Thursday 28 June 2012

* Chương 47* HỒ CHÍ MINH và Mặt trận Việt Minh

Trước hết, cần minh xác về khái niệm mặt trận. Thông thường 2 chữ này có nghĩa tiền tuyến, nơi đang xảy ra giao tranh bằng quân sự. Đó là nghĩa đen. Nhưng mặt trận cũng có nghĩa bóng, chẳng hạn khi nói mặt trận văn hóa, mặt trận ngoại giao... Ngoài ra, mặt trận còn có thể là một tổ chức đấu tranh tập hợp nhiều đoàn thể đảng phái nhằm tranh thủ một mục tiêu chính trị nào đó, không nhất thiết bằng võ lực.
Đó là những khái niệm thông thường, trước  khi có cuộc chiến ý thức hệ do chủ trương đấu tranh giai cấp mang tính toàn cầu, toàn diện. Từ khi có cuộc chiến này với thuộc tính “toàn cầu, toàn diện”, mặt trận chỉ có một nghĩa – nghĩa đen.

Mặt trận ở đây chính là tiền tuyến, tại đó người cộng sản dùng những võ khí tinh thần hơn là vật chất. Trong chiến tranh toàn diện, mọi thứ đều có thể là võ khí thì mọi nơi đều có thể là tiền tuyến hay mặt trận.
Theo chiến lược sách lược liên minh Lênin, đặc biệt sách lược “mặt trận thống nhất” được Stalin áp dụng tại Trung Quốc giữa thập niên 20, mặt trận còn là một hình thức sách lược đấu tranh. Nó thay đổi tùy nơi, tùy lúc, tùy theo cao trào hay thoái trào cách mạng, (chữ của Stalin).

Trong trường hợp này, nó như chiếc áo mà đảng cộng sản chọn mặc cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Cũng theo sách lược liên minh Lênin, mặt trận còn mang ý nghĩa của bộ mặt ngoài che giấu thực chất phía trong. Mặt trận luôn được điều khiển bởi đảng cộng sản nằm làm nòng cốt ở bên trong nên cũng có thể bảo là một thứ mặt nạ của đảng cộng sản. Những tính chất này đều được thể hiện với Mặt trận Việt Minh.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và cuộc Cải Cách Ruộng Đất 1953-1955 đánh dấu hai thời điểm quan trọng trong quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh thì Mặt Trận Việt Minh và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là những tổ chức gắn liền với sự nghiệp của Hồ Chí Minh, nhất là Mặt Trận Việt Minh do Hồ Chí Minh khai sinh ngày 19 tháng 5 mà sau này ông nói là ngày sinh của ông.
Có thể coi hai tổ chức này như hai con thuyền đã giúp Hồ Chí Minh vượt qua sóng gió. Và, cũng như mọi con thuyền, cả hai tổ chức đều mang chung số phận bị dẹp bỏ sau khi đi tới bến bờ mong muốn để chỉ còn được sống lại vào những lúc cần xác định lý tưởng của Hồ Chí Minh.
Với rất nhiều người, Mặt Trận Việt Minh cũng như Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là những lực lượng qui tụ các phần tử yêu nước hình thành do yêu cầu giành độc lập hoặc chống ngoại xâm. Hồ Chí Minh là người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo Mặt Trận Việt Minh, là người hỗ trợ tích cực cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.
Cả hai tổ chức đều nhờ Hồ Chí Minh để thâu đoạt thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đối với đất nước. Lý tưởng mà Hồ Chí Minh theo đuổi đã được kể là dựa trên nền tảng hình thành từ tính chất đáp ứng nguyện vọng dân tộc chính đáng của hai tổ chức trên. 
Tương đồng và dị biệt giữa thực tế với nhận định được nêu trên ra sao?

Theo tài liệu của Cộng Sản Việt Nam, Mặt Trận Việt Minh ra đời tại hang Pac Bó tỉnh Cao Bằng ngày 19-5-1941 theo sáng kiến của Hồ Chí Minh trong một phiên họp được gọi là Hội Nghị kỳ 8 Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hồ Chí Minh chủ tọa Hội Nghị với tư cách đại diện Đệ Tam Quốc Tế. Số người có mặt gồm Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên và một đại biểu Bắc Kỳ, một đại biểu Trung Kỳ. (1)  “Hội nghị khẳng định: Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc…Trong lúc này, khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp – Nhật… nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãn kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.
Theo sáng kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị…” (2)
Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945 ghi lại chi tiết hơn: “Phân tích tình hình thế giới, nghị quyết của Hội Nghị nhận định: Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc chiến tranh đế quốc lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công… Hội Nghị tán thành nghị quyết của hai hội nghị Trung Ương trước đó về việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược nhằm nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, ngày 19-5-1941, Hội Nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) thay cho Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Phản Đế Đông Dương và đặt ra nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc Lào và Campuchia thành lập mặt trận của mình. Các tổ chức của Việt Minh sẽ là các Hội Cứu Quốc. Hội Nghị quyết định tiếp tục chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất để tranh thủ mở rộng mặt trận dân tộc” (3)
Những dòng ghi vắn gọn trên cho thấy rõ Mặt Trận Việt Minh không hề theo đuổi mục tiêu đấu tranh cho nguyện vọng dân tộc.
Sự ra đời của tổ chức chỉ nhắm khai thác tâm lý quần chúng để gây dựng lực lượng và củng cố vị thế của Đảng Cộng Sản tùy theo từng giai đoạn.
Những ngày trước đó, Đảng Cộng Sản nấp dưới chiêu bài Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Phản Đế Đông Dương thành lập tháng 11-1939, vì không thể công khai đấu tranh sau biến cố Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trước nữa, Đảng Cộng Sản đã lập Mặt Trận Phản Đế vào tháng 11-1930 và Mặt Trận Dân Chủ vào năm 1936.
Hình thức mặt trận nẩy sinh từ quan điểm chiến lược sách lược Lênin nhắm tập họp, liên minh với các lực lượng, kể cả thành phần thù địch nhưng cần khai thác trong thời gian trước mắt hay một thời khoảng nào đó. Vì thế, mặc dù coi mọi giai cấp đều là kẻ thù của giai cấp Vô Sản, Mặt Trận Việt Minh vẫn chuyển hướng chỉ đạo để hô hào liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị và nêu chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất để tranh thủ mở rộng mặt trận dân tộc.
Chuyển hướng và tạm gác chắc chắn chỉ là những việc mang tính giai đoạn chứ không phải hướng nhắm thực sự cuối cùng. Cho nên, Douglas Pike đã hết lời ca ngợi Hồ Chí Minh: “Thiên tài số một của Hồ là tổ chức… Hầu hết những thắng lợi chính trị của Hồ trong thời kỳ tiền Việt Minh là kết quả của tài tổ chức: tạo dựng, xử dụng và đưa ra ánh sáng một cách thuận lợi một chuỗi những tổ chức mặt trận thống nhất, cái sau bao giờ cũng cao hơn cái trước, mỗi cái đều tăng cường quyền lực của đảng, mở rộng thêm sự ủng hộ của cơ sở quần chúng và loại trừ đối lập (rivals). Kỹ thuật (loại trừ) này gồm có việc bao lấy tổ chức đối lập đưa nó vào trong một cộng đồng xã hội rộng lớn hơn như một phương cách làm lu mờ căn cước riêng của nó và như một màn mở đầu để chặt mất đầu, không còn lãnh tụ nên phải tan rã...” (4)

Không chỉ trong thời kỳ tiền Việt Minh mà các thời kỳ sau cũng mang cùng tính chất. Thực tế xã hội Việt Nam giai đoạn này cho thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể thành công nếu cứ tiếp tục hô hào đấu tranh giai cấp và cải cách ruộng đất như những năm 1929-1930. Chính sách thực dân và thái độ tàn nhẫn của người Pháp đối với dân chúng đã tạo sự căm phẫn ngay nơi nhiều người Pháp. Andrée Viollis đã ghi lại không biết bao nhiêu cảnh sống uất nghẹn của người dân Việt Nam:
“Từ khi tôi đến Huế, vào mỗi sáng tôi thường bị đánh thức bởi giọng khàn gắt của những người còn say rượu, mắng bồi bếp “Đồ súc vật, mày có đến không?... Phải mất bao nhiêu thời giờ mới gọi được mày?Đến mau… sà-lù…Đôi khi tôi nghe thấy tiếng ghế đổ loảng xoảng, tiếng giầy dép quăng ném loạn xạ… 
Một bà Pháp, đốc học trường Nữ ở Huế lái xe hơi, đụng té hai người nhà quê gánh rau vào thành phố. Họ bị thương nhẹ. Bà nọ đang tính bồi thường thì một viên chức nổi giận vì đám nhà quê dám hỗn xược đòi tiền một bà đầm. Y vừa đánh hai người kia vừa la lối: “Nếu tao mang súng theo thì tao giết tụi bay rồi. Cút đi! Đừng vác mặt đến đây nữa, nếu không sẽ biết tay tao”. Hai người đàn bà tội nghiệp mất cả gánh rau, mặt đầy máu, lấm lét bỏ trốn mà vẫn mừng đã thoát nạn”. (5)

Cảnh ngoài đường phố đó không đáng gì so với cảnh một nhà giam năm 1929-30 mà Andrée Viollis chứng kiến: “Tôi nhận ra hai hàng tù nhân, chân bị cùm, ngồi hay nằm sát chặt lấy nhau. Mỗi căn có 200 người. Tất cả đều nhìn chúng tôi bằng con mắt tuyệt vọng và sốt nóng vừa dơ bàn tay ra van nài… Mặt của họ nám đen, khô đét, má hóp, môi chảy ra nứt nẻ, cánh tay thì đầy mụn nhọt và vết thương. Hầu hết đều ghẻ hoặc bị chấy rận dày vò… Cả ngày người ta chỉ tháo cùm cho họ hai lần, mỗi lần mười phút để lo việc cần. Họ chỉ có quyền rửa mặt mỗi tuần một lần… Họ tiều tụy đến nỗi nhiều người không chống lại nổi bệnh kiết lị mà hầu hết đều bị. Mỗi sáng, người ta đến lấy những xác chết đem đi. Trung bình có hai hoặc ba người chết mỗi ngày trong một căn.” (6)
Andrée Viollis ghi lại một sự việc xảy ra tại nhà tù ngày 29-5-1931: “Hai tên Lê Dương Van Bargen và Layon lấy cưa xén tóc một phạm nhân để giỡn. Nghịch chán, Van Bargen rút súng lục bắn vào đùi phạm nhân rồi hất vào phòng giam. Một lúc sau, Van Bargen lại chĩa súng bắn xối xả vào các phạm nhân. Tất cả đều bị thương. Chúng chất các phạm nhân bị thương lên xe đưa đến một nơi vắng vẻ dùng súng lục bắn chết từng người, quăng xác vào bụi. Ra tòa, Van Bargen khai là chỉ bắt chước cấp trên thường chém đầu phạm nhân để giỡn chơi. Tên quan ba Doucin khai do nhà giam chật hẹp, số phạm nhân lại quá nhiều nên phải giết bớt đi”. (7)
Đó là cách đối phó với các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng trước và sau thời gian xẩy ra cuộc khởi nghĩa Yên Báy.
Những tên cai tù giết người được tòa tuyên bố trắng án trong khi một số tù nhân bị tử hình. Một chứng nhân người Pháp khác là Louis Roubaud (8) đã ghi lại phản ứng của nhiều người tù trước tòa.
Trong phiên xử ngày 26-5-1930 tại Phú Thọ, Nguyễn Văn Toại không chờ Tòa lên tiếng đã nói: “Tôi nhận hết!” Tòa hỏi: “Anh có phải đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng không?” Toại đáp: “Tôi chỉ là một người Việt Nam. Tôi thương xót đồng bào tôi bị cực khổ nên tôi tham gia tấn công đồn binh Pháp”.
Nguyễn Văn Toại mới 33 tuổi và là một trong 5 người bị chém đầu tại Phú Thọ ngày 22-11-1930.
Cùng trong phiên xử đó, một người khác dõng dạc nói trước Tòa: “Tôi không có chân trong hội kín hội hở nào hết. Tôi là người Việt Nam, tôi có bổn phận phải đánh đuổi người Pháp ra khỏi đất nước tôi để khôi phục nền độc lập cho Tổ Quốc”.

Ngày 23-6-1931, trước khi bị đưa ra hành quyết tại Hỏa Lò, Lê Hữu Cảnh đã tươi cười nói với linh mục Dromet: “Chết vì tổ quốc, lên Thiên Đường nhanh lắm”.
Nhượng Tống ghi lại hình ảnh cuối cùng của Lê Hữu Cảnh: “Người ta trông thấy anh hớn hở khi hô xong câu “Việt Nam vạn tuế!” rồi đâm đầu vào máy chém” (9)
Cuộc sống tủi nhục đọa đày dưới ách thống trị tàn khốc đã khiến toàn cõi Việt Nam là một lò lửa hận thù ngùn ngụt đối với thực dân Pháp đúng như  L. Bonnafont đã viết  trong Trente ans de Tonkin: “Hòn Gay không đem lại gì cho chúng ta, ngoại trừ mối căm thù của hàng ngàn cu-li” (10).
Nguyện vọng giành độc lập cho Tổ Quốc là nguyện vọng chung của hết thẩy mọi người vì đó là lối thoát duy nhất cho cảnh sống đói rét dưới roi vọt. Đó cũng là lý do khiến Đảng Cộng Sản thấy cần vận dụng chiêu bài giải phóng dân tộc và tạm thời che kín chủ trương đấu tranh giai cấp.
Ngay Đào Duy Anh khi mới tham gia đấu tranh trong đảng Tân Việt cũng phát biểu: “Không thể căn cứ vào một giai cấp nào để lấy đảng viên được, tầng lớp thợ thuyền còn quá ít ỏi và chưa có đường lối rõ rệt, trong khi tầng lớp nông dân cũng chưa thuần nhất và ít giác ngộ về đường lối”  (11)
Trên thực tế từ ngày 18-11-1930 Trung Ương Đảng Cộng Sản Đông Dương đã gửi chỉ thị tới các cấp ủy Đảng “khẳng định lại đường lối chiến lược và sách lược của Đảng trình bày trong Luận Cương, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất mà trong giai đoạn lịch sử này việc tổ chức Hội Phản Đế Đồng Minh là chủ trương đúng đắn và cấp thiết”. (12) 
Như thế, 11 năm trước khi Mặt Trận Việt Minh ra đời, công tác xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất đã được minh thị là một công tác mang tầm chiến lược và sách lược của Đệ Tam Quốc Tế tức không phải sáng kiến của một cá nhân nào, kể cả Hồ Chí Minh.
Năm 1930, theo thẩm định tình hình, Đảng cần chiêu bài Phản Đế nên Mặt Trận Phản Đế Đồng Minh xuất hiện.
6 năm sau, sự thắng thế của Mặt Trận Bình Dân trên chính trường Pháp khiến chiêu bài Dân Chủ thích hợp hơn nên Phản Đế Đồng Minh được thay thế bằng Mặt Trận Dân Chủ. Rồi tình hình lại xoay chuyển khiến xuất hiện Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc Phản Đế Đông Dương ngày 18-11-1939.
Sau đó, chiêu bài Phản Đế tỏ ra không cuốn hút bằng chiêu bài Độc Lập nên Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh ra đời.
Ưu điểm của sách lược vận dụng mặt trận không chỉ là tính hấp dẫn của những chiêu bài đối với quần chúng mà nằm ngay trong thái độ khác biệt về ý thức giữa những người đấu tranh không cộng sản và thuộc hàng ngũ cộng sản.
Người Cộng Sản được rèn giũa, nhắc nhở thường xuyên về bạn và thù, không lúc nào quên vấn đề chủ yếu trong liên minh là phải nắm vững thế chỉ đạo bằng mọi giá, kể cả vu cáo triệt hạ, ám toán tiêu diệt những kẻ gây trở ngại.
Trong khi đó, người không cộng sản bước vào mọi cuộc liên minh với sự tin cậy thiện chí hợp tác của bất kỳ ai, sẵn sàng chấp nhận bất kỳ vai trò nào miễn là có người cùng chia xẻ nhiệm vụ đấu tranh.
Cho nên, người Cộng Sản gần như không gặp khó khăn trong sự thực hiện các mưu đồ mà Douglas Pike đã mô tả là bao lấy tổ chức đối lập đưa vào một cộng đồng rộng lớn hơn làm lu mờ căn cước riêng của nó và chặt mất đầu, không còn lãnh tụ nên phải tan rã...

Với những người sôi sục nhiệt tâm chống thực dân để giành độc lập nhưng chưa từng tham gia tổ chức đấu tranh nào, mức thuận lợi càng lớn hơn cho Cộng Sản, nhất là sự hoàn toàn mờ mịt về chủ thuyết Cộng Sản.
Cho tới thập niên 1970, đại đa số dân chúng Việt Nam vẫn nghĩ về Cộng Sản như một tập thể chủ trương bạo động để bênh vực người nghèo khó, chống lại cường quyền áp chế và những kẻ giàu sang độc ác.
Khi đã vượt qua tâm trạng e dè với phương pháp bạo động, không mấy ai còn băn khoăn tìm hiểu tổ chức mình sẽ tham gia là Cộng Sản hay không Cộng Sản. Ngay trong giới trí thức, thậm chí giữa những người đang hoạt động đảng phái, vẫn có luận điệu “Danh xưng tổ chức là gì không quan trọng, chỉ cần chung sức đánh Tây thôi. Cộng Sản hay không cộng sản cũng là người Việt Nam đang sống trong nô lệ và mong mỏi độc lập như mình.”
Ý kiến về đảng phái của nhà cách mạng lão thành Huỳnh Thúc Kháng được Võ Nguyên Giáp ghi lại chính là bằng chứng cụ thể cho cách suy nghĩ về quốc gia và cộng sản đương thời: “Tới Hà Nội gặp chúng tôi, cụ Huỳnh tỏ ý lo lắng về cái mà cụ gọi là tình hình “đảng tranh” hiện thời. Theo ý cụ thì Việt Minh, Việt Nam Cách Mệnh Đồng  Minh đều tranh đấu cho dân, các vị lãnh đạo đều là những người yêu nước đã bôn ba hải ngọai, giờ phải đặt quyền lợi quốc gia lên trên, phải đoàn kết lại, không nên xung đột vì chuyện đảng phái”. (13)
Hơn nữa, người trong nước đã có thói quen trông chờ sự tiếp sức từ bên ngoài kể từ khi phong trào Đông Du được Phan Bội Châu phát động. Tin tức đấu tranh từ Trung Hoa, Thái Lan luôn là nguồn hứng khởi và đề tài bàn thảo.

Sau Cách Mạng Tân Hợi 1911 Trung Hoa, chính Phan Bội Châu đã ngả theo xu hướng canh tân, chủ trương dân chủ hóa, hô hào làm cách mạng xã hội để hình thành tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội. Lớp trí thức trẻ trong nước cũng choáng ngợp trước nhiều nguồn ánh sáng tư tưởng Tây Phương và Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học đã tiếp nối Phan Bội Châu không ngừng hô hào làm cách mạng xã hội. Điểm quan trọng là không có sự phân biệt rạch ròi về cách mạng xã hội theo tinh thần Tam Dân Chủ Nghĩa của Cách Mạng Tân Hợi Trung Hoa mà Phan Bội Châu đề xướng với cách mạng xã hội theo tinh thần giai cấp đấu tranh của Đệ Tam Quốc Tế.

Toàn bộ khung cảnh thực tế đấu tranh chính trị tại Việt Nam giữa người cộng sản với người không cộng sản là một thiểu số kín đáo kiên trì theo đuổi mưu đồ thâu tóm trọn quyền lực và một tập thể ngay tình, chân thực luôn sẵn sàng chấp nhận bất kỳ ai tuyên bố đòi đập lập đều là bạn.
Kết quả, sách lược dân tộc thống nhất đã làm tan rã các tổ chức không cộng sản, thu hút thêm người về cho đảng Cộng Sản.
Trên thực tế, qua các cửa ngõ không cộng sản như Tâm Tâm Xã, Phục Việt, Tân Việt, Tổng Hội Sinh Viên… những người trẻ như Vương Thúc Oánh, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Đào Duy Anh… đã bị cuốn hút để trở thành đảng viên nòng cốt của Cộng Sản. Sau một quá trình huấn luyện, nhất là sau khi được chọn lọc gửi đi thụ huấn tại Mạc Tư Khoa, những người trên đều thay đổi ý niệm về đường hướng đấu tranh.
Lúc này, họ đã thuộc về một lực lượng mới với một sứ mạng mới là giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới. Cuộc chiến mà họ bước vào do lòng yêu nước thúc đẩy chỉ còn là một bộ phận nhỏ trong cuộc chiến mà họ vừa giác ngộ. Họ ý thức rõ rệt điều đó và còn được chỉ dẫn kỹ lưỡng để khai thác những cuộc chiến cục bộ như thế nào để hoàn thành sứ mạng mới mà họ đã chọn lựa.

Những người không cộng sản chỉ nhìn thấy Mặt Trận là một hình thức kết hợp mọi người tạo thành lực lượng đấu tranh đánh đuổi kẻ thù thực dân Pháp giành lại nền độc lập dân tộc và những người cùng tham gia Mặt Trận đều là đồng chí.
Khi bước vào Mặt Trận, những phần tử hoặc tổ chức không cộng sản đều tự đồng hóa với Mặt Trận theo tinh thần hòa nhập để chung lo công việc. Mọi nhiệm vụ do Mặt Trận đề ra là nhiệm vụ của mình và mục tiêu Mặt Trận nhắm tới là mục tiêu phụng sự của mình.
 Nhưng người Cộng Sản đã được chỉ thị rõ ràng để không quên rằng họ chỉ tạm thời gác lại chủ trương giai cấp đấu tranh và Mặt Trận là một vỏ bọc cần thiết trong giai đoạn. Họ là người thuộc về Đảng, tức cái nhân của Mặt Trận. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là phát triển và củng cố cái nhân chứ không xả thân cho mục tiêu của cái vỏ.
Chính vì thế, họ phải nắm quyền chủ động trong Mặt Trận để giữ vững các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và củng cố Đảng. Mặt Trận chỉ là vỏ bọc nên cũng như chiếc áo. Mỗi trường hợp, mỗi hoàn cảnh cần có những chiếc áo khác nhau nên nắm vững quyền chủ động có nghĩa là tránh bị lệ thuộc chiếc áo để luôn luôn ứng phó kịp thời với mọi tình huống hầu bảo vệ hữu hiệu cho cái nhân.
Cộng Sản không đồng hóa với Mặt Trận mà vận dụng Mặt Trận như một công cụ phục vụ cho mục đích của mình. Tương quan giữa Đảng Cộng Sản với Mặt Trận là tương quan giữa người chỉ huy với kẻ thừa hành.
Thêm nữa, Mặt Trận không đơn thuần là một danh xưng hay một hình thức tổ chức mà chính là một trận tuyến.
Đối với Cộng Sản, những người cùng tham gia Mặt Trận chưa hề là đồng chí mà còn có thể là kẻ thù. Cộng Sản mời gọi những người này tham dự liên minh để lợi dụng, chinh phục hoặc giăng bẫy thanh toán. Liên minh trong quan điểm chiến lược sách lược Cộng Sản là một cuộc chiến dưới hình thức sống chung hòa bình trong lúc kẻ thù bị ru ngủ bởi hình thức đó.
Đấu tranh giai cấp là cuộc chiến liên tục và trường kỳ dưới mọi hình thức để giành mục tiêu thiết lập nền chuyên chính vô sản trên toàn thế giới nên không thể ngưng diễn tiến một ngày một giờ nào và ở bất kỳ nơi đâu. Mặt Trận là trận tuyến trên đó cuộc chiến liên tục diễn ra với những kẻ thù tuy đang là đồng minh nhưng không theo cộng sản.

Ý nghĩa chứa đựng trong danh từ Mặt Trận đối với Cộng Sản là ý nghĩa này chứ không phải ý nghĩa theo cách hiểu của người không cộng sản vẫn được trưng dẫn để thuyết phục các đối tượng quần chúng.

Hơn 40 năm trước đây, trong cuốn Sách lược xâm lăng của cộng sản, chúng tôi đã có dịp phân tích 4 loại sách lược thường được Cộng Sản dùng để thôn tính các nước là mặt trận, liên hiệp, trung lập, hòa bình.
Hòa bình là một vũ khí, một chiến lược, một mặt trận đánh vào đối phương, để chia rẽ, phân hóa, làm cho đối phương mất hết ý chí chiến đấu, trong khi Cộng Sản tiếp tục tấn công.
Tác động của các phong trào phản chiến tại miền Nam Việt Nam và tại Mỹ trước đây là minh chứng cụ thể về sự vận dụng vũ khí hòa bình.
Tưởng cũng nên nhắc lại, ngay trong lúc nêu chủ trương sống chung hòa bình, lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrutshchev vẫn tuyên bố “muốn sống đến ngày được thấy ngọn cờ đỏ bay phất phới khắp năm châu”.
Cũng chính Khrutshchev đã ra lệnh đàn áp phong trào đấu tranh tách khỏi vòng kiềm chế Liên Xô của nhân dân Ba Lan (vụ Poznan) và nhân dân Hung Gia Lợi (vụ Budapest). Lãnh tụ Cộng Sản Trung Cộng Chu Ân Lai nêu năm nguyên tắc sống chung hòa bình tại hội nghị Băng Đung 1955 không ngoài mục đích ru ngủ và bó tay các quốc gia Ai Cập, Nam Dương, Ấn Độ … đồng thời phân hóa đối thủ, giảm thiểu lực lượng chống Cộng trên thế giới trong khi phe Cộng Sản không lơi tay súng.

Liên hiệp là mượn danh nghĩa sống chung để xâm nhập, lũng đoạn, xuyên tạc, ám toán nhắm đánh phá, tiêu diệt người bất đồng chính kiến.
Các đoàn thể từng tham gia chính phủ liên hiệp Việt Minh trong năm 1946 sẽ không bao giờ quên nổi bài học đắng cay, thấm thía về liên hiệp. Hồ Chí Minh nhân danh “đoàn kết” lập chính phủ liên hiệp để triệt tiêu lý do chống đối của các phe đối lập đồng thời trình diễn bộ mặt “hòa hợp dân tộc” trước các cường quốc Tây Phương. Nhưng cùng lúc đó, các đoàn thể chấp nhận liên hiệp với Cộng Sản Việt Nam đã lập tức trở thành những miếng mồi ngon vì lâm cảnh ngộ ngồi chung với bầy sói.
Trung lập là cô lập đối phương. Bài học về hiệp ước Genève 1962 trung lập hóa Ai Lao là bài học tiêu biểu về trung lập. Ai Lao trung lập có nghĩa là Ai Lao bị cô lập, và miền Nam Việt Nam bị cô lập theo. Bởi, các nước không được quyền giúp phe quốc gia Ai Lao trong khi Cộng Sản Việt Nam không ngừng hỗ trợ cộng sản Ai Lao tấn công phe quốc gia.
Cộng Sản còn dùng Ai Lao làm bàn đạp xâm nhập đánh phá miền Nam Việt Nam. Đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua lãnh thổ Ai Lao “trung lập” trở thành con đường bất khả xâm phạm của Cộng Sản. Các nước ký kết bắt buộc phải tôn trọng chữ ký của mình trong khi Cộng Sản coi mọi phương tiện đều tốt. Nói dối, vi phạm hiệp ước… là điều cần làm vì lợi ích của đấu tranh giai cấp – cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Mặt trận nhằm tập họp vào hàng ngũ do Cộng Sản lãnh đạo những thành phần yêu nước đang đấu tranh giành độc lập dân tộc để lợi dụng, khai thác cho mục tiêu tận diệt mọi giai cấp chống lại giai cấp vô sản mà đảng Cộng Sản tự ban cho mình vai trò đại diện với tư cách đội tiền phong.
Với quan niệm chiến tranh thường trực trong giai cấp đấu tranh và chiến lược toàn cầu của Cộng Sản nhắm đánh đổ tư bản,  mặt trận dù xưng danh là Độc Lập Đồng Minh cũng không bao giờ thực sự đấu tranh vì Độc Lập dân tộc mà chỉ là sách lược giai đoạn vận dụng chiêu bài Độc Lập dân tộc để giành quyền chuyên chính vô sản.
Danh nghĩa mặt trận sẽ giúp Cộng Sản thu hút đông đảo quần chúng vào vòng chi phối đồng thời có thể buộc hết thẩy khép mình dưới kỷ luật sắt như binh sĩ trong một trại quân.
Ý đồ vận dụng Mặt Trận Việt Minh để tập họp mọi thành phần quần chúng, biến thành lực lượng đấu tranh lâu dài cho mục tiêu chuyên chính vô sản còn biểu hiện qua các nghị quyết và chỉ thị đưa ra trong Hội Nghị kỳ 8 Trung Ương Đảng. Các chỉ thị này đã nêu rõ nhiệm vụ của Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc là tổ chức và phụ trách Đội Thiếu Niên Tiền Phong và Hội Nhi Đồng Cứu Vong để tập họp thế hệ nhỏ vào mục đích dự bị cho cuộc đấu tranh. Chỉ thị này còn được biến thành một điều khoản trong điều lệ của Hội Nhi Đồng Cứu Vong (14).
Tóm lại, nhìn từ khía cạnh chiến lược sách lược Lênin và qua các Nghị Quyết của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, dù Mặt Trận Việt Minh qui tụ rộng rãi các thành phần dân chúng và có mặt nhiều phần tử yêu nước vẫn không thể xác định là một lực lượng đấu tranh yêu nước hình thành do yêu cầu giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Do ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, Douglas Pike coi sách lược mặt trận dân tộc là biểu hiện một thiên tài về tổ chức đấu tranh. Chỉ giới hạn trong phạm vi hành động thì lời khen của Douglas có thể có cơ sở, ngoài ra, sẽ là một lời ca tụng mù quáng.

Vì sách lược này không phải phát kiến của Hồ Chí Minh mà được đề ra bởi Lênin. Hồ Chí Minh chỉ là người thi hành chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế và tính chất này đã là nền tảng để Duncanson đánh giá “phong trào cộng sản ở Việt Nam khác với các phong trào chính trị về một phương diện quan trọng: nó là một phong trào khuynh đảo phát động từ bên ngoài do chính phủ Liên Xô dùng làm khí cụ quấy phá Pháp.”
Do đó, Duncanson cho rằng đảng Cộng Sản Đông Dương không bao giờ là một lực lượng đấu tranh yêu nước mà trái lại, còn gần như một lực lượng chống-lại-những-người-yêu-nước-chống-thực-dân – almost anti-anti-colonial.
Mặt Trận Việt Minh do Đảng Cộng Sản Đông Dương thành lập và nắm quyền chỉ đạo nên kết luận của Duncanson cũng là lời bác bỏ sự xác định lý tưởng dân tộc của Hồ Chí Minh dựa trên chủ trương được quảng bá của Mặt Trận này.
Đặt vấn đề vào thực tế, chỉ có thể coi Mặt Trận Việt Minh là phát kiến của Hồ Chí Minh trong giới hạn ý đồ vận dụng danh xưng Việt Minh.
Vì từ 1935, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội với tên gọi tắt Việt Minh đã được Hồ Học Lãm thành lập tại Nam Kinh. Trong hồi ký Giọt nước trong biển cả, Hoàng Văn Hoan ghi rõ nhiều chi tiết về tổ chức này của những người quốc gia yêu nước tại Hoa Nam.
Theo Hoàng Văn Hoan, chính Hồ Chí Minh cùng nhiều đồng chí trong số có Hoàng Văn Hoan đã tham gia Việt Minh để hoạt động.
Hoàng Văn Hoan viết: “Vấn đề đầu tiên là vấn đề lấy danh nghĩa gì để hoạt động? Bác chủ trương lấy danh nghĩa Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, và mời ông Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì để chúng ta dựa vào đó mà hoạt động. Chủ trương đó phát xuất từ chỗ Việt Minh là một tổ chức mà trước kia đã cùng với ông Hồ Học Lãm lập ra và đăng ký ở Nam Kinh; xuất phát từ chỗ ông Hồ Học Lãm không phải là Cộng Sản mà lại thực lòng ủng hộ chúng ta...” (15)

Trong Danh nhân Hồ Chí Minh (16), Trần Đình Huỳnh cũng cho biết từ tháng 9-1940, Hồ Chí Minh bắt liên lạc với Hồ Học Lãm và được Hồ Học Lãm cho biết thời cơ về nước đã tới. Vì thế, ngày 6-1-1941, Hồ Chí Minh mới cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp là những người có mặt trong Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội chuẩn bị về nước bằng việc tổ chức tại làng Nậm Quang thuộc Quảng Tây, Trung Quốc, một khóa huấn luyện chính trị cho 43 cán bộ, dẫn giải về việc thành lập mặt trận dân tộc rộng rãi ở trong nước.
Tháng 2-1941, Hồ Chí Minh về Pac Bó thuộc tỉnh Cao Bằng và công việc đầu tiên là giao cho Vũ Anh, Hoàng Văn Thụ tiến hành tổ chức thí điểm Mặt Trận Việt Minh tại Cao Bằng.
Như vậy tới tháng 2-1941, trên danh nghĩa, Hồ Chí Minh vẫn thuộc tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của Hồ Học Lãm với tên gọi tắt là Việt Minh.
Ngày 19-5-1941, Hồ Chí Minh chỉ có phát kiến tách khỏi tổ chức trên bằng cách thay chữ Hội bằng 2 chữ Mặt Trận và vẫn giữ cái tên tắt Việt Minh quen thuộc trong hoạt động. 
Lập Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh để không còn chịu sự chi phối của Hồ Học Lãm, dù chỉ là sự chi phối không đáng kể về ý kiến do cung cách hoạt động lỏng lẻo sẵn có của tổ chức này. Tuy thế, vẫn giữ tên Việt Minh để tiếp tục khai thác mọi thành quả mà tổ chức này dành được từ trước, nhất là để vận động các thế lực quốc tế như Quốc Dân Đảng Trung Hoa và các quốc gia Đồng Minh kháng Nhật do mối tương quan mà Hồ Học Lãm đã có.

Với tên Việt Minh, đảng Cộng Sản đã có chiếc áo quốc gia yêu nước từng được quần chúng và ngay cả các giới chức Trung Hoa biết tới từ năm 1935.
Ưu điểm này không những giúp Cộng Sản dễ dàng lôi cuốn nhiều phần tử nhiệt huyết trong nước chẳng hạn như lớp trí thức trẻ Dương Đức Hiền, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm… mà còn thuyết phục cả tư lệnh Đệ Tứ Chiến Khu Trung Hoa Dân Quốc là Trương Phát Khuê cùng các sĩ quan Mỹ hoạt động tại Hoa Nam.
Tưởng Vĩnh Kính trong Hồ Chí Minh tại Trung Quốc đã viết: "…Tại sao ông Hồ và trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam muốn lợi dụng lá cờ Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (chỉ bỏ chữ "hội”  mà thôi) ? Cách thức đó chính là lặp lại một cách khéo léo điều mà người Cộng Sản gọi là "chiếm lĩnh cơ quan, làm phe tả của họ” . Ý đồ của họ, xét ra không ngoài việc lợi dụng danh nghĩa Độc Lập Đồng Minh Hội… nhằm chiêu dụ tổ chức quần chúng của hội này… Căn cứ vào các tư liệu tại Quảng Tây thời đó, "Việt Nam Độc Lập Đồng Minh được thành lập tháng 7 năm 1935, là sự hợp thành của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Độc Lập Đảng, Tân Việt Đảng… Các tổ chức quần chúng của nó cũng được ông Hồ đổi thành các hội "Cứu Quốc”…  Ý đồ lớn nhất của ông Hồ khi lợi dụng cơ cấu Việt Minh là che giấu cái bộ mặt cộng sản, lợi dụng tình thế cùng tâm lý quần chúng Việt Nam, ngụy trang bằng chủ nghĩa dân tộc, nhằm phát triển thực lực của bản thân.”
Chủ ý lợi dụng danh nghĩa Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội không còn là nghi vấn vì chính Hoàng Văn Hoan đã ghi rõ.

Nhưng trong thời điểm 1940-1945, Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng riêng danh nghĩa Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Cũng theo Hoàng Văn Hoan, vào năm 1943, khi có cơ hội gặp gỡ và nhận đứng ra tổ chức mạng lưới tình báo tại Việt Nam cho Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh đã yêu cầu Trương Phát Khuê can thiệp với Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần để “có một ủy nhiệm thư của Trung Ương Việt Cách phái Hồ chủ tịch về nước công tác”. Trương Phát Khuê chấp thuận nên Hồ Chí Minh đã “đến Côn Minh với danh nghĩa là ủy viên Trung ương của hội Việt Cách, có trách nhiệm xem xét tình hình phân hội Việt Cách ở Vân Nam....” (17)  

Theo sử gia Trần Trọng Kim trong hồi ký Một Cơn Gió Bụi,  khoảng 1942, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đã ra lệnh giải tán Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của Hồ Học Lãm vì thấy trong đó có nhiều người hành động theo chủ nghĩa Cộng Sản. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc lúc đó cũng muốn người Việt Nam lưu vong họp thành một lực lượng duy nhất.
Ngày 1-10-1942 tại Liễu Châu, Hoàng Lương vốn thuộc lực lượng võ trang Phục Quốc Quân của Trần Trung Lập triệu tập một hội nghị thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Cách bao gồm các tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội vừa có lệnh giải tán, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội cùng một số người không đảng phái. Hội nghị lập ra một Ủy Ban Trừ Bị gồm Nguyễn Hải Thần, Hoàng Lương, Hồ Học Lãm, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trương Bội Công, Trương Trung Phụng, Trần Báo.
Ủy Ban Trừ Bị Việt Cách đã đề nghị Trương Phát Khuê trả tự do cho Hồ Chí Minh bị bắt ngày 29-2-1942, khi từ Pac Bó trở qua Quảng Tây. Hồ Chí Minh được trả tự do ngày 13-9-1943 tại Liễu Châu, tuyên thệ hết lòng trung thành với Việt Cách đồng thời trở thành một nhân viên tình báo của tướng Trương Phát Khuê.
Lúc này Ủy Ban Trừ Bị Việt Cách đã đổi thành Ủy Ban Chấp Hành với thành phần chính thức gồm Trương Bội Công, Trần Đình Xuyên, Nguyễn Hải Thần thuộc chủ tọa đoàn và các ủy viên Vũ Hồng Khanh, Bồ Xuân Luật, Trương Trung Phụng, Nông Kính Du và Trần Báo.

Vì Hoàng Lương có chuyện bất đồng với các giới chức Trung Hoa nên bị bắt đưa về Trùng Khánh và Trương Phát Khuê đề nghị Việt Cách nhận thêm Hồ Chí Minh vào nhóm ủy viên. Suốt thời gian hoạt động tại Hoa Nam sau đó, Hồ Chí Minh luôn nhận là đại biểu của Việt Minh tức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội trong tổ chức Việt Cách.
Trần Trọng Kim viết: “Khoảng tháng 9-1944, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội dời về Quảng Tây và cho Hồ Chí Minh về Bách Sắc để trù liệu kế hoạch nhập Việt. Sau đó Hội cho Hồ Chí Minh cùng 22 đảng viên phần nhiều là người trong đảng Phục Quốc về nước để khởi sự hành động. Trong số 22 người ấy có một nữ đảng viên tên Đỗ Thị Lạc là người về sau có đứa con gái với Hồ Chí Minh. Người ta nói khi về đến địa hạt Bắc Giang, có ba đảng viên  trong 22 người ấy bị giết vì không chịu theo cộng sản”. (18)
Cho tới tháng 6-1945, Hồ Chí Minh vừa nhân danh Việt Minh, Việt Cách vừa sử dụng giấy tờ chứng nhận của tướng Trương Phát Khuê trong mọi hoạt động để tuyên truyền lôi cuốn những phần tử còn e dè với Cộng Sản và bắt liên lạc với các toán hoạt động đặc biệt của Mỹ tại Hoa Nam.
Nhưng Hồ Chí Minh không đem lại thành quả tốt đẹp nào cho các tổ chức kia cũng như cho tướng Trương Phát Khuê trong khi Mặt Trận Việt Minh tiếp tục phát triển theo hướng gia tăng uy thế của Cộng Sản Việt Nam.
Những lời nói của Hồ Chí Minh trong thời gian này với người ngoài và với đồng chí phản ảnh rất cụ thể nhận định của Tưởng Vĩnh Kính về hướng nhắm chủ yếu của Hồ Chí Minh – Nỗi thao thức chính yếu của ông Hồ vào lúc đó không phải là vấn đề có thể sớm đạt được một nền độc lập hay không, mà chính là vấn đề "bản thân Việt Minh có thể đoạt thủ được chính quyền hay không...”
Suốt thời gian này với người ngoài, Hồ Chí Minh luôn che giấu nguồn gốc Cộng Sản, trong khi với nội bộ, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở phải củng cố và phát triển đảng.

Trong một đoạn nhật ký ghi lại những câu chuyện với Hồ Chí Minh vào khoảng tháng 2-1945, Charles Fenn, trung úy OSS Mỹ ghi: “Tôi đã nghe phong phanh người này là Cộng Sản và tôi hỏi về điều đó. Hồ nói rằng người Pháp gọi tất cả những người Việt Nam mong muốn độc lập đều là Cộng Sản…Giọng nói của ông rõ ràng, dứt khoát, gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ”.
Ngày 17-7-1945, Hồ Chí Minh nói với Thomas, thiếu tá Mỹ chỉ huy toán Deer vừa nhảy dù xuống Tân Trào: “Mặt Trận Việt Minh là tập hợp các đảng phái chính trị được tổ chức với mục đích duy nhất là đấu tranh cho tự do và độc lập”.
Với người như Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh không thể chối quanh nhưng cũng có cách nói: “Tôi là một người Cộng Sản, nhưng điều tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do cho nước Việt Nam. Tôi có một lời bảo đảm đặc biệt với ông rằng chủ nghĩa Cộng Sản sẽ chưa được thực hiện ở Việt Nam trong vòng 50 năm tới”.
Trương Phát Khuê nghe Hồ Chí Minh nói những lời này ngày 9-8-1944 và đã thâu nhận Hồ Chí Minh làm một nhân viên tình báo.
Trong thời gian đó, tháng 12-1944, khi gặp Võ Nguyên Giáp để quyết định thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên, Hồ Chí Minh đã thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên đơn vị này và dặn Võ Nguyên Giáp: “Nhớ bí mật: Ta ở Đông, địch tưởng ta ở Tây”. Lời dặn này không chỉ nhắm về mưu lược quân sự, bởi dưới quyền Võ Nguyên Giáp lúc đó chỉ là một trung đội nhỏ nhoi. Võ Nguyên Giáp từng biết rõ Hồ Chí Minh chỉ có 3 ngày vui lớn. “Đó là ngày Bác tìm thấy con đường giải phóng dân tộc khi đọc Luận Cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đó là ngày thành lập Đảng Cộng Sản Pháp năm 1920 mà Bác là một thành viên. Và ngày lịch sử mồng 3 tháng Hai năm 1930, ngày thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương”. (19)

Cho nên nghe lời dặn của Hồ Chí Minh, nhất là khi Hồ Chí Minh thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên gọi của đội vũ trang đầu tiên, Võ Nguyên Giáp đã nhớ ngay tới con đường phải đi và công việc phải làm của mình.
Đó là công việc kín đáo tuyên truyền cho con đường mà Hồ Chí Minh đã chọn. “Giữa lúc vàng thau lẫn lộn, giả thật khó phân, Bác đã nhanh chóng nhìn thấy ánh sáng của chân lý. Bác đã đến với chủ nghĩa Lênin. Bác đã thấy học thuyết Lênin chính là mặt trời đưa lại nguồn tươi vui. Bác đã thấy ngọn cờ Lênin là tượng trưng cho lòng tin và đuốc sáng của hy vọng”. (20)

Tháng 7-1945, Hồ Chí Minh lại nhắc Võ Nguyên Giáp: “Lúc nào cũng phải chú ý xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và các phần tử trung kiên”.
Võ Nguyên Giáp ghi lại không khí sôi sục nhiệt tình hưởng ứng của dân chúng đối với mọi lời hô hào đấu tranh yêu nước. “Phong trào tìm kiếm, chế tạo, mua sắm vũ khí rất sôi nổi. Những lò rèn ở nông thôn trở thành nơi sản xuất dáo mác, mã tấu cho các đội tự vệ, dân quân. Các em nhỏ đua nhau đi lượm nhặt sắt thép vụn. Người lớn đem tới góp những đồ dùng hàng ngày trong nhà như mâm thau, nồi đồng… cả những đồ thờ cúng như lư hương, đỉnh đồng để đúc thành vũ khí… Với thanh mã tấu, ngọn dáo dài trong tay, tinh thần khí phách thượng võ của dân tộc đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong anh tự vệ đứng bên trống canh tại trạm gác đầu làng. Các tổ chức tự vệ, du kích phát triển rất nhanh… Hầu hết các thôn xã, đường phố, nhà máy đều có lực lượng tự vệ”. (21)

Năng lực và nhiệt tình đó không hề được vận dụng vào mục tiêu phụng sự dân tộc mà được tính toán để trở thành công cụ riêng của Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Võ Nguyên Giáp cho biết: “Lực lượng tư vệ được sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng… nhưng hoàn toàn tự cấp và tự túc về sinh hoạt và trang bị, vũ khí… Đó là một công cụ chuyên chính đắc lực của chính quyền cách mạng để bảo vệ các cơ quan Đảng, Nhà Nước, Mặt Trận… giữ gìn trật tự, trị an, trấn áp bọn phản động… Đi đôi với công tác bảo vệ chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản động, các chiến sĩ tự vệ chiến đấu còn làm công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Mặt Trận, Nhà Nước…”
Khi các lực lượng tự vệ được biến thành Vệ Quốc Đoàn, “tất cả các đơn vị Vệ Quốc Đoàn đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua tổ chức của Đảng trong quân đội, thông qua các chi bộ và những cán bộ là đảng viên giữ những vai trò quan trọng”. (22)

Nhiệm vụ quan trọng của các lực lượng vũ trang đầu tiên hình thành do mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng chiêu bài giành độc lập đã được Võ Nguyên Giáp nêu rõ là trấn áp phản động tức là trấn áp những người yêu nước không chấp nhận Cộng Sản đang nấp dưới danh nghĩa Việt Minh.
Rõ ràng hơn là lời xác nhận của Hồ Chí Minh trong báo cáo chính trị trước Đại Hội Đảng về thành tích của Mặt Trận Việt Minh: “Từ năm 1941,… một số có tinh thần dân tộc đã tham gia những hoạt động tiến bộ của các tổ chức như Tổng Hội Sinh Viên, Hướng Đạo, Phong Trào Truyền Bá Quốc Ngữ hoặc các nhóm tiến bộ tập hợp quanh một số tờ báo tiến bộ như Tri Tân, Thanh Nghị, Thanh Niên… tổ chức một số hình thức sinh hoạt tập thể để qua đó giác ngộ lòng yêu nước… Tuy nhiên, những nhóm này vẫn chưa hình thành tổ chức và chưa tìm thấy hướng đi chính trị của mình. Thực hiện chủ trương mở rộng khối đoàn kết dân tộc của mình, Đảng Cộng Sản Đông Dương đã giúp những anh em trí thức tiến bộ thành lập Đảng Dân Chủ Việt Nam làm mau tan rã hàng ngũ bọn Đại Việt …” (23)

Mấy tiếng “bọn Đại Việt” trong bản báo cáo của Hồ Chí Minh ám chỉ các đảng Đại Việt Duy Dân, Đại Việt Dân Chính, Đại Việt Quốc Xã, Đại Việt Quốc Dân Đảng… trong tổ chức Đại Việt Quốc Gia Liên Minh phản ảnh rõ thái độ thù địch đối với những người khác chính kiến và Mặt Trận Việt Minh luôn chú trọng đánh phá các tổ chức quốc gia để phát triển Đảng Cộng Sản hơn là chung sức xây dựng một lực lượng dân tộc.
Với Mặt Trận Việt Minh, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản đã cướp được chính quyền vào tháng 8-1945 và động viên toàn dân hưởng ứng cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ sau đó. Những thành quả này được nhiều người coi như  thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập.
Trên thực tế, nền độc lập Việt Nam vẫn tiếp tục là chiếc bánh vẽ do tính chất lệ thuộc của Đảng Cộng Sản Đông Dương đối với Đệ Tam Quốc Tế. Thành công lớn nhất mà Mặt Trận Việt Minh mang lại chỉ là sự phát triển và củng cố quyền lực của Đảng Cộng Sản bằng cái giá mà dân tộc phải trả là xương máu của hàng triệu con dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sự tan rã của nhiều hội đoàn yêu nước do bị vu cáo, trấn áp, ám toán với kết quả hàng trăm ngàn chiến sĩ quốc gia bị sát hại man rợ đồng thời dân tộc bị phân rẽ thành những tập đoàn thù địch đẩy lui đất nước vào tình trạng thoái hóa, nghèo đói… 
Bernard Fall so sánh việc Hồ Chí Minh nhân danh Mặt Trận Việt Minh lập ra Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng để cướp chính quyền tại Việt Nam với việc Ủy Ban Quốc Gia Ba Lan do Mạc Tư Khoa điều khiển để cướp chính quyền tại Ba Lan năm 1944 và nhận định là có sự trùng hợp kỳ lạ tới mức gần như giống nhau về mọi chi tiết. (24) 

Thực ra, sự trùng hợp này hoàn toàn không kỳ lạ vì cả Ba Lan lẫn Việt Nam đều chỉ là những chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế và tình hình diễn tiến ở hai quốc gia lúc đó không hề khác biệt nếu được đặt vào bối cảnh chung của cuộc chiến ý thức hệ.
Sứ mạng lịch sử của Mặt Trận Việt Minh là đưa Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản tới vị thế nắm độc quyền lãnh đạo tại Việt Nam và tạo được một lực lượng trấn áp để thiết lập chế độ cai trị theo đúng kiểu mẫu Liên Xô, bất chấp nguyện vọng của mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam.
Nhìn chung, từ nguyên tắc chiến lược Cộng Sản tới hành động thực tiễn của Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam, Mặt Trận Việt Minh không tượng trưng cho một ý nghĩa nào khác tính chất công cụ của Đệ Tam Quốc Tế trong việc mở rộng ảnh hưởng tại Đông Dương. Qua Mặt Trận Việt Minh, Hồ Chí Minh là một cán bộ Cộng Sản xuất sắc nhưng không bao giờ có thể biến hình thành một người yêu nước.
Mặt Trận Việt Minh chính là cái bẫy khổng lồ tinh xảo do Cộng Sản dựng lên để qua đó cả dân tộc rơi vào vòng chi phối khai thác của Cộng Sản cho mục tiêu tranh thủ quyền chuyên chính vô sản. Đây cũng là trường hợp ra đời sau này của nhiều mặt trận khác trong số có Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.

CHÚ THÍCH
CHƯƠNG 47
____________________________________
(01) Theo Jean Lacouture thì nó ra đời trong một túp lều lá, với một cái bàn duy nhất. Hiện diện chỉ có mấy người thân tín của ông Hồ từ khi còn ở Hoa Nam như Phạm Văn Đồng,Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh và Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh.
(02) Danh nhân Hồ Chí Minh – Trần Đình Huỳnh, Nxb Văn Học, Hà Nội 2001, tr. 68-69 
(03) Việt Nam những sự kiện lịch sử – Dương Trung Quốc, Nxb Giáo Dục, Hà Nội 2001,  tr. 330
(04) Douglas Pike – Xin xem chương 22
(05)-(06)-(07) Indochine S.O.S – Andrée Viollis, Gallimard, Paris 1955,  tr.112 & 148
(08)  Vietnam, la tragédie Indochinoise – Louis Roubaud,  Paris 1931,  tr. 126
(09)  Hoa cành Nam – Nhượng Tống,  Khai Trí, Sài Gòn 1973,  tr.180
(10)  Trente ans de Tonkin – L. Bonnafant, Paris 1924,  tr. 214
(11) Lịch trình diễn tiến phong trào quốc gia Việt Nam – Nghiêm Xuân Hồng, Ngày Về, Cali.1973 tr.43-44
(12)-(14) Việt nam những sự kiện lịch sử, tr.196 & 330-331. Hội Nhi Đồng Cứu Vong được đổi thành Hội Nhi Đồng Cứu Quốc vào tháng 8-1945, Hội Thiếu Nhi Tháng Tám vào tháng 3-1951, Đội Thiếu Niên Tiền Phong vào tháng 1-1956, phát triển thêm Đội Nhi Đồng Tháng Tám vào tháng 3-1960 và từ 1970 tới nay biến thành Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi Đồng Hồ Chí Minh.
(13)-(19)-(20)-(21)-(22)  Những năm tháng không thể nào quên – Võ Nguyên Giáp, Nxb QĐND, Hà Nội 2001,  tr. 137, 9, 13, 77-78 & 80. 
(15)-(17) Giọt nước trong biển cả – Hoàng Văn Hoan.  Xin xem chương 35.
(16) Danh nhân Hồ Chí Minh – Trần Đình Huỳnh, Nxb Văn Học, Hà Nội 2001, tr. 65-67 
(18) Theo Trần Đình Huỳnh trong Danh Nhân Hồ Chí Minh thì ngày 9-8-1944, Hồ Chí Minh được tướng Trương Phát Khuê trả tự do và cho phép về nước cùng với 18 thanh niên do Hồ Chí Minh chọn lựa. Đối chiếu con số này với con số do Trần Trọng Kim ghi thì có thể các tài liệu của Đảng đã cố tình bỏ quên Đỗ Thị Lạc và 3 người bị giết.
(23) Việt nam những sự kiện lịch sử – Dương Trung Quốc,  tr.377
(24) Theo Bernard Fall, trong số 14 ủy viên của mặt trận, 11 người đã là đảng viên ĐDCSĐ.

http://suthathcm.blogspot.au/2006/09/chng-47-h-ch-minh-v-mt-trn-vit-minh.html

No comments:

Post a Comment