Wednesday, 20 February 2013

Mật vụ và đồng lõa trong xã hội cộng sản

Cập nhật: 14:47 GMT - thứ bảy, 8 tháng 12, 2012

Hồ sơ mật vụ Stasi thời Cộng hòa Dân chủ Đức
Một trên tám công dân CHDC Đức từng cộng tác với mật vụ nước này
Tiếp tục loạt bài khảo cứu về kinh nghiệm xử lý di sản chủ nghĩa cộng sản ở Trung và Đông Âu, BBC xin lược giới thiệu với bạn đọc bài chuyên luận của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cynthia M. Horne, nhà nghiên cứu thuộc Western Washington University về các khía cạnh đồng lõa, hiệu ứng niềm tin và kinh nghiệm thanh lọc xã hội ở các chế độ hậu cộng sản.
Sau đây là nội dung bài khảo cứu:
Mức độ tin tưởng vẫn còn thấp ở các nước hậu cộng sản ở Trung và Đông Âu, thậm chí sau hơn hai mươi năm Bức tường Berlin sụp đổ. Một số học giả và các nhà hoạch định chính sách mô tả những hiện tượng xuống thấp tới mức bệnh hoạn về niềm tin vào chính phủ, vào các thiết chế công quyền, vào tư pháp và Quốc hội, cũng như vào người khác là "một cuộc khủng hoảng về mất lòng tin".
"Cảnh sát mật và mạng lưới chỉ điểm mà họ tuyển dụng (hoặc cưỡng chế) cộng tác cố ý tạo ra sự sợ hãi và mất lòng tin rộng rãi"
Các di sản của chủ nghĩa cộng sản bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra ngờ vực và bi quan về lòng tốt con người và các quan công quyền. Về bản chất, các di sản của chủ nghĩa cộng sản gây ức chế khả năng người dân tin tưởng vào chính phủ, cảnh sát, đồng nghiệp, truyền thông, các tổ chức dân sự của họ, như nhà thờ và các hội đoàn.

Sự ngờ vực được chế độ cộng sản trước đây tạo ra bằng cách vừa chủ động vừa thụ động. Đã có chiến lược được cố tình tạo ra nhằm gây ra sự mất lòng tin giữa công dân để đảm bảo lòng trung thành trước hết với nhà nước. Mỗi quốc gia trong khu vực Trung và Đông Âu có ‘phiên bản riêng’ của mình về cảnh sát chìm hay mật vụ, chẳng hạn như là Stasi ở Đông Đức, Securitate ở Romania i và Komitet Durzhavna Sigurnost ở Bulgaria. Cảnh sát mật và mạng lưới chỉ điểm mà họ tuyển dụng (hoặc cưỡng chế) cộng tác cố ý tạo ra sự sợ hãi và mất lòng tin rộng rãi. Ví dụ, Stasi thực hành chính sách Zersetzung hay một dạng khủng bố tinh thần gây phá hủy, đảo lộn cuộc sống của đối tượng nào không chịu hợp tác. Sau năm 1989, quy mô rộng lớn của các hồ sơ mật vụ và các mức độ cộng tác, đôi khi tự nguyện và đôi khi bằng vũ lực, do thám bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và vợ hoặc chồng đã được tiết lộ. Tất cả điều này hậu thuẫn sự ngờ vực có lý tính được tiếp diễn đối với chính phủ và đồng bào.

Đồng lõa
Hồ sơ mật vụ Stasi thời Cộng hòa Dân chủ Đức
Các hồ sơ mật vụ của Stasi nhiều tới mức không chứa hết bằng các bao bố

Về đồng lõa tích cực, người ta ước tính rằng ở Đông Đức, cứ tám công dân lại có một người hợp tác hoặc làm việc cho mật vụ. Hợp tác với cảnh sát chìm tạo lập ra 1,35 triệu hồ sơ ở Romania, các tài liệu có độ dài tương đương 15 km. Tại Albania, 25% người dân trưởng thành làm việc bán thời gian như những chỉ điểm cho công an mật, với 10.000 nhân viên làm việc toàn thời gian với cấp bậc quân sự. Cộng hòa Czech có khoảng 19km hồ sơ lưu trữ. Thậm chí Bulgaria, nước có tỷ lệ cộng tác với mật vụ tương đối thấp, chính quyền vẫn thuê từ 75.000-80.000 người dân làm chỉ điểm, cung cấp thông tin bán thời gian và từ 15.000-20.000 người làm việc toàn thời gian vào giai đoạn cuối của chế độ, bên cạnh từ 250.000-300.000 sỹ quan làm việc toàn thời gian trong suốt giai đoạn cộng sản cầm quyền. Đây là các tỷ lệ cao nếu so với một dân số chỉ 9 triệu người vào cuối năm 1989.
"Các chế độ độc tài Đông Âu biến tất cả xã hội trở thành những âm mưu... Bên trong một chế độ cộng sản, mạng lưới đồng lõa chạy như hệ thống tĩnh mạch và động mạch trong cơ thể con người"
Rosenberg
Ngay cả những người tuy không cộng tác tích cực với cảnh sát mật vẫn có thể được coi là hoạt động thụ động và do đó là “đồng lõa.” Vaclav Havel, nhà bất đồng chính kiến đáng kính và sau này là cựu Tổng thống Cộng hòa Czech mô tả hiện tượng đồng lõa có hệ thống đã buộc các công dân "sống trong sự dối trá." Như Rosenberg mô tả trong bài báo “Ngoại giao” nổi tiếng của bà từ năm 1995:

“Các chế độ độc tài Đông Âu biến tất cả xã hội trở thành những âm mưu. Hầu như tất cả mọi người đều là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản khi phải sống theo nó, hầu như tất cả mọi người đều tham gia vào việc đàn áp. Bên trong một chế độ cộng sản, mạng lưới đồng lõa chạy như hệ thống tĩnh mạch và động mạch trong cơ thể con người ... Sự đồng lõa của họ được che dấu, ngay cả bởi bản thân họ, bởi thực tế rằng tất cả các công dân bình thường đều cư xử theo cùng một cách."

Các tiết lộ về phạm vi và chiều sâu sự đồng lõa với cảnh sát chìm, an ninh hay mật vụ cộng sản đã làm suy yếu lòng tin trong xã hội. Ngoài ra, việc nhiều người trong số các đối tượng từng nắm các vị trí quyền lực dưới chế độ cộng sản vẫn còn tại vị sau đó đã là một nhân tố có vai trò rất tiêu cực trong việc làm cho người dân củng cố niềm tin vào chính thể mới thời hậu cộng sản.

Thanh lọc
Hồ sơ mật vụ
Một hồ sơ thư tín mật vụ ở Liên Xô dưới thời Stalin
Giải quyết những di sản gây mất lòng tin trong xã hội và nhà nước vẫn còn là một mối quan tâm cấp bách đối với các chính phủ hậu cộng sản ở Trung và Đông Âu. Nhiều nước trong khu vực đã chuyển đổi sang các hệ thống pháp luật khác nhau thời hậu cộng sản để xử lý các hành vi sai trái trong quá khứ. Một trong những hình thức phổ biến về chuyển giao tư pháp ở khu vực này là thanh lọc.

Thanh lọc ở khu vực Trung và Đông Âu là một tập hợp các quy tắc rà soát các vị trí việc làm của quan chức, cán bộ trong một số lĩnh vực nhất định, được thiết kế để cấm các quan chức cộng sản và các cựu cộng tác viên với mật vụ hay công an mật trước kia, nắm các chức vụ cao ở các cơ quan công quyền, công cộng, hoặc đôi khi là các chức vụ có thể gây ảnh hưởng và tác động tới niềm tin trong xã hội nói chung. Về mặt biểu tượng, đây cũng có nghĩa là việc làm sạch về mặt đạo đức hay thanh tẩy các "tội lỗi" của chủ nghĩa cộng sản.
Điểm then chốt và trung tâm của thanh lọc là niềm tin rằng các cá nhân hay đối tượng từng phục vụ hoặc hợp tác với mật vụ, hoặc từng nắm giữ các vị trí quyền lực trong chế độ cộng sản, về mặt đạo đức đã bị nhiễm độc và không xứng đáng với các chức vụ được công chúng đặt niềm tin theo chế độ dân chủ mới.
Vojtech Cepl, tác giả của hiến pháp Czech và thẩm phán được bổ nhiệm của Tòa án Hiến pháp của Cộng hòa Czech, cho rằng thanh lọc là một loại hình hy sinh còn có tính nghi lễ nằm khôi phục trật tự xã hội, với vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi "văn hóa đạo đức của công dân ở Đông Âu. Từ quan điểm này, thanh lọc không chỉ tạo hiệu ứng cụ thể làm thay đổi hệ thống quan liêu bằng cách rà soát các văn phòng công lập, bán công lập và các vị trí chức vụ, mà nó còn có chức năng thanh tẩy đạo đức mang tính biểu tượng.

Biện pháp
Một số quốc gia như Cộng hòa Czech đã ban hành chính sách thanh lọc sớm và rộng rãi, còn một vài nước khác như Albania đã trì hoãn và hạn chế thanh lọc.
"Về mặt biểu tượng, thanh lọc cũng có nghĩa là việc làm sạch về mặt đạo đức hay thanh tẩy các "tội lỗi" của chủ nghĩa cộng sản"
Chính sách thanh lọc có thể nhắm vào nhiều loại vị trí, chức vụ khác nhau, từ các cơ quan cấp cao của chính quyền như quốc hội, nội các chính phủ hay ngành tư pháp, cho tới các vị trí chính trị cấp trung cao như như thị trưởng, lãnh đạo cấp khu vực, cho tới các tổ chức quốc doanh hay của nhà nước như lãnh đạo, quản lý ngân hàng hoặc lãnh đạo các công ty lớn, tới các nhà báo ở các cơ quan phát thanh truyền hình hoặc truyền thông, cho đến các cá nhân, đối tượng làm việc ở các vị trí gây lòng tin của công chúng như các học giả, giáo viên trung học, lãnh đạo công đoàn và các giáo sĩ hoặc các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Không quốc gia nào trong số này biến luật thanh lọc thành những sự trừng phạt nghiêm trọng, không có án phạt tù hoặc các vụ xét xử hành vi có tội nào.

Tuy nhiên, trừng phạt có thể thuộc một trong hai dạng thức, thứ nhất là ngăn cản đối tượng vào một vị trí lao động từ 5-10 năm, tùy thuộc vào quốc gia và/hoặc thứ hai chỉ đơn giản là có thông báo chính thức về việc người đó từng đồng lõa, một hình thức lộ diện, nhắm vào liêm sỉ. Luật thanh lọc ở các nơi có điểm chung là soi tỏ để công chúng thấy trước sự chuyển động, tham gia của các đối tượng từng đồng lõa, cộng tác với mật vụ, an ninh của chế độ cũ vào các vị trí quyền lực hoặc tạo niềm tin của công chúng trong thể chế mới.

Các thông tin được sử dụng trong quá trình thanh lọc thường bắt nguồn từ các hồ sơ của cảnh sát mật. Nếu một cá nhân có một hồ sơ hoặc tên tuổi của mình xuất hiện trên các biên bản, hồ sơ trong các cuộc họp, gặp gỡ với mật vụ, an ninh, anh ta có thể được cho là phạm tội hợp tác, đồng lõa.

Thông tin về việc mà bạn từng là một cộng tác viên của mật vụ, an ninh cộng sản được công bố chính thức trên báo chí và trên mạng Internet, và thường dẫn đến các "cuộc săn đuổi" như là các vụ cáo buộc. Hoặc thông tin có thể được công bố chính thức hơn trong một danh mục công cộng được các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hồ sơ loan bố, như trường hợp Viện Tưởng niệm Quốc gia tại Ba Lan hoặc Hội đồng Quốc gia Nghiên cứu Tàng thư An ninh, Mật vụ ở Romania.

Có nhiều vấn đề về tính chính xác của các thông tin hồ sơ. Tính xác thực của thông tin trong các hồ sơ an ninh, mật vụ nổi tiếng là có các vấn đề, và nhiều hồ sơ đã được lọc ra và tiêu hủy sớm từ đầu quá trình chuyển đổi chế độ. Ngoài ra, danh sách cung cấp thông tin thường không xác định mức độ tham gia của đối tượng, do đó có thể có những sai lầm trong việc quy tội cho một số đối tượng thụ động tham gia hoặc thuộc bên thứ ba. Hệ quả là, việc công bố thông tin này có thể bị chỉ trích là gây ra chia rẽ trong xã hội, và có thể trở nên lợi bất cập hại.

Hồ sơ
Cảnh sát Trung Quốc

Trung Quốc hiện là một trong các quốc gia có số lượng mật vụ và cộng tác viên khó xác định
Công bố hồ sơ về làm mật vụ hoặc hợp với an ninh chìm đã tác động đến nhiều các cá nhân nắm các vị trí cao cấp trong chính phủ, trong các cơ quan công cộng và các tổ chức xã hội, cũng như với những người bất đồng chính kiến, các học giả và các nhà báo. Các tiết lộ rằng các lãnh đạo đương chức từng cộng tác với mật vụ cộng sản đã lật bày các vụ bê bối chính trị. Ví dụ, cựu Tổng thống Bulgaria Georgi Purvanov bị tiết lộ từng là một cộng tác viên. Cựu Tổng thống Ba Lan, Aleksander Kwaśniewski, cũng bị cáo buộc là sỹ quan mật vụ "Alek". Hay Péter Medgyessy, cựu Thủ tướng Hungary, bị tiết lộ là một sĩ quan đặc vụ dưới mật danh D-209.
"Những hồ sơ này có chứa thông tin lưu trữ về những gì người khác thông tin cho chế độ về bạn, bao gồm những tiết lộ về sự phản bội của bạn bởi các ông chủ, các đồng nghiệp, hàng xóm, và đôi khi bởi người thân và vợ hoặc chồng"
Ở một số nước, danh sách các cộng tác viên cộng sản tiếp tục bao gồm nhiều cá nhân làm việc trong tất cả các vị trí, tầng bậc của ngành tư pháp, nghị viện, và nội các. Vào năm 2012, Ủy ban Hồ sơ của Bulgaria tiết lộ rằng khoảng 40% viên chức Bộ Ngoại giao đương chức, bao gồm nhiều đại sứ cấp cao, từng là các cộng tác viên của mật vụ cộng sản, điều đã khơi mào một vụ bê bối chính trị. Sau năm 1989, khoảng 1.600 cựu sỹ quan an ninh Securitate vẫn tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các cơ quan tình báo của Romania. Việc các cựu cựu sĩ quan mật vụ cộng sản và các cộng tác viên an ninh chế độ cũ tiếp tục nắm các vị trí quyền lực chính trị và kinh tế làm nảy sinh các vấn đề tham nhũng và làm quyền chính trị và đặc biệt tạo cảm giác bất công xã hội đối với quá trình chuyển đổi thể chế, luật pháp.

Một số nhà lãnh đạo bất đồng cũng bị cáo buộc là cộng tác viên, điều làm bôi nhọ hình ảnh và câu chuyện về vai trò của họ trong cuộc thay đổi chế độ và trong cuộc Cách mạng Nhung. Bản thân nhà lãnh đạo phong trào Công đoàn Đoàn kết và cựu Tổng thống Ba Lan, Lech Wałęsa đã nhiều lần bị cáo buộc hợp tác với cảnh sát mật, và một hồ sơ về ông đã được công bố để chứng tỏ rằng ông từng là cộng tác viên hoặc đặc tình “Bolek.” Ông Walesa lúc đầu phủ nhận rằng hồ sơ này có thể tồn tại, sau đó ông phản bác rằng hồ sơ chứa đựng thông tin sai lệch, và sau cùng tuyên bố ông đã "chơi một trò chơi" với cảnh sát mật và không bao giờ thực sự cung cấp cho họ bất kỳ thông tin nào.

Tương tự như vậy, Marian Jurczyk, một lãnh đạo của Công đoàn Đoàn kết trong cuộc biểu tình ở Szczecin vào năm 1980, đã được tiết lộ là một nhân viên mật vụ thời kỳ cộng sản, mặc dù sau đó ông đã được một tòa án cấp thấp miễn tội. Tuy nhiên, sự đồng lõa của các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết hàng đầu với cảnh sát mật đã đe dọa làm hỏng hình ảnh mạnh mẽ và anh hùng về những người bất đồng chính kiến nói chung ở Đông Âu.

'Gây sốc'
Fidel và Giáo Hoàng
Cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro (trái) được cho là người dành nhiều 'công sức' cho thiết lập chế độ mật vụ ở Cuba
Tiết lộ về sự đồng lõa của các tổ chức xã hội cũng tạo ra phân cực xã hội. Việc đồng lõa giữa các giáo sĩ công giáo Ba Lan đã gây sốc cho đất nước đông đảo giáo dân Công giáo này. Những tiết lộ này làm suy yếu niềm tin vào Giáo hội, một tổ chức sống sót dưới chế độ cộng sản và cung cấp một diễn đàn công dân có tính chất thay thế.

Đầu năm 2012, Ủy ban Hồ sơ của Bulgaria tiết lộ rằng 75% các nhà lãnh đạo tôn giáo hàng đầu của Hội Đồng Chính Thống Giáo cao cấp (Orthodox Holy Synod) ngày nay từng làm các cộng tác viên với mật vụ. Niềm tin của các công dân vào nhà thờ ngay lập tức đã giảm xuống. Do giáo hội ở cả hai quốc gia trước đó từng được xếp hạng cao về độ tin cậy, việc tiết lộ hồ sơ đã gây ra một hiệu ứng tiêu cực mà không hề làm tăng cường sự tin tưởng trong xã hội.
Việc truy cập hồ sơ còn là một con dao hai lưỡi. Ở nhiều nước trong khu vực, nhưng không phải là tất cả, luật về truy cập hồ sơ đã cho phép các công dân có thể tra cứu nội dung hồ sơ cá nhân của họ. Những hồ sơ này có chứa thông tin lưu trữ về những gì người khác thông tin cho chế độ về bạn, bao gồm những tiết lộ về sự phản bội của bạn bởi các ông chủ, các đồng nghiệp, hàng xóm, và đôi khi bởi người thân và vợ hoặc chồng.
Lòng tin giữa các cá nhân hoặc niềm tin vào người khác hiện vẫn còn rất thấp trong khu vực, so với các quốc gia hậu độc tài khác.

Đổi mới
"Hiệu quả của luật thanh lọc và truy cập hồ sơ vẫn còn là một câu hỏi mở. Điều rõ ràng là di sản của sự mất lòng tin vào các chính phủ và đồng bào vẫn tiếp tục có tác động tiêu cực đến xã hội và công việc quản trị nó"
Hơn 20 năm sau khi chương trình thanh lọc đầu tiên bắt đầu vào năm 1991 ở Czechoslovakia, các nước trong khu vực Trung và Đông Âu tiếp tục chuyển sang các chính sách thanh lọc để giải quyết các vấn đề hiện hữu của họ về tham nhũng, lòng tin và dân chủ hóa. Năm 2008, Albania ban bố ‘Đạo luật Bàn tay sạch’, trong một cố gắng để thúc đẩy những nỗ lực về thanh lọc chưa hoàn thiện ở nước này. Năm 2012 cả Romania và Moldova đã thông qua luật thanh lọc mới. Hungary ban hành luật thanh lọc giới hạn ban đầu vào năm 1994, nhưng vào năm 2012, nước này kêu gọi đổi mới luật thanh lọc và quy định công khai về truy cập hồ sơ cá nhân, một nội dung trước đó bị ngăn cản.

Còn các công bố của Ủy ban Hồ sơ của Bulgaria năm 2011-2012 về lịch sử và hành vi đồng lõa, hợp tác với mật vụ trong chế độ cộng sản cũ ở một số đối tượng trong các giới truyền thông, học giả, nghị sỹ quốc hội và có thể cả ở một số nhà "triệu phú khả tín," cho chúng ta thấy rằng quá trình thanh lọc dưới dạng thức tiết lộ, công bố hồ sơ tiếp tục tồn tại và vận hành.
Nói tóm lại, hiệu quả của luật thanh lọc và truy cập hồ sơ vẫn còn là một câu hỏi mở. Điều rõ ràng là di sản của sự mất lòng tin vào các chính phủ và đồng bào của các công dân vẫn tiếp tục có tác động tiêu cực đến xã hội và công việc quản trị nó.

Tác giả, Tiến sỹ Cynthia M. Horne là Phó Giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Western Washington, giảng dạy và nghiên cứu các lĩnh vực từ kinh tế chính trị quốc tế cho tới chuyển đổi thể chế, đặc biệt về thanh lọc như là một hình thức chuyển đổi và đảm bảo công lý ở các quốc gia hậu cộng sản ở Trung và Đông Âu.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/12/121123_communist_legacy.shtml

No comments:

Post a Comment