Tuesday 12 March 2013

Ðiều 4 Hiến Pháp: trước sau chỉ là chuyện sớm hay muộn!

11-3-13
IMG_6211

Ghi chép báo chí:
Tạp chí Thế Kỷ 21 – số 35, phát hành đã hơn 10 năm về trước vào tháng Ba năm 1992, có nhiều bài viết giá trị về viễn ảnh kinh tế Hoa Kỳ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và, đặc biệt, quy chiếu tầm nhìn đến tình hình Việt Nam ở cả hai lãnh vực sinh tử: Kinh tế và Chính trị.
Ngoài những nhận định của các tác giả như chủ bút Vương Hữu Bột (Thay Ðổi Toàn Diện Ðể Phát Triển Kinh Tế Việt Nam); kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa (Ðầu Năm Nói Chuyện Kinh Tế Hoa Kỳ, Viễn Ảnh 1992); Phan Lâm Hương (Tương Lai Chính Trị Việt Nam, Xin Ðừng Quá Lạc Quan); và nhà văn Hạ Long Lưu Văn Vịnh (Quốc Phòng Và Kinh Tế, Hai Vấn Ðề Sinh Tử Của Dân Tộc)… v.v., tôi còn thấy bài viết của tác giả Trần Quốc Tuấn, một cựu sĩ quan và đảng viên Cộng sản, đi ‘xuất cảng lao động’ ở Ðông Ðức sau ngày phục viên. Ông đã “vượt biên” khi bức tường Bá Linh sụp đổ và trước khi nước Ðức thống nhất. Bài viết có tựa: “Quân Ðội Và Việc Xây Dựng Dân Chủ.”
*
Ngay đầu bài, ông nhắc lại yếu tính của “Quân Ðội Nhân Dân,” trong bối cảnh xã hội Việt Nam bấy giờ:
Ðiều lo ngại nhất của lãnh đạo hiện nay là Quân Ðội Nhân Dân. Có hai khả năng đáng lo ngại, hoặc là có sức chống đối bùng nổ ngay từ quân đội, hoặc là có việc nhân dân biểu tình đòi cơm áo, tự do, mà quân đội nhân dân sẽ từ chối không chịu bắn giết nhân dân (tr.30)
Xét ra điều ông nói không có gì mới và, càng không có gì sai với tình hình hiện nay, dù mực độ có chậm thật.

Với ông, danh từ “Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam” đẹp đẽ và rất đáng để được hãnh diện(!) Nhưng đó là chuyện quá khứ. Vì kể từ 1978 trở đi, ông Trần Quốc Tuấn nhận xét:
Niềm tin và lòng hãnh diện đó đã không còn tồn tại nữa (tr.30)
Ðiều này do đâu? Ðơn giản vì Quân Ðội Nhân Dân một khi biến mình hoàn toàn là khí cụ chiến đấu và bảo vệ Ðảng, và duy nhất chỉ có Ðảng. Nó hệt như là hành động “tự sát!”
Từ năm 1978 đến nay niềm tin và lòng hãnh diện không tồn tại nữa. Ðến năm nay thì gần như nó hoàn toàn mất đi, vì hai biến cố. Biến cố thứ nhất là cuộc chiến tranh ở biên giới với Trung Quốc, và ở Campuchia, tuy hai mặt trận xa nhau nhưng cơ bản là việc tranh quyền bá chủ của hai đảng Cộng Sản Trung Quốc với Việt Nam. Sau khi đã bỏ chết cả trăm ngàn người lính ở biên giới phía Bắc và ở Campuchia, bây giờ Quân Ðội Nhân Dân không còn thấy mình là một quân đội anh hùng bảo vệ tổ quốc, mà chỉ còn là một khí cụ do Ðảng sai khiến, đảng bảo đánh thì đánh, đảng bảo thôi thì thôi. Việc lãnh đạo cầu hòa và chịu nhục ký kết thân với Trung Quốc là một gáo nước lạnh tạt vào mặt quân đội. Mỗi người sĩ quan, mỗi người lính đều ghi nhớ các bạn đồng đội của mình, đã ngã gục vì viên đạn của quân Trung Quốc hay quân Pol Pot. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao cả trăm ngàn người phải hy sinh vô ích như vậy? (tr.30)
Ðiều này, có lẽ cho đến bây giờ, tác giả Huy Ðức với tác phẩm Bên Thắng Cuộc đã thay cho nhiều người để hỏi, và cũng để tự trả lời. Huy Ðức cũng từng là một người lính QÐND, lẽ nào Anh, và những đồng đội của anh nỡ bắn vào đồng bào đang khổ, đã quá khổ sau ba mươi năm ngoi ngóp trong vùng “ún lụt chủ nghĩa cộng sản!”
Tầng lớp chỉ huy thứ hai từ 25 đến 45 tuổi là tầng lớp bất mãn hơn và có khả năng tích cực hơn. Họ ý thức về sự phản bội của Ðảng đối với quân đội nhân dân, ý thức đó được cường độ hóa nhờ vào kinh nghiệm của họ ở chiến trường biên giới Campuchia….(tr.31)
Cứ y như đọc được tiểu thuyết Những Thiên Ðường Mù của nhà văn Dương Thu Hương, sớm muộn những người lính QÐND thế hệ thứ hai đã vỡ mộng về một huyền thoại xã hội chủ nghĩa. Họ tất nhiên, trở thành là mối lo ngại lớn nhất của bộ chính trị hiện nay vì, không biết ngày nào do nỗi bất mãn thêm dày, ý thức tự do dân chủ thêm sâu, họ đủ sức mạnh để bùng nổ?
Chúng ta đã hy sinh cả thời thanh niên và đã hãnh diện vì sự hy sinh của mình, dù chúng ta sau này biết mình đã bị lừa dối! Các cuộc hy sinh đã trở thành vô vô ích vì bản chất phản bôi của Ðảng CSVN. Bây giờ chúng ta cần đóng góp vào việc gây dựng ý thức dân chủ, tự do ở trong lòng những người bạn đã đồng cam cộng khổ với chúng ta, mà hiện nay vẫn còn mang danh hiệu QÐND với nỗi ngậm ngùi. (tr.32)
Ðọc đoạn này, tôi lại liên tưởng về nỗi ngậm ngùi, hay cả là nỗi nhục của người công an cộng sản trong một bài bình luận mới nhất của tác giả Ngô Nhân Dụng đăng trên nhật báo Người Việt.
Một cách cụ thể, cuối bài viết, ông Trần Quốc Tuấn đã tha thiết nhắn nhủ với những người lính mà ông cũng từng một thời sát cánh với họ:
Những người gắn bó, sống chết với quê hương thì biết rằng vận mệnh dân tộc ta chỉ do người dân ở trong nước quyết định. Gây ý thức về tự do dân chủ trong tầng lớp trí thức trẻ và sĩ quan trẻ tuổi, chính đó là công tác thiết thực để tiến đến việc xây dựng dân chủ cho nước Việt Nam. (tr.31)
*
Rồi ông đã đề nghị 4 điểm, nhưng tôi thiết nghĩ để làm được điều đó, những người lính QÐND còn phải chiến đấu và chiến thắng, trước hết là chính mình:
1. Ý thức rằng chủ nghĩa Mác-Lênin không mang lại hạnh phúc, ngược lại chỉ hủy hoại xã hội và con người về kinh tế cũng như văn hóa, đạo đức. Vì thế phải gạt bỏ chủ nghĩa đó và đảng Cộng sản đi mới cứu được đất nước.
2. Ý thức rằng quân đội ở nước nào cũng chỉ có bổn phận đối với quốc gia, với nhân dân chứ không thể coi quân đội là khí cụ của một đảng hay một nhóm cầm quyền nào đó.
3. Ý thức về cảnh khốn cùng của nhân nhân, mà nếu còn chuyên chính của đảng cộng sản thì nhân dân không thể thoát cảnh khốn cùng này. Ðổi mới kinh tế mà không đổi thay nổi chính trị thì chỉ tạo cơ hội chủ nghĩa làm giầu, nhưng nông dân, công nhân, và bộ đội phục viên thì cơm thừa, canh cặn cũng không có.
4. Ý thức về nỗi nhục của sự nghèo đói, dốt nát, khi so sánh mức sống của dân Việt Nam với các nước Á Ðông khác. Nhục nhã không phải chỉ vì cơm áo, tự do không có, mà còn vì đạo đức và văn hóa suy đồi toàn diện, khiến con cháu chúng ta mai sau không biết có còn ngẩng đầu lên nhận làm người Việt Nam không?
Xét cho cùng đối với Ðảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay, bỏ hay là giữ điều 4 Hiến Pháp cũng chỉ là một hành động: tự sát! Và một hệ quả duy nhất: chết!
Vấn đề chỉ là nhanh hay chậm mà thôi.
Ngày 11 tháng Ba, 2013
UYÊN NGUYÊN

http://nguoivietblog.com/uyennguyen/?p=9750

No comments:

Post a Comment