Wednesday 11 April 2012

Dân nhà đất đi bán phở, bán bia






Thứ Hai, 26/03/2012, 04:15 (GMT+7)
Hàng loạt doanh nghiệp co cụm, phá sản
Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu vốn, áp lực nợ và lãi suất ngân hàng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như: thủy sản, vật liệu xây dựng, đồ gỗ... khốn đốn, nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, ngắc ngoải...
Kỳ 1:  Nợ dây chuyền
TT - Nợ đang trở thành một chuỗi dây chuyền trong ngành chế biến và nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là mặt hàng cá tra. Doanh nghiệp nợ dân, dân nợ doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi...
Chuỗi dây chuyền này có nguy cơ đổ vỡ bất kỳ lúc nào.


Nhà máy chế biến cá tra Đại Tây Dương, Cụm công nghiệp Thốt Nốt (Cần Thơ) đã ngưng hoạt động từ năm 2011 đến nay - Ảnh: Đức Vịnh
Thốt Nốt (Cần Thơ) vốn nổi danh là vùng nuôi của những tỉ phú cá tra, thế nhưng giờ đây nhiều trang trại bỏ hoang, hàng loạt ao nuôi đã được san lấp lại, người dân kêu bán đất, bỏ đi tứ xứ mưu sinh.
Bên hai cái ao vừa bỏ trống, ông Hồ Văn Nghĩa (Thới An, An Thuận) kể tháng 7-2011 ông bán 260 tấn cá với giá 23.500 đồng/kg cho Công ty xuất nhập khẩu Việt Ngư (TP Long Xuyên, An Giang) trị giá hơn 6 tỉ đồng. Hợp đồng thanh toán dứt điểm trong 30 ngày, nhưng sau đó doanh nghiệp cứ lần lữa mãi, đến cuối năm rồi chỉ trả được 1,6 tỉ đồng buộc ông khởi kiện ra tòa. Ngày 7-2-2012 bên thi hành án đã có quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng tới nay vẫn chưa thể nào lấy được 4,7 tỉ đồng còn lại.
“Nợ ngân hàng quá hạn, nợ mua thức ăn tổng cộng hơn 3 tỉ đồng, chỉ còn nước bán đất, bán nhà trả nợ. Hàng chục hộ ở các tỉnh bị doanh nghiệp này neo tiền bán cá như vậy” - ông Nghĩa bức xúc.
Công nhân thành thợ gặt
"Lãi suất ngân hàng cao đã là gánh nặng, gần đây lại phát sinh nhiều chi phí trong sản xuất, các khoản phí như cấp phép, kiểm tra chất lượng... Giá điện nước, xăng dầu, bọc nhựa, nilông... tăng đẩy giá thành tăng, càng làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cá tra"
Mai Thị Ánh Tuyết (giám đốc Sở Công thương An Giang)
Tại Công ty XNK Việt Ngư, những ngày giữa tháng 3 này không còn cảnh công nhân vào ca, tan ca như trước. Trong tuần thỉnh thoảng mới có vài công nhân vào làm. Một số công nhân cho biết nhà máy đã cho phần lớn người lao động nghỉ việc, ngày nào công ty mua được cá mới kêu vài chục người vô làm công nhật, theo kiểu làm ngày nào trả tiền ngày đó.
“Nguyên liệu không có thường xuyên nên thỉnh thoảng mới kêu làm, mà thường chỉ nửa buổi” - một công nhân nói. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ của công ty thừa nhận trước kia nhà máy sử dụng 600 lao động, hiện nay chỉ còn chừng 100 người. Ngày nào mua được cá cũng chỉ chừng 30 tấn và công ty thuê 30 -40 công nhân đến làm công nhật. “Không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp khác đều như vậy. Tình hình khó khăn chung của ngành chế biến xuất khẩu cá tra hiện nay mà” - ông phân trần.
An Giang có 17 doanh nghiệp với 21 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra, hiện nhiều nhà máy đều giảm bớt công nhân, một số nhà máy hầu như... án binh bất động. Tại cụm công nghiệp Mỹ Quý, các bến cảng không còn cảnh ghe tàu neo đậu lên cá tấp nập như trước. Hằng ngày công nhân thường tan ca sớm, những tốp nam nữ tụ lại đánh bài và lai rai ở quán cóc sát vách nhà máy suốt buổi.
Chị Phạm Thị Cẩm Hà, Công ty Ntaco, cho hay từ sau tết tới nay nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. “Tuần qua vô làm hai buổi rồi nghỉ luôn tới giờ, chưa biết chừng nào mới làm lại. Tháng 3 này chỉ làm được chục ngày, nhiều hôm vào làm 4-5 giờ, thu nhập chỉ còn chừng ngoài triệu đồng, làm sao đủ sống đây!” - Hà than thở.
Anh Trần Văn Tuấn, một tổ phó sản xuất của Công ty Ntaco, cho biết trước kia đơn vị này sử dụng 600 lao động, hiện còn chừng 300 người. Tuy vậy gần đây việc làm của công nhân vẫn không ổn định. “Thu nhập giảm sút không đủ đắp đổi nên công nhân các công ty đang có xu hướng bỏ việc hẳn. Nhiều người vừa về quê gặt lúa mướn” - chỉ dãy phòng trọ vắng tanh, anh Tuấn nói.
Anh Trần Công Công, tổ trưởng tổ phi lê ở Công ty TNHH An Xuyên, cho biết từ tết tới giờ nhà máy không làm cá tra mà chỉ làm cá rô phi. Cả nhà máy giờ chỉ còn ngoài 100 công nhân, riêng tổ của anh còn chưa tới 30 người và đều là lao động công nhật.

Tại Cần Thơ, tình cảnh của nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng tương tự. Trên địa bàn quận Thốt Nốt có gần chục nhà máy, sử dụng hơn 6.000 lao động, nhưng giờ đây những dãy nhà trọ đều vắng hoe. “Cứ phải nghỉ việc liên tục, thu nhập không đủ sống, phần lớn công nhân đã bỏ về quê, đi nơi khác tìm việc” - một bà chủ nhà trọ ở Thốt Nốt cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở Khu công nghiệp Trà Nóc, kể trước đây là công nhân của Công ty An Khang, sau khi doanh nghiệp bị vỡ nợ chị cùng bạn bè xin chuyển qua làm ở vài công ty khác nhưng các đơn vị này cũng chỉ hoạt động cầm chừng. “Thiếu cá chế biến nhà máy phải nghỉ liên tục, hôm nào có đi làm cũng không hết ca. Thu nhập của tụi tôi hưởng theo sản phẩm, không có cá làm nên lương không đủ sống” - chị Thanh nói.
80% giảm công suất

Ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - cho biết hiện đến 80% doanh nghiệp cá tra giảm công suất chế biến, trong đó nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.
Riêng Cần Thơ, công suất của 12 nhà máy chế biến cá tra tối thiểu là 1.200 tấn/ngày nhưng hiện sản xuất chưa được 300 tấn/ngày. Cùng với sự đóng cửa của các nhà máy chế biến cá thì các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản cũng đóng cửa hàng loạt.
“Hiện có đến 70% nhà máy chế biến thức ăn cho cá gặp khó khăn, trong đó trên 40% là đóng cửa” - ông Minh nói.
Theo Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, người nuôi bỏ nghề hàng loạt làm nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt, còn doanh nghiệp đang rất “đói” vốn để mua cá. Trước đó, gặp tình trạng một số doanh nghiệp nợ kéo dài, thậm chí không trả nên gần đây nông dân đòi thanh toán tiền mặt ngay mới chịu bán, khiến các nhà máy đều thiếu cá để chế biến, phải hoạt động cầm chừng.
Mặt khác, ông Lê Chí Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản An Giang - cho biết trước đó nhiều doanh nghiệp lao vào đầu tư vùng nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu, tuy nhiên do thiếu vốn nên không thể triển khai, một số lại xây dựng vùng nuôi quy mô quá lớn, chủ yếu bằng đi vay. “Đã vay ngân hàng rồi nay không thể vay thêm được nữa dẫn tới thiếu vốn lưu động mua cá” - ông Bình giải thích.
Ông Dương Ngọc Minh cũng thừa nhận có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của ngành cá tra hiện nay, đó là mua cao bán thấp trong năm 2011 và ngân hàng siết chặt tín dụng đầu năm 2012.
Ông Minh giải thích năm 2011 các doanh nghiệp VN khi ký hợp đồng xong thì vướng vào giai đoạn nguyên liệu thiếu hụt, giá mua nguyên liệu cao hơn giá xuất khẩu. Hiện nay, giá thành ngoài dân nuôi lên đến 23.000-24.000 đồng/kg. Do đó, giá mua của doanh nghiệp về đến nhà máy ở mức 27.000-28.000 đồng/kg.
“Các doanh nghiệp “chết” ở điểm này” - ông Minh khẳng định. Nếu tính định mức chế biến cá tra vào Mỹ là 2,5-2,6kg nguyên liệu ra 1kg thành phẩm, cộng chi phí chế biến, nhân công, bao bì thêm 12.000 đồng/kg nên giá thành 1kg thành phẩm là 82.200 đồng, tương đương 3,8-3,9 USD, trong khi giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ lúc tốt nhất chỉ 3,4 USD/kg (FOB).
“Chỉ những công ty đầu tư khép kín từ vùng nuôi đến xuất khẩu mới có lời” - ông Minh nói.
Lo ngại dây chuyền
Các chuyên gia thủy sản phân tích điều nguy hiểm nhất đối với ngành cá tra hiện nay là khả năng đổ vỡ dây chuyền nếu như ngân hàng tiếp tục siết vốn vay đối với các doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp thì nợ dân, dân nợ nhà máy thức ăn chăn nuôi..., nợ đang trở thành một chuỗi dây chuyền nhưng không được giải quyết.
Trong khi đó, các ngân hàng thận trọng và đang có xu hướng siết vốn của các doanh nghiệp. Không có vốn vay, các doanh nghiệp sẽ không có tiền trả tiền mua cá cho người dân, người dân không có tiền trả cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và tiền tái đầu tư cho vụ mới.
Theo ông Minh, trước đây khi doanh nghiệp có hợp đồng mua cá và nhập kho là ngân hàng cho vay, nhưng nay ngân hàng không cho vay nữa. Nhiều doanh nghiệp đến hạn thanh toán nhưng không có tiền phải đàm phán với người dân sẽ trả theo lãi ngân hàng trong những ngày trả chậm.
“Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm này chưa đến 5-10% doanh nghiệp thanh toán đúng hạn cho nông dân” - ông Minh cho biết.

VASEP cho hay trường hợp xấu nhất là ngân hàng không cho vay thì doanh nghiệp sẽ kéo dài thời gian chậm trả tiền cá cho người dân. Do đó, người dân sẽ không có tiền nuôi cá vụ mới và không có cá cho chế biến từ cuối năm nay. Điều này đang xảy ra khi giá cá tra giống đã giảm từ 36.000 đồng/kg xuống 28.000 đồng/kg. Một nghịch lý đang xảy ra là giống thiếu (cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu với mục tiêu 2 tỉ USD) nhưng giá lại xuống (vì người dân không có tiền đầu tư).

Về thị trường xuất khẩu, theo Vasep, hiện đang tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, đặc biệt là châu Âu vốn tiêu thụ tới 40% sản phẩm cá tra lại hạn chế nhập; đồng thời một số nước đặt ra rào cản kỹ thuật, tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.
Các doanh nghiệp đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh bởi chính sách thắt chặt tín dụng, đã vậy nhà nhập khẩu đòi bán trả chậm nên khó bán được hàng.
(Còn tiếp)
Chủ yếu dựa vào vốn vay
Một lãnh đạo ngân hàng cho rằng phần lớn doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL năng lực tài chính thấp, vốn kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay nhưng sử dụng vốn chưa hiệu quả. Nhiều đơn vị đầu tư tràn lan, sử dụng vốn lưu động đầu tư nuôi cá, đầu tư bất động sản, chứng khoán... nên thiếu vốn sản xuất kinh doanh.
“Để có 30.000 tấn cá nguyên liệu cần đầu tư vùng nuôi 100ha thì cần ít nhất 450 tỉ đồng, với lãi suất 17% thì mỗi năm đóng lãi đã là 76,5 tỉ đồng. Đấy là chưa kể sử dụng vốn vay để đầu tư lĩnh vực khác...” - ông nói.
Để gỡ khó cho ngành cá tra, VASEP đang tiến hành lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn gửi Bộ NN&PTNT đề nghị ngân hàng hỗ trợ. Nguồn vốn này sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tối thiểu là 20 triệu USD năm 2011, ưu tiên cho những doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu nhưng không có vốn mua.
Sẽ tiễn đưa nhiều doanh nghiệp
Ngay trong buổi lễ mừng ngành thủy sản đạt mốc 6,1 tỉ USD hồi đầu năm nay, ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng), đã giội một gáo nước lạnh vào không khí hân hoan của nhiều người khi đăng đàn phát biểu: “Trong thời điểm chúng ta đang ăn mừng con số 6,1 tỉ USD này thì cũng có nhiều doanh nghiệp đang đau đớn vì đứng trên bờ vực phá sản. Ngay trong quý 1 và quý 2 năm nay, chúng ta sẽ đau lòng tiễn đưa một vài doanh nghiệp lớn và nhiều doanh nghiệp nhỏ rời cuộc chơi của ngành thủy sản”.
Trong lần gặp mới đây, ông Lĩnh vẫn khẳng định ý kiến của mình khi cho rằng nhìn con số xuất khẩu năm 2011 thì thấy ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng nhưng thực tế lại đang thụt lùi. “Giá trị xuất khẩu năm 2011 của thủy sản tăng chủ yếu là do giá thị trường thế giới tăng. Trong khi giá chung của thế giới tăng 22-25% thì ngành thủy sản VN chỉ tăng 21%” - ông Lĩnh nói.
ĐỨC VỊNH - TRẦN MẠNH


***
Hàng loạt doanh nghiệp co cụm, phá sản - Kỳ 2:

Thứ Ba, 27/03/2012


>> Kỳ 1:  Nợ dây chuyền
Doanh nghiệp Tường Nghĩa (Q.2, TP.HCM) chuyên tư vấn xây dựng và kinh doanh BĐS giờ chuyển sang bán bia - Ảnh: Gia Hân
Một số công ty xây dựng, đầu tư BĐS cũng đối diện với nguy cơ “chết trên đống tài sản” do khoản nợ quá lớn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt công ty hiện vẫn còn giữ lại cái tên nhưng thực chất đã "chết lâm sàng" hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Bán phở kiếm sống
"Thanh khoản kém, sản phẩm BĐS không tiêu thụ được, tài sản của các doanh nghiệp bị bốc hơi, ăn mòn dần. Có thể nói hàng loạt doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là các chủ đầu tư, hiện đang đối diện với nguy cơ phá sản do không bán được hàng, không có khả năng trả lãi vay chứ chưa nói đến nợ gốc ngân hàng"
Ông LÊ HOÀNG CHÂU(chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM)
Hơn 8g sáng 26-3, sàn giao dịch BÐS Ng.Phi Hùng (tại 470 Nguyễn Thị Thập, P. Tân Quy, Q.7, TP.HCM) dù đã mở cửa nhưng chưa thấy mặt nhân viên nào. Mặt trước của công ty là một tiệm phở với bàn ghế bày biện la liệt. Ðây là sàn BÐS từng nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ của giới BÐS mà rất nhiều người khác, do được ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đứng tên và đưa vào hoạt động giữa năm 2009.
Gần 9g, các nhân viên của sàn BÐS Ng.Phi Hùng mới có mặt để... bán phở. Anh Trần Ðình C., một nhân viên kinh doanh của sàn BÐS này, cho biết hiện sàn chỉ còn năm nhân viên. Do buôn bán ế ẩm nên họ đã hùn nhau mở quán phở để kiếm thêm. Khi chúng tôi đề cập mục tiêu mà sàn từng đặt ra là "trở thành nhà thầu xây dựng, kinh doanh nhà và môi giới uy tín hàng đầu VN", một nhân viên của sàn này cho biết hiện nay ngay cả việc kiếm được mấy đồng môi giới cũng "đỏ con mắt", nói chi đến chuyện phát triển.
Tại góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (Q.7), nơi Công ty địa ốc Gia Phúc từng đặt đại bản doanh, nay là địa điểm bán chăn - drap - gối - nệm. Chị T. - giám đốc Công ty Gia Phúc - cho biết do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, công ty đã ngưng hoạt động. Mặt bằng công ty được gia đình trưng dụng làm cửa hàng bán các mặt hàng chăn nệm.

Khu đường Trần Não, Lương Ðịnh Của (Q.2), từng là một "chợ" BÐS sôi động với hàng loạt sàn BÐS san sát nhau, nay cũng vắng ngắt. Hàng loạt công ty địa ốc, sàn BÐS đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Như doanh nghiệp Tường Nghĩa (29/7 Trần Não) đã chuyển sang làm đại lý phân phối... bia, nước giải khát. Trao đổi với chúng tôi, chị N., nhân viên doanh nghiệp này, cho biết hiện doanh nghiệp đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng chính là bán bia, còn bán đất chỉ là phụ. Ai có nhu cầu về nhà đất thì giới thiệu kiếm tiền "cò" chứ không chuyên về nhà đất nữa, chủ yếu là bia với nước ngọt.

Theo tâm sự của chị N., công ty đã hoạt động mười mấy năm, thời hoàng kim năm 2007 có đến hàng trăm nhân viên. Nhưng nay đã cho nghỉ hết. "Tính riêng trên đường Trần Não có đến 98% các công ty, văn phòng môi giới BÐS đóng cửa do ế ẩm. Những công ty còn tồn tại hiện nay phần lớn là mặt bằng của chính họ, không phải mất chi phí mặt bằng. Tuy nhiên, những công ty này cũng kinh doanh thêm các ngành khác để sống qua ngày" - chị N. cho hay.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải chuyển nghề bán phở, nước giải khát, chăn nệm... - Ảnh: Gia Hân
Chết trẻ và sống mòn...
Ðầu tháng 3-2012, khi tham dự buổi giới thiệu về một dự án tại Q.Tân Phú, chúng tôi khá bất ngờ gặp lại anh T., người từng là ông chủ của sàn BÐS Tín Thành (Q.7), đang đầu quân cho một công ty BÐS khác.
Tránh nói nhiều về công ty cũ, anh T. cho biết sau hai năm thành lập, công ty gặp khó khăn nên đã đóng cửa vào đầu năm nay. "Tôi về đầu quân cho công ty này cũng là chỗ anh em quen biết. Dù sao mình vẫn còn theo BÐS, làm đúng nghề yêu thích. Chứ nhiều chủ sàn khác thậm chí đã chuyển nghề..." - anh T. nói.

Anh L., chủ sàn HL từng nổi đình nổi đám trong hoạt động môi giới các dự án đất nền tại Ðồng Nai vào năm 2010, cũng đóng cửa sàn, về đầu quân cho một công ty BÐS tại Q.2. Tuy nhiên, cuối năm 2011, anh L. đã khăn gói ra đi do tình hình thị trường BÐS ảm đạm, công ty mới này cũng gặp khó khăn.
Tương tự, sau khi đóng cửa sàn BÐS PQ (Q.8), chị L. gõ cửa một số sàn BÐS, nhưng hồ sơ mang đến lại mang về. Tại một "chợ" địa ốc khác trên đường Cao Thắng nối dài (Q.10), hàng chục công ty BÐS mọc lên vào năm 2007 đến nay cũng đóng cửa gần hết. Danh sách các công ty BÐS "chết trẻ" có thể kể hàng loạt như Cổng địa ốc Sài Gòn, BÐS Cộng Sự, BÐS Ðất Giàu, BÐS Ðất Giàu Sài Gòn...

"Những công ty BÐS chuyên môi giới khác dù đang cố gắng trụ lại nhưng cũng rất chật vật do thị trường hầu như không có thanh khoản..." - anh Tạ Quang Vũ, chủ tịch HÐQT Công ty BÐS Ðất Ngọc, nói. Bản thân Công ty Ðất Ngọc từng một thời nổi đình nổi đám trong lĩnh vực môi giới tại thị trường BÐS TP.HCM và các tỉnh lân cận với hàng loạt chi nhánh được thành lập. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 đến nay, công ty này lần lượt đóng cửa các chi nhánh, chỉ giữ lại trụ sở chính tại Q.2 để cầm cự qua giai đoạn khó khăn.
Theo ông Lê Hồng Phúc - chủ tịch HÐQT Công ty BÐS Nhà Việt, mặc dù giá căn hộ và đất nền tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM xuống mức thấp, chưa kể được người bán thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ hấp dẫn khác nhưng cũng không tiêu thụ được.
Ông Phúc khẳng định nhu cầu của người dân vẫn rất lớn, nhiều người vẫn quan tâm tìm hiểu thị trường, nhưng với lãi suất quá cao hiện nay, nhiều khách hàng sau khi tìm hiểu và tiếp cận ngân hàng đã một đi không trở lại. Trong khi đó, việc duy trì một sàn BÐS tốn rất nhiều chi phí, trong đó riêng các chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng, điện thoại, lương cứng cho nhân viên... lên tới 50-70 triệu đồng/tháng.
"Không bán được hàng, không có doanh thu, các công ty môi giới BÐS buộc phải đóng cửa sàn, thu hẹp hoạt động nếu không muốn bị thâm vào vốn..." - ông Phúc nói.

Nguy cơ chết trên đống tài sản
Không chỉ các công ty môi giới, hàng loạt "đại gia" BÐS cũng đang chật vật xoay xở trước những khó khăn của thị trường BÐS, đặc biệt là đống nợ vay hàng trăm tỉ đồng với lãi suất cao. Trong quý 4-2011, theo báo cáo tài chính hợp nhất, dù lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp có lãi gần 6,7 tỉ đồng, nhưng Công ty CP Phát Ðạt (PDR) cho biết lợi nhuận được ghi nhận từ hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp công ty con là Công ty CP khu du lịch và khách sạn Phát Ðạt Quảng Ngãi.
Trước đó quý 3-2011, công ty này chỉ đạt doanh thu hơn 1 tỉ đồng, chủ yếu từ tiền... giữ xe và cho thuê nhà. Trong khi đó, riêng khoản vay dài hạn ngân hàng (tính đến 31-12-2011) lên tới hơn 584 tỉ đồng, với lãi suất bình quân hơn 20%/năm, công ty này phải oằn lưng trả lãi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Tương tự, theo giải trình nguyên nhân lỗ 104 tỉ đồng vào quý 4-2011, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho biết là do chi phí lãi vay quá cao. Cụ thể, so với cùng kỳ, chi phí lãi vay của doanh nghiệp này đã tăng hơn 100 tỉ đồng. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2011, công ty này cho biết chi phí lãi vay năm 2011 lên tới gần 160 tỉ đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 2010. Với tổng các khoản vay lên tới hơn 1.500 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn gần 405 tỉ đồng, chỉ riêng việc xoay xở tiền để trả lãi cho các khoản vay này cũng là một thách thức khá lớn với doanh nghiệp, khi thị trường BÐS vẫn đang gặp khó khăn, hàng tồn khá lớn.
Ðây không phải là những trường hợp cá biệt, hàng loạt ông lớn BÐS như Công ty CP Tập đoàn Ðại Dương (OGC), Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Ðà (SJS)... cho biết kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý 4-2011 chủ yếu do chi phí lãi vay tăng cao, trong khi thị trường BÐS trầm lắng, doanh thu từ mảng này giảm mạnh.
Dù thoát lỗ nhờ "lợi nhuận khác", nhưng Công ty CP Sông Ðà - Thăng Long (STL) cũng đang đối diện với nhiều khó khăn do khoản nợ vay lên tới hàng ngàn tỉ đồng, trong khi thị trường BÐS vẫn chưa có dấu hiệu gì sáng sủa hơn.
Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM):
Thị trường đang tê liệt

Khó khăn lớn nhất của thị trường BÐS hiện nay là lãi suất ngân hàng quá cao, không chỉ đẩy hàng loạt doanh nghiệp BÐS vào tình cảnh khó khăn mà còn làm tê liệt thị trường này, thanh khoản rất kém. Do chi phí lãi vay được doanh nghiệp tính vào giá thành, đẩy giá BÐS lên cao, mà đối tượng lãnh đủ là người mua. Bản thân nhiều người có nhu cầu mua nhà để ở thật sự cũng không dám vay, nên không thể mua sản phẩm BÐS.
Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp BÐS cũng có lỗi kéo doanh nghiệp mình vào tình trạng khó khăn hiện nay. Vào thời điểm thị trường BÐS ăn nên làm ra những năm 2006-2007, nhiều chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng rồi đầu tư vào chỗ khác, thay vì tập trung cho dự án. Riêng các công ty môi giới, việc đóng cửa hàng loạt là điều không tránh khỏi, do nhiều người tham gia thị trường này với tâm lý "tay không bắt giặc".
Tóm lại, theo tôi, khó khăn hiện nay của thị trường BÐS có mặt tích cực của nó. Ðó là loại bỏ dần những nhà đầu tư thiếu năng lực, không chuyên nghiệp, chủ yếu chạy theo phong trào. Nhưng doanh nghiệp có năng lực tài chính, quản trị tốt lại có cơ hội. Tuy nhiên, nếu tình trạng khó khăn này kéo dài, không có giải pháp nào để vực dậy thị trường BÐS, cả nền kinh tế cũng gặp khó khăn. Hải Ðăng ghi

HẢI ĐĂNG - GIA HÂN(còn tiếp)

***

No comments:

Post a Comment