Wednesday 25 April 2012

* Tu nhơn - học Phật


Tu nhơn - học Phật


Tu là gì? 

Trước hết ta phải làm cho ta trở lại con đường thiện, sống đúng với đạo nhân, tức là đạo làm người đối với gia đình, xã hội, phù hợp với luân thường đạo lý có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Làm con thì phải hiếu thảo phượng thờ cha mẹ, anh em thì hòa thuận; chồng vợ thì lấy ân nghĩa đối đãi nhau… Nói tóm lại, người có đạo nhân là người lấy nhân nghĩa đạo đức làm phương châm xử thế, sống một đời chánh chơn cao nhã.

Đây là bước đầu của quá trình Tu luyện và cũng là nấc thang đầu tiên để tiến lên con đường đi đến quả vị Tiên Phật. Ai muốn được giải thoát, muốn thành Phật thành Tiên cũng phải trải qua nấc thang đó trước. Ví bằng chẳng hành xong nhân đạo thì không sao thành được Phật đạo.

Đức Phật thường nói: "Chúng sinh là Phật sẽ thành". Như chúng ta đã biết Phật Tổ xuất thân từ địa vị chúng sinh, tức là từ một con người bằng xương bằng thịt đã ngộ ra chân lí và tu hành đắc quả. Chúng ta hãy nhìn vào tượng hay cốt Phật được thờ trong chùa cũng đủ thấy hình thể của Phật không khác hình thể của bao nhiêu con người mà ta đã thấy trong thế gian.

Phật từ chúng sinh mà ra. Thế nên muốn thành Phật trước phải làm chúng sinh hay nói cách khác trước khi làm Phật cần phải làm con người.

Như vậy, con người là khởi điểm của con đường tu luyện để đi đến cõi Niết bàn. Không trải qua kiếp con người thì không thể nào thành Phật được. Nhưng Phật khác hơn chúng sinh ở chỗ, Phật là người toàn thiện toàn mỹ, rốt ráo giải thoát, còn chúng sinh là con người chưa hoàn hảo, còn bị ràng buộc bởi nhiều nghiệp căn nơi cõi trần. Làm Phật tất phải thông hiểu hơn chúng sinh hàng ngàn hàng vạn lần, phải đáng cho chúng sinh thờ kính và qui mạng. Ví bằng Phật mà không làm hoàn toàn bổn phận con người , không vượt trên bực phàm thì hẳn là người phàm mà thôi. Dù có thờ cũng không được tôn trọng kính cẩn và như thế thì không là một vị Phật được. Cũng như ở đời muốn làm một vị giáo sư thì trước hết cũng phải từng làm học trò và hiểu biết hơn học trò. Nếu không từng làm học trò và hiểu biết hơn học trò thì sao làm được thầy giáo.

Sở dĩ Phật được thế nhân xưng tụng là Thiên nhân sư, Điều ngự trượng phu, Thế tôn… là vì Phật đã hoàn thành việc thế gian và vượt trên Phàm, Thánh.

Thật thế, cứ xem gương Đức Phật Thích Ca ta cũng đủ thấy. Trước hết Ngài là một người hoàn hảo nhứt. Trong ba đại A tăng kỳ kiếp, Ngài đã từng làm qua những việc Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, tín, đã từng làm vua, quan, nghệ sĩ, thầy tu, thương buôn… nhứt nhứt môn nào Ngài cũng tỏ ra siêu quần xuất chúng cả, nghĩa là Ngài đã hoàn toàn làm tròn cái đạo Nhân khi Ngài còn là con người ở thế tục.

Như thế, đạo Nhân quả là mối đạo mà người nào muốn đạt thành quả vị Tiên Phật cần phải tu trước hết. Không tu Nhân đạo trước mà chỉ chuyên tu Phật đạo thì có khác nào muốn cất nhà mà không cần xây nền đắp móng. trước sau gì cũng phải sụp đổ. 

Có câu: 


"Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo
Nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ".

Nghĩa là muốn tu đạo Tiên Phật trước phải tu đạo làm người, đạo làm người mà tu chưa xong thì đạo Tiên đạo Phật làm sao có thể tu được.

Vì vậy, khi bước vào con đường Tu học Đạo pháp, trước tiên ta phải trau sửa thân, sửa phận mình cho hoàn thiện Đạo nhân ở đời.

Có câu:

Muốn cho tỏ đạo Thánh Hiền
Đặng làm quân tử phải chuyên trau mình

Và có làm được quân tử thì mới mong gần bực Thánh Hiền được:

Sao cho văn chất lân lân
Đặng làm quân tử Thánh nhân mới gần.

Luận riêng:

Vả lại thân ta là thân Tứ đại, tất cả đều là giả, duy chỉ có ngả Tam bảo là thật. Ngươn Tinh - ngươn Khí - ngươn Thần là ba vật báo, cha mẹ đã trộn tất cả (tam ngươn) lại cho ta từ lúc sơ sinh mới chào đời; nếu chúng ta chẳng chịu gìn giữ bảo vệ, tu luyện để các vật báo đó ngày một quý hơn và tốt hơn thì từng vật báo sẽ bị hư đi, hao mòn dần và làm cho thân ta cũng hư theo. Vì vậy, ta phải tu để biết cách trau sửa, tu bổ những chỗ hư ấy lại để ngày càng hoàn thiện thân tâm.

Bởi đâu mà thân ta hư? Thân ta hư là do những ham muốn tầm thường ở thế gian trongkiếp nhân sinh như: dâm dục, tà dâm, sự đầu độc của muôn điều ác,... Ví như vợ chồng giao cấu chẳng phải thời, lấy vợ người, lỗi đạo luân thường, lỗi đạo tà dâm,v.v…

Hễ phạm tà dâm là hao mòn ngôi Tam bảo, sẽ tự làm hư thân mình. Như thế thì con cháu làm sao hiếu thảo, làm sao Tu luyện đắc Đạo được.

Có câu: “Bất hiếu hữu tam” - Bất hiếu sẽ làm hư ba hườn Tam bảo, tức là hư thân. 

Đức Thầy nói: “Thờ ai là lớn, giữ ai là trọng”. Giữ thân là lớn vì giữ thân mình để học đạo tu thân . Ngoài ra giữ thân để thờ thần, thờ Trời Phật thì Đại đạo Hi thành Hi Tiên:


“Thân thế phát phu chi phụ mẫu
Bất cam hỉ thương hiếu chi thường giả” 

lập thân thành đạo đường đường lưu danh hậu thế. 

Có câu: “Hiếu kỳ phụ mẫu - Hiếu chi dũng giả”, tức là muốn có hiếu thảo thì đừng làm cho thân thể đạo mất và phải cố gắng tu hành để được đắc quả. Như vậy mới kinh diệu cho cha mẹ tổ tiên tiếng tốt muôn đời. Chứ không phải mỗi ngày dâng cơm, đưa nước, đầu đội vai mang phụ giúp cho ông bà cha mẹ mà gọi là hiếu thảo.

Người học Đạo (tu) không những để đền ơn cha mẹ, mà còn cứu độ “Cửu Huyền Thất Tổ” được siêu thăng. Người tu hành mong muốn cứu rỗi, sám hối cho những lỗi lầm của ông bà cha mẹ, vợ con và cuối cùng là cho bản thân trần tục - Ví như vị Mục Liên (Thanh Đề ) thì đây không khác nào - Giữa dòng sông đang có kẻ chới với vì ngộ nạn, ta muốn cứu thì ta phải biết bơi, càng bơi giỏi thì cứu càng dễ. Cho nên muốn cứu chúng sanh, ta phải tìm tòi học đạo và suy nghiệm tu – Tu nhân học Phật. Riêng những người ham Đạo pháp thích làm việc phải, biết Trời đất, Thượng đế, Đấng thiêng liêng, cố công tu luyện, hoằng pháp tham thiền thì Phật sẽ dẫn đến bến bờ không lâu. Làm được hay không là do bản thân mình mà thôi.

Vì vậy, người tu hành phải ráng chịu chí công học đạo tu tâm. 

Ngoài ra, phải biết thảo tại gia và thảo xuất gia.

- Thảo tại gia: tức là hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ

- Thảo xuất gia (trường đời): đối với Thầy phải kính trọng và tận tâm học đạo để mong cứu vớt “Cửu Huyền Thất Tổ”, cứu vớt chúng sanh.

Có câu:


“Nam tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời
Nữ tu cửu kiếp nhứt thời ngộ”.

Thì ra, đàn ông tu luyện mau đắc đạo, còn đàn bà vì phải mang nặng kiếp luân hồi vay trả - chuyển kiếp đọa đày từ kiếp này sang kiếp khác, từ sang qua hèn – nghèo,.... nên thời gian tu luyện lâu hơn.

Kiếp này không biết tu, kiếp sau sẽ hóa kiếp thành con gái. Vì phận gái là kiếp đọa đày đền tội cho kiếp trước, cho nên khi lớn lên đúng tuổi dậy thì phải tập ở dơ mỗi tháng một lần, đến khi xuất giá phải tòng phu và giữ tam tòng tứ đức. Nếu kiếp này chẳng biết hối cải ăn năn mà còn làm nhiều điều ác thì kiếp sau sẽ làm ăn mày.

Tóm lại, vạn sự đàn bà đều kém hơn đàn ông, thật là:


“Ái ân thẹn phần hường nhan
Tu sao thành Phật an nhàn mới hay”.

Thế gian có mấy người học đạo cho thành, trong khi cửa Phật vẫn đón chờ thiện nam tín nữ, phải duyên thiện căn sẽ giác ngộ chánh kỷ.


(Trích Đại Thư Hà Đồ- Thiên Bá Kinh)
http://sites.google.com/site/todinhbskh/buu-son-ky-huong/giao-ly/tu-nhon---hoc-phat

***
***

Link :


No comments:

Post a Comment