Friday, 23 March 2012

Căn bệnh dối trá và hệ lụy của nó

Trần Kinh NghịCó thể nói hài hước rằng ở VN mọi thứ đều giả, chỉ có dối trá là có thật! Tại đây mọi đứa trẻ sinh ra đã bắt đầu phải hứng chịu hậu quả của sự dối trá. Chúng lớn lên, đi học và đi làm đều ngụp lặn trong môi trường dối trá và thiếu minh bạch. Xã hội đầy dẫy những “ma hồn trận” do sự dối trá gây ra . Nó tạo ra môi trường tranh tối tranh sáng rất thuận lợi cho các loại tội phạm, kể cả ma-fia dân sự và ma-fia chính trị. Có thể nói không ngoa rằng căn bênh dối trá đã và đang làm hỏng những thế hệ người Việt...
*
Đọc Nghị quyết TW 4 khóa XI thấy đồng chí Tổng Bí thư đúng là "danh bất hư truyền" về tài phân tích, tổng kết, báo cáo. Bản Nghị quyết không dài lắm nhưng nêu lên được rất nhiều khuyết điểm cùng những nguyên nhân và biện pháp cùng với lộ trình để khắc phục… Lời văn cũng rất hay! Nhiều người, nhất là cánh hưu trí, đã chăm chú lắng nghe và đọc, có những lúc ngồi thần trước màn hình TV ngắm diễn giả không khác nào giới trẻ ngưỡng mộ các “sao Việt”. Thật đấy! Phải là người vừa có bề dầy kinh nghiệm và thâm niên nghiên cứu lý luận Mác-lê và cũng có cái tâm, cái tầm mới có thể làm được điều đó! Xem toàn văn NQ tại đây: 
Tuy nhiên, nghĩ đi ngẫm lại, thấy rằng hay thì thật là hay, nhưng có lẽ để thực hiện rốt ráo cái Nghị quyết này chắc sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực và thời gian, không khéo hàng trăm tỷ đồng để phục vụ các ban bệ chuyên trách(?). 
Theo như Nghị quyết đã vạch ra, khuyết điểm có ở mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành lại còn kéo dài triền miên và đã đến hồi “đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Tất cả cho thấy một sự thật đau lòng: Đảng đã và đang đánh mất lòng tin nơi quần chúng nhân dân - một bảo bối của sự nghiệp cách mạng đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng với những lời cảnh báo từ rất sớm như “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”“Đẩy thuyền là dân thì lật thuyền cũng là dân”. 
Đành rằng cái gì mất đều có thể lấy lại, nhưng cũng có những thứ không thể lấy lại, hoặc lấy lại cũng khó mà nguyên vẹn, nhất là trong trường hợp mất lòng tin do động cơ vụ lợi cá nhân của người trong cuộc nhưng không bao giờ chịu tự nguyện từ bỏ. Đời vẫn thế mà! Nhìn nhận một sự việc không có mình trong đó thì lúc nào cũng sáng suốt, công bằng, bác ái… Nhưng hể có mình trong đó là méo mó, vẹo vọ liền. Khi kiểm điểm thì nói vanh vách như thể khuyết điểm là của ai khác, chứ quyết không phải của mình; chỉ có thành tích là của tôi!. Thế nên dân gian có câu “Có ai tự vác đá ghè vào chân mình?” là do xuất phát từ thực tế muôn thuở này. Nghị quyết vạch ra rất nhiều khuyết điểm nghiêm trọng, nhưng liệu có bao nhiêu người tự nhận mình có khuyết điểm nghiêm trọng đến mức phải từ chức? Nghị quyết dùng phần lớn nội dung nói về chống tham nhũng quan liêu, nhưng liệu có mấy ai tự nhận mình tham nhũng, quan liêu?; lại nói nhiều về trình độ yếu kém, nhưng liệu có mấy ai tự nhận mình yếu kém đến mức phải thay người khác? v.v... Vì sao vậy? Phải chăng suy cho cùng đó chính là sự ẩn hiện của chủ nghĩa DỐI TRÁ trong mỗi người và trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Đây là một lĩnh vực khuyết điểm chưa được vạch rõ trong Nghị quyết lần này. Tuy nhiên, chính nó mới là đối tượng cần chỉnh đốn tận gốc rễ trước khi chỉnh đốn những vấn đề khác, vì đối trá cùng với tham nhũng đích thực là một "cặp song sinh" của chế độ. 
Dối trá mới nghe tưởng không có gì nguy hiểm, vì nó vốn dĩ là thói xấu của xã hội loài người chứ đâu của riêng Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam bệnh dối trá có những đặc thù riêng. Nó bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua nhiều biến cố lịch sử với những phong trào thi đua và những đợt cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, nhân văn giai phẩm v.v... khiến xã hội bị xáo trộn, lòng người đảo điên. Những thời kỳ kinh tế khắc khổ cũng khiến con người ta trở nên bon chen và thủ đoạn. Tất cả tạo nên lối sống và tư duy phức tạp, thường mang tính hai mặt, nói và làm không đi đôi với nhau. Trong thời kỳ bí mật những người cộng sản thường phải che dấu tung tích của mình, kể cả phải thay tên đổi họ, tuổi tác, quê quán, thậm chí cả lai lịch bố mẹ, vợ con… Trong nhiều trường hợp họ được “đặc cách” giữ kín những thông tin cá nhân, kể cả khi tham gia ứng cử, bầu cử hoặc khi đã nắm giữ một cương vị lãnh đạo quan trọng. Cách làm này là cần thiết trong thời kỳ bí mật, nhưng là yếu điểm đối với một bộ máy công quyền trong thời bình. Đó là tình trạng không minh bạch về lý lịch cá nhân, kể cả tư cách đạo đức của người cán bộ từ cấp thấp lên cấp cao. Nó khuyến khích thói tự mãn và bao biện cùng với những thói hư tật xấu như tác phong gia trưởng, tệ sùng bái cá nhân, thói xu nịnh, thủ đoạn câu kết, bao che lẫn nhau trên cơ sở địa phương cục bộ để cầu lợi. Thói “làm thì láo, báo cáo thì hay” và thói chạy theo thành tích vốn đã phát sinh từ thời kỳ XHCN ở miền Bắc cũng là những tác nhân gây ra căn bệnh dối trá. Ngày nay nó đã trở thành một căn bệnh trầm kha ăn sâu bám rể trong toàn bộ xã hội mà ở đó ai không biết nói dối, không biết làm ẩu và không biết "ăn theo nói leo" thì không thể tồn tại. Đó là nguyên nhân sâu xa của tệ nạn câu kết, tham nhũng và lãng phí tràn lan trên đất nước này. Đó là mãnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những kẻ bất tài, vô đạo đức nhưng thích làm quan. Đó là phương tiện trong tay những kẻ đương chức đương quyền để “sống mòn” với địa vị của họ bất chấp mọi quy luật của cuộc sống, bất chấp lợi ích của người dân và của dân tộc nói chung. 
Căn bệnh dối trá chính là nguyên nhân và cũng là hiện thân của thực trạng không minh bạch (ngôn từ thời hội nhập) ở nước ta ngày nay. Tình trạng thiếu minh bạch thể hiện trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hôi, giáo dục, an ninh quốc phòng, v.v… Đâu đâu cũng thấy tình trạng thông tin mập mờ, không đầy đủ mặc dù có một bộ máy hành chính công rất đông đảo. Mỗi khi cần giải quyết một việc gì người dân phải chạy vòng vo để tìm kiếm mà cũng không chắc đảm bảo. Có thể nói hài hước rằng ở VN mọi thứ đều giả, chỉ có dối trá là có thật! Tại đây mọi đứa trẻ sinh ra đã bắt đầu phải hứng chịu hậu quả của sự dối trá. Chúng lớn lên, đi học và đi làm đều ngụp lặn trong môi trường dối trá và thiếu minh bạch. Xã hội đầy dẫy những “ma hồn trận” do sự dối trá gây ra. Nó tạo ra môi trường tranh tối tranh sáng rất thuận lợi cho các loại tội phạm, kể cả ma-fia dân sự và ma-fia chính trị .Có thể nói không ngoa rằng căn bênh dối trá đã và đang làm hỏng những thế hệ người Việt. Và giờ đây nó đang thực sự phá hỏng uy tín của Đảng lãnh đạo. Nó cũng đang tấn công vào lợi ích sống còn của dân tộc bằng cách phá hỏng mọi kế hoạch phát triển của chính quyền đồng thời làm xói mòn lòng tin của người dân đối với chế độ. Nó khiến mọi chủ trương chính sách, mọi kế hoạch, dự án của nhà nước dù đúng đắn cũng có thể bị nghi ngờ, thậm chí bị phá sản bởi vì mọi khái niệm đúng/sai đã bị đánh lộn sòng. Có lẽ chưa bao giờ người dân tỏ ra không tin vào mọi quyết sách của nhà nước như bây giờ sau khi họ đã học được những bài học cay đắng do sự dối trá gây ra. Nói cách khác, người dân đã bị lừa dối quá nhiều bởi những thực tế phũ phàng, trong đó có rất nhiều những công trình xây dựng kém chất lượng do bị các nhóm lợi ích đánh cắp trong quá trình thi công. Tuy mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm nhưng những vụ tham nhũng như PU 18, Lã Thị Kim Oanh, ODA Hành lang Đông-Tây, những vụ nhượng bán rừng và hầm mỏ cùng với những vụ thất thoát bạc nghìn tỷ của Vinashin, Vinalines, Dung Quất và của hàng loạt “anh cả đỏ” đang trên bờ vực phá sản khiến dư luận xã hôi hết sức bất bình và bất tín. Sự kiện rò nước tại con đập Sông Tranh 2 hiện nay là một ví dụ điển hình của loại "tội phạm kép"- tham nhũng và dối trá. Người dân không mất lòng tin sao được trước hàng loạt những vụ việc như nói trên. Dù không có hình thức bỏ phiếu thăm dò dư luận, nhưng bằng trực giác cũng có thể thấy uy tín của Đảng và của giới lãnh đạo đã giảm sút nghiêm trọng đến mức nào. Uy tín giảm sút bi đát đến mức có hiện tượng phổ biến là mỗi khi thấy vị lãnh đạo A,B,C… xuất hiện trên TV người xem lập tức chuyển kênh hoặc tắt máy cho bỏ tức! Đã lâu rồi không còn nữa câu chuyện kính trọng và thần tượng lãnh tụ, thay vào đó là những thái độ miệt thị rất bi hài. Đó là sự thật. Và sự thật này đang tăng lên một cách đáng kinh ngạc trên quy mô cả nước. 
Thiết nghĩ, để thực sự chỉnh đốn Đảng và chỉnh đốn thành công, nên chăng trong nhiều việc cần làm thì việc đầu tiên là phải chữa trị căn bệnh dối trá đang lan tràn ở đất nước này. Ví dụ, người dân không thể chấp nhận những ứng cử viên vào các chức vụ lãnh đạo mà lý lịch không rõ ràng, thậm chí cha mẹ đích thực là ai cũng không biết. Bộ máy công quyền không thể cứ tiếp tục dung nạp mãi những tấm bằng rởm có được bằng tiền hoặc các thủ đoạn dối trá. Không thể nói mãi "chính quyền của dân, do dân, vì dân" trong khi vẫn tiếp tục "hành dân" trong những công vụ đơn giản hàng ngày như khai sinh, khai tử, đăng ký hộ tịch...Thật phi lý khi chính quyền nắm trong tay mọi quyền lực chức năng mà không thể bảo vệ được người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả và thực phẩm độc hại. Một vấn đề cấp thiết nữa là, phải đảm bảo quyền của mọi công dân Việt Nam được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, minh bạch về chủ quyền toàn và vẹn lãnh thổ, biển đảo của tổ quốc mình. Nghịch lý thay, bên cạnh Điều lệ đảng còn có đến 19 điều cấm đối với đảng viên mà không sao cấm được tệ nạn dối trá (?)./. 

No comments:

Post a Comment