Saturday, 1 September 2012

Những mẩu chuyện về Lenin

1-9-12
Lời người dịch: Trong lời tựa tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù, Phần III nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn viết như sau: "Để nếm mùi vị của biển ta chỉ cần một ngụm." Những câu chuyện sau về Lenin là những ngụm nước biển giúp chúng ta nếm được đại dương đau khổ do chủ nghĩa cộng sản gây ra trên toàn cầu.
1. Ngay sau cách mạng Tháng Mười Maxim Gorky nhờ Lenin can thiệp thay cho một gia đình trí thức cấp tiến vừa mới bị bắt. Trước cách mạng gia đình này đã che dấu nhiều cán bộ cộng sản Bolshevik ở trong nhà để tránh mật vụ Sa hoàng. Gorky hy vọng rằng Lenin, để tỏ lòng biết ơn, sẽ tha cho gia đình này. Nhưng Lenin phá lên cười. Ông nói Cheka - tức cơ quan công an chìm đầu tiên trong thời Xô Viết - cần phải đặc biệt chú ý đến những trí thức này vì lòng nhân ái và trắc ẩn của họ sẽ luôn luôn khiến họ cảm thấy thương xót cho những kẻ kém may mắn và những người bị trấn áp. Trước đây, họ cứu những cán bộ cộng sản Bolshevik, thì biết đâu bây giờ họ lại cứu bọn Cách mạng Xã hội. Do vậy, họ đặc biệt đáng bị theo dõi và đáng bị trừng phạt. 
2. Ngay trước cách mạng Tháng Mười, Lenin sống lén lút trong một căn hộ ở Petrograd. Chủ nhà có cảm tình với Bolshevik nhưng là người chất phác. Lenin sống trong căn phòng phía sau không có cửa sổ mở ra sân sau nên không ai thấy ông. Thỉnh thoảng một thiếu nữ người Ý đi lang thang vào sân, vừa đi vừa hát. Cô bị kẹt lại ở Petrograd trong thời chiến tranh. Cô thường đi vào sân nhà này đến sân nhà khác để xin ăn. Bà chủ nhà còn biết cô gái này đang mắc bệnh lao nên rất thương hại cô. Bà kể cho Lenin nghe tất cả chuyện này. Từ căn phòng phía sau, ông thích thú lắng nghe những bài hát gợi ông nhớ về nước Ý và cuộc đời lưu vong. Nhưng ngày nọ Lenin thấy bà chủ nhà buộc một gói tiền lẻ vào sợi dây và từ từ thả dây xuống sân cho cô gái Ý. Ông sửng sốt. "Tại sao bà lại làm thế?" ông hỏi. Bà chủ nhà cố gắng giải thích bà làm điều này vì lòng thương người. "Dù sao, mấy xu lẻ cũng chả giúp ích gì cho cô ta." Lenin đáp. Lenin thật sự tức giận về sự vô lý và vô ích của sự bố thí. Ông nói sau khi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, sẽ không còn cảnh những người ăn xin và những phụ nữ kém may mắn như thế này. Nhà nước mới sẽ cho họ việc làm. Còn những ai ăn bám không muốn lao động họ sẽ bị cưỡng bức làm việc có ích. 
3. Lenin rất quan tâm đến sức khỏe của các đồng chí và trợ lý của ông. Nhưng mỗi khi ông hỏi han hay thậm chí ra lệnh cho họ phải gìn giữ sức khỏe, ông luôn luôn nói thêm vẻ nửa đùa nửa thật rằng nếu họ lơ là sức khỏe của mình họ đang phung phí "tài sản Nhà nước" và như thế mang tội hạnh điểm cán bộ kém. Con người và cả cuộc đời của họ là "tài sản Nhà nước" cho nên họ không có giá trị thực sự chỉ trừ khi họ làm công việc ích lợi cho Đảng và Nhà nước. 
Nhiều năm trước cách mạng, năm 1911, ở Pháp, gia đình Lafargue tự tử. Vì hai người già này đã quyết định họ không còn có ích cho xã hội nữa. Họ là những người Mác-xít nổi tiếng. Laura Lafarguelaf là con gái của Karl Marx còn Paul Lafargue là thành viên Công xã Paris. Họ cũng là đồng minh ý thức hệ và là bạn thân của Lenin. Trong hồi ký của mình, Krupskaya nhớ lại phản ứng của Lenin khi nghe tin gia đình Lafargue tự tử: "Nếu ta không còn có thể làm việc cho Đảng nữa, ta nên có thể nhìn thẳng vào sự thật và chết như gia đình Lafargue." 
Đối với Lenin, giá trị của cuộc đời con người chỉ thuần túy là công cụ có ích sự nghiệp của Đảng. 
Những lời Lenin dạy công an: 
"Công an trực tiếp thực hiện chuyên chính vô sản." 
Vào năm 1920 Lenin nói: "Người cộng sản tốt cũng là một người công an tốt." 
Đạo đức của Lenin là giết kẻ thù không phải là ác mà là tốt, còn ngược lại ác chính là sự thương hại hay trắc ẩn dành cho kẻ thù. Cốt lõi của bộ luật đạo đức của chủ nghĩa cộng sản: thương hại có nghĩa là phản bội. Hãy giết bất kỳ những ai van xin thương hại. Hãy dùng lưỡi lê kết liễu những kẻ bị thương, hãy bắn bất kỳ người tù nào như lời của Lenin: "Tình cảm là một tội ác không kém gì tội đầu cơ trong chiến tranh." 

*
Andrei Sinyavsky (1925-1997) là nhà văn và là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng người Nga. Ông bị kết án bảy năm cưỡng bức lao động ở trại vì đã in tiểu thuyết ở Phương Tây dưới bút danh Abram Tertz. Năm 1973 ông được phép sang Pháp định cư. 
Nguồn: Trích dịch từ tác phẩm Soviet Civilization A Cultural History, nhà xuất bản Arcade Publishing, New York, a Little, Brown Company, 1988. Nguyên tác tiếng Nga, bản dịch tiếng Anh của Joanne Turnbull. 
*
Còn sau đây là bức điện tín Lenin gởi cho các đồng chí lãnh đạo Đảng ở thành phố Penza vào ngày 11 tháng Tám năm 1918. (Dân Làm Báo đã đăng trước đây)
1918 / Petrograd 
Các đồng chí! Phải đàn áp không thương xót cuộc nổi loạn của bè lũ năm tên phú nông. Quyền lợi của toàn bộ cuộc cách mạng đòi hỏi điều này vì trước mắt chúng ta hiện nay là trận chiến quyết định cuối cùng "với bọn phú nông." Chúng ta cần phải làm gương. 
1) Các đồng chí cần treo cổ (nhớ phải treo cổ, để quần chúng chứng kiến) ít nhất một trăm tên phú nông khét tiếng, bọn nhà giàu, và những tên hút máu. 
2) Công bố tên của bọn chúng. 
3) Tịch thu toàn bộ thóc lúa của bọn chúng. 
4) Hành hình các con tin - theo đúng với nội dung điện tín ngày hôm qua. 
Việc này cần được thực hiện để làm sao nhân dân dù ở xa cả trăm dặm cũng đều sẽ thấy, rùng mình, biết, và thét to: chúng ta hãy bóp cổ những tên phú nông hút máu đó. 
Nhớ điện cho chúng tôi biết các đồng chí đã nhận và đã thực hiện xong việc này. 
Chào thân ái, 
Lenin 
Tái bút: Hãy dùng những người cứng cỏi nhất cho việc này. 
_____________________________________________________
Nguồn: Tạp chí Lapham's Quarterly 

No comments:

Post a Comment