Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên đường đi Bắc Kinh hôm thứ Ba ngày 4/9 sau khi có các cuộc thảo luận ở Jakarta nơi bà kêu gọi tiến triển trong việc xử lý căng thẳng dâng cao trên Biển Đông.
Bà sẽ có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc bao gồm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và phó Chủ tịch Tập Cận Bình vào thứ Tư ngày 5/9.Bà nói thông điệp của bà gửi đến giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ là đã đến lúc giảm căng thẳng trên Biển Đông và rằng một bộ quy tắc ứng xử là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này.
Trong chuyến thăm lần thứ ba đến khu vực này kể từ tháng 5, Clinton đã hối thúc các nước đông nam Á thành lập một mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc trên vấn đề này trong khi khẳng định lập trường kiên quyết của Mỹ là cổ súy tự do hàng hải.
Thái độ lạc quan
Tại Jakarta, bà đã tỏ thái độ lạc quan trong các chuyến thăm đến trụ sở của khối Asean và trong cuộc tiếp xúc với tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono.Clinton nói bà đã thấy những dấu hiệu tích cực và lạc quan rằng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ kịp được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của khối tại Phnom Penh vào tháng 11 tới mà Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ tham dự.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng tránh chỉ trích Trung Quốc trực tiếp ngay trước khi bà đến Bắc Kinh nhưng tỏ dấu hiệu cho thấy sự bất an trước việc nước này mới đây thành lập lực lượng đồn trú tại một quần đảo có tranh chấp với Việt Nam.
“Hoa Kỳ tin tưởng mạnh mẽ rằng không bên nào nên có những bước đi làm gia tăng căng thẳng hay làm bất cứ việc gì mà có thể bị xem là áp đặt hay ức hiếp để thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền của mình,” bà phát biểu trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng nước chủ nhà Marty Natalegawa.
“Chúng tôi tin rằng các nước trong khu vực nên làm việc cùng với nhau để giải quyết bất đồng mà không có sự áp đặt, uy hiếp, đe dọa và chắc chắn là không có việc sử dụng vũ lực,” bà nói thêm.
Về phần mình, Natalegawa, người đã đón tiếp người tương nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng trước, nói rằng nỗ lực trung gian trong khối Asean của Indonesia không nhằm kiềm chế Trung Quốc.
“Nếu không có một bộ quy tắc ứng xử thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều sự cố về thêm căng thẳng trong khu vực,” ông phát biểu.
“Điều quan trọng là nhấn mạnh sự đoàn kết của Asean và sự đoàn kết này không gây tổn hại cho bên kỳ phía nào khác. Đó không phải là việc chúng tôi tập hợp lại nhằm chống đối hay chĩa mùi dùi vào nước nào,” ông nói.
Trước những tuyên bố mới đây của Mỹ về vấn đề Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã một lần nữa khẳng định lập trường chỉ đàm phán song phương với các nước có liên quan.
“Vấn đề Nam Hải là tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực và nên được các nước này đàm phán và giải quyết trên tinh thần hữu nghị,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu hôm thứ Hai ngày 3/9.
“Các nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng lựa chọn của các quốc gia này và nên làm việc nhiều hơn để xây dựng hòa bình và ổn định cho khu vực thay vì làm ngược lại,” ông Hồng nói thêm.
No comments:
Post a Comment