Thursday, 9 February 2012

Mấy vấn đế hiện đại về hôn phối

Mấy vấn đế hiện đại về hôn phốiPhẩm giá của hôn nhân và gia đình
Hôn nhân và gia đình là những vấn đề gắn liền với luân lý Ki-tô giáo. Đó cũng là những vấn đề thường gây ra tranh luận sôi nổi bên trong cũng như bên ngoài Hội thánh công giáo. Không có vấn đề nào mà hàng giáo phẩm bị chỉ trích nặng nề cho bằng vấn đề này, một vấn đề mà người ta cho rằng những vị cầm quyền trong Hội thánh không có kinh nghiệm, không có sở trường, vì các vị là những người độc thân bàn về những vấn đề không liên quan đến mình.

Nơi nhiều Ki-tô hữu, có một mối bận tâm kín đáo thường không được nói ra là giữa đức tin và phái tính xem ra có cái gì đó khó dung hợp. Vào lúc khám phá ra phái tính ở tuổi dậy thì, phần đông các Ki-tô hữu trẻ ở Âu Mỹ không giữ đạo nữa và cũng bỏ đạo luôn.

Kinh thánh nói gì về thú vui xác thịt
Lập trường công giáo về vấn đề này, nếu không dễ sống thì cũng dễ tóm gọn là không được buông thả trong việc ham mê thú vui xác thịt. Trong Kinh thánh, đức tin và phái tính thường liên hệ mất thiết với nhau. Trong thư gủi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô kết án một số cách thế ăn ở giữa người nam và người nữ :
Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên mà làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên mà đem lòng thèm muốn lẫn nhau :đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc lấy sự lầm lạc vào thân, hình phạt cùng với sự lầm lạc.” (Rm 1,26-27)
Ngoài những lời kết án trong đoạn thư này, còn có mối dây nhiệm mầu giữa những hoạt động rất khác nhau của con người. Mối liên hệ này là điều không thấy nói ra nhưng luôn luôn hiễn hiện trong các suy nghĩ của người công giáo về phái tính và tình cảm. Nhiều Ki-tô hữu cho rằng vui thú là một sự bình thường giữa người này với người kia. Vui thú là một trong các kinh nghiệm của con người trong lúc “trao xương gửi thịt” cho nhau. Nhưng, vui thú chỉ có nghĩa khi nó là thành quả, là điểm cao nhất diễn tả mối liên hệ giữa con người vói con người trong một tình yêu chân chính. Truyền thống Ki-tô giáo chỉ chấp nhận vui thú trong hôn nhân mà thôi. Hôn nhân là chỗ cho con người hiến thân trọn vẹn cho nhau với lòng trung thành tuyệt đối.

Có con theo ý muốn và ngừa thai
Hôn nhân không phải chỉ là nơi cho hai vợ chồng trao đổi vui buồn với nhau và làm cho con người của nhau phát triển toàn vẹn, mà còn hướng tới việc sinh con cái, như Công Đồng Va-ti-ca-nô II nói : “Hôn nhân và tình yêu phu phụ tự chúng hướng về việc sinh con cái.” (Vui mùng và hy vọng số 50). Ở đây, vấn đề ngừa thai được đặt ra. Theo lời yêu cầu của Đức Phao-lô VI, Công Đồng chỉ nói trống như sau : “Về vấn đề ngừa thai, con cái Hội thánh trung thành với các nguyên tắc của mình, không được theo những con đương mà Huấn quyền phủ nhận, khi giải thích lề luật của Chúa.”

Quả thật, ĐGH Phao-lô VI đã nối dài sự suy nghĩ cổ truyền của Hội thánh và cắt đứt vấn đề trong thông điệp Humanae vitae ban hành năm 1968.
Từ thông điệp trên, có thể rút ra hai ý tưởng chính yếu. Hôn nhân hướng về việc sinh con. Nhưng nếu hai vợ chồng có quá nhiều con đến nỗi không thể nuôi dạy chúng cho đàng hoàng, thì đó là điều bất thường và không xứng với phẩm giá con người. Ở đây có vấn đề lương tâm quan trọng mà Đức Phao-lô VI gọi là làm cha mẹ với ý thức trách nhiệm. Nhưng làm thế nào để hạn chế sinh sản hay như người ta nói cách văn vẻ là kế hoạch hóa gia đình ? ĐGH từ chối mọi phương pháp ngừa thai nhân tạo, như uống thuốc ngừa thai, đặt vòng xoắn, cắt ống dẫn tinh, cắt buồng trứng, dùng bao cao su. Tuy nhiên, ngài lại khuyến khích cải thiện và kiện toàn các phương pháp ngừa thai tự nhiên như phương pháp Ogino, Knaus và Billings, vì theo ngài, chỉ có những phương pháp đó mới bảo toàn phẩm giá của vợ chồng. Như vậy, hiển nhiên là Hội thánh chống lại và lên án việc phá thai vì đó là hành vi giết người

Những lời giáo huấn này được luôn luôn nhắc đi nhắc lại nhưng thường bị người đời phản đối. Dù vậy, người công giáo vẫn phải coi đó là lời giáo huấn và lệnh truyền của Hội thánh. Hội thánh cấm không được làm một số việc, vì muốn cho người ta thấy đó là những sai lỗi trầm trọng và muốn gỡ nhiều người ra khỏi thói buộng xuôi, nguy hại cho cả phần nhân bản lẫn phần siêu nhiên của con người. Đối với Hội thánh, hạnh phúc của cá nhân và gia đình chỉ có thể xây dựng trên sự tương kính : kính trọng tha nhân và kính trọng bản thân mình.

Bảo vệ gia đình
Hội thánh tích cực cổ võ và bênh vực quyền lợi của gia đình. Điều căn bản là mỗi người phải tìm được trong gia đình một nơi làm cho mình phát triển, một nơi mình có những trách nhiệm xứng hợp, một nơi mọi người có thể đối thoại với nhau và vợ chồng yêu thương nhau tận tình.
Những người bị tổn thương về tình yêu

Càng ngày Ki-tô hữu càng ý thức rằng đời sống tình cảm và phái tính không phải lúc nào cũng diễn ra theo đường thẳng và có thể kiểm soát được. Nhiều người nam cũng như nữ gặp các khó khăn. Những người ấy thường hay để cho những khó khăn đó sinh ra thất vọng hay oán thù ; trái lại, họ nên coi đó là dịp để ngẫm nghĩ sâu sắc hơn về tình yêu và biến thành cơ hội cho mình đi tìm gặp Chúa. Trong vấn đề tình cảm và phái tính, Ki-tô hữu đừng quên rằng Chúa ở bên những người đau khổ và những người bị tổn thương về tình yêu. Dù sống trong bậc hôn nhân hay thánh hiến, hoặc độc thân tự chọn hay bất đắc dĩ, mọi con cái Thiên Chúa nên nhớ đối với Thiên Chúa không gì là không có thể.

Kết luận
Gia đình là nền móng của xã hội. Gia đình vững thì xã hội mạnh. Gia đình lỏng lẻo thì xã hội lao đao. Riêng đối với người công giáo, gia đình là “Hội thánh tại gia”. Bởi vậy Hội thánh rất quan tâm đến gia đình và dành cho gia đình một mối bận tâm đặc biệt mà điển hình là giáo lý về hôn nhân công giáo. Các đôi vợ chồng công giáo muốn bảo đảm hạnh phúc cho gia đình mình cần phải sống theo giáo lý hôn nhân đó.
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.

No comments:

Post a Comment