03/02/2012
Hà Văn Thịnh
Bạn sẽ cho rằng tôi là một người thiếu văn hóa khi mở đầu lời chúc đầu năm (nếu có thể chúc trong hỡi ôi) bằng sự khẩn thiết xin rằng nên bớt nói về những điều TỐT ĐẸP, bởi làm gì có chúng khi “người ta” (tức thế giới công minh về nói chữ, nói nghĩa, nói lý, nói tình) xếp chúng ta vào hạng quốc gia đứng thứ 172/179 về mức độ tự do được... nói!
Vì cái hưng phấn của quyền được nói thứ chót, bẹp, cuối, tận của tự do ấy, tôi xin mọi người (bạn và thù) trong năm mới, xin ít đi khi nói về những điều tốt đẹp.
Đừng nói đến chuyện đến năm 2020 sẽ thế này thế khác, mà hãy cho người dân biết rằng trong năm 2012 này cuộc đời có bớt tối, bớt khổ hơn không? Thời của tin tức thông mạng toàn cầu, xin hãy đừng hứa nhăng hứa cuội mà nên đi vào cụ thể cái có thể nhìn thấy được, có thể kiểm chứng được, ít nhất là khi tôi và bạn nghĩ rằng mình còn sống, còn biết (chẳng ai dám chắc mình còn sống đến 2020!).
Xin hãy đừng nói về những triển vọng này nọ, tỷ như ngày mai sẽ chống được tham nhũng (xin hứa rằng nếu chống được tham nhũng thì tôi tự nguyện “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng” 100%, chết liền, chết không hề băn khoăn hối tiếc). Làm sao có thể tự túm tóc để kéo mình lên một khi quan chức nào cũng giàu nứt đố đổ vách nhưng chẳng có tội lỗi nào, mặc dù, Marx đã từng nói rằng mọi sự giàu có đều bất hợp pháp?
Xin hãy đừng nói nữa về lẽ công bằng khi mà những kẻ như Hiền, như Liêm, như Thoại ở Hải Phòng vẫn nghênh ngang đè đầu cưỡi cổ người dân bất chấp luật pháp. Chính phủ thì nghe, rồi, coi có cũng như không: Làm sao có thể khinh dân đến mức khi xã hội, muôn vạn người rên xiết như thế mà vẫn làm ngơ (vào cuộc chậm chạp, ỡm ờ là cách làm ngơ khó bắt bẻ về lý) cái vụ cưỡng chiếm đất đai phi lý, táng tận lương tâm như Vụ Tiên Lãng? Làm sao có thể phá tan tành ngôi nhà mồ hôi nước mắt của dân ngay trước tết rồi phủi tay chối bay chối biến?
Giá cả đầu năm đọc trên báo nghe mà nỗi khủng khiếp vẫn còn dư: 1 kg sơri có giá 500.000 đồng, 1 kg thịt bò 400.000 đồng... Xem như thế để thấy rằng cái gọi là những giấc mơ về mọi điều tốt đẹp đều đồng thanh, đồng bước đến vào năm 2020 chỉ là chuyện viển vông, chỉ là hứa lèo cho qua nhiệm kỳ, phỉnh dân để mơ ngủ, quên đi những khổ ải nhọc nhằn của năm 2012. Một nền kinh tế trông chờ vào sự bần cùng hóa người dân tàn nhẫn để nuôi béo bộ máy quan chức khổng lồ làm sao có thể tránh được sự vất vưởng của hàng chục triệu người không có chức quyền hoặc chức quyền quá nhỏ? Nếu không lạm phát lấy đâu ra tiền để vỗ béo vài trăm ngàn người bằng mồ hôi nước mắt cực nhọc, giá bèo của hàng chục triệu người?
Vinashin sẽ “được” trả nợ bằng tiền thuế của dân, án có oan sai sẽ được xin lỗi và đền bù cũng bằng chính cái tiền thuế ấy... Những điệp khúc đó của nỗi đau của người dân sẽ được liên khúc mãi hoài mặc dù “người của tinh hoa ăn trên ngồi trốc” chẳng thấy ai, chẳng có kẻ nào phải bỏ ra bất kỳ một đồng xu sứt nào bồi thường hay chịu tội. Chẳng lẽ đó là công lý vì dân, của dân, do dân hay sao? Cái lý của miệng nhà quan trong thời đại của số và net xem ra chất gang, lõi thép khủng khiếp hơn ngàn lần thời phong kiến, thực dân. Hội tìm tất cả mọi điều kiện để sinh tồn, phát triển, Việt Nam không hề thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan - chỉ có những kẻ tham ngu mới cố tình không thấy vì sao Việt Nam cứ lẹt đẹt tiến nhanh, tiến mạnh, tiến lật đật để đi lên ngọn núi rậm rì bất công và nhức nhối... và cứ mài miệt đi lên với nỗi đau ngày càng sôi lên như thế!
Nửa vời là “cái lý” của nền ngoại giao cave. Cứ làm bạn, cứ ỡm ờ với tây hay tàu và cho rằng đó là cách khôn ngoan của sự trung thực nửa chừng là kiểu tư duy thậm sai lầm và điếc lác của thời đại này. Cho dù là xã hội nào đi nữa thì nhất thiết anh, tôi hay nó, chúng nó, vẫn cần phải có một đồng minh, một người bạn đích thực - chẳng khác mấy với việc chúng ta cần có vợ (hay chồng) chung thủy và tận tụy suốt đời. Làm sao có thể là bạn với mọi người khi anh chẳng có ai là bạn tuy rất lắm BÈ? “Giàu vì (nhờ) bạn” là lời khuyên có tự hàng ngàn năm. Tại sao không chọn, lấy, giữ một người bạn đích thực thay vì cứ chạy rông như kẻ say, khi tỉnh thành mê, khi mê không chịu bừng tỉnh, để đến nỗi cứ cô đơn mãi hoài trong thế giới của đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết? Tại sao không chịu nghĩ rằng, một khi nào đó quốc gia hữu sự, ai sẽ là đồng minh đích thực của mình? Chẳng lẽ mở radio và TV ra để nghe vô số những câu tương tự như Chính phủ và nhân dân Liên Xô rất lấy làm tiếc vì xung đột Trung Việt bùng nổ? Câu này được nói ra sau sự kiện 17.2.1979 và sau khi Hiệp ước Hữu nghị Xô Việt được ký vào tháng 11.1978 đấy. Hiệp ước Hữu nghị Xô Việt ấy nói rằng Liên Xô và Việt Nam sẽ đem hết mọi khả năng để trợ giúp cho nhau trong trường hợp bị một nước thứ ba tấn công. Bài học ấy chưa đủ để làm cho chúng ta tỉnh lại hay sao? Hữu nghị gì cái kiểu đem con bỏ chợ, đánh trống quăng dùi? Suy cho tới cùng, khẩu hiệu về sự ĐOÀN KÊT của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là ba chữ CHỌN BẠN ĐÚNG mà thôi!...
Cái “LÝ” của tình thế và nỗi đau, cuối cùng lại chạy về XÓ TỐI ấy là cái THAM NGU. Chỉ nghĩ đến thân xác của mình, con cái của mình bất chấp con cái họ, bất kể dân tộc, giống nòi, đấy là cái vô cùng của những điều đớn đau, xót xa, tủi nhục, hậu họa khôn lường. Thử mở bất kỳ tờ báo nào mà xem: Có ngày nào không có thông tin về nạn quan tham ngu gây nên những tội ác động trời? Lãnh đạo như mấy người vô học, trơ trẽn ở Tiên Lãng và Hải Phòng với vô số cái không thể nào chịu nổi: Nào là vu oan cho dân phá nhà dân, nào là cả 100 cán bộ chiến sĩ tấn công nhà dân là “một trận đánh đẹp”, “đáng viết thành sách”, nào là phối hợp đồng bộ, đồng chí với giang hồ..., mà lại bảo dân nghe theo, tin tưởng thì họa có là điên.
Chính vì vài ví dụ trên đây, tôi khẩn thiết mong rằng sang năm mới, xin hãy nói ít đi về những điều tốt đẹp mà nói rõ, nói đủ về những cái xấu cho dân biết, dân bàn! Và, nhất là, hãy nói cụ thể làm sao để dẹp, bao giờ dẹp xong cái xấu A, nỗi đau B...
Huế, 2.2.2012
H.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/au-nam-xin-hay-noi-it-i-ve-nhung-ieu.html#more
http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/au-nam-xin-hay-noi-it-i-ve-nhung-ieu.html#more
No comments:
Post a Comment