Saturday, 9 February 2013

Tết, nhớ… (SC)

9-2-2013


Từ khi rời khỏi Việt Nam, với tôi, cũng có nghĩa là không còn có Tết nữa. Mà có lẽ, với rất nhiều người Việt tha hương là như thế. Tết ở nước ngoài chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Ngày Tết vẫn phải đi làm như thường lệ, tối 30, trưa mùng một hay mùng ba có bày biện cúng bái thì cũng chỉ trong nhà. Muốn nấu món Việt thì cũng có gia vị hương liệu, phở khô, bún khô, cá lóc cá rô cho đến con tép con ốc ướp lạnh…nhưng tất nhiên, không thể nào ngon như ở VN, ăn thức ăn tươi, gia vị đầy đủ hơn.

Ở thành phố nào có đông người Việt sinh sống thì cộng đồng người Việt cũng ráng tổ chức ít nhất một buổi họp mặt ăn Tết với nhau. Có những món ăn VN, chương trình văn nghệ, múa lân, ông Táo, dăm ba trò chơi cho lũ trẻ…Có khi cùng một thành phố nhưng có năm ba cái Tết trùng hoặc khác ngày, do những đoàn thể khác nhau tổ chức.

Năm đầu tiên khi mới đến Na Uy, tôi còn siêng đi ăn Tết cả ở Kristiansand, cả ở Oslo. Nhưng chỉ cần đến năm thứ ba là không còn hào hứng đi. Tại sao vậy. Không biết ở các nước khác Tết của cộng đồng người Việt ra sao nhưng những cái Tết ở đây, với tôi, thường gợi lên một cảm giác buồn nhiều hơn vui. Trong điều kiện eo hẹp về tài chính, thời gian và nhất là nhân sự, những chương trình thường được tổ chức một cách rất nghiệp dư, từ phần trang trí, nghi lễ, cúng bái, ông Táo diễn trò…cho đến phần văn nghệ cây nhà lá vườn với những giọng ca “vui là chính”; mọi người đến đó, ai biết nhau trước thì hỏi thăm vài câu xã giao, còn lại lo ăn, xem chương trình Tết rồi về.

Tôi biết có nhiều người ở nước ngoài chừng một thời gian cũng không đi ăn Tết với cộng đồng nữa, vì lười, vì năm nào cũng chỉ có bấy nhiêu trò. Họ ở nhà, cúng bái, ăn uống với gia đình, bạn bè, rồi thôi. Tương đối đầy đủ, đông vui nhất, còn khiến mọi người muốn tham dự nhất, chắc chỉ có Tết của cộng đồng người Việt ở Little Saigon, California.

Tết ở VN thì khác. Không khí chờ Tết đã có từ trước đó cả gần…hai tháng. Ở mấy thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng… thì từ trước Giáng Sinh chừng hai ba tuần mọi người đã bắt đầu có tâm lý vừa đi học, đi làm vừa…ngóng Giáng Sinh, ngóng Tết rồi. Lúc này là lúc bắt đầu mua sắm lai rai, càng cận ngày không khí mua sắm càng nhộn nhịp hối hả. Nhất là tuần lễ cuối cùng, khi tất cả mọi công nhân viên chức, người đi làm đều có tiền thưởng Tết, cộng với “tháng lương thứ 13” như thông lệ của nhiều cơ quan. Lúc này là lúc mọi gia đình bung ra sắm sửa.  Người giàu thì đã chuẩn bị mọi thứ xong từ lâu, người nghèo thì phải đợi đến sát ngày mới xoay sở được chút tiền, có khi tận chiều 30 vẫn còn đi vét vội mấy hộp mứt ế, chậu hoa cũ bán hạ giá.

Rồi những ngày Tết kéo dài suốt mấy ngày, với người Việt phần đông là nhẩn nha cho đến mùng bốn mùng năm thậm chí mùng mười, dù đã đi làm vẫn chưa trở lại nhịp điệu ngày thường được.
****

Những năm sau 1975 cho đến cuối những năm 80, cả nước nghèo xác xơ, Sài Gòn và miền Nam cũng nghèo. Gia đình tôi và họ hàng đa phần cũng sống trong hoàn cảnh khó khăn chung của VN lúc bấy giờ. Tôi còn nhớ thời kỳ phải ăn độn-hết độn sắn (củ mì) lại độn mì sợi, cao lương, bo bo…Bột mì mua về phải bày ra đủ món làm cho đỡ ngán, nắm thành từng cục, luộc, chấm nước mắm mỡ hành, làm bánh canh, làm đủ loại bánh…Người Sài gòn và người miền Nam trước năm 1975 chưa bao giờ đói đến mức phải ăn độn, bây giờ mới có được sự trải nghiệm này!

Nhưng dù thiếu thốn đến đâu, phong tục của người Việt là vẫn phải cố gắng để có một cái Tết tươm tất. Tết là một trong những dịp hiếm hoi mà gia đình nào cũng cố cho con cái khỏi phải ăn độn, lại có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hấu, có nhiều món ngon. Nên với bọn trẻ con, lũ thiếu niên, luôn luôn vui sướng khi Tết đến.
Hồi ấy còn cho đốt pháo. Nhà tôi thường chỉ dám mua một phong pháo chuột đốt mừng giao thừa. Vào giờ khắc trước giao thừa chừng mười lăm phút nửa tiếng, cả xóm nhà nào cũng bày mâm cúng giao thừa và đốt pháo. Cứ nhà này đốt xong lại tiếp đến nhà khác. Tiếng pháo râm ran từ chỗ này sang chỗ kia. Lũ trẻ con ra đứng trong sân, nghe hướng pháo, đoán pháo nhà ai nổ, nhà nào giàu đốt nhiều v.v…Thường mỗi đứa chỉ được sắm một bộ quần áo mới, may lắm thì một quần hai áo. Ngày mùng một là phải mặc ngay cho nó…hên.
Vậy mà những cái Tết thời đó tôi lại nhớ. Sau này, khi đã thành người phụ nữ tuổi ba mươi, bốn mươi…Tết không còn nhiều háo hức để mong chờ, với tôi, nếu không muốn nói là ngược lại, Tết đến chỉ thêm mệt vì phải mua sắm, nấu nướng nhiều món, đi chúc Tết sếp, ghé thăm người này người kia, làm những nghi thức xã giao theo thông lệ. Nhưng là dân sống ở Sài Gòn, tôi vẫn thích khoảng thời gian từ Giáng Sinh cho đến trước Tết. Trong mắt tôi, đó là lúc Sài Gòn đẹp nhất.

Một phần, đây là những ngày thời tiết đẹp nhất trong năm. Trời mát dịu, và nắng vàng ấm áp rải nhẹ trên mọi vật. Nắng mong manh tưởng như có thể tan biến đi bất cứ lúc nào, khiến người cũng tự nhiên đi nhẹ, nói khẽ kẻo nắng và cả thời gian bay mất. Đây cũng là lúc nhiều con đường của Sài Gòn khoác một diện mạo mới. Những ngôi nhà, cửa hàng, quán xá, khách sạn quét vôi, trang hoàng rực rỡ, khu trung tâm phố xá lung linh đèn sao muôn màu.
Tôi thường hay ngồi với một hai người bạn thân trong những quán cà phê khác nhau. Vừa lắng nghe tiếng nhạc phát ra từ dàn máy hoặc tiếng hát của người nghệ sĩ hòa cùng tiếng piano trong một góc quán, vừa lơ đãng nhìn ra đường. Nhìn những dòng xe ngược xuôi trôi đi không ngừng. Câu chuyện đứt quãng. Mỗi người ném ra vài câu bâng quơ rồi ai nấy lại theo đuổi những suy nghĩ riêng.

Lại có những lúc ngồi với cả nhóm bạn, cùng thuộc giới văn nghệ, trong một quán nhậu. Phụ nữ, uống chả bao nhiêu, chủ yếu ngồi với bạn bè. Như sợ khoảng thời gian cuối năm qua đi. Lại có những lúc một mình chạy xe qua những con đường. Cảm giác xao xuyến bâng khuâng khi một năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến…

Những ngày trong Tết, Sài Gòn, và cả Hà Nội lại đẹp hơn ngày thường nhờ…vắng vẻ. Dân nhập cư từ các tỉnh đã về quê ăn Tết, dân tại chỗ nhiều gia đình sau này thường có khuynh hướng đi chơi xa ở nước ngoài vào dịp này, nên thành phố trở nên thoáng đãng, sạch sẽ hẳn ra. Không còn những dòng người, xe máy dày đặc trên đường, tiếng còi xe, khói xăng mù mịt, bụi bặm, ô nhiễm, những chỗ đào đường để sửa chữa, những “lô cốt” giữa đường…cũng được dẹp đi. Chỉ có mấy ngày ngắn ngủi này người Sài Gòn, Hà Nội mới có cảm giác nhẹ nhõm được một chút. Và mới có thời gian thư thả để nghỉ ngơi cùng gia đình, bạn bè, hoặc có thể tĩnh tâm ngắm nhìn thành phố mà quanh năm vì đời sống quá bận rộn với việc mưu sinh nên không làm được một điều đơn giản như vậy.

Những ngày Tết ở mấy thành phố lớn của VN, quán ăn, nhà hàng hầu hết chỉ đóng cửa chiều ba mươi cùng lắm là thêm sáng mùng một, còn lại ngày nào cũng mở cửa đến tận đêm khuya. Sài Gòn thì nổi tiếng với khâu ẩm thực, dịch vụ. Muốn ăn cái gì cũng có, từ đặc sản của mọi miền đất nước cho đến món Thái, Hàn, Nhật, Pháp, Ấn, Mêxicô…Từ món bình dân ngồi ăn ngoài đường cho đến tiệc buffet hàng trăm món trong những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Quán café, quán bar, phòng trà… với đủ loại nhạc sống (live) cho khách hàng với các loại gu khác nhau.

Dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch người nước ngoài đến Hà Nội, Sài Gòn cũng nhiều, chỗ nào cũng có thể thấy khách du lịch với đủ màu da, ngôn ngữ khác nhau. Nói gì thì nói, đón năm mới ở những đất nước đang phát triển như Việt Nam có những cái lợi như giá cả quá rẻ, thức ăn thì ngon. Mà cũng đâu thiếu món ăn chơi từ rượu, vũ trường cho đến gái vừa trẻ vừa đẹp, giá nào cũng có. Riêng phần dịch vụ, thái độ đối với khách hàng thì Sài Gòn hơn hẳn Hà Nội một bậc.

Đó là Tết ở VN trong mắt du khách. Còn với người dân, những năm sau này khoảng cách giàu nghèo ở VN ngày càng lớn, và Tết là lúc mà cái khoảng cách đó hiển hiện rõ nhất, giữa những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn với tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa; giữa tầng lớp quan tham, tư bản đỏ và người dân nghèo. Nếu như với những người có tiền, Tết là dịp tha hồ mua sắm ngập mặt, vui chơi trong, ngoài nước, thì với số đông khác, Tết là nỗi ám ảnh, lo lắng, làm sao kiếm được đủ mâm cơm đạm bạc cúng ông bà, miếng thịt cho người già, cái áo mới cho con trẻ. Thậm chí, làm sao trả hết những món nợ trong năm để sang đầu năm mới không bị chủ nợ réo ngoài cửa xui cả năm.

Năm 2012 vừa qua là một năm mà tình hình kinh tế tuột dốc, khó khăn thấy rõ, sẽ có nhiều xí nghiệp, công ty nợ hoặc “xù” tiền thưởng Tết cho công nhân, nhân viên, cũng đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều gia đình không có Tết. Trong lúc các quan tham, đại gia thì vẫn thả giàn chi tiêu, chẳng hề hấn gì.

****
Cứ những ngày Tết là tôi lại nhớ nhà. Nhớ Sài Gòn, nhớ bạn bè, nhớ những quán café, quán ăn quen, những món ăn ngon…
Trong khi đó, dù đã sống hơn 3 năm ở Na Uy, rất biết ơn sự bình yên, đời sống êm ả, ít lo âu căng thẳng ở đất nước này, tôi vẫn không sao quen được với cái vắng vẻ, tĩnh lặng, thậm chí buồn tẻ của Na Uy, đặc biệt vào những dịp Noel, Tết Dương Lịch.

Người Na Uy và hình như dân các nước Bắc Âu đều thế, vào những dịp này, thường dành cho gia đình, ăn uống họp mặt ở nhà, ít khi ra ngoài, nếu có bạn bè họ hàng cũng là mời nhau đến nhà. Một phần vì thời tiết lạnh quá, mùa đông lại có tuyết và trời tối sớm, nên người ta nói chung ngại ra bên ngoài. Bọn trẻ, nếu có ra ngoài thì cũng chui vào quán cafe, quán bar nhảy nhót, uống rượu cho ấm.

Khí hậu lạnh cũng ảnh hưởng phần nào đến tính cách của một dân tộc. Người dân các xứ nóng như Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông hay Nam Á, Đông Nam Á, thường nồng nhiệt, cởi mở, nói nhiều, cười nhiều, nhảy múa nhiều (nhất là dân châu Phi và Nam Mỹ), thích vui chơi ngoài trời. Còn dân Bắc Âu, trời lạnh khiến người ta dường như cũng nói ít hơn, trầm lặng hơn. Mặc dù họ cũng mua sắm rất nhiều, tiêu rất nhiều tiền cho thực phẩm, áo quần, rượu, các thứ trang hoàng nhưng là để đón Noel, đón Tết Dương lịch trong nhà, với gia đình, bạn bè.

Từ khoảng một tháng trước Noel, bắt đầu Mùa Vọng, những cây nến màu tím được thắp lên trong ngôi nhà của người Na Uy. Cứ mỗi tuần thắp một ngọn. Lần lượt, đến hết cây nến thứ tư là Noel đến. Ngày Noel với phần lớn dân Na Uy là dành để đi nhà thờ, gặp gỡ những người bạn tại đó, buổi tối ăn uống với gia đình. Phố xá, cửa hàng, quán ăn cho đến siêu thị đều đóng cửa vào ngày Noel hay Tết Dương lịch. Ngoài đường vắng ngắt. Dân nhập cư dù ở xứ nào rồi cũng phải quen với những điều này.

Và như vậy là cái Tết thứ tư lại sắp đến với tôi ở Na Uy, có khác chăng, là cái Tết thứ nhất ở Oslo, so với mấy lần trước, ở Kristiansand…Một năm lại sắp trôi qua.

*Bài đã đăng trên báo Trẻ số Xuân.

https://www.facebook.com/notes/song-chi/t%E1%BA%BFt-nh%E1%BB%9B/10151407748547310
 

No comments:

Post a Comment