Monday 16 April 2012

2. Sự Xuống Dốc Của Văn Hóa Truyền Thống

Ảnh: Sưu tầm
Hiện đại hóa của một quốc gia thường đi kèm theo sự xuống dốc về tính tốt đẹp của truyền thống. Hình như mình càng ngày càng tôn thờ đồng tiền và đồng tiền trở thành phương tiện thống trị trong tất cả các giao dịch, kể cả giao dịch văn hóa. Nhiều người thường nói hãy sử dụng văn hóa để con người tiếp cận nhau dễ dàng hơn nhưng xã hội càng hiện đại thì đồng tiền càng đi trước hơn. Các tệ nạn xã hội tràn lan khắp nơi và sự xuống cấp của đạo đức trong giới trẻ tồi tệ đến mức không thể nào báo động được nữa vì lằn ranh giới báo động tối đa đã vượt qua từ lâu. Ấy vậy mà vẫn có người tự cho là hiện đại hóa là cái mốc cần phải đi đến chứ không phải là thanh lọc văn hóa. Pháp luật đặt ra chỉ để nghiêm trị chứ không thấy pháp luật nào đặt ra để giáo dục, tu tập và nuôi dưỡng đức hạnh thực sự. Lối sống buông thả và bất chấp mọi thủ đoạn xuất hiện khắp nơi, từ công sở cho đến học đường, từ gia đình cho đến đường phố. Cái gọi là văn minh đô thị đã được yêu cầu thực hiện mà cả chục năm rồi đâu cũng vào đấy vì chẳng có ai làm cả. Ngay cả chuyện đi lại của xe buýt và thái độ phục vụ cũng xuống cấp nghiêm trọng, ấy vậy mà có cô phát thanh viên trên đài truyền hình tuyên bố rằng hy vọng các ngành các cấp cần phải giải quyết chuyện này để người dân đi xe buýt bớt khổ. Chỉ có chuyện xe buýt thôi mà phải nhờ đến các ngành các cấp mới giải quyết được thì thật là khó hiểu.

         Hãy nhìn vào các bậc tiểu học và giáo dục phổ thông, không có môn thi nào là môn thi đạo đức hay môn thi tốt nghiệp là môn thi đạo đức. Ngay cả việc các trò chơi game show trên truyền hình hoàn toàn bị tiền hóa với phần thưởng là triệu đồng hay hàng chục triệu đồng và người trẻ là nạn nhân của những trò chơi này không phải là ít. Sự nuông chiều con cái trong gia đình quá mức tưởng tượng đến nổi nghe những đứa trẻ nói chuyện mà miệng lưỡi phun ra toàn là tiền bạc hay địa vị xã hội. Cách quản lý giáo dục theo kiểu vô thần và tôn thờ vật chất nhiều lúc làm thay đổi cả một xã hội, từ trẻ nhỏ cũng như người lớn đều lấy tiền bạc làm chuẩn mực cho thước đo cuộc sống. Người trẻ bị kẹt vào những cạm bẫy mà bản thân họ nhiều lúc cho là chuyện bình thường, là đúng đắn hay đến lúc không còn phân biện được cái nào đúng và cái nào sai nữa. Truyền thống gia đình ngày càng bị xa rời, xã hội phương tây bây giờ đề cao giá trị gia đình sau bao nhiêu năm đề cao chủ nghĩa cá nhân và lối sống hưởng thụ. Bây giờ họ nhận thấy tác hại nghiêm trọng của điều này và quay về với cội rễ gia đình. Còn tại một số nước Á Châu, giá trị gia đình lại xuống cấp, sự truyền thông trong xã hội cũng vậy.

         Người chiến binh cho rằng những giá trị truyền thống tốt đẹp, đem lại hạnh phúc cho mình ở hiện tại, sự bình an trong tâm hồn và hạnh phúc bền vững thì những giá trị này đáng được gìn giữ và thực tập. Không phải tất cả các giá trị truyền thống đều tốt đẹp, gìn giữ các giá trị này cần có sự chọn lọc. Cái hồn bản địa của dân tộc cần được vinh danh và đầu tư. Không một giá trị nào muốn gìn giữ mà không có đầu tư. Sự đầu tư đòi hỏi sự tham gia của người trẻ, chứ không phải người già, người già chỉ mang tính cố vấn, còn người trẻ phải thực tập và thực hiện. Thật là đáng tiếc nếu lãnh đạo các phong trào gìn giữ văn hóa đều là người già, còn người trẻ thì làm gì? Đối với môn đạo đức học, môn này cần được đưa vào thi tốt nghiệp ở tất cả các bậc học, kể cả bậc đại học. Thật là buồn cười nếu như đào tạo một người có tài mà chẳng biết gì về đạo đức, một người lãnh đạo được cho là tài năng mà một chút đạo đức cũng không có thì đất nước đó chỉ khổ mà thôi. Cái quan trọng của việc dạy đạo đức học là thực hành đạo đức bằng những hành động cụ thể, không thể thực tập đạo đức theo kiểu nói một đằng mà làm một nẻo. Đã có quá nhiều môn khoa học trong nhà trường mà chẳng thấy nhiều môn đạo đức, trong khi đạo đức là nền tảng xây dựng quốc gia. Khi phỏng vấn tuyển chọn một nhân viên, đạo đức là tiêu chí đầu tiên rồi mới đến tài năng. Khi tuyển chọn một vị tổng thống hay thủ tướng, xem người đó có tài hay không chỉ là thứ yếu mà xem người đó có đạo đức hay không, nếu người đó không có đạo đức thì nhứt quyết không tuyển chọn hay không bầu người đó. Người chiến binh luôn tâm niệm rằng đạo đức là cái gốc của con người, người không có đạo đức coi như mất gốc.

No comments:

Post a Comment