Monday, 26 March 2012

Du học sinh theo chương trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bị lạm dụng tình dục

March 23, 2012

Ðiều tra của NBC News


NEW YORK (NV) - Theo điều tra của NBC News, hàng chục học sinh ngoại quốc du học tại Hoa Kỳ từng bị những phụ huynh bảo trợ người Mỹ hiếp dâm, lạm dụng tình dục hoặc bị sách nhiễu, tại nhiều thị xã, thành phố trên toàn quốc.

Bài viết trên trang MSNBC.com, nói về trường hợp các sinh viên du học nước ngoài, theo chương trình của Bộ Ngoại Giao, bị lạm dụng tình dục tại Hoa Kỳ. (Hình: Người Việt)
Trong một trường hợp nổi bật nhất, có ít nhất bốn du học sinh bị cùng một người đàn ông, là người bảo trợ, lạm dụng tình dục. Vụ này kéo dài trong suốt hai năm mặc dù nạn nhân thứ nhất đã gióng lên hồi chuông báo động.

Christopher Herbon, từ Ðức sang, nói với NBC News trong cuộc phỏng vấn truyền hình đặc biệt ở Rock Center: “Ông ấy bảo tôi ‘Ðây là văn hóa Mỹ Quốc’ và tôi nên tập làm quen là vừa.”
Tổ chức từng sắp xếp để họ đến ở với người bảo trợ, bị tố cáo tội thông đồng che giấu, hầu bảo vệ uy tín.
Mỗi năm có hơn 25,000 thanh thiếu niên từ khắp thế giới đến Mỹ, theo chương trình do Bộ Ngoại Giao giám sát, được ngợi ca là một phần của toàn bộ chương trình ngoại giao.
Hầu hết các thanh thiếu niên đều có nhiều kinh nghiệm và những trường hợp lạm dụng tình dục đều được xem là hiếm hoi. Nhưng điều tra của NBC News khám phá có hai khuyết điểm quan trọng trong hệ thống. Việc thiếu giám sát khiến những kẻ lạm dụng tình dục dễ dàng lợi dụng chương trình. Khi có xảy ra việc lạm dụng tình dục, chứng cớ cho thấy du học sinh bị trả về nước mà không có sự yểm trợ nào từ các tổ chức phụ trách về du học hay Bộ Ngoại Giao.
Có hơn 80 tổ chức phải trả một lệ phí để được Bộ Ngoại Giao đóng dấu chấp thuận, công nhận như là “tổ chức bảo trợ,” cho phép họ gửi du học sinh đến ở với các gia đình bảo trợ trong một niên học. Mỗi tổ chức phải tuân theo những qui định nhằm bảo vệ du học sinh khỏi bị hại.
Các gia đình bảo trợ không nhận được một khoản phí đền bù nào, nhưng phụ huynh của du học sinh có thể phải trả hơn $10,000 cho con cái họ ở nước ngoài trong một năm. Theo hồ sơ xem được từ cơ quan thuế vụ IRS, NBC News nhận thấy, các tổ chức lớn nhất thu vào trung bình 7 triệu dollar mỗi năm.

Càng có nhiều du học sinh được họ gửi đi, họ thu lợi càng nhiều thêm. Nhiều chỉ trích cho rằng, khoản lợi nhuận về tài chánh này khiến tạo nên một môi trường chín mùi cho sự lạm dụng.
Luật Sư Irwin Zalkin, người cùng Luật Sư Andrea Leavitt, đại diện cho Herbon và ba du học sinh bị lạm dụng tình dục khác nhận định: “Những cơ quan bảo trợ này kiếm được bộn tiền từ mỗi du học sinh. Vì mối lợi quá lớn, họ đưa trẻ con đến bất kỳ nhà nào, bất cứ nơi đâu mà chưa hề điều tra kỹ.”

Câu chuyện của Guillaume

Vào Tháng Tám 2003, năm trước khi Herbon đến Mỹ với tư cách là một du học sinh, Guillaume Le Mayeur, 18 tuổi, từ Bỉ, hăm hở khăn gói thực hiện chuyến hành trình qua Hoa Kỳ.
Cha mẹ Guillaume bỏ ra tương đương với $10,200 cho con trai họ sang sống ở ngoại quốc một năm. Một cơ quan của Bỉ thuộc chương trình World Education sắp xếp với một tổ chức của Mỹ có tên là Educational Resource Development Trust, viết tắt là ERDT.

Le Mayeur hy vọng được sống tại New York hoặc Los Angeles nhưng thay vì vậy, em được ERDT gửi đến cư trú trong một trailer tồi tàn ở vùng quê tiểu bang Arkansas. Người cha bảo trợ em đến sống chung là một người đàn ông 34 tuổi tên Doyle Meyer.
Khi Mayeur mới dọn đến, ông Meyer đang cùng ở chung chiếc trailer chật chội với vợ và một du học sinh khác.
Le Mayeur kể lại: “Khi mới đến đó, em thấy hơi thất vọng... nhưng rồi em tự nhủ, ‘Ðằng nào thì mình cũng sang đây rồi. Mình phải thích nghi với hoàn cảnh... gắng hết sức và chấp nhận.'”
Le Mayeur nói, trong tháng đầu ông Meyer bắt đầu nói chuyện về tình dục, rồi sờ và ôm em, kể cả dụ em vào ngủ chung giường nhưng em không bằng lòng. Le Mayeur tiếp: “Ông ta ôm em, ông cứ ôm hoài. Ông hay cầm tay và đòi em lên nằm trên ngực khi ông xem TV.”
Em Le Mayeur cho biết, ông Meyer mua rượu và cần sa cho các du học sinh khác ở gần đó, cho chúng coi phim con heo, xúi chúng cho ông xem chỗ kín và có lần dùng tay để đo kích thước nữa.
Trên chuyến đi Washington DC với các em khác thuộc tổ chức ERDT, cùng các nhân viên điều hợp, Le Mayeur nói ông Meyer cho phép các em du học sinh thu hình hai thiếu niên đang làm tình và cùng họ xem lại cuốn băng thu. Vẫn theo mô tả của NBC News.
Các em ngủ hai em một giường tại một motel địa phương và Le Mayeur bị chỉ định ngủ chung giường với ông Meyer. Khi ông này xoa lên bụng và sờ vào chỗ kín của Le Meyeur thì em nhảy ra khỏi giường.

Khi trở lại Arkansas, Le Mayeur nói em tìm cách báo cáo với người điều hợp ở địa phương là bà Pat Whitfield về hành vi vô trách nhiệm của ông Meyer. Le Mayeur muốn lấy hẹn gặp riêng với người này nhưng thay vì vậy bà ta lại gọi cho ông Meyer và mời ông đến ngồi nghe. Le Meyeur kể: “Thế là em không thể trình bày hết điều mình muốn nói, trong khi họ có vẻ rất thân tình với nhau.”
Theo Le Mayeur, ông Meyer bắt đầu có ý định tống khứ em ra khỏi chương trình không ngoài mục đích là để em phải im miệng. Ông Meyer báo với cấp điều hành của ERDT rằng em có lái xe hơi, là điều vi phạm qui định của chương trình, kể cả hút cần sa, cả hai Le Meyeur đều nhận là có.
Theo NBC News, ERDT sau đó tống cổ Le Mayeur về nước. Tại Bỉ, em thấy xấu hổ và bị gia đình xa lánh vì để cho bị đuổi. Le Mayeur lấy can đảm viết một email gửi cho ban điều hành ERDT kể lại chi tiết việc xảy đến với em và các du học sinh khác, đồng thời cảnh cáo họ phải có hành động để che chở các du học sinh khác. Trong email có đoạn em viết: “Theo tôi phải có hành động nào đó hầu chận đứng càng nhanh càng tốt... vì một ngày nào đó điều tệ hại sẽ xảy ra.”
Sau khi nhận được email, ERDT không báo cáo lại cho cảnh sát, thay vì thế, tổ chức này tự mở cuộc điều tra riêng và sau đó xác nhận trong bản thú nhận năm 2010, rằng họ không có kinh nghiệm trong việc điều tra về xâm phạm tình dục.

“Ðem rác giấu dưới thảm”

Andrea Leavitt, luật sư đại diện nguyên đơn nói, tổ chức ERDT đã bao che để giữ thanh danh của tổ chức, thay vì quan tâm đến sự an toàn của du học sinh, là người mà họ phải có trách nhiệm. Bà Leavitt nói: “Cha mẹ của các em mới đến sau không hề được thông báo về sự kiện xảy ra, ngay bản thân chính các em cũng không hề được biết đến. Không có khuyến cáo. Mọi sự đều bị giấu kín. Quả là một cơn ác mộng cho các phụ huynh. Thay vì bảo vệ các em đang trong tình trạng nguy hiểm thì họ lại lo bảo vệ chính mình để khỏi bị trách nhiệm và tai tiếng.”

Giám đốc ERDT, Kelli Jones viết cho ban điều hành, hỏi họ cung cấp cho bà những tính chất “tích cực” về ông Doyle Meyer, khi bà chuẩn bị viết báo cáo gửi cho công ty tổ chức du học sinh WEP của Bỉ.
Tháng Tám 2004, hai tháng sau khi nhận được email từ em Le Mayeur, bà Jones viết cho ban điều hành nói rằng, ông Meyer nên biết rằng ERDT “đã phải làm nhiều việc, bỏ ra nhiều thời giờ và công sức để giữ ông khỏi tiếng xấu, đồng thời yểm trợ tiếng tốt của ông”. Về phía em Le Mayeur, bà xoay qua tiếp tục làm ô danh em qua điều bà viết: “Theo tôi thì mọi sự chưa có xong đâu. Le Mayeur có thể còn cứ nuôi dưỡng ý tưởng xấu xa trong đầu.”
Năm sau ERDT không để cho ông Meyer làm cha bảo trợ nữa nhưng vẫn giao cho ông ta làm việc cho tổ chức với tính cách điều hợp viên, lo việc giám sát các em.
Theo một điều hợp viên tên Theresa Benevides và một người cha bảo trợ tên David Krenn, ông Meyer được coi như “có chỗ đứng cao,” nhờ ông có công tìm được nhiều gia đình chịu bảo trợ du học sinh. Bà Benevides nói: “Ông ta chọn chỗ cho khoảng 20 em. Ông ta là người đáng giá của ERDT vì ông mang lại cho họ được thật nhiều tiền.”

Lạm dụng tình dục hồi thứ hai

NBC News kể tiếp, Mùa Thu 2004, Meyer làm điều hợp viên cho em Christopher Herbon, 16 tuổi. Herbon nói em không thấy sung sướng phải sống với cặp vợ chồng già không con cái ở một nơi hẻo lánh. Em đem điều này nói với ông Meyer, thế là vào đầu năm 2005, ông ta sắp xếp để em đến ở chung với ông. Vào thời gian này ông ta đã ly thân với vợ và đang sống chung với một du học sinh khác ở vùng ngoại ô của Little Rock.
Herbon kể rằng không lâu sau khi mới dọn đến, ông Meyer bắt đầu cho em uống rượu và Oxycontin. Em nói có một lần khi em say, ông ép em phải cho ông xem chỗ kín, kể cả cho em uống thuốc làm cứng dương vật. Em Herbon tâm sự: “Em sợ nếu làm phật lòng ông ta thì ông sẽ đuổi em và em sẽ bị gửi về nước. Em không muốn ba mẹ em bị thất vọng.”
Ngoài Herbon, Meyer còn lạm dụng tình dục đối với nhiều du học sinh khác trong niên học đó. Khi một trong các em đó kể lại với bà Benevides thì bà liền báo ngay với cảnh sát và ông Meyer bị bắt vào Tháng Năm 2005.

“Hãy nhớ câm mồm đi”

Khi vụ bắt giữ được loan ra, bà Benevides nói, cấp giám đốc của ERDT lập tức bay qua Arkansas, bảo các điều hợp viên không được nói gì đến vụ lạm dụng tình dục. Theo bà, tại cuộc họp ở Arkansas, bà giám đốc Jones bảo bà: “Hãy nhớ câm mồm đi.”
Ông Meyer nhận tội tấn công tình dục cấp độ một và bị ở tù bốn năm theo bản án sáu năm tù giam. Khi NBC News tìm cách tiếp xúc với ông bằng điện thoại tại trại gà của mẹ ông ở Arkansas, ông từ chối không chịu nhắc đến câu chuyện, nại cớ rằng thời gian quản chế sắp mãn hạn và ông muốn tiếp tục cuộc đời mới.
Trong một văn bản gửi cho NBC News, luật sư của ERDT, ông Michael Sidley nói, tổ chức này “không bao giờ cố tình che đậy chuyện gì cả...”
Năm 2010, hai luật sư Zalkin và Leavitt cùng nộp một đơn kiện dân sự, kiện ERDT về trường hợp của các em Le Mayeur, Herbon và hai du học sinh khác. ERDT giải quyết vụ kiện bằng cách trả một số tiền không được tiết lộ nhưng không nhận có trách nhiệm.
Kelli Jones, sau đó được thăng lên làm chủ tịch ERDT, từ chối không chịu bình luận về câu chuyện.
Ðiều hợp viên cấp vùng của ERDT, người lo vụ điều tra, hiện vẫn giữ nguyên chức vụ. Riêng Whitfield, người từng là bạn của ông Meyer và cũng là điều hợp viên thì bị đuổi việc. Hiện bà đang làm việc cho một tổ chức dàn xếp du học sinh sang Mỹ khác, bà này cũng từ chối không cho phỏng vấn.

Bộ Ngoại Giao binh vực cho chương trình của mình

Khi được hỏi tại sao tổ chức ERDT vẫn còn hoạt động sau khi có vụ như trên xảy ra, thì phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, bà Toria Nuland nói, ERDT là một trong những tổ chức có công giúp bộ thảo ra các qui định mới trong những năm gần đây, giúp các du học sinh được che chở khỏi bị lạm dụng tình dục tốt hơn.
Bà Nuland nói: “Họ đang chấp hành tốt trong khi chúng tôi xiết chặt hơn các qui định bằng những tiêu chuẩn cải tiến hơn, đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn tiếp tục trả lương cho họ. Chính họ cũng kinh hoàng trước sự vụ và cũng trở thành nạn nhân của vụ này.”

Năm 2009, Bộ Ngoại Giao yêu cầu văn phòng Tổng Thanh Tra điều tra Chương Trình Trao Ðổi Du Học Sinh Trẻ Tuổi, sau khi có một loạt báo cáo về tình trạng ngược đãi du học sinh.
Báo cáo của văn phòng Tổng Thanh Tra nhận thấy thiếu sự giám sát Chương Trình Trao Ðổi Du Học Sinh Trẻ Tuổi ở mọi cấp, liên lạc giữa cấp điều hành thiếu chuyên nghiệp, thiếu cả nguồn nhân lực lẫn tài chánh tại văn phòng điều hành chương trình, và có sự “giả định sai lầm,” rằng các tổ chức trao đổi du học sinh đã tự lo việc giám sát.
Theo bà Nuland, kết quả là Bộ Ngoại Giao cho tăng cường nhân viên giám sát chương trình, loại bớt một số tổ chức khỏi danh sách bảo trợ, đồng thời áp dụng qui định mới để có thể kiểm soát chu đáo hơn các gia đình bảo trợ.
Thêm vào đó, theo bà Nuland, trước khi du học sinh đến Mỹ, từ nay họ sẽ nhận được những thông tin về quyền lợi, và giải thích sẽ làm gì khi gặp phải vấn đề tại Hoa Kỳ hay với gia đình bảo trợ họ đến chung sống.

Nói cho cùng, chương trình trao đổi du học sinh vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề, và ERDT không phải là tổ chức duy nhất có liên quan đến rắc rối. Ðiều tra của Rock Center nhận thấy 14 tổ chức khác có du học sinh bị lạm dụng tình dục hoặc bị phụ huynh gia đình bảo trợ sách nhiễu. Nhiều tổ chức phải đối diện với các vụ kiện tụng vì đã đặt các học sinh vào tình trạng nguy hiểm.
Bà Nuland nói, theo quan điểm của Ngoại Trưởng Hillary Clinton, dù một em sang Mỹ qua chương trình này mà bị lạm dụng tình dục cũng được xem như là quá nhiều. Nuland kết luận: “Tiêu chuẩn của chúng tôi là hoàn toàn không dung thứ. Do vậy nếu có báo cáo vi phạm tức có nghĩa là chúng tôi chưa đạt đến tiêu chuẩn đó. Việc cải đổi chúng tôi đặt ra đã đủ chưa? Theo tôi chúng tôi cần phải quan sát thêm trong vài tháng tới để xem sự việc đi đến đâu. Tuy nhiên chúng tôi tuyệt đối cam kết vẫn tiếp tục xiết chặt các qui định này và cải tiến chương trình cho đến khi chúng tôi đạt được con số không.” (T.P.)

 

No comments:

Post a Comment