Thursday 19 April 2012

Lạm bàn về trí thức và nguỵ trí thức _ BsNgoc

“...Người trí thức chân chính không chỉ có tầm mà còn có tâm. Họ đau đáu lo chuyện quốc gia đại sự dù họ không có quyền...”
 
Mấy tuần nay muốn góp một tiếng nói chung quanh đề tài gọi là “trí thức”, nhưng cái viêm khớp đánh bại mọi ý định. Ngày nào mình điều trị cho người khác, nay đến lúc mình thành bệnh nhân của đồng nghiệp. Trở thành bệnh nhân cũng có cái hay, vì mình có dịp đọc, chiêm nghiệm cuộc đời, suy nghiệm những tín hiệu trong đời sống.

Phát ngôn viên của Đảng?

Tín hiệu bắt đầu từ phát biểu của Ngô Bảo Châu, một đứa con cưng của chế độ hiện nay. NBC định nghĩa trí thức như sau: “… trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”

Thế là một cơn bão tsunami ập đến. Phản đối và bênh vực. Phản đối nhiều hơn bênh vực. Có những người từng thần tượng và ủng hộ NBC mà nay cũng quay 180 độ. Họ phản đối định nghĩa phiến diện của NBC. Người ta thất vọng với quan điểm của NBC, người mà người ta kỳ vọng quá nhiều. Từ kỳ vọng quá nhiều, họ quay sang khinh bỉ NBC vì anh ta đi “hai hàng”. Người bênh NBC vì … thích. Thích tài năng của NBC. Khi thương trái ấu cũng tròn. Nên người ta sẵn sàng lăn xả vào bảo vệ thần tượng của mình, bất kể thần tượng đó nói năng nhảm nhí ra sao. Âu cũng là tâm tính trẻ con.

Riêng tôi ngạc nhiên với cách hiểu về trí thức của NBC. Tôi ngạc nhiên vì một người đọc sách nhiều, trầm tỉnh và sâu sắc như thế mà có cách hiểu về trí thức trái ngược lại với những gì cộng đồng học thuật công nhận. Tôi không hiểu khái niệm trí thức “không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội” của anh ta đến từ đâu. Chắc chắn anh ta không đủ khả năng học thuật để “nặn” ra một khái niệm ngược đời như thế.

Nhưng tuần qua, tôi đã có câu trả lời. Cách hiểu về trí thức của NBC xuất phát từ Đảng CSVN. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng (6/8/2008) định nghĩa trí thức như sau: trí thức là “những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.” Chú ý những chữ “lao động trí óc”, “học vấn cao”, “sản phẩm tinh thần và vật chất”. Đó cũng chính là những chữ hay ý mà NBC phát biểu. Đảng không nói đến vai trò phản biện của trí thức, nhưng NBC nói thẳng hơn, trực tiếp hơn rằng phản biện chẳng có liên quan gì đến trí thức.

Kể ra cũng ngạc nhiên hay đáng mừng khi Đảng đã có thay đổi nhận thức về trí thức. Ngày xưa Đảng kêu gọi “trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ“. Cái khẩu hiệu ghê rợn và mang mùi máu đó không còn nữa. Thay vào đó là những câu văn êm tai và mùi vị ngọt ngào hơn.

Nghị quyết của Đảng ít người được đọc. Nhưng nay nhờ NBC mà chúng ta biết được quan điểm của Đảng về trí thức ra sao. Có quá không nếu nói NBC là phát ngôn viên của Đảng CSVN?

Đặc điểm của trí thức

Tôi là bác sĩ. Người đời thường xếp tôi và những người tốt nghiệp đại học (học thật chứ không phải học giả như bây giờ) là “trí thức”. Không biết tự bao giờ, người ta xếp những người “có học” là thành phần trí thức, nhưng tự trong thâm tâm, tôi không bao giờ nghĩ mình là bậc trí thức. Những đồng nghiệp tôi cũng không nghĩ họ là trí thức. Tôi không thấy những người mang chức danh “giáo sư”, “tiến sĩ” nhan nhản trong ngành y là trí thức, không phải vì những chức tước đó là do mua bán, mà vì họ chẳng có phát kiến gì có ảnh hưởng ngoài nghành nghề của mình. Thật ra, ngày nay, mỗi lần nghe ai đó giới thiệu “giáo sư, tiến sĩ” là tôi tự động khinh bỉ ngay! Tôi khinh bỉ vì tôi biết khả năng là những tước danh như thế là dỏm, và bản thân những người đó không xứng đáng được gọi như thế, chứ nói gì đến hai chữ “trí thức”.

Tôi nhìn thầy của mình như GS Trần Ngọc Ninh là bậc trí thức. Không phải vì Thầy có bằng cấp cao và chức danh giáo sư, nhưng vì Thầy là người uyên bác có đóng góp ngoài lĩnh vực chuyên môn của Thầy. Tôi coi cụ Nguyễn Hiến Lê là bậc trí thức, không phải vì cụ có học thức cao (thật ra, cụ chưa bao giờ tốt nghiệp đại học), mà vì những đóng góp vô giá của cụ cho xã hội qua những tác phẩm của cụ. Tôi xem cụ Đào Duy Anh, cũng chưa bao giờ tốt nghiệp đại học, là một bậc trí thức.
Hai cảm nhận trên để tôi đi đến một kết luận: Học vấn cao hay lao động trí óc không phải là một đặc tính làm nên người trí thức.

Thế thì trí thức là gì? Tôi mới đọc được một từ rất hay từ web của GS Nguyễn Văn Tuấn. Đó là từ nguỵ trí thức. Ông không giải thích cụ thể thế nào là nguỵ trí thức (có lẽ là pseudo-intellectual?), do đó ở đây tôi cố gắng bổ sung ý nghĩa chữ đó. Theo cảm nhận của tôi, nhận ra những đặc điểm của nguỵ trí thức cũng là cách để chúng ta phân biệt với trí thức chân chính. Theo tôi, những đặc tính sau đây có thể giúp chúng ta nhận dạng một người trí thức chân chính để phân biệt với những nguỵ trí thức.

Vượt tầm: Người trí thức chân chính không chỉ là người có chuyên môn cao, mà còn phải có những đóng góp ngoài chuyên ngành của mình. Có chuyên môn cao là một intellectual worker (có lẽ dịch là người lao động trí óc) như có người định nghĩa trên trang web của GS Nguyễn Văn Tuấn. Người trí thức đi ra ngoài phạm vi chuyên môn của một intellectual worker, bằng cách đóng góp ý kiến, phản biện những vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị, triết học … GS Trần Ngọc Ninh, BS Nguyễn Khắc Viện là những người của ngành y, nhưng các bậc đàn anh đó còn là những nhà văn hoá có tiếng. Họ xứng đáng là những intellectual – nhà trí thức. Người trí thức chân chính không chỉ có tầm mà còn có tâm. Họ đau đáu lo chuyện quốc gia đại sự dù họ không có quyền.

Khiêm tốn: Người trí thức là những người khiêm tốn, vì họ ý thức được rằng kiến thức của mình còn hạn chế. Khiêm tốn tri thức còn có nghĩa người trí thức không khẳng định những gì mình chưa biết hay chưa có chứng cứ. Dĩ nhiên, khiêm tốn ở đây cũng có nghĩa là người trí thức không nên tự phụ, kiêu căng, khoác lác, kiêu ngạo, mà phải sử dụng logic và chứng cứ để phát biểu một cách hợp lý. Việt Nam không thiếu những người cũng mang danh giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhưng kỳ thực là họ không có kiến thức uyên bác về lĩnh vực họ phát biểu. Thay vào đó là những khoa ngôn, rừng chữ cầu kỳ, màu mè, mà chính họ cũng không hiểu họ nói gì. Những kẻ đó tôi gọi là nguỵ trí thức. Giới báo chí thường hay bị lừa bởi những nguỵ trí thức. Mới đây đã xảy ra trường hợp một ông bác sĩ hay dùng những từ ngữ triết học cao siêu được mời viết bài và giảng ở Đại học quốc gia TPHCM, nhưng chỉ vài ngày thì người ta phát hiện ông ta chỉ là loại nguỵ trí thức.

Can đảm, dấn thân: Người trí thức thật sự khác với trí thức trùm chăn. Trí thức trùm chăn là những kẻ cũng có bằng cấp cao, cũng danh xưng đầy mình, cũng lao động trí óc, nhưng không có khả năng hình thành một quan điểm độc lập. Họ là những người nằm trong một tổ chức, như Đảng CSVN. Họ có thể nhận ra những gì Đảng dạy là sai, nhưng họ không dám nói ra, chỉ “trùm chăn” hay đóng vai 3 con khỉ không muốn nghe, không muốn thấy, và không muốn nói. Loại này thì có nhiều ở Việt Nam. Ở bàn nhậu họ phát biểu rất hăng, nhưng khi họp chi bộ thì họ là những con mèo đáng thương hại. Ngược lại với loại trí thức dỏm (trùm chăn) đó là trí thức thật, những người không khi nào chấp nhận lý lẽ của người khác một cách dễ dãi, không bao giờ chấp nhận giáo điều, không bao giờ khuất phục trước những kẻ quyền thế. Đặc tính can đảm đặt người trí thức ở tình thế có khi nguy hiểm. Nếu Đảng dạy trí thức phải là a, b, c, mà người trí thức phản biện (với lý lẽ) không phải như thế thì người trí thức sẽ đối đầu với rủi ro. Người trí thức chân chính chấp nhận rủi ro đó. Còn nguỵ trí thức thì chỉ việc đi theo đường hay học thuộc bài Đảng đã dạy.

Thấu cảm: Người trí thức chân chính lúc nào cũng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu họ. Đặc tính này có tương quan với khả năng hình thành quan điểm và lý trí của người khác, và lý giải từ những giả định, tiền đề và ý tưởng của chính mình. Thấu cảm còn có nghĩa là người trí thức sẵn sàng chấp nhận mình sai cho dù mình tin tưởng rằng mình đúng. Những loại trí thức dỏm không có đặc tính thấu cảm, bởi họ không bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Họ có thể là những người ở nước ngoài, không chịu sự chi phối của các nhóm quyền lực chính trị, nhưng họ sẵn sàng lớn tiếng lên tiếng lên lớp đồng môn trong nước là “phản biện trung thành” và lấy làm hài lòng sự lên lớp của mình.

Liêm chính: Người trí thức chân chính là người áp dụng những quy chuẩn khoa học để đánh giá những lý giải và chứng cứ của mình, chứ không phải dễ dãi với những gì mình tin tưởng. Nói cách khác, người trí thức dùng quy chuẩn khoa học chẳng những cho người khác mà còn cho chính mình. Điều này đòi hỏi người trí thức phải thành thật chấp nhận những quan điểm khác với mình. Đặc tính này tương phản với nguỵ trí thức, những kẻ không có khả năng lắng nghe quan điểm của người khác, không đủ can đảm để ghi nhận phê bình của người khác. Nguỵ trí thức cũng là loại trùm chăn, vì đầu óc họ (cũng lao động trí óc) chỉ biết có một quan điểm, chỉ tin vào một thần tượng. Bất cứ ai phê bình thần tượng của họ, họ nổi nóng và lảm nhảm. Một loại nguỵ trí thức khác là lên giọng dạy người khác rằng khi phản biện phải có am hiểu vấn đề nhưng bản thân họ thì chẳng có bất cứ một kiến thức nào về vấn đề họ phản biện. Đó là loại nguỵ trí thức tiền hậu bất nhất, một tiêu chuẩn cho mình, một tiêu chuẩn cho người khác.

Kiên trì và trung thành: Người trí thức chân chính là người trung thành với lý tưởng của mình, tin rằng lý tưởng đó sẽ làm cho xã hội tốt hơn. Họ kiên trì theo đuổi những sự thật hay nguyên lý mà họ tin tưởng, bất chấp những khó khăn, cản trở, và đe doạ. Khác với trí thức chân chính, nguỵ trí thức thay đổi quan điểm khi có điều kiện. Hôm nào họ tích cực tham gia phản biện dự án bauxite, nhưng sau một thời gian có lẽ bị uốn nắn, họ quay sang nói trí thức không cần phản biện!
Căn cứ vào những đặc tính trên, tôi nghĩ ở Việt Nam rất khó có một giai cấp trí thức chân chính. Chúng ta không có cơ hội để phản biện trên báo chí thì làm sao vượt tầm được. Nền học thuật còn chưa có tự do thì làm sao chúng ta có cơ hội công bố những quan điểm học thuật. Thay vào đó, chúng ta có rất nhiều nguỵ trí thức. Trong số này phải kể đến chính những người đã làm ồn ào không gian cyber với định nghĩa thế nào là trí thức.

BSNgoc
Nguồn: bsngoc.wordpress.com


_______________


No comments:

Post a Comment