Tuesday 17 April 2012

Bầu cử tổng thống Pháp : lo âu về tăng trưởng và việc làm

Bruxelles, nơi đặt trụ sở của Ủy ban Châu Âu
Bruxelles, nơi đặt trụ sở của Ủy ban Châu Âu
DR
Thanh Hà
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Pháp cho năm 2012 chỉ là 0,7 % và tỷ lệ thất nghiệp thì đã lên tới mức cao nhất từ năm 1999 tới nay. Hai ứng cử viên tổng thống có nhiều triển vọng nhất là François Hollande của đảng Xã hội và Nicolas Sarkozy thuộc đảng UMP đang cầm quyền đề nghị những gì để đem lại tăng trưởng và công việc làm cho người dân ?

Bên canh những khác biệt về chính sách kinh tế trong chương trình tranh cử của hai ứng cử viên tả và hữu, để thực sự đưa nước Pháp quay lại với con đường tăng trưởng, tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ 2012- 2017 sẽ phải thuyết phục khối euro xét lại chính sách khắc khổ, mà Bruxelles đang áp đặt với tất cả 17 nước thành viên.
Cuối tháng 3/2012 chính phủ Pháp đã không khỏi hãnh diện khi thông báo nâng dự phóng tăng trưởng trong năm nay đang từ 0,5 % lên thành 0,7 %. Đúng một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống ở vòng 1, đảng UMP đang cầm quyền đã coi con số 0,7 % yếu ớt đó là một thành tích. Trong lúc mà Pháp cần có được một tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 1,5 % một năm để giải quyết thất nghiệp cho những người trẻ vừa bước vào thị trường lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp trong tháng 2/2012 đạt 10 % theo thống kê Eurostat của châu Âu. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/1999. Trong 5 năm vừa qua đã có thêm 1 triệu người không có việc làm.
Tệ hơn nữa tất cả các chuyên gia kinh tế đều đồng ý trên một điểm đó là không có dấu hiệu nào báo trước  Pháp có hy vọng giải quyết thất nghiệp trong một tương lai gần. Theo đánh giá của cơ quan tư vấn kinh tế Xerfi, trong những tháng tới, các doanh nghiệp ở Pháp có khuynh hướng sa thải thêm nhân viên trong mọi ngành nghề.
Vài ngày trước vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, việc làm là quan tâm hàng đầu của người dân Pháp. Hai ứng cử viên được coi là có nhiều triển vọng lọt vào vòng hai nhất là ông François Hollande đại diện cho đảng Xã hội - cánh tả và tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy, ứng cử viên của đảng UMP, thuộc cánh hữu cùng tỏ ra khá kín đáo về hồ sơ này.

Ứng cử viên Sarkozy trong các cuộc mít tinh thường nhấn mạnh rằng : bất chấp thời điểm kém thuận lợi chung cho toàn khối euro, tình trạng kinh tế của Pháp vẫn còn sáng sủa hơn so với các nước láng giềng. Tiếc là thống kê của châu Âu trái ngược với điều Nicolas Sarkozy đã nói ra : vào lúc 10 % dân số Pháp trong tuổi lao động không có việc làm, thì tại Áo, tỷ lệ đó chỉ là 4,2 %, Luxembourg là 5,2 % và tại Đức là 5,7 %. Thậm chí so với một quốc gia đang gặp khó khăn như Ý, Pháp cũng bị thua vì tỷ lệ thất nghiệp của Ý hiện là 9,3 %.
Dù vậy ứng cử viên của đảng UMP cũng nhìn nhận là so với 5 năm trước, khi ông lên cầm quyền, thì đội ngũ người không có việc làm đã trở nên đông hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp nhảy vọt từ 7,5 lên thành 9,7 % căn cứ theo thống kê của Viện Thống Kê Quốc Gia INSEE.

Chính vì thế Nicolas Sarkozy đề nghị tăng thuế trị giá gia tăng TVA để mọi người cùng chia sẻ gánh nặng. Đạo luật này đã được thông qua từ tháng 2/2012 với mục đích giảm nhẹ các khoản đóng góp xã hội cho các doanh nghiệp. Bù lại thì khu vực sản xuất tập trung vào đầu tư để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh.
Về phần mình, ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande lại chủ trương gia tăng ngân sách nhà nước cho việc đào tạo để đem lại công việc làm cho dân. Trả lời ban Việt ngữ RFI, chuyên gia kinh tế và cũng là nghị viên châu Âu của đảng Xã hội ông Hoàng Ngọc Liêm trình bày thêm về những đề xuất của ứng cử viên François Hollande :

"Ứng cử viên đảng Xã hội đề xướng nhiều biện pháp tôi cho là thực tế. Trước hết ông Hollande chủ trương cải tổ chính sách thuế khóa theo hướng bình đẳng hơn trong đó các doanh nghiệp phải chịu đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực vực dậy kinh tế. Xét lại chính sách thuế khóa còn cho phép thu hẹp những bất công xã hội.
Nếu như trong nhiệm kỳ đầu, ông Sarkozy đã không đề ra những biện pháp ưu đãi thuế khóa nhắm vào tầng lớp giàu có hay các doanh nghiệp, thì nước Pháp không đến nỗi bị nợ chồng chất như hiện tại.
Ngoài việc xét lại chính sách thuế, ứng cử viên đảng Xã hội còn chủ trương giới hạn việc cắt giảm chi tiêu tránh các dịch vụ công cộng bị xuống cấp. Đảng cánh hữu UMP khi cầm quyền đã dẹp bỏ hẳn một số các dịch vụ công cộng, làm 150 000 người mất chỗ làm trong 5 năm qua. Nói như vậy không có nghĩa là François Hollande khi lên cầm quyền sẽ chi tiêu bừa bãi. Điều quan trọng ở đây là phải tiêu tiều đúng chỗ. Có nghĩa là phải dùng ngân sách nhà nước để đầu tư vào đào tạo và giáo dục, vào nghiên cứu để đưa năng suất lên cao. Có như vậy mới mong đưa ngành sản xuất của Pháp lên cao, để có thể cạnh tranh với các nước khác, qua đó thúc đẩy xuất khẩu".

Áp lực của Bruxelles
Trên thực tế cả hai ứng cử viên của đảng UMP và Xã hội cùng đang chịu áp lực lớn từ phía Bruxelles. Không một ai có thể dễ dàng kích thích kinh tế mà không vấp phải hai điều kiện quan trọng do Hiệp ước ổn định của châu Âu quy định. Hai điều khoản đó gồm : nợ công không được đạt quá ngưỡng 60 % tổng sản phẩm nội địa và bội chi ngân sách phải được duy trì ở mức 3 % GDP.

Pháp đã không tôn trọng cả hai quy điều khoản này. Trong tài khóa 2011, thâm hụt ngân sách của nhà nước Pháp lên tới 5,2 % và nợ công tương đương với 85,8 % GDP. Do vậy theo phân tích của chuyên gia kinh tế Eric Heyer thuộc Cơ quan Quan sát về Tình hình Kinh Tế Pháp, OFCE cùng không dám bước ra ngoài quy định của châu Âu. Tức là cả hai cùng theo đuổi mục đích giảm nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước trễ nhất là vào năm 2017. Khác biệt ở đây chỉ là về phương thức để đạt được cùng một mục tiêu đó. Eric Heyer giải thích :
« Sarkozy và Hollande, trong việc giảm nợ công và bội chi ngân sách, cả hai có cùng một quan điểm. Cả hai cùng đề ra mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống còn 3 % tổng sản phẩm nội địa vào năm 2013 và đến năm 2016 hay 2017 thì ngân sách phải được cân bằng. Khác biệt giữa hai ứng cử viên này là phương thức để đạt được mục tiêu đó. 


Ông Hollande đại diện cho đảng Xã hội thì chủ trương vừa cắt giảm chi tiêu, nhưng vừa tăng thuế để hỗ trợ tăng trưởng. Trong khi đó ứng cử viên của đảng UMP là ông Nicolas Sarkozy lại nhấn mạnh nhiều hơn đến việc phải giảm chi tiêu và chỉ tăng thuế rất ít, và đặc biệt là còn giảm thuế cho người giàu.

Nói như vậy có nghĩa là cả hai ông Hollande và Sarkozy cùng bị bó tay khi muốn kích thích tăng trưởng. Trong khi đó đem lại tăng trưởng cho kinh tế Pháp, theo tôi, phải là một ưu tiên hàng đầu. Bởi vì không có tăng trưởng, thì không tạo được việc làm. Không có tăng trưởng, thì tỷ lệ nợ công so với GDP lại càng tăng cao. 

Riêng ông Hollande chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu tăng trưởng, đặc biệt là khi ông đề nghị thảo luận lại với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu về Hiệp ước tài chính châu Âu. Ứng cử viên đảng Xã hội đòi Bruxelles phải quan tâm đến tăng trưởng kinh tế chứ không thể chỉ chú trọng vào mục tiêu cắt giảm nợ công như hiện nay. 

Nhưng điều gì sẽ xảy tới nếu như một khi đắc cử François Hollande không thuyết phục được các đối tác châu Âu về điểm này ? Thành thử chúng ta có thể nói là so với quan tâm hàng đầu của cử tri Pháp là vấn đề thất nghiệp, tôi thấy là các ứng cử viên tổng thống không có nhiều sáng kiến và không đề ra những biện pháp thực sự cho phép tạo thêm công việc làm để đẩy lui thất nghiệp ».

Nói một cách khác, chuyên gia kinh tế của viện nghiên cứu OFCE Eric Heyer cho rằng giải pháp duy nhất để đem lại thịnh vượng kinh tế cho nước Pháp phải đến từ Bruxelles và Ngân hàng trung ương châu Âu. Tổng thống tương lai của Pháp sẽ phải thuyết phục được hai định chế ấy :
« Tôi nghĩ là một mình nước Pháp không làm được gì. Để thực sự thoát khỏi khủng hoảng, toàn khối châu Âu phải có cùng một tiếng nói. Cả châu Âu phải từ bỏ biện pháp khắc khổ toàn diện như hiện nay để hướng tới một chiến lược phát triển cân đối hơn. Có nghĩa là vừa quản lý chặt chẽ hơn các khoản chi tiêu công cộng, để các nước châu Âu có thể đi vay với lãi suất thấp hơn. Nhưng đồng thời, chính sách khắc khổ đó phải được áp dụng một cách chừng mực để không tác động tới tăng trưởng.

Điều nghịch lý hiện nay là châu Âu, chứ không riêng gì Pháp, đang phải trả lãi suất cao, phải áp dụng các chính sách khắc khổ mà tăng trưởng kinh tế thì vẫn là gần như số không ! Thêm vào đó là tỷ lệ thất nghiệp cao ».

Chuyên gia kinh tế Eric Heyer giải thích tiếp về sai lầm của Bruxelles và Ngân hàng trung ương châu Âu khi hai định chế này buộc các thành viên khối euro đồng loạt thi hành các biện pháp khắc khổ :
"Cả hai ứng cử viên này cùng cho rằng nước Pháp không có sự chọn lựa nào khác và Paris phải tuân thủ luật chơi mà Bruxelles đã đề ra. Có thể đó là một sai lầm. Nhưng đúng là nếu như Ngân hàng Trung ương châu Âu không đóng trọn vai trò để bảo vệ cho các nước thành viên khối euro tránh khỏi ‘nanh vuốt’ của các nhà đầu cơ thì các ứng cử viên tổng thống Pháp không thể làm gì hơn được.

Tuy nhiên, hiện tại việc tất cả các nước trong khu vực đồng euro đồng loạt áp dụng chính sách khắc khổ là một sai lầm vì như vậy châu Âu đang làm tiêu tan đà phục hồi kinh tế vừa manh nha. Dự báo tăng trưởng của toàn khu vực đồng euro gần như là số không. Thậm chí eurozone còn rơi vào suy thoái. Viễn cảnh không mấy sáng sủa hơn đối với nước Pháp. Như vậy thì Pháp không hy vọng giảm bớt thất nghiệp. 

Trong bối cảnh đó chính quyền có thể đề xuất một vài biện pháp để giảm nhẹ bớt tác động đối với thị trường lao động. Nhưng thực sự mà nói thì Pháp sẽ không thể giải quyết thất nghiệp đến nơi đến chốn nếu kinh tế cứ dậm chân tại chỗ".
Vậy thì đâu là tầm hoạt động thực thụ của tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ tới trong việc đem lại tăng trưởng và đẩy lui thất nghiệp ? Kinh tế gia thuộc viện nghiên cứu OFCE trả lời :

« Nếu kích thích kinh tế bằng giải pháp tăng thuế, thì tầng lớp người khá giả phải chia sẻ gánh nặng. Còn nếu như chúng ta giảm chi tiêu công cộng, thì những người nghèo bị thiệt hại nhiều hơn, khi mà một số các dịch vụ công cộng không còn được bảo đảm. Đó là hai logic khác nhau giữa hai ứng cử viên cánh tả và cánh hữu. Trên thực tế không ai áp dụng 100 % một giải pháp cả. Mọi người đều phải dung hòa giữa hai phương pháp nói trên, nhưng với những liều lượng khác nhau ».
Trở lại với cương lĩnh tranh cử của hai ứng cử viên Nicolas Sarkozy và François Hollande, trong địa hạt kinh tế, giáo sư Hoàng Ngọc Liêm đồng thời là Nghị viên châu Âu của đảng Xã hội, không khoan nhượng khi ông nhìn lại nhiệm kỳ sắp sửa khép lại của tổng thống Nicolas Sarkozy :

"Tổng thống Pháp khó có thể dựa vào những ‘thành tích’ đã đạt được trong nhiệm kỳ này. Nhìn lại 5 năm qua, ở Pháp khoảng cách giàu - nghèo đã thêm lớn. Sức mua của các hộ gia đình có thu nhập thấp và của tầng lớp trung lưu hoặc là giảm, hoặc đã bị chựng lại. Cùng lúc, các biện pháp giảm thuế cho tầng lớp giàu có nhất thì lại không đem lại kết quả mong muốn. Cụ thể hơn, những người được giảm thuế thì đã không tiêu thụ thêm để tiếp sức cho guồng máy kinh tế. 

Hơn nữa, khoản tiền thuế mà các doanh nghiệp được miễn đã không được sử dụng để tuyển dụng thêm nhân công hay để đem ra đầu tư. Chỉ số đầu tư tại Pháp trong 5 năm qua sụt giảm. Hậu quả là khu vực sản xuất của Pháp bị mất khả năng cạnh tranh. Khi mất khả năng cạnh tranh, thì xuất khẩu đi xuống gây thâm hụt cho cán cân thương mại. Nhập siêu của Pháp trong 12 tháng qua đã tăng lên tới hơn 70 tỷ euro". 

Trong buổi nói chuyện dành cho ban Việt ngữ RFI ông Hoàng Ngọc Liêm đã giải thích thêm về chương trình tranh cử của ứng cử viên François Hollande trong việc huy động các doanh nghiệp tạo ra đà tăng trưởng cho nước Pháp :
"Về mặt công nghiệp và tài chính, François Hollande muốn ngành tài chính phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, nghĩa là phải ngành tài chính phải đầu tư nhiều hơn. Chính vì thế ứng cử viên đảng Xã hội muốn các doanh nghiệp dùng tiền lời để đầu tư trở lại vào khu vực kinh tế, vào các trường đại học để đẩy mạnh các công trình nghiên cứu, tạo ra những cầu nối giữa các trung tâm đào tạo và thị trường lao động. 

Cuối cùng ông Hollande đề nghị cải tổ hệ thống ngân hàng, phân biệt các hoạt động đầu cơ với các hoạt động tài chính truyền thống, nghĩa là các khoản ủy thác phải được dùng để tạo ra của cải. Theo quan điểm của ứng cử viên đảng Xã hội, đây là biện pháp tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008-2009 vừa qua".

Vấn đề đặt ra là hiện nay châu Âu đang trong một giai đoạn khó khăn, Pháp cùng chung con tàu với eurozone, nên ở cương vị tổng thống François Hollande sẽ phải đàm phán lại với các đối tác châu Âu. Đây không phải là việc dễ làm khi biết rằng Đức, quốc gia có tiếng nói quyết định trong khối euro luôn chống đối mọi đề nghị tăng chi tiêu công cộng. Vậy liệu ông có thể làm thay đổi quan điểm của châu Âu hay không ? Về điểm này chuyên gia kinh tế và nghị viên châu Âu Hoàng Ngọc Liêm trả lời :

" Vấn đề đặt ra là hiện tại kinh tế Âu châu đang gặp khó khăn. Các dự báo cho thấy trong năm 2012 và có thể là cả sang năm 2013 nữa, khu vực này lâm vào suy thoái. Trong bối cảnh đó Pháp sẽ phải đàm phán lại với các đối tác châu Âu về những quy định liên quan đến ngân sách. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, áp dụng đồng loạt các biện pháp khắc khổ để khống chế nợ công, đề phòng rủi ro một thành viên kối euro bị phá sản là điều hết sức tai hại. 

Phe bảo thủ cho rằng áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ cho phép kinh tế châu Âu tăng trưởng trở lại. Trong khi đó nếu như chúng ta giảm chi tiêu trong ngân sách nhà nước, giảm mãi lực của giới làm công ăn lương, đương nhiên sức mua và tiêu thụ đi xuống. Khi sức mua của các hộ gia đình giảm sụt thì khu vực sản xuất sẽ giảm đầu tư. Giảm đầu tư là mất đi khả năng cạnh tranh ….
Vòng luẩn quẩn đó chắc chắn không tạo ra tăng trưởng. Nếu cả châu Âu cùng đắm chìm trong cái vòng luẩn quẩn đó thì không một ai trong khối euro có hy vọng vươn lên. Tôi nghĩ là trước mắt chỉ có một giải pháp đó là dùng ngân sách nhà nước để tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân. 

Đương nhiên là Pháp không thể đơn phương áp dụng chính sách đó mà toàn khối euro phải lấy quyết định này. Đức là đầu tàu kinh tế của châu Âu và vấn đề đặt ra là cánh bảo thủ ở Đức hoàn toàn không muốn biết đến giải pháp này. Chắc chắn là Liên Hiệp Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, không thể thúc đẩy tăng trưởng ngày nào mà Bruxelles còn áp đặt các quy định khắt khe về ngân sách".
RFI

No comments:

Post a Comment