Saturday 14 April 2012

Mỹ, Philippines chuẩn bị tập trận

thứ bảy, 14 tháng 4, 2012
Lính Mỹ và Phillippines tập trận ở tỉnh Zambales của Philippines năm 2011
Mỹ và Philippines thường xuyên tập trận trung trong thời gian gần đây

Hàng ngàn lính Mỹ sẽ bắt đầu gần hai tuần tập trận ở Philippines kể từ thứ Hai ngày 16/4 trong bối cảnh hai quốc gia này đang tìm cách củng cố liên minh quân sự với mối lo ngại trước sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Cuộc tập trận mang tân Balikatan (vai kề vai) này là một hoạt động thường niên của hai nước. Tuy nhiên năm nay nó thu hút nhiều sự quan tâm với một số hoạt động diễn tập diễn ra gần vùng biển nhạy cảm trên Biển Đông mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.

‘Không chống Trung Quốc’

Manila nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên xem cuộc tập trận với sự tham gia của 4.500 người của phía Mỹ và 2.300 binh sỹ Philippines là một hành động khiêu khích.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là chống lại bất cứ quốc gia nào. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm an ninh hàng hải và bảo vệ các lợi ích của đất nước chúng tôi,” Đại tá Emmanuel Garcia, phát ngôn viên về cuộc tập trận của quân đội Philippines, nói với hãng tin AFP.
Tuy nhiên, ông cũng xác nhận các chiến hạm Mỹ và Philippines sẽ diễn tập ở những vùng biển trên Biển Đông trong khi giới lãnh đạo Philippines đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc là một trong những mối quan ngại chính của nước này về an ninh hàng hải.
Cảm nhận mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã kêu gọi thắt chặt hơn nữa mối quan hệ quân sự với Mỹ hồi năm ngoái.
Lời kêu gọi này của ông Aquino đã được hoan nghênh ở Hoa Kỳ vốn đang muốn hiện diện trở lại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương – một phần là để kiềm chế sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.
"Đó (cuộc tập trận) là một thông điệp tinh tế dành cho Philippines rằng Hoa Kỳ rất nghiêm túc về việc can dự vào châu Á và sẽ hỗ trợ cho các quốc gia cần giúp đỡ."
John Blaxland, Đại học quốc gia Úc
Hồi tháng trước, Tổng thống Aquino nói với hãng tin AFP rằng mặc dù nước này vẫn không cho phép Mỹ lập căn cứ trở lại trên lãnh thổ của họ, ông hoan nghênh Mỹ có sự hiện diện quân sự nhiều hơn thông qua các cuộc tập trận chung như Balikatan.
Trong bối cảnh như thế, cuộc tập trận này sẽ có thêm một ý nghĩa là gửi một thông điệp đến Trung Quốc, ông John Blaxland, một chuyên gia chính trị và an ninh khu vực của Đại học quốc gia Úc, nhận định.
“Đó là một thông điệp tinh tế dành cho Philippines rằng Hoa Kỳ rất nghiêm túc về việc can dự vào châu Á và sẽ hỗ trợ cho các quốc gia cần giúp đỡ,” Blaxland nói với AFP.
Cuộc tập trận Balikatan sẽ diễn ra từ ngày 16 cho đến 27/4 trên đảo Luzon cũng như Palawan, một hòn đảo nhỏ nằm ở cực tây của quốc gia này.
Cả Mỹ và Philippines đều nhấn mạnh rằng Balikatan không chỉ tập trung vào xung đột mà còn các khía cạnh khác như nhân đạo và cứu nạn thiên tai.

Scarborough hạ màn

Năm tàu cá Trung Quốc cuối cùng trong vụ chạm trán với Hải quân Philippines ở bãi cạn Scarborough cuối cùng cũng đã rời đi, giới chức Philippines cho biết hôm thứ Bảy ngày 14/4.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này Raul Hernandez đã xác nhận các tàu này đã rời đi vào tối ngày 13/3.
Tàu cá Trung Quốc bị nghi đánh bắt trái phép ở Philippines
Các tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt những loài trong diện tối nguy
Ông cho biết Ngoại trưởng Philippines Rosario và Đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh đang tiếp tục đàm phán để tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề Scarborough.
Cả hai phía đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn hình móng ngựa không có người ở nằm cách bờ biển gần nhất của Philippines 203 km.
Các tàu Trung Quốc rời đi sau các cuộc đàm phán của các nhà ngoại giao hai nước. Cùng đi với 5 tàu cá này là một tàu hải giám của Trung Quốc.
Như vậy tại hiện trường giờ chỉ còn một tàu hải giám của Trung Quốc và một tuần duyên của Philippines.
Trước đó, hôm thứ Sáu 13/4 giới chức Philippines đã xác nhận rằng ba tàu cá và một tàu hải giám Trung Quốc đã rời đi nhưng tại hiện trường vẫn còn lại năm tàu cá của Trung Quốc bị tình nghi đánh bắt trộm.
Tàu Trung Quốc rời đi chỉ một ngày sau khi Hải quân Philippines rút chiến hạm lớn nhất của họ khỏi khu vực và thay thế bằng một tàu tuần duyên. Động thái này của Manila được nhận định là một dấu hiệu chứng tỏ căng thẳng đã giảm bớt trong khi các nhà ngoại giao đang khẩn trương tìm giải pháp.
Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario nói cả hai phía đều đưa ra những đề xuất giải quyết căng thẳng nhưng không đạt được bất cứ đồng thuận nào. Tuy nhiên ông không cho biết chi tiết về các đề xuất này.
Trước đó, giới chức nước này cho biết họ phát hiện ra trai cỡ lớn, san hô và cá mập sống trên các tàu cá này. Những sản vật này được đánh bắt ở vùng biển xung quanh đảo Luzon.
“Chúng tôi đang theo dõi năm tàu cá hiện vẫn đang thu nhặt san hô ở vùng biển này,” Trung tướng Anthony Alcantara, người đứng đầu bộ tư lệnh phía bắc đảo Luzon của quân đội Philippines nói với phóng viên.
Việc các tàu cá Trung Quốc rời đi mà không bị Philippines chặn lại có thể là một chiến thuật ngoại giao, ông nói.
Ông cho biết các tàu cá Trung Quốc rời đi cùng với những thứ họ đánh bắt mà giới chức Philippines muốn tịch thu theo luật pháp của nước họ.

No comments:

Post a Comment