Monday 11 March 2013

Khủng Hoảng Hay Biến Thể?

Nguyễn Văn Trần 2013/03/11

Hồi giữa tháng 10 năm rồi, nhơn buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình cho Hội đồng Âu châu tại Oslo, Thủ đô xứ Na-uy, ông Tổng thống Pháp François Hollande nắm tay bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa lên vừa tuyên bố “khủng hoảng ở sau lưng chúng ta rồi”. Nhưng Bà Merkel lại tỏ ra thân trọng: “Tôi chưa có thể hủy bỏ báo động hoàn toàn” vì bà dựa trên tình hình chánh trị của Ý hãy còn bất ổn tuy Hi-Lạp đã được tài trợ, Tây-Ban-Nha được tăng vốn ngân hàng.
Hơn nữa hiện nay, nhóm G20 tại Mạc-Tư-Khoa đang cùng nhau tìm giải pháp cho sự phục hồi yếu kém của nền kinh tế thế giới do bị đồng Euro gây trở ngại. Một bản báo cáo phổ biến trước ngày G20 họp báo động sự suy trầm của khu vực euro nghiêm trọng hơn dự đoán ở năm rồi và sự tăng trưởng trong năm nay sẽ ở số “không” (0).
Cuôc khủng hoảng mà ông Hollande lạc quan loan tin có phải đã không còn nữa, thật sự kết thúc chưa và bắt đầu lúc nào và tính chất của nó ra sao? Nó có giống cuộc khủng hoảng lớn năm 1929 không? Và tại sao có người lại bảo đó không phải là khủng hoảng mà là một trường hợp diễn biến cơ bản của hệ thống kinh tế tư bản?

Tình hình kinh tế ngày nay
Mọi người trước đây nghĩ rằng cứ tới những năm 2000 thì thế giới sẽ tránh khỏi bị khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên tình trạng suy thoái của Hoa Kỳ và cả thế giới đã như một thách thức. Nhận định về tình hình khủng hoảng, những ý kiến về kinh tế có bị khủng hoảng không, cũng không giống nhau, nhưng sự khủng hoảng đang thật sự hiện diện.

Người ta nói kinh tế đang khủng hoảng vì dựa vào một số yếu tố đã xảy ra và những yếu tố này ngày càng cho thấy sự khủng hoảng càng đáng lo ngại, không riêng ở khu vực đồng euro mà cả trên phạm vi toàn cầu nữa.

Âu châu hiện, một mặt, bị khủng hoảng tài chánh do mang công nợ và mặt khác, khủng hoảng tăng trưởng do dân chúng già nua, khả năng cạnh tranh quá yếu kém để có thể yểm trợ giựt dậy tiềm năng sản xuất.
Pháp đang trong tình trạng kinh tế nguy ngập vì tăng trưởng gần như ở con số không mà công nợ ngập đầu, gần 90% trên sản lượng quốc gia, thất nghiệp gia tăng phi mã, đa số là thanh niên. Những người có trách nhiệm về kinh tế xã hội được “ân cần nhắc nhở” tới. Kẻ đổ lỗi cho luật làm việc 35 giờ/tuần, hưu trí ở tuổi 60, người khác chỉ trích cách cứu nguy ngân hàng sai lầm, quá ưu đãi những nhà đại tư bản,…

Khi đề cập tới công nợ, người ta không khỏi tự hỏi nước Pháp sa lầy từ bao giờ, có một hay nhiều người cùng trách nhiệm? Thực tế là từ năm 1974 tới năm 2011, vì Chánh phủ không giữ được ngân sách chặt chẽ mà nước Pháp lâm vào cảnh nợ nần ngày thêm trầm trọng?

Khủng hoảng ngày nay và năm 1929
Thử lui lại trong thời gian qua. Năm 1974, dưới thời TT. Giscard d’Estaing, ông Raymond Barre làm Thủ tuớng, công nợ vào khoảng 20% trên sản lượng quốc gia, tuy lúc đó thế giới bị hai cuộc khủng hoảng dầu hỏa nặng nề. Nhưng công nợ vẫn chưa làm cho chánh giới quan tâm.

Dưới trào TT. Mitterrand, công nợ tăng 15 điểm, từ 21% lên 36%, với ngân sách thâm thủng 2-3%. Nên nhớ hưu trí 60 tuổi đã có hiệu lực từ mấy năm nay, nhưng tình hình xã hội chưa quá thảm hại.

Từ năm 1991 tới 1998 mới là bước nhảy vọt của công nợ. Chỉ trong vòng sáu năm, công nợ tăng gấp đôi, từ 36% lên 60% trong lúc đó ngân sách thâm thụt 6%.

Năm 1995, ông Chirac đắc cử Tổng thống. Năm 1997, Chánh phủ tả/hữu “sống chung” với ông Lionel Jospin làm Thủ tướng. Công nhơn xí nghiệp làm việc 35 giờ/tuần. Qua năm 1998, công nợ bắt đầu báo động đỏ. Nhưng qua năm 2000, công nợ hạ xuống 60%. Phải chăng vì Chánh phủ tự giác tôn trọng Công ước Maastricht vừa ra đời qui định, cho các quốc gia thành viên trong Liên Hiệp Âu châu, công nợ không quá 60%, thâm thụt ngân sách phải giữ ở mức không quá 3%, tăng trưởng phải đạt từ 2%.

Qua năm sau, những cam kết cứng rắn giữ công nợ và ngân sách theo Công ước Maastricht lần lần không còn được Chánh phủ thật sự tôn trọng nữa. Nhưng từ năm 2001 tới năm 2007, công nợ chỉ mới có 65%. Việc vãn hồi còn có thể được.

Từ năm 2007 tới 2011, dưới thời TT. Sarkozy và Thủ tướng François Fillon, công nợ vọt lên từ 65% tới 87%. Và tăng lên nữa.

Nguyên nhơn khủng hoảng chắc ai cũng thấy. Đó là do khủng hoảng địa ốc ở Hoa Kỳ dẫn tới hệ thống ngân hàng thua lỗ trên đà sập tiệm kéo theo Âu châu và cả thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng chưa từng thấy, sự tăng trưởng ở mức số không, công nợ bùng nổ gần như hết thuốc chữa.

Tháng 10/2008, ngân hàng Lehmann Brothers bị sập tiệm làm tắt nghẽn hệ thống tín dụng về tiêu thụ, xí nghiệp không vay được tiền,… của nhiều ngân hàng trên qui mô thế giới. Sự khủng hoảng này ảnh hưởng mạnh nhứt tới các quốc gia mà người dân mang nợ cao như Mỹ, Tây-Ban-Nha, Anh.

Hệ thống tín dụng ngân hàng sập tiệm, tức khủng hoảng tiền tệ, đã chuyển biến thành khủng hoảng kinh tế thế giới: tiêu thụ giảm, sản xuất giảm, xuất cảng nhập cảng giảm và nạn thất nghiệp tăng mạnh, nhứt là ở Hoa Kỳ mặc dầu chánh phủ các quốc gia có dự bị những kế hoạch nhằm rót tiền cho ngân hàng với cam kết bảo đảm. Đồng thời, Chánh phủ Hoa Kỳ ban hành kế hoạch với 800 tỷ Mỹ kim giúp phục hồi kinh tế. Ngân hàng trung ương hạ lãi suất xuống 0 và 0,25% và thu mua lại trái phiếu của xí nghiệp.

Mặc dầu nhiều biện pháp mạnh đã đưa ra cứu vãn tình trạng kinh tế tài chánh suy sụp nhưng những chỉ dấu cho thấy tình hình chung của thế giới vẫn chưa thật sự được cải thiện. Sự vỡ nợ địa ốc ở Hoa Kỳ xảy ra trùng hợp với sự chấm dứt chu kỳ phát triển bắt đầu từ những năm 80. Sự vỡ nợ xảy ra vì đã dựa trên quan niệm ngân hàng cho vay nợ dễ dàng và rộng rãi để phục hồi sự tiêu thụ trong dân chúng. Mà một hệ thống kinh tế tài chánh dựa trên việc cho nợ dễ dàng và không giới hạn thì tất yếu không tránh khỏi sụp đổ.

Nhắc lại vài chi tiết của vụ khủng hoảng ở Mỹ và ảnh hưởng dây chuyền lan rộng ra khắp nơi. Sau vụ vỡ nợ kỷ thuật năm 2000 (bong bóng techno 2000) và vụ Hồi giáo khủng bố 9-11 ở NY, ngân hàng trung ương hạ lãi suất xuống còn 1% và giữ ở mức này cho tới năm 2004. Lãi suất thấp đã tạo ra bong bóng địa ốc. Tiết kiệm trong dân chúng gần như cạn kiệt trong lúc đó giá địa ốc lại gia tăng ngày qua ngày. Dân Mỹ lại chưa bao giờ mang nợ bằng lúc này. Riêng Subprimes chiếm 1/3 tổng số nợ ở năm 2006.

Bong bóng phình lớn từ từ nhưng chưa nổ tung khi ngân hàng trung ương phản ứng bằng cách nâng lãi suất lên 4%. Chỉ số thời giá địa ốc bắt đầu chao đảo và suy thoái thật sự trong năm 2006. Thực tế hiện ra trước mắt: mùa xuân 2007, vấn đề Subprimes bùng nổ lôi cuốn theo nhiều ngân hàng sập tiệm.

Những bong bóng tương tợ xuất hiện ở Anh và ở Tây-Ban-Nha.
Khủng hoảng kinh tế xảy ra do các món nợ: nợ của dân chúng Mỹ chiếm 46% trên sản lượng nội địa năm 1979 và 98% qua năm 2007. Nợ nước ngoài của chánh phủ là 70% trên sản lượng nội địa. Tổng số nợ của Mỹ lên tới 350% của sản lượng nội địa. Nếu so sánh với năm 1929 thì trội hơn.

Anh cũng bị cùng hoàn cảnh: nợ của dân chúng trong vòng ba mươi năm tăng từ 20% lên tới 80% sản lượng nội địa. Pháp và nhiều quốc gia Âu châu cũng bị công nợ.

Trong xã hội tiêu thụ, người dân phải tiêu thụ. Lợi tức của dân chúng lao động ngày càng giảm dần trong lúc lợi tức của xí nghiệp tăng lên. Cuộc khủng hoảng năm 1929 xảy ra không vì thị trường chứng khoán sụp đổ mà do sản xuất quá thặng dư làm mất giá nông phẩm. Nguyên nhơn khủng hoảng do sự chênh lệch giữa sản xuất thặng dư và đồng lương không tăng, tức hàng hóa tràn ngập mà người tiêu dùng không tiền.

Chính vì nghĩ cho dân chúng vay nợ thả cửa để bù vào chỗ lợi tức không đủ nên sức tiêu thụ giảm mà ngân hàng đã cho những người vay nợ không khả năng trả nợ. Kết quả thảm hại là ngày nay Âu châu và thế giới chưa thoát ra khỏi khủng hoảng mặc dầu mọi người ai cũng cố tìm giải pháp cứu nguy.

Tới nay, khủng hoảng đã kéo dài hơn ba mươi năm. Một thời gian quá lâu cho một biến cố kinh tế tài chánh trong lịch sử. Có lẽ vì vậy mà có người cho rằng đó không phải khủng hoảng, mà chính là một tình trạng diễn biến cơ bản của kinh tế tư bản.

Biến thể của hệ thống tư bản
Đó là lý thuyết của ông Henri de Castries (thuộc gia đình Công tước De Castries, có Tướng De Castries trong trận Điện Biên phủ - kể chút cho vui), tốt nghiệp HEC (Cao đẳng Thương mại) và ENA (Trường Quốc gia Hành chánh), Chủ tịch-Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm AXA. Theo ông, chúng ta đang sống trong tình huống diễn biến cơ bản thật sự của hệ thống kinh tế tư bản, đúng hơn là một cuộc khủng hoảng bởi vì tình trạng này đã kéo dài hơn ba mươi năm. Khủng hoảng không kéo dài quá lâu như vậy.

Nếu tính từ vụ khủng hoảng dầu hỏa năm 1973 (10/1973, Á-rập giảm sản xuất dầu hỏa và phong tỏa cung cấp cho những quốc gia ủng hộ Do thái trong chiến tranh với Á-rập), thì khủng hoảng đã kéo dài gần bốn mươi năm vì từ đó, người ta có xu hướng chỉ nói “khủng hoảng” khi một biến cố kinh tế tài chánh xảy ra. Thật ra, theo ông De Castries, chúng ta đang sống trong hoàn cảnh một cuộc thay đổi thế giới. 
Sau Đệ nhị Thế chiến, mô hình phát triển đều được xây dựng trên những trao đổi gia tăng giữa các nước dân chủ chọn nền kinh tế thị trường. Khi những người nắm giữ nguyên vật liệu muốn tìm lợi thế cạnh tranh nên không tránh khỏi gây ra những đợt biến động dầu hỏa. Rồi, từ năm 1990, những chế độ Mác-xít kế tiếp nhau sụp đổ. Sau cùng, nhiều quốc gia mới phát triển xuất hiện. Những biến cố đó đã đặt lại thành vấn đề những điều đã đạt được trước kia trong những chế độ dân chủ phát triển, với những rà soát lại và những căng thẳng xã hội. Những quốc gia mới đang phát triển này có khả năng sản xuất nhiều mặt hàng phẩm chất tốt nhờ có kỹ năng cao mà giá thành thấp. Và nơi đây trở thành những thị trường tiêu thụ lớn. Ông De Castries nhấn mạnh: “Phải chăng đó là sản phẩm kinh tế thị trường đã vượt thoát khỏi sự kiểm soát của người đã sanh ra nó?”.
Về những biện pháp cứu nguy cuộc khủng hoảng hiện nay, ông nhận xét khá dí dỏm “Người ta chữa cháy, sự thiệt hại vì lửa ít hơn sự thiệt hại vì nước của vòi ròng xịt lửa”.

Một thế giới thị trường không nhà nước
Cùng nhận định về hiện tình khủng hoảng, nhà kinh tế Jacques Attali, nguyên Cố vấn Đặc biệt của Cố Tổng thống xã hội François Mitterrand, cho rằng thế giới ngày nay là một thị trường mà không có nhà nước”. Để tránh những xáo trộn, mất quân bình, khủng hoảng, điều cần phải làm ngay là tổ chức sự “lèo lái” thế giới.

Tình trạng khủng hoảng hiện nay có lẽ làm cho người ta thấy rằng thế giới là “như vậy, như nó đang thật sự hiện hữu” chớ không phải như người ta “nghĩ và mơ ước”. Thế giới nay không còn là một tập hợp nhiều quốc gia trong đó người ta trao đổi với nhau, mà nó tạo thành một nền kinh tế thị trường toàn cầu lại thiếu vắng một Cơ quan điều tiết. Một thứ nhà nước của “Quốc gia thế giới”. Bởi vì thị trường là toàn cầu còn dân chủ thì địa phương, cục bộ, khoanh trong phạm vi quốc gia. Vì thế, trong hiện tại, kinh tế vượt lên địa chính.

Theo ông Jacques Attali, tất cả lý thuyết kinh tế cổ điển phát họa nền kinh tế thị trường tuyệt vời, không nhà nước, đều có giá trị hết. Nhưng những lý thuyết ấy lại không có một áp dụng thực tiễn nào để mô tả những nền kinh tế quốc gia vì những nền kinh tế ấy không phù hợp với thực tế của một quốc gia nào hết cả. Do đó thế giới ngày nay mới là một thị trường không nhà nước.

Ông Jacques Attali kết luận Một nền kinh tế thị trường không nhà nước, đầy lợi nhuận và quyền lực địa phương, chỉ có thể dẫn đến một tình trạng thiếu “cầu” (cung/cầu) và làm phát sanh nạn thất nghiệp hàng loạt.

Để tái lập quan hệ phát triển theo luật “cung/cầu ”, thị trường lại tạo ra thứ “cầu “giả tạo vì không do những việc làm được tạo ra trên qui mô thế giới, hoặc của một nhà nước trung ưong - thứ nhà nước này không có – mà chỉ có những món nợ tư và công vá víu nhau ở khu vực của cái thế giới không qui luật.

Đó là nguyên nhơn của tình trạng khủng hoảng hiện tại hay sự biến thể của hệ thống tư bản? Sự sản sanh và lan rộng một thứ kinh tế tài chánh chỉ là sự thay thế một bộ máy “nhà nước toàn cầu” lẽ ra có thể tạo một khả năng “cầu” công cộng. Nhưng vì thiếu vắng một “nhà nước pháp trị thế giới” nên chỉ dẫn đến những xáo trộn như hiện tại.

Năm 1938, nền kinh tế Mỹ chưa thật sự vãng hồi. Người ta phải động viên mọi ngành kinh tế phục vụ chiến tranh, kế tiếp xây dựng trên những đổ vỡ, tàn phá, để chấm dứt tình trạng khủng hoảng.

Ngày nay chẳng lẽ lại cũng cần có một thế chiến để thật sự kết thúc cuộc khủng hoảng dai dẳng hơn hồi đầu thế kỷ qua,và nhờ đó định hình một hệ thống kinh tế tư bản mới mà mở ra một chu kỳ phát triển bền vững thật sự?
Ghi chú:
Alternatives Economiques, n° 38, Paris
Le Nouvel Observateurs, 21-27/01/2010, Paris
Jacques attali, Le Monde: un marché sans Etat, Slate.fr, 6/7/2010
Nguyễn Văn Trần

No comments:

Post a Comment