Wednesday 25 April 2012

LUẬN : luân thường đạo lý


Chương Năm

 LUẬN
            Luân thường đạo lý trong xã hội dạy con người phải làm lành lánh dữ, không được trộm cướp, sát sanh, gian dối, v.v…Sự thật là ở đời chẳng thiếu gì những người hiền lương đạo đức chuyên làm việc thiện, không hề gây tổn hại cho xã hội, hoặc gây đau khổ đến kẻ khác. Nếu tu hành là ăn ở hiền lành, không làm điều càn bậy thì chúng ta cũng sẽ không khác những người đạo đức như vậy, nếu chỉ có thế thì Phật Pháp và sự tu hành đều không cần thiết.
            Vậy tu hành theo Phật Pháp phải có sự khác biệt. Sau đây là những đề tài quan trọng được luận theo tôn chỉ của Phật Pháp.
            Vậy tu hành theo Phật Pháp phải có sự khác biệt. Sau đây là những đề tài quan trọng được luận theo tôn chỉ của Phật Pháp.

A.   THIỆN – ÁC [Good – Evil]
            Thông thường, thiện được hiểu là những gì thuận theo lẽ phải, hợp với luân thường đạo lý, mang lại lợi ích và hạnh phúc đến cho ta và mọi người trong khi không làm tổn hại đến ai. Và ác mang ý nghĩa là những gì nghịch với lẽ phải, trái với luân thường đạo lý, gây ra tổn hại và khổ đau đến cho ta và mọi người. Tuy nhiên, như đã bàn ở chương Nguyên Lý, đây là cõi đối-đãi, Thiện và Ác luôn luôn đi song song với nhau.
            Thí dụ: Làm việc Thiện như xây cất mở mang đường xá để sự lưu thông dễ dàng mau chóng trợ giúp cho việc phát triển kinh tế, và nhờ vậy đất nước được giàu mạnh. Thế nhưng việc làm tốt lành này vẫn mang lại cái hại – Ác – là càng nhiều xe cộ vận chuyển thì càng nhiều khói xăng làm ô nhiễm môi sinh, đe dọa đến sức khỏe sinh vật.
            Thí dụ: Chiến tranh giết chóc lẫn nhau là điều xấu Ác, trong bất cứ cuộc chiến nào bên thắng cũng như bên thua, không ít thí nhiều, điều, đều phải hứng chịu sự tổn hại. Song đối với một số người nó lại là cái hay. Nhờ chiến tranh nên có những kẻ được hưởng lợi như sinh sống bằng nghề chế tạo, buôn bán võ khí, trong khi có những kẻ thừa cơ hội dựa vào thời thế mà được thăng tiếng trên con đường danh vọng, v.v…
            Thí dụ: Cháy rừng làm hủy hại cây cối, gây thiệt hại đến sinh mạng thú vật, v.v…Tuy nhiên trong cái xấu luôn luôn tiềm ẩn cái tốt. Cháy rừng là cơ hội để dọn sạch cây cối già nua bệnh tật và mở chỗ cho các cây con, và như vậy cánh rừng được tái tạo vời luồng sinh khí mới.
            Thiện Ác chỉ là tương đối, bởi thế thiện hay ác đều phát sinh ra những biến chứng của chúng. Và theo cái nhìn của Phật Pháp, trong cái Thiện có bao hàm ý nghĩa ưa thích, mong cầu hạnh phúc (Tham), và trong cái Ác có bao hàm ý nghĩa ghét bỏ, muốn xa lánh hoàn cảnh sự vật không ưa thích (Sân).
            Điểm quan trọng là nếu ta hành động không khéo – mang tâm bám chấp hoặc do Tham-Sân-Si chủ động – thì không những Ác mà cả Thiện cũng sẽ gây trở ngại cho sự tiến triển trên con đường tu hành. Vì như đã biết, theo luật nhân-quả gieo nhân Ác sẽ gặt quả Ác và gieo nhân Thiện sẽ gặt quả Thiện, nghĩa là cả hai, Thiện lẫn Ác, đều là những sợi dây xích trói buộc ta ở cõi Ta-bà – trong khi Ác là sợi xích sắt thì Thiện là sợi xích bằng bàng, chúng đều là xích. Bởi vậy tu hành đòi hỏi khả năng khéo léo để phân biệt tường tận những gì trói buộc giam giữ ta ở cõi Ta-bà và những gì trợ giúp ta tháo gỡ những ràng buộc để giải thoát.
B.   CHÁNH – TÀ [Wholesome / Skillful – Unwholesome / Unskillful]
            Phần trước tiên và cùng là phần trọng yếu trong công việc tu hành là phát triển khả năng phân biệt Chánh với Tà, tức là phát triển Chánh Kiến – cái nhìn, sự hiểu biết đúng.
            Chánh: Nghĩa là những hành động, bất kể là Thiện hay Ác, qua Thân-Khẩu-Ý, mà không do Tham-Sân-Si thúc đẩy làm vi phạm luật Ta-bà;  chúng là những hành động trợ giúp ta và người hướng theo con đường giải thoát. Nói cách khác, Chánh là sự vắng mặt của cái tôi trong hành động nên không gây ra Nghiệp, không để lại dấu vết gì có thể tạo ra Nhân khả dĩ lôi kéo ta tiếp tục sinh tử trong cõi Ta-bà; đồng thời Chánh giúp ta phát triển trí tuệ giải thoát.
            Tà: Trái với Chánh, Tà nghìa là những hành động, qua thân-khẩu-ý, do cái tôi làm chủ, được trang bị bằng tâm Tham-Sân-Si đi ngược lại với luật Ta-bà. Những hành động dính mắc trong Thiện hoặc Ác gây tạo nghiệp ràng buộc ta và người ở cõi Ta-bà.
            Ta có thể thấy rõ hơn về Thiện Ác, Chánh Tà qua các thí dụ sau.
//Hành động bố thí theo lẽ thường được xem là Thiện, nhưng nếu làm việc bố thí với hậu ý là để lấy danh (vì cái tôi) thì công việc Thiện này thuộc loại Tà//
//Trường hợp nghe có vẻ Ác như ngài Marpa hành hạ, đẩy vị đệ tử Milarepa đến mức độ đau khổ cùng cực đến nỗi vị đệ tử suýt tự vẫn, thế nhưng chủ yếu của ngài là muốn giúp Milarepa thanh lọc các nghiệp xấu mà ông đã gây tạo trong quá khứ để có thể tiến bước trên con đường Đạo; bởi vậy hành động Ác đó vẫn là Chánh//.
//Hoặc chuyện một vị thiền sư đến thăm một hành giả đang ẩn tu trên núi, ông viết chữ “Phật” trên tảng đá, chỗ ngồi của vị hành giả, rồi ngồi lên. Hành động mang tính cách báng bổ [blasphemy] này tuy là bất thiện, song nhờ đó mà chỗ bế tắc của vị hành giả được đả thông – Chánh].
C.   PHÂN BIỆT [Discrimination]
            Ta thường chỉ trích và chê bai nhau  là để tâm phân biệt – phân biệt kẻ Nam người Bắc, phân biệt ăn chay hay ăn mặn, phân biệt đạo đời, v.v...Những chỉ trích này gây cho ta ấn tượng mang tâm phân biệt là cái dở, tâm phân biệt là tâm bám chấp nên bị vướng kẹt trong đối đãi, bởi vậy tu hành là phải loại bỏ tâm phân biệt.
            Thế nhưng ở trình độ của ta hiện thời lại không thể thiếu tâm phân biệt, ít ra là ta cũng phải phân biệt được Thiện-Ác để tránh tạo tác các nghiệp dữ và vung trồng các nghiệp Thiện hướng về con đường tu hành để có thể gặp được những hoàn cảnh thuận lợi cho ta sau này. Tâm phân biệt chỉ xấu xa khi ta phân biệt do sự chủ động của Tham-Sân-Si.
            Đi xa hơn một bước nữa, quan trọng không phải ở chỗ Thiện Ác mà là Chánh Tà. Ta cần sự sinh tế của trí phân biệt để có thể bỏ Tà theo Chánh. Phân biệt Chánh Tà để có thể huân tập cái nhìn đúng, để khỏi vướng mắc vào Thiện Ác, để khỏi vướng mắc vào những cảm xúc như đáng yêu đáng ghét, thích thú khó chịu,…những giá trị như tốt xấu, đẹp đẻ xấu xa, ….mà đã được điều kiện bởi Tham-Sân-Si, do xã hội đặt ra và do chính tâm ta huân tập từ trước.

D.   GIÁ TRỊ [Value]
            Phân biệt thường được hiểu là nghiệm xét và so sánh rồi đặt giá trị (mà việc nghiệm xét và so sánh lại phải dựa vào những giá trị đã có sẵn  trong “hồ sơ”). Tuy nhiên tất cả sự vật chỉ có giá trị tương đối vì giá trị tùy thuộc vào kinh nghiệm khác nhau của mỗi xã hội cũng như cá nhân ở các thời đại khác nhau. Vì sự chi phối của luật Vô Thường, cả chủ thể (tâm trí của con người) lẫn đối tượng liên tục thay đổi nên một sự vật hiện thời đang mang ý nghĩa nào đó nhưng ở vào một thời điểm khác có thể nó sẽ trở nên vô nghĩa lý, hoặc nhiều khi còn mang giá trị ngược lại. Cái có ích lợi cho người này không có nghĩa là nó tốt cho kẻ khác, một toa thuốc chữa bệnh cho người này nhưng có thể là thuốc độc đối với người khác. Và vì tánh – Không / vô ngã, mọi vật không thực có, chúng đều không có thực chất, cho nên tất cả sự vật chỉ có giá trị tương đối theo quy ước [convention] của thế tục, tự chúng không có giá trị tốt xấu, thiện ác gì cả - tất cả chỉ là cái tâm của ta thẩm định và đánh giá mọi thứ theo cái khuôn do chính nó (cái tâm) tạo dựng.
            Sống trong nhân quần xã hội, cần phải làm việc và giao dịch với mọi người, ta không thể không phân biệt sự việc theo những quy ước xã hội. Nhưng nếu sơ ý, sự lầm lẫn cho chúng là thật có cùng với tâm Tham-Sân-Si khoác lên cái tôi sẽ xen vào làm ta bám chấp các giá trị quy ước và rồi các thứ tình cảm, ưa thích hoặc bực bội sinh khởi dẫn đến hành động gây tạo các nghiệp Thiện / Ác. Đó là vì ta không biết phân biệt khéo léo nên bị lôi kéo theo con đường Tà. Đừng hiểu lầm là ngoài việc Ác, phải tránh ta phải dẹp luôn cả việc Thiện, vì khi ra tay làm việc gì hoặc dù cho có không làm, ra cũng không thể tránh được kết quả Thiện và Ác sẽ được gây ra. Điều cốt yếu là không để tâm vướng mắc – khởi tâm Tham-Sân-Si – trong hành động, có nghĩa là muốn áp dụng điều này, trí Phân Biệt phải được tôi luyện cho thật sắc bén để phân biệt Giá Trị trên bình diện Chánh Tà.

E.   BÌNH THƯỜNG – TỰ NHIÊN [Normal – Natural]
          Làm ăn, lập gia đình là những chuyện bình thường, tự nhiên. Trước đây, con cháu đầy đàn là chuyện bình thường, nhưng thời buổi bây giờ ít con hoặc không con lại là chuyện bình thường. Vậy những gì gọi là bình thường hoặc tự nhiên là vì chúng đi thuận theo những mô hình [model] chung cho một cộng đồng, một số đông nào đó.
            Phong tục tạp quán của xã hội tùy thời điểm mà có thay đổi, bởi vậy những mô hình được đặt ra và biến đổi đều mang sự khác biệt về giá trị. Buổi tối khi đi làm về ta xem truyền hình,  ca nhạc để giải trí, cuối tuần họp mặt bạn bè ăn chơi, và ta thường nghe nói nam nữ lập gia đình là chuyện tự nhiên, “có Âm Dương có vợ chồng, dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê” v.v…thuận theo những sinh hoạt, tập quán này được gọi là bình thường.
            Khi xem xét lại những sự việc được gọi là bình thường tự nhiên trong xã hội, ta thấy đại đa số đều tương hợp với tính chất và thuận theo mô hình của cõi Ta-bà, mô hình chung cho chúng sinh – Tham-Sân-Si. Phim ảnh, ca nhạc, nhảy nhót, thơ văn, ăn uống, v.v…nói chung đều là những sinh hoạt chiều theo lòng tham ái, thỏa mãn các giác quan. Tương tự, chuyện lập gia đình nghe có vẻ tự nhiên, nhưng ta thấy lý do lập gia đình nếu không vì lòng ái dục đối với người khác phái và muốn tìm hạnh phúc qua sở hữu gia đình (Tham), thì cũng vì sợ cô độc hoặc lo lúc về già không có người chăm sóc (Sân), hoặc cần phải có người bạn đời như mọi người khác, hoặc vì tuân theo phong tục phải có con cháu nối dõi (Si).
            Khi một ý tưởng hoặc một hành động, thường phát khởi do tâm Tham-Sân-Si, được lập đi lập lại nhiều lần sẽ phát triển thành tập quán hoặc thói quen. Những phản xạ tự nhiên khi đối diện với hoàn cảnh xung quanh đều do thói quen điều khiển, và tính cách tự nhiên này làm ta có cảm tưởng đó là sự việc bình thường theo thế tục có thể lại là những trói buộc giam giữ ta ở  cõi Ta-bà, do đó, ‘bình thường’ theo tiêu chuẩn đạo thì có thể trái với thế gian; sự vật thuận theo thế gian có thể là điên đảo, là ‘bất bình thường’.

F.    CẢNH PHẢN ẢNH TÂM – TÂM TẠO [Reflections of Mind – Mind Creates]
            Ta có thể sinh ra hoặc sinh  sống ở xứ giàu mạnh, thanh bình, hoặc ở nơi loạn lạc không an ninh, nghèo khổ, hoặc sinh ra với tâm trí thông minh ngu đần, cơ thể đẹp đẽ xấu xa, v.v…Giải thích theo nhân-quả là ta được đặt vào nơi chốn và thời điểm tùy theo nghiệp ta đã tạo tác trong quá khứ. Ngoài ra tâm tính cũng sẽ là một yếu tố quyết định nơi chốn, hoàn cảnh, bởi vì tâm tính ta rung ở tần số nào thì ta sẽ bị thu hút dến nơi chốn đó. Điều này cho thấy sự vật và hoàn cảnh quanh ta tương ứng với tâm, hoặc nói cách khác, sự vật và hoàn cảnh xung quanh phản ảnh tâm  trạng của ta. Bởi vậy không có lý do gì để than trách hoành cảnh, bi quan vì ‘sinh lầm thời’, ‘sinh ra dưới một ngôi sao xấu,v.v…’
            Đồng thời, khuôn mặt và cơ thể cũng là phản ảnh của tâm trạng con người, như ta hay nghe nói, “tướng tùy tâm sinh” (đã khảo xét ở phần thập nhị Nhân Duyên) – thân tạo tâm và tâm tạo thân). Vậy thì hình tướng của ta trông như thế nào nguyên do là từ ở tâm mà ra, tức là do tâm tạo, cũng như phải gặp những hoàn cảnh như thế nào đều do nghiệp sắp đặt, mà nghiệp là do tâm tạo. Một điểm nữa đã bàn ở chương Ngũ Uẩn, vì tâm mỗi chúng sinh một khác, nên thế gian – tất cả sự vật ở “ngoài kia” – được nhận biết khác nhau qua sự cảm nghiệm và diển dịch của riêng mỗi cá nhân. Do đó ta có thể nói thế gian do tâm tạo.

G.  THẾ SỰ [Wordly Matters]
            Vì lẽ cảnh phản ảnh tâm nên ta không thể có lý do gì để chê trách hoặc than thở về tình trạng bất công, chiến tranh loạn lạc, thời buổi suy đồi, v.v…mà phải tự trách mình vì chính mình đã đặt mình vào những hoàn cảnh như vậy.
            Ta-bà là cõi đối – đãi bởi vậy có thương yêu bắt buộc phải có hận thù, có chiến tranh thì phải có hòa bình, các triều đại có lúc hưng thịnh có lúc suy tàn, v.v…Cũng vì luật vô- thường nên một hiện tượng không thể đơn độc tồn tại mãi mãi, đến khi hết thời thì nó phải lui đi nhường lại cho đối cực của nó ra mặt hoạt động. Và cứ thế hai đối cực thay phiên nhau lúc hiện lúc ẩn theo chu kỳ đã định sẵn. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông đều mang vai trò quan trọng của chúng, không thể nào nói mùa Xuân ấm áp là tốt và mùa Đông lạnh lẽo là xấu được. Bản chất của Ta-bà là Tham-Sân-Si nên mùa Đông giá buốt, chiến tranh, loạn lạc, bất công, v.v…đều là thành phần, là đặc tính, là sự việc tự nhiên của cõi Ta-bà, chẳng có gì có thể thay đổi hoặc khai trừ chúng được.
            Lại nữa, lý nhân-quả bảo đảm sự công bằng tuyệt đối trong đời sống, nếu nhìn rộng trải ra nhiều kiếp ta sẽ thấy những sự bất công, bất bình đang xảy ra trên thế gian đều do luật nhân-quả quân bình lại những gì bị thiếu hụt hoặc dư thừa đã được gây tạo trong quá khứ. Vậy thì than trách thế sự, đổ lỗi và bất mãn với hoàn cảnh nói lên tâm tham Sân của ta và chúng là những thái độ sai lầm mang lại sự bất an cho tâm.
            Tất cả đều là những hiện tượng tự nhiên đi theo chu kỳ định sẵn của chúng, chẳng xấu tốt, chẳng thiện ác. Đã là những sự việc bình thường, tự nhiên thì ta không cần phải thắc mắc, ưu tư về chuyện thế gian, ta không cần phải lo sửa chữa, cải thiện thế gian. Từ ngàn xưa đến giờ đã có biết bao nỗ lực dồn vào việc cải thiện thế gian, muốn xóa sạch tội ác, chiến tranh, mang lại hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại, tuy nhiên vẫn chưa có một ai thành công trong công cuộc này. Và chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có ai thực hiện được lý tưởng mà đã sai lầm ngay từ căn bản này. Bỏ công sức ra để vuốt đuôi con chó, lúc buông ra, nó lại uốn cong như cũ, tính chất của nó là như vậy không bao giờ duỗi cho nó thẳng được. Thế gian luôn luôn biến hóa không bao giờ hết chuyệt, chữa một vấn đề thì mười vấn đề khác sẽ nổi lên.
            Sẽ có thắc mắc là nếu mọi người đều buông xuôi, bỏ mặc chuyện đời để xã hội, thế giới này loạn hay sao? Điều này không cần phải lo, như đã nói, theo đúng chu kỳ thì đến lúc bình tự nhiên sẽ bình, đến lúc loạn bắt buộc phải loạn. Thí dụ như khạc nhổ ngoài đường là một ‘truyền thống’ của người Trung Hoa có lẽ đã hiện hành từ thuở lập quốc, và đã từng có những nỗ lực để xóa bỏ tệ nạn này nhưng đều vô hiệu quả. Dĩ nhiên là chỉ đến khi hết thời thì nó mới tự lui đi, gần như chẳng cần phải làm gì cả. Điều này đã xảy ra vào năm 2002, khi bệnh SARS [tân viêm phế] bất chợt xuất hiện và truyền thống khạc nhổ đã tùy duyên mà tan biến!
            Trường hợp xảy ra những tội các, trộm cướp, v.v…thì đã có cảnh sát đi ruồng bắt kẻ gian, đó là nghề sinh sống của họ do nghiệp xếp đặt. Không phải là việc của mình thì ta không phải lo, mà có lo cũng không ích lợi gì. Khi tâm con người vẫn còn Tham-Sân-Si thì làm sao hết kẻ gian được? Mà đây là cõi Tham-Sân-Si…
            Lại cần phân biệt thêm một điểm. Trường hợp có kẻ bị cướp giật ngay trước mắt, ta không nên can thiệp chăng? Phản ứng của ta, làm hay không làm, đều là làm. Vì không làm có nghĩa là quyết định làm lơ, tức là vẫn có hành động, và hành động qua thân-ngữ-ý mà có chủ tâm sẽ tạo nghiệp. Bởi vậy, phải làm (làm hoặc không làm) những việc gì cần phải làm nhưng không để tâm bị sai sử và dính mắc bởi Tham-Sân-Si. Xin nhắc lại là những hoàn cảnh xảy ra xung quanh mà ta phải đối diện, trong khi có những kẻ khác chẳng bao giờ phải va chạm và phải đối phó, là do hậu quả của nghiệp / tâm mang lại.
            Tóm lại, khi đã quyết tâm tu hành, ta cần phân biệt Chánh Tà để không bị vướng bận chuyện thế gian, tránh làm những việc không ích lợi, mất thì giờ, để rồi thân tâm bị xáo trộn bất an. Điều nguy hại là tình cảm khuấy động dễ gay ra cơ hội để Tham-Sân-Si dẫn dắt, thúc đẩy tạo nghiệp Thiện/ Ác. Thế gian có đường lối của nó, nó biến chuyển theo chu trình của nó, nó chẳng Thiện chẳng Ác, chẳng đáng yêu quý chẳng đáng ghét bỏ, thế nên nó chẳng bắt buộc phải như thế này hoặc thế nọ - nó thế đấy, ta không thể sửa đổi nó đi theo ý muốn của ta được. Hoàn cảnh tồi tệ của ta, bởi vậy hãy lo tu sửa con người của mình thay vì hao tổn tâm sức thay đổi hoàn cảnh xung quanh, vì khi sửa đổi chính mình tức là ta thay đổi hoàn cảnh của ta torng tương lai vậy.
// Thuở xưa, có lẽ xưa lắm vì lúc đó con người vẫn đi chân đất, chưa có giày dép gì cả, tại một vương quốc nọ có vị vua cả đời chưa hề bước chân ra khỏi kinh thành bao giờ. Một hôm bất chợt nổi hứng ngài đi bộ ra ngoài thành dạo chơi. Chẳng may ngài không biết có sự khác biệt là mặt đất trong thành được dọn dẹp và lót gạch sạch sẽ, trong khi ở ngoài thì phủ đầy những sỏi đá gia góc, bởi thế đến khi trở về thì hai bàn chân ngài bị xước cắt máu me và bầm dập đau đớn. Qua kinh nghiệm khó quên này ngài bền giao cho vị quan cận thần một công tác là đi phủ một lớp da trên mặt đất khắp trong nước, như vậy không ai sẽ phải đau khổ như ngài nữa. Biết đây là một việc làm không thể thực hiện được, mà cũng không cần phải làm vậy, vị quan với đầu óc rất thực tiễn mới nghĩ ra cách lấy miếng da bọc bàn chân lại, như vậy dù cho mặt đất có gai góc lởm chởm nhưng khách bộ hành vẫn có thể đi đến bất cứ nơi nào mà không hề hấn gì. Nhờ phát minh của vị quan thông thái này nên giày dép bắt đầu được sử dụng từ đó.//
            Chỉ cần tự mình tu sửa thân tâm là hành giả có thể an nhiên tự tại ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, chứ không phải là thay đổi sửa chữa hoàn cảnh, sự vật bên ngoài.

H.  CHÂN ĐẾ - TỤC ĐẾ [Absolute Truth – Relative Truth]
          Màn Vô-Minh gây ra cái nhìn lệch lạc làm ta không nhận thức được rằng thế gian nó thế đấy; qua sự cảm nhận bề mặt, ta lầm tưởng những hiện tượng tâm lý và vật lý sinh khởi và hủy diệt tùy thuộc theo duyên là thực tại chân thực.
            Tục Đế nghĩa là chân lý thế tục hoặc thực tại tương đối, những hiện tượng do duyên-khởi có thể nhận biết và diễn tả được qua tên gọi theo quy ước [conventional], thí dụ ta nói ‘cái nhà’, ‘ý tưởng’ hoặc ‘tôi’. Chân Đế là chân lý tuyệt đối, nó là tánh – Không của Tục Đế_’cái nhà’, ý tưởng’ và ‘tôi’ chỉ là những khái niệm, chúng không thực có, chúng không có tự tánh, chúng mang tánh-Không.
            Vì hiện tượng sinh và diệt tùy thuộc vào điều kiện nên chúng không thực có, chúng mang tánh-Không. Nhờ tánh-Không nên hiện tượng biểu hiện được, nhờ hiện tượng ta mới biết được tánh-Không, tánh-Không và hiện tượng không thể rời nhau. Sự liên hệ mật thiết giữa hai Đế cũng vậy, sự hiểu biết về một Đế sẽ trợ giúp cho sự hiểu biết về Đế kia. Tuy rằng tánh-Không – Chân-Đế - nằm ngoài đối đãi, chủ thể và đối tượng, và sự chứng ngộ chỉ có thể trực nhận chứ không thể diễn tả qua tư tưởng và lời nói (vì tư tưởng và lời nói thuộc về Tục Đế) nhưng nếu không nhờ hệ thống và ngôn từ của Tục Đế (tuy biết rằng chúng bị giới hạn và có vấn đề) hướng dẫn thì không thể có sự hiểu biết về Chân Đế và như vậy dẫn đến chứng ngộ Chân Đế là điều không thể  có. Cũng như “ngón tay chỉ mặt trăng”, tuy ngón tay không phải là mặt trăng nhưng nếu không nương theo ngón tay ta sẽ không thấy được mặt trăng.
            Những ý tưởng hoặc khái niệm là tên gọi ta gán cho các hiện tượng như sự vật, trạng thái, đặc tính, v.v…chúng chỉ là sự tượng trưng suông cho hiện tượng qua diễn dịch của ta chứ không phản ảnh thực tại chân thực của vạn hữu. Tánh-Không của chúng mới là thực tại tuyệt đối.
            Thí dụ, “Anh A đang đi bộ đến trường học”
            Chúng ta có thể hình dung ngay một anh chàng tên là A đang vận chuyển bằng đôi chân để đến trường học. Đây là nói theo Tục Đế.
            Nhưng theo Chân Đế ta sẽ nhìn sự việc như sau. A chỉ là cái tên gọi cho một hữu tình [a being] do duyên khởi nên A không thực có. Hữu tình này là sự kết hợp của ngũ uẩn, cũng do duyên khởi nên anh A không thực có. Đi bộ là tên gọi cho hiện tượng biến chuyển của cặp chân (cũng là tên gọi), cặp chân và sự việc đi bộ đều do duyên khởi nên chúng không thực có. Trường học là tên gọi cho tòa kiến trúc dùng trong việc giáo dục, do duyên khởi nên nó không thực có. Vậy nhìn từ khía cạnh Chân Đế thì, không thật có đi mà cũng không thật có đến, không thật có ai đi và cũng không thật có nơi nào để đến.
            Chỉ vì không phân biệt được chân đế và tục đế nên ta bị trôi lăn triền miên trong vòng sinh tử luân hồi.

I.     VỌNG TƯỞNG [Deluded thoughts, conceptualization, fabrication, mental construction]
          Vì không phân biệt được Chân Đế và Tục Đế ta bám vào Tục Đế và nhận lầm nó là thực tại chân thực, và cũng do cái nhìn cùng với sự hiểu biết và sự cảm nhận sai lạc của ta về sự vật, về thực tại – Tà Kiến – nên tâm ta sinh khởi những tư tưởng, khái niệm lệch lạc. Bởi thế, suốt cuộc đời ta sống trong khái niệm và bị chúng dẫn dắt và lôi cuốn ta đi; chẳng những vậy, ta còn chồng chất thêm những vẽ vời tô điểm và cứ thế miên man trôi lăn theo chúng. Ta gọi tâm trạng này là vọng tưởng. ‘Vọng’ nghĩa là càn bậy, sai lầm và ‘tưởng’ là ý nghĩ, tư tưởng. Vậy vọng tưởng là những ý tưởng sai lầm mà ta bám chấp; chúng là những ý tưởng Tà, sẽ thúc đẩy ta tạo nghiệp và giam hãm ta ở cõi Ta-bà.
            Ý tưởng được hình thành qua sự tương giao giữa những dữ kiện trong ký ức, những giá trị trong “hồ sơ” [Tưởng], và khuynh hướng sẵn có [Hành], cho nên chúng do nhân duyên sinh khởi. Trong khi nhân và duyên đều không có thực chất (vô-ngã), ta lại thêm bớt những ước vọng như: tương lại tôi sẽ…, quá khứ phải chi…,hiện tại phải nên thế này thế nọ…Ta bị ý tưởng lôi cuốn vì đi kèm theo chúng là những thứ tình cảm vui thích (Tham) hoặc đau buồn (Sân) làm ta thỏa thích chìm đắm trong đó. Vậy toàn bộ chỉ là một khối Vọng Tưởng dưới sự lệ thuộc vào những giá trị trong hồ sơ cùng sự sai khiến của tâm Tham-Sân-Si.
            Ta có thể định nghĩa tâm an là sự tự do – không bị vọng tưởng lôi cuốn, không vướng mắc bám chấp vào thực tại quy ước. Trái với tâm an là tâm động.

J.    TÂM ĐỘNG [Wavering / agitated mind]
          Lúc đang vọng tưởng đó là lúc Tâm Động. Có thể dụ tâm là cái cán cân, nếu bị nghiêng qua Tham hoặc ngã qua Sân hoặc bị quay vòng vì Si, ta gọi lạ Tâm Động.
            Có hai trường hợp cần phân biệt.
1)     Trong sinh hoạt hàng ngày, những lúc làm việc, đối thoại hoặc suy tư, nếu vắng mặt Tham-Sân-Si có nghĩa là tâm không bị giao động, tâm không bám chấp vào hiện tượng. Nói theo cách khác, tâm ở trạng thái an tĩnh, vắng lặng.
2)     Một trạng thái vắng lặng khác là lúc hoàn toàn không có ý tưởng, đó là trạng thái trong thiền định [concentration] không thể sinh hoạt gì được.
K.  QUYỀN QUYẾT ĐỊNH – TỰ DO LỰA CHỌN [Free will]
          Đa số chúng ta tin tưởng rằng mình có Quyền quyết định, có Quyền lựa chọn, mình làm chủ cuộc đời của mình. Nhưng thật sự có cái Quyền này hay không?
            Khi quyết định một việc gì ta cần phải cân nhắc trong sự lựa chọn, sự cân nhắc lại phải dựa vào những kinh nghiệm, những yếu tố có sẵn để chọn lựa. Đức Phật bước vào con đường tu hành vì giáp mặt với sự kiện Khổ. Khổ chính là điều kiện dẫn đến quyết định của Ngài. Cũng thế, kẻ muốn làm bác sĩ hoặc có ý định giết người đều có những lý do và hoàn cảnh đưa đẩy họ vào sự quyết định như vậy. Mọi người có những chọn lựa khác nhau tùy vào những dữ kiện được cân nhắc, bởi vậy sẽ không quá đáng nếu ta nói những người cùng một kinh nghiệm, hoàn cảnh sẽ đi đến quyết định y như nhau.
            Ta đã biết tất cả các hiện tượng thân và tâm đều do duyên-khởi, chúng tương đối và phải tùy thuộc lẫn nhau để sinh diệt. Nếu không có Khổ làm điều kiện thì không chắc gì đức Phật đã phát sinh ý tưởng xuất gia. Sự quyết định và lựa chọn cũng chỉ là những ý tưởng bị lệ thuộc vào điều kiện, cho nên chính kinh nghiệm, hoàn cảnh là những yếu tô làm công việc quyết định và lựa chọn chứ không phải là tự ta.
            Như vậy có gì khác biệt với thuyết Định Mệnh không? Thuyết Định mệnh cho rằng có một đấng Tạo hóa đã an bài cả cuộc đời cho ta rồi, hoặc ngày giờ sinh của ta như thế nào thì số mạng ta sẽ được định sẵn như thế, mọi người phải chịu nhận số mạng của mình, không có cách gì né tránh hoặc thay đổi được. Nếu thế thì ta đâu có trách nhiệm gì về những việc ta làm! Vấn đề này được suy xét như sau. Có các nghiệp quả, do nhân đã được gây tạo trong quá khứ, đang xếp hàng chờ ta nhận lãnh trong hiện kiếp, điều này cũng có phần giống với thuyết định mệnh, nhưng chúng khác biệt ở chỗ:
1)     Vì luật nhân quả nên có nghiệp là do chính ta gây tạo.
2)     Nghiệp phải hội đủ điều kiện – duyên – mới trổ quả được.
3)     Và ta có thể thay đổi (chuyển) nghiệp bằng cách sữa đổi điều kiện.
            Tuy nhiên, ý muốn thay đổi điều kiện cũng phải do điều kiện mới có được.
            Nếu dã nói vô-ngã thì ai có Quyền quyết định, ai có Quyền tự do lựa chọn? Nói tóm lại, ta không thể nói là có hay không có Quyền quyết định và tự do lựa chọn, mà nên hiểu rằng, cũng như cái tôi, chúng do duyên khởi – chúng không thật có.

L.   XUẤT GIA [Renunciation]
          Ta thò tay vào cái lọ để bốc lấy một nắm kẹo. Song có vấn đề là thò tay vào được mà không rút ra được, vì lọ kẹo thắt nhỏ lại ở cổ nên khi đã nắm tay lại rồi thì không thể rút lọt được. Ta than khổ và đứng đó kêu khóc cầu cứu, nhưng vô ích vì chẳng ải có thể lãnh vác vấn đề, chịu cái khổ thay cho ta được. Nếu ta may mắn gặp được người hiểu biết có kinh nghiệm, họ sẽ chỉ dạy cho ta biết cái nguy hại gây ra bệnh sâu răng và tiểu đường của nắm kẹo ngon ngọt, và chỉ cần buông nó ra thì thoát.
            Cái khổ của ta chẳng do ai gây ra cả, chỉ vì ta bám chấp thế gian, đó là tự ta trói buộc lấy mình, như vậy muốn thoát khổ thì ta phải tự cứu mình, tức là phải xả bỏ thế gian. Trường hợp nắm kẹo, việc buông bỏ sẽ dễ dàng hơn nếu ta hiểu rõ sự tai hại của chất ngọt. Tương tự, muốn xả bỏ, trước tiên ta cần phát khởi tâm nhàm chán thế gian bằng cách hiểu rõ về bản chất thế gian và cái hại của nó, nhờ đó ta nới lỏng được tâm bám chấp sự vật cho rằng chúng là thật có, chúng là nguồn hạnh phúc.
            Xuất Gia nghĩa là rời bỏ nhà cửa gia đình để đi tu. Nói sâu xa hơn, Xuất Gia là từ bỏ tập quán cũ – tức là bỏ tâm phân biệt gán đặt giá trị tốt xấu cho mọi thứ, từ bỏ Tham-Sân-Si cùng vọng tưởng, tử bỏ cái tôi giả tạo cũng như tâm bám chấp; và thay vào đó là Từ-Bi-Hỷ-Xả và Trí-Huệ. Nói vắn tắt thì Xuất Gia nghĩa là xả bỏ.
  
Hết Chương 5


----o0o----
 


http://www.quangduc.com/coban-2/376phatphapcanban-5.html

***
***

Link :

No comments:

Post a Comment