Wednesday 11 April 2012

Thạch 'Tak' Nguyễn, chàng trai vươn lên từ gia đình đổ vỡ

Sunday, March 18, 2012
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Từ một học sinh xuất sắc suốt những năm tiểu học cho đến lớp 11, kết quả học tập của em bỗng rớt xuống. Em không thể tập trung được đầu óc vào việc gì hết. Gia đình em tan vỡ. Ba mẹ em ly dị sau những năm dài liên tục cãi vã. Em xung đột với bạn trai của mẹ ngay trong ngôi nhà mình. Em sống trong những ray rứt, ngột ngạt của một đứa con trai đang ở giai đoạn chưa hẳn là người lớn và cũng chẳng phải là trẻ con.
Trong hoàn cảnh như vậy, đứa học trò ở tuổi trăng tròn đó sẽ đi vào con đường gì, theo lẽ thường tình của cuộc sống?
Một màu xám xịt trước tương lai của em - người ta có quyền nghĩ như vậy lắm chứ!
Vậy mà em làm khác đi tất cả, trong sự ngỡ ngàng của những người quen biết em.
Em là một trong năm người trẻ tuổi xuất sắc nhất được Tổng Thống Barack Obama vinh danh trong chương trình “Champions of Changes” tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Năm vừa qua.
Ðó là Thạch “Tak” Nguyễn, 23 tuổi, cựu sinh viên trường đại học UCLA, một cư dân của Little Saigon, đồng sáng lập tổ chức giúp đỡ cho những người vô gia cư và sinh viên nghèo mang tên “Swipes for the Homeless.”

 


Thạch Nguyễn trong ngày lễ tốt nghiệp cử nhân tâm lý học. (Hình: Thạch Nguyễn cung cấp)
Giúp người vô gia cư
Bà Cúc Nguyễn, mẹ của người thanh niên ưu tú ấy và là một người thợ làm tóc ở Huntington Beach, nói trong xúc động, “Nghĩ đến Thạch, tôi vừa muốn cười lại vừa muốn khóc. Niềm vui tràn ngập trong tim. Nó làm mình hãnh diện và vui sướng quá!” Như hầu hết các bậc cha mẹ trong cộng đồng, cha mẹ của Tak vẫn còn gọi Tak bằng tên Việt Nam của em, “Thạch.”
Trong khi đó, ba của Tak, ông Thống Nguyễn, một người thợ cắt tóc ở Santa Ana, cũng không thể nào nén được cảm xúc của mình, “Tôi không diễn tả bằng lời nói được. Không gì quý hơn những điều con tôi đã cho tôi hôm nay. Ðến giờ nếu có nhắm mắt tôi cũng an lòng bởi vì tôi có một đứa con quá tuyệt vời.”
Từ Washington, DC, Tak nói qua điện thoại bằng giọng rất vui, “Tất cả chỉ mới một ngày trôi qua thôi, em vẫn chưa thể tin rằng chuyện này đã xảy ra. Em cứ suy nghĩ về nó và tối rồi em không có ngủ được. Nguyên ngày hôm nay em cũng không ăn được. Em vẫn còn bị ‘sốc’ chị à. Sẽ cần một ít thời gian nửa trước khi em nhận ra được chuyện gì đã xảy ra.”
Tak cười, nghe rất hạnh phúc.
Trong chương trình “Champions of Changes,” Tak được hơn 23,000 phiếu bình chọn, đủ để giành chiến thắng cho hành trình đến Washington, DC, để bao nhiêu triệu người nhìn thấy em qua màn ảnh truyền hình. Ngày Thứ Năm đó, chàng trai trẻ gốc Việt, có gương mặt rạng rỡ, nụ cười không tắt trên môi, ngồi ngay phía bên tay phải của Tổng Thống Barack Obama, trong lúc ông nói chuyện vinh danh em và bốn người khác.
Ngay sau khi chấm dứt bài diễn văn, tổng thống quay sang bắt tay chúc mừng Tak.
Năm 2009, Tak Nguyễn cùng với Brian Pazeshki, một sinh viên cùng trường, đồng sáng lập tổ chức “Swipes for the Homeless.”
“Swipe” có nghĩa là cà thẻ ăn. Tại đại học, sinh viên thường trả tiền ăn trước cho suốt mùa học. Mỗi khi ăn, họ phải cà thẻ để nhà trường trừ đi một bữa ăn. Tak cùng Brian kêu gọi mọi người ủng hộ bằng cách cà thẻ thêm một lần để dành bữa đó cho người vô gia cư.
Mỗi lần cà thẻ như vậy, Tak nhận được 1 pound thực phẩm. Ðến nay, sau 3 năm thực hiện chương trình này, “Swipes for the Homeless” được sinh viên cà thẻ cho khoảng 25,000 lần, tương đương 25,000 pound thực phẩm.
Không chỉ dừng lại ở UCLA, “Swipes for the Homeless” giờ đây hiện diện tại nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ và quốc gia khác, trong đó có UC Berkeley, USC, University of Texas at San Marcos, University of Paris, Pháp...
Chuyện những người trẻ làm thiện nguyện trên đất nước này không phải là hiếm. Nhưng chuyện cậu bé Mỹ gốc Việt vươn lên từ những khó khăn của một gia đình đổ vỡ để sống, để học và để làm những công việc như thế lại là điều đáng để người ta suy nghĩ.



Thạch Nguyễn và mẹ ngày tốt nghiệp đại học UCLA. (Hình: Cúc Nguyễn cung cấp)
Vượt qua khủng hoảng
Bà Cúc kể về thời gian “khủng hoảng tâm lý” của đứa con trai mình.
“Tám năm về trước, khi vợ chồng tôi chia tay, Thạch chỉ mới 15 tuổi. Hai anh trai của Thạch đủ lớn để hiểu và chấp nhận tình cảnh của ba mẹ. Em trai Thạch còn nhỏ nên chuyện đó cũng không ảnh hưởng gì. Chỉ có Thạch ở ngay tuổi 'teenager,' nó phản đối chuyện ba mẹ ly dị. Không nói ra, không hỗn hào, nhưng tôi biết nó giận tôi, bất mãn với tôi, khi nhìn thấy cảnh một mình ba nó ra khỏi nhà. Nó thương ba nó. Nó trở nên lạnh lùng và xa cách với mẹ.”
Nhìn lại ngày tháng đó, Tak tâm sự: “Thật khó nói những cảm xúc của em khi đó. Em nghĩ ai ở vào hoàn cảnh đó cũng sẽ có những sự xúc động như vậy. Em không biết là em đúng hay sai khi những có những tình cảm như thế, chỉ biết là kết quả học tập của em tụt xuống, em không tập trung được vào chuyện gì hết. Em không làm được điều gì tốt ở trường lẫn trong đời sống.”
Ông Thống nhớ lại: “Khi quyết định chia tay, cả hai chúng tôi đều thỏa thuận là cho dù có vấn đề gì thì đó cũng là chuyện giữa hai người lớn thôi, còn con cái thì tụi tôi vẫn phải có trách nhiệm lo lắng. Thế nên dù không sống trong nhà, hằng ngày tôi vẫn đưa Thạch đi học, vẫn chăm sóc cho nó.”
Trong lúc đó, “sợ con hư,” mẹ Tak cũng cố gắng theo dõi con từng bước một, để “bù đắp cho con bằng tình thương của người mẹ đã không giữ được sự êm ấm của một gia đình.” Có điều, mẹ Tak vẫn không thể nào biết hết được chuyện con mình làm những gì, “thấy nó đi nhiều, đi đêm, cứ ngỡ nó giận mình nó bỏ đi chơi nên la nó.”
Bị la, Tak chỉ nói, “Mẹ không biết con làm gì mà sao cứ la hoài vậy!”
Không ai trong nhà biết được điều gì đã hun đúc trong lòng cậu con trai, trừ khi nghe chính Tak bộc bạch.
“Mọi chuyện thay đổi khi em viết bài luận văn xin vào trường đại học UCLA. Trong bài, em nói em là một người biết cố gắng, biết đeo đuổi những mục đích. Em thông minh và có tiềm năng để trở thành một người tuyệt vời trong tương lai. Em xin mọi người hãy bỏ qua một năm điểm xấu của em bởi vì khi đó ba mẹ em trong giai đoạn ly dị, em muốn mọi người nhìn lại thành tích mà em đạt được suốt từ tiểu học, rồi cả những năm ở trung học. Em viết trong bài luận văn rằng được vào trường UCLA là ước mơ của em, em muốn họ cho em một cơ hội. Và thật là may mắn khi họ nhận em vào. Em rất rất biết ơn về điều đó, vì em cứ nghĩ là mình sẽ không được nhận.”
Cũng chính vì điều này mà Thạch Nguyễn nghĩ “em phải cố gắng thật nhiều, làm thật nhiều, em phải chứng tỏ cho bản thân mình và cho những người ở trường UCLA hiểu rằng họ không có quyết định sai. Em muốn bảo đảm là họ không có sự hối tiếc khi cho em vào học tại trường.”

Thạch Nguyễn và cha ngày tốt nghiệp đại học. (Hình: Thống Nguyễn cung cấp)
Niềm vui vào đại học
“Ngày nó được nhận vào UCLA, lúc 3 giờ sáng, nó chạy vào phòng ngủ kêu tôi dậy, ôm tôi, và hai mẹ con cùng khóc. Mừng quá!” Chị Cúc kể lại trong nước mắt. “Con người ta vào đại học, đương nhiên là mừng, nhưng tôi mừng hơn nữa là vì cảm thấy mình bớt được mặc cảm tội lỗi không cho các con có được một gia đình trọn vẹn.”
“Cả đêm đó tôi không ngủ được, cứ nằm khóc, cứ nghĩ, trời ơi, mẹ cám ơn con nhiều quá! Cứ nghĩ con mình hư, chứ không ngờ nó đi làm nhiều chuyện thiện nguyện để lấy điểm vào đại học,” chị nói tiếp.
Trong suốt 4 năm đại học, Tak không nhận một khoản tiền nào từ gia đình, từ cha mẹ.
Người cha kể: “Ngay từ lúc còn ở trung học, đến ngày Hè, nó nói tôi chở nó đi làm ở những tiệm fast food, cái gì nó cũng làm, không nề hà. Cuộc sống chúng tôi là cuộc sống của dân lao động, không có dư dả, nhưng cũng không đến mức không lo được cho con, nhưng Tak lại không muốn phiền đến cha mẹ. Nên ngay khi vào đại học, là nó đã tự lo cho cuộc sống của nó. Làm cả ba việc cùng lúc, ngày ra trường nó lại còn dư tiền nữa.”
Người mẹ xót xa nhớ lại: “Vào đại học, nó mừng vì như được thoát ra khỏi nhà, vì không còn phải kình nhau kịch liệt với bạn trai tôi. Ngay năm đầu tiên, nó đi làm thêm ca đêm, từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng, người ta trả cho $9 một giờ. Nhìn nó xanh lè xanh lét, ốm nhom ốm nhách mà đau lòng. Nhưng có năn nỉ, la rầy, dỗ dành gì nó cũng dứt khoát đi làm kiếm tiền đi học.”
Theo lời bà Cúc, chỉ có khi vào năm thứ hai, Tak nói sẽ “chỉ đi học, không đi làm,” và “ba mẹ phải cho con tiền xài, mỗi tháng $75, hai người được $150, vậy là đủ cho con rồi.”
Cha mẹ xót con, mỗi tháng mỗi người gửi lên cho Tak $100. Vậy mà chỉ bốn tháng sau, “con có việc làm rồi, bài vở không khó như con tưởng. Ba mẹ đừng gửi tiền cho con nữa.”
“Khi nó gửi về cho tôi tấm chi phiếu $400, tức là bằng số tiền bốn tháng tôi gửi cho nó, tôi khóc, thấy con mình sao mà nó trưởng thành và lớn quá!” bà Cúc lại nghẹn ngào.
Tôi hỏi Tak, “Em làm những điều đó, để muốn chứng tỏ cho ba mẹ em biết rằng, không có họ, em vẫn có thể tồn tại và sống vững chãi?”
“Không phải vì vậy đâu,” Tak trả lời ngay. “Khi ba mẹ em chia tay, có rất nhiều khó khăn trong tình thân thuộc nhưng chưa bao giờ, chưa một lần nào em nghĩ là em không cần ba mẹ. Ngay cả khi ba mẹ không dư dả, không giàu có để giúp cho em thì em vẫn không dám nghĩ là em không cần ba mẹ. Ba mẹ có thể không dư dả để giúp em về mặt tài chánh, tiền ăn, tiền học, tiền ở, tiền bill, nhưng ba mẹ đã cho em nhiều thứ khác. Ủng hộ em, lo lắng cho em.”
Tak nói tiếp: “Mẹ em, như em đã nói, có thể không có tiền cho em đi học, nhưng mẹ nấu cơm khi em thèm ăn thức ăn Việt Nam, khi em bận quá, không có giờ để ăn, mẹ sẵn sàng dành thời gian nấu đồ ăn, chở lên trường cho em. Ba em cũng vậy. Chưa bao giờ em nghĩ em không cần ba mẹ em. Em rất cần và rất thương ba mẹ em. Ba mẹ là một phần rất lớn trong đời em.”
Tôi lại hỏi, “Nhìn lại hình ảnh của một gia đình có ba mẹ chia tay, Tak có suy nghĩ gì không?”
Em cho biết, “Bây giờ thì em đã lớn hơn so với lúc đó, thật sự rất khó nói được điều gì khi quay nhìn lại. Chỉ biết là bây giờ em cảm thấy vui vì ba mẹ em ai cũng vui với cuộc sống hiện tại của họ. Mẹ rất hạnh phúc với cuộc sống của mẹ. Ba rất hạnh phúc với cuộc sống của ba. Và đó là điều quan trọng nhất đối với em bây giờ, thành ra cảm xúc của em hồi đó là gì không còn quan trọng nữa.”


Thạch Nguyễn (giữa) lắng nghe Tổng Thống Barack Obama nói chuyện trong Tòa Bạch Ốc. (Hình: Thạch Nguyễn cung cấp)
Ba thích không? Mẹ mừng không?
Từ Tòa Bạch Ốc, Thạch Nguyễn gọi điện thoại về cho cha mình, kể chuyện được dẫn đi tham quan mọi nơi, và hỏi như một đứa trẻ thơ, “Ba có thích không ba?”
“Không những ba thích, mà ba rất cám ơn con đã cho ba niềm hãnh diện này.” Người cha nghẹn ngào.
“Thạch gọi cho tôi hỏi ‘Mẹ ơi, mẹ mừng không mẹ?’ Làm sao mà tôi không mừng được, mừng đến không ngủ được. Tôi cứ nghĩ làm sao con mình lại có thể lớn như vậy, vươn lên được như vậy. Tôi thấy tôi cảm phục con mình.” Người mẹ chia sẻ.
Tak Nguyễn nói trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, “Ðiều em muốn nói với bạn bè đồng trang lứa là vào đại học không chỉ cần lấy điểm tốt, mà đại học còn là nơi để mình gặp gỡ, học hỏi thêm bao điều mới lạ. Những kinh nghiệm sống không chỉ có trong bài vở, nó còn đến từ những điều mà em đã làm, các bạn đã làm, bất kỳ là việc gì, hãy làm bằng đam mê.”
“Ðó là những gì làm cho em trở thành con người như hôm nay,” Tak kết luận.


Thạch Nguyễn (phải), lúc 4 tuổi, trước khi lên đường cùng gia đình định cư tại Mỹ. (Hình: Cúc Nguyễn cung cấp)
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146084&zoneid=3
***

 'Con cái lại dạy cho chúng ta một bài học lớn'
Friday, March 23, 2012 11:45:48 AM 
Về: 'Thạch 'Tak' Nguyễn, chàng trai vươn lên từ gia đình đổ vỡ'
Hôm nay về đến nhà, bài K. đọc dầu tiên là bài này. Đọc xong mà cứ bồi hồi hoài. Thật có những cảnh đời lạ quá, vượt lên trên tất cả lẽ thường tình của cuộc đời. Thông thường cha mẹ dạy dỗ con cái, nhưng trong trường hợp này con cái lại dạy cho chúng ta một bài học lớn, đó là đừng xem thường, lơ là với những ước mơ mà con mình ấp ủ.
K. sẽ cho các con K. nghe câu chuyện này, một câu chuyện thẫm đẫm nghị lực phi thường của cậu bé sớm gặp nghịch cảnh khi tuổi mới mười lăm. Nhưng cao cả hơn hết vẫn là chữ tình : tình yêu gia đình, tình yêu đồng loại.
Cám ơn Ngọc Lan nhiều. Bài này là một trong rất nhiều bài viết không còn có chữ để diễn tả. Đây là một cây viết đầy lòng nhân hậu, quý vô cùng.
Mến
Khuong Diep

No comments:

Post a Comment