Saturday 25 August 2012

Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đồng hành cùng Dân Tộc

27-8-12

Huỳnh Ngọc Tuấn (Danlambao)Giáo hội Phật giáo VN Thống Nhất đang cùng với những tôn giáo bạn và nhân dân cả nước nhất là những nhà đấu tranh cho dân chủ kiến tạo nền tảng cho một xã hội dân sự cởi mở tại VN. Chính điều này mới thực sự khắc họa hình ảnh trung thực của giáo hội như là một nhân tố quyết định để hình thành một chế độ dân chủ, đa nguyên và pháp trị tại VN trong quá khứ trong hiện tại và nhất là trong tương lai...
*
Lịch sử dân tộc và đất nước Việt Nam trải qua những giai đoạn thăng trầm và đau khổ, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và đất nước nên cũng phải chung chia cái số phận thăng trầm và đau khổ đó.
Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam và phát triển trên đất nước này, Phật giáo đã trở thành một bộ phận gắn liền máu thịt với dân tộc và đất nước.
Dân tộc và đất nước lúc thịnh lúc suy, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc và đất nước nên cũng lúc suy lúc thịnh. Nhưng dù suy hay thịnh thì Phật giáo vẫn là một nhân tố hình thành nên văn hóa, đạo đức và truyền thống của nước Việt, có những đóng góp vô cùng to lớn và quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong thời kỳ hoàng kim của Phật giáo như thời Lý-Trần thì vai trò của Phật giáo thật nổi bật, Nổi bậc không phải đơn thuần vì Phật giáo là quốc giáo, các vị vua Lý-Trần là những Phật tử - thiền sư mà Phật giáo nổi bật vì đã trở thành tinh hoa của dân tộc, tư tưởng Phật giáo thấm đẫm trong máu huyết của cả dân tộc. Văn minh và học thuật Phật giáo trở thành động lực cho xã hội phát triển, Triết lý Phật giáo hoạch định cho hướng đi của dân tộc, và những thời kỳ sau đó tư tưởng và học thuật Phật giáo cũng ở địa vị cao quý trong xã hội. Những đóng góp của Phật giáo mãi mãi trường tồn và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà.
Chính vì công lao dựng nước và giữ nước nên Phật giáo Việt Nam được nhân dân trân quý tôn thờ, được coi là Tôn giáo có truyền thống yêu nước thương dân... Truyền thống yêu nước thương dân đó không hề mai một và được kế thừa cho đến ngày hôm nay và mãi mãi sau này.
Điều này một lần nữa được khẳng định trong Giải pháp 8 điểm mà Đức đệ Ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ đã trình bày: “Hộ dân, hộ Quốc, hộ Pháp là kim chỉ nam cho nếp sống và hành động của Phật tử”.**
Hay trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo VN thống nhất đã minh định:
“Công bố lý tưởng hòa bình của giáo lý Đức Phật, các Tông phái Phật giáo Bắc tông và Nam tông tại VN thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc, đó là lập trường thuần nhất của Giáo hội Phật giáo VN thống nhất” *
“Giáo hội Phật giáo VN thống nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc” *.
Giáo hội Phật giáo VN thống nhất ngày hôm nay là “đích tôn thừa trọng” của Phật giáo VN vì là giáo hội được truyền thừa từ hàng ngàn năm trước của chư Tổ mà vị Tăng thống đầu tiên của giáo hội là ngài Khuôn Việt, tức thiền sư Ngô Chân Lưu thời Tiền Lê.
Giáo hội Phật giáo VN thống nhất là người kế thừa danh chánh ngôn thuận của Phật giáo VN, sự kế thừa này không những là sự chính danh của giáo hội mà còn vì những đóng góp, những dấn thân cho dân tộc và đạo pháp bằng những mục tiêu và sách lược cụ thể của giáo hội.
Giáo hội Phật giáo VN thống nhất là linh hồn, là tinh hoa của Phật giáo VN được gìn giữ và kế thừa cho đến hôm nay là ngọn đuốc soi đường cho Phật tử VN và là chổ nương tựa và hội tụ của phật tử vì:
“Pháp lý của giáo hội là 2000 năm dựng văn mở đạo trên đất nước VN này, địa vị của giáo hội là 80% dân chúng, Cơ sở của Giáo hội là nông thôn, thành thị cao nguyên và hải đảo.” *

Chính ảnh hưởng to lớn này đã làm nên sức mạnh của Phật giáo VN và cũng chính sức mạnh này là hệ lụy của Giáo hội như một thứ định nghiệp khi có những vị lãnh đạo của giáo hội một thời bị chao đảo bởi thời cuộc nhiễu nhương, bị cám dỗ bởi quyền lực và danh vọng thế gian mà đã đi chệch hướng của Giáo hội, chệch hướng con đường tự giác – giác tha của Như Lai, làm ảnh hưởng đến sự trong sáng và uy nghiêm của Giáo hội và Tăng đoàn, làm hoen ố đến địa vị cao quý của Giáo hội. Hệ lụy tai hại đó còn đeo bám Giáo hội và dân tộc VN mãi đến bây giờ.
Nhưng cho dù có những vị lãnh đạo của Giáo hội bị chao đảo, chệch hướng vì tham sân ngã mạn thì Giáo hội Phật giáo VN thống nhất vẫn đồng hành cùng dân tộc, chưa bao giờ Giáo hội đi ngược lại quyền lợi quốc gia, dân tộc hoặc đứng bên lề thời cuộc để được an thân.
Chính vì nhìn thấy được tầm ảnh hưởng to lớn và địa vị cao quý của Phật giáo trong lòng dân tộc, uy tín và sức mạnh trong xã hội VN nên đảng CSVN đã coi giáo hội Phật giáo VN thống nhất như là một mối đe dọa tiềm tàng cho quyền lực và sự thống trị độc tôn của họ.
Thời kỳ những năm từ 1975 đến 1985 là thời kỳ “vàng son” của chủ nghĩa CS trên thế giới.
Sau sự sụp đổ của những nhà nước dân chủ trên bán đảo Đông dương, chủ nghĩa CS đã lan tràn nhanh chóng đến một vùng đất mà theo mọi người là “không đội trời chung” với CS, đó là các nước Hồi giáo ở Tây nam Á và Nam Á.
Năm 1980, Liên xô xâm chiếm A Phú Hản, thiết lập ở đây một nhà nước CS theo mô hình các nước Trung Á trong Liên bang Xô viết, chủ nghĩa CS tràn sang Yemen và vượt qua Hồng hải đến Đông Phi. Một loạt các nước châu Phi bị nhuộm đỏ như Angola, Mozambique, Ethiopia, Somalia. 
Chủ nghĩa CS còn được xuất cảng từ Cuba sang các nước Mỹ châu La tinh và Nam Mỹ.
Chính vì những thắng lợi “long trời, lở đất” đó, với khí thế hừng hực như “trúc chẻ, ngói tan” của chủ nghĩa CS trên thế giới mà đứng đầu là Liên xô, CSVN trở thành một tên lính xung kích hung hăng và cực đoan nhất, bất chấp nền kinh tế quốc gia đang ngoắc ngoải và tê liệt hoàn toàn, họ vẫn xua quân sang chiếm đóng xứ Chùa tháp theo kế hoạch của Liên xô.
Mặc cho người dân sống trong đói nghèo và tuyệt vọng, xã hội đã chết lâm sàng vì những vật dụng tối thiết yếu và nhỏ nhoi như xà phòng, kem đánh răng, giày dép, áo quần để che thân là những thứ đã trở thành khan hiếm và xa xỉ. Còn thuốc men để chữa bịnh là con số không, cả nước dùng Xuyên tâm liên như một thứ thuốc trị bá bịnh?!. Nhưng đảng CSVN với những người lãnh đạo như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng vẫn tiếp tục u mê trong cơn điên loạn. Họ không hề quan tâm đến quốc kế dân sinh, không thèm biết là họ đang đưa đất nước xuống hố thẳm, họ không tự nhận thức được VN vào thời điểm đó đang ở đâu, vị trí nào trong bản đồ thế giới và khu vực… trong khi đất nước VN hoàn toàn tê liệt trong “thiên đường XHCN” thì ở các nước bên cạnh như Thái Lan, Singapore, Mã Lai đang tiến hành công nghiệp hóa và đang đuổi theo bén gót các nước phát triển giàu có như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Đảng CSVN tự cô lập mình và cô lập cả dân tộc với thế giới. VN trở thành một ốc đảo của đói nghèo và lạc hậu. Họ không hề có ý định canh tân đất nước như đã rêu rao trong cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”.
Đảng CSVN dồn mọi nguồn lực vào việc củng cố chế độ. Nhưng củng cố chế độ không qua con đường phát triển đất nước và chấn hưng dân tộc, họ củng cố chế độ bằng cách triệt tiêu tất cả mọi tinh hoa của đất nước và dân tộc. VN những ngày sau 1975 nhà tù mọc lên như nấm sau cơn mưa để giam cầm, thủ tiêu, trừng phạt những người thuộc chế độ cũ. Khống chế và tiêu diệt những con người ưu tú của đất nước nếu nghi ngờ họ hoặc không nhận được sự phục tùng, hợp tác của họ.
Nhưng quan trọng nhất là đảng CSVN đã tấn công vào các tôn giáo - một hình thái xã hội dân sự duy nhất còn tồn tại độc lập với chế độ CS sau 1975.
Trong những tôn giáo lớn tại VN thì Giáo hội Phật Giáo VN Thống Nhất là tôn giáo mang bản sắc dân tộc sâu đậm nhất, có uy tín và ảnh hưởng to lớn nhất, có số lượng tăng sĩ và tín đồ đông đảo nhất và trong mắt của người CSVN là một mối đe dọa tiềm tàng nguy hiểm nhất?!.
Cho dù CSVN nóng lòng muốn xóa sổ Giáo hội PGVN Thống Nhất một cách nhanh chóng và triệt để nhưng họ biết rằng sẽ rất là mạo hiểm nếu làm như vậy vì “bức dây động rừng”. Họ đã rất thận trọng nhưng vô cùng quỷ quyệt.
Họ biết rằng giáo hội Phật giáo VN Thống Nhất như cây đại thụ, bóng của đại thụ bao trùm cả đất nước VN, rể của đại thụ ăn sâu vào nguồn mạch dân tộc VN nên họ đã lộng giả thành chân tiến hành cái gọi là “thống nhất” Giáo hội Phật giáo năm 1981, bèn cách cho dựng lên một “Giáo hội” mới có tên gọi là Giáo hội Phật giáo VN, một tổ chức bù nhìn của đảng CSVN, là một thành viên trong mặt trận Tổ quốc VN, cánh tay nối dài của đảng CSVN.
Theo như tiết lộ của ông Đỗ Trung Hiếu (một kiến trúc sư của Giáo hội này) thì: “Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài là do các Hòa thượng gánh vác nhưng bên trong bàn tay của đảng CSVN xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến tướng Phật giáo VN trở thành tổ chức bù nhìn của đảng”*. Ông Hiếu còn cho biết Ban Dân vận trung ương chỉ thị khống chế Phật giáo như sau: “ Nội dung đề án (thống nhất) là biến hoàn toàn Phật giáo VN thành một Hội đoàn quần chúng, còn thấp hơn Hội đoàn vì chỉ có Tăng-Ni, không có Phật tử. chỉ có tổ chức bên trên không có tổ chức bên dưới tên gọi là Giáo hội Phật giáo VN” *.
Sau cái gọi là thống nhất các hệ phái Phật giáo đó và sau khi một giáo hội nhà nước ra đời, CSVN đã đặt Giáo hội Phật giáo VN Thống Nhất ngoài vòng pháp luật, không công nhận tính chính thống và pháp lý của Giáo hội PGVN thống nhất và đàn áp thẳng tay bất cứ một sinh hoạt nào của Giáo hội thống nhất, bỏ tù và thủ tiêu những vị cao tăng không chịu hợp tác với đảng CS.
Hòa thượng đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ bị lưu đày và đã trở thành những tù nhân Tôn giáo nổi tiếng trên thế giới.
Nhưng CSVN tạm thời chỉ tiêu diệt được cái cái hình thức bên ngoài của Giáo hội PG Thống Nhất chứ không thể tiêu diệt được linh hồn của Giáo hội. Linh hồn của Giáo hội PGVN Thống Nhất là giáo lý giác ngộ của đức Bổn sư.
Ngày nào giáo lý giác ngộ của đức Bổn sư Thích Ca còn hiện hữu còn được tín ngưỡng thờ phụng thì Giáo hội PGVN Thống Nhất còn tồn tại. Giáo hội chính là thế tử của đức Bổn sư, điều này không thể dùng cường quyền mà áp đặt được cũng không thể dựng lên một giáo hội khác để thay thế được.
Sau 1985 chủ nghĩa CS trên toàn thế giới đi vào khủng hoảng nghiêm trọng, nó đã bộc lộ hết những khuyết tật của một mô hình xã hội quái gở và một ý thức hệ phản dân chủ, phản khoa học và chống nhân loại. Đến những năm cuối cùng thập niên 80 hệ thống CS đã bắt đầu tan rã từ Mỹ La tinh sang Đông Phi đến Nam Á và Đông Nam Á, tại Đông Nam Á các đảng CS thay nhau sụp đổ, các lực lượng vũ trang CS thay nhau giải thể, hạ vũ khí đầu hàng như ở Thái Lan, Mã Lai.
Bước sang thập niên 90 của thế kỷ 20 các nước Đông Âu đã hoàn thành cuộc cách mạng nhung, chủ nghĩa CS bị vứt bỏ vào sọt rác lịch sử, tại quê hương của chủ nghĩa CS là Liên Xô cũng bắt đầu đi vào cải cách và đổi mới và sau đó là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.
CSVN bị khủng hoảng nặng nề về kinh tế lẫn chính trị, đảng CS mất tư tưởng chỉ đạo. Để tồn tại họ quay sang thần phục Trung cộng để tìm chỗ dựa cho đảng và cho một khối đảng viên đang mất phương hướng. Họ du nhập chủ nghĩa tư bản rừng rú và chủ nghĩa thực dụng của Đặng Tiểu Bình từ TC về thay thế cho chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã lỗi thời và không còn thuyết phục.
Từ đó CSVN bị cuốn vào quỹ đạo của TC, bị chi phối từ kinh tế đến chính trị, ngoại giao và tư tưởng. Sự độc lập của đất nước đã bị đe dọa bởi sự câu kết của tham vọng Bá quyền phương Bắc và bọn Việt gian bán nước.
Thế giới bước sang thế kỷ 21 với sự bùng nỗ về công nghệ thông tin và học thuyết toàn cầu hóa đã đẩy CSVN vào sân chơi của khu vực và quốc tế về kinh tế, nhưng CSVN vẫn khăng khăng cố bám víu vào chế độ độc tài đảng trị hòng tiếp tục duy trì đặc quyền đặc lợi và quyền lực độc tôn. Nhưng với một thế giới mở về thông tin và hội nhập kinh tế thì không phải CSVN muốn làm gì thì làm như thời còn Liên xô của thập niên 70-80s.
Quyền lực của đảng CS tuy không được chia xẻ nhưng cũng đã bị giới hạn khá nhiều vì xu thế Dân chủ hóa toàn cầu, Dân chủ là hướng đi và sự lựa chọn tất yếu của nhân loại trong thời đại ngày nay.
Thời cuộc đã chín muồi, “tháng 10 năm 2003, Đại hội bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định đã khai mở cơ duyên. Giáo hội Phật giáo VN thống nhất tập họp đầy đủ Hội đồng Lưỡng viện. Sau đó Ban đại diện các tỉnh, thành, quận huyện dần dà tái lập” *
Vẫn tiếp tục truyền thống như 2000 năm qua, giáo hội Phật giáo VN thống nhất lấy mục đích phục vụ nhân loại và dân tộc bằng cách hoằng dương chánh pháp, thực hiện lý tưởng “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.
Và Giáo hội cũng minh định lập trường của minh cho nhân dân VN và thế giới biết rằng: “Giáo hội PGVN thống nhất chỉ hoạt động thuần túy tôn giáo đem giáo lý giải thoát, giác ngộ đến cho chúng sinh. Chư Tăng không bao giờ đảm nhận chức vụ gì của thế gian, nên giáo hội PGVN thống nhất là Giáo hội thuần túy” *
Lập trường trong sáng này được chư Tăng ni gìn giữ một cách nghiêm khắc và được các vị học giả các nhà Ngoại giao và chính khách của nhiều nước trên thế giới hoan hỉ đón nhận, Các quốc gia dân chủ trên thế giới đã gởi nhiều phái đoàn đến diện kiến chư tôn đức trong Hội đồng Lưỡng viện để tìm hiểu và chia xẻ với quý Ngài về mục tiêu duy trì nền hòa bình thế giới và mưu tìm một nền Dân chủ và công lý đích thực cho VN.
Với nhà cầm quyền CS thì giáo hội PGVN thống nhất là một thách thức cho chế độ độc tài của họ nên họ tìm mọi cách để trấn áp, sách nhiễu, cô lập.
Nếu nói về những khó khăn, nguy hiểm và gian lao bức bách mà giáo hội PGVN thống nhất đã trải qua từ khi phục hoạt đến nay thì quá nhiều, trong phạm vi bài viết này không thể nào đề cập hết được.
Nhưng như núi Thái sơn, mặc cho phong ba bão táp Giáo hội vẫn kiên định lập trường và lý tưởng phục vụ Đạo pháp và dân tộc. Đem giáo lý từ bi của Đức Phật phổ độ chúng sinh, đồng hành cùng dân tộc trước hiểm họa Bắc thuộc, đau cùng nỗi đau của nhân dân trước mối quốc nhục độc tài tham nhũng và lạc hậu, xót xa trước sự băng hoại xã hội, sự suy đồi đạo đức, nhân tâm ly tán và chủ nghĩa hưởng thụ đang tàn phá thế hệ trẻ của chúng ta.
Một lần nữa Giáo hội lại khẳng định luôn gắn liền vận mệnh của mình cùng vận mệnh dân tộc và đất nước khi chủ trương: muốn giải trừ Pháp nạn trước hết phải giải trừ Quốc nạn. Điều này được minh định qua lập trường của Giáo hội về những vấn đề lớn của quốc gia như Hoàng sa- Trường sa, về biên giới lãnh thổ, về vụ khai thác Bô xít tại Tây nguyên và nguy cơ của “đội quân thứ 5” đang hiện diện tại VN từ nam chí bắc… 
Trong tình thế bị bao vây kiềm tỏa Giáo hội cũng đã làm được nhiều việc đầy ấn tượng trong công tác từ thiện - xã hội của mình như tổ chức những cuộc cứu trợ bão lụt khắp cả nước mỗi khi có thiên tai, tổ chức thường xuyên những đợt phát quà cho những người thiếu may mắn và thua thiệt trong một xã hội cạnh tranh bất bình đẳng và vô tình… Người dân trong nước và thế giới nhiều lần được mục kiến và rất quen thuộc với Hòa thượng Thích Không Tánh người đại diện cho Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội PGVN Thống Nhất trong những chuyến công tác từ thiện này.
Giáo hội Phật giáo VN Thống Nhất đang cùng với những tôn giáo bạn và nhân dân cả nước nhất là những nhà đấu tranh cho dân chủ kiến tạo nền tảng cho một xã hội dân sự cởi mở tại VN. Chính điều này mới thực sự khắc họa hình ảnh trung thực của giáo hội như là một nhân tố quyết định để hình thành một chế độ dân chủ, đa nguyên và pháp trị tại VN trong quá khứ trong hiện tại và nhất là trong tương lai.
Hiện tại hơn bao giờ hết, đất nước VN, con người và xã hội VN đang cần một giáo hội chân truyền và trong sáng để dẫn dắt, để xoa dịu những đau thương mất mát và nhất là để hóa giải những hận thù đã chất cao hơn núi tại VN. Đó là sứ mệnh của Giáo hội PGVN Thống Nhất, và chỉ có Giáo hội PGVN Thống Nhất mới đủ tư cách và phẩm giá để làm việc đó.
Thế giới ngày hôm nay đang chuyển dịch theo một chiều hướng nguy hiểm, nhất là quan hệ Mỹ -Trung đang tiềm tàng những mâu thuẫn không có cơ may hóa giải vì tham vọng điên cuồng bởi sự kết hợp hai luồng tư tưởng cực đoan nguy hiểm hai chủ nghĩa hiếu chiến và tham tàn đó là chủ nghĩa CS và tư tưởng Đại Hán. Chúng ta không thể thay đổi được thực tế này, đây là kết quả tai hại của sự tôn thờ vật chất và danh vọng.
TC ngày hôm nay đã trở thành hiểm họa của Mỹ, Nhật và cả thế giới, người Mỹ đã thức tỉnh, người Nhật đã hoảng sợ. Trong cuốn bạch thư quốc phòng mà nước Nhật mới cho công bố ngày 30/07/2012, họ đã đánh động với thế giới về mối đe dọa này. Còn người Mỹ thì đang ráo riết chuẩn bị đối phó với sức mạnh kinh hồn của TC bằng sự chuyễn hướng chiến lược từ Âu sang Á. Trong kế hoạch chuyễn hướng chiến lược 60% vũ khí tối tân nhất sẽ được triển khai ở khu vực Đông Á này.
Thời gian gần đây chúng ta bắt đầu chứng kiến những mâu thuẫn và sự mất niềm tin đang được công khai (hoặc không thể che giấu) giữa hai siêu cường này, TC đã dùng những ngôn ngữ nặng nề bất chấp sự tế nhị ngoại giao khi yêu cầu nước Mỹ phải “câm mồm” không được can thiệp vào biển Đông mà họ cho là chuyện “nội bộ” của họ.
Nhưng biển Đông chỉ là phần nổi trong tảng băng, cái phần chìm mới thực sự là quan trọng, đó là sự mâu thuẫn chiến lược giữa hai siêu cường này.
Đứng trước một viễn cảnh của thế giới và khu vực như vậy chúng ta và cả những người CS cũng thấy rằng chế độ CS này không hề có tương lai.
Đông Á đang đứng trước một trận cuồng phong và một trật tự thế giới mới sắp hình thành, chế độ CSVN sẽ bị quét sạch sau trận cuồng phong này vì chế độ này không phù hợp với xu thế thời đại và trật tự thế giới mới.
Tại VN một nhà nước Dân chủ -Pháp trị sẽ hình thành là một tất yếu, nhưng không phải như vậy mà khó khăn sẽ chấm dứt và dân tộc VN sẽ dễ dàng hưởng được dân chủ, tự do và thái bình thịnh trị vì nguy cơ một chế độ độc tài mới sẽ manh nha trong đó có nguy cơ những người CS cũ và thế lực hậu thuẫn họ sẽ trỗi dậy để một lần nữa đưa đất nước đến thảm họa (nước Nga hiện nay là một bài học nhãn tiền). Để đối trị với nguy cơ này vai trò của Giáo hội PGVN Thống Nhất và những tôn giáo bạn như Phật giáo Hòa Hảo, Công Giáo, Cao Đài và Tin Lành sẽ cùng nhau tạo nên một nền tảng để một chế độ Dân chủ và Pháp trị xây dựng trên đó, đây là cách tốt nhất để chế độ Dân chủ hình thành và phát triển tốt đẹp và là cách tối ưu để bảo vệ nó không cho những thế lực hắc ám trỗi dậy giết chết hoặc chuyễn hướng và tha hóa. Vì một lẽ dễ hiểu là trong một xã hội Dân chủ cởi mở mọi người, mọi xu xướng chính trị đều bình đẳng và có cơ hội như nhau nên cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác sẽ tồn tại bên nhau, cạnh tranh với nhau. 
Lúc này vai trò lãnh đạo và dẫn dắt về mặt tinh thần cho người dân của Giáo hội PGVN Thống Nhất sẽ mang tính quyết định cho sự bền vững của một xã hội tốt đẹp, đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ nọc độc của chế độ CS. Hơn nữa, đất nước VN đã trải qua một thời gian quá dài trong chế độ CS, những tàn dư của một xã hội ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm và thực dụng phải được chữa trị bằng giáo lý từ bi hỷ xả, vị tha, nhân ái và bao dung của nhà Phật và những giá trị cao quý của các tôn giáo khác.
Tương lai của đất nước này rất cần sự dẫn dắt của Giáo hội PGVN Thống Nhất. Và chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin của mình nơi Giáo hội vì Giáo hội PGVN Thống Nhất luôn đồng hành cùng dân tộc.
Tam kỳ ngày 28/06 âm lịch Nhâm thìn

________________________________________
Ghi chú:
* những dòng có dấu * là trích từ bài viết “Giáo hội PGVN thống nhất và Giáo hội PGVN khác nhau ở chổ nào” của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Viên Định.
** những dòng này trích trong Sách lược 8 điểm của Giáo hội PGVN thống nhất của Đức đệ Ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ

No comments:

Post a Comment