Thursday 19 April 2012

Trí thức: quan điểm chính thống và quan điểm thông thường

Thứ sáu, 03 Tháng 2 2012 22:24
http://www.prospectmagazine.co.uk/wp-content/uploads/2008/05/The_Thinker_Rodin.gifCâu chuyện thế nào là trí thức vẫn chưa ngã ngũ. Báo Vietnamnet mới đăng ý kiến của Gs Nguyễn Ngọc Lanh về định nghĩa trí thức theo quan điểm “chính thống”. Đọc rất thú vị! Nhưng hoàn toàn không thuyết phục. Trong entry này, tôi giới thiệu một ý kiến khác của một người bạn tôi, Gs Phạm Quang Tuấn, về định nghĩa thế nào là trí thức. Cố nhiên, những ai cảm thấy mệt mỏi về chuyện này, thì vẫn tìm thấy một liều thuốc an thần sau khi đọc bài này.

Đến bây giờ tôi mới biết Đảng có hẳn một nghị quyết về trí thức! Có lẽ chỉ có Việt Nam ta mới có một tổ chức chính trị đưa ra một định nghĩa mà tôi nghĩ thuộc về phạm vi của giới học thuật. Qua bài báo của tác giả Nguyễn Ngọc Lanh, sau vài dòng lên lớp về tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi mới đọc được Nghị quyết 27-NQ/TW (6/8/2008) định nghĩa trí thức là “những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.
Định nghĩa trên của Đảng cũng giống với ý chính trong định nghĩa mà Ngô Bảo Châu phát biểu trên Tuổi Trẻ: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”
Tác giả Nguyễn Ngọc Lanh cho rằng định nghĩa này được nhiều người đồng tình. Nhiều bao nhiêu? “Đông gấp bội”, “áp đảo”. Đó là những chữ của tác giả Lanh. Chỉ rất tiếc một điều là chẳng có bằng chứng nào để nói như thế. Và, cách nói “đông gấp bội”, “áp đảo” làm tôi nhớ  đến loại fallacy có tên là ad numerum (nguỵ biện dựa vào đám đông). Ông Nguyễn Cao Kỳ lúc  sinh tiền, khi một kí giả hải ngoại hỏi ông về chuyến về thăm Việt Nam, và bắt đầu câu hỏi với cách nói “Nhiều người nói …”, ông liền ngắt lời và nói: Nhiều là bao nhiêu, ai nói, nếu đó là ý kiến của anh thì anh cứ nói như thế, sao lại mượn chữ “nhiều người”. Thẳng thắn như ông Kỳ mà tôi thấy hay.
Cả hai định nghĩa đều không đề cập đến cách hiểu thông thường về trí thức: đó là vai trò tham gia bàn luận những vấn đề ngoài lĩnh vực chuyên môn [1]. Cứ đọc qua những tác giả như E. Said, R. Posner, N. Chomsky, SJ Gould, EO Wilson, v.v. (nhiều lắm), chúng ta có rất rất nhiều lí do để chất vấn định nghĩa trên. Lí do đơn giản nhất, hiển nhiên nhất là thực tế: những người có học mà chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy thì không phải là trí thức. Họ có thể là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, nhưng kiến thức ngoài chuyên môn của họ thì tương đương với kiến thức của một thường dân. Đó là đặc điểm của người không phải là trí thức nhưng có học cao và lao động chủ yếu dựa vào trí óc. Cái căn cước tính của người trí thức là thái độhành động, và những giá trị mà họ muốn gìn giữ, dấn thân; căn cước tính của người trí thức không phải là học cao, chức vụ cao, hay lao động trí óc.
Định nghĩa trên [của Đảng] vẫn chưa tách bạch được một người làm việc trí óc và có trình độ học vấn cao (intellectual worker) với một nhà trí thức (intellectual). Bài viết dưới đây giải thích hai nhóm người đó.
NVT
[1] Ví dụ như trường hợp của tác giả Phạm Quang Tuấn, là một người nghiên cứu về lĩnh vực hoá học, nhưng ngoài chuyên môn đó, anh còn quan tâm đến vấn đề lớn hơn là tranh chấp ở biển Đông, và tham gia thảo luận với những người có chuyên môn về vấn đề đó:
levanut.wordpress.com/2012/01/30/tranh-luận-giữa-gs-phạm-quang-tuấn-va-một-học-giả-na-uy-về-dường-lưỡi-bo/
Thử đọc qua những trao đổi giữa Gs Phạm Quang Tuấn và của Gs (trẻ) Stein Tønnesson, chúng ta dễ dàng thấy lí lẽ của vị giáo sư trẻ này bị dồn vào chân tường. Đó là chưa nói đến trình độ và kĩ năng tiếng Anh, mà vị giáo sư trẻ này rõ ràng ở vị thế rất yếu so với Gs Phạm Quang Tuấn.
Theo tôi, thái độ đó của anh chính là thái độ của người trí thức.
===
Trí thức: quan điểm chính thống và quan điểm thông thường
Phạm Quang Tuấn
Theo cách hiểu thông thường trong tiếng Anh thì người trí thức (intellectuals) là những người dùng tri thức để tham gia đóng góp bằng cách viết sách, viết báo, góp ý, tranh luận về những vấn đề xã hội (kể cả chính trị). Nếu không làm những việc đó mà chỉ đóng góp về chuyên môn (chẳng hạn nghiên cứu một định đề toán học hay nghiên cứu lỗ đen, big bang) thì trong tiếng Anh gọi là intellectual worker – người lao động bằng trí óc. Intellectualintellectual worker là hai động vật khác hẳn nhau.
Theo GS Nguyễn Ngọc Lanh viết trên vietnamnet (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/58775/nghia-hien-nay-cua-tu--tri-thuc-.html): “
Tuy nhiên, ở Việt Nam (phải ngầm hiểu là nước CHXHCNVN), gần đây “trí thức” đã mang một nghĩa khác: bất cứ người nào làm việc bằng đầu óc đều là trí thức, ví dụ: tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, giáo sư, nhà văn, nhà khoa học, nhà toán học… Tức là, “người trí thức” đã trở thành đồng nghĩa với “người có học”.
Theo GS Lanh, định nghĩa này đã trở thành “áp đảo” ở Việt Nam, được sự chấp nhận của hầu hết dân chúng, và là định nghĩa chính thống của Đảng, theo Nghị Quyết số 27-NQ/TW (6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.”
Cũng theo GS Lanh, định nghĩa này được xem là “chính thống” tại VN, vì nó “đem lại nhiều cái lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CN XH). Thí dụ, sự thuận tiện khi cần nói gộp. Nó giúp chúng ta gộp vào khái niệm trí thức, từ Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu cho tới một người thầy tốt nghiệp trường cao đẳng nay dạy Toán ở bậc trung học (cũng như trước đây rất thuận tiện khi gộp một văn hào với viên thư ký của ông ta vào giai cấp tiểu tư sản vậy)”.
Định nghĩa của GS Ngô Bảo Châu dang gây sóng gió trên mạng và báo chí, chẳng qua cũng chỉ là nhắc lại y nguyên định nghĩa “chính thống” này: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc... Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.
Dân mạng, báo chí ồn ào bình luận. Có người thì bảo không cần phải định nghĩa trí thức làm gì để gây chia rẽ. Có người lại viết rằng đóng góp như thế nào cũng quý cả: phản biện xã hội, cho tiền từ thiện, nghiên cứu chuyên môn, cầm súng đánh giặc, mắm sốt hết, tốt như nhau, không cần phải phân biệt thế nào là trí thức hay không trí thức.
Theo thiển ý, cứ bảo cái gì cũng “same same” (cào bằng) và định nghĩa thế nào cũng được chỉ là những cách lẩn tránh vấn đề. “Ôi chà, sao cũng được” là câu nói thích hợp cho bàn nhậu nhưng không giúp ta tập trung vào các vấn đề xã hội và tranh luận đến nơi đến chốn. Ít nhất, nó làm cho tiếng Việt nghèo đi và kém chính xác. Khi cuộc sống càng ngày càng phức tạp và chuyên môn hóa thì một quan niệm chân chính về người trí thức càng cần thiết. Ngày xưa, một chữ “sĩ” kết tinh rất nhiều giá trị của đạo Nho, một chữ đó đủ để nhắc nhở nhà Nho tất cả các bổn phận và cách cư xử của mình. Chữ “trí thức” cũng vậy và không ngạc nhiên khi thấy có những cố gắng để tái định nghĩa nó hay “thiến” bớt ý nghĩa của nó.
Người ta có thể đóng góp cho xã hội theo nhiều cách: như một nhà từ thiện, như một nhà chuyên môn, như một chiến sĩ, như một nghệ sĩ, như một trí thức. Những cách đó rất khác nhau. Cách nào cũng đáng quý, nhưng ở trong tình trạng xã hội chính trị VN hiện nay thì cách đóng góp theo cách của một trí thức chân chính đặc biệt đáng ngưỡng phục, vì nó khó khăn, nguy hiểm và cực kỳ cấp thiết.
Đóng góp theo kiểu người trí thức có nghĩa là dùng những khả năng mà người ta đặc biệt gán cho người có học: khả năng suy nghĩ độc lập, không để mình bị nhồi sọ, bịt mắt, lôi cuốn, biết tự mình suy xét, khả năng tự học, tự tìm thông tin, đánh giá, sàng lọc và tổng hợp thông tin để có một cái nhìn đứng đắn về xã hội, tự phát giác và đào sâu những vấn đề lớn của xã hội, và cố gắng góp ý một cách nghiêm túc, khoa học về cách giải quyết. Cách đóng góp đó sẽ gần như luôn luôn đưa đến sự phản biện chính quyền, nhất là khi chính quyền độc tài hay kém cỏi.
"Trí thức" theo định nghĩa trên hoàn toàn khác với “có học”, "có bằng cấp" hay "làm việc bằng trí óc". Đánh đồng như vậy là cái sai lầm (có thể là cố ý) của Nghị Quyết 27-NQ/TW và của Ngô Bảo Châu. Một người không có bằng cấp, kiếm sống bằng cách lái taxi, nhưng biết tự đọc sách, tự học để phát triển các năng khiếu tìm tòi, suy nghĩ độc lập, v.v., và đóng góp cho xã hội với những khả năng đó, đối với tôi sẽ là một trí thức. Nhiều nhà trí thức thời Pháp thuộc không có bằng cấp cao lắm, và nhiều lúc phải đi làm những nghề chân tay như làm ruộng, rửa ảnh. Ngược lại, Ngô Bảo Châu, người Việt Nam thành tựu nhất về khoa học từ xưa đến nay, chưa thể được gọi là một nhà trí thức. Ông là một người lao động bằng trí óc, và đã đóng góp rất lớn trên cương vị này.

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
***

No comments:

Post a Comment