Friday 27 April 2012

Gương dũng cảm của Luật sư mù Trần Quang Thành trước bạo lực tại Trung Quốc

Thứ sáu 27 Tháng Tư 2012
Luật sư mù Trần Quang Thành.Luật sư mù Trần Quang Thành.


***

Tú Anh
Ngày 27/04/2012, báo chí quốc tế bất ngờ nhận được tin « luật sư chân đất Trần Quang Thành đã thoát hiểm và đang ẩn náu tại một nơi 100% an toàn ». Ít nhất một thành viên của mạng lưới tranh đấu đã bị công an bắt tại Nam Kinh nhưng họ khẳng định Trần Quang Thành đang ở Bắc Kinh sau khi vượt thoát khỏi huyện Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, nơi ông bị quản thúc từ tháng 9 năm 2010 sau 4 năm tù tội.

Tin « luật sư chân đất » Trần Quang Thành thoát hiểm đã gây chấn động tại Trung Quốc. Mặc dù nhà riêng bị 60 công an canh giữ ngày đêm, luật sư mù vẫn thoát ra được và rút vào vòng bí mật. Từ nơi an toàn , ông tiếp tục tranh đấu qua lời trình bày những tội ác của cán bộ tham ô và kêu gọi thủ tướng Trung Quốc bảo vệ gia đình ông trừng phạt kẻ gian.
Năm nay 40 tuổi, do bị bệnh mắt từ thuở nhỏ làm thị lực suy giảm, Trần Quang Thành là một luật sư tự học. Trước khi bị kết án tù vào năm 2006, ông đã từng bị quản thúc và nhiều lần bị công an và « côn đồ » hành hung chỉ vì bảo vệ những phụ nữ quê mùa nạn nhân của chính sách một con.

Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 2006, tuần báo Times của Hoa Kỳ đưa ông vào danh sách « 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới ». Hoài bão chống bất công xã hội đã lớn dần theo tuổi thơ của Trần Quang Thành. Ông chào đời tại tỉnh Sơn Đông, chiếc nôi của những câu chuyện anh hùng hiệp khách Thiếu Lâm Bắc Phái trừ gian diệt bạo, đêm đêm ra tay cắt đầu quan chức hung ác với dân. Theo lời người anh Trần Quang Phúc, thì những tác phẩm kiếm hiệp này mà thân phụ đã đọc cho đứa con mù lòa nghe hàng ngày đã làm dậy lên trong lòng Trần Quang Thành tinh thần tranh đấu cho công lý.
Vì mù không không thể theo học luật tại đại học, ông nhờ anh của mình đọc bài giảng cho nghe. Tinh thần kiên trì và dũng cảm giúp ông trở thành một luật gia, đem kiến thức ra chống lại những bất công tại địa phương huyện Lâm Nghi. Dân chúng tặng ông danh hiệu « luật sư chân đất » bắt chước theo từ « y sĩ chân đất » thời Mao.

Trong thập niên 1990, Trần Quang Thành lên tận Bắc Kinh phản đối tình trạng phân biệt đối xử với người tàn tật tại huyện Lâm Nghi mà trên danh nghĩa phải được luật pháp bảo vệ. Với cặp kính đen và vóc dáng của một tài tử điện ảnh, Trần Quang Thành nhanh chóng được nhiều người dân ngưỡng mộ như một anh hùng.
Năm 2005, Trần Quang Thành dẫn đầu một cuộc phản kháng chống chế độ triệt sản. Trong khi cán bộ chính quyền vi phạm chính sách này thì họ bắt nhân dân phải tuân thủ để lập thành tích thăng quan tiến chức. Hậu quả là hàng ngàn phụ nữ ở Sơn Đông phải triệt sản, phải phá thai, mặc dù trong đó có những trường hợp mang thai 7, 8 tháng.
Chính quyền trung ương đã phần nào công nhận ông có lý, một số cán bộ địa phương bị trừng phạt, nhưng sau đó ông và gia đình bị chính quyền địa phương trả thù. Thoạt đầu là đánh đập, sau đó là bị quy tội « phá rối trật tự công cộng » bị quản thúc sáu tháng rồi bị kết án tù 4 năm.
Hành động vừa trả thù vừa cô lập không làm tắt tiếng nói và quyết tâm tranh đấu. Từ sau song sắt, ông khẳng định là không bao giờ bỏ cuộc. Năm 2007, chính quyền không cho vợ ông là Viên Vĩ Tĩnh sang Philippines thay chồng nhận giải thưởng « 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới ».

Từ khi mãn hạn tù năm 2010, ông tiếp tục bị quản thúc tại gia ở làng Đông Sư Cổ, huyện Lâm Nghi. Những nhà báo quốc tế hay Trung Quốc muốn gặp ông đều đụng phải hàng rào 60 công an thường phục canh gác ngày đêm. Năm 2011, ông bị « côn đồ » đánh dập sau khi gửi một đoạn băng vidéo tố cáo điều kiện quản chế phi nhân.

Theo Asia News, thì sau khi đường dây bí mật đưa ông thoát hiểm ngày 22/04 thì đêm hôm qua, chủ tịch làng kéo một đám tay chân bộ hạ võ trang gậy gộc tấn công anh và cháu trai của ông.
Từ nơi an toàn , hành động đầu tiên của luật sư mù Trần Quang Thành là gửi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo một đoạn vidéo ngắn 15 phút. Với giọng nói xúc động nhưng nghiêm túc, ông trình bày những tội ác của cán bộ địa phương .
Ông khẳng định vợ của ông, bà Viên Vĩ Tĩnh bị một toán 10 người không mặc sắc phục tra tấn suốt 10 tiếng đồng hồ. Ông cảnh báo những đòn thù mà chế độ dành cho ông và gia đình sẽ gây « tổn hại cho hình ảnh của đảng Cộng sản » nếu chính quyền « không điều tra, không trừng phạt ».
tags: Nhân quyền - Phân tích - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120427-guong-dung-cam-cua-luat-su-mu-tran-quang-thanh-truoc-bao-luc-tai-trung-quoc

No comments:

Post a Comment