Monday 25 June 2012

Người cắm cờ ngày 30/4 ‘đột tử’

25/6/12
Bùi Quang Thận ngày 30/4/1975 (cầm cờ)
Ông Bùi Quang Thận (cầm cờ) tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
Báo trong nước cho hay Đại tá Bùi Quang Thận, người cắm lá cờ ở dinh Độc Lập đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa ngày 30/4/1975, vừa đột ngột qua đời.
Trưởng ban tang lễ được dẫn lời nói ông Thận “đột tử tại nhà riêng hồi 15h30” ngày Chủ nhật 24/6 ở tuổi 64.
Ông Hà Minh Thắng, phó bí thư Đảng ủy xã Thụy Xuân, tỉnh Thái Bình, nói với báo Tuổi Trẻ như trên.
Được biết lễ an táng và truy điệu sẽ diễn ra ngày 26/6 tại quê của vị đại tá ở xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Chưa rõ nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của ông.
Sinh năm 1948 ở Thái Bình, ông Thận tham gia bộ đội khi vừa bước sang tuổi 18.
Đúng 11h30 ngày 30/5/1975, ông Bùi Quang Thận, khi đó là Trung úy và là Đại đội trưởng, chỉ huy chiếc xe tăng thứ hai mang số hiệu 843 tiến vào Dinh Độc lập ở Sài Gòn.
Ông chạy bộ vào trong dinh Độc Lập, hạ lá cờ của Việt Nam Cộng hòa và thay bằng lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Giây phút 11h30 ấy trở thành cột mốc biểu tượng đánh dấu sự kết thúc chiến tranh và chuyển giao chế độ tại miền Nam Việt Nam.
Ông Thận rời quân ngũ với hàm đại tá, và trở về quê chăm sóc gia đình, chăn nuôi và trồng cấy, theo báo Tuổi Trẻ.
Tranh cãi về giây phút lịch sử
Theo tài liệu chính thức, có hai xe tăng, 843 (ông Bùi Quang Thận chỉ huy xe này) và 390 với tổng cộng tám bộ đội, tiếp cận cổng Dinh Độc Lập đầu tiên vào trưa ngày 30/4/1975.
Dường như không có tranh cãi về chi tiết này.
Nhưng một sự kiện khác cùng ngày, là lời đầu hàng mà Tổng thống cuối cùng của miền Nam, Dương Văn Minh, đã đọc thì gây tranh cãi về tác giả.
Hai ông, Trung tá Bùi Văn Tùng – Nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 và Đại úy Phạm Xuân Thệ – Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 66 thuộc Quân đoàn 2, cùng khẳng định chính họ đã viết lời đầu hàng này.
Mãi đến đầu năm 2006, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam mới công bố kết luận, rằng trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cùng những người lính trong trung đoàn 66 là những người đầu tiên soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng.
Kết luận này nói: “Văn bản đang được soạn thảo, thì Trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 xuất hiện.”
“Từ đó, bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh.”
“Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh,” theo kết luận.
Cũng theo kết luận này, ông Phạm Xuân Thệ đã cùng một số chiến sĩ đã bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ở phòng họp và đưa họ sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.
Kíp lính trên xe tăng 390 đã gửi thư phản đối bản kết luận.
Kết luận của giới chức quân sự trong nước cũng gây phản ứng cho ông Bùi Tín, vào ngày 30/4/1975 là Thượng tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông Bùi Tín, hiện sống tại Pháp sau khi ly khai khỏi Đảng Cộng sản, khẳng định ông là “cán bộ cao cấp duy nhất chứng kiến sự đầu hàng của nội các Dương Văn Minh” vào hôm 30/4.
Ông cho hay trong tài liệu chính thức của bộ Tổng tham mưu, các câu nói của ông ngày hôm ấy “ được đặt trong miệng Trung tá Bùi Văn Tùng”.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/06/120625_buiquangthan_obit.shtml

No comments:

Post a Comment