Friday 24 August 2012

TỪ "CHIÊU BÀI" LUẬT BIỂN VN ĐẾN QUỸ ĐẠO MỸ

KÝ ỨC HUỲNH VĂN LANG VỚI BÁCH KHOA: SỰ NGHIỆP VĂN HÓA CÒN MÃI CỦA VNCH
TỪ "CHIÊU BÀI" LUẬT BIỂN VN ĐẾN QUỸ ĐẠO MỸ

Hà Nhân Văn


COI CHỪNG: CANH BẠC BỊP BIỂN ĐÔNG!

Hơn 60 năm qua, dân Việt đã bị đảng CSVN lừa nhiều lần. Đảng lừa đảng viên, lừa cả quân đội. Sau chuyến công tác VN của Leon Panetta và Hillary đầy lạc quan, Hoa Kỳ lại hân hoan lao tới. Người Việt hải ngoại, nhất là ở Mỹ, Canada và Úc xin hãy đề cao cảnh giác: "Xem vậy mà không hẳn vậy!" Cho nên, "Chớ thấy đỏ đã tưởng là chín!" Sưu tầm tài liệu báo chí ở ngoài nước Mỹ, Hà Nhân Văn tôi không khỏi nghi ngờ: "Chủ quyền Biển Đông" có thể lại là canh bạc bịp! Mỹ cần VN như Leon Panetta đã công khai bộc lộ. VN rất cần Mỹ "để mua khí giới" như NTD đã nói với Panetta. Không chỉ đơn giản như thế. VNCS cần đảng CSVN tồn tại, phát triển vững bền nấp dưới chiêu bài "chủ quyền Biển Đông"! Tin sao nổi! Có thể là như thế. Cả nước VN trong và ngoài hoan hô Luật Biển VN! Nức lòng ủng hộ. Nhưng mặt trái của vấn đề: phe đầy tớ Đại Hán sẽ dùng làm chiêu bài, chơi canh bạc "chủ quyền Biển Đông" để dụ Mỹ, đánh lừa công luận Mỹ! Nguyễn Chí Vịnh đã qua Mỹ cùng phái đoàn công tác 10 ngày! Xin đề cao cảnh giác! Kêu gọi Vịnh: Hãy tỉnh thức, thực lòng với Luật Biển!

Lãnh đạo ĐCSVN hiện đang xoay như xoay váy giữ "16 chữ vàng, 4 tốt", kiên định 2 nước 2 đảng là một. Nguyễn Chí Vịnh là con của Đại Hán. Cứ như đà này, một ngày không còn xa, Vịnh sẽ thay Phùng Quang Thanh. Cái ghế TBT của Trọng đang được xoáy vít cho chặt để chống ai trước hết? Thưa, chống lại cao trào dân tộc đang nổi dậy trong lòng đảng CSVN và QĐND, chưa nói đến giới đảng viên lão thành, trí thức và bọn trẻ trong đảng. Cục An Ninh Chính Trị bây giờ chống ai? Chống nội loạn trong đảng là trọng tâm số 1! Chống thành phần yêu nước cứu nước và quan trọng hơn cả là chống cao trào "chống TQ bá quyền Đại Hán". Đảng vẫn lấy "16 chữ vàng, 4 tốt" làm chuẩn định. Thế thì tại sao lại ban hành đạo Luật Biển tràn đầy tình tự dân tộc và khí thế như vậy? Có cả lá phiếu của TBT Trọng nữa! Trương Tấn Sang (TTS) chắc là thật lòng. Còn nhiều TTS khác, kể cả NTD. Nhưng với các ông này, sự tồn tại và lãnh đạo của đảng CS trước sau vẫn là tiên quyết. Cứ nhất trí ban hành Luật Biển đã, còn TQ ta sẽ thì thầm to nhỏ sau với ông Ba! Đảng phải là số một! Đã "tẩy xất" mà vẫn cứ tố! Thời đã biến! Thời biến! Đã hết thời CS cờ gian bạc bịp!

KHÔNG THỂ ĐỂ LỠ CƠ HỘI 2012

Theo tin HNV nhận được, TT Obama sẽ thăm VN vào tháng 11 tới. Lại một tin khác cho hay ông sẽ đặc biệt thăm VN vào tháng 9 này sau ngày 2-9 xem VNCS có tỏ thiện chí về nhân quyền không, như phóng thích các tù nhân chính trị mà TT Thein Sein, Miến Điện, đã làm. Năm 2012 là cơ hội vàng cho một VN đổi mới lần nữa, thật sự đổi mới từ kinh tế đến chính trị, không thể chỉ đổi mới một kinh tế, chuyện ấy đã lỗi thời!

Ta đã mất cơ hội mở cửa thông thương với Hoa Kỳ năm 1863 như HNV đã trình bày trên mục này. Mỹ tìm đến ta, đầy tha thiết. Chẳng hạn như tại Paris năm 1863, cách nay đã 149 năm. Phái bộ Đại Nam do Sứ thần Phan Thanh Giản qua Pháp điều đình xin vua Nã Phá Luân III (Napoléon) cho Đại Nam chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ mà Pháp đã chiếm. Sứ bộ VN lên đến 63 người. Chánh, Phó sứ và Bồi sứ đều là các bậc đại khoa (tiến sĩ). Họ Phan là Lễ Bộ Thượng thư, có 2 võ tướng tùy viên, 4 võ quan phó tùy viên, một đoàn 4 văn nhân bộ Lễ tháp tùng (thuộc Quốc sử quán) để ghi chép nhật ký sứ trình. Lm. Nguyễn Hoằng được vua Tự Đức cho vời vào điện triều kiến nghe vua dặn dò, vua cho làm Chánh thông ngôn, ban cho hàng ngũ phẩm, tương đương quan Tri huyện, Hàn lâm trước tác. Thầy Phó Tế Trường làm Phó thông ngôn (bất hạnh Phó Tế (Thầy Sáu) Trường chết bệnh ở Alen, bán đảo Ả Rập). Tuy là linh mục, cha Hoằng phải mặc phẩm phục triều đình, tay cầm hốt, đội mũ vuông, quan ngũ phẩm. Triều đình Pháp đón tiếp sứ bộ Đại Nam long trọng khác thường. Ngày 21-10-1863, bộ Ngoại giao Pháp mở cuộc tiếp tân sứ bộ Đại Nam ở đại sảnh của bộ. Đại sứ Hoa Kỳ đến dự tiệc và đàm đạo với Chánh, Phó sứ Đại Nam. Còn một số đại sứ khác như Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi... không rõ lý do, sứ thần Trung Hoa ở Paris không đến dự (vào lúc bây giờ Nhật Bản mới canh tân nên chưa có sứ bộ ở Pháp). Hôm sau các báo Paris tường thuật lại, có nhắc đến đại sứ Mỹ đàm đạo cùng sứ bộ Đại Nam với sự cảm kích. Các nhật báo như tờ Le Monsieur, Le Pays, La Patrie, L'Union dành nhiều mỹ cảm đối với sứ bộ Đại Nam. Triều đình Pháp và dân Paris tỏ vẻ rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng: Phẩm phục, mũ áo của sứ bộ VN hoàn toàn khác Tàu từ văn quan đến võ quan. Sứ bộ Đại Nam đi 4 xe song mã, như một cuộc diễn hành giữa trung tâm Paris đến điện Hoàng đế Pháp ở Tuileries. Xe Chánh sứ cắm cờ nước Đại Nam cùng với cờ Pháp. Lại có đội kỵ mã danh dự dẫn đường. Cờ Đại Nam nền vàng một vạch đỏ ở giữa cũng gọi là cờ Long Tinh (vạch đỏ là dương, vạch đầu của quẻ Càn, tượng (image) rồng - tiềm long tại điền). Báo chí Paris và cả triều đình Pháp rất ngạc nhiên, nước Đại Thanh (Tàu) không có quốc kỳ và quốc hiệu như Đại Nam, chỉ gọi là nhà Đại Thanh tức dân tộc Mãn thống trị Trung Hoa (1644-1912).

Hẳn là đại sứ Mỹ xem báo và gặp sứ bộ Đại Nam đã biết điều đó. Rất tiếc đây là cơ hội thuận lợi nhất để sứ bộ VN có thể bắc nhịp cầu giao hữu với Hoa Kỳ mà đại sứ Hoa Kỳ đã tìm đến gặp sứ bộ VN, hơn một lần, ở nơi sứ bộ VN cư ngụ, khách sạn hạng sang nhất Paris, số 17 đường Lord Byron, gần Champs Élysées. Nếu giao lưu được với Hoa Kỳ vào thời bấy giờ, ít nhất VN có thể tạo được thế cân bằng nào đó giữa Pháp và Mỹ như Thái Lan (viết theo "Nhật ký phái bộ", BAVH, 1919 trong Cao Thế Dung, VN Công giáo sử - Tân biên, Q. IV, Dân Chúa xuất bản, tr. 2371-2380).

Kỳ vọng rằng, VN sẽ không để mất đi cơ hội vàng "Á châu - TBD" đầu thế kỷ này. CĐVN Hải Ngoại phải là một phần chủ lực tác động trong đó dân chủ, tự do, nhân quyền là cơ bản, một điều kiện tất yếu.

VIỆT NAM BÊN LỀ PHÁ SẢN

Bắc Kinh đã hành động đúng lúc vào thời VN đang bên lề phá sản, Hoa Kỳ đang sôi nổi trong mùa tranh cử: TC mở đầu cuộc xâm lược biển VN một cách thô bạo, trắng trợn với hạm đội tàu cá 30 chiếc bọc sắt rong ruổi theo đội ngũ tiến vào hải phận VN. Tàu ngư chính 310 hộ tống. Không kiêng nể gì cả! Tân Hoa xã, Nhân Dân nhật báo, China Daily, The Global Times khua chiêng gióng trống làm như thể chào mừng quân đoàn giải phóng, tiến vào lãnh hải TQ, minh định chủ quyền "không thể tranh cãi" của TQ! Xây nhà tù ở Hoàng Sa để nhốt tù "nước ngoài", điều này mới là nhục mạ VN! Đâu còn quốc thể VN! Một thách đố quá thô bỉ! Biến cố đau lòng này (đối với VN) diễn ra vào dịp Bắc Kinh tưng bừng liên hoan chào mừng Hội nghị thượng đỉnh Phi châu - TQ với 50 nguyên thủ Phi châu. Bắc Kinh mở hầu bao tăng gấp đôi số tín dụng cho Châu Phi lên đến 20 tỷ USD (THX, 17-7-2012).

Khi VN ban hành Luật Biển, theo tin riêng từ Đài Bắc cho biết, Bắc Kinh coi như Hà Nội đã thách thức TQ, theo Mỹ, dựa vào Mỹ "làm mất mặt Bắc Kinh". Do vậy, Bắc Kinh hành động ngay cũng là một thông điệp gửi Phi Luật Tân và gián tiếp thách đố Mỹ "đừng đi xa hơn, VN đang trong tay TQ". Tình báo TQ nằm ngay trong thượng tầng lãnh đạo CSVN nên hiện tình VN như chuyện nhà của TQ. Bắc Kinh biết tường tận nội tình ĐCSVN và tình hình kinh tế, thương trường VN có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Bây giờ thì đang bên lề phá sản. Cũng tin từ Đài Bắc cho biết: hệ thống ngân hàng VN đang cheo leo chờ giờ phá sản toàn bộ. Thị trường chứng khoán VN hiện nay là dưới âm, - 0. Trong vòng 6 tháng vừa qua, 18,000 xí nghiệp cỡ "vừa" vỡ nợ, khoảng 85,000 tiểu xí nghiệp âm thầm đóng cửa. Cũng trong 6 tháng 2012, tổng cục thuế vụ chỉ thu được khoảng 45-47% so với cùng thời năm 2011. Báo VN Net cho biết nhiều đại gia địa ốc bỏ nghề quay qua chăn nuôi và mở chợ bán lẻ (VN Net, 18-7-2012).

Hơn 20 năm qua, VN dựa vào kiều hối. Đây là mạch sống chính của nhà nước và xã hội, nhất là ở cả 2 miền Trung và Nam. Năm 2001, số kiều hối vọt lên 1.1 tỷ đô la một năm rồi cứ tăng dần đến con "chóng mặt": 9 tỷ USD năm 2011, riêng Sàigòn chiếm quá nửa. Năm 2012 giảm hẳn, 6 tháng đầu năm số kiều hối gửi về VN chỉ bằng 23% cùng thời gian năm 2011, giảm khoảng 500 triệu đô.

ĐI VÀO QUỸ ĐẠO MỸ

Có thể nói cả khối ĐNA - ASEAN đã tự nguyện nằm trong quỹ đạo Mỹ. Hội nghị Thượng đỉnh Ngoại giao ASEAN vừa qua do Cao Miên nuốt 100 triệu USD của Bắc Kinh phản phé, chặn không cho ra bản thông cáo chung và văn kiện ứng xử COC. Hoa Kỳ có khoanh tay để cho TC phá ASEAN không? Thưa không. Tuần qua (19-7) ASEAN lật ngược thế cờ do Nam Dương đứng ra điều giải. Cuối cùng, ít nhất Cao Miên đã phải thỏa hiệp với tư cách Chủ tịch ASEAN: bản dự thảo thông cáo chung và bản ứng xử COC với 3 điều sẽ được thông qua vào tuần này. Bản ứng xử COC đặt Luật Biển của LHQ 1982 UNCOS làm căn bản nền tảng để ASEAN và TQ cùng tuân theo. Điều 3, nếu không giải quyết được tranh chấp thì đôi bên kéo nhau ra tòa án quốc tế phân xử. Chắc là Bắc Kinh lại phản bác. Thử hỏi rằng nếu không có Mỹ đứng sau, liệu Cao Miên có chịu thỏa hiệp với VN và Phi không? ASEAN vốn là một tổ chức lỏng lẻo, đồng minh mưa gió tùy thời, Mỹ gọi là "weather friend". Đã nhiều năm qua bị TC thao túng, xé lẻ do chiến thuật cố hữu "phóng tài hóa thu nhân tâm". Nhưng nay đã khác. Tân Gia Ba đã mở rộng hải cảng đón hạm đội Mỹ, Miến Điện đã rời vòng tay TC. Phi, Nam Dương, Brunei, Thái phải đi với Mỹ như một thế tất yếu sinh tồn lại thêm Ấn Độ và Úc châu. Sau cuộc bại trận 1945, Nhật Bản nằm hẳn trong quỹ đạo Mỹ cho đến nay. Nếu Nam Hàn không được Mỹ cưu mang che chở thì liệu có thể chống lại được Bắc Hàn và TQ không? Cái thế phải như thế, nói như danh nhân Ngô Thời Nhiệm "gặp thời thế, thế thời phải thế".

Qua hội nghị ASEAN vừa qua, VN đã thất bại không còn nắm được Hun Sen, Miên đã lọt vào vòng tay Bắc Kinh. Tin từ Vọng Các 19-7 vừa qua, Lào đang tính chuyện xét lại Hiệp ước Việt Lào ký ngày 18-7-1977 cách nay đã 25 năm cho phép VN giữ lại ở Lào 70,000 quân và các cố vấn trong QĐND Lào. Ai xúi dục Lào? Không ai khác hơn là Bắc Kinh.

Bắc Kinh bao vây VN. Tỉnh Hải Nam mới phóng tin sẽ làm chủ Biển Đông với hạm đội 22,000 tàu cá của tỉnh đảo với 225,000 ngư vân, sẽ võ trang cho 110,000 người và 5,000 tàu cá lớn, dàn trải khắp vùng biển Trường Sa đến tận hải phận Bà Rịa - Vũng Tàu. TC tiếp tục bám chặt VN, khống chế và lũng đoạn kinh tế. Đầu não Hà Nội vẫn nằm trong tay Bắc Kinh: Thành ủy và UBND Hà Nội qua tên đầy tớ Đại Hán Nguyễn Thế Thảo là bằng chứng. Thành ủy và Thảo kiên quyết dẹp biểu tình chống TQ mà y gọi là để giữ "trật tự xã hội".

Dù vậy, dù TBT Trọng và phe đầy tớ Đại Hán còn rất mạnh, xu thế thời đại đã chuyển, Bắc Kinh cũng không cưỡng lại nổi. Kinh tế Tư bản nhà nước đã sụp. VN chỉ còn một đường đi vào quỹ đạo Âu Mỹ như một thế tất yếu trong thời đại hôm nay. Cộng đồng VN hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ, Canada và Úc là sức đẩy. Dù nếu không thích hay miễn cưỡng, VN cũng phải chấp nhận nương vào vòng tay Âu Mỹ Úc để làm thế tựa sinh tồn, không thì sẽ mất nước. Không còn lựa chọn!

NHÀ VĂN HUỲNH VĂN LANG VỚI BÁCH KHOA: MỘT SỰ KIỆN LỚN

Văn học hải ngoại lại mới thêm một công trình lớn, thật tâm đắc và sống động: Ký ức Huỳnh Văn Lang tập II, (tập I xuất bản 2011) mới vừa ra mắt đồng bào ở Nam Cali và San Jose. Đây cũng là một chứng từ văn hóa và lịch sử một thời qua một đời người đã sống trải dài gần một thế kỷ. Nhà văn Huỳnh Văn Lang cũng là đại biểu, tiêu biểu của một sự nghiệp văn hóa văn học rất lớn lao còn lại mãi mãi của chế độ VNCH: Tạp chí Bách Khoa, 18 năm trường ở miền Nam Tự Do 1957-1975 (xin xem phần sau).

Xin quí độc giả đồng hương hãy hình dung: một cụ già "miệt vườn miền Nam", đã ngoài 90 tuổi, vẫn còn khang kiện, minh mẫn, vẫn lái xe, vẫn còn nhớ "vanh vách" thời niên thiếu và dặm trường thăng trầm của một đời người và đất nước gần một thế kỷ trong máu lửa ngút ngàn mà cụ là chứng nhân, cũng là một nhà văn, một nhà văn hóa, một họa sĩ tài tử, một nhà doanh nghiệp lớn, một du sinh VN thế hệ đầu tiên tốt nghiệp Đại học Mỹ thập niên 1950, cụ còn là nhà cách mạng văn hóa xã hội đã sáng lập hệ thống các trường Bách khoa Bình dân ở Sàigòn và nhiều tỉnh miền Nam và Huế. Niên khóa đầu tiên 1955-56 cho đến niên khóa cuối cùng 1974-75: Đó là nhân sĩ Huỳnh Văn Lang, một trong hai lãnh tụ đảng Cần Lao (Đệ I VNCH) còn tại thế, "tự điển sống" của miền Nam trước năm 1975. Vượt trên tất cả là tạp chí Bách Khoa (một tháng xuất bản 2 kỳ) mà cụ Huỳnh sáng lập, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho đến năm 1963 do cụ bị cầm tù vì chính trị, Bách Khoa trao cho ông Lê Ngộ Châu làm chủ nhiệm. Trên thực tế chủ nhân Bách Khoa vẫn là cựu CN Huỳnh Văn Lang, với tòa soạn ở căn nhà 2 tầng khang trang do cụ Lang tự bỏ tiền ra mua với giá 175,000 $ (hối suất đô la bấy giờ, 1957, một đô ăn 35 $VN). Bách Khoa là tạp chí văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học và kinh tế... có tuổi thọ dài nhất, 18 năm (Nam Phong tạp chí 17 năm) kể từ số ra mắt ngày 15-1-1957 đến số cuối cùng trước ngày VNCH sụp đổ, tổng cộng 426 số (NPTC được 117 số).

Bách Khoa là tạp chí đầu tiên và duy nhất sống dư giả nhờ lợi tức quảng cáo của các ngân hàng và các xí nghiệp lớn công, kỹ nghệ đăng quảng cáo thường xuyên do uy tín của CN Huỳnh Văn Lang, là bạn của các chủ nhân đại công ty như hãng bia BGI, Lucia, Mélia, Bastos cùng các ngân hàng lớn. Tự Bách Khoa mỗi kỳ bán được từ 4,500 đến 5,000 số. Trong đời HVL kể như có số "đại phú do thiên", làm gì, ở ngành nào, cụ cũng thành công rực rỡ. Thời Lê Ngộ Châu trông coi Bách Khoa, chủ nhân Bách Khoa HVL cũng là chủ nhân của Đại Á ngân hàng, Đông Phương đại công ty, độc quyền nhập cảng xe Honda thì làm gì Bách Khoa không mạnh và trường thọ. Tạp chí Bách Khoa không phải của bất cứ ai hay do đâu tài trợ mà chỉ do một chủ nhân HVL, liên tục 18 năm, cụ "say mê" Bách Khoa như người tình chung muôn thuở. Và Bách Khoa là sự nghiệp văn hóa còn mãi của VNCH (xin đón đọc Cao Thế Dung, "Sự nghiệp văn hóa văn học trong sáng, dân tộc, nhân bản và khai phóng của tạp chí Bách Khoa" trong Chế độ VNCH - Lịch sử và hệ lụy (1955-1975) - bản lay-out, chương V (có dịp sẽ trích đăng trên mục này).

Xin quí độc giả hãy hình dung, một lão niên ngày ngày ngồi trước bàn máy say mê trước tác và sáng tác, tự trình bày lay-out, đã tự xuất bản được sáu tác phẩm. Một trong mấy bộ tâm đắc nhất: Ký ức Huỳnh Văn Lang, T. I, 653 trang (2011), T. II, 839 trang (2012). Với 1492 trang khổ lớn, bằng ấy trang là bằng ấy sự thật, tâm tư và tâm tình chất ngất hòa quyện lại một tiếng Việt Nam rất mực đượm nồng yêu thương của một đời người mà tự bản thân đã là bản trường ca dân tộc giao lưu từ Miệt Vườn đến Sài Thành, Tây Nguyên và Hà Nội. Huỳnh phu nhân vốn là giai nhân Thăng Long. Tuy xuất thân là công tử con nhà đại điền chủ với hàng ngàn mẫu ruộng lúa ở Trà Vinh, 2000 mẫu ruộng ở Cái Sắn, Rạch Giá nhưng Huỳnh công tử lại sớm có ý thức xã hội, tự nguyện dấn thân vào chốn bình dân. Tuy là Công giáo nhiệt tín thuần thành, nhạc gia lại là con nhà Phật (đại phú gia Đức Âm, Hà Nội Sàigòn). Ký ức Huỳnh Văn Lang là di sản văn hóa và lịch sử của thời đại trong một đời người sống động trong gần một thế kỷ nhiễu nhương mà bản thân tác giả đã vượt qua mọi nhiễu nhương để sống với tự hào và trong sáng tự thân của người Miệt Vườn, tự thân của tự hào dân tộc Việt. Với văn phong chân thành, tươi sáng, đơn sơ mà hồn hậu. Xin ân cần giới thiệu cùng quí đồng hương. Hỏi mua, liên lạc thẳng với tác giả: Mr. Huynh Van Lang, 9851 - Bolsa Ave. Spc. 108, Westminster, CA 92683, T. I 25$US, T. II 35$US.

HÀ NHÂN VĂN
(21/7/2012)

http://www.tapchithegioimoi.com/tm.php?recordID=3566

No comments:

Post a Comment