Sunday 1 April 2012

Cướp của và cướp tinh thần trên đường phố Sài Gòn

Friday, March 30, 2012 8:59:21 PM 

Phùng Thức/Người Việt

SÀI GÒN - Vào một ngày trung tuần tháng 3, 2012 ở Sài Gòn, nhiều người tận mắt chứng kiến một cảnh cướp giật đường phố dễ như trò chơi đùa.

Người Sài Gòn nay đã trở nên ‘vô cảm’ với cái xấu, cái ác xảy ra trên đường phố. (Hình: Chris Jackson/Getty Images)
Ở giao lộ Trần Quốc Thảo-Ngô Thời Nhiệm, hai chiếc xe gắn máy chở bốn người thanh niên dàn cảnh đụng nhẹ vào phía sau xe một người đàn ông. Người đàn ông kềm xe để khỏi ngã và ngó lại phía sau định cự nự và coi xe có hư hao gì không. Lập tức một trong hai chiếc xe gắn máy của kẻ cướp trờ tới. Kẻ cướp ngồi sau xe thò tay vào túi quần phía trước của người đàn ông rút ra một xấp tiền.
Xong việc cướp của, bọn cướp bốn người cùng một vẻ mặt tươi cười như vừa chơi xong một trò vui, rồi rồ ga xe ầm ĩ cho mọi người có mặt ở giao lộ biết vụ cướp đã xong, thậm chí chúng còn không cần phóng nhanh.
Lúc vụ cướp diễn ra, gần chỗ nạn nhân có một đội công nhân cây xanh đang cắt tỉa cây với xe cần cẩu và những thiết bị cưa, chặt cây rất gồ ghề. Khi bị đánh động bởi tiếng xe gắn máy cướp giật, các anh công nhân đồng loạt ngừng làm việc và sau đó cũng tóe miệng cười như vừa coi xong một màn hay trong phim hành động.
Quanh ngã tư xảy ra vụ cướp giật có hai quán cà phê vỉa hè với khoảng 10 người khách, một ông sửa, vá xe, một bà bán thuốc lá, bốn góc đường cũng có hai người đàn ông chạy xe ôm nhưng lạ lùng thay không ai phản ứng gì, một tiếng la “cướp” nho nhỏ cũng tuyệt không.
Khi bọn cướp chạy mất, tại hiện trường nạn nhân vẫn còn ngơ ngác, ngoại trừ vẻ mặt ngơ ngác người đàn ông mất của cũng không la hét, phân trần hay phản ứng gì thêm. Sau ít phút định thần, nạn nhân lại quay đầu ngó về phía sau xe, coi xe có hư hao gì không rồi lặng lẽ đề máy xe chạy đi. Cảnh sống ở giao lộ Trần Quốc Thảo-Ngô Thời Nhiệm lại bình thường “bèo giạt mây trôi”.
Ở một con đường khác thuộc quận 11. Nhiều người cũng chứng kiến một cảnh tê liệt phản ứng khác. Một chiếc xe hơi Toyota màu xám bất chấp luật lệ, ngang nhiên quay đầu xe. Người đi xe gắn máy ở gần chiếc xe hơi nhất là một ông già khoảng 60 tuổi.
Ông già phải thắng gấp xe, nhường đường cho xe hơi quay đầu. Nhưng vì lý do nào đó chiếc xe hơi màu xám này không tiếp tục quay đầu, nên ông già chầm chậm cho xe máy lách qua đầu chiếc xe hơi.
Chiếc xe hơi chồm lên, ông già phải thắng gấp. Nhưng rồi chiếc xe hơi lại không tiếp tục quay đầu nên ông già lại chầm chậm lách. Lập tức chiếc xe hơi lồng lộng chồm lên rồi thắng gấp kiểu thú dữ vờn mồi.
Bực mình về chuyện chiếc xe hơi lúc lùi lúc tới, ông già chỉ mở miệng la “Ê, chạy xe gì kỳ vậy ta!” Ðột nhiên, cửa chiếc xe hơi bật mở dù cả chiếc xe vẫn còn nằm ngang choán hết nửa đường lưu thông. Từ trên xe hơi, người thanh niên lái xe tuổi chừng hai mươi lăm, áo trắng tay dài, áo bỏ trong quần, bước xuống xe chỉ tay vào mặt ông già nói. “Này thằng già kia, mày muốn gì.” Ông già nói: “Anh đang quay đầu xe không đúng luật.” Cũng từ chiếc xe hơi, người đàn ông thứ hai trang phục y như người lái xe, mắng hùa: “Thằng già láo!”
Lúc đó, ông già quay đầu tìm kiếm đồng minh từ dòng người đang kẹt đường phía sau để giúp ông phân phải quấy. Nhưng tuyệt nhiên không ai phản ứng gì. Ông già bị mắng cứ ngơ ngác như người vừa bị cướp mất tinh thần.
Nói gì đến những bất công về chính trị, kinh tế... so với những vụ án giết người cướp của rùng rợn hoặc tan hoang đạo đức như đâm cha, giết mẹ, đốt con... nhan nhản trên báo chí thì hai mẩu chuyện kể trên chỉ là những vụ việc nhỏ, rất nhỏ trong hàng ngàn vụ việc diễn ra hàng ngày trên đường phố Sài Gòn.
Nhiều người sống ở Sài Gòn ngày nay không thích chuyện giúp công an bắt cướp, đó là một nhận thức tiến bộ vì không thể làm thay, chịu nguy hiểm thay cho những cán bộ mà chính mình đã đóng vô số thuế để trả lương.
Tất nhiên chuyện giúp đỡ nạn nhân bằng cách gọi công an là chuyện ai cũng biết mắc công vô ích.
Nhưng chẳng lẽ đến những phản ứng với ý hỗ trợ, hỏi thăm, an ủi nạn nhân bị cướp cũng tuyệt không.
Chẳng lẽ trong trường hợp ông già bị mắng chưởi vô lý cũng không có người lên tiếng bảo vệ. Cộng đồng này đã tê liệt rồi chăng? Ai bảo vệ giúp đỡ lương dân!
Không hề cường điệu khi cho rằng mỗi người đang sống ở Sài Gòn lúc này đều có thể kể hàng loạt những chuyện trái tai gai mắt mà họ chứng kiến từng giờ từng ngày, nhưng làm gì? “Bó tay chấm cơm” đó là điều duy nhất họ có thể nói.
Thế nên không cần phải là thánh thần mới có thể đưa ra lời dự đoán về tiến trình thoái hóa của một đô thị lớn từng một thời đứng rất chắc chắn trên nền của những giá trị cộng đồng văn minh.
 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146664&zoneid=3

No comments:

Post a Comment