mục đích. Và sinh lực của dân tộc còn cần thiết hơn bội phần cho công cuộc phát triển đang chờ đợi chúng ta. Và lý do thứ nhì để cho các nhà lãnh đạo các quốc gia Á châu thâu nhận thuyết Cộng Sản do Nga Xô chủ trương lại chính là công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hoá sau khi độc lập đã được thâu hồi.
Thuyết Cộng Sản quả quyết rằng chỉ có phương pháp độc tài đảng trị mới có đủ khả năng huy động quần chúng để cung cấp những nỗ lực cần thiết cho một công cuộc phát triển cộng đồng. Và thuyết Cộng Sản cũng quả quyết rằng chỉ có xã hội tổ chức theo kiểu của thuyết Cộng Sản đề nghị mới thích nghi với các lực lượng sản xuất của kỹ nghệ. Vậy thì mọi công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hoá phải áp dụng phương pháp độc tài Đảng trị và phải xây dựng xã hội theo kiểu mẫu Cộng Sản.
Chúng ta đã phân tích, với chi tiết, tác dụng của thuyết Cộng Sản, trong giai đoạn chiến đấu giành độc lập đã qua, của chúng ta, đối với sự thống trị của đế quốc. Đối với sự chi phối và thống trị của nước Tàu, đã đè nặng lên đời sống của dân tộc trong hơn tám trăm năm, gián đoạn trong một trăm năm, ngày nay lại tái hiện và đe doạ hơn bao giờ, chúng ta cũng đã vạch rõ những hậu quả tai hại, mà sự quy phục thuyết Cộng Sản, của các nhà lãnh đạo Bắc Việt, sẽ lưu lại cho thế hệ tương lai. Một điều mà chúng ta phải ghi nhớ, trong khuôn khổ của vấn đề quan trọng này, liên quan mật thiết đến vận mạng của dân tộc, là thâm ý chiến lược của Nga Xô trước đây và thâm ý chiến lược đồng loại của Trung Cộng ngày nay. Đối với hai quốc gia này, thuyết Cộng Sản và các mặt trận quốc tế phục vụ cho thuyết Cộng Sản, đều là những lợi khí sắc bén để phục vụ, trước hết và trên hết, mục đích phát triển dân tộc của hai nước.
Trong phạm vi phát triển dân tộc, chúng ta đã thấy rằng nếu hoàn cảnh phát triển vô cùng nghiêm khắc của những quốc gia to lớn, như Nga và Tàu, thuyết minh cho một sự đổi những kết quả, mà phương pháp độc tài Đảng trị có thể mang đến trong hiện tại, với những hậu quả tai hại, chưa ai biết đến mức độ nào, mà chính phương pháp đó sẽ lưu lại cho nhiều thế hệ trong tương lai, thì trái lại, một nước nhỏ như Việt Nam, có thể thực hiện được công cuộc phát triển của mình bằng những phương pháp không tiêu hao sinh lực của dân tộc. Đã như thế thì, các nhà lãnh đạo tranh đấu cho dân tộc, đương nhiên phải chọn đường lối dẫn đến mục đích mà không phí phạm sinh lực của cộng đồng.
Sau hết, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: xã hội tổ chức theo kiểu mẫu Cộng Sản có phải là xã hội thích nghi nhất với các lực lượng sản xuất mới do kỹ thuật khoa học phát minh không? Tôn trọng một thái độ mà chúng ta đã chấp nhận từ đầu, chúng ta sẽ tự ý không đi vào một cuộc tranh luận lý thuyết về tính cách thích nghi hay không thích nghi của xã hội Cộng Sản đối với các lực lượng sản xuất mới. Vả lại, thời gian hãy còn quá sớm để cho chúng ta có thể, căn cứ trên những sự kiện thực tế, phán đoán về tính cách thích nghi nói trên. Trong thế giới hiện nay, chưa có một xã hội nào, đã kỹ nghệ hoá được tổ chức theo kiểu mẫu Cộng Sản, để chúng ta có thể lấy đó làm tiêu chuẩn so sánh. Và kiểu mẫu này vẫn là một kết quả suy luận lý thuyết. Tuy nhiên, những nhận xét dưới đây, đối với các sự kiện thực tế mà chúng ta đang mục kích, có thể làm sáng tỏ vấn đề.
Trong thế giới hiện tại, hình thức tổ chức xã hội gần nhất với kiểu mẫu của thuyết Cộng Sản, đương nhiên là hình thức tổ chức xã hội của Nga Xô. Chúng ta đã thấy trong nhiều đoạn trên, rằng bộ máy lãnh đạo của Nga Xô vẫn bất lực trong việc chuyển quyền ôn hoà mỗi khi cần phải thay đổi người lãnh đạo. Sau gần nửa thế kỷ, những biện pháp độc tài vẫn còn cần thiết để duy trì trật tự chứng tỏ rằng trạng thái thăng bằng nội bộ vẫn chưa tái lập. Về phương diện xã hội, sự Nga Xô đang thay thế nhiều tiêu chuẩn giá trị bằng những tiêu chuẩn giá trị mà thuyết Cộng Sản đã loại bỏ, lại chứng tỏ rằng Nga Xô còn đang nỗ lực tái lập trạng thái thăng bằng nội bộ cần thiết cho sự phát triển của cộng đồng. Một mặt khác, sự thay thế các giá trị tiêu chuẩn Cộng Sản, bằng những giá trị tiêu chuẩn được phục hồi, lại chứng tỏ tính cách lý thuyết của các căn bản của thuyết Cộng Sản. Tất cả các sự kiện trên lại chứng tỏ rằng xã hội Nga Xô hiện nay vẫn tiếp tục một tình trạng thăng bằng giả tạo.
Trong khi đó, xã hội Tây phương, vì bất lực trong công việc thâu nhận các lực lượng sản xuất mới, hồi thế kỷ XIX, nên đã được đề nghị thay thế bằng xã hội Cộng Sản, chẳng những đã tìm được những phương pháp khả dĩ cho phép sự thâu nhận được lực lượng sản xuất mới, mà lại còn duy trì trạng thái thăng bằng động tiến cho cộng đồng. Và nhờ đó mà sự phát triển hùng mạnh vẫn được bảo đảm. Hình thức xã hội Cộng Sản là một kết quả suy luận lý thuyết, khi được mang đưa áp dụng ở Nga Xô, đã chứng tỏ không thích nghi với thực tế, nên đã đặt các nhà lãnh đạo Nga Xô ngày nay vào những lối bế tắc, lúng túng mà chúng ta đã biết. Hình thức hiện nay của xã hội Tây phương là kết quả của một cuộc thám cứu, bằng lý trí chính xác của kỹ thuật khoa học Tây phương, những biểu lộ thực tế của đời sống. Vì thế cho nên hình thức xã hội này thích nghi với thực tế.
Nhưng ngoài Tây phương, cũng có nhiều hình thức xã hội khác, không tổ chức theo kiểu mẫu Cộng Sản, vẫn thích nghi với những lực lượng sản xuất mới đã thâu nhận sau một công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hoá. Sinh lực dồi dào của xã hội Nhật ngày nay là một bằng chứng hùng biện.
Các sự kiện thực tế trên đây, tuy không trực tiếp liên quan đến tính cách thích nghi hay không của xã hội Cộng Sản đối với các lực lượng sản xuất mới, nhưng vì những thực trạng mà nó phản ảnh, đã làm cho câu hỏi nêu lên trên đối với xã hội Cộng Sản trở thành vô ích.
Phản tác dụng
Như thế thì, vấn đề đã rõ, trong trường hợp của cộng đồng quốc gia Việt Nam, những tác dụng mong mỏi ở thuyết Cộng Sản, khả dĩ thuyết minh cho sự quy phục của các nhà lãnh đạo Bắc Việt, đối với lý thuyết này, trở thành vô hiệu lực. Ngược lại, như chúng ta đã thấy ở nhiều đoạn trên, một sự quy phục thuyết Cộng Sản sẽ mang đến nhiều phản tác dụng tai hại cho dân tộc.
Tất cả các sự kiện mà chúng ta đã phân tích trong các trang của tập sách này, đều chứng minh rằng mục đích cuối cùng của mọi cuộc tranh đấu, là quyền lợi của dân tộc. Nga Xô cũng như Trung Cộng khi nỗ lực, lập những mặt trận quốc tế phục vụ cách mạng xã hội thế giới, đều có chủ định phục vụ trước hết và trên hết dân tộc Nga và dân tộc Tàu.
Sự quy phục thuyết Cộng Sản sẽ đương nhiên, biến sự đe doạ, thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam, thành thực tế. Chúng ta đã biết chính sách xâm lăng của Trung Hoa đối với Việt Nam là một chính sách liên tục và bất biến của tất cả các chế độ của Trung Hoa vì nó phát sinh từ một nhu cầu đất đai cần thiết cho sự phát triển của Trung Hoa. Mang phương pháp độc tài Đảng trị của Cộng Sản, cũng như phương pháp độc tài nào khác để lãnh đạo quần chúng, thì theo một cơ thức mà chúng ta đã biết, quần chúng sẽ phản ứng bằng cách hướng về bất cứ cá nhân hay tập thể nào phất cờ giải phóng để che đậy thâm ý xâm lăng của mình. Trong điều kiện đó, các nhà lãnh đạo Cộng Sản áp dụng phương pháp độc tài đảng trị ở Việt Nam, sẽ đương nhiên tạo hoàn cảnh thuận lợi cho Trung Cộng xâm chiếm Việt Nam lúc thời cơ đưa đến. Nói một cách khác, phương pháp lãnh đạo độc tài Đảng trị sẽ suy nhược hoá sức đề kháng của dân tộc đối với kẻ xâm lăng. Hùng mạnh như nước Nga, mà trong trận chiến chống quân Đức, cũng đã suýt phải thảm bại, bởi vì quần chúng phẫn uất với chế độ độc tài Đảng trị của Staline, đã nổi lên đồng minh với Đức. Chỉ có sự vụng về và chính sách kỳ thị chủng tộc của Đức quốc xã mới không khai thác được cơ hội trên, và cứu Nga Xô khỏi hoạ xâm lăng.
Trong tình thế chính trị chúng ta đang mục kích, sự quy phục thuyết Cộng Sản của các nhà lãnh đạo Bắc Việt, tự nó là một sự thần phục Trung Cộng, như các triều đại xưa của chúng ta thần phục Trung Hoa. Và sự thống trị bằng lý thuyết của Trung Cộng đối với Bắc Việt ngày nay, nếu không có các trở lực quốc tế, sẽ bội phần ác nghiệt hơn các sự thống trị mà nước Tàu đã dành cho chúng ta từ gần một ngàn năm.
Sự quy phục thuyết Cộng Sản sẽ đương nhiên gắn liền vận mạng công cuộc phát triển dân tộc của chúng ta vào vận mạng công cuộc phát triển dân tộc của Trung Hoa. Chúng ta đã phân tích hoàn cảnh phát triển thuận lợi của Việt Nam. Vậy gắn liền công cuộc phát triển của Việt Nam vào công cuộc phát triển của Trung Cộng là bỏ một hoàn cảnh thuận lợi để đi rước một hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Mặc dầu các nỗ lực vĩ đại, cuộc phát triển của Trung Cộng khó mà thành công. Như vậy, gắn liền công cuộc phát triển của Việt Nam vào công cuộc phát triển của Trung Cộng có nghĩa là chúng ta tự ý bỏ công cuộc phát triển của chúng ta. Trong công cuộc phát triển bằng cách Tây phương hoá hiện nay mà các dân tộc đều nỗ lực thực hiện, chúng ta có những điều kiện vật chất lẫn tinh thần, để thành công hơn Trung Cộng, như chúng ta đã chứng minh trong một đoạn trên. Nếu chúng ta lại bỏ cơ hội này để thần phục Trung Cộng thì, một là chúng ta sẽ không phát triển được bởi vì Trung Cộng không phát triển được, hai là Trung Cộng phát triển được, thì chúng ta sẽ phát triển được đến mức hạng ba hay hạng nhì, vì chúng ta học lại kỹ thuật của một người đi học kỹ thuật của Tây phương.
Sau hết, trong hơn một ngàn năm từ ngày lập quốc, sự chi phối của Trung Hoa đối với Việt Nam nặng nề cho đến đỗi tâm lý thuộc quốc bao trùm mọi lĩnh vực đời sống của dân tộc. Tâm lý đó bắt nguồn từ hai sự kiện: tự ti mặc cảm đối với Trung Hoa vĩ đại, và sự lệ thuộc của chúng ta đối với văn hoá Tàu. Tình thế ngày nay là một cơ hội duy nhất để cho chúng ta thực hiện ý chí, của Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ, cởi cái ách tâm lý thuộc quốc cho dân tộc. Nếu chúng ta lỡ cơ hội, sự lệ thuộc của dân tộc đối với Trung Hoa sẽ kéo dài nhiều ngàn năm nữa và cái khối Trung Hoa vĩ đại, của các lãnh tụ Cộng Sản, sẽ mang đến cho dân tộc cái hoạ diệt vong. Và sự quy phục thuyết Cộng Sản sẽ đương nhiên dọn đường cho dân tộc Việt Nam lệ thuộc văn hoá mới của Trung Cộng. Những lời ca tụng Trung Hoa vĩ đại của miền Bắc, những điệu nhạc âm thanh Trung Cộng của đài phát thanh Hà Nội, những điệu vũ hoà bình, và những y phục theo Tàu, tất cả các sự kiện đó, đều là những biểu lộ thiết thực của một sự lệ thuộc văn hoá càng ngày càng sâu đậm của miền Bắc đối với Trung Cộng, bởi vì các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt đã chấp nhận một sự lệ thuộc tư tưởng.
Chỉ nghĩ đến cái viễn ảnh ngàn năm lệ thuộc Trung Cộng mà các nhà lãnh đạo Cộng Sản miền Bắc đang sửa soạn cho dân tộc, chúng ta cũng phải khiếp đảm, thoáng nhìn vận mạng cực kỳ đen tối cho các thế hệ tương lai.
Trong vấn đề quan niệm lãnh đạo, chúng ta không thể dành cho quan niệm lãnh đạo Cộng Sản, ít chỗ hơn như chúng ta vừa làm xong. Bởi vì, như chúng ta đều biết, hiện nay chủ nghĩa này đang hoành hành ở Á châu, để phục vụ sự phát triển của dân tộc Tàu, với một cường độ độc hại không kém gì cường độ độc hại của nó ở Âu châu, hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, để phục vụ cho sự phát triển của dân tộc Nga, và chính ở Việt Nam, vì chủ nghĩa Cộng Sản hoạt động mà cuộc chiến đấu giành độc lập của chúng ta đã vô cùng tiêu hao sinh lực dân tộc, mà xảy ra tình trạng chia đôi đất nước, mà chiến tranh tàn phá cái vốn nhân lực và tài nguyên của chúng ta từ hai mươi năm nay.
Và khi nào như hiện nay, chúng ta đã nhìn thấy nguồn gốc của chủ nghĩa Cộng Sản, nhìn thấy những nguyên nhân sâu xa của sức mạnh của nó, nhìn thấy những điểm tựa trên đó nó đang lấy sinh lực ở Á châu, nhìn thấy lý do vì sao nó đã bắt đầu suy nhược ở Tây phương và nhìn thấy những hậu quả tai hại nó sẽ mang đến cho dân tộc Việt Nam, thì chúng ta mới nhìn thấy, một cách minh bạch, trách nhiệm của thế hệ chúng ta là phải vận dụng tất cả nỗ lực, mà chúng có thể cung cấp, để loại trừ độc dược đó ra ngoài cơ thể của cộng đồng dân tộc.
Tư tưởng, phương pháp và hình thức
Loại trừ chủ nghĩa Cộng Sản ra khỏi cơ thể của cộng đồng quốc gia có nghĩa là loại trừ tư tưởng Cộng Sản, phương pháp Cộng Sản, và hình thức Cộng Sản ra ngoài mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống quốc gia..Đối với tư tưởng Cộng Sản, sự ngộ nhận khó có dịp xảy ra, bởi vì, chẳng những tư tưởng đó có đặc tính rất riêng biệt, mà lại ngôn ngữ dùng để diễn tả các tư tưởng cũng rất đặc biệt, cũng như lối biện luận rất đặc biệt của biện chứng pháp duy vật. Nhưng sự ngộ nhận thường xảy ra đối với các phương pháp Cộng Sản và hình thức Cộng Sản, vì những nguyên nhân sau đây.
Lý do sâu xa đã làm cho nước Nga thâu nhận thuyết Cộng Sản làm lợi khí tranh đấu như chúng ta đã biết, là ý chí thực hiện công cuộc phát triển dân tộc Nga bằng cách Tây phương hoá. Vì vậy cho nên tất cả kỹ thuật của Tây phương đều được Nga thâu nhận làm của mình. Khoa học của Tây phương là khoa học của Nga, phương pháp khoa học của Tây phương, trong mọi lĩnh vực là phương pháp khoa học của Nga, trong mọi lĩnh vực. Nhiều lần, vì tự ti mặc cảm đối với sự lệ thuộc kỹ thuật đó, Nga Xô, muốn biểu lộ sự độc lập của duy vật biện chứng pháp đối với lối suy luận “tư bản” của Tây phương, đã đưa ra những thuyết khoa học ly kỳ như thuyết Lisenko [1] trong ngành sinh học. Mặc dù đã cẩn thận, thay vì một ngành như toán học trong đó sự sưu tầm đã bao quát, lựa chọn một ngành như sinh học trong đó sự khảo cứu còn thiếu sót, sự không thành thật của Lisenko lâu ngày cũng bộc lộ. Và sau khi mục đích phát triển kỹ thuật đã đạt, sau khi Nga Xô đã chứng minh khả năng thật sự của mình về khoa học, tự ti mặc cảm không còn nữa, thì chính các nhà bác học Nga Xô đã bác bỏ thuyết Lisenko. Khi còn ở trong một giai đoạn ấu trĩ của công cuộc Tây phương hoá, người Nhật cũng lầm những lỗi tương tự như Nga. Các sự kiện trên lại chứng minh tính cách quốc tế và nhân loại của khoa học.
Nhưng cũng vì các sự kiện đó mà có sự lầm lẫn giữa phương pháp Cộng Sản và phương pháp Tây phương, hình thức tổ chức Cộng Sản và hình thức tổ chức Tây phương. Ở Việt Nam, sự lầm lẫn còn trầm trọng hơn nữa, vì một lý do lịch sử.
Sau tám mươi năm bị loại ra khỏi các trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều người Việt Nam đã làm quen trở lại với các vấn đề lãnh đạo, nhưng dưới sự chi phối của Đảng Cộng Sản. Vì vậy cho nên, tất cả các kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, mà Cộng Sản học được của Tây phương và mang ra thực hành ở Việt Nam, đều bị ngộ nhận là sáng kiến độc quyền của Cộng Sản. Ví dụ, ngày nay, nhiều người vẫn xem lối làm việc tập thể hay công cuộc tổ chức quần chúng là những sáng kiến của Cộng Sản, và không biết rằng, thật ra, chính lối làm việc tập thể và sự tổ chức tinh vi trong mọi lĩnh vực của đời sống là nguồn gốc sinh lực của Tây phương.
Bộ máy lãnh đạo
Bộ máy lãnh đạo của Cộng Sản tổ chức theo lối độc tài Đảng trị cũng là một bộ máy lãnh đạo do Tây phương tạo ra đồng thời với thuyết Cộng Sản. Chỉ có khác ở chỗ Tây phương đã loại bỏ thuyết Cộng Sản đồng thời với phương pháp lãnh đạo Cộng Sản.
Đối với các quốc gia Cộng Sản, thâu nhận phương pháp lãnh đạo Cộng Sản, là thực hiện một bộ phận, bộ phận của lĩnh vực lãnh đạo trong công cuộc Tây phương hoá toàn diện, theo đường lối Cộng Sản.
Nếu chúng ta loại trừ lý thuyết Cộng Sản ra ngoài mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống quốc gia, đương nhiên chúng ta cũng loại trừ phương pháp lãnh đạo Cộng Sản. Nhưng công cuộc Tây phương hoá bộ máy lãnh đạo của chúng ta vẫn là một phần thiết yếu trong công cuộc Tây phương hoá toàn diện mà chúng ta chủ trương.
Như thế, bộ máy lãnh đạo của quốc gia sẽ được chúng ta quan niệm như thế nào? Có phải chúng ta chỉ cần thâu nhận bộ máy lãnh đạo của một quốc gia Tây phương là đủ không? Và, trong trường hợp đó, vì lâu nay chúng ta rất quen thuộc với các kỹ thuật của người Pháp, thì sự tiện lợi cho chúng ta trong lĩnh vực lãnh đạo không phải là thâu nhận bộ máy lãnh đạo của người Pháp sao? Nếu, vì một lý do nào, chúng ta không thể tổ chức bộ máy lãnh đạo của chúng ta theo kiểu bộ máy lãnh đạo của người Pháp, thì chúng ta có thể tổ chức bộ máy lãnh đạo của chúng ta theo kiểu quân chủ lập hiến của người Anh hoặc theo kiểu Tổng thống chế của người Mỹ không?
Thật ra vấn đề đặt ra cho chúng ta trong lĩnh vực lãnh đạo không phải như vậy, và trong thực tế rất phức tạp hơn nhiều.
Chúng ta còn nhớ, công cuộc Tây phương hoá, không đường hướng và không mục đích, dưới thời Pháp thuộc đã lưu lại cho dân tộc nhiều hậu quả tai hại. Trong công cuộc Tây phương hoá đó, không toàn diện và không đến mức độ đủ cao, chỉ có hình thức bề ngoài được chú trọng và các tinh tuý đựng trong hình thức hoàn toàn không được biết đến. Trái lại, trong công cuộc Tây phương hoá có đường hướng, có mục đích mà chúng ta chủ trương, tuy tính cách đáng chú ý của hình thức không bị phủ nhận, nhưng chỉ có cái tinh tuý đựng bên trong hình thức mới là quan trọng.
Trong phạm vi của sự Tây phương hoá bộ máy lãnh đạo của quốc gia, chúng ta sẽ tìm nhận thức các nguyên tắc ngự trị quan niệm lãnh đạo của Tây phương. Sau đó chúng ta sẽ cụ thể hoá những nguyên tắc bằng một hình thức của bộ máy lãnh đạo. Nhưng hình thức này, chẳng những phải thoả mãn các nguyên tắc căn bản nói trên, mà còn phải được kiến trúc bằng vật liệu địa phương và phải được thích nghi với hoàn cảnh địa phương.
Dưới đây, chúng ta sẽ không đi sâu vào chi tiết của một bản hiến pháp, thẩm quyền của các nhà soạn thảo hiến pháp. Tuy nhiên chúng ta sẽ nhận thức các nguyên tắc mà một bộ máy lãnh đạo, vừa được Tây phương hoá, vừa được thích nghi hoá với hoàn cảnh địa phương của chúng ta, cần phải tôn trọng.
Trong nhiều đoạn, ở rải rác trong các trang trên, mặc dầu không liên quan trực tiếp đến vấn đề bộ máy lãnh đạo, nhưng vì sự sáng tỏ của vấn đề trình bày, chúng ta cũng đã đề cập đến những nguyên tắc mà một bộ máy lãnh đạo, theo quan niệm của Tây phương, cần phải tôn trọng. Thừa hưởng văn minh cổ Hy Lạp và La Mã, sau hơn một ngàn năm kinh nghiệm với các vấn đề lãnh đạo, đức tính chính xác về lý trí và minh bạch và ngăn nắp trong tổ chức của Tây phương, đã góp vào di sản văn minh nhân loại một hình thức của bộ máy lãnh đạo, hình thức dân chủ Pháp trị, có nhiều khả năng duy trì và phát triển trạng thái thăng bằng động tiến của cộng đồng.
Hình thức của bộ máy lãnh đạo hiện nay của Tây phương phải thoả mãn những điều kiện nhắc lại dưới đây:
1.Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự liên tục lãnh đạo quốc gia.
2.Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự chuyển quyền một cách hoà
bình từ lớp người lãnh đạo trước cho lớp người lãnh đạo sau.
3.Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự thay đổi người lãnh đạo.
4.Hình thức của bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm được sự áp dụng nguyên tắc thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của tập thể.
Ngoài bốn điều kiện trên, bảo đảm tinh thần trường cửu của bộ máy lãnh đạo, ba điều kiện dưới đây bảo đảm sự điều hành thiết thực và ngắn hạn của bộ máy lãnh đạo.
5.Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm một sự lãnh đạo quốc gia mở rộng, mục đích đào tạo nhiều người lãnh đạo
6.Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm sự kiểm soát người cầm quyền.
7.Hình thức bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm sự hữu hiệu của chính quyền.
Áp dụng vào Việt Nam
Chúng ta đã biết rằng nguồn gốc chính của sức mạnh của các cường quốc, như Anh hay Mỹ, là sự thành công của họ trong việc thực hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia trong nhiều thế kỷ. Tất cả các kinh nghiệm lãnh đạo, trong nhiều thế hệ, còn giữ nguyên vẹn, kỹ thuật lãnh đạo nhờ đó mà càng ngày càng tinh vi. Các bí mật quốc gia được truyền lại toàn vẹn, tất cả các kho tàng của dĩ vãng được xếp vào văn khố và có người biết sử dụng văn khố. Ngày nay một nhà lãnh đạo Anh đứng lên, đương nhiên sau lưng có một hậu thuẫn 400 năm dĩ vãng, một di sản vô cùng quý báu tạo ra cho họ một sức mạnh phi thường. Bởi vì, với hậu thuẫn hiếm có đó, một nhà lãnh đạo Anh có thể ứng phó và giải quyết những vấn đề vượt hẳn khả năng của những người, dầu tài ba đến đâu nhưng lại thiếu hậu thuẫn của dĩ vãng.
Muốn thực hiện được sự liên tục lãnh đạo quốc gia nói trên, một bộ máy lãnh đạo phải thoả mãn ba điều kiện. Trước hết phải chấp nhận nguyên tắc thay đổi người lãnh đạo lúc cần, và cả lúc bình thường miễn là những thay đổi không quá nhặt trong thời gian để cho sự thay đổi không có thể biến thành hỗn loạn. Điều thứ hai, bộ máy lãnh đạo phải được quan niệm như thế nào để cho sự chuyển quyền lúc nào cũng thực hiện được một cách bình thường trong êm ái và hoà bình, giữa người lãnh đạo mãn nhiệm và người lãnh đạo mới thọ nhiệm. Điều thứ ba, là bộ máy lãnh đạo phải có một hình thức tổ chức vừa tượng trưng cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia, vừa thể hiện cho sự liên tục đó trong thực tế.
Để thoả mãn điều kiện thứ ba, các chính thể trên thế giới áp dụng nhiều hình thức khác nhau nhưng chung quy thuộc về bốn loại. Ở Pháp, quốc trưởng là Tổng Thống tượng trưng cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Ở Mỹ, tổ chức Tối Cao Pháp Đình. Ở Nga, Đảng Cộng Sản. Ở các nước quân chủ, có Vua và Hoàng Gia.
Chức vụ Tổng Thống ở Pháp không hoàn toàn thoả mãn được sự tượng trưng cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia, bởi vì óc sợ độc tài của người Pháp giới hạn nhiệm kỳ Tổng Thống là 5 năm hay 7 năm. Chẳng những thế, sự tranh chấp giữa các Đảng chính trị, mọc ra như nấm, thường tạo ra cho các cuộc bầu cử Tổng Thống một không khí trả giá, làm giảm uy nghiêm của người Quốc Trưởng.
Các giới lãnh đạo trong các lĩnh vực của đời sống quốc gia phải có một tinh thần trách nhiệm và tự giác rất cao và một kinh nghiệm lãnh đạo trưởng thành mới đưa một tổ chức như Tối Cao Pháp Đình ở Mỹ lên bằng một tượng trưng sự liên tục lãnh đạo quốc gia.
Trong các hình thức nêu ra trên đây, hình thức Đảng Cộng Sản ở Nga là một hình thức kém hơn cả, bởi vì, trong thực tế, Đảng Cộng Sản hoàn toàn thất bại trong việc thực hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Chế độ Cộng Sản không chấp nhận sự thay đổi lãnh đạo và khi lãnh đạo từ trần hay cần phải thay đổi sự tranh cướp chính quyền thường thường diễn ra một cách đẫm máu. Đây là một trong các nhược điểm của chế độ Cộng Sản.
Cho đến ngày nay, hình thức thoả mãn nhất điều kiện bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia là hình thức Hoàng gia của các chế độ có vua như ở Anh và ở Nhật. Vì thế cho nên, sau khi chiến bại, mặc dù áp lực mạnh bạo và hành vi người chiến thắng của quân đội Mỹ đối với Thiên Hoàng, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, một lần nữa đã tỏ ra vô cùng sáng suốt, khi mang hết nỗ lực để bảo vệ Hoàng Gia Nhật. Hoàng Gia là biểu hiện cho sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Nhà Vua thể hiện sự liên tục lãnh đạo quốc gia và đóng vai trò người thác thụ các bí mật quốc gia.
Nhân vấn đề này, một lần nữa, chúng ta lại nhận thức rằng sự lỡ cơ hội phát triển của chúng ta, thế kỷ vừa qua, đối với dân tộc chúng ta, là một tai hại vô cùng to tát. Nếu nhà Nguyễn đã thực hiện được công cuộc duy tân, như Vua Duy Tân đã có ý định thì ngày nay, có lẽ, ngoài sự phát triển dân tộc đã thực hiện được, chúng ta đã thừa hưởng một chính thể có những nền tảng vững chắc vào bậc nhất trong thế giới.
Trong bốn hình thức trên đây, không có hình thức nào áp đụng cho chúng ta được, vì những lý do mà mọi người đều đoán biết. Hình thức Đảng Cộng Sản không thể chấp nhận được vì chúng ta đã đặt vấn đề tiên quyết loại trừ chủ nghĩa Cộng Sản, và vì hình thức đó không có khả năng thoả mãn điều kiện bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Hình thức chức vụ Tổng Thống ở Pháp cũng không hoàn toàn bảo đảm sự liên tục lãnh đạo quốc gia. Nhà Nguyễn đã bỏ lỡ cơ hội áp dụng hình thức Hoàng Gia. Hình thức Tối Cao Pháp Đình ở Mỹ không thể áp dụng được vì kinh nghiệm lãnh đạo của chúng ta còn ấu trĩ, trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc gia. Chúng ta phải tìm một hình thức tương tự như hình thức thứ tư trên đây, nhưng để được thích nghi hoá với hoàn cảnh địa phương của chúng ta, không đòi hỏi một kinh nghiệm lãnh đạo mà chúng ta còn thiếu, và một tinh thần trách nhiệm cao độ chỉ tìm được ở một số ít người.
Chúng ta có thể đặt ra một Thượng hội đồng quốc gia, gồm những người có công trạng với tổ quốc và thấu triệt các vấn đề lãnh đạo quốc gia, mà số lượng sẽ phù hợp với hoàn cảnh. Số người này sẽ được thay đổi một bách phân, trong một định kỳ, theo những thể thức thích nghi với điều kiện nội bộ của chính trường Việt Nam. Và trong một chu kỳ nhất định, Thượng hội đồng sẽ bầu một Quốc Trưởng, trong hay ở ngoài, hàng ngũ của mình.
Thượng hội đồng sẽ tượng trưng cho sự lãn đạo liên tục quốc gia, riêng biệt với nhiệm vụ Quốc Trưởng. Quốc Trưởng thể hiện cho sự liên tục đó trong thực tế và đồng thời là người thụ thác các bí mật quốc gia.
Điều kiện thay đổi người lãnh đạo có thể thực hiện được bằng cách giao quyền hành pháp cho một người Thủ Tướng, chọn trong những người lãnh đạo của hai đảng chính trị sẽ nói đến dưới đây. Thủ Tướng sẽ do Quốc Trưởng bổ nhiệm với sự đồng ý của tổ chức tượng trưng cho sự lãnh đạo liên tục của quốc gia. Để tránh các sự lạm dụng có thể xảy ra, các nhà soạn hiến pháp có thể đặt ra những cơ thức kiểm soát giản dị và hữu hiệu.
Hai khuynh hướng
Hai yếu tố chính, trong trạng thái thăng bằng động tiến của một quốc gia, là quyền lợi ngắn hạn của cá nhân của các phần tử trong tập thể và quyền lợi dài hạn của tập thể. Nếu chúng ta đặt nặng về quyền lợi cá nhân và bỏ quyền lợi của tập thể, tập thể suy đồi rồi quyền lợi cá nhân cũng mất, vì không được bảo vệ bởi tập thể. Nhưng nếu chúng ta chỉ chú trọng đến quyền lợi tập thể và hy sinh tất cả quyền lợi của cá nhân, thì các phần tử của tập thể không còn lý do sống nữa, và chính mục đích của tập thể, là bảo vệ đời sống cho cá nhân, cũng sẽ phá sản và do đó tập thể không còn lý do tồn tại nữa.
Vì vậy cho nên, sự giữ một trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của tập thể là điều chính yếu trong sự lãnh đạo quốc gia.
Đã nhận thức như vậy rồi thì biện pháp hữu hiệu để cụ thể hoá việc nuôi dưỡng trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể, là thu họp hai xu hướng tự nhiên phải có ở mỗi phần tử của tập thể vào hai nguồn tư tưởng chính trị. Một bên nặng vì tập thể và một bên nặng về cá nhân. Trong thực tế hai Đảng chính trị tự đặt cho mình, một bên, một mục đích bảo vệ quyền lợi tập thể, và một bên, mục đích bảo vệ quyền lợi cá nhân, thay nhau mà lãnh đạo quốc gia dưới sự kiểm soát tương phản. Các nhà lãnh đạo của hai đảng thay nhau nắm quyền hành pháp đương nhiên được quốc gia cung cấp phương tiện hoạt động và Đảng nắm quyền đối lập cũng phải được quốc gia cung cấp phương tiện hoạt động.
Đại diện của hai đảng thi hành nhiệm vụ của mình ở nghị trường. Và nhiệm vụ đó là lập pháp và kiểm soát hành pháp. Dưới các chế độ độc đảng, như các chế độ độc tài hay Cộng Sản, sự kiểm soát hành pháp hoặc không có hoặc thi hành một cách tương đối. Sở dĩ, dưới chế độ Cộng Sản sự tự phê bình và tự kiểm thảo đã được phát huy là vì chế độ độc đảng của họ không chấp nhận một sự kiểm soát từ ngoài đưa đến, cho nên bắt buộc phải tổ chức một sự tự kiểm soát trong nội bộ. Nhưng một sự tự kiểm soát trong nội bộ không bao giờ chu đáo được, bởi vì, dầu mà các người tự phê bình, tự kiểm thảo trong nội bộ có đủ thành thật đi nữa, một điều rất ít có, thì họ vẫn có thể thành thật mà lầm lẫn. Trong khi đó, một sự kiểm soát từ bên ngoài đưa đến, đương nhiên không mù quáng trước các lầm lẫn của đối phương.
Nhiệm vụ lập pháp không thể hoàn toàn giao phó cho tổ chức nghị trường được. Trong trình độ dân trí hiện nay của xã hội chúng ta, tính cách đại diện sâu rộng cho nhân dân không thích hợp với khả năng chuyên môn mà công cuộc lập pháp đòi hỏi. Nhiệm vụ lập pháp cần giao cho một tổ chức lập pháp chuyên môn, gồm những nhà luật học về hiến pháp và luật pháp. Tổ chức nghị trường có thể đề nghị dự án luật, phản đối hay chấp nhận dự án luật.
Hai đảng chính trị có nhiệm vụ mở rộng vấn đề lãnh đạo và đào tạo nhiều người lãnh đạo.
Dưới bộ máy lãnh đạo, có bộ máy hành chính, bộ máy quân sự và bộ máy tổ chức quần chúng. Bộ máy lãnh đạo là cái não, bộ máy hành chính và bộ máy quân sự là chân tay, và bộ máy tổ chức quần chúng là cái vận tống để đưa bộ máy lãnh đạo đến nhân dân và đưa nhân dân đến bộ máy lãnh đạo.
Như thế, xây dựng một bộ máy lãnh đạo Tây phương hoá không phải là đặt ra những bộ phận hành pháp, lập pháp, tư pháp..., giống như những bộ phận tương tự nhận thấy ở các bộ máy lãnh đạo của các nước Tây phương, hoặc dịch những danh từ của họ đã dùng để đặt cho các bộ phận của chúng ta đã tạo ra một cách miễn cưỡng. Vì như thế là chúng ta lại mắc vào cái bệnh hình thức. Bệnh hình thức ở đây cũng như ở các lĩnh vực khác của đời sống quốc gia, là di sản của thời kỳ Tây phương hoá không mục đích và không đường hướng thời Pháp thuộc.
Xây dựng một bộ máy lãnh đạo Tây phương hoá, là trước hết tìm hiểu bản chất của bộ máy đó, là phân tích các nguyên tắc ngự trị của bản chất đó, và nhận thức các hình thức dùng để cụ thể hoá các nguyên tắc trên.
Sau đó, với những vật liệu địa phương, được sử dụng trong hoàn cảnh địa phương, chúng ta xây dựng một bộ máy lãnh đạo thích nghi và hữu hiệu cho chúng ta, với những hình thức cố nhiên phải uốn nắn theo những điều kiện mà chúng ta đã nhận thức.
Nói một cách khác, làm thế là chúng ta đã Tây phương hoá có đường hướng bộ máy lãnh đạo của chúng ta. Sau khi phân tích và nhận thức các nguyên tắc ngự trị bộ máy lãnh đạo Tây phương, chúng ta xây dựng với những vật liệu của dân tộc và được sử dụng trong hoàn cảnh hiện tại của dân tộc, một bộ máy lãnh đạo thích nghi với hoàn cảnh của chúng ta nhưng vẫn tôn trọng những nguyên tắc ngự trị bộ máy lãnh đạo của Tây phương. Những nguyên tắc đó không khác những nguyên tắc ngự trị khả năng sáng tạo khoa học mà chúng ta đã biết. Trong trường hợp này, là tính cách ngăn nắp của các bộ phận của bộ máy lãnh đạo. Tính cách phân minh của sự phân chia trách nhiệm và quan niệm chính xác về sự liên hệ giữa các trách nhiệm.
(còn tiếp)
Tùng Phong Lê Văn Đồng
© Thông Luận 2009
http://www.ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=1736:chinh-de-viet-nam-phan-8-tung-phong&catid=43&Itemid=301 

No comments:

Post a Comment