Monday, 3 September 2012

Ðọc Bình Ngô đại cáo

2-9-12
Ngô Nhân Dụng
Gần đây tôi trở lại cái thói quen hay lẩm nhẩm bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn - Lấy chí nhân mà thay cường bạo. Ðọc xong bỗng thấy cái xương sống lưng mình đứng thẳng hơn, y như có người kéo cho đầu mình bắt phải ngẩng lên vậy. Hồi còn trẻ tôi dạy học trò môn lịch sử, đã có lúc hành hạ các em nhỏ bằng bài văn này. Khi học đến đoạn Lê Lợi kháng Minh, tôi đố các học sinh, ai học thuộc lòng bài Ðọc Bình Ngô đại cáo sẽ được 20 điểm. Không hiểu sao hồi xưa các thầy cô ở nước ta hà tiện, với môn sử, địa điểm tối đa thường chỉ cho tới 15, 16. Cho nên nghe nói 20/20 nhiều em học trò cũng hăng hái chấp nhận lời thách đố của thầy giáo.

Tôi không ngờ, có rất nhiều học sinh hồi đó, những năm 1960 ở Sài Gòn, đã học thuộc lòng bài Ðọc Bình Ngô đại cáo, bản dịch rất văn chương chép trong Việt Nam sử lược. Tới ngày trả bài, nhiều em xin lên đọc, phải cho các em đọc theo lối tiếp sức. Một em đọc nửa chừng, ông thầy ra hiệu cho một em khác đọc tiếp, rồi trở lại người cũ hay đổi sang người mới, em nào cũng phải sẵn sàng đọc tiếp, tức là phải thuộc lòng cả bài Ðọc Bình Ngô đại cáo. Khi chấm dứt, “Bá cáo xa gần, ngỏ cùng nghe biết” thì cả lớp vỗ tay; thầy lẫn trò đều nghẹn ngào. Bởi vì khi cùng nhau đọc và nghe bài đại cáo này, lòng yêu nước thế nào cũng dâng lên, bồi hồi nhớ các tổ tông đời trước!

Một nửa thế kỷ đã qua, bây giờ tôi chắc nhiều học sinh cũ của tôi vẫn còn nhớ bài Ðọc Bình Ngô đại cáo, dưới ngòi bút dịch nhuần nhã cao sang của Bùi Kỷ. Nhiều người sau này đã dịch cách khác, có thể đúng, sát nghĩa hơn; nhưng không thể coi là những áng văn chương như bản dịch Bùi Kỷ. Tôi hy vọng các em vẫn còn có thời giờ lâu lâu đọc lại, thưởng thức những lời văn trác tuyệt đó. Chính tôi có những lúc thấy mình đang lẩm nhẩm, “Giang san từ đây mở mặt - Xã tắc từ đây vững nền.” Chợt thấy mình đang đọc, xong rồi lòng ngẩn ngơ.

Cho nên, tôi nảy ra một ý kiến muốn đề nghị với các thầy, các cô giáo, ở Việt Nam cũng như ở các nước khác. Tại sao chúng ta không tổ chức một ngày giỗ Lê Lợi bằng một buổi đọc Bình Ngô đại cáo? Tháng Tám Âm lịch sắp tới có hai ngày giỗ ai cũng nhớ: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi. Hồi nhỏ, có lần tôi đã được dự lễ ở ngay tại Ðền Vua Lê bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bây giờ đúng là lúc nên cho các bạn trẻ ở nước ta đọc lại Nguyễn Trãi, nhớ lại công ơn Lê Thái Tổ. Nhân ngày giỗ vua Lê, học sinh tiểu học, trung học tất cả các làng, các tỉnh, khắp nước Việt Nam hẹn nhau một giờ cùng tụng đọc bài Bình Ngô đại cáo. Các em không cần học thuộc lòng, cứ cầm bản văn đọc dõng dạc trang nghiêm cũng quý lắm rồi. Chắc tổ chức ở trong trường thì không ai gọi là biểu tình. Không cần phải xin phép xin tắc gì cả. Ở nước ngoài thì càng dễ tổ chức hơn nữa. Ðọc trong chùa, trong nhà thờ càng thêm nghiêm trang.

Nhiều người sẽ phản đối, vì sợ các em học sinh không hiểu hết được cả bài Bình Ngô đại cáo. Chuyện đó tự nhiên; nhưng không hiểu thì phải học cho hiểu. Bố mẹ, thầy cô phải học trước cho rõ nghĩa từng câu, rồi giảng lại cho các em hiểu. Không nên lười, không nên ngại khó. Cái công mình học cho hiểu nghĩa bài Bình Ngô đại cáo không khó nhọc bằng công các cụ Lê Lợi, Nguyễn Trãi đời xưa đánh giặc Minh suốt 10 năm đâu!
Có người còn than phiền là bài văn này, ngay cả bản dịch ra tiếng Việt của Bùi Kỷ, cũng có nhiều chữ Hán quá. Như vậy có gì mâu thuẫn không? Một bản văn nêu cao ý chí cương cường của dân Ðại Việt chống lại cuộc xâm lăng và âm mưu Hán hóa của vua chúa bên Tàu, không lẽ mình lại cứ sử dụng đầy chữ Hán như thế? “Nhật nguyệt hối rồi lại minh - Càn khôn bĩ rồi lại thái!” Sao không nói ra tiếng Việt ròng cho chúng cháu nhờ!

Xin nhắc: Những chữ đó đều thuộc vào tiếng Việt từ lâu rồi. Ông anh tôi tên là Nhật, cô em tên là Nguyệt, bộ tưởng họ người Trung Quốc hay sao? Nói đến “Càn Khôn” mà e ngại là mình ăn phải đũa người Trung Hoa, thế thì không nghe bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương nói, “Miệng túi càn khôn thắt lại rồi”; nghe mà cười khúc khích với nhau hay sao? Nếu không chịu học thì làm sao biết mà cười? Những chữ đó, chúng không có quốc tịch. Ở bên Trung Quốc nó là chữ Tàu; qua biển sang Nhật nó thành tiếng Nhật; sang đến nước ta nó là tiếng Hán Việt. Ai nuôi nó thì nó thành đứa con ngoan ngoãn cho mình sai bảo. Còn ai từ chối nó thì nó đi mất luôn. Thế khi mình đi biểu tình, hô to, “Ðả đảo Trung Quốc xâm lược” thì mình đang nói tiếng gì đây? Cả sáu chữ được hô lên đều là gốc Hán, là con nuôi cả! Tổ tiên chúng ta đã gom chúng lại, nuôi nấng chắt chiu được mấy chục ngàn tiếng mới, gọi là tiếng Hán Việt, truyền lại cho con cháu xài trong cả ngàn năm. Bây giờ tính đem đổ xuống sông xuống biển hết hay sao?
Có người lớn cái đầu, 40, 50 tuổi mà vẫn cứ e ngại, bảo rằng mình rất khâm phục con người Nguyễn Công Trứ, nhưng không thể đọc thơ ông được. Vì trong đó toàn chữ Hán. Ðọc lên tưởng như mình hóa thành người Trung Hoa!

Người nói câu đó rõ ràng là thời còn ít tuổi đã mất cơ hội học đến nơi đến chốn. Cho nên khi lớn lên, không muốn học, sợ khó. Mà đó chỉ là học có mấy chục chữ Hán Việt trong một bài thơ, mà đã sợ khó rồi. Bèn tự trừng phạt, không cho mình đọc thơ Nguyễn Công Trứ nữa. Mà thực sự, có ai bắt chúng ta phải học chữ Hán đâu. Chỉ cần nghe đọc lên thì hiểu cái tiếng gốc chữ Hán ý nghĩa thế nào thôi. Người Trung Hoa viết thế nào, không cần biết. Hãy tưởng tượng một học sinh người Nhật phải học chữ Hán thế nào thì thấy việc học thơ cổ của mình dễ ợt. Nước Nhật chưa bị người Trung Hoa đô hộ ngày nào, nhưng trong ngôn ngữ họ bắt cóc đem chữ Hán về nuôi và dùng, đông đúc cũng bằng một nửa số chữ thông dụng.

Một người Nhật biết chữ có nghĩa là phải biết vài ngàn chữ Hán. Nhìn chữ người Hoa viết thế nào phải đọc lên được, hiểu được nghĩa. Mệt nhất là phải biết cách viết chữ đó, viết đúng thứ tự, có 10 nét thì nét nào viết trước, nét nào viết sau. Ở nước Nhật 99% dân biết chữ. Một học sinh qua bậc tiểu học phải biết mấy trăm chữ, học hết trung học phải biết mấy ngàn chữ, tất cả được quy định trong chương trình giáo dục. Nếu không học thì lớn lên cầm tờ báo không đọc được!

Nghĩ đến công khó nhọc của các học sinh Nhật thì phải thấy mình học thêm một chút để hiểu bài Bình Ngô đại cáo là việc dễ như không. Cả nước cùng học lại, cùng hiểu nghĩa bài Bình Ngô đại cáo thì 90 triệu trái tim cùng đập theo một nhịp. Ðến nước sông Hồng cũng phải sôi lên đỏ rực, nước Cửu Long cũng phải cuồn cuộn dâng trào.
Ước mong quý vị nhà giáo đồng nghiệp của tôi sẽ để ý tới đề nghị này. Ước mong ngày Giỗ Vua Lê năm nay cả nước sẽ cùng đập trống, gõ mõ, đọc Bình Ngô đại cáo theo nhịp của trái tim mình. Sẽ cùng nhau đọc: “Nền vạn thế xây nên chăn chắn - Thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu!” Rồi quyết tâm cùng nhau làm sao đừng để cho con cháu bị mắc một mối nhục ngàn thu!
N.N.D.

No comments:

Post a Comment