Thursday, 29 March 2012

Có một Hội An tử tế

Gs Nguyễn Văn Tuấn Trên mọi nẻo đường đất nước trong thời hội nhập, tìm một nơi chốn tử tế với du khách là cả một thách thức. Nhưng tôi biết có một nơi thật sự tử tế với du khách: Hội An. Đúng như Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét, đến Hội An không thấy bóng dáng của công an, cảnh sát. Và, người Hội An rất dễ mến. Kì công tác vừa qua ở bên nhà, tôi lại có dịp tạt qua Hội An một vài giờ, và dù là lần thứ ba đến đây, tôi nghĩ quả thật đây là nơi chốn du khách không thể bỏ qua.
Ý định đi Hội An đã hình thành từ lúc tôi còn ở Đà Nẵng. Trên máy bay từ Cam Ranh, ngồi bên cạnh một người Tây mà sau vài phút trò chuyện tôi được biết ông là người Úc, tức là đồng hương của tôi. Chuyện trò rơm rả về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Ông là một kĩ sư của hãng hàng không Qantas, và nhân dịp mới nghỉ hưu ông đi du lịch Việt Nam. Ông khách thộc vào hạng du khách có tri thức và suy nghĩ. Ông nói với tôi rằng đi thăm mấy viện bảo tàng chiến tranh VN rất chán, vì tất cả các viện chỉ trình bày câu chuyện chiến tranh một chiều, thiếu khách quan. Tôi chỉ biết im lặng trước lời phê phán đó, mà tôi nghĩ là không sai. Câu chuyện xoay quanh nên đi đâu trong thời gian ở Đà Nẵng, và tôi không ngần ngại nói ông nên ghé thăm Hội An. Đã từng ghé qua Hội An 2 lần trước đây, và lần nào cũng để lại trong tôi ấn tượng đẹp, nên gặp ai tôi cũng giới thiệu và khuyến khích ghé thăm Hội An. Tôi không dám đề cập đến Sài Gòn xô bồ, càng không dám nói đến Hà Nội đắt đỏ một cách chụp giật, và dứt khoát tránh xa Huế và Vịnh Hạ Long là những nơi có thể nguy hiểm cho du khách. Theo tôi nghĩ, chỉ có Hội An mới “đại diện” cho một Việt Nam hiền hoà và hiếu khách. 
Phi trường Đà Nẵng làm tôi ngạc nhiên. Mới vài tháng trước đây, phi trường này vẫn còn khá “bộn bề”, chưa ra dáng vẻ gì là phi trường của một thành phố năng động. Ấy vậy mà nay, có lẽ qua vụ “trảm tướng”, phi trường đã khá bề thế, khang trang, và … xán lạn. Mới vào nhà ga tôi đã thấy có người mặc hình nộm giơ tay chào đón du khách. Vài người chạy đến chụp hình chung với người mặc hình nộm làm kỉ niệm. Một quang cảnh vui vui. Tôi quay sang nói đùa với TĐT (một nhân viên của MSD mà tôi mới quen và bạn đồng hành với tôi trong chuyến đi từ Nha Trang) rằng ông Nguyễn Bá Thanh đúng là người biết làm du lịch. Chỉ một vài cử chỉ nhỏ, có thể là màu mè, ở phi trường cũng đủ làm cho khách ghé thăm cảm thấy ấm lòng và mình được chào đón -- welcome. 
Đến Đà Nẵng, tôi và ĐT đi một vòng thành phố. Ngồi ăn trưa trong một quán ăn ngay bên cạnh bờ biển rất thơ mộng, tôi hỏi ĐT mình định đi đâu sau buổi symposium. Hội An. Chúng tôi đồng lòng như thế. Đối với tôi, Hội An không còn là mới nữa, vì đây là lần thứ 3 tôi ghé qua thành phố bé nhỏ mà dễ thương này. Còn đối với ĐT thì hình như đây là lần đầu anh ta đi Hội An. Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi biết như thế, vì thấy anh ta là một người lịch lãm và worldly, vậy mà chưa đến Hội An lần nào! Nghĩ thế thôi, chứ có một người bạn đồng hành đi Hội An thì còn gì hay hơn. 
Hơn 6 giờ chiều, chúng tôi khởi hành. Chuyến đi còn có thêm BT (cũng là người của MSD), mới bay từ Nha Trang đến. BT là người dân Đà Nẵng, nhưng hình như rời quê từ lúc còn nhỏ, nên chị này …. chẳng biết gì cả. Trên đường từ Đà Nẵng đi Hội An, dù hết resort này đến những khu biệt thự khác, nhưng vẫn không xoá được cái nghèo đeo đẳng người dân ở đây. Những chiếc xe Honda cũ kĩ gồng gánh trĩu nặng hàng hoá có lẽ đang tiếp vận cho các nhà hàng, quán ăn ở Đà Nẵng. Thỉnh thoảng còn thấy những con bò trên đường về chuồng (?). Những hình ảnh đó như nhắc nhở tôi rằng đây vẫn là vùng đất của nghèo nàn, đến sự cách biệt quá lớn giữa người giàu và người nghèo. Mà, cách biệt càng lớn thì nguy cơ xã hội suy sụp càng cao, nghe mấy nhà kinh tế xã hội nói thế. Nghĩ đến đó, tôi thấy những resort sang trọng (nghe nói có cái giá cả ngàn USD một đêm) mọc lên san sát bên bờ biển có cái gì đó phản cảm, rủi ro. Chợt lan man liên tưởng đến những bóng đèn néon trên bàn thờ Phật. 
Tôi đến Hội An cũng quá 7 giờ tối. Hai bên đường gần phố cổ lung linh đèn lồng. Chính những ánh sáng toả ra những đèn lồng này (chứ không phải đèn néon) phản chiếu từ nước sông mới thật sự làm nên một Hội An quyến rũ. Những ánh đèn nhẹ nhàng hắt ra từ những mái nhà cổ rêu phong tạo nên một đặc điểm rất Faifo. Chỉ cần đi một vòng khu phố cổ cũng cảm nhận được từng centimetre lịch sử của một trong những thương cảng sầm uất nhất vùng Đông Nam Á vào thế kỉ 17-18, một vùng đất từng dung hoà các nền văn hoá Việt Nam, Trung Hoa, Nhật, Ấn Độ, Ả Rập để hoà quyện thành một văn hoá Faifo. 
Đến nơi mới biết đêm nay Hội An có chợ đêm. Chưa bao giờ nghe đến “chợ đêm” phố Hội. Hai lần trước toàn ở khách sạn hay bận bịu tiếp khách trong nhà hàng nên nào có biết đến phố đêm, và thế là lần này tôi hào hứng đi một vòng cho biết. Chợ đêm Hội An thực chất là một bazaar như chúng ta hay thấy ở các nước Ả Rập. Tuy nhiên chợ đêm Hội An có vẻ trật tự và văn hoá hơn các chợ bazaar ở Saudi Arabia mà tôi từng ghé qua. Phần lớn là những quầy bán đồ lưu niệm. Đi khoảng nửa giờ đồng hồ đã hết chợ và bắt đầu đi ngược lại. Không ai chèo kéo, hay ép mình phải mua hàng, như hay thấy ở Chợ Bến Thành (rất phiền phức), hay Chợ Đồng Xuân (càng kinh dị), hay ở Huế (càng nguy hiểm). Ở đây (Hội An), ai cũng tỏ ra rất thật thà và dễ mến. Tôi lang thang hết gian hàng này đến gian hàng khác, nói chuyện với người bán hàng thì nhiều mà mua thì … ít. Phần lớn họ là những người sống bên kia sông chủ yếu làm nghề nông, khi xong mùa vụ, họ quay sang làm nghề thủ công (thêu, làm đồ gỗ) và sản phẩm được bày bán ở đây. Nghe qua giọng nói và cách phát âm, tôi có thể đoán được phần lớn những người bán hàng ở đây là dân Quảng Nam và Huế. Thoạt đầu nghe qua thì hơi khó một chút, nhưng nghe một hồi tôi thấy yêu cái giọng Quảng này! 
Không có ý định mua gì trong chuyến đi này, thế mà chỉ vì bị thuyết phục bởi một giọng Quảng tôi phải mua một cái túi xách. Thấy túi xách hay hay, có thêu những cảnh nổi tiếng của Hội An, tôi cũng có ý định mua làm quà cho đứa cháu nhưng lần này không về quê nên chỉ xem qua. Nhưng cô bán hàng nói một câu làm tôi phải rút ví ra mua. Bằng một chất giọng đặc biệt Quảng Nam, cô ấy nói: Chú ơi, cái ni con phải làm 2 ngày mới xong đó. Trời ơi! Hai ngày để xong một cái túi xách này, mà với cái giá này ư? Làm sao tôi có thể bỏ qua người đồng hương vừa dễ mến vừa hard-working này. Tôi cố tìm một tờ giấy bạc với hi vọng cô ta không có tiền thối lại, và như thế là một cách tôi gián tiếp tặng một số tiền nhỏ. Tôi sợ cô ta tự ái, nên giả bộ nói không có tiền lẻ, cháu thông cảm lấy tờ này. Không ngờ cô ta đưa thêm một cái ví nhỏ khác như là một món hàng thay cho tiền thối. Rất tư cách và đáng phục chưa! 
Chuyến đi Hội An lần này tôi lại có thêm một kỉ niệm nhỏ khác về một em bé mà tôi tạm gọi là em bé Hội An. Rời khu phố đêm, đi ngang qua cầu tôi chú ý đến một em bé độ 10 tuổi hay nhỏ hơn đang nói chuyện (hay trả lời câu hỏi) của một ông khách Tây. Where are you from? (Ông từ đâu đến?) là câu hỏi của em bé. Tôi dừng lại và đứng bên kia cầu để theo dõi (chứ không nghe câu chuyện) đối thoại của hai người. Em bé đứng tựa vào thành cầu, còn ông Tây tay cầm máy chụp hình thì đang khom lưng xuống để nói chuyện với em. Một cảnh tượng rất vui mắt. Em bé nói tiếng Anh một cách hết sức tự tin, tuy chưa phải là hoàn chỉnh lắm, nhưng cũng chẳng kém gì trình độ tiếng Anh của ông khách Tây (mà tôi đoán ông không phải là người đến từ nước nói tiếng Anh). Tôi chợt nghĩ em bé này cỡ tuổi bé Kim Thi (cháu của tôi), đáng lẽ giờ này nó phải ở nhà học bài hay xem tivi, chứ đâu phải ở đầu cầu này. Chờ cho ông khách Tây đi, tôi mon men đến gần để hỏi thăm em cho biết chuyện. Trò chuyện vài phút tôi mới biết em theo gia đình ra đây buôn bán trong khu phố đêm bên kia cầu. Em thì chẳng có việc gì làm nên thường hay đứng cầu để … hóng gió mát trong buổi tối oi ả này. Một thoáng buồn trong tôi. Tôi lại liên tưởng đến những em bé cùng ba má đại gia đang vui chơi trong các resort sang trọng trên đường đi từ Đà Nẵng về đây. Cũng tại cái nghèo mà em ở đây. Tôi nghĩ với tư chất thông minh như thế, nếu em bé này ở nước ngoài thì biết đâu em sẽ là một nhân tài của Việt Nam trong tương lai. Nhưng còn ở đây, với cái nghèo đeo đuổi, thì tương lai của em sẽ ra sao, hay là mai kia mốt nọ lại trở thành người bán hàng vừa bán cho tôi cái xách tay. Ngày nào mà xã hội còn để cho những em bé này đứng ở đây thì ngày đó xã hội VN chưa thể gọi là "phát triển" được. 
Đi một vòng, xem biểu diễn nhạc xong, tôi gặp M từ Kiên Giang ra đây họp hành gì đó với các quan chức trong Bộ Giáo dục & Đào tạo trong nhóm VEF. Hai anh em kéo nhau đi ăn mì Quảng. Chủ quán cảnh báo rằng làm món này hơi lâu. Có sao đâu, món ngon phải cần thời gian mà. Ngon ơi là ngon! Chưa uống xong lon bia đã nhận điện thoại của BT và QT hối về lại Đà Nẵng. Trời, mới hơn 10 giờ, còn sớm chán, hai người này sao mà gấp gáp quá vậy. Nói thế thôi, chứ tôi cũng chuẩn bị ra xe, kẻo không thì hai em ấy đợi cũng kì. Vui nhất là nhìn thấy BT co ro trong cái áo lạnh, trong khi nhiệt độ ngoài trời lúc đó chỉ độ 20-21 độ C! Khi kêu tính tiền, M kêu lên “Ôi, sao rẻ vậy”. Tôi thì không ngạc nhiên về giá cả rất khiêm tốn ở đây. Tôi đã có kinh nghiệm lần trước (Một Chút Hội An). Tôi nghĩ chính vì điểm này mà Hội An là một phố tử tế, một nơi vẫn còn thu hút du khách (chứ không phải những nơi mà khách “một đi không trở lại” như Vịnh Hạ Long, Hà Nội, Sài Gòn, và Huế). 
Đến Hội An để nhìn thấy sự hiện đại hóa về làng và để cảm nhận một chút nỗi niềm hoài cổ, cô đơn. Một chút xót xa, ray rứt. Một thoáng rợn ngợp trước sự hiện đại một bên, và một tiếng thở dài cam chịu ở bên kia đồng ruộng. Đi trên đường làng trải nhựa bằng xe ôtô đắt tiền, hai bên là đồng ruộng xanh rì, tôi thấy người Hội An cứ như là đang đi trên lằn ranh của các thái cực, và chính lằn ranh đó dựng lên một thế giới riêng, một đạo riêng, đạo của cái đẹp, đạo của văn hóa, đạo của tình tự quê hương. Tất cả làm nên một sắc thái Hội An không có nơi nào có được. 
Để giữ được "đạo Hội An" như ngày nay trong cơn lốc của kinh tế thị trường quả không dễ. Cái công đó có lẽ một phần là của lãnh đạo. Nếu lãnh đạo bất tài và kém văn hoá thì chắc chắn Hội An đã “chết” như nhiều nơi khác từ lâu. Nhưng Hội An may mắn có Nguyễn Sự, người lãnh đạo có bản lĩnh văn hoá cao, có tâm và có tầm, người mới được giải thưởng văn hoá Phan Chu Trinh vào tuần qua. Trong bài diễn từ, ông Nguyễn Sự nói “tôi biết Hội An là của mọi người, là thành tựu văn hóa, là tài sản chung của đất nước.” Quả không sai, Hội An là một tích tụ văn hoá và là tài sản chung của Việt Nam. Nhưng chúng ta cần nhiều Hội An tử tế trên đất nước trong thời kì hội nhập. Chúng ta cũng ước mong có nhiều Nguyễn Sự từ cấp trung ương đến địa phương trên 3 miền đất nước. 
Khi đất nước tôi thanh bình 
Tôi sẽ đi không ngừng, 
Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam 
Tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên 
Chuyện non nước mình “Đi chung cuộc mừng và quên chuyện non nước mình...” 
(Trịnh Công Sơn) 
Vài hình chợ đêm phố Hội (nguồn: báo QĐND) 

Cổng khu chợ đêm Nguyễn Hoàng được trang trí hết sức bắt mắt 

Dãy các cửa hàng đèn lồng nằm san sát nhau tạo cho khu chợ vẻ đẹp lung linh, huyền ảo 

Hình ảnh đông đúc, náo nhiệt của khu chợ đêm 

Quán bán các món đặc sản của Hội An phục vụ khách du lịch

No comments:

Post a Comment