Thursday, 21 February 2013

Xử tội sát nhân thời Cách mạng Văn hóa

thứ năm, 21 tháng 2, 2013


Thời Cách mạng Văn hóa khiến hàng trăm ngàn người bị đấu tố, ngược đãi
Tại Trung Quốc, phiên tòa xử một ông già bị cáo buộc tội giết người trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trên mạng.
Được cho là khoảng ngoài 80 tuổi, ông già họ Khâu bị cáo buộc là đã giết một bác sỹ mà ông cho là 'gián điệp'.
Cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản, do lãnh tụ Mao Trạch Đông phát động hồi 1966, là thời kỳ một làn sóng bạo lực khủng khiếp bùng nổ, nhắm vào giới trí thức và những người bị quy kết là tiểu tư sản.
Nay, một số người đặt câu hỏi vì sao lại đưa một ông già ra xét xử, trong lúc không có ai trong số quan chức bị quy trách nhiệm.
Cơ quan công tố nói rằng hồi 1967, ông Khâu, người tỉnh Chiết Giang, đã dùng một sợi dây thắt cổ chết người bác sỹ.
Các cáo buộc được đưa ra đối với ông này hồi thập niên 1980, và ông đã bị bắt hồi năm ngoái, Hoàn cầu Thời báo tường thuật.

Một thời biến động

Cuộc Cách mạng Văn hóa 10 năm của Mao nhằm tạo ra những biến động to lớn về mặt xã hội, kinh tế và chính trị để lật đổ trật tự cũ.
Những người dân thường, đặc biệt là thanh thiếu niên, được khuyến khích đứng lên đấu tố người khác, dẫn đến tình trạng các nhóm Hồng Vệ Binh đàn áp hàng trăm ngàn người bị cho là kẻ thù của chế độ.
"Tại Trung Quốc, trẻ em không được học chi tiết về các sự kiện trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa nên thật khó cho giới trẻ hiểu được quá khứ đau thương này. Sau gần 40 năm, Trung Quốc vẫn bị ám ảnh bởi thời kỳ đó. Ngay mới năm ngoái, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo rằng đất nước có nguy cơ rơi trở lại vào 'thảm họa lịch sử' như Cách mạng Văn hóa nếu không thực hiện nổi cải tổ chính trị. "
Trần Trang, Trưởng biên tập bbcchinese.com
Phóng viên BBC John Sudworth từ Thượng Hải nói câu chuyện về những gì đã xảy ra trong thời Cách mạng Văn hóa vẫn là chủ đề rất nhạy cảm tại Trung Quốc, nơi thảo luận công khai bị hạn chế.
Dù vậy, phiên tòa đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt trên mạng.
Một người dùng internet nói ông Khâu là một "con tốt", và nói giới chức "không dám trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm, chẳng hạn như các quan chức cao cấp," hãng tin AFP tường thuật.
Báo South China Morning Post trích lời một người dùng, đặt câu hỏi rằng: "Những tên tuổi lớn, là những người đã khởi đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, thì sao? Tại sao mà họ lại không bao giờ nhận bất kỳ một trách nhiệm nào?"
Trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, tương tự như Twitter, một người dùng viết: "Phiên tòa như thế chỉ nhằm lấy một cá nhân ra làm vật thế mạng cho đảng và nhà nước."

Chủ đề Cách mạng Văn hóa vẫn được coi là rất nhạy cảm ở Trung Quốc
Một người khác thì viết: "Quan trọng hơn là phải quy trách nhiệm đối với những người ra quyết định, chứ không phải với những người thực thi nó."
Thanh niên Trung Hoa Nhật báo, tờ báo của nhà nước, thì có bài xã luận lớn tiếng so sánh sự quá khích của thời kỳ này với sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít tại Âu châu.
"Điều gây sốc nhất về cuộc Cách mạng Văn hóa là việc sỉ nhục nhân phẩm. Tình trạng phỉ nhổ, ngược đãi, đối xử tàn tệ và giết chóc xảy ra một cách phổ biến. Xã hội rối loạn," bài xã luận viết.
Bài báo cho rằng trừ phi giai đoạn này được phép đưa ra đánh giá lại một cách công khai, nếu không xã hội sẽ có nguy cơ quay trở lại tình trạng hỗn loạn và bạo lực.
Vương Thuận An, giám đốc của Viện Tội phạm học thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật, nói với Hoàn cầu Thời báo:
"Chỉ đổ lỗi cho các cá nhân trong giai đoạn đó không phải là điều đúng đắn, khi mà hệ thống pháp lý khi đó hầu như không có. Cả những kẻ chủ mưu lẫn các nạn nhân đều bị hy sinh bởi các phe phái chính trị khi đó."
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/02/130221_china_culture_revolution_trial.shtml

No comments:

Post a Comment