Saturday, 1 September 2012

Báo Nhân dân nói về xã hội dân sự

thứ sáu, 31 tháng 8, 2012

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội
Hoạt động biểu tình cũng bị cho là dễ bị lợi dụng
Báo của Đảng CSVN vừa đăng bài đả phá việc hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam, gọi đây là 'thủ đoạn của diễn biến hòa bình'.
Trên báo Nhân dân số ra thứ Sáu 31/8 có bài bình luận phê phán trong mục Chính trị của tác giả Dương Văn Cừ, gọi đây là "phương thức hoạt động nhằm chuyển hóa chế độ".
Bài báo cho rằng hiện nay, một số người đang "cổ vũ và thực hiện" việc tác động để hình thành xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây ở Việt Nam.
Tác giả đặt câu hỏi liệu "đây có phải là một trong các phương thức hoạt động nhằm chuyển hóa chế độ mà những thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình đã áp dụng thành công ở Ðông Âu, Trung Ðông, Bắc Phi, và hy vọng sẽ thành công ở Việt Nam?" và đi tìm câu trả lời trong bài viết.

Xã hội dân sự và chế độ

Ông Dương Văn Cừ đưa ra một số định nghĩa cho khái niệm xã hội dân sự [trong có định nghĩa của Scottish (??), thế kỷ 18] và nói rằng, theo điều mà ông gọi là "tiêu chí phương Tây" nếu không có các tổ chức phi chính phủ - NGO (tổ chức quần chúng, hội, đoàn thể...) thì không thể hình thành xã hội dân sự.
"Nhìn từ cấu thành cơ bản một xã hội với ba thành phần là nhà nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự, một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, nếu ba yếu tố này cân bằng thì xã hội, chế độ chính trị sẽ ổn định, phát triển hài hòa. Ngược lại, nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc tài, nếu xã hội dân sự mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ."
Dựa vào một số định nghĩa ngắn gọn và sơ giản, bài báo cho rằng có mối liên hệ xã hội dân sự mạnh- chế độ bất ổn, suy yếu, và kết luận: "Ðây chính là lý do để các thế lực thù địch quan tâm nghiên cứu, vận dụng, nhằm lợi dụng vai trò của xã hội dân sự trong hoạt động lật đổ một chế độ như họ đã thực hiện tại một số nước trong thời gian qua".
Theo ông Dương Văn Cừ, vai trò của xã hội dân sự trong các cuộc "cách mạng màu" lật đổ chế độ XHCN tại Ðông Âu trước đây được cho là rất lớn.
Ông dẫn một số học giả so sánh xã hội dân sự với "chương trình chống lại chủ nghĩa cộng sản", "tẩy chay hệ thống cầm quyền".
Tại Ðông Âu trước đây, theo bài báo, có những "tổ chức chính trị đối lập" hình thành, phát triển và hoạt động với danh nghĩa là "tổ chức xã hội dân sự", như Công đoàn Ðoàn kết ở Ba Lan, Hội Văn hóa Ukraina ở Liên Xô trong những năm 80 của thế kỷ XX...
Tác giả nhấn mạnh vai trò của Công đoàn đoàn kết trong việc lật đổ chế độ cầm quyền của phe cộng sản ở Ba Lan.
Ông Dương Văn Cừ cũng đề cập tới vai trò của các cơ quan đặc biệt nước ngoài và các NGO trong việc hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự "lôi kéo, kích động quần chúng lật đổ chế độ".
Biểu tình ở Cairo, Ai Cập, 2011

Mục tiêu lật đổ

Tác giả bài báo nhận định rằng hiện nay, các nước, các tổ chức quốc tế, các NGO nước ngoài "đang tìm mọi cách để hình thành, phát triển xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây ở Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng biện pháp "bất bạo động", "phi vũ trang"".
Ông nói "tiến trình dân chủ ở Việt Nam" thực chất là gây mất ổn định chính trị, tiến tới thay đổi chế độ như tại các nước Ðông Âu, SNG và gần đây là Trung Ðông - Bắc Phi.
"Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, một số NGO nước ngoài rất quan tâm đến các tổ chức chính trị, xã hội ở nước ta và tìm cách xâm nhập, tác động, chuyển hóa các tổ chức này để chuyển hướng hoạt động chính trị trong khi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đối lập."
Bài báo thậm chí còn cáo buộc 'một số tổ chức nước ngoài đã cố gắng tìm hiểu nội bộ, xu hướng quan điểm của các NGO Việt Nam' để "kích động sự thoát ly vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước".
Việc xuất bản, phát hành tài liệu nghiên cứu, văn bản luật nước ngoài cũng bị coi là nằm trong xu hướng này.
Thêm vào đó, ông Dương Văn Cừ phân tích quan hệ giữa các tổ chức mà ông gọi là "phản động nước ngoài" như các tổ chức Bảo vệ người lao động, Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường... với việc phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam để "chống phá từ bên trong".
"Tiến trình dân chủ ở Việt Nam thực chất là gây mất ổn định chính trị, tiến tới thay đổi chế độ như tại các nước Ðông Âu, SNG và gần đây là Trung Ðông - Bắc Phi."
Tác giả Dương Văn Cừ
Xã hội dân sự cũng bị liên kết với hoạt động của các tổ chức như Khối 8406 và đảng Việt Tân để dẫn tới kết luận: "các thế lực phản động bên ngoài rất quan tâm đến việc lợi dụng XHDS để thực hiện âm mưu lật đổ chế độ".

Đề cao cảnh giác

Hết đả phá 'phản động nước ngoài', tác giả Dương Văn Cừ quay sang nhắc đến một số 'tổ chức quần chúng hợp pháp' ở trong nước mà theo ông đã bị lợi dụng để tổ chức các hoạt động hướng tới thay đổi chế độ.
Ông nhắc tới các "hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946, trưng cầu ý dân về Ðiều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp, thúc đẩy xã hội dân sự và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai...
Bài báo viết: "Ðây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy hiểm, nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức xã hội dân chủ để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ, tư sản".
Tác giả kêu gọi đề cao cảnh giác trước các "âm mưu và hoạt động tác động hình thành xã hội dân sự của các thế lực thù địch, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng của vấn đề này đối với an ninh quốc gia".
Ông cũng khuyến cáo Ðảng, Nhà nước "ban hành các chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật phù hợp, điều chỉnh hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội phù hợp với định hướng phát triển đất nước".
"Trong bối cảnh các tổ chức xã hội đang có xu hướng ngày càng phát triển, cần thường xuyên nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của các tổ chức này nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề phức tạp có liên quan đến an ninh quốc gia để chủ động xây dựng các biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống hiệu quả."

Thêm về tin này

No comments:

Post a Comment