Saturday 14 April 2012

Người Tự Do Giải Quyết Chiến Tranh Hai Miền



Vi Anh

Hoa kỳ và Việt Nam, hai nước đều có trải qua một cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc. Hoa kỳ dùng tình thương xóa bỏ hận thù để chấm dứt chiến tranh, để tác động tốt cho quân sĩ, để hòa giải dân tộc và để tái tạo nội lực quốc gia. Còn VN, Cộng sản Hà nội dùng hận thù để chấm dứt chiến tranh, tạo thêm một cuộc chiến trong thời hậu chiến bình yên, không súng nổ nhưng đầy tù đày, chết chóc, tỵ nạn; 37 năm sau oan nghiệt vẫn còn.

Năm 1994, tạp chí Readers Digest số 9/1994 có đi một bài tiêu biểu đầy ý nghĩa: Chiến tranh Nam Bắc Mỹ (1861-1865) — Ân Xá ở Appomattox (Mercy at Appomattox). Tác giả là một nhà khảo sử William Zinsser. Một đốc sự hành chánh của VNCH, Ô Lê Ngọc Diệp đọc nhiều lần, nhơn Tết Mậu Thân thứ 40 rồi thấy CS Hà nội còn ăn mừng chiến thắng rầm rộ, nên phiên dịch để so sánh cách giải quyết chiến tranh rất khác nhau giữa người tự do và người CS.

Cuộc chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ từ  năm 1861 đến 1865; ở VN, từ  1960 đến 1975. Số thương vong quân sự ở Mỹ gần 600,000 trong vòng 4 năm; ở VN, không có số thống kê chánh thức nhưng ít ra cũng 3-4 lần nhiều hơn trong 15 năm. Ở Mỹ lý tưởng tự do, chiến đấu giải phóng nô lệ Da Đen thắng. Còn ở VN, lý tưởng bảo vệ tự do, dân chủ, chiến đấu tự vệ ở Miền Nam thua, chủ nghĩa độc tài đảng trị toàn diện Cộng sản ở Miền Bắc thắng. Nhưng khác biệt quan trong và sâu sắc nhứt là hai bên Nam Bắc kết thúc chiến tranh  giữa hai miền Nam Bắc.

Hoa Kỳ lấy tình thương xóa bỏ hận thù để tái tạo nội lực dân tộc trong niềm tương kính những chiến sĩ sống cũng như chết đã anh dũng chiến đấu cho lý tưởng của mình. Sau khi thủ đô Richmond của Miền Nam mất, quân Miền Nam  hết sức suy yếu, đói rách, một viên sĩ quan đề nghị với Tướng Lee, tư lịnh Miền Nam, phân tán và đánh du kích. Tướng Lee không đồng ý. Ông giải thích tiếp tục đánh nhau chỉ gây thêm đau khổ không cần thiết cho dân miền Nam. Ông nói: “Không còn giải pháp nào khác hơn là tôi phải đến gặp tướng Grant, nếu không, tội của tôi đáng chết ngàn lần!” “Ngày 9 tháng 4, tướng Lee ra lịnh viên sĩ quan tùy viên, đại tá Charles Marshall, đến một ngôi làng kế bên, Appomattox Court House, để tìm một địa điểm cho ông và tướng Grant gặp mặt. Tướng Lee đến trước, mặc lễ phục mang dây biểu chương và đeo kiếm, tướng Grant mặc đồ tác chiến thường ngày, quần và giày còn bám đất hành quân. Hai người ngồi trong phòng khách của ông Mc. Lean và hàn huyên thân mật về cuộc sống quân ngũ trong cuộc chiến tranh Mễ Tây Cơ. “Sau cùng, tướng Lee đề cập đến “mục đích của buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay“. Tướng Grant bèn lấy cây viết chì, viết vội vã những điều kiện đầu hàng và trao lại cho tướng Lee. Sau khi xem qua những điều tướng Grant trao, tướng Lee nói: “Những điều kiện nầy sẽ là môt tác động tốt cho quân sĩ của tôi“. Điều kiện đầu hàng không đòi hỏi sự trả thù địch quân, họ được tự do về lại quê nhà. Tướng Lee đề cập đến nhiều binh lính của ông dùng ngựa đi đánh trận [tức có xem ngựa là vũ khí phải giao nộp theo luật chiến tranh không]  ông hỏi tướng Grant rằng những quân lính nầy có thể giữ lại ngựa của họ được không? Tướng Grant chấp nhận và ông nói rằng hầu hết là những người nông dân và nếu họ không có ngựa, ông e rằng họ khó lòng trồng trọt để sống qua mùa đông. Tướng Lee trả lời: “Điều nầy sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc của chúng ta“.Trước khi chia tay, ông cho tướng Grant biết rằng ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không đủ lương thực cho họ, và ngay cả thiếu lương thực cho binh lính của ông. Tướng Grant nói ông sẽ gởi sang cho binh lính của tướng Lee 25,000 phần lương thực khô. Các đơn vị của Tướng Grant nhịn bớt phần ăn, gởi cho quân miền Nam nhiều hơn số Tướng Grant hứa.

“Vào ngày 12 tháng 4, quân đội của tướng Lee tiến vào ngôi làng để trao nộp vũ khí. Chính tại nơi nầy, hành động hòa giải cuối cùng đã xảy ra và đó là tất cả ý nghĩa tại Appomattox. Một nhân vật đáng kính, Tường Joshua L. Chamberlain, một tướng lãnh miền Bắc được chỉ định tiếp nhận binh sĩ quy hàng. Ông vốn là một giáo sư  của đại học Bowdoin, rời bục giảng, tình nguyện nhập ngũ, sáu lần bị thương, có một lần trầm trọng đến nỗi bác sĩ quân y không cứu chữa vì coi ông như đã chết.

“Ngày  tiếp đón quân Miền Nam giao nộp vũ khí, trước hàng quân nghiêm chỉnh, Tướng Chamberlain, sau này kể lại.  Nhìn những binh sĩ miền Nam xơ xác từ trên đường đồi đi vào làng, dẫn đầu là tướng John B. Gordon, “Giây phút đó làm tôi thật sự xúc động. Tôi quyết định để đánh dấu sự việc nầy, tôi phải làm biểu hiện thừa nhận không gì khác hơn là chào tay. Đối diện với chúng tôi, trong tư thế bại trận nhưng can trường, là biểu tượng của tinh thần trượng phu, những con người không rã rời, không đau khổ, bất chấp tử vong và không có một sự tuyệt vọng nào có thể khuất phục họ được. Bây giờ đây, họ trở thành những con người ốm yếu, tả tơi và đói khát, nhưng họ đứng sừng sững, mắt nhìn ngang vào chúng tôi, làm sống dậy những sự ràng buộc thiêng liêng cao cả hơn hết. Những đấng nam nhi như vậy sao lại không được hội nhập vào một Hợp Chúng Quốc đã thử thách và vững vàng?“

Đáp lại lịnh của tướng Chamberlain, “tức thời tất cả hàng ngũ của chúng tôi, từ đơn vị nầy đến đơn vị khác, đều nghiêm chỉnh chào tay. Tướng dẫn đầu đoàn quân, ngồi trên lưng ngựa trông buồn bã, đầu cuối xuống, nghe được tiếng động của sự chào tay và nhận ra hàm ý của việc đối xử nầy, di chuyển một cách tuyệt diệu làm cho ông và con tuấn mã ở một vị thế nhìn thẳng, rồi ông theo quân cách chào lại bằng cách hạ kiếm ngang mũi giày và ra lịnh cho các đơn vị theo sau thi hành lễ nghi quân cách khi đi ngang hang quân Bắc Mỹ: danh dự được đối xử bằng danh dự! Phía chúng tôi không còn tiếng kèn thắng trận, không một tiếng trống, không một tiếng reo hò, không một lời nói hay một tiếng sầm xì về một sự vinh quang hư ảo, mà là một sự im lặng rợn người và nghẹt thở dường như là một sự diễn hành của những bóng ma“.

Từ sáng sớm đến chiều tối, những người lính miền Nam ở thế chào đi ngang những người miền Bắc cũng ở thế chào. Họ giao vũ khí, những lá cờ miền Nam tơi tả và trở về quê. Gần 100,000 quân miền Nam đã quy hàng ở Appomattox. Vài ngày sau, tất cả đều rời nơi nầy và ngôi làng trở về nếp sống an bình của nó.”

Hận thù chiến tranh Nam Bắc đã qua đi để xây dựng lại tình yêu  và nội lực quốc gia dân tộc và quân lực Hoa kỳ. Những bãi chiến trường và nghĩa trang quân đội của hai miền Nam và Bắc Mỹ đều được chánh quyền và nhân dân Mỹ tôn vinh, thừa nhận là cổ tích liệt hạng của Liên bang Mỹ. Một phần đất của nghĩa trang quốc gia Arlington  được dành cho quân dân Miền Nam có công với Tổ Quốc Mỹ. Lá cờ Miền Nam, người dân, tổ chức nào muốn treo thì treo như di sản niềm tin của mình. Không có trả thù, trả oán. Không coi chiến thắng là vinh quang.

Đọc những dòng trên, quân dân cán chính VN Cộng Hòa không thể nào không nhớ lại và không thể nào quên những tủi nhục mà CS Hà nội đã gây ra sau khi Tướng Dương văn Minh ra nhật lịnh buông súng, chờ bàn giao chánh quyền cho những người CS Miền Bắc. Người chết CS Hà nội không tha, cào mồ cuốc mả, phá nghĩa trang. Người sống bắt đi tù cải tạo, rừng thiêng nước độc, cưỡng bức lao động, không bản án, không ngày ra. Dân bị đổi tiền ba lần bồn lượt, đánh tư sản mại bản rồi tư sản dân tộc. Nhà cửa bị tịch thu cấp cho cán bộ Miển Bắc vào cai trị. Lối sống và văn hóa, văn nghệ Miển Nam bị cào bằng qua nhiều chiến dịch tịch thu văn hóa phẩm, cầm nhạc vàng.

Hơn ba triệu người vượt biên, vượt biển.

37năm sau CS Hà nội có mở cửa kinh tế nhưng khóa chặt chánh trị.

Tự do, dân chủ, nhân quyền của người Việt không nới lỏng.

Vi Anh
http://vietbao.com/D_1-2_2-44_10-448_12-1_4-190647_5-15_6-1_17-2467_14-2_15-2/

***

No comments:

Post a Comment