Tuesday, 21 February 2012

Cuộc Chiến Chống Bệnh Ung Thư Hậu Môn


· Tử suất của chứng bệnh ung thư trực tràng (Colorectal cancer) đứng hạng thứ nhì sau bệnh tim tại Mỹ, mà đa số những người mắc bệnh này vào khoảng tuổi từ 50 trở lên; cả nam lẫn nữ.
· Colorectal được ghép từ hai chữ Colon (ruột già) và Rectrum (hậu môn) để định nghĩa một chứng bệnh phát nguồn từ chứng ung thư ruột già mà ra - bướu ung thư lan từ ruột già xuống hậu môn.

· Tuy không phải là y sĩ, nhưng sau
hơn 16 năm “vật lộn” với 2 căn bệnh ung thư ruột già (1994) và ung thư trực tràng (2008) tôi thu thập được nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về hai chứng bệnh này. Tôi là một trong số hàng triệu người sống còn (cancer survivor)  tại Mỹ sau một thời gian dài điều trị. Tôi viết về câu chuyện này để chia sẻ cùng các bạn đọc, và cũng để “báo động” về hiểm họa ung thư – không chừa bất cứ một ai. Quý vị nào lo sợ, không biết bản thân mình hoặc người thân vướng căn bệnh này hay không, hay thắc mắc muốn tìm hiểu, hãy email cho tôi ở địa chỉ lequeviet55@yahoo.com

Lê Quê Việt Tin Buồn, Tin Vui

Tương truyền về một trong những nguyên nhân để lý giải tài dụng binh của “thiên tài quân sự” Vua Quang Trung vào những năm gần cuối thập niên 1700 rằng cuộc tiến quân thần tốc vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789, chỉ trong vòng 5 ngày đến Hạ Hồi, Ngọc Hồi, phá tan hàng vạn binh đoàn giặc Mãn Thanh xâm lăng của Sầm Nghi Đống là chiếc đồng trinh của vị quân sư theo phò vua Quang Trung. Lúc đó quân sư La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiệp theo Vua Quang Trung trên đường tiến quân ra Bắc. Mỗi khi đoàn quân thấm mệt muốn dừng chân, Nguyễn Thiệp đã đôn đốc ba quân tiếp tục tiến lên bằng một chiếc đồng trinh (đồng bạc cắc hai mặt sấp ngữa). La Sơn Phu Tử đứng trước đoàn quân và tuyên bố đánh cuộc khi thảy chiếc đồng trinh lên. Nếu “sấp” thì dừng chân nghỉ ngơi, và nếu “ngữa” thì tiếp tục di chuyển quân nhanh chóng để ngăn chận quân Mãn Thanh. Và ba quân đồng ý. Nhưng lần nào thảy chiếc đồng trinh lên cũng đều ra mặt “ngữa” nên quân sĩ tiếp tục reo hò tiến quân như vũ bão. Chiếc đồng trinh của La Sơn Phu Tử có hai mặt “ngữa”.

Gần 300 năm sau, các nhà làm phim ở Hollywood đã dựng một cuốn phim “One Million Dollars Night” vào năm 1982, kể chuyện một nhà tỷ phú bay bướm (do Robert Redford thủ diễn), trả cho một giai nhân tuyệt thế (do Demi Moore thủ diễn) một triệu đô la để ngủ một đêm trên chiếc du thuyền lộng lẫy của ông. Nhưng mỹ nhân cự tuyệt và khước từ. Cuối cùng nhà tỷ phú đã bày ra chuyện thảy tờ bạc cắc sấp-ngữa. Mỹ nhân đồng ý đánh cuộc, nếu “ngữa” thì nhận một triệu đô la ngủ trên du thuyền, nếu “sấp” thì nhà tỷ phú chịu thua. Nhà tỷ phú đẹp trai thảy đồng bạc cắc. Mỹ nhân mở ra và thấy ngữa. Đồng bạc cắc của nhà tỷ phú cũng có hai mặt ngữa.

Trong vòng 16 năm qua, từ 1994 đến nay, Bác sĩ Đặng Vũ Báy ở Oakland, cũng có một chiếc đồng trinh, và ông đã từng thảy chiếc đồng trinh vô hình đó trước mặt tôi nhiều lần. Chiếc đồng trinh của Bác sĩ Báy cũng có hai mặt ngữa; một mặt là “nghị lực - ý chí”, và mặt kia là  “phải cố gắng chống chọi”. Chính đồng trinh của Bác sĩ Báy đã giúp tôi rất nhiều, và ông đã hai lần giữ lại mạng sống của tôi cho đến ngày hôm nay, kể khi căn bệnh ung thư ruột già bộc phát năm 1994, và ông phát hiện ung thư trực tràng vào cuối năm 2008.

Buổi chiều ngày 31 tháng 12/2008, trong văn phòng bác sĩ gia đình, BS Báy nói với tôi ông đã nhận được bản báo cáo nội soi (colonoscopy) từ bác sĩ Harvey Olson và kết quả của trung tâm MCMI scan toàn bộ cơ thể tôi cho biết đã tìm thấy một chiếc bướu trong hậu môn của tôi. Bác sĩ Báy báo một tin buồn: “Anh đã bị ung thư hậu môn” và ông nói thêm tin vui kèm theo tin buồn là chỉ có một cục bướu này mà thôi, bướu không “nhảy” ở các bộ phận khác như óc, gan, phổi, v.v…

Bướu này không lớn lắm, chỉ bằng quả nho nhưng nó đã hành hạ tôi trong suốt nhiều tháng trước đó. Trong 4 tháng đầu năm 2009, tôi sống rất khổ sở. Mỗi khi ung thư tấn công kịch liệt, tôi chỉ biết ôm mông đít mà lăn lộn trên giường với muôn vàn đau đớn. Bạn cứ tưởng tượng mỗi ngày 24 giờ, tôi đi cầu từ 8 đến 10 lần bất cứ thời khắc nào, vì hậu môn không còn chức năng co bóp tích trữ và thải phân ra ngoài. Có những lần khuya khoắc ngồi trên bồn cầu mà nghiến răng chịu đựng với nỗi đau.

Khoảng thời gian đó, nhiều người bạn thăm hỏi và tôi chỉ trả lời một cách thô lỗ rằng tôi bị “ung thư đít”. Có lẽ cơn đau dày vò quá sức nên đã làm cho con người mình hơi “bất lịch sự” nhất thời.

Bác sĩ Báy tiếp tục thảy chiếc đồng trinh vô hình của ông trước mặt tôi và nói:”Anh Việt à, bệnh của anh lần này không đơn giản đâu nhé. Dù chỉ có một cục bướu trong hậu môn, nhưng không dễ giải phẫu.” Ông nhìn tôi và nói thêm:”Anh cần phải có nghị lực và cố gắng nhiều hơn nữa.”  Bs Báy cho biết trước tiên ông sẽ đưa tôi đến hai bác sĩ chuyên môn – John Salzman tại bệnh viện Summit Medical Center tại Oakland để chữa bằng Xạ trị (Radiation Therapy), và bác sĩ Gary Cecchi ở viện ung thư Comprehensive Cancer Center ở Berkeley để chữa bằng Hóa học trị liệu (Chemotherapy). Mục đích của việc chữa trị song hành này nhằm để làm cho cục bướu teo nhỏ lại để dễ giải phẫu và ngăn chận ung thư lây lan, nếu bướu lớn sẽ gây khó khăn trong cuộc giải phẫu vì hậu môn có nhiều động mạch máu gây mất máu và dễ nhiễm trùng. Bác sĩ Báy nói thêm sau thời gian chữa trị bằng hai phương pháp trên ông sẽ đưa tôi đến bác sĩ giải phẫu toàn khoa Bruce Moorestein để cắt bướu. Sau khi giải thích về tiến trình chữa trị căn bệnh “ung thư đít” của tôi, bác sĩ Báy lại thảy chiếc đồng trinh của ông lên và quả quyết:”Anh phải cố gắng chống chọi. You have to fight!” vì ông biết chứng bệnh này nguy hiểm như thế nào, có khi phải mất mạng. Hiếm người sống còn sau căn bệnh này, nhưng tôi may mắn được phát hiện bướu ung thư sớm.

Tôi bước ra khỏi phòng mạch lúc chiều ập xuống và vẫn còn nghe văng vẳng lời của bác sĩ Báy nhắn nhũ “phải có nghị lực để chống chọi.” Buổi chiều cuối năm thật ảm đạm. Tôi lái xe về mà lòng dạ bồn chồn, nghĩ đến chuỗi ngày sắp tới trở thành một gánh nặng cho vợ con. Tôi bước vào nhà, mỉm cười với vợ và ôm đứa con nhỏ vào lòng. Tôi kể lại chuyện ở phòng mạch cho vợ tôi nghe, tôi không hề biểu lộ một sự lo sợ nào để trấn an vợ. Tôi lạc quan hơn bao giờ hết, chuẩn bị hành trang và chấp nhận bất cứ một rủi ro nào có thể xảy ra.


Ung thư trực tràng
Con đường gập ghềnh

Hai ngày sau, tôi gọi hẹn gặp các bác sĩ Salzman, Cecchi, và Moorestein, mà bác sĩ Báy đưa tôi đến chữa trị. Sau này, một bà y tá lập thủ tục nhập viện nói nhỏ với tôi rằng tôi đang được một nhóm bác sĩ giỏi của hai bệnh viện Summit Medical Center và Viện Ung Thư chữa trị cho tôi. Bác sĩ Salzman sắp xếp chữa Xạ trị cho tôi trong vòng 5 tuần lễ, và bác sĩ Cecchi sẽ chữa trị  Hóa học trị liệu 6 tuần, cùng một lần với bác sĩ Salzman để làm teo cục bướu trước khi đưa tôi đến bác sĩ giải phẫu Moorestein.

Trong khoảng thời gian trước ngày giải phẫu 23 tháng 4, 2009, tôi tiếp tục sống chung với những cơn đau dằn vặt muôn miên, nhiều ngày không cầm nỗi tay lái trong những buổi sáng sớm tinh sương lái xe đến bệnh viện xạ trị. Tôi không ngờ mình có một sức lực bền bĩ, ít ra cũng đến thời điểm tôi đang ngồi kể chuyện cho các bạn đọc đây. Luôn tiện “khoe chơi” với các bạn đọc một tí xíu là trong vòng 16 năm qua, các bác sĩ ở bệnh viện Summit Medical Center đã mổ ruột của tôi 6 lần rồi, chỉ  một đường nhỏ  xíu và  dài từ  trên lỗ  rốn trở xuống mà  cứ  mổ  miết, mổ rồi khâu, khâu rồi lại mổ, và theo tiến trình chữa trị chứng ung thư hậu môn lần này, tôi đang chờ một cuộc giải phẫu cuối cùng vài tháng tới. Bạn thấy “khiếp” không, chưa kể tới chuyện tôi bị tai nạn, giải phẫu óc vào tháng 6 năm 1972, hai tháng trước khi thi Tú Tài Bán vào tháng 8/ 1972.

Sau khi gặp bác sĩ John Salzman xin điều trị, tôi rời trung tâm Oncology Department của bệnh viện Summit, tôi đến viện ung thư Comprehensive Cancer Center ở Berkeley để gặp bác sĩ Gary Cecchi sắp xếp chữa trị bằng Hoá học trị liệu (Chemotherapy). Có lẽ bác sĩ Cecchi đã bàn bạc với bác sĩ Salzman và bác sĩ giải phẫu Moorestein từ trước, nên ông sắp xếp bắt đầu chữa trị chemotherapy cùng một ngày với BS Salzman, nhưng thời gian Chemo khoảng 6 tuần, hơn xạ trị một tuần.

Những ngày đầu tháng 2 năm 2009, thời điểm cuối đông hàng năm. Mưa thỉnh thoảng đổ xuống các thành phố vùng Bay Area. Mưa ướt đẫm con đường ngập xác lá vàng từ nhà đến trường học của con. Một ngày nọ lúc dẫn con đi học, tôi chợt nghĩ đến một người nổi tiếng, phát ngôn viên Bạch Cung -Tony Snow của tổng thống Bush mới chết vì bệnh ung thư ruột già lúc 53 tuổi, và chồng của nữ xướng ngôn viên Katie Couric hệ thống CBS, cũng mắc bệnh ung thư hậu môn – colorectal cancer như tôi. Nghĩ đến mà cảm thấy hụt hẫng, vơi đi một phần nghị lực, nhưng những lời an ủi chân tình, khuyên nhũ tha thiết của bạn bè vẫn luôn luôn văng vẳng trong đầu. Thỉnh thoảng tôi gặp anh Mỹ Lợi, chủ nhiệm web Vietvungvinh.com thường khuyên: ”Tinh thần quan trọng nhất, phải có nghị lực để chống chọi mới vượt qua.” Đến khai thuế trước ngày đi mổ, ông bạn vàng Nguyễn Ngọc Minh cũng khuyến khích:”Phải giữ vững tinh thần!”

Đối với những ai mắc bệnh ung thư, nếu khám phá muộn sẽ chết sớm, và khám phá sớm cũng sẽ chết, nhưng chết muộn hơn. Rất nhiều người trông rất khỏe mạnh và bình thường nhưng chết bất ngờ sau khi khám phá ung thư vào giai đoạn cuối. Như ông Snow, tuỳ viên báo chí của tổng thống Bush, hàng ngày ông đứng trước bệ trả lời các câu hỏi của báo chí, nhưng đột nhiên lại nghe vào bệnh viện vì chứng ung thư ruột già, rồi sau đó trải qua một cuộc chữa trị hoá học trị liệu, không bao lâu sau đó nghe qua đời. Ỷ lại sức khỏe và xem thường bệnh ung thư rất tai hại. Chứng ung thư ruột già dễ ngăn ngừa bằng phương pháp nội soi (colonoscopy). Nếu có phương tiện, nên nói chuyện với bác sĩ gia đình để nội soi. Trong quá trình nội soi, khi bác sĩ tìm thấy các nhọt (polyp) trong ruột già, bác sĩ sẽ trục ngay (biopsy) tại chỗ, vì những nhọt đó là mầm mống của ung thư, lâu ngày nhọt lớn thành bướu (tumor), và bướu này trở thành ác tính có thể nhảy tới các bộ phận khác trong cơ thể. Một trường hợp khác mới đây, bà thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, Sandra Day O'Connor, phải bỏ tòa vào bệnh viện giải phẫu chứng bệnh ung thư ruột già. Đó là hai trường hợp cụ thể về những người khỏe mạnh và bình thường và nổi tiếng. Làm sao chúng ta biết chắc rằng khỏe như thế là không vướng bệnh ung thư ruột già (colon cancer) hay hậu môn (colorectal cancer).

Kết quả của những cuộc nghiên cứu trên trang WebMD cho thấy bệnh nhân ung thư hậu môn có thể sống thêm ít nhất 5 năm kể từ ngày bệnh bộc phát, và tuỳ thuộc vào thời kỳ được khám phá; thời kỳ đầu – có nghĩa bướu chưa lan đi các nơi khác trong cơ thể, 93% sống sót, và chỉ 8% đối với bệnh nhân vào thời kỳ thứ IV – có nghĩa bướu đã lan tới gan, phổi, hoặc xương. Trường hợp của tôi hy vọng sống thêm ít nhất 5 năm nữa, và lâu hơn nếu được chữa trị và theo dõi kỹ lưỡng bằng các phương pháp y học tiến bộ hiện nay.

Tôi bắt đầu chữa trị bằng Xạ trị và hoá học trị liệu vào giữa tháng 2. Tôi hẹn gặp bác sĩ John Salzman đầu tiên để chuẩn bị Xạ trị. Bs Salzman cao lớn, ông mang đôi giày rất to, phải cỡ giày số 13 trở lên. Giọng nói ông oang oang, ông bắt tay tôi khi tôi vừa bước vào phòng khám. Ông tự giới thiệu cho biết ông phụ trách chữa trị cho tôi trong suốt 5 tuần lễ sắp tới. Ông giải thích tác dụng của xạ trị làm teo cục bướu càng nhỏ càng tốt để cắt bỏ dễ dàng hơn. Ông đưa tôi lên bàn khám trong hậu môn rồi nói:”OK, ông Lê, tôi đã sờ được cục bướu rồi. Tuần tới bắt đầu thời biểu chữa trị nhé!” Ông giải thích thêm về việc chữa trị; sẽ bắn tia laser vào cục bướu, thời gian chữa trị 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần, nghỉ hai ngày cuối tuần.

Bs Salzman nói thêm trong vài tuần lễ đầu tôi sẽ bị đau đớn và mệt mỏi lắm, nhất là vùng hạ bộ, nơi tập trung 3 tiêu điểm để bắn tia laser, nhưng cơn đau sẽ giảm dần vào những tuần sau đó. Kể từ ngày bắt đầu Xạ trị, hàng đêm nằm nghe như kim chích đau nhói vài nơi trong cơ thể.

Sau cùng, ông đưa tôi sang phòng của y tá trưởng phụ tá của ông Jeff Crowder. Jeff Crowder chừng khoảng ngoài 30 tuổi, vui tính và tận tâm. Anh mời tôi ngồi trước bàn làm việc và lập thủ tục chữa trị. Jeff hỏi rất kỹ về tiểu sử bệnh tật của tôi. Jeff hỏi có bao giờ tôi chữa trị bằng xa trị chưa. Tôi trả lời lần đầu tiên trong đời. Tôi hỏi Jeff có phải bắn tia laser vào cơ thể đau lắm phải không. Jeff cười và nói chỉ bị phản ứng phụ (side effect) nhẹ mà thôi, không đau đớn gì mấy. Đến phần này, Jeff cho biết vùng “hạ bộ” tôi sẽ bị ảnh hưởng nặng vì 3 tiêu điểm để bắn tia laser vào cục bướu ở hậu môn nằm ở 2 điểm hai bên hông và điểm giữa ngay phần dưới rốn. Jeff nhìn tôi ngập ngừng nói:”Lông lá sẽ rụng hết!” Chợt Jeff nghĩ điều gì đó rồi lại trấn an:”Nhưng không sao, nó sẽ mọc trở lại.” Jeff tưởng nói ra chuyện đó làm tôi lo âu, nhưng sau lời Jeff tôi nhìn anh ta và trả lời:” Ồ, không sao đâu Jeff, tôi có gì đâu mà rụng, Jeff! – Never mind Jeff, I got nothing to loose.” Không hiểu Jeff hiểu ý tôi bông đùa hay không mà lại nói:”Good! Good!”

Một ngày sau, tôi đến Viện Ung Thư Comprehensive Cancer Center. Bác sĩ Gary Cecchi rất thân thiện. Ông cao trung bình, bước đi bằng hai gót chân lết dưới mặt đất. Vầng trán cao biểu lộ một người thông minh nhưng trông ông rất bình dân. Ngày đầu tiên trong phòng mạch, ông chào tôi bằng tên tôi chứ không phải họ như những người khác. “Hi Việt, tôi là bác sĩ Gary Cecchi.” Ông bắt đầu giải thích cho tôi nghe về việc chữa trị bằng Hóa học trị liệu.”Chemotherapy”, ai nghe đến phương pháp chữa trị này cũng đều ngán ngẫm “ớn lạnh” vì tác dụng của nó ghê gớm lắm. Phải nói rằng liệu pháp này nó hành hạ thể xác của con bệnh. Sau một thời gian chữa trị, tóc bệnh nhân sẽ rụng hết. Phản ứng phụ tác dụng mạnh mẽ sau khi thuốc bơm vào máu. Ông cho biết sẽ bơm thuốc vào cơ thể tôi 24/24 trong suốt 6 tuần. Trong thời gian này, trung tâm cung cấp đầy đủ cho tôi các loại thuốc chống nôn mữa, chống tiêu chảy, và giảm đau phòng ngừa phản ứng của việc chữa trị. Tôi bắt đầu sử dụng các liều thuốc giảm đau, Vicodine từ đó.

Phương pháp chữa trị Chemo hiện nay tiến bộ hơn trước. Bác sĩ Moorestein đã đặt một ống bơm thuốc sâu dưới làn da trên ngực phải tôi. Chiếc bơm này nối vào mạch máu trên cánh tay phải. Bơm này có thể được sử dụng đưa thuốc vào mạch máu, hoặc có thể lấy máu từ trong cơ thể ra bất cứ lúc nào mà không cần chích kim ở các vein máu. Hiện nay tôi vẫn còn mang chiếc bơm này trong người; như để sẵn sàng…ứng chiến khi cần thiết.

Rất nhiều ngày, phải! nhiều ngày tôi cảm thấy các mạch máu trong người tôi dường như khô dần. Trong thời gian trước ngày giải phẫu, tôi vẫn đi lại bình thường, cũng làm việc, nhưng không nhiều, mỗi ngày làm chừng 2, 3 tiếng cho đỡ buồn. Khoảng thời gian từ ngày bắt đầu chữa trị hóa học trị liệu và xạ trị đến ngày 23 tháng 4, 2009 là một giai đoạn thử thách vô cùng. Dù sức lực bền bỉ đến đâu đi chăng nữa cũng khó mà đối diện với những cơn đau dồn dập; có lúc ung thư tấn công, có lúc bị phản ứng phụ của xạ trị. Vùng bụng dưới bắt đầu xuất hiện những cơn đau nhói như kim chích trong người, nhưng tác dụng của hoá học trị liệu mới khủng khiếp. Tóc bắt đầu rụng. Nhiều hôm thức dậy nhìn thấy tóc la liệt trên gối mà thấy thương mình. Sắc diện bắt đầu thay đổi, da mặt tái dần biểu lộ hẵn một người đang mắc bệnh…trầm kha. Sức khỏe tôi sa sút thấy rõ, cả thể xác lẫn tinh thần.

Nhiều đêm khuya khoắc, ung thư trỗi dậy dày vò thân thể. Có đêm thức trắng không ngủ được…chờ nó đến. Một đêm nọ, khi cơn đau tấn công dồn dập, tôi ôm chiếc mền chạy ra phòng khách nằm trên chiếc sofa, và nằm co ro trong chiếc mền phủ kín – không muốn để tiếng rên xiết ra ngoài phá giấc ngủ của vợ con. Tôi nằm co quắp lại, tay ôm mông đít, nghiến răng liên hồi vật lộn với những cơn đau do bướu ung thư tấn công. Đến lúc chịu không nỗi, tôi tung mền và thở ra nặng nề. Bất chợt nhìn thấy vợ đứng khoanh tay dưới chân trong đêm khuya. Vợ tôi sụt sùi bước tới ngồi bên cạnh hỏi:” Đau lắm hả anh?” Tôi:“Ừ! Đau khiếp,” nhưng cũng trấn an “Anh có thể chịu đựng được.”

Sau khi chấm dứt Chemotherapy và Radiation Therapy, tôi đến phòng mạch bác sĩ giải phẫu Moorestein định ngày…mổ bụng. Tôi gặp ông vài lần trước đó nhưng chưa bao giờ thấy ông cười. Ông ăn mặc rất bặt thiệp và sang trọng, dáng dấp của một người đàn ông Âu Châu. Hôm đó ông khám bên trong hậu môn tôi và nói cục bướu đã teo nhỏ có thể mổ được. BS Moorestein chi tiết cho tôi biết về cuộc giải phẫu kéo dài trong vòng 2 tiếng, và sau khi cắt đứt ruột già khỏi hậu môn tôi phải mang một chiếc túi đựng phân (colostomy) bên hông tạm thời trong một thời gian. Nhưng ông hứa sẽ “cố gắng hết mình” – “I try my best” thử nghiệm phương cách không phải cắt lìa ruột già khỏi hậu môn sau khi cắt bỏ cục bướu. Ông ngập ngừng phương cách này có phần “risky”. Bác sĩ Moorestein cho biết tôi sẽ bị mất máu rất nhiều nên ông sẽ tiếp thêm…vài bao máu cho tôi trong cuộc giải phẫu. Ông hỏi tôi:”Are you ready?” Tôi cười quả quyết:”Yes, I'm always, Sir.” Ông gọi bà thư ký Catherine hẹn ngày giải phẫu cho tôi lúc 8:30 sáng ngày 23 tháng 4 tại bệnh viện Summit. Ông nói thêm tôi sẽ được điều trị tại bệnh viện một tuần sau ngày giải phẫu và về nhà ngày 30 tháng 4 năm 2009. Tôi cám ơn, ra về chờ đợi từng ngày và ngày đó đã đến.

Các tế bào ung thư phát triển trong mô trực tràng.
Cuộc giải phẫu “5 ăn 5 thua”


Tôi “trình diện” y tá khu giải phẫu lúc 6:30 sáng ngày 23 tháng 4/2009. Hôm đó, tôi dậy rất sớm, tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị nằm một thời gian dài trong bệnh viện. Anh Đặng Tiết Rũng đến nhà từ lúc 5 giờ sáng để đưa tôi đi trên một đoạn đường từ nhà đến bệnh viện không xa lắm, nhưng sao tôi thấy dài. Suốt 15 phút, chúng tôi chỉ nói ít chuyện bâng quơ, và yên lặng nhìn những con đường vắng người từ tờ mờ sáng.

Anh Rũng đưa tôi lên lầu ba, và bà y tá gốc Phi Luật Tân đưa tôi vào phòng chuẩn bị chuyền Ivy (nước biển), đặt ống thở oxygen và sưởi ấm cơ thể trần truồng của tôi, lập thủ tục trước khi đưa tôi vào phòng mổ. Tôi nằm ở đó hơn một giờ cho đến lúc bà y tá Lisa bước vào phòng giới thiệu với tôi bà là y tá trưởng phụ tá của Bs Moorestein trong suốt ca giải phẫu. Khoảng 10 phút sau, một người đàn ông da trắng nhỏ thó bước đến bên giường tôi và giới thiệu là bác sĩ gây mê trong ca mổ. Bác sĩ Stevens rất trẻ; chưa đầy 30, nói năng ôn tồn và nhỏ nhẹ, hỏi thăm tôi có mắc các chứng bệnh tim, suyễn, v.v…mà bị ảnh hưởng của việc gây mê hay không, và nói ông sẽ ở bên cạnh tôi trong suốt ca mổ.

Tôi nhìn lên đồng hồ, khoảng 8:25 phút, anh Rũng ngồi trong phòng với tôi từ lúc đến, và đứng dậy ra về:”Good luck Việt!” khi bà Lisa đẩy tôi ra khỏi phòng đợi đến phòng mổ. Bà đẩy tôi đi ngang qua một dãy hành lang chật hẹp trên tầng lầu thứ 3. Khu vực giải phẫu có 3 phòng mổ lớn, tôi được đưa vào phòng số 1. Bà Lisa nói ca mổ tôi là đầu tiên trong ngày hôm đó. Tôi đảo mắt nhìn quanh phòng mà không thấy bác sĩ Moorestein, và suy nghĩ mông lung nhưng không hề lo sợ, nao núng. Bà và hai người khác chuyển tôi qua bàn mổ, nịt hai tay và chân tôi lại. Bác sĩ Stevens đứng trên đầu giường mổ, kéo chiếc mặt nạ hơi thở đặt vào mũi tôi và nói:”Keep breathing, Mr. Le!” - Cứ tiếp tục thở, ông Lê. Chỉ còn một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi nhắm mắt, trải rộng cõi lòng, thản nhiên bước vào một cảnh giới khác. Tôi mơ mình thành “người Quang Trung” phá tan hàng vạn binh đoàn giặc Mãn Thanh xâm lăng đô hộ nước tôi, mong quyết tiêu diệt hàng vạn vi trùng ung thư trong máu. Trong một tích tắc tôi đã tìm thấy Nước Chuá ở trong lòng, và Niết Bàn ở tại tâm.

Tôi mở mắt và biết ngay mình đang nằm trong phòng hồi sức sau cuộc giải phẫu. Trước ngày vào đây, tôi đã hình dung được những chuyện gì sẽ xảy ra lần lượt. Chẩn bệnh, điều trị, uống thuốc xổ, mổ ruột, phòng hồi sức, v.v...Diễn tiến đó quá quen thuộc với tôi. Bệnh viện Summit Medical Center có 4 tầng lầu, mà tôi đã đi qua và nhớ rõ từng khu vực của nó. Chỉ có một nơi tôi chưa biết đó là “nhà xác” nằm ở đâu.
Niềm hạnh phúc và sung sướng vô cùng, có thể là tột đỉnh nữa là khác khi tôi cảm thấy cơn đau vật vã của bướu ung thư hành hạ tôi trong suốt gần nửa năm trước đã không còn nữa. Thú thật với bạn, chao ôi, sướng ơi là sướng! Tôi chỉ thấy hơi đau ở vết mổ trên bụng. Tôi nghe một giọng hỏi nhỏ:”How do you feel, Mr. Le?” Tôi quay đầu qua phải nhìn thấy một bà y tá ngồi bên cạnh giường và bảng tên bà. Tôi trả lời gọn “Good!” và hỏi bà Susan tôi nằm ở phòng hồi sức lâu chưa, bà trả lời:”Chừng 25 phút.” Tôi trò chuyện với bà chừng một lúc rồi tôi nhờ bà gọi cho vợ tôi biết tôi đã tỉnh và khỏe sau cuộc giải phẫu, luôn tiện cho số phòng 4032 mà tôi sẽ được chuyển lên đó; tầng lầu 4 phiá tây của bệnh viện.

Bác sĩ Moorestein rất ưu ái với tôi (tôi nghĩ như thế) khi ông cho tôi nằm riêng trong một căn phòng nhìn về đồi Oakland, nơi đã xảy ra một vụ hỏa hoạn kinh hồn suốt 2 ngày đêm vào tháng 10 năm 1996, thiêu rụi trên 3 ngàn ngôi nhà, nhưng nay đã hồi phục trở lại, nhà cửa lại đẹp hơn xưa. Xa xa, dưới chân đồi cách phòng tôi nằm chừng 10 cây số đường chim bay hiển hiện ngọn tháp của trường đại học UC Berkeley. Phòng 4032 trong khu 4West nơi tôi nằm đã trải qua 3 tuần lễ với những ngày miên man buồn vui lẫn lộn, cũng có lúc như đối diện với “tử thần”.

Tôi được chuyển lên phòng này vào buổi trưa ngày 23 tháng 4 năm 2009. Khi nhìn ra đồi Oakland, tôi rất thích và cám ơn thầm bác sĩ Moorestein. Ông đến thăm tôi vào buổi chiều hôm đó, hỏi thăm qua loa vài câu rồi đi. Trong suốt thời gian đó, ngày nào ông cũng đến thăm tôi, dù ông rất bận. Sau này các cô y tá cho tôi biết rằng tôi may mắn được một bác sĩ giỏi và tận tâm chăm sóc tôi. Một lần nào đó, cô y tá Sandy, gốc Phi Luật Tân nói nhỏ với tôi rằng Bs Moorestein rất tốt và lương tâm, ông không bao giờ “bỏ rơi” bệnh nhân. Y tá các cấp khu 4West đều kính nễ và quý mến ông, có 3 y tá người Việt trong số gần 30 y tá ở 4West - chị Hồ Ngoan, cô “Ann” Anh Phạm và anh “Phoenix” Phúc Nguyễn. Có một lần chị Ngoan nắm bàn tay của bác sĩ Moorestein trước mặt tôi khi ông đến thăm tôi và chị nói:”Anh Việt may mắn lắm đó, được bác sĩ Moorestein săn sóc, anh coi nè, đôi bàn tay mầu nhiệm của nhà giải phẫu toàn khoa.” Tôi nhìn ông cười rồi nói:”Cám ơn bác sĩ vạn lần!”

Hai ngày đầu tiên trên giường bệnh trôi qua thật “êm đềm”. Tôi gọi một vài người bạn thân, cả gia đình ở Việt Nam để cho biết tình trạng sức khỏe tôi sau cuộc giải phẫu rất tốt đẹp, và hy vọng tuần sau sẽ về nhà. Đến ngày thứ ba, sau khi Bs Moorestein đến thăm và khám cho tôi rất sớm, ông cho phép tôi được ăn. Nhân viên dinh dưỡng của bệnh viện bưng bữa điểm tâm đầu tiên đến, và ghi thực đơn bữa ăn trưa và tối ngày hôm đó. Tôi khoe với vợ rằng đã được cho các bữa ăn bình thường và hy vọng sẽ hồi phục sớm.

Có lẽ khi tôi bộc lộ rằng không có gì sung sướng bằng lúc nằm ở bệnh viện, bạn sẽ chê tôi nói “ngoa” “vừa phải thôi chớ!” Nhưng đối với tôi thực sự là như thế! Tôi nhớ cuộc giải phẫu vào năm 1994, lúc còn độc thân. Tôi lái xe một mình đến bệnh viện rất sớm lúc 6 giờ sáng, đậu xe trước bệnh viện, lên phòng mổ và trong suốt một tuần nằm tại bệnh viện, tôi được bác sĩ và y tá chăm sóc tận tâm. Mỗi buổi sáng có người đến phòng thay khăn trải giường, bao gối và mền trắng tinh, sạch sẽ hơn ở nhà có khi cả tháng chưa thay khăn trải giường một lần. Khoảng 8 giờ nhân viên dinh dưỡng mang điểm tâm đến, bữa ăn trưa lúc 12 giờ và bữa ăn tối lúc 5:30 chiều. Mỗi khi cần, bấm chiếc remote control bên cạnh, y tá sẽ đến ngay. Xem TV 24/24 giúp bệnh nhân đừng suy nghĩ “vẩn vơ”. Tôi thích nhất thời gian nằm trên giường bệnh được cung cấp thuốc giảm đau đầy đủ. Khi cơn đau trỗi dậy, thò tay chích một liều Morphine có thể giúp tôi bớt đau và “chui” vào giấc ngủ một cách êm đềm. Ở Mỹ, ai cũng sợ nằm bệnh viện vì lý do đối diện với bệnh tật và chi phí y tế rất cao. Tính trung bình mỗi ngày Medi-Cal và Medicare phải tốn tiền viện phí cho tôi cả ngàn trở lên, chưa kể đến chi phí những cuộc giải phẫu, khám bệnh tại phòng mạch riêng và chi phí khác. Vị chi trong 16 năm qua, họ đã chi khoảng vài trăm ngàn, có thể lên đến gần nửa triệu, và đang còn tiếp diễn cho đến ngày tôi an giấc ngàn thu.

Lần này cũng được “cung phụng” như thế, nhưng hạnh phúc hơn nữa vì còn có vợ vào bệnh viện chăm sóc thêm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Các bữa ăn đầu tiên gồm trà chanh hay cà phê, nước trái cây và một loại thực phẩm mềm dễ tiêu hoá. Những ngày kế tiếp trôi qua bình yên. Bác sĩ Moorestein theo dõi tôi hàng ngày. Vết mổ cũng bắt đầu lành và ông tháo một vài kim khâu vết thương trên bụng tôi vào ngày thứ năm. Nhưng cũng kể từ hôm đó, bụng tôi bắt đầu trương nước. Sáng hôm sau tôi đi tiêu toàn máu tươi. Vợ tôi hoảng hốt và gọi y tá. Hậu môn tôi bị nhiễm trùng, nhưng tôi vẫn nghĩ đó là triệu chứng nhất thời mà thôi. Sắc diện tôi thay đổi hẳn hôm đó, hai mắt sâu hoắm, má tóp lại và nước da tái dần. Quả thật, lúc đó nhìn qua cửa sổ tôi thấy đồi Oakland nhạt nhòa dần. Vợ tôi lúng túng biết nhờ cậy ai ngoài anh Rũng. Các cô y tá thay phiên ra vào không ngớt trông nom tôi làm cho bầu không khí lúc đó nặng nề khó tả.

Chừng 30 phút sau, anh Rũng cùng Cha Sơn, quản nhiệm giáo xứ Anthony, và một giáo hữu, bước vào phòng. Cha Sơn đến bên giường xức dầu và cầu nguyện cho tôi. Khi xức dầu như thế cũng mang ý nghĩa tôi có lẽ sẽ “ra đi”. Trong phòng chỉ còn lại Cha Sơn, anh Rũng và vị giáo hữu đứng bên giường bệnh. Vợ tôi không dám nhìn nên rời khỏi phòng. Hôm đó là một ngày dài lê thê. Tôi cũng đã bắt đầu nghĩ đến những chuyện cần thực hiện trước khi “ra đi”. Nhưng nghĩ cho cùng, chẳng còn chuyện gì ngoài mấy câu thơ của Du Tử Lê:”Khi tôi chết, hãy mang tôi ra biển. Trả tôi về với Lao Bão, Khe Sanh…” Nguyện ước sau cùng được đốt, để một mai khi các con khôn lớn đem tro cốt về rải ở cửa biển Nam Ô, nơi mà tôi đã từng miệt mài chôn từng thùng dầu dưới đáy biển để vượt biên hồi đầu năm 1981.

Khoảng 2, 3 giờ khuya đêm hôm đó, tôi bị sốt cao độ (hơn 101 độ F). Tôi gọi y tá trực. Vừa thả chiếc remote xuống giường, tôi chộp lấy chiếc thau nhựa đựng các vật dụng cá nhân để trên bàn gần đầu giường và đổ tung xuống đất. Tôi mữa “nhào đầu” vào chiếc thau và ghì thật chặt. Bao nhiêu trà, cà phê, nước ngọt, thức ăn trong vài ngày qua trào hết ra ngoài. Tôi mệt lắm nhưng vẫn ôm chiếc thau nặng trĩu không thể để lên bàn được. Lúc đó, cô Tammy cũng vừa đến và nghe tiếng “lổn cổn” đồ vật dụng tôi đổ trên sàn nhà, cô hỏi:”Are you OK Mr. Le?” trong lúc cô vén màn bước đến giường. Tôi trả lời lớn:”No, I am not.” Cô hoảng hồn khi thấy tôi ôm chiếc thau đầy nước đục trộn lẫn thực phẩm chưa tan. Cô sờ trán tôi thấy nóng, rồi gọi thêm một cô y tá nữa mang thuốc Tylenol và thuốc chống mữa cho tôi. Tammy nói sẽ gọi bác sĩ Moorestein để ông đến thăm tôi sáng sớm hôm sau. Đêm hôm đó, tôi bắt đầu nghĩ đến điều “bất trắc” có thể xảy ra bất ngờ, dù tôi đã chuẩn bị tinh thần trước đó, nhưng muốn nhìn thấy vợ con lần cuối trước khi…

Tôi được đưa xuống phòng mổ lúc 7:30 tối hôm đó. Lại gặp bà Lisa phụ tá của bác sĩ Moorestein ở đó. Bà cười nhìn tôi:”Mr. Le again!” và tôi nói:”Yes, but I am not happy to see you here.” Lúc đó, bác sĩ Moorestein bước đến bàn mổ và một bác sĩ gây mê vừa chụp mặt nạ hơi thở lên mũi. Tôi chỉ còn kịp nghĩ đến vợ con tôi “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi!”  Kể như xóa bài, làm lại ván khác.

Ruột lìa khỏi hậu môn

Tôi tỉnh dậy lúc hơn 11 giờ khuya ngày 29 tháng 4 trong phòng hồi sức. Vẫn hình ảnh cũ, bà y tá da đen ngồi chống tay lên thành giường tôi hỏi:” Ông cảm thấy thế nào, ông Le?” Tôi trả lời:”I'm OK.” Bà giữ tôi lại phòng hồi sức thêm gần nửa giờ và gọi nhân viên di chuyển đưa tôi trở về lại phòng  của tôi trên tầng lầu 4.

Fay, Cindy, và Maria vẫy tay chào khi nhìn thấy tôi trở về từ phòng giải phẫu. Các cô cười và nói lớn:”Welcome back Mr. Le.” Tôi cũng đưa ngón tay trỏ lên ra hiệu “number one” khi hai nhân viên y tá đẩy chiếc giường tôi qua hành lang vào phòng. Hầu hết nữ y tá trong khu 4West đều là dân Phi Luật Tân. Fay chừng ngoài 20, khuôn mặt hiền từ, khả ái, dáng người nhỏ lại để tóc thề nên tôi cứ tưởng là nữ y tá người Việt trong những ngày đầu tôi mới vào khu vực 4West. Cô thường mang tấm hình Đức Mẹ Maria trong xâu chìa khoá đeo lủng lẳng ở thắt lưng. Cindy cũng gốc Phi, nhưng ăn to nói lớn hơn những cô khác. Cindy thường bắt tôi đi bộ nhiều lần trong ngày trong cuộc giải phẫu lần thứ tư vào cuối tháng 9/09. Maria đã lớn tuổi, gần 50, nói năng nhỏ nhẹ. Bà không chăm sóc tôi nhiều bằng Fay và Cindy.

Fay và Cindy theo chiếc giường đẩy đến phòng giúp chuyển tôi qua giường nằm. Khác với cuộc giải phẫu trước, lần này, toàn thân tôi đau nhức và trên thân thể tôi lúc đó được gắn với 6 chiếc ống khác nhau. Ống dưỡng khí, ống rút chất bài tiết trong bộ tiêu hoá được thông qua lỗ mũi.  Trên vùng bụng giải phẫu, 3 chiếc ống cắm sâu dưới da thịt để hút chất dơ còn đọng trong bụng sau cuộc giải phẫu. Và cuối cùng là ống thông bài tiết nước tiểu. Ngoài ra, chiếc ống chuyền thuốc trên tay tôi được nối với nhiều bịch thuốc và máu treo lủng lẳng trên giá vào mạch máu trên bàn tay phải. Tôi đếm trên giá sắt lúc đó gồm một bịch Ivy (nước biển), hai bịch máu, 4 bao thuốc kháng sinh, và một hộp thuốc Morphine đặc biệt để riêng cho tôi sử dụng khi lên cơn đau.

Cô Fay hỏi tôi cần tăng liều thuốc Morphine giảm đau hay không, vì cô biết tôi đang bị đau nhức lắm sau cuộc giải phẫu. Tôi gật đầu, và sau đó nhờ cô ấy gọi về nhà báo tin cho vợ tôi biết “bình an vô sự”. Đêm hôm đó, tôi thao thức suốt đêm, không ngủ được vì những cơn đau hành hạ. Tôi thường thò tay sờ vào chỗ vết thương mới mổ. Có lẽ vết mổ lớn hơn lần trước. Tôi đoán vậy khi tay đụng vào một tấm băng dán lớn trên bụng. Ngoài những ống dây hút chất bài tiết trong người tôi, trên bụng tôi lúc đó có thêm một chiếc túi “hậu môn nhân tạo”. Tôi cứ sờ mãi vào miếng băng dán trên vết mổ và chiếc túi đó, mà cứ nghĩ miên man chẳng lẽ phải mang chiếc túi này suốt đời hay sao. Đêm tịch mịch dần dần. Bệnh viện yên lặng lạ lùng, còn lại tiếng kêu cách khoảng của chất nước bài tiết được hút ra ngoài qua ống cao su thông trong lỗ mũi tôi. Tôi nằm trằn trọc, chờ đợi từng khoảng thời gian ngắn, chích từng mũi Morphine vào người để giảm cơn đau. Cứ 10 phút, chích một liều Morphine, 24 giờ một lọ. Trong 6 tuần nằm tại bệnh viện, tôi đã chích hàng chục lọ Morphine. Mỗi khi lên cơn đau, liều Morphine mang lại cảm giác lâng lâng “phê” khó tả lắm, như thuốc phiện. Đôi lúc lại mong đau để chích một liều vì muốn “phê”. Dự tính khi xuất viện về nhà, xin bác sĩ một toa mua cần sa (chính phủ tiểu bang cho phép bệnh nhân nan y dùng cần sa để giảm cơn đau) thay thế Morphine, để vơi bớt cơn đau đớn, khi lên cơn có thể làm mấy hơi như nhạc sĩ Vũ Thành An đã từng viết trong Bài Không Tên Số 7:”Một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng…”

Sáng hôm sau, một ngày không thể nào quên được, ngày 30 tháng 4/2009, bác sĩ giải phẫu Moorestein đến thăm tôi rất sớm. Sau khi ông khám vết mổ và hỏi tôi cảm thấy như thế nào, các cơn đau trong cơ thể nhiều lắm không, rồi ông ngồi xuống giường. Gần 4 tháng qua, lần đầu tiên tôi thấy ông cười một cách thân thiện. Ông nắm tay tôi và nói:”I'm sorry, I made you sick.” Tôi cười và nói muốn cám ơn ông cả ngàn lần, vì ông đã cứu mạng sống của tôi. Bác sĩ Moorestein ngồi giải thích cuộc giải phẫu tối hôm trước. Ông đã cắt lìa khúc ruột già tôi khỏi cuống hậu môn để đưa ra ngoài. Ông nói tôi phải mang chiếc bao Colostomy “hậu môn” nhân tạo một thời gian khá lâu để vết mổ trong hậu môn lành hẵn sau đó ông sẽ nối trở lại với ruột già đã được cắt lìa ra.Bác sĩ Moorestein khám lại vết mổ và ông nói giai đoạn nguy hiểm đã đi qua, tôi cám ơn ông một lần nữa. “Nhưng anh Việt à!” bác sĩ Moorestein nói thêm kể từ hôm đó, ông sẽ cử thêm một bác sĩ chuyên gia về nhiễm trùng đến săn sóc tôi, và đặt một đường ống nhỏ trong thịt dưới cánh tay trái tôi để chuyền dinh dưỡng vào cơ thể. Ông cho biết tôi không thể ăn bình thường trong vòng 10 đến 14 ngày, vì sợ nhiễm trùng máu thêm một lần nữa. Nghe ông nói, tôi thở ra nặng nề, lo lắng vu vơ. Trời tháng 5, mùa xuân đến. Nhìn qua khung cửa kiếng lớn, tôi thấy những ngọn cây xanh tươi đong đưa theo gió thổi. Ngọn đồi Oakland xa xa trong tầm mắt u buồn của tôi. Nghĩ đến những người sống bằng phương pháp chuyền dinh dưỡng hàng tháng, có khi hàng năm, mà tôi lo sợ mình sẽ rơi vào số phận đó.

Hơn một giờ sau, bác sĩ Phelps bước vào. Tôi không biết tên ông, chỉ biết họ khi ông tự giới thiệu là chuyên gia về nhiễm trùng. Bác sĩ Phelps cao và ăn mặc rất sành điệu. Ông mặc chiếc áo vét màu tím, chiếc cà vạt màu tím nhạt nổi trên chiếc áo sơ mi trắng. Sau khi ông chào tôi và giới thiệu bác sĩ Moorestein cử ông tới để săn sóc tôi, ông khám sơ qua và chỉ lên những bịch thuốc trên giá sắt cho biết đó là hai loại thuốc kháng sinh rất tốt và công hiệu, giúp ngăn chận vết mổ trong cơ thể và máu không bị nhiễm trùng. Ông nói mỗi ngày chuyền thuốc liên tục, hết bịch này đến bịch khác. Ông căn dặn kỹ lưỡng:”Hễ lên cơn sốt, anh phải gọi ngay y tá. Nhưng tôi sẽ nói các cô theo dõi anh.”
Bác sĩ Phelps ra về chừng nửa giờ, một y sĩ khác đẩy một dàn máy vào phòng tôi. Ông ấy giới thiệu và cho biết đến để gắn đường ống chuyền dinh dưỡng vào cơ thể tôi. Tôi “OK!” một tiếng rồi không nói năng gì, cứ nằm yên để ông lật cánh tay trái lên và luồng một chiếc ống nhựa rất nhỏ, bằng cây kim may mà thôi. Ông theo dõi trên monitor để đẩy chiếc ống đó vào tiếp giáp với mạch máu trong cơ thể. Ông vừa làm vừa nói chuyện để cho tôi vơi bớt cơn đau. Ông nói chức năng của ông ngoài việc chuyền dinh dưỡng vào cơ thể, còn giúp lấy máu từ trong người ra. Nhờ vậy mà hằng ngày các cô y tá không cần phải chích kim lấy máu ra thử nghiệm. Chỉ cần bơm máu ra từ ống này, nên cũng bớt đau phần nào đối với những nhân viên lấy máu không kinh nghiệm.

Ba ngày sau cuộc giải phẫu lần thứ hai, sức khỏe tôi bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Bác sĩ Moorestein và Phelps đến thăm và khám cho tôi hàng ngày. Tôi nhìn thấy bác sĩ Moorestein tự tin và theo dõi tôi rất chu đáo. Ông dặn dò các cô y tá chăm sóc tôi nhiều hơn. Qua đến ngày thứ bảy, bác sĩ Moorestein cho tháo lần lượt các chiếc ống trên người của tôi. Ông nói cứ mỗi lần tháo một ống là cho thấy dấu hiệu sức khỏe tôi hồi phục. Tôi nhớ ngày tháo ống xông tiểu, hai cô y tá Fay và Cindy trông rất tinh nghịch. Cindy nói lớn:”Mr. Le! Hít vào và nín thở, tôi đếm 1,2,3 nhé.” Tôi cảm thấy khoan khoái khi cô tháo chiếc bịch nước tiểu mang bỏ vào thùng rác bên ngoài phòng, từ nay sẽ bớt vướng víu thêm ống dây mỗi khi tập đi bộ. Tôi thấy hai cô vừa bước đi, vừa xầm xì với nhau rồi khúc khích cười rất tinh quái. Tôi nghĩ thầm, nếu hai cô biết tiếng Việt, tôi sẽ nạt lớn:”Cười cái gì mà cười? Bộ thấy lạ lắm sao mà cười hả?” Nhưng hai cô là người Phi Luật Tân.

Trong ca ban ngày từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, Denise săn sóc tôi nhiều nhất. Nhiều ngày vào bệnh viện, cô đến phòng tôi trước, thay khăn trải giường, bao gối, khăn lau tay, và bưng một chậu nước kèm với bàn chải đánh răng cho tôi. Denise là cô y tá da đen duy nhất của ca ban ngày trong khu 4West. Cô rất ân cần và chu đáo. Tôi nhìn thấy cô rất vui vẻ và có thiện cảm đối với tôi. Sáng sớm ngày 12 tháng 5, lúc đó tôi cũng đã khỏe nhiều. Khi cô bước vào phòng, tôi nói lớn “Happy Mother's Day! Denise.” Cô chớp mắt nhìn tôi ngạc nhiên, và có vẻ vui lắm:”Wow! Anh là người đầu tiên chúc tôi đó.” Tôi gượng ngồi dậy và ôm Denise, vỗ vào vai cô, chúc cô thêm một lần nữa.

Chị Ngoan là y tá gốc Việt duy nhất trong ca ban ngày, khu 4West. Chị săn sóc tôi tận tâm hơn ai hết. Có lần chị mang cả thuốc cạo râu và dao cạo tới tận giường cạo râu cho tôi. Mỗi khi tan giờ vào buổi chiều, trước khi về nhà, chị vào phòng hỏi tôi cần gì không và hẹn tôi ngày hôm sau. Một hôm chị nán lại và trò chuyện. Chị kể từ những ngày đầu 75, chồng chị ra đi không tin tức, chị buôn bán tảo tần nuôi con ở Cần Thơ. Đến 7,8 năm sau anh ấy gửi hồ sơ bảo lãnh về. Chị mừng vô cùng khi biết tin chồng còn sống. Chị nói:”Mấy cô y tá khu 4West, cả 3 ca luôn, họ thích anh lắm.” Tôi hỏi họ thích ra làm sao. “Họ nói anh là the best patient.”

Chị Ngoan kể thêm chị làm việc tại khu vực đó hơn 20 năm qua, săn sóc nhiều bệnh nhân như tôi, nhưng không có ai giống tôi cả:”Mỗi lần lên cơn đau, họ la hét, nạt nộ, và sai y tá chạy mệt luôn.” Chị nói thêm, “Còn anh, chẳng la hét, không than phiền gì hết, mà lại vui vẻ với y tá. Mấy cô (cả 3 ca luôn) nhỏ to với nhau họ thích và quý mến anh.” Tôi cười và cám ơn chị. Tôi cũng nhận thấy đều đó. Một lần nọ, khi bác sĩ Moorestein tự khám vết mổ trên bụng tôi. Ông thay băng, và đổ dung dịch muối sát trùng vào một lỗ vết thương.”Trời ơi! Rát ơi là rát.” Tôi nghiến răng và bấu vào giường chịu đựng. Kerrie, gốc Nam Mỹ, cùng 2 cô y tá khác đứng chung quanh giường, cô nắm tay tôi và xoa nhẹ giúp giảm cơn đau. Hai cô kia, Elizabeth, và Chris, đều da trắng, cũng xoa vai tôi trấn an. Các cô nhìn tôi với ánh mắt trìu mến “không sao đâu Mr. Le.”
Tôi thuộc tên từng người, và từ lúc xuất viện lần cuối cùng đến nay, tôi thường ghé lại bệnh viện thăm các cô. Khi thấy tôi đến, họ mừng rỡ và thấy tôi khỏe ra, họ vui. Tôi quên mất tên cô y tá Phi Luật Tân, mà mỗi khi tôi tới thăm, cô cũng hỏi trêu chọc:”Đã ăn hột vịt lộn lại được chưa?” Bạn biết dân Phi Luật Tân thích ăn hột vịt lộn nhiều hơn dân Việt mình. Khi nằm trên giường bệnh, tôi thường nói với cô ta rằng tôi thèm hột vịt lộn lắm, nên cô cứ chọc khi thấy mặt tôi.

Qua hơn hai tuần lễ, anh Nguyên Ngữ và Vũ Thành Lân ghé thăm trong lúc tôi đang ngủ. Cả hai đều bàng hoàng khi nhìn thấy tôi gầy đi rất nhiều và xanh xao. Sức khỏe tôi lúc đó hồi phục đáng kể, bác sĩ Moorestein bắt đầu cho tôi những bữa ăn thường lệ. Đến giữa tháng 5, ông cho tôi xuất viện. Bà y tá phòng hành chánh làm giấy xuất viện và đưa tôi thêm 2 toa thuốc quan trọng. Bà căn dặn kỹ càng, toa thuốc trụ sinh gồm 7 viên thuốc đắt tiền, uống liên tục mỗi ngày một viên khi về nhà. Đó là toa của bác sĩ Phelps, vì sợ tôi nhiễm trùng. Toa kia để mua thuốc giảm đau. Bác sĩ Moorestein cử thêm một chị y tá Việt Nam, chị Thy đến nhà săn sóc và hướng dẫn cho vợ tôi chăm sóc tôi trong những ngày đầu tiên. Hôm đó, cô Ann Phạm mang bàn cân đến để tôi cân lại, còn khoảng 128.5 pounds, sụt hơn 30 pounds trong vòng 3 tuần lễ.

Denise lấy xe lăn đưa tôi xuống bãi đậu xe trước bệnh viện, và cô ôm choàng lấy tôi, chúc tôi về nhà bình yên và may mắn. Tôi thấy đôi mắt cô đỏ và cô nói:”I'm going to miss you.” Chemotherapy lần thứ hai

Tôi trở lại Viện Ung Thư vào cuối tháng 5/2009, gặp bác sĩ Gary Cecchi để tiếp tục chữa trị phương pháp Hoá học trị liệu. Ông ngồi trên chiếc ghế da bên cạnh và nhìn tôi. Trong hơn 3 tháng qua, lần đầu tiên ông nhìn tôi có vẻ thương hai vì tôi quá gầy và xanh xao. Ông hỏi sơ về cuộc giải phẫu như thế nào. Tôi trả lời bằng một giọng rất yếu và khàn. Ông nói:”Thôi anh về đi, hai tuần sau trở lại.” Tôi đến bàn Joanna Nguyễn lấy hẹn. Cô thư ký người Việt dễ mến và tận tâm, thốt lên:”Wow, chú Việt ốm quá!” Tôi nhớ lần đầu tiên gọi hẹn bác sĩ Cecchi, Joanna hỏi họ và tên tôi, khi nghe tôi đánh vần tên V…I…E…T, cô lặp lại tên Việt phải không, tôi ừ, rồi cô nói:”Cháu cũng là người Việt, chú cần gì cháu giúp.” Những lúc đến bệnh viện, bác sĩ, cảm thấy quá buồn thảm và đơn độc, gặp được người cùng nói tiếng Việt giúp đỡ cũng thấy vơi một phần. Nửa tháng sau, tôi trở lại bác sĩ Cecchi, nhưng sức khỏe tôi vẫn còn yếu, chưa thể tiếp tục chemotherapy. Một tuần sau đó, bác sĩ Cecchi mới bắt đầu chữa trị.

Căn phòng đợi ở Viện Ung Thư rộng rãi và sáng sủa, 3 bộ sofa lớn được sắp xếp gọn gàng, có thể chứa được hơn 30 người ngồi chờ đợi, trên 3 chiếc bàn lúc nào cũng có 3 lọ hoa tươi. Phòng chữa bệnh nằm bên trong dãy hành lang phòng đợi. Bác sĩ Cecchi cho biết cứ hai tuần tôi đến viện 3 ngày, chuyền 3 loại thuốc chống ung thư người. Loại 5-FU là loại mạnh nhất. Ngày đầu tiên, nằm tại viện để chuyền thuốc trong vòng 6 giờ đồng hồ. Ngày thứ hai, chuyền thuốc trong vòng 4 tiếng, và sau đó gắn một lọ thuốc chuyền vào máu cho đến ngày hôm sau. Đến ngày thứ ba, trở lại viện để tháo ống và chích thêm một mũi thuốc tăng lượng bạch huyết cầu trong máu vì các loại thuốc hai ngày trước đã giết rất nhiều bạch huyết cầu. Bác sĩ Cecchi sắp xếp thời biểu chữa trị như thế trong vòng 6 tháng, một tuần đến viện chữa trị trong 3 ngày và tuần kế tiếp được nghỉ, vì tình trạng sức khỏe không thể chịu đựng nỗi việc chữa trị liên tục.

Sau buổi chuyền thuốc đầu tiên, bà Robin Fernandez, y sĩ trưởng của bác sĩ Cecchi, viết cho tôi 4 toa thuốc; chống nôn mữa, chống tiêu chảy, chống nhiễm trùng, và giảm đau. Bà căn dặn tác dụng của thuốc chống ung thư lần này mạnh hơn lần trước rất nhiều. Phản ứng phụ gây ra sẽ làm tôi nôn mữa, tiêu chảy và đau nhức. Đó là những loại thuốc cần phải để ở đầu giường trong suốt thời kỳ chemotherapy. Ngoài ra, cô Lisa phụ tá bác sĩ Cecchi, cũng báo cho tôi biết thêm da trong lòng 2 bàn tay tôi sẽ mọng đỏ khi thuốc thấm vào cơ thể, tóc sẽ rụng dần dần, cùng những triệu chứng khác. Mỗi phòng điều trị gồm 2 chiếc ghế sofa bằng da. Bệnh nhân có thể nằm dựa ngữa ngủ trong suốt thời gian chuyền thuốc. Viện cung cấp bữa ăn trưa và nước uống. Ngày đầu tiên chuyền thuốc vào người, tôi cảm nhận được từng mạch máu buốt lạnh theo dòng thuốc chảy vào người.

Sang đến tuần thứ hai, thuốc bắt đầu thấm và tác dụng mạnh gây phản ứng phụ. Cuống họng bắt đầu khô và thường buồn nôn. Nhiều đêm nằm tôi đưa lòng bàn tay lên dưới ánh đèn vàng xem thử da mọng đỏ như thế nào. Tóc rụng lại rất nhiều, và tôi cảm nhận được từng mạch máu trong người như đang khô dần. Bao nhiêu đêm trằn trọc không ngủ được không phải vì lo âu, mà vì tác dụng của thuốc 5-FU, thấy đời mình bỗng vàng vọt như ánh đèn đêm. Khi các cơn đau nhức trỗi dậy, cứ 4 giờ uống một Vicodine để mong tìm được một giấc ngủ bình yên.
Đến cuối tháng 9/09, vết mổ ở bụng lại nhiễm trùng, bác sĩ Cecchi tạm ngưng chemotherapy và đưa tôi trở lại bác sĩ Moorestein. Tôi trở lại khu 4West bệnh viện Summit, và trải qua thêm 2 cuộc giải phẫu nữa. Lần cuối cùng đầu tháng 10 năm ngoái, bác sĩ Moorestein cho biết ông mất 4 tiếng đồng hồ để sắp xếp “bộ đồ lòng” của tôi ngăn nắp và sạch sẽ. Ông có vẻ hài lòng, và nói:”Anh Việt, bây giờ trong bụng anh không còn messy nữa.” Tôi nằm phòng 4030 thêm 3 tuần lễ, cạnh phòng 4032 hồi tháng 5 năm ngoái. Hai phòng giống nhau, cùng quay đầu giường ra cửa sổ nhìn được đồi Oakland và ngọn tháp trường đại học UCBerkeley.

Sau ngày xuất viện, bác sĩ Cecchi tiếp tục chữa trị chemotherapy, và đến cuối năm ngoái ông tạm ngưng sau khi theo dõi bệnh trạng thấy “good” và đưa tôi đến các trung tâm y tế để scan khắp thân thể xem bướu ung thư chạy tới các bộ phận khác hay không, cứ 2, 3 tháng lại scan một lần, nhưng không tìm thấy bướu. Tôi hy vọng rằng đó là sự thật, hy vọng hệ thống máy CT scan không bị malfunction. Mỗi lần xem kết quả scan, mỗi lần mừng vì biết mình còn có thể sống thêm một thời gian nữa. Hiện nay chỉ còn chờ đợi ngày bác sĩ Moorestein giải phẫu lần cuối để nối ruột già trở lại cuống hậu môn, tuỳ thuộc kết quả chữa trị chemotherapy tốt đẹp ngăn chận được vi trùng ung thư và bướu mọc trở lại, nhưng vẫn chưa biết ra sao trong tương lai.

Nếu các kết quả nghiên cứu trên trang mạng WebMD chính xác, bệnh nhân ung thư hậu môn có thể sống sót tối thiểu trong vòng 5 năm kể từ ngày khám phá, hoá ra tôi chỉ còn sống ít nhất tới tháng 4 năm 2014. Tới lúc đó, vừa tròn 60 tuổi. Nếu không bước qua được “cửa ải” đó, âu cũng xuôi theo mệnh trời “lục thập vi thiên mệnh.” Khoảng thời gian còn lại có quá nhiều việc để lo. Bài viết này cũng là một việc, nhằm chia sẻ với bạn đọc, và cũng mong mọi người nhìn thấy hiểm họa bệnh ung thư ruột già (colon cancer) lẫn hậu môn (colorectal cancer), mà chúng ta có thể ngăn ngừa được. Nếu có phương tiện nên nội soi ngay, đừng để quá trễ như tôi; chỉ còn sống thêm 5 năm nữa, nhưng một năm rưỡi sống với bệnh đã đi qua, vị chi còn lại 3 năm rưỡi.

Xin đa tạ các bác sĩ, y sĩ, y tá tại các phòng mạch bác sĩ Đặng Vũ Báy, Bruce Moorestein, Gary Cecchi, John Salzman, bệnh viện Summit tại Oakland, Comprehensive Cancer Center, Berkeley, Linh Mục Võ Ngọc Sơn, anh chị Đặng Tiết Rũng, anh chị Vũ Bình Nghi, cùng bằng hữu, vài anh chị trong giáo xứ Thánh An Tôn đã cầu nguyện, giúp đỡ tôi chống chọi vượt qua một giai đoạn hiểm nguy nhất trong đời tôi./.
Thanksgiving 2010
Lê Quê Việt
( lequeviet55@yahoo.com )
http://vietvungvinh.com/2011/index.php?option=com_content&view=article&id=1221:cuoc-chien-chong-benh-ung-thu-hau-mon&catid=34:doi-song&Itemid=88#

No comments:

Post a Comment